Du Lich Củ Chi- Trở về miền quá khứ
Củ Chi là huyện ngoại thành của TPHCM tiếp giáp với Long An, Tây Ninh và Bình Dương, cách trung tâm TPHCM 30 km về hướng đông bắc. Cùng là vùng nông thôn như Bình Chánh, Cần Giờ, nhưng Củ Chi mang sắc thái của vùng Đông Nam Bộ. Củ Chi nổi tiếng với du lịch địa đạo, có nhiều làng nghề và gần đây có thêm nhiều đặc sản lạ tạo điều kiện để trở thành một vùng du lịch hấp dẫn của TPHCM và cả nước.
Vùng du lịch sinh thái
Khách muốn về vùng quê với không khí trong lành, có nhiều cảnh đẹp thì không đâu bằng đi về Củ Chi. Ở đây có khá nhiều khu du lịch được các nhà đầu tư xây dựng như: Khu du lịch sinh thái Văn Hóa Dân Tộc thiểu số Củ Chi, khu du lịch Bình Mỹ, nhưng độc đáo do đầu tư kỷ lưỡng là Làng nghề Một Thoáng Việt Nam. Đây là một tập hợp làng nghề thủ công truyền thống, được xây dựng trên 22 ha đất bưng biền, gần sông Sài Gòn. Làng nghề này bao gồm 30 hạng mục với: đền thờ đất nước, sa bàn nước ViệtNam, lầu vọng cảnh, ba khu trưng bày vật dụng của ba miền Bắc TrungNam. Kế đó có khu văn hóa ẩm thực, đảo nuôi chim thú, khu chợ hàng tiểu thủ công nghiệp, chợ trên sông, vườn cây ăn trái… Một thoáng Việt Nam tập hợp nhiều nghề đặc thù, nổi tiếng từ nhiều miền đất nước như nghề làm giấy dó, dệt tơ lụa, thổ cẩm, mộc, thêu, tranh ghép gỗ, gốm, chế biến mía đường, đan lát mây tre, v.v… những người thợ trong khu làng nghề đều là những người thợ thuộc nhiều sắc tộc khác nhau, đến từ những miền quê khác nhau. Nếu ở quê họ làm nghề gì thì vào đây làm đúng công việc đó. Vào đây họ làm ra sản phẩm có chỗ tiêu thụ, không phải lo đầu ra. Do đó khách sau khi tham quan có thể mua một vài vật phẩm làm kỷ niệm, nhất là những đồ thủ công mỹ nghệ. Cái làm cho du khách thích thú là được xem các nghề chỉ được đọc trong sách vở như nghề làm giấy dó, nghề nấu đường mía.
Làng hoa kiểng
Không như các làng hoa khác trong nước, Củ Chi có nhiều điểm trồng cây kiểng như Bonsai Minh Tân rộng 5 ha với các loại kiểng cổ, bonsai, cao săm banh, tắc, lan. Đây không phải là khu du lịch nhưng khách yêu cây cảnh có thể đến đây để xem các loại kiểng mới từ các nước du nhập về, các loại cây ghép gốc cằng thăng, ngọn quýt. Chủ nhân là người hiếu khách có thể trao đổi về kỹ thuật trồng kiểng, hướng dẫn khách chăm sóc – sửa bon sai, thiết kế sân vườn. Tại đây cũng có một hồ nuôi cá hải tượng, mỗi con nặng vài trăm ký bơm lội trông rất đẹp mắt. Nếu khách đi vào dịp Tết, có thể tìm một vài chậu mai ưng ý để trang điểm cho căn nhà.
Theo anh Trịnh Minh Tân thì Củ Chi nổi tiếng về trồng phong lan. Vườn lan ở Củ Chi không có quy mô lớn, mỗi hộ chừng vài công nhưng trồng có hiệu quả kinh tế, hơn hẳn Bình Chánh, Cần Giờ , Thủ Đức, là vùng đất trồng chơi ăn thiệt. Mỗi năm thành phố tổ chức hội chợ thì lan Củ Chi lại đứng đầu, sản phẩm bán được nhiều. Hộ trồng lan lớn nhất là chị Tuyết gần ngã tư Tân Quy, xã Hòa Phú. Chị có chừng 2 ha phong lan , bán quanh năm, nên khách có thể đến tham quan và mua về.
Công viên nước
Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều công viên nước như Đầm Sen, công viên nước Đại Thế Giới, nhưng đi Củ Chi chơi, trưa nóng có thể đưa trẻ con tắm công viên nước ở xã Phước Vĩnh An, QL8 đi về hướng Bình Dương. Trước cổng vào công viên có quán cà phê Trung Nguyên giá khá mềm, có nhà hàng cơm trưa để các bậc phụ huynh có thể chờ con cháu vui chơi. Tại đây còn có dịch vụ vòng quanh công viên nước bằng thuyền , khá hấp dẫn.
Độc đáo đặc sản
Nói đến đặc sản Củ Chi người ta thường nhắc tới Bò tơ Xuân Đào. Quán này nằm trên trục lộ 22, từ TPHCM chạy gần đến thị trấn Củ Chi có 1 con đường nhỏ quẹo vào (ngoài QL22 nhìn vô thấy). Quán có chỗ để xe ô tô đậu, thực đơn bò có nhiều món, ngon mà lại rẻ. Trước quán có quầy thịt bò, có thể mua về nhà được. Nói về ăn uống, anh Tăng Bảo Ẩn, Đài Phát thanh huyện Củ Chi cho biết trên đường QL 8 về hướng Long An, ngày nay phát triển nhiều quán heo rừng nướng, ếch với những tên Kim Mã, Song Anh, Phát Tài. Bên cạnh đó có quán cà phê Bằng Lăng, so với các quán cà phê nhạc trong thành phố thì không bằng nhưng về đêm nhờ nhiều đèn màu nên quán này trông rất bắt mắt. Đi về trung tâm thành phố đến ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung có trại dế Thanh Tùng. Đây là nơi nuôi dế các loại để bán sỉ, nhưng cũng có chế biến để thực khách thưởng thức với rượu dế, rượu rít, rượu bò cạp.. tất cả đồng giá 70.000 đồng/chai hoặc một món ăn. Ít ai ngồi đây để nhậu vì nhậu độc nhất món dế thì không no và dường như ý chủ nhân chỉ muốn khách đến thưởng thức trong chốc lát nên chỗ ngồi rất là lịch sự, bàn ghế đều là gỗ cao cấp, thích hợp với đoàn khách tham quan. Khách mua về, dế được đựng trong quả hình lục giác, trông giống như quả mứt có nắp đậy , trong đó có đầy đủ rau, nước chấm. Trên đường về có một điểm dừng chân dành cho tuổi thanh niên, đó là quán nước mía vườn cau, lúc nào cũng đông khách. Ngoài nước mía còn có nước rau má, khoai mì hầm nước dừa, bánh ít, bánh tét vùng quê mua về làm quà. Cách đó không xa có Điểm dừng chân mang tên Củ Mì: Một nhà hàng gợi nhớ cảnh ngày xưa. Các gian nhà gỗ mái ngón âm dương được trang trí bằng những hình ảnh cách nay hơn nửa thế kỷ. Bước vào đây khách được đãi ba món ăn: củ mì hấp nước cốt dừa, rắc muối mè; Ớt ba lửa gồm ba loại ớt xếp theo cấp: cay nhiều, cay vừa và thơm nhưng không cay; củ cải muối chua nhâm nhi trong lúc chờ đợi đồ ăn mang ra. Thực đơn là 80 món bò và các món nướng, thường thì được chế biến cùng với củ mì như tên của nhà hàng. Đến với không gian miền quê này, khách còn được vài dịch vụ cộng thêm như câu cá, đánh tennis, hát karaoke mà không tốn tiền.
Lương Minh
Trẻ em đi tắm công viên nước