Một góc nhìn nơi Vườn hoa Quốc gia Hoa Kỳ

Ngày đăng: 4/04/2013 10:58:41 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

 

  Trước khi bước vào khối nhà liên hợp có tên là United States Botanic Garden- Vườn Bách thảo Quốc gia. Trong bụng của Lúa đinh ninh, vùng D.C. mùa đông lạnh lẽo đâu kém vùng PA. của mình, thông số thời tiết chênh lệch khoảng tám-chín trên mười chớ mấy. Vậy thì cây cối được trồng trong khu nhà nầy chắc là được chọn lựa hạn chế. Mình còn nghĩ thêm ra nhiều cảnh tượng ly kỳ, trong khu nhà kính sẽ có những chậu sành sứ lộng lẫy cho xứng đáng hơi hám thủ đô. Trên những chậu sơn son thếp vàng đó sẽ có những cây được người ta nuôi dạy, cắt tỉa từ li từ tí để trở thành rồng bay phượng múa, kỳ lân dị súc. Hay ít ra cũng là những cây bonsai trăm tuổi mà thu người rút dạng tí nị như em bé còi cọc lên hai.  Hoặc thông thường đại chúng như là những thân cây mang trên đầu nhiều tầng tàng lọng hay những khối tròn vo lớn bé không đều, mà mình đã từng vô cùng khâm phục những bàn tay và óc sáng tạo phù phép của các nghệ nhân hoa kiểng. 

       Thật ngỡ ngàng, và cũng thật tội nghiêp cho cái ý tưởng thô thiển “kỳ hoa dị thảo, độc bản hiếm hoi, cầu kỳ lắc léo” đang đóng cứng trong tâm tưởng của mình. Lúa tôi bước vào Vườn Bách thảo bên trong khu nhà kính với cảm giác nhẹ nhàng thân thiết như đi trên mảnh vườn nhà mình nơi quê cũ, như đang bước trong mơ trở lại một góc vườn um tùm cây lá quê ngoại quen thuộc thuở ấu thơ. Mình bị thu hút tức thì trong khu vườn cây không bị ảnh hưởng bên ngoài nắng hè hay đông đá. Nơi đây chỉ thiếu mùi bùn bụi, mùi thân cây mục rữa, thiếu tiếng chim trao trảo chí chóe dành ăn và mùi ổi chín thơm lừng trong nắng sáng. Chắc cũng vì lý do sức khỏe công cộng, nên đáng tiếc nơi đây cũng thiếu vắng tiếng rền rỉ côn trùng, thiếu mùi bông cam bưởi, bông dầu thơm, lúc thoang thoảng lúc ngạt ngào như ở một miền quê êm đềm, thanh bình thời xa xưa lắm. Còn lại hiển hiện là những loại thảo mộc hầu như rất quen mắt một nông dân xuất thân từ quê hương bốn mùa nắng ấm như mình. Chúng được trồng thẳng trên đất, tuy chen chúc dưới những mái nhà lồng kiến nhưng không dầy đặc rối rắm, thân cành lá được phát triển tự do như sống giữa đất trời hoang vu nào đó. Người phục vụ chỉ săn sóc việc vun phân tưới nước, giúp đở điều hòa nhiệt độ và mở loại đèn nuôi cây nhân tạo trong những ngày âm u thiếu nắng, mục đích kích thích lá cành mọc mạnh xanh biếc tự nhiên, chớ không uốn nắn hay can thiệp vào bất cứ cành ngang hay nhánh dọc. Cộng đồng thực vật ở đây được phân bổ theo nhóm họ cho dễ săn sóc về môi trường sinh sống đặc trưng. Ngoài ra không thấy có sự đối xử phân biệt theo kiểu cách “loài hoa vương giả hay hoa đồng cỏ nội”, hoặc là đánh giá địa vị bởi khả năng cao sản hay tiệt sản như lẽ thường tình. 

        Vườn Bách thảo Quốc gia vùng Hoa Thạnh Đốn được thành lập năm 1820 sau nhiều năm phác thảo và xây dựng trên diện tích ban đầu là 20 ngàn mét vuông. Những năm sau đó, trãi qua những thăng trầm của các ban ngành chủ quản và liên hệ hổ tương  với các học viện thưc vật. Cơ sở nầy luôn thắt ngặt ngân sách quản lý, khó khăn về đất cát phát triển cơ ngơi vườn tược. Vườn Bach thảo chỉ khởi sắc khi người ta thu thập cây cối, lá hoa thích hơp với thời tiết từ những địa phuơng lân cận đem về trồng trên miếng đất còn nê địa. Mãi đến năm 1838, khi quốc hội Hoa Kỳ ra lệnh cho nhà thám hiểm Charles Wilkes dong buồm xuống vùng Trung và Nam châu Mỹ, và tiếp theo là những cuôc viễn thám xuyên Thái bình dương. Tháp tùng những chuyến hải hành đó còn có những nhà thực vật học, họ có nhiệm vụ sưu tầm săn nhặt hạt giống, cây con, nhánh cặm của nhiều loại thực vật khác nhau trên thế giới. Họ bảo quản kỷ lưởng đem về gây giống trên vườn Bách thảo. Thành quả đó vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay. Sau 30 năm chậm chạp phát triển, vườn Bách thảo nầy mới tạm gọi hoàn chỉnh, tuy vẫn là thua xa những vườn bách thảo lâu đời  ở một số nước châu Âu.

        Thời gian đó, đất nước Hoa Kỳ vừa trãi qua cuộc nội chiến khốc liệt. Rảnh tay được hai năm cho đến 1867, Quốc hội Hoa Kỳ chi tiền để xây dựng nhà kính cho khu vườn nầy sau những năm bị lãng quên. Đến năm 1933, vì không vừa ý chỗ cũ nhỏ  hẹp, Quốc hội quyết đinh di dời vườn hoa đến một chỗ gần đó để phát triển lớn hơn và an cư cho đến bây giờ.
        Ngoài những công ốc không dùng trưng bày thực vật, vuờn Bách thảo Quốc gia hiện có 8.000 mét vuông nhà kính. Và hàng chục ngàn mét vuông vườn cây bản địa sống được ngoài trời như vườn hoa hồng và các loại rể củ đâm chồi và ra hoa mỗi mùa xuân đến. Các vườn gieo trồng thủy vật trong khu công viên nước. Trên tổng diện tích đó cưu mang hàng ngàn mẫu vật thể thực vật lớn bé khắp nơi trên thế giới.

        Vì thời tiết, những thực vật nầy phải chịu cảnh chen chúc cảnh cá chậu chim lồng. Chúng không thể so sánh với đồng chũng đang hóa long hóa phụng trong các chậu kiểng cứng đơ nơi cung đình.  Nhưng chúng vẫn còn tự do để phát huy bản chất sinh tồn và vẻ đẹp mà thiên nhiên trao tặng từ khi sinh ra chúng.

 
Một Lúa

(3679)

3674 Những ảnh sau đây được Lúa chộp trong hệ thống nhà kính có kiểm soát nhiệt độ và ánh sáng của vườn Bách thảo Hoa Kỳ ngày 28 tháng 3 nâm 2013, lúc nhiệt độ ngoài trời vùng đó khoảng 6 độ C. Giới hạn bài viết không thể đưa hết những điều mắt thấy. 

3536   Dàn gừa rợp bóng mái đình xưa


3550      Hàng cau dẫn bước về xóm nhỏ

3652  Cây Sa kê. Vài nhóm thổ dân những đảo xa trên Thái bình dương, họ gọt vỏ bỏ ruột trái sa kê già, quết nhuyển xong ủ kín lại. Dùng chất kết dính nầy như một loại bột để làm bánh.


3637  Nghe nói nhưng chưa kiểm chứng. Ai ôm cây tre nầy 5 phút mỗi ngày liên tục 3 tháng, trị được bệnh nhức mỏi, nhức mình, nhức xương hằng đêm hoặc kinh niên.


3660  Măng tre tàu ăn ngon nhưng độc, dễ đau mình lắm


0398   Hai đệ tử sùng bái chocolate, tìm hiểu cây ca cao nầy cách nào làm ra được những thỏi sô cô la tuyệt diệu.

582  Dậu chưa đổ, bìm vội leo /T hời nay lắm chuyện “lé eo” như vầy


3628  Họ nhà Dương Xỉ được phun mù sương thường xuyên.


3594                           Lúa thấy có người đề thơ trên lá như vầy:

“Ba đô một mớ trầu cay

Sao anh không hỏi những ngày còn không

Giờ đây em đã có chồng

Anh dám mượn nợ triệu đồng chuộc thân”

3576  Lá vông gói chiếc “Lai Vung” / Tình anh gói trọn một vùng quanh em

 

                     3590  Lúa và gạo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác