Phạm Duy: Vòng bát độ thăng thiên vào cõi hết!

Ngày đăng: 4/02/2013 11:50:19 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

 

Gặp gỡ Phạm Duy muộn màng

So với bạn bè và nhiều người, có lẽ tôi là người được gặp trực tiếp Nhạc sĩ Phạm Duy muộn nhất, dẫu trước đó chúng tôi có đi xem một số đêm nhạc của ông sau khi ông về nước ở hẳn như chương trình “Con đường tình ta đi”.

Tình cờ trong một buổi ra mắt tập nhạc vào cuối năm 2010, tôi thấy NS Phạm Duy có đến dự. Cuối buổi, nhiều thân hữu và người hâm mộ đến chụp ảnh lưu niệm với ông. Tôi cũng đến vấn an sức khỏe và hỏi thăm ông đôi điều.

Lúc đó khán phòng hơi ồn, nên ông đưa danh thiếp rồi bảo: “Anh gọi điện thoại nhà dễ nói chuyện hơn”. Cầm tấm danh thiếp, tôi ngạc nhiên khi thấy ông cư ngụ ở Quận 11, TP. HCM, rất gần nơi tôi ở vì chỉ mất khoảng năm phút đi xe gắn máy. Tôi thấy chưa bao giờ mình gần ông về khoảng cách không gian như thế. Thế là tôi chuẩn bị cho ngày đầu tiên đến thăm ông.

Đến thăm người “Sức mấy mà buồn”

Lần theo địa chỉ ghi trên danh thiếp, tôi đến thăm nhà ông trong một con hẻm rộng và yên tĩnh trên đường Lê Đại Hành, Quận 11. Hôm đó, có anh Duy Cường, con trai ông ở nhà với ông. Ấn tượng đầu tiên về ông trong lúc trò chuyện đó là tinh thần minh mẫn, lạc quan, yêu đời và hài hước. Khi nói, có lúc ông khựng lại đôi chút vì tuổi tác, nhưng vẫn luôn diễn đạt trọn ý của mình, chứ không bỏ lửng.

 

 

 

Đến thăm tư gia NS Phạm Duy (2010)

 

Tôi nhớ ngày xưa khi còn bé, hễ khi nào mẹ tôi than phiền về chuyện buồn gì đó, thì bố tôi thường gạt phăng và trêu mẹ bằng câu “sức mấy mà buồn”. Hồi đó tôi không biết nguồn gốc của câu nói, nhưng khi nghe bốn chữ này, cả nhà đều bật cười, giúp làm vơi đi nỗi buồn. Mãi về sau tôi mới biết bố tôi dùng tựa bài hát của NS Phạm Duy để trêu mẹ. NS Phạm Duy mỉm cười khi nghe kể lại câu chuyện này, có lẽ ông không nghĩ tựa đề tác phẩm của mình lại tạo niềm vui cho một gia đình nhỏ.

 

Khi viết e-mail cho bạn bè, thay vì nói “chúc bạn vui vẻ” quá đỗi bình thường, thỉnh thoảng tôi đổi kiểu chúc bằng câu “sức mấy mà buồn” ở cuối thư, tạo không khí hài hước cho mọi người!

 

Ông già hi-tech tự chủ về kinh tế

Trong một bài viết, có người gọi thân mật NS Phạm Duy là “ông già hi-tech”. Khi tôi đem câu chuyện này hỏi lại ông, thì được ông thừa nhận là đúng quá chứ gì nữa.

 

Thứ nhất, tôi không phải là ông trẻ. Thứ hai, tôi vẫn soạn nhạc và trao đổi thư tín với mọi người bằng máy vi tính”, ông vui vẻ nói.

Quả thực, khi nhận e-mail của ông, tôi rất ngạc nhiên về khả năng sử dụng máy vi tính của người nhạc sĩ 90 tuổi này. Có lần ông dặn: “Khi anh viết e-mail cho tôi, nhớ dùng co chữ lớn, vì tôi không đọc nổi những chữ quá nhỏ”. Thông thường, tôi soạn e-mail với co chữ 12. Bây giờ, ngồi nhớ lại những lần nhận e-mail của ông với co chữ 24 to vạm vỡ trên màn hình, lúc đó tôi cảm thấy rất vui và thú vị.

 

Góc sáng tác hi-tech của NS Phạm Duy

 

Một hôm tôi hỏi ông tuổi cao sức yếu rồi sao không nghỉ ngơi cho khỏe. “Tôi không thể ngừng công việc âm nhạc, hơn nữa tôi muốn tự chủ về kinh tế. Nhờ làm việc, tôi mới tự trang trải được chi phí sinh hoạt”, ông trả lời.

 

Mới biết người nhạc sĩ tiền bối đến 90 tuổi rồi không chọn cách ngồi thong dong uống trà, nựng má đàn cháu, mà vẫn làm việc để không tạo gánh nặng cho con cháu và xã hội.

 

Ông là bằng chứng sống động chứng minh sức khỏe bền bỉ và tinh thần làm việc hăng say là nhờ âm nhạc. Ít nhất ông cũng nhắc chúng ta một điều “hãy yêu âm nhạc trước khi quá muộn”!

 

Xã hội duy lợi càng cần có niềm tin

Khi về ở hẳn Việt Nam vào năm 2005 ở tuổi 85, xem như ông đã trải qua hết những cung bậc “thăng giáng” của cả một đời người. Tuy nhiên, không vì thế mà ông không còn những trăn trở về của cuộc sống.

 

Nhớ có lần đang nói chuyện về âm nhạc, bỗng dưng ông đổi đề tài: “Anh biết xã hội bây giờ người ta “duy” gì không”? Vì bị hỏi bất ngờ như vậy, tôi đâm ra ú ớ. Ông nói trước đây người ta duy tâm, sau đó người ta duy vật, bây giờ người ta duy lợi. Duy lợi nghĩa là cái gì mang lại lợi ích cá nhân thì mình mới làm, còn không thì sẽ không làm, anh thấy có đúng không?

 

Rồi ông đẩy câu chuyện lên “cao trào” mới: “Khi xã hội thiếu niềm tin, con người sẽ trở thành những kẻ duy lợi chủ nghĩa”.

 

Tôi chưa bắt kịp luồng ý tưởng đang diễn ra trong ông, thì cuối cùng ông kết luận theo một chiều hướng khác: “Trách nhiệm của người sáng tác là gieo mầm và nuôi dưỡng niềm tin để xã hội bớt duy lợi hơn”.

 

Vì không am hiểu tường tận về triết Đông hay triết Tây, nên tôi không nắm bắt được hết những gì ông diễn đạt, nhưng đối với tôi việc NS Phạm Duy nhắc đến trách nhiệm của người sáng tác trong thời đại ngày nay thật sự là điều lắng đọng nhất!

 

Bảng phân loại âm nhạc đồ sộ

Lúc gặp ông, tôi có nói nhạc của ông đa thể loại và đa sắc màu quá, nên rất khó hệ thống trong khi các tuyển tập nhạc in lại chưa đầy đủ về các đề tài ông viết.

 

Sau đó, ông gửi e-mail: “Trước tiên, tôi gửi anh một bài viết nói về chủ trương soạn nhạc của tôi. Rồi sẽ tặng anh thêm những bài khác…”. Bản văn đó do ông soạn có tựa đề là: “Nhạc Phạm Duy khái quát – Bảng phân loại”.

 Mộc Quốc Khanh và NS Phạm Duy

 

Thoạt nhìn, dễ nhầm tưởng Bảng phân loại nhạc này quá đơn giản, vì ông chỉ chia âm nhạc của mình thành ba đề mục ngắn gọn gồm: nhạc xã hội (nối liền con người vào xã hội), nhạc tình cảm (nhạc giao tình giữa con người và con người) và nhạc tâm linh (dẫn con người vào cõi tâm).

 

Tuy nhiên, khi đi sâu vào chi tiết từng đề mục, mới thấy Bảng phân loại này thật kỳ công và đồ sộ với những tiểu mục như những nhánh cây muôn hình vạn trạng từ Kháng chiến ca, Tình ca quê hương, Đoản ca xã hội đến Chương khúc, Trường ca, Nhạc tình, Minh họa truyện Kiều.

 

Riêng ở tiểu mục Chương khúc, có những chủ đề phong phú như: 10 bài Bé ca (Ông Trăng xuống chơi, Đưa bé đến trường…), 10 bài Nữ ca (Tuổi ngọc, Tuổi thần tiên…), 10 bài Tâm ca (Tôi ước mơ, Giọt mưa trên lá…), 10 bài Bình Ca (Xin tình yêu Giáng sinh, Chúa Hòa bình…)…

 

Ông nói rất muốn thực hiện những CD cho từng Chương khúc nói trên để người nghe dễ chọn đề tài yêu thích. Không biết dự án này của ông đã tiến triển đến đâu. Về sơ bộ, Bảng phân loại này đã liệt kê khoảng 400 tựa đề trong số 1.000 tác phẩm của ông, và cứ ở mỗi đề tài ông làm luôn 10 bài khác nhau.

 

“Nếu chỉ viết một bài thì chưa đủ ý, phải viết 10 bài mới hoàn tất trọn vẹn đề tài đó”, ông nói.

 

Không quá khó để nhận thấy dường như chưa có nhạc sĩ Việt Nam nào, kể cả giới sáng tác quốc tế, có thể “điền vào chỗ trống” tất cả những chủ đề tư tưởng mà NS Phạm Duy đã chạm đến, qua đó cho thấy cả cuộc đời ông đều hiến dâng cho âm nhạc.
 

Khi xem Bảng phân loại nhạc Phạm Duy, tôi tò mò muốn biết liệu mảng “Tục ca” có được ghi ra hay bị che giấu. Không như cách chúng ta thường nghĩ về căn bệnh “tốt khoe, xấu che”, NS Phạm Duy ghi luôn đề mục “10 bài Vỉa hè ca, Tục ca” trong Bảng phân loại.

Rõ ràng, ông rất sòng phẳng với chính mình và muốn mọi người nhìn thấy nguyên trạng của những dòng chảy âm nhạc cuồn cuộn của mình trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau một cách sát thực nhất, không hí hửng tô hồng mà cũng chẳng hờ hững bôi xám.

Ai muốn tìm hiểu âm nhạc Phạm Duy một cách có hệ thống, có lẽ nên biết về Bảng phân loại này. Nếu không, sẽ rất dễ bị “mất định hướng” trong khu rừng rậm âm thanh Phạm Duy. Được biết website của ông có rất nhiều thông tin, nhưng hình như không đăng Bảng phân loại này. Tôi thấy mình may mắn khi có Bảng phân loại nhạc Phạm Duy với chữ ký của ông trên đó.

Có thể vẫn còn có những ý kiến khác nhau về âm nhạc Phạm Duy. Tuy nhiên, bất kỳ người sáng tác nào khi đọc Bảng phân loại nhạc Phạm Duy đều sẽ tự thấy rõ phía trước mình là một khoảng trống mênh mông mà không biết bao giờ mới lấp đầy được cảm xúc!

Vì sao nhạc Phạm Duy luôn mới?

Trong đêm nhạc mừng thọ NS Phạm Duy 90 tuổi tại một phòng trà ca nhạc ở TP. HCM vào tháng 10/2011, một số khán giả nói nhạc của Phạm Duy đã sáng tác từ lâu rồi, không hiểu sao giờ nghe lại vẫn thấy hay và mới.

 

Cái hay ở đây xuất phát từ sự đa dạng về đề tài như đã nói trong Bảng phân loại nhạc Phạm Duy. Còn cái mới như thế nào là tùy vào nhạc cảm của mỗi người, nhưng có lẽ chính thủ pháp hòa âm ly điệu và chuyển điệu rất tài tình của NS Phạm Duy ở những đoạn chuyển tinh tế từ đoạn A sang đoạn B làm cho tác phẩm của ông khi vang đều tạo cảm xúc tươi mới với bức tranh đầy màu sắc sống động.

 

Đêm nhạc mừng thọ NS Phạm Duy 90 tuổi (2011)

Đó là điểm mạnh nổi trội nhất của NS Phạm Duy so với nhiều thế hệ sáng tác. Thế nhưng, vẫn chưa phải là toàn bộ câu chuyện, bởi vì thủ pháp ly điệu hay chuyển điệu về bản chất là kỹ thuật của phương Tây mà người sáng tác nhạc Việt nào cũng có thể vận dụng được. Tuy nhiên, cái tài tình của NS Phạm Duy là ở chỗ khi triển khai ly điệu hay chuyển điệu, ông vẫn giữ được chất liệu ngũ cung mượt mà, thấm đẫm chất Việt. Nói cách khác, ông đã làm chủ kỹ thuật của Tây để phục vụ cho tâm hồn của Ta, hay còn gọi “Kỹ Tây, Hồn Ta”.

Có thể đơn cử một vài tác phẩm tiêu biểu như: Nghìn trùng xa cách, Bao giờ biết tương tư, Chỉ chừng đó thôi, Nụ tầm xuân, Đố ai, Tình hoài hương, Ngày xưa Hoàng Thị (thơ Phạm Thiên Thư), Tiếng sáo Thiên Thai (thơ Thế Lữ)

Chính cái chất nhạc đầy màu sắc quyến rũ đó làm cho khán giả có thể nghe hoặc xem toàn bộ chương trình ca nhạc của Phạm Duy từ đầu đến cuối mà không thấy chán nản hoặc mệt mỏi.

Gần đây, một số bạn trẻ hỏi nên bắt đầu nghe nhạc Phạm Duy ở đề tài nào, đây quả là một câu hỏi không có lời đáp cố định. Mỗi người sẽ có cách chọn riêng, nhưng có lẽ nên thử bắt đầu từ đề tài Tình ca học đường” với Con đường tình ta đi, Trả lại em yêu, Ngày xưa Hoàng Thị (thơ Phạm Thiên Thư)…, vì phần lớn trong mỗi chúng ta ai mà không từng trải qua một thời cắp sách đến trường.

Website của người nhạc sĩ hay nhà nghiên cứu?

Thấy tôi thắc mắc về nguồn cảm hứng và năng lượng sáng tác của ông từ đâu mà có, ông trả lời e-mail:“Anh nên vào website “phamduy2010.com”, tìm mục HỌC VÀ HÀNH để hiểu tôi học nhạc ra sao, rồi sáng tác như thế nào”.

Với website này, ông muốn để lại cả gia tài âm nhạc cho hậu thế, dường như không giữ lại điều gì cho riêng mình. Có rất nhiều chuyên mục từ Sơ khảo, Nhạc thuật cho đến Phạm Duy tổng quát, Lời Việt Phạm Duy v.v… Đặc biệt, ở mục Sách điện tử trong website, có nhiều tài liệu định dạng pdf mà phần lớn đều dầy hơn 100 trang rất chi tiết và phong phú.

Phải có một niềm đam mê mãnh liệt và nguồn năng lượng vô biên mới có thể hoàn tất các công trình đồ sộ này. Nếu được cấp phép in ấn theo khổ sách thông thường, chắc sẽ có một thư viện nhỏ về đầu sách Phạm Duy, không kể các tuyển tập nhạc đã được phổ biến. Ngoài vai trò nhạc sĩ ra, Phạm Duy còn là một nhà nghiên cứu đầy nội lực và rất tâm huyết với âm nhạc.

