Móc giỏ !

Ngày đăng: 7/04/2013 11:47:55 Sáng/ ý kiến phản hồi (14)

Gần một năm trước ngày rời xa quê mẹ để theo chồng về Thụy Sĩ, tôi gặp lại một người bạn cũ trong một quán cà phê ở Cần Thơ, chúng tôi ngồi nhắc lại những câu chuyện ngày xưa, nói về cuộc đời và số mệnh con người qua những bước thăng trầm trong những năm tháng đổi thay của lịch sử trước và sau năm 75.

Gia đình tôi gần hai mươi năm (tính trước năm 75) sống bằng nghề mua bán ở chợ Vĩnh Long, chỉ với một đôi quang gánh nhưng mẹ tôi đã tần tảo nuôi mười đứa con nên vóc, nên hình với sự chuẩn mực và đạo đức trong sáng của bà. Mười hai tuổi tôi đã theo mẹ trong từng buổi chợ, còn một buổi đến trường học, tôi thuộc làu từng con đường, ngỏ hẽm, từng khuôn mặt thân quen ở phố chợ Vĩnh Long.

Năm 1975, tôi được 15 tuổi và vẫn thường theo mẹ đến chợ mỗi ngày, nhưng ở giai đoạn này tôi chợt nhận ra một vài gương mặt của thầy cô giáo thời tiểu học không còn đứng trên bục giảng nửa mà ra giữa chợ đời tập tành mua bán, điều này làm cho tôi thoáng chút ngậm ngùi! trong số đó có cả cậu ruột của tôi, là thầy Văn Kim Hên, từng dạy trường tiểu học cộng đồng Long Thanh, ngày xưa cậu cũng mở lớp dạy luyện thi đệ thất ở phía sau dảy phố làng, cạnh nhà Hội Long Châu, Vĩnh Long trước năm 1974.

Niên khóa 79 chúng tôi làm hồ sơ thi vào Đại Học song song với hồ sơ thi tốt nghiệp lớp 12, Trong hồ sơ thi Đại Học có ghi rỏ phần đối tượng dự thi được xếp theo thứ tự từ số 1 đến số 15 (do ban tuyển sinh ghi, từ thành phần ưu tiên cao nhất số 1 và ngược lại) học sinh cũng được tự chọn cho mình một nguyện vọng thứ hai là vào một trường Trung học chuyên nghiệp nếu đủ điểm xét tuyển. Biết tôi đam mê ca hát, mẹ khuyên tôi hãy thiết thực là chọn ngành kế toán một trường trung học (làm nguyện vọng hai) vì kinh tế gia đình lúc ấy quá khó khăn, gia đình không đủ điều kiện cho chị em chúng tôi được yên ổn ở nhà mà luyện thi tiếp, theo các chị tôi thì  con số 13 – đã  “chiếu tướng” chị em chúng tôi trong bảng đối tượng dự thi, do đó không dễ dàng gì mà chúng tôi vượt qua được ngưỡng cửa bước vào Đại Học !. Thế rồi, tôi cũng được xét tuyển vào trường Trung học chuyên nghiệp theo nguyện vọng, tôi khăn gói lên đường ngay, mong sao học mau ra trường để kiếm việc làm, để mẹ không phải vất vả nhiều vì lo cho chúng tôi.

Đến Saigon, tôi mới biết trường Nghệ thuật sân khấu Trần Hữu Trang và trường TH Vật Tư 2 cùng ở quận 5 mà rất gần nhau ! Trên Đại lộ Trần Hưng Đạo, nếu hướng về Saigon, thì Trường Trần Hữu Trang nằm gần chợ Nancy và nếu hướng ngược ra Chợ Lớn thì ngay góc ngả tư Trần Hưng Đạo, ai cũng nhận ra trường Trung Học vật Tư 2 nhưng nó nằm trên con đường mang tên một danh tướng thời Trần «Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc » từ trên những dảy lầu cao của trường học, mỗi ngày với những môn học kỷ thuật và kế toán vật tư, tôi cứ nhìn qua dảy nhà cao 10 tầng của trường TH nghệ thuật sân khấu Trần Hữu Trang mà ôm lòng tiếc nuối !

Saigon cách xa nhà, ba bốn tháng trời mới dám về quê, mỗi lần trở lại  trường mẹ chỉ cho được chút đỉnh tiền, nếu mua”vé xe chợ đen” thì đắt quá gấp ba, bốn lần tiền vé xe chính thức ! Thôi thì, phải chịu khó mà đứng xếp hàng từ sáng tới trưa mới mua được vé đi (vì không phải là hệ ưu tiên như mọi thành phần khác) khi lên xe đò rồi còn qua bao nhiêu là trạm xét hỏi dọc đường, vì thế khi lên tới Saigon và đến trường thường là nửa đêm.

Có điều là mỗi lần về quê lên, mẹ cho được vài kí gạo ngon, một hộp lon « guigô » thịt khìa thơm phức, đậu mè, muối sả và đồ khô để dành ăn, cả phòng được ăn ngon vài tuần…

Tập vở thời này quý hiếm, những phần thưởng văn nghệ mà tôi được lãnh là những tập ảnh (postal) về Hà Nội và Bác Hồ, ba, bốn manh giấy thô, đen sọc ngang, vài quyển tập giấy đen xì. Vậy mà tôi cũng tằn tiện từng cuốn tập, hoặc có khi thỉnh thoảng tôi mua được vài cuốn tập giá rẻ ở Hợp tác xã quận 5, tôi cũng để dành mang về cho em gái út của tôi, là đứa em gái hiền ngoan nhất nhà, và lúc ấy năm 1980 nó đang học lớp 12 ở trường Lưu văn Liệt Vĩnh Long.

Ngày chủ nhật, tôi và các bạn thường rủ nhau lội bộ ra chợ An Đông để mua xôi nếp đậu, ăn chè thập cẩm hay chè đá đậu, bánh lọt nước dừa… Một hôm, tôi chú ý đến một sạp bán giỏ xách đủ màu, đủ kiểu được móc bằng những sợi chỉ gân tạo thành hình hoa cúc, hoa hồng, vàng, đỏ, cam nổi bậc. Tất cả các kiểu dáng này đối với tôi không khó vì những năm đầu trung học (đệ nhất cấp) trường Tống chúng tôi đã được học may vá, thêu thùa và đan, móc !

Tôi mua vài gam chỉ gân đen, vàng và xanh, về trường thực hiện cho mình một cái giỏ xách hình hoa cúc xinh xắn. Tuần sau, có dịp đi chợ An Đông, tôi lại đến gian hàng bán giỏ hôm trước để tiếp tục ngắm nhìn. Thấy tôi cứ thập thò trước gian hàng, bà chủ mỉm cười thân thiện nhìn chiếc giỏ xách trên tay tôi mà hỏi rằng tôi mua nó ở đâu ? tôi rụt rè nói là do tôi làm bằng những lọn chỉ của bà đây !

Bà có vẻ hài lòng, hỏi thăm dông dài nơi ăn chốn ở và việc học tập của tôi ở trường, rồi bà hỏi tôi có thích móc cho bà những chiếc giỏ như thế này để bán hay không ? Tôi vui mừng đồng ý !

Ngày xưa, sao người ta tin nhau đến vậy ! Chỉ nghe tôi kể là học ở trường trung học chuyên nghiệp gần đây là bà tin tưởng liền, bà cân các bó chỉ, mở sổ ghi chép và giao ngay cho tôi, bà ra kích thước, kiểu dáng và hướng dẫn sơ qua các công đoạn mà tôi phải làm. Tôi hớn hở ôm đống chỉ đủ màu về trường !

Chương trình học của chúng tôi thời ấy thường có những giờ trống vào buổi chiều, giờ rãnh chúng tôi thường tụ tập ca hát ở các phòng, đọc sách và buổi tối thì xem ti vi ở nhà ăn (thời chưa có internet và tivi chỉ mở lúc 6 giờ chiều đến 10 giờ đêm) Thế là từ đó, tôi phải cặm cụi mà móc giỏ, bớt la cà hát hò với các phòng khác trong khu nội trú, một tuần tôi cũng làm ra được hai chiếc giỏ. Khi tôi mang ra chợ, bà luôn hài lòng, để chúng lên bàn cân mà biết số chỉ còn lại, rồi tiếp tục cân chỉ mà đưa thêm cho tôi, lúc nào bà cũng tính trừ hao hụt và cho tôi thêm, nên thỉnh thoảng tôi cũng có chỉ dư thừa mà móc thêm những chiếc giỏ khác làm quà tặng cho các chị tôi ở quê nhà !

Một hôm, bà dẫn tôi về nhà bà nằm trên con đường Nguyễn Chí Thanh, đối diện chợ An Đông để hướng dẫn cho tôi cách tháo chỉ và quấn chỉ bằng máy quay cho nhanh, cũng như dạy thêm cho tôi móc vài kiểu mới như hình những con sò nghiêng, lật và úp, rẽ cánh quạt…

Từ đó, tôi đã có thêm tiền thu nhập, dù ít nhiều cũng giúp tôi phần nào cho việc cá nhân và học tập, thuở ấy điều kiện đi học ai cũng khó khăn, thế là tôi cũng bày cách cho chị bạn ở cùng phòng móc những chiếc giỏ xách để kiếm thêm tiền !

Tôi cũng không nhớ là đến bao lâu chúng tôi mới ngưng kiếm tiền với công việc nầy, nhưng có điều cho đến bây giờ, thỉnh thoảng khi nhớ về người phụ nữ ấy, tôi vẫn nhớ gương mặt hiền từ và phúc hậu của bà như in trong trí, có lẽ vì ngày ấy tôi đã nhận ra ngay những tình cảm thương mến mà bà đã dành cho tôi và muốn giúp đở tôi một cách chân tình !

Vì vậy, hôm ấy khi uống cà phê với người bạn tôi đã nói rằng : “Tại sao lớp  trẻ bây giờ có quá nhiều điều kiện mà chúng không chịu học. Ngày xưa lúc học ở Saigon biết tôi kiếm tiền bằng cách nào không ? Tôi móc giỏ để kiếm sống, nhiều người ở chợ An Đông cũng biết mặt tôi!”

Mấy hôm sau, vô tình gặp lại anh bạn này, cũng ở quán cà phê, anh nói rằng là cứ thắc mắc, bứt rứt và suy nghĩ hoài lời nói của tôi hôm trước nay xin cho hỏi lại : hôm ấy LA nói là “móc giỏ” để kiếm sống là sao ? chẳng lẽ… hổng lẽ LA….như vậy là sao ?….có phải là túng tiền, rồi …rồi đi “móc giỏ” đại của người ta mà kiếm tiền (đại khái là chôm chỉa hay là ăn cắp cũng vậy !!!)

Tôi giật mình la lên : “Trời ơi ! là móc, đan những cái giỏ thuê cho người ta rồi tính tiền công đó cha nội ! nói tiếng Việt mà còn hổng hiểu nói chi là…”

Giờ đây ở xứ người, mùa đông băng giá, tôi cũng có thể tự đan, móc cho mình những chiếc nón, khăn choàng và áo ấm mà nhớ nhiều về kỷ niệm ngày xưa còn đi học. Năm 2010 khi tôi về Việt nam thăm gia đình, chiếc giỏ xách hình con sò mà tôi đã đan móc bằng những lọn chỉ dư thừa của mình để dành làm quà tặng cho chị tôi cách đây hơn ba mươi năm, nay vẫn còn đó. Tôi cám ơn và tôn kính người xưa, những người cao niên đã dạy cho chúng tôi biết trân quý những món quà tặng tinh thần tuy rằng ngày xưa giá trị của chúng rất nhỏ nhoi.

Những giòng chữ này tôi còn ước muốn cám ơn đến các cô giáo nữ công trường Tống Phước Hiệp trong những năm học (đệ nhất cấp) cô Nguyễn thị Viên, cô Lê thị Hường, cô Cao Kim Phụng…đã dạy cho chúng tôi từng đường kim, mũi chỉ (De fil en aiguille) đan (tricoter) móc (faire du crochet) chính những thứ đó đã làm nên điều cơ bản, tính cách, sự thiết yếu cần phải có của người phụ nữ dù ở nơi đâu hay bất cứ thời đại nào.

Ngày nay, đất nước đã đi lên, xã hội đã cho chúng ta nhiều điều kiện may mắn và tươi đẹp hơn trong cuộc sống thì cũng xin ai đó chớ có mà quên những điều « tỉ mỉ, từng tí một » mà các cô giáo nữ công đã truyền đạt, dạy dỗ và hình thành nên tính cách của người phụ nữ chúng ta ! Cám ơn cuộc đời đã giúp cho chúng tôi nên người !

Loan Anh-CHS 12D3 (NK 79)

 

 

         (Năm 1980) 20 tuổi đang học trường TH VT2 ở Saigon

8327, 8318, 8374 : ba (03) cô giáo nữ công Trường Tống Phước Hiệp

 H3

h4

   Mùa đông ở Thụy Sĩ, với khăn choàng và nón do LA tự đan, móc !

7375 : Chiếc giỏ xách « Bảy sắc cầu vồng » LA thực hiện năm 2011, giới thiệu nữ công phụ xảo, văn hóa VN với người bản xứ !

 

 

Có 14 bình luận về Móc giỏ !

  1. PhươngNga nói:

    Loan Anh thân mến.  

    Rất đồng cảm với bài viết của LA.  Khi xưa mình rất ghét học nữ công, thường nhờ má làm giùm.  Có lần bị cô Hường rầy vì trong giờ học,  mình lén đọc truyện Xì Trum.  Sau 75, mình cũng “móc giỏ” để kiếm sống đó.  Móc được 3 cái là có thể mua được 1 kí thịt đó.

  2. Một Lúa nói:

    Chào bạn Loan Anh,

    Chào mừng bạn và những bài viết đầu tiên trên trang nầy.

    @PN, có lúc Lúa tui bần cùng định ra nghề “xách giỏ”, nhưng nhớ lại 2 giò của mình chỉ còn 1,75 nên bỏ ý định. Ha…ha.

  3. Hoàng Hưng nói:

        Phương Nga ơi, anh chỉ “móc một cái giỏ” của chị 9 là được một chầu nhậu rồi.

  4. Loan Anh nói:

    Chào chị PN !

    Cách đây hơi lâu LA còn nhớ là có đọc bài viết về xưỡng đan len của chị PN và cũng rất ái mộ cô giáo bộ môn Toán mà làm việc « đường kim mũi chỉ » này ! Nể phục và đồng cảm người chị có cách viết văn ví dỏm, tính cách thẳng thắn, hài hòa…LA vẫn thường đọc những bài viết của chị bấy lâu nay ! Việc đan móc bây giờ LA cũng chán rồi, già rồi mỏi mắt và cũng không có nhiều thời gian. Năm 2010, 2011 ở Thư viện thế giới vùng Suisse-Romande có mời LA tham dự chương trình văn hóa, nên LA thực hiện về những bài nử công vậy thôi !

    Chúc sức khỏe chị và rất mong đọc được nhiều bài viết hay và vui của chị trên trang nhà ! thân mến, LA

    Anh một lúa ơi ! Anh nói : « 2 giò của mình chỉ còn 1,75 » sao cái hôm đi xem voi ở Vườn thú QG Hoa Kỳ, LA thấy anh quả là « chân cứng đá mềm » thuộc hạng « top ten » mới đúng. Chúc anh nhiều sức khỏe để còn « xách giỏ » dài dài cho  « bầu đoàn thê tử ! » nghe. Thân mến chào anh.

  5. Thu Nguyệt nói:

    Loan Anh, chị TN đã biết LA qua bài viết mới đây trên trang nhà, nhưng chưa có dịp làm quen với em. Đọc qua bài này của LA, chị nhận ra mình là chỗ bà con gần – cùng học chung một ngôi trường, cậu Văn Kim Hên của LA là Thầy của chị. Chị TN đã từng ôm cặp đến nhà Thầy học ở dãy nhà phía sau phố làng, gần nhà Hội Long Châu. Lúc đó Bà Cụ còn khỏe và chị nhớ không lầm là thầy Hên có một người chị, con của chị Thầy – chị Bé Sáu, bạn của chị TN.

    Bài viết của LA gợi cho chị nhớ lại những người cô dạy Nữ công. Chính nhờ những người Cô này mà chị TN có được nửa chữ Công ( móc, đan, thêu), cộng với hoa tay của mình. Nửa chữ còn lại là do Mẹ chỉ nấu ăn cùng sự học hỏi của người khác. Và cũng nhờ các Cô của chúng mình mà LA đã kiếm được tiền, phụ vào các chi phí cho lúc đi học trong thời gian còn gặp nhiều khó khăn. LA hay quá, chị TN rất phục em.

  6. Lưu Phương nói:

     

    Loan Anh thương,

    Thật hãnh diện khi có một cô em gái giỏi như em. Trước đây chị cũng từng cực khổ nuôi con không phải bằng nghề móc giỏ mà là móc nội y cho phụ nữ

  7. TRẦN BÌNH nói:

           Chúc mừng Loan Anh có tác phẩm đầu tay hay quá (nhớ viết bài cho kỷ yếu nha , ngắn thôi )

  8. Loan Anh nói:

    Chào chị Lưu Phương !

    Mừng chị đã khỏe và trở lại trang TPH VL sau kỳ du lịch dài ở quê nhà. Cám ơn chị đã có lời khen, vì cuộc đời mà chúng ta phải cố gắng nhưng không quên ơn công trạng của những người đi trước, trong số đó cũng có chị đã từng chăm chút và gieo những hạt giống tốt tươi mà thành quả hôm nay chị đã gặt hái được đó là cháu Hải Đường.

    Chúc gia đình chị luôn vui, khỏe và hạnh phúc. Thân mến, LA

    @ Anh Hoàng Hưng ! Chúc anh « vô mánh » đều đều với mấy « cái giỏ » (của cô Chín thôi nghe !) nhưng có độ lớn đừng quên anh Cả Lần ! hi hi…

    @ Trần Bình, về « Kỷ Yếu 79 » Bộ thiếu chổ sao TB dặn mình viết ngắn hoài vậy ? chừng 150 chữ thôi (nhắc lại trong email) TB ơi ! Mình không phải là Hải Đường đâu nhe, chỉ cần vài dòng là thành tuyệt tác rồi. Tui lở « già chuyện » quá chừng, TB có thể gia hạn cho tui ra khổ trang cở tờ A 4 được không ? chứ 150 từ tui không biết tả cảnh gì đây ? Chắc là tả « con Voi dỏm » của anh Một Lúa quá hà, hi hi…   

  9. Loan Anh nói:

    Chào chị Thu Nguyệt !

    Cám ơn chị đã mở lời, vì từ bấy lâu nay có người chưa dám ngỏ lời làm quen người chị có những chương trình sinh hoạt lành mạnh, sống động và bổ ích, và cũng là BTV tích cực nhất của trang nhà. Chúng ta đều là người con đất VL, học chung trường Tống, là chổ bà con gần thì còn gì hạnh phúc hơn !

    Chị bé sáu là Chị Mỹ Liên, chị ruột của LA, thì ra là bạn của chị TN.

    Các chị ngày xưa ai cũng giỏi giang, khéo léo, Cám ơn nền giáo dục đã đào tạo các chị em Phụ nữ không những về kiến thức mà còn nghiêng về nữ công gia chánh « dường như » toàn diện (LA là người sinh sau đẻ muộn, cũng xin được hưởng ké mấy chị một chút mà thôi, vì thấy mẹ vất vả, hy sinh cho con cái nên mình phải cố gắng !)

    Cũng cám ơn chị TN nhắc lỗi chính tả, trước đây LA thường viết những chữ « dãy phố, dãy lớp, dãy nhà… » nhưng sau đó LA cũng thấy người ta viết là « dãy Ngân Hà » còn trong Wikipédia thì « dải Ngân Hà » (dấu hỏi i ngắn) vì thế mà có lẽ LA lẫn lộn giữa các dấu !

    Các anh chị trên trang nhà cũng rất thiện ý nhắc nhở thường về các lỗi chính tả, vì làm việc nhiều quá, đôi khi SOS chưa kịp nhận ra để chỉnh sửa giùm ! qua các bài viết của các anh chị và các bạn, từ nay LA tin rằng  tiếng Việt của chúng ta ngày càng trong sáng hơn theo đúng nghĩa của nó.

    Trong bài « Xem Voi » của anh một lúa, câu hài hước nhưng nhắc chính tả thật tế nhị và sâu sắc !  « ai biểu tình đả đảo thì cứ đả cho thiệt đã ».

    Thân chúc chị luôn vui khỏe và trẻ đẹp hoài hoài! LA

     

  10. Thu Nguyệt nói:

    Cám ơn Loan Anh. Biết ra em gái LA là em của bạn mình và là cháu của Thầy mình, chị TN vui lắm. Mấy mươi năm nay rồi, chị không gặp lại Mỹ Liên. Bây giờ bạn ấy sinh sống ở đâu? Nếu còn ở Vĩnh L,ong, LA có thể cho chị số phone của ML để liên lạc, gặp lại bạn bè và thỉnh thoảng đến thăm gia đình Thầy, vì chỗ ở sau này của Thầy chị TN không biết. Trong một lần nào đó chị có nghe ai nhắc đến Thầy và từ đó chị mới biết Thầy đã xa chúng ta.

    Mến chúc em lúc nào cũng vui vẻ, khỏe mạnh và nhiều hạnh phúc.

  11. KiềuOanh nói:

    Loan Anh mến, Hôm nay vào trang nhà mới đọc được bài viết của Loan Anh, KO cảm phục người bạn gái khéo tay, giỏi giang và có chí hướng. KO học lớp 12D1chỉ cách bạn một lớp mà sao mình không biết nhau nhỉ? Chắc là đúng thôi vì bước vào năm 12 là ai cũng cắm cúi học rồi, đâu có thời gian lang thang nữa! Thôi thì bây giờ mình biết nhau cũng chưa muộn há. Bài viết của Loan Anh rất hay, “pháy huy” thêm nữa Loan Anh nhé. Mến . 

  12. Loan Anh nói:

    Chào chị Thu Nguyệt!

    Cám ơn chị đã có lời thăm hỏi gia đình. Chị Liên hiện ở Vĩnh Long, chị thật sự đúng nghĩa là “hiền như Ma Soeur” nhưng sống trầm cảm, (không có “te rẹt” như LA nên…) LA sẽ tâm sự nhiều hơn với chị TN sau, trong lần hội ngộ sắp tới đây ở VN nha. Chúc chị vui, thân mến, LA

    @ Kiều Oanh thân mến! Chào cô bạn trẻ đẹp, thông minh và vui tính của trang nhà, KO mà vắng mặt ít hôm là trang nhà buồn lắm đó nghe! Lớp 12D1, 12D2, năm 79, LA cũng có một vài người bạn, bây giờ cũng lạc nhau rồi, tương lai phải nhờ TB tìm nửa đó, À! năm 12 là năm thi tốt nghiệp mà, tụi mình lo học thấy “bà cố” nhưng đi lao động “trồng và tưới cao lương” cũng thấy “bà cố tổ luôn” đâu đủ thời giờ mà học, KO còn nhớ hôn? 

    Chúc bạn luôn sáng danh “nữ hoàng vui nhộn” để trang nhà luôn khởi sắc, cám ơn lời khen của bạn, LA cũng đang cố gắng “phát huy” theo KO đó! Chúc vui khoẻ và mong được hội ngộ. Thân mến, LA 

  13. Thu Nguyệt nói:

    Loan Anh mến, chị TN hy vọng sẽ gặp em trong một ngày gần đây, khi ấy chị em mình có dịp tâm sự nhiều nhé!

     

  14. Đinh V Thạnh nói:

    Cô Loan Anh,

    Bài viết của cô thật hấp dẫn, lý thú và hữu ích. Tôi luôn trân trọng những người biết nghĩ và làm theo hướng đúng đắn. Sống theo những tiêu chuẩn mà mình cho là đúng nhiều khi không dễ, và điều đáng nói là tuy là nữ, trong một xã hội mà những hỗ trợ và dễ dãi dành cho nam nhiều hơn mà cô vẫn có những tư tưởng rất đáng ngưỡng mộ.

    Cám ơn bài viết của cô và chúc cô luôn gặp an lành trong cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác