Dư âm một vụ nổ bom (Kỳ 1)

Ngày đăng: 27/04/2013 01:29:44 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

 

Đất nước nào cũng có những tai nạn cháy nổ do thiên nhiên hay do con người cố ý hoặc vô tình gây ra. Đất nước càng rộng, con người càng đông, phương tiện cơ sở sản xuất càng phát triển, chính trị xã hội càng đa dạng, thì cơ hội xảy ra thảm kịch càng nhiều. Sự phát nổ có điều khiển của hai trái bom tự chế gài dọc đường chạy Marathon, vị trí gần ngay đích đến, nơi mà ban tổ chức cuộc đua dựng rừng cờ các quốc gia có các vận động viên tham dự và trên vĩa hè là đám đông khán giả háo hức tụ họp dài theo khu phố sầm quất trong Thành phố Boston chiều thứ Hai, 15-4-2013. Âm vang tiếng bom không lớn lắm nhưng sự thương vong nhân mạng làm cho cả nước Mỹ thương tâm và lo lắng. Tuy bản chất dân tộc Mỹ cứng cỏi, không dễ chịu thua nghịch cảnh. Nhưng cũng có số ít người trong lòng mang nỗi ám ảnh, không biết từ nay về sau còn chuyện giết người không lý do như vầy sẽ còn xảy ra nơi vui chơi công cộng nào khác nữa hay không.

        Người ta thấy được chính phủ Mỹ đặt tình huống “thảm họa Marathon” ở một tầm mức vô cùng quan trọng. Hội đồng An ninh Quốc gia được triệu tập và có thể chính phủ đã sẵn sàng cho những đối sách ở mọi cấp độ cần thiết. Nhưng là một quốc gia có vai vế trên thế giới, có tiếng nói chững chạc, minh bạch và để tránh mọi nguyên nhân gây chia rẻ cộng đồng dân chúng và quốc tế. Ngày đầu tiên của sự việc, chính miệng Tổng thống Obama thề sẽ đưa những người gây án ra công lý và yêu cầu dân Mỹ đừng vội chụp mủ, võ đoán mà qui kết cá nhân hay tập thể đằng sau vụ án. Sáng thứ Năm, trong buổi thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân vụ nổ có sự tham dự đa tôn giáo tại một nhà thờ Ky-tô giáo ở Boston, ông Obama lặp lại quyết tâm tìm ra tội phạm, và để trấn an dân chúng ông cho rằng kẻ chủ mưu gây án chỉ là “cá nhân” trong diễn từ ngắn ngủi của ông. Mặc dù bộ chỉ huy nhóm điều tra chưa thể trả lời cá nhân đó là ai, động lực giết những người vô tội của họ là gì. 

       Buổi chiều thứ Năm, dù những nhân viên an ninh đang dốc toàn lực điều tra vụ án. Trong buổi họp báo chiều hôm đó, nhân viên an ninh cũng chỉ có thể đưa một số hình ảnh tình nghi hai thanh niên mang những chiếc túi có thể dùng che dấu những trái bom. Mục đích việc công bố trên hệ thống truyền thông với những băng ghi hình chỉ ra hai nghi phạm có mức độ tình nghi cao nhất, nhằm yêu cầu người dân trợ giúp. Cũng không thể biết tác dụng của buổi họp báo có phải mong muốn “rung cây cho chim bay ra” hay không. Nhưng kết quả cho thấy, chỉ vài tiếng đồng hồ sau, hai nghi phạm nầy bắt đầu bay ra khỏi vùng an toàn của họ hỗm nay. Ngay cả nghi phạm 19 tuổi, Dzhokhar Tsarnaev vẫn còn nhởn nhơ đến lớp học sau ngày gây án cho đến  thứ Năm ở trường Đại học UMass. Và nghi phạm 26 tuổi, Tamerlan Tsarnaev cũng an nhàn ở nhà riêng, dù hắn từng bị FBI hỏi thăm hồi năm 2011.
        Có thể với một tâm lý thù hận, hoăc họ nghĩ rằng đang bị bủa vây đuổi rượt cùng đường. Đêm thứ Năm lúc ra ngoài phố để làm một việc gì đó, hai nghi can gài bom nầy đã nã đạn một cách tàn nhẫn vào người viên cảnh sát MIT còn ngồi bên tay lái trong chiếc xe cảnh sát đậu trong vùng phụ trách của ông ta, mà người ta chưa biết lý do. Cũng có thể hai nghi can nầy đã có dự định đào thoát ra khỏi Boston ngay trong đêm đó. Kế hoạch đào vong khiến họ chĩa súng cướp xe Mercedes SUV, ép buộc chủ xe dùng thẻ của ông ta rút tiền mặt tại một máy ATM. Trong khi người anh khống chế nạn nhân, người em chuyển hành trang và vũ khí từ chiếc xe Honda Civic nhỏ bé của họ, người em lái một mình trên xe hình như tìm chỗ dấu tông tích chiếc xe của họ. Trên đường đi đến điểm hẹn của hai nghi can, người chủ xe Mercedes lừa thế mở cửa nhảy khỏi xe chạy thoát. Tại trạm xăng gần đó, người chủ xe bị cướp gọi điện thoại báo cảnh sát, và cũng nhờ chiếc cell phone của người nầy bỏ lại trong xe, cảnh sát dùng thiết bị trắc sóng vô tuyến để tìm ra vị trí chiếc Mercedes.

        Bởi những hành động gây án mới nhất của anh em nghi can trong đêm đó, dẫn đến cuộc truy lùng và cuộc đấu súng bùng lên khi cảnh sát khám phá ra chiếc xe đánh cắp ngay vùng Watertown, cũng còn trong nội vi Boston. Lúc đó khoảng gần 1 giờ sáng thứ Sáu 19-4-2013. Cuộc chạm súng dữ dội, đêm đó anh em nghi can sử dụng bom giống như loại xài hôm thứ Hai và bom ống tuýp. Cả hai chống trả lực lượng an ninh tới viên đạn cuối cùng, cảnh sát nhào đến đè vật nghi can lớn tuổi xuống mặt đường. Nghi can người em thừa cơ nhảy lên chiếc Mercedes phóng vào đám người trên lộ. Toán cảnh sát nhảy dạt vô lề, chiếc xe lao tới cán qua thân mình nghi can người anh lôi đi một khoảng. Người ta chưa nói rõ nghi can người anh chết tại bệnh viện là do những vết thương trí mạng lúc bắn nhau, do xe cán chà hay do cả hai cộng lại. Riêng nghi can người em chạy thoát cuộc bao vây một khoảng ngắn. Hắn bỏ xe trên đường, một mình lội bộ trong đêm khuya tìm chỗ ẩn minh.

        Khoảng 6 giờ 30 chiều thứ Sáu, cư dân vùng Watertown cả ngày bị tù túng trong nhà theo lệnh của Thành phố. Dân cư một căn nhà số 67 trên đường Franklin tình cờ đứng phía sau cửa sổ lầu nhìn xuống chiếc tàu nhỏ đang nằm trên dàn kéo đậu trên sân sau. Ông thấy tấm vải bạt che tàu bị rách một mảng lớn. Ông bước ra xem và khám phá một người nằm bất động trong khoan tàu. Được thông báo qua hệ thống gọi khẩn cấp 911, cảnh sát tức tốc kéo đến. Khoảng gần 2 giờ trao đổi bom tự chế, súng đạn và đàm phán giữa nghi can và cảnh sát, nghi can Dzhokhar Tsarnaev, đầu hàng lực lượng an ninh hùng hậu vào lúc gần 9 giờ tối. Một lực lượng mà người dân ít thấy xuất hiện như các đội chống khủng bố trang bị phương tiện tác chiến hiện đại với các vũ khí mạnh và tự động, các chuyên viên chất nổ thượng thặng, các tay bắn sẻ bá phát, các xe bọc thép chạy trên đường phố, đội chó nghiệp vụ v…v. Đặc biệt trong cuộc truy lùng nghi phạm bắt đầu sáng nay, lực lượng an ninh sử dụng máy bay trực thăng trang bị kỷ thuật chụp hình thân nhiệt bằng tia hồng ngoại.

        Trong khoảng gần kết thúc của công cuộc truy đuổi nghi can Dzhokhar, vài nhà làm luật Quốc hội Mỹ lên tiếng đề nghị lực lượng an ninh không cần áp dụng Lời cảnh báo Miranda khi đối mặt với nghi phạm nguy hiểm nầy. Luật Miranda nhằm bảo vệ quyền con người lúc chưa bị tòa án phán quyết có tội, nhằm mục đích bảo vệ con người không tự kết tội mình trước sự áp đảo của hệ thống hành pháp. Lúa xin được nhắc lại khái quát một tí về Miranda Right. Năm 1963, Miranda bị bắt vì tội bắt cóc và cưỡng dâm. Ông nhận tội, nhưng không được báo cho biết về quyền im lặng của hiến pháp. Trước khi quan tòa phán quyết vụ án của ông.  Miranda kiện ngược lên Tối cao Pháp viện và thắng Tiểu bang Arizona về quyền im lặng và quyền có luật sư khi bị thẩm vấn. Từ đó Lời cảnh báo Miranda như là một thủ tục cần thiết mà nhân viên công quyền phải áp dụng khi bắt giữ một nghi phạm.

        Ngày thứ Sáu 19-4-2013, trong lúc thế giới đang theo dõi cuộc vây bắt nghi phạm Dzhokhar Tsarnaev tại Thành phố Boston. Tại một địa phương cách đó gần 400 miles về hướng nam,  hệ thống truyền thông nhạy bén của Mỹ kéo đến trước cửa nhà người chú ruột của 2 nghi can tại Tiểu bang Maryland. Sắc mặt giận dữ và không hài lòng, ông Ruslan Tsarni trả lời các phóng viên. Theo ông, người Hồi giáo không chủ trương bạo động hay giết người. Gia đình ông là những người có đạo đức, ông cám ơn người Mỹ cưu mang gia đình ông từ một đất nước có bạo loạn. Điều mà ông nghĩ ra cho hành động của hai đứa cháu lúc đó, “chẳng qua bị thua cuộc, thù ghét những người có đời sống khá hơn”. 
        Cũng mới đây nhất, ông chú Ruslan tuyên bố trên TV là hai đứa cháu ông bị người ta “tẩy não”. Có phải ông thật thà như vậy, hay là ông mong muốn lịch sử của nữ gián điệp Triều tiên lập lại cho đứa cháu ông. Bà Kim Hyon-Hui người Triều tiên, đồng tác giả với một người đàn ông Triều tiên khác, gài chất nổ chuyến bay 858 của Korean Airlines (Hàn quốc) trên đường từ Baghdad về Seoul năm 1987, nổ tung trên mây, lấy mạng 115 người bay theo gió. Bà Kim bị chính phủ Hàn quốc kết án tử hình. Nhưng sau đó bà được Tổng thống Roh Tae-woo tha bổng vì cho rằng bà bị chính phủ Triều tiên “tẩy não”. Vị Tổng thống Hàn quốc đó cũng khó khăn trong làn sóng chống đối của gia đình nạn nhân và của dân chúng. Và cũng khó khăn bảo vệ mạng sống của người con gái 25 tuổi lúc đó, bị đe dọa tứ phía, nặng nhất là ngay từ quê hương cô ấy.                        

      Khác với lời lẽ ông Ruslan, người em gái của ông cũng là cô ruột của hai nghi can. Trước hệ thống truyền hình Canada, bà cô nầy hết lời ca ngợi tánh tình tốt lành của hai đứa cháu trai. Bà tuyên bố vụ việc “bom nổ ở Boston được người ta dàn cảnh”. Bà cũng khuyên các nhân viên điều tra ở Mỹ hãy “tin lời của bà”. 

        Cùng khoảng thời gian xảy ra biến động ở Boston, phóng viên cũng đưa hình ảnh cha mẹ nghi can từ Dagestan, thuộc Nga, chiếu trực tiếp trên truyền hình Mỹ ngày thứ Sáu, người cha và mẹ của hai nghi phạm lần lượt tuyên bố có vẻ “gài thế” hơn là thực tế. Ông ta cho rằng “lực lượng an ninh giết con trai ông là hèn nhát, các con trai ông bị ảnh hưởng của người khác”. Cũng mới đây người mẹ các nghi can tuyên bố trên truyền thông, “các con của bà chết là do mang đạo Hồi”. 

        Ngày thứ Bảy 20-4-2013, Tổng thống Nga, Putin, trong một cuộc họp báo ở Moscow, gởi lời chia buồn đến dân Mỹ và Tổng thống Obama. Ông Putin cũng đề nghị nhân viên điều tra vụ án chia sẻ thông tin của nghi phạm cho người Nga. Có lẽ người Nga chưa quên việc khoảng 50 tay súng quyết tử người Chechens đột nhập cầm giữ 850 khán giả làm con tin trong hí viện Dubrovka ở Moscow ngày 23-10-2002. Công cuộc mưu toan nhằm yêu cầu người Nga rút khỏi Chechnya, tàn cuộc thất bại về phía phiến quân. Kết quả sau 2 ngày rưỡi bị bao vây, hầu như 50 phiến quân nam nữ người Chechens bị tiêu diệt, 130 khán giả con tin mất mạng. Điểm đặc biệt trong vụ nầy là nhóm phiến quân từ lúc ban đầu đã hứa thả 75 người nước ngoài của 15 quốc gia khác hiện diện trong hí viện, một điều chưa nghe thấy ở những cuộc khủng bố, khống chế, bắt bớ con tin trước đây trên thế giới.
        Trong luồng suy luận các nghi can được huấn luyện từ nhóm Hồi giáo cực đoan kêu gọi Thánh chiến ở miền nam nước Nga. 
Người ta moi ra được rằng, trước đây hệ thống chống khủng bố của Nga đã thông báo cảnh giác an ninh Mỹ để mắt đến nghi phạm Tamerlan. Và Cục điều tra Liên bang đã “hỏi thăm” anh chàng nầy hồi năm 2011. Có lẽ không thấy khả nghi nên họ đóng hồ sơ. Vì vậy mà nhân viên an ninh Mỹ không ngó ngàng gì về chuyến về Nga 6 tháng của anh ta năm 2012. Ngay cả anh ta cũng không có tên trong sổ “bìa đen” của ban phá án “bom Marathon”.

        Chúa nhật 21-4-2013 hệ thống truyền hình Mỹ đồng loạt trưng hình của nghi can người anh để mặt trần chụp hình chung với các tay súng thánh chiến trong đồng phục có in 2 thanh gươm gát tréo trên ngực áo, nhóm người kia trùm mặt tay ôm súng tiểu liên. Liền sau đó nhóm kêu gọi Thánh chiến nầy nhắn tin trên hệ thống truyền thông rằng họ không đứng sau lưng vụ nổ bom ở Boston. Bức ảnh kia chỉ là họ cùng học “chung khóa” với nghi can nầy mà thôi. Họ khẳng định rằng họ chỉ chống người Nga chớ không chống người Mỹ. Lác đác đâu đó người ta còn nghe được tiếng cười nhạo báng của người Nga, “người Mỹ giúp Chechnya giành độc lập từ người Nga những năm 1991, bây giờ người Chechens đang trả ơn cho người Mỹ đó”. 
        Trong một cuộc phỏng vấn những nhân viên an ninh tham gia vây bắt nghi phạm Dzhokhar ở Watertown, đêm đó toán an ninh không dùng vũ khí mạnh để tàn sát nghi phạm. Vết thương ở cổ họng có thể do vết cắt bằng vật sắc bén hơn là đạn, là nguyên nhân dẫn đến việc không nói được của nghi phạm có thể là do trận đấu súng rạng sáng thứ Sáu. Nhóm nầy nói thêm, nếu đêm đó không ai tìm ra, nghi phạm nầy sẽ chảy khô máu mà chết cô đơn trong chiếc tàu đậu trên sân cỏ.

        Thứ hai 22-4-2013, lúc 2 giờ 50 chiều (EST), đúng giờ 2 quả bom nổ trong tuần trước, Thành phố Boston tổ chức một buổi lễ tưởng niệm những nạn nhân ngay trên hiện trường. Cùng một lúc người ta cũng thấy nhiều nơi nổi tiếng hưởng ứng một phút mặc niệm như, Sở Giao dịch Chứng khoán New York, Quốc hội Mỹ, ông chủ Nhà trắng đang ngồi tại văn phòng bầu dục, cũng đứng dậy cúi đầu buồn bả.  
        Cũng ngày nầy, hệ thống tư pháp Hoa Kỳ định truy tố nghi phạm Dzhokhar Tsarnaev ngay trên giường bệnh viện, về tội sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống lại con người và tài sản. Nhưng vì tình trạng sức khỏe của nghi can không tốt nên phải dời lại đến thứ Ba. Có nhiều tranh cãi từ những người làm luật là có nên xem tình trạng nghi can như là “chiến binh của quân thù”. Việc đó đồng nghĩa với  tù binh quốc tế, nếu như thế hy vọng sống sót của nghi can rất lớn. Còn cái hy vọng còn lại là Tiểu bang Massachusetts không có luật tử hình đã đóng lại. Vì trong phút đầu tiên Liên bang đã nhảy vào chấp pháp. 
        Phía hành pháp thì viện dẫn, một công dân chống lại đất nước của mình thì khó mà xem như chiến binh của quân thù. Mà phải được xem là vụ án dân sự hoặc là khủng bố.

Những hình ảnh sau đây được chụp lại trên các chương trình đài CNN, những ngày sau khi bom nổ.

Cho đến bây giờ người ta chưa công bố lý do, phe nhóm nào hậu thuẩn cho các nghi can trong cuộc đánh bom Marathon ngày 15-4-2013 ở Boston. Người viết bài nầy dù không là dân chuyên nghiệp viết truyện trinh thám lâm ly, chỉ cố gắng đúc kết một góc cạnh nhỏ vài tin tức nhỏ trên hệ thống truyền thông khổng lồ của thế giới. Và xủ một quẻ bói mù sau sự việc bom nổ trên Marathon cho cô bác, bạn bè xem thử.

Một Lúa

4119 Tổng thống Nga, Putin, trong một cuôc họp báo ở Moscow ngày thứ Bảy 20-4-2013. Ông Putin chia buồn đến dân Mỹ và Tổng thống Obama. Ông đề nghị chia sẻ thông tin về anh em nghi phạm Tsarnaev.

4093 Ba của hai nghi can từ Nga, được đài CNN phỏng vấn qua vệ tinh. Ông nói các con ông bị người khác ảnh hưởng.

4105  Vasquez, bạn chung trường và chung toán đô vật của nghi can Dzhokhar, trong một cuộc phỏng vấn : “Không tin nỗi, nuốt không trôi tình huống nầy”.


 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác