Nhìn vào đâu khi yêu nhau?
Phương Tây có câu danh ngôn: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng”. Xuất xứ của nó là từ một câu viết của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupery (1900-1944): (Aimer, ce n’est pas se regarder l’un l’autre, c’est regarder ensemble dans la même direction)
Có người sẽ cắc cớ hỏi là “hướng của chàng hay của nàng?” Nhìn theo hướng của chàng cũng chết, mà của nàng cũng tiêu. Cái “một hướng” đây là chỉ sự tâm đầu ý hợp, tri âm tri kỷ, và cùng hướng tới tuơng lai cùng có nhau trong đời.
Yêu nhau mà nhìn tứ phía hay mỗi người một hướng thì đường ai nấy đi là cái chắc. Còn yêu nhau mà cặp mắt cứ láo liêng, nhìn xuôi nhìn ngược, ngó dáo dác tứ lung tung… thì đích thị đó là một thứ tình yêu bất chính.
Nhưng yêu nhau mà cứ ngồi chóc ngóc nhìn nhau hết ngày dài tới đêm thâu thì họa chăng hai người cùng bị lay-off hay đang thất nghiệp. Ông bà mình nhắc chừng: yêu nhau mà chỉ biết ngồi nhìn nhau thì chỉ có nước “cạp đất mà ăn” – thậm chí ở Saigon tấc đất tấc vàng, chưa chắc đã có đất để mà cạp.
Vậy hỗng lẽ hai người yêu nhau lại chớ hề được nhìn nhau? Ai xúi dại vậy? Yêu nhau mà không nhìn nhau thì chẳng lẽ là một thứ tình yêu “mù quáng” hay chí ít là “quáng gà” sao? Như vậy là thiếu quan tâm lẫn nhau, hậu quả cũng dễ “đôi ngã chia ly”. Không thể tưởng tượng nổi hai người yêu nhau mà chớ biết hôm nay người kia có gì mới, có gì lạ. Liệu bạn có hả lòng hả dạ không khi sáng nay mình “cố ý” diện một chiếc áo mới hay chải một kiểu tóc đẹp mà hắn lại tỉnh bơ, chớ hề hỏi han đừng mơ chi khen lấy một câu? Chẳng lẽ lại thô thiển và trắng trợn tới mức phải nhắc tuồng theo kiểu: “Bữa nay em mặc áo mới mà hỗng thấy có con chuột nào nó chạy ngang qua!”
Nhạc sĩ Lam Phương đã thốt lên rằng: “Càng nhìn em, yêu em ơi và yêu em mãi.” Chẳng biết ai sao chứ tôi rất tâm đắc với “tổ sư nhạc tình” này. Ngặt một nỗi cái tựa bài hát “Tình bơ vơ” đã báo hiệu một “the end” không “happy”. Thiệt vậy, cuối cùng Lam Phương đã phải rên rỉ: “Rồi từng đêm, từng đêm nhịp bước cô đơn! Anh khóc cho duyên hững hờ! Em chết trong mộng ngày thơ.”
Vậy thì yêu nhau phải nhìn hướng nào? Đông Tây Nam Bắc chẳng nhất thiết. Hãy dùng chiếc la bàn tình yêu là hai con tim. Chỉ cần hai người cùng nhìn theo nhau và lắng nghe tiếng tim đập, tới khi nào nhịp đập của hai con tim hòa làm một thì đó chính là cái hướng tốt lành. Nói đùa vậy thôi, làm gì có cái hướng cụ thể. Cái hướng chung của hai người yêu nhau ở đây chỉ mang tính ẩn dụ. Bạn chắc từng nghe nhiều người tư vấn rằng: “Đừng yêu bằng đôi mắt, hãy yêu bằng con tim.”
Yếu tố cốt lõi làm cho tình yêu thăng hoa và bền vững là sự hòa hợp, đồng điệu của hai tâm hồn. Người lý tưởng của nhau phải vừa là tình nhân, vừa là bạn tâm giao.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 28-2-2013)
” Chiên da” về tình yêu, nghiên cứu “cái lĩnh vực yêu” kỷ quá há, một chữ yêu mà nói hoài, nói mãi không hết, thừa thắng xông lên đi bác tài, đọc vui lắm, rất cám ơn PHP cho tui có những phút giây thư giản.
Cám ơn huynh PHP đã viết lên 1 bài viết hay về chữ ” YÊU ” , để tối nay tui hỏi ông Q xem coi hồi xưa và nay ổng yêu tui kiểu gì… đôi mắt hay con tim , …tình nhân …hay tâm giao…. phải khai thác mới được … hi hi hi !!!
Chị NT à, anh Quang gặp chị là chới với, ba hồn bảy vía đi đâu mất tiêu, ngơ ngơ ngẩn ngẩn còn biết gì mà hỏi. Nếu bắt ảnh trả lời, chắc ảnh phải ca bài “Trái Tim Mù Loà”.
Đồng ý với PN. Nhưng tui tin chắc là bạn Quang của tui sẽ lặng thinh không trả lời. Sợ mất lòng người bạn ” cùng chia sẻ ngọt đắng” sẽ không có cơm ăn, phải đi ăn cơm tiệm thì hơi phiền !
Chào anh Phạm Hồng Phước,
Ở quê tui, khi người ta mới yêu nhau thì bốn mắt nhìn nhau đắm đuối, coi như nhìn hai hướng ngược chiều. Khi cưới nhau xong thì họ chọn nhà, chọn chỗ làm ăn, chọn năm có con, thời gian hạnh phúc đó xem như họ nhìn về một hướng. Con cái đùm đề, già chát như tui thì thường xuyên quay lưng lại với nhau, không phải kêu bằng <đâu cật> mà là hai người chia nhau nhìn bốn hướng cho thoáng. Vì vậy rất ngưỡng mộ cặp đôi áo xanh trong hình trên. Một Lúa