Người ghiền mua sách

Ngày đăng: 26/10/2012 04:03:29 Chiều/ ý kiến phản hồi (8)

 

Tôi với Nguyễn Thế Thăng 12A 3(Nk71) có thời gian ở trọ chung ở Sài gòn. Tôi học Luật khoa Sài Gòn, thăng học ĐH Khoa học, ấy vậy mà có điểm chung là ghiền mua sách. Nói rõ như thế để khỏi lầm với người đọc sách, những người nghiên cứu nhiều, còn chúng tôi chỉ mê sách mà thôi!

Năm đó gia đình tôi  lâm vào cảnh túng thiếu, tiền đi học chỉ đủ tiền cơm, tiền trọ có đâu để đi chơi, mua sắm hàng xa xí. Để có tiền uống cà phê, mua sách bọn tôi phải ăn cơm xã hội trên đường Phan Thanh Giản, ba mươi đồng một phần, trong khi ăn ở căn tin ĐHKH mất tám mươi đồng. Phần ăn cơm xã hội là đồ chay, canh bí đỏ, đậu hủ và ca rot kho, cải xào , còn cơm và trà đá miễn phí.

Cuối tuần, sáng sớm Chủ Nhật là hai đứa lấy xe đạp đi nhà sách để xem, coi như giải trí. Sách ở Khai Trí Lê lợi  thì nhiều nhưng ra xem cho thỏa thích, còn mua thì lại nhà sách Sống Mới trên đường Phạm Ngũ Lão mua để được bớt 30%. Điểm mua này tốt nhưng xem sách rất là bất tiện vì họ trưng bày trên cao, mỗi khi muốn đọc thử quyển nào, phải nhờ người bán lấy ghế cao, leo lên lấy giúp, làm mình cũng ngại (Thật ra ở đây chuyên bán sách sỉ cho các nhà sách ở tỉnh). Chúng tôi còn tìm ra Nhà xuất bản Lá Bối, ở lô O chung cư Minh Mạng, nơi đây chuyên bán các sách về đạo Phật của thầy Nhất Hạnh, các sách về triết học, người bán hình như là thầy Từ Mẫn, mặc áo tràng nâu. Có người nói thầy cũng là giám đốc của cơ sở này. Sách ở đây bán giảm 40% so với giá bìa. Không biết nhà xuất bản của thầy có cơi giá lên không, nhưng mỗi lần đi mua sách ở đây 2 đứa về nhà vui vẻ lắm vì coi như mình đã làm ra tiền trên số tiền giảm giá sách đó. Khi đó, tại nhà sách Minh Trí ở Vĩnh Long khách hàng mua sách chỉ giảm được 10%, nhưng đầu sách về triết học không có đủ. Nói đến đây lại nhớ tới Phan Công Lý, em của thầy Phan Công Minh, Hiệu trưởng trường Sư Phạm Vĩnh Long. Lý là người hướng dẫn tôi đi tìm sách triết để đọc. Quyển sách tôi đọc đầu tiên là Những dị biệt của triết lý Đông Tây của linh mục Kim Định, sau đó là sách của Nguyễn Duy Cần, Phạm Công Thiện lần lượt được chúng tôi tha về cho vào tủ sách gia đình. Sách càng mua nhiều thì thân thể của tôi  càng gầy đi do ăn chay trường mà chẳng có tu hành gì ráo. Hôm qua đi ngang qua chợ Bến Thành, đầu đường Trần Hưng Đạo, thấy tiêm cơm chay Tín Nghĩa vẫn bán như ngày xưa, lối bày trí vẫn vậy, hơn bốn mươi năm mà không có gì thay đổi, nhưng giá cả có phần đắt hơn trước. Tôi chợt nghĩ khách vào ăn tại Tín Nghĩa có lẽ là người đi xa về, họ ăn để nhớ lại những ngày xa xưa, cũng như tôi giờ đây viết lại chuyện cũ cũng nhờ một câu phản hồi của Nguyễn Thế Thăng.

 Xin thành thật cám ơn bạn Nguyễn Thế Thăng đã ủng hộ người bạn trọ cùng phòng một cuốn sách. Tôi sẽ gửi riêng Thăng một cuốn, trong đó làm đủ “thủ tục” như đã dặn để nhớ lại “một thời mê muội”

Lương Minh

 

Có 8 bình luận về Người ghiền mua sách

  1. Nguyễn Thế Thăng nói:

              Có đi theo LƯƠNG MINH mua sách như bài viết trên đã nói  nên  tôi có biết kha khá về tên sách, nội dung sách, tác giả, nhà xuất bản … Nhờ thế, những năm 1972 – 1975  gia đình tôi mở Nhà sách NĐ (ngay ngả tư Cầu Lầu – Thiềng Đức)  ,  tôi trở thành một người bán sách trẻ tuổi mà  thiện nghệ và điệu nghệ !  Cảm ơn LƯƠNG MINH .

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Đúng là ông Lương Minh có “căn tu” từ hồi học ở Sài Gòn, ăn cơm xã hội !

  3. NHA nói:

     

    Tôi đi học ở Sài Gòn vào những năm đầu của thập niên 1960. Thú mua sách tôi cũng có; mua sách đọc nửa chừng rồi chưng vào tủ. Mỗi cuối tuần đi bát phố Lê Lợi là “bê” một quyển cặp nách đi vòng vòng như mình là người trí thức không bằng. Chuyện nhịn ăn dành tiền mua sách, báo tôi đã làm từ những năm 1954 trở đi lúc bắt đầu vào Trung học. Sau 1965 ra trường đi làm việc xa mà mỗi lần về Sài Gòn, Vĩnh Long là ôm theo về nơi làm việc một đống sách.

    Đến 1975 tôi có chừng ba rương lớn đựng đủ loại sách mà tôi quý chúng vô cùng vì  ngoài nội dung, chúng còn được ướp đầy ắp kỷ niệm của tôi. Ba rương sách đưọc giấu rất kỹ, tôi để trên trần nhà. Một lúc nào đó tôi mở rương ra thì toàn bộ sách của tôi không cánh mà bay…vì mái nhà lợp “tôn” và liền mái với căn nhà kế bên. Biết thủ phạm nhưng không chứng cớ và thời ấy hoàn cảnh bắt phải im mồm. Không biết đống sách của tôi số phận ra sao, phần chắc là cuối cùng “biến thành ve chai lông vịt”.

    Cám ơn LM đã cho tôi có dịp hồi tưởng lại …. “một thuở yêu…sách” dễ thương.

  4. Trung nguyen nói:

    Kính gửi anh Lương MInh,

    Ngày xưa tôi cũng hay lê chân qua các nơi anh kể, có một chổ bán sách cũ trong hàng lang Eden bán rất nhiều sách xưa cũ giá rẻ,anh có bíết bây giờ họ bán ở đâu không ?Đến bây giờ tôi còn ghiền chổ đó , còn một chổ nữa ỡ đường Ngô đức Kế , chuyên bán sách ngọai văn( hình như là bookshop Newsweek thì phải ), vào đây  vừa xem sách vừa nghe nhạc  êm dịu và tránh nóng của SG vì có máy lạnh, sau này là nhà sách NDK bây giờ không bíết nơi đó ra sao ? Cám ơn anh  Lương Minh đã có bài đăng giúp những “con mọt sách” có dịp hồi tưởng lại những phúc giây cho những người” biết đọc sách” là coi từ bìa sau trứơc khi xem nội dung ( Một cách xem  sách của dân viêm túi lúc bấy giờ ).

    • Lương Minh nói:

      Cách nay khoảng 10 năm (?) lúc tòa nhà Eden còn, thì bà bán sách ở đó còn. Tôi có đi dạo qua, nhưng không đủ tiền để mua vì giá cả ở đây không rẻ. Bạn có thể mua các bộ truyện chưởng của KIm Dung do Hàn giang Nhạn dịch với giá 100.000 đ/cuốn (photo) bộ 10 cuốn thì 1 triệu đồng, hơn 1 chỉ vàng. Dân chơi sách nhà nghèo không dám rớ. Bây giờ , bà đi đâu không rõ.

  5. Trung nguyen nói:

    Trong lúc trà dư tửu hậu này mình  bổ sung thêm, ở VL ngòai nhà sách Minh Trí sau này còn có thêm nhà sách Minh Lý cách MT một căn, Còn một nhà sách đặc biệt chỉ bán sách triết học là nhà sách K ( Chỉ một chữ K thôi , chữ tắt của chữ Krishnamurti ) chuyên bán sách của nhà xuất bản Lá Bối, và sách của Jiddu Krishnamurti ( 12/5/1895 – 17/2/1986 ) là một tác gia và nhà diễn thuyết nỗi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Nhà sách này do thầy Đào Hữu Nghĩa Hiệu phó trường KTVL đứng bán trực tiếp. Đặc biệt nhà sách này có bán đủ các bản thảo ( bản gốc viết tay hoặc đánh máy ) của các dịch giả và bản gốc hoặc bản sao bản thảo của Krishnamurti. Nhà sách này chỉ có 4mv và mở tại đường Nguyễn Huệ,ngang trường Sư PHạm Vĩnh Long, nay thầy Nghĩa vẫn còn khỏe cùng gia đình sống tại Sa đéc.

  6. Nguyễn Thế Thăng nói:

              Tuần rồi  tôi nhận được 2 cuốn sách của LƯƠNG MINH, 1 tặng , 1 bán.

              Sáng nay (thứ hai 05/11) gặp người bạn cũng là nhà báo ở Báo CẦN THƠ tôi mang sách ra khoe. Anh bạn rất thích thú  và  nhờ tôi mua giúp Anh  1 cuốn. Tôi lấy cuốn sảch có   lời đề tặng – chữ ký – đóng dấu tên  tác giả  ra bán với giá 50.000đ  !. Bán sách  “điệu nghệ”  là như vậy !. 

    • Lương Minh nói:

      Tôi có anh bạn còn điệu nghệ hơn. Bạn lại nhà khoái sách nào anh tặng sách nấy, thế rồi anh bạn cũng điệu nghệ mời anh đi nhà hàng nhậu một cử gọi là đáp lễ. Bạn nào có rảnh, sưu tầm 101 cách điệu nghệ như vậy xem.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác