Dzhokhar bỗng dưng nín khe….
Báo chí Việt Nam tới bữa nay thì đã mệt mỏi về vụ đánh bom kép ở Boston rồi, thế giới còn quá nhiều chuyện để nói tới trong khi điều kiện thì có hạn. Nhưng tôi xủ quẻ thì thấy có không ít bạn bè của mình vẫn mắc cái chứng như tôi là muốn theo dõi diễn biến cái vụ bị can Dzhokhar Tsarnaev mới 19 tuổi đang “một mình chống tất cả”. Vì vậy, tôi tiếp tục ráng tìm thông tin mới về phục vụ hén.
16 tiếng đồng hồ sau khi các nhà điều tra Liên bang bắt đầu thẩm vấn mình, Dzhokhar bỗng dưng nín bặt. Hỗng lẽ hỗm rày tích cực khai dữ quá nên bây giờ mỏi tay? Vết thương cảnh sát bắn nơi cổ họng vẫn chưa cho anh ta nói. Hãng tin Mỹ AP (25-4-2013) giải thích: Dzhokhar đã lập tức ngừng nói sau khi một quan tòa và một đại diện Phòng Công tố Mỹ tới tận phòng của bị can trong bệnh viện để đọc cho anh ta nghe quyền Miranda mà các công dân Mỹ được hưởng theo Hiến pháp Mỹ. Theo quyền này, nghi phạm hay bị can là công dân Mỹ có quyền giữ im lặng và có quyền được luật sư bào chữa. Mấy bữa trước, cơ quan điều tra đã áp dụng ngoại lệ (cũng theo Hiến pháp) để tước bỏ quyền Miranda của Dzhokhar với lý do đang có nguy cơ an ninh công cộng. Nay thì họ đã giải quyết được các câu hỏi ưu tiên hàng đầu với kết quả: hai anh em Tsarnaev không đánh bom theo lệnh của bất cứ tổ chức khủng bố nước ngoài nào, không có đồng bọn và không còn trái bom chưa nổ nào.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã quyết định không xếp Dzhokhar vào loại “chiến binh của kẻ thù” (enemy combatant) – nghĩa là không bị coi là phần tử khủng bố nước ngoài. Anh ta sẽ được hưởng quy trình tố tụng như bất cứ một công dân Mỹ nào.
Trước khi được giải thích quyền Miranda của mình, ngay khi vừa hồi tỉnh vào tối 21-4, Dzhokhar đã bắt đầu trả lời bằng cách viết đối với các câu hỏi của nhân viên thẩm vấn – được nói là được chọn trong số những nhà điều tra khủng bố giỏi nhất của Liên bang. Anh ta có nói là mình cũng chỉ mới được người anh Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi, tuyển mộ gần đây để giúp thực hiện vụ đánh bom cuộc đua Boston Marathon ngày 15-4-2013. Người ta cũng đã biết được các quả bom được chế bằng nồi áp suất này (pressure-cooker bombs) đã được kích hoạt từ xa bằng thiết bị điều khiển từ xa dùng trong các loại xe hơi đồ chơi (toy car). Với loại remote này, kẻ kích hoạt không thể ở quá xa.
Ngay sau khi xảy ra vụ đánh bom làm 3 người chết và hơn 260 người bị thương, nhà chức trách Mỹ cho biết toàn bộ hệ thống tình báo Mỹ chẳng hề có một thông tin gì là sự kiện thể thao này sẽ bị đe dọa.
Chà chà, chính cái chi tiết này đã làm cho cơ quan FBI hỗm rày bị nhiều nghị sĩ Mỹ cho ngồi trên đống lửa. Họ đặt ra hàng loạt câu hỏi cho cách làm việc của FBI.
Hồi đầu năm 2011, cơ quan an ninh Nga FSB đề nghị FBI chia sẻ thông tin về Tamerlan, một thường trú nhân ở Mỹ có quốc tịch Nga, gốc gác từ vùng Chechnya vốn là nơi rất nguy hiểm và phức tạp với các phong trào Hồi giáo cực đoan ly khai. Phía Nga cho biết gần đây anh ta trở nên sùng đạo một cách đáng ngạc nhiên và đã trở thành một tín đồ Hồi giáo cực đoan. Thậm chí, FSB còn cho FBI biết Tamerlan chuẩn bị về quê hương là tỉnh bán tự trị Dagestan ở khu vực Bắc Caucasus (Nga gọi là Kavkaz) để gia nhập một tổ chức bí mật. FBI đã thẩm vấn Tamerlan đang sống tại Cambridge (bang Massachusetts) và tới mùa hè 2011 thì đóng hồ sơ lại sau khi không tìm thấy anh ta có mối quan hệ nào với khủng bố nước ngoài. Mặc dù cách đây 18 tháng, Tamerlan đã bị Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA đưa vào cơ sở dữ liệu tuyệt mật của những đối tượng mà Mỹ coi là có khả năng nguy hiểm, nhưng các hệ thống an ninh và tình báo Mỹ có vẻ bỏ lửng anh ta. Thậm chí cho tới khi phát hiện hai người khả nghi từ băng ghi hình giám sát ở khu vực nổ bom, FBI cũng chẳng biết đó là ai, trong khi thực tế đó là hai anh em Tamerlan. Tháng 1-2012, Tamerlan rời Mỹ về sống ở Dagestan suốt nửa năm, tới giữa tháng 7-2012 mới trở lại Mỹ. Vậy mà cho tới sau khi xảy ra vụ đánh bom, FBI cũng chẳng hề biết nghi phạm đã làm gì trong thời gian ở quê nhà rất phức tạp đó. (Cách đây mấy ngày, các nhân viên điều tra Mỹ đã cất công tìm tới tận tỉnh Dagestan của Nga để gặp cha mẹ nghi phạm tìm hiểu thông tin.) Rồi sau khi trở lại Mỹ, Tamerlan trở nên hung hăng bài Mỹ tới mức nổi đình đám trong cộng đồng Hồi giáo ở Boston mà cơ quan an ninh cũng chẳng có động thái gì. Giờ đây, một số nghị sĩ Mỹ thắc mắc tại sao FBI không thẩm vấn lại Tamerlan sau khi anh ta từ Nga trở lại Mỹ? Tại sao một kẻ có nhân thân phức tạp và ẩn chứa nguy hiểm như vậy mà không được giám sát, đặc biệt khi Boston tổ chức sự kiện thế thao lớn quốc tế như vậy? Các quan chức FBI biện minh rằng: danh sách các đối tượng nguy hiểm đối với Mỹ đó đông tới 500.000 người, làm sao họ theo dõi từng người cho nổi. Thôi thì đó là họ biện minh mà.
Sau khi báo cáo ngắn với Hạ viện và bị quy tối tăm mặt mũi, vào ngày 25-4, FBI có kế hoạch báo cáo với Thượng viện về quá trình điều tra. Cũng trong ngày này, ông Anzor Tsarnaev và bà Zubeidat Tsarnaeva (cha mẹ bị can Dzhokhar và nghi can Tamerlan) đã có kế hoạch từ Nga bay sang Mỹ. Ông Anzor, một luật sư di dân sang Mỹ từ năm 2001 và mới về Nga gần đây, nói rằng mình muốn tìm công lý cho con trai. Gia đình muốn đưa xác Tamerlan về Nga an táng.
Có lẽ các cơ quan an ninh Mỹ sẽ không khai thác được gì nhiều từ bị can Dzhokhar bởi ngày càng có nhiều hé lộ cho thấy mọi chuyện do Tamerlan chủ mưu, tay em chỉ là kẻ bị anh mình tác động. Gia đình nói rằng trước nay Dzhokhar luôn tuân phục anh mình một cách tuyệt đối, coi những lời của anh mình là luật phải tuân theo. Ngoài ra, Dzhokhar chỉ là một tín đồ Hồi giáo bình thường, không phải là người sùng tín.
Bây giờ cũng nảy sinh những câu hỏi về trường hợp bắt Dzhokhar. Những tấm ảnh mới công bố cho thấy chiếc thuyền mà anh ta trốn chi chít vết đạn cảnh sát bắn. Báo Anh Daily Mail (22-4) dẫn lời cảnh sát Mỹ cho biết vết thương nơi cổ họng của Dzhokhar là do anh ta tự sát. Anh ta kê súng ngắn vào miệng mình rồi bóp cò, nhưng viên đạn lại trổ qua họng thay vì đi lên não. Có ít nhất một trong những vết thương nơi chân của anh ta là trong vụ đấu súng với cảnh sát khi bị truy đuổi nửa khuya về sáng 19-4. Cảnh sát cũng đã tịch thu được tại hiện trường vụ đấu súng khẩu súng mà Tamerlan đã dùng để bắn bị thương nặng một viên cảnh sát truy đuổi mình. Hãng tin Mỹ AP (25-4) cho biết các quan chức cảnh sát cho biết không tìm thấy khẩu súng nào trong chiếc thuyền mà Dzhokhar trốn. Khi bị bắt, anh ta đã kiệt sức rất nguy kịch vì mất quá nhiều máu. Mà cho dù súng có bị quăng đi đâu thì chắc chắn đã được cảnh sát tìm thấy khi họ lục soát chung quanh. Trước đó, Ủy viên Cảnh sát Boston là Ed Davis cho biết có những phát súng bắn ra từ chiếc thuyền. Nhưng bây giờ khi được hỏi liệu nghi phạm có súng trên thuyền đó không, Davis trả lời: “Tôi sẽ không đề cập về chuyện đó.” (I’m not going to talk about that). Nhà chức trách trước đây cho biết Dzhokhar đã đấu súng (exchanged gunfire) với họ suốt hơn 1 tiếng đồng hồ vào đêm 19-4 trước khi họ bắt được anh ta. Nhưng hai quan chức Mỹ ngày 24-4 cho biết Dzhokhar không có vũ khí gì khi bị bắt. Vậy thì thực chất vụ nổ súng như mưa đó phải chăng chỉ do cảnh sát trút đạn?
Thôi để mai tám tiếp hén.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 25-4-2013)
Ngày 24-4, đường Boylston Street ở thành phố Boston (bang Massachusetts) đã được lưu thông trở lại lần đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ đánh bom kép tại cuộc chạy đua Boston Marathon chiều 15-4-2013. Một đài tưởng niệm tạm thời cac nạn nhân đã được dựng tại vị trí nổ quả bom đầu tiên ở Quảng trường Copley. Người ta đã viết những dòng tưởng niệm đặt hoa, treo những đôi giày chạy đua,… Mọi việc trở lại như trước. Cuộc sống vẫn phải tiếp tục. (Ảnh có trên Internet. Thanks.
H2 đài tưởng niệm “dả chiến”
Không biết người Mỹ sợ ma không, sao ban ngày mà vắng quá. Nếu ở VN thì phố này buổi tối đông đúc lắm. Họ đi xin số đề để ngày mai đánh