Với ý thức về quyền tác giả và sự tôn trọng dành cho ông, tôi có hỏi trước những tư liệu do ông gửi nên được chia sẻ như thế nào.

Anh cứ gửi tài liệu của tôi cho bạn bè, giới thiệu luôn website của tôi cho họ. Âm nhạc của tôi đã trở thành một môn học, ở nhiều nơi đã thành lập một Pham Duy Study (học hội) và tôi đã gửi cho họ khá nhiều tài liệu liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của tôi”, ông viết.

Trước khi NS Phạm Duy mất, lời mở đầu trong website thường xuất hiện dòng chữ: “Chúc các bạn một khoảnh khắc vui trong lòng khi vào coi website này”.

Một lời chúc tuy ngắn gọn nhưng ẩn chứa triết lý của cõi vô thường, bởi vì chúng ta chỉ có được cái khoảnh khắc của niềm vui, chứ làm gì có cái vô tận của niềm vui bao giờ!

Chuẩn bị hành trình cho cái chết diễm tình

Trước khi phát hành CD Album “Những cơn mưa vô thường”, tôi có gửi ông nghe thử bài này cho vui thôi, chứ không mong đợi gì cả. Vậy mà khi đến thăm ông, ông nhắc bài “Những cơn mưa vô thường” có hòa âm mới, ca từ được. Tôi thật sự xúc động vì thật ra ông đâu cần phải nhớ tên bài này. Câu chuyện cho thấy ông tôn trọng người khác và nhớ những cuộc trao đổi qua lại.

Sau đó, ông gửi tôi nghe bài “Những gì sẽ đem theo vào cõi chết” với chú thích là có ghi âm lời bình của ông trong đó. Truy cập lại trên mạng, tôi thấy bài này có nhiều bản ghi âm khác nhau, nhưng chưa có phiên bản ông gửi tôi vào cuối năm 2010. Quả là may mắn khi được ông gửi phiên bản do chính ông đọc lời bình mở đầu bài hát mà trên mạng chưa có.

Trong bản ghi âm này, giọng của ông tuy có chỗ ngắt quãng, nhưng dứt khoát, chứng tỏ ông đã sẵn sàng hành trang cho những năm tháng cuối đời với một góc nhìn toàn cục về cuộc hành trình mới mà ông đã chuẩn bị từ rất lâu:

Cái chết có thật là sự chấm hết không? Tôi thì coi đó như một cái cửa mở ra một hành trình mới và vì vậy mới có “Những gì sẽ đem theo về cõi chết”. Tôi tự hỏi rồi mai đây tôi sẽ chết, trên đường về nơi cõi hết, tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây.

Nhưng đó không phải là câu tôi tự hỏi mà là câu hỏi giùm cho mọi người, vì ai mà chẳng hỏi điều đó cho mình khi nghĩ về cái tưởng là chấm hết đó. Lẽ tất nhiên tôi cũng như mọi người không đem theo được tiền tài, danh vọng, gái đẹp, rượu nồng, nhưng sẽ đem theo được trong hành trình ấy đôi mắt trẻ thơ đẹp ngời và tình yêu đúng nghĩa của nó”.

 

 

Mừng tuổi NS Phạm Duy, Mồng 1 Tết Nhâm Thìn 2012

Bài hát này là một bản valse du dương, nhẹ nhàng được viết trên cung Fa trưởng. Đó là một dự cảm về cái chết bình an tươi sáng, chứ không uất hận tối tăm. Nếu thử gỡ bỏ nhịp điệu ra và hát tự do một cách khoan thai, chậm rãi, thì tác phẩm này chẳng phải là một bài tâm ca hay sao.

Với góc nhìn của một nghệ sĩ nặng tình với cuộc đời và âm nhạc, Phạm Duy chỉ muốn mang về cõi thiên thu đôi mắt trẻ thơ và tình yêu đúng nghĩa!

Vòng bát độ thăng thiên

Với nỗi trăn trở và ám ảnh về cái chết, từ lâu NS Phạm Duy đã chuẩn bị tâm thế cho riêng mình, bởi vì ông biết bản thân mình, kể cả chúng ta nữa, không thể mang theo một mớ tài sản về bên kia thế giới. Vậy nên, ông muốn để lại cho đời một ít di sản. Đó là gì vậy?

Với gia tài đồ sộ khoảng 1.000 tác phẩm để lại cho đời, trong đó có hơn 300 bài phổ thơ mà chính bản thân tác giả cũng không thể kể hết được, có thể nói ngắn gọn di sản mà NS Phạm Duy để lại cho chúng ta đó là: MỘT VÒNG BÁT ĐỘ!

Thế nhưng, vòng bát độ, bát âm ấy được tích tụ một nguồn năng lượng siêu việt để có thể lan tỏa sâu rộng và bền vững sau một chu kỳ tuần hoàn theo đúng quy luật. Trên nền tảng đó, âm nhạc Phạm Duy đơm hoa kết trái và sinh sôi nảy nở như vòng bát quái tuần hoàn, hòa điệu nhịp nhàng và không ngừng phát triển theo vòng xoắn ốc đi lên về phía đỉnh cao.

Giã từ cuộc chơi âm nhạc ở tuổi 93, có thể nói NS Phạm Duy đã được sống gần hai cuộc đời viên mãn. Người đời thường nói chỉ có lịch sử mới có quyền phán xét, vậy hãy để lịch sử làm công việc đó, nhưng dù sao đi nữa lịch sử cũng đã đặt Phạm Duy vào vòng bát độ thăng thiên trác tuyệt rồi!

mộc.quốckhanh

(Đêm 31-01-2013)

 

 

Có 2 bình luận về Phạm Duy: Vòng bát độ thăng thiên vào cõi hết!

  1. Pham Cuong nói:

    Cám ơn ban Quốc Khanh co bài nói về Pham Duy rất hay.Tôi là người ít am hiểu về âm nhac,nhưng Pham Duy là người nhac sĩ tài hoa mà tôi ngưỡng mộ từ lâu.Tôi chỉ có một lần diện kiến Pham Duy trên sân khấu ngoài trời ở sân trường TH Phan Thanh Giản Cần Thơ năm 1968 và cũng đọc nhiều bài của nhiều tác giả nói về Phạm Duy-có khen cũng có chê,phê phấn nhiều về tục ca và đời sống tình cảm trước đây đặc biệt là Tạ Tỵ trong cuốn “Phạm Duy đã chết như thế nào”.Nhưng với tôi, Ông là nhạc sỹ đa tài và sẽ sống mãi trong lòng người yêu âm nhạc.Rất tiếc bài ” Việt Nam-Việt Nam “chưa được cho phổ biến.Xin bài viết  được thay nho nén nhang tiễn Ông về cõi vĩnhhằng.                         

  2. Mộc Quốc Khanh nói:

    Cảm ơn bác Pham Cuong có đôi lời chia sẻ xúc động về NS Phạm Duy.

    Hôm đưa tiễn NS Phạm Duy về nghĩa trang Hoa Viên ở Bình Dương, trong lúc chờ hạ huyệt nhiều người có hát bài ‘Việt Nam-Việt Nam’.

    Bài “Phạm Duy: Vòng bát độ thăng thiên vào cõi hết!” cũng được đăng trên Trang tưởng niệm NS Phạm Duy:


    http://www.phamduy2010.com/vietve2/batdo.php

    http://rememberingphamduy.blogspot.com/2013/02/giai-ieu-xanh-pham-duy-vong-bat-o-thang.html

     

     

    Thân mến,


    mộc.quốckhanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác