Đọt choại!

Ngày đăng: 13/12/2018 01:21:14 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Cần Thơ được xưng tụng là Tây Đô, vì cái thế đắc địa, nằm giữa miền Tây trù phú. Cần Thơ trai thanh gái lịch, có con vợ tui nữa đó nhe (lâu lâu cũng khen xạo em một tiếng, chỉ tối ngày ngợi ca mấy em khác thì em yêu của mình đổ quạu, lãng công, không cơm nước gì ráo thì báo! Nước sôi mì gói hoài chịu sao thấu?)


Tuy nhiên so với Cần Thơ thì Rạch Giá không kém cạnh gì. Bên tám lạng đằng nửa cân. Cần Thơ ruộng phì nhiêu, vườn cây trái sum xuê; dòng sông Hậu mênh mông nhiều tôm cá thì Rạch Giá có biển rồi còn có cả rừng.

Rừng U Minh thượng; còn U Minh hạ ở miệt Cà Mau. U Minh được hiểu là mờ mờ, mù mịt như cõi u minh chốn địa ngục! Vì trên là rừng tràm, dưới là dừa nước, dưới nữa là cỏ lác, nên mặt trời ít khi rọi tới, mới chiều xuống đã thấy tối thui. Xèo, rạch đi ngoằn ngoèo, đô bờ lá dừa nước gie ra um tùm. Muốn đi qua phải dùng rựa đốn vẹt hai bên. Vùng đất xa xôi, hoang sơ, khắc nghiệt, hiểm trở nhiều thú dữ, bệnh sốt rét, muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh tựa bánh canh.

Những lưu dân ngày đó cùng đường mạt lộ, trốn thuế thân, những tá điền hoàn cảnh ngặt nghèo, vợ ốm con đau nhà ngập nước, không có lúa đong cho điền chủ hoặc người trốn nợ.

Rồi cũng có trai gái yêu nhau, mà môn không đăng; hộ không đối, nhà gái không chịu gả hoặc nhà trai không chịu cưới, hai đứa chỉ còn cách bỏ nhà, trốn vào rừng U Minh để giữ lời hải thệ sơn minh; sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quan đồng quách.

Rừng U Minh với cơ man là kinh rạch. Đôi mình dắt díu nhau vô đây, trên chiếc xuồng ba lá, gồm có hai tấm ván be và một tấm ván đáy. Ôi cái xứ: chèo ghe sợ sấu cắn chưn. Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma. Tới đây xứ sở lạ lùng. Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê.

Ghê thiệt nhưng nẻo về đã khép đành rị mọ tìm đến chổ nào hơi cao ráo một chút để đôi ta che chòi mà ở. Vì chàng đi cho thiếp theo cùng. Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.

Nói nghe bi thảm thiệt nhưng cái vụ đói là hổng có rồi. Những lưu dân cùng khốn đó chỉ cần khoét lõm ruộng chừng vài công, cấy lúa mùa chỉ sáu tháng là có gạo mặc sức ăn, nhưng không có dư để bán, vì rừng U Minh đất xấu, nhiễm phèn nặng một công trúng lắm chỉ 5 – 3 giạ là cùng.


Bù lại cá ục dưới rạch như nước cơm sôi, thò tay xuống mà vớt lên cả rổ. Tới mùa khô, nước cạn cá theo ra rút hết xuống mấy cái vũng, đìa, lung, bàu. Mấy con cá nầy, biết thân phận trước sau gì cũng lên bàn nhậu, nên thiệt là lịch sự, chúng gom về một chỗ vừa đông vui, vừa chờ bà con mình lội vô tát đìa bắt cá mà ăn Tết.

Cá nhiều ăn đến nỗi ăn không hết phải phơi khô, làm mắm ăn dần. Còn rắn, rùa, kỳ đà, heo rừng, ba ba nhiều vô số kể. Toàn là thứ đồ nhậu rất bắt nên bây giờ chúng leo vào đứng đầu bảng, người dân  bây giờ  gọi là đặc sản, trên cái thực đơn của những nhà hàng sang trọng nhứt trên Sài Gòn để phục vụ đám người tiền bạc thừa mứa.

***

Em yêu hay cằn nhằn sao người viết rảnh rỗi một chút là tụ bè tụ đảng đi nhậu hoài hè không chịu ở nhà hú hí với em? Người cầm bút phải giao thiệp cho biết đó biết đây, biết chuyện nầy chuyện nọ mà viết bài; chớ ở nhà với vợ biết ngày nào khôn?

Tuần rồi, thằng bạn mời đến nhà nhậu vì ông già vợ nó từ Miệt Thứ quê mình bay xuống chơi Miệt Dưới.

Ông già vợ nó bằng tuổi tui, làm tui lóng ngóng không biết xưng hô cho phải đạo? Kêu bằng anh thì sợ nó chê mình vô phép! Nó kêu bằng Tía mà mình kêu bằng anh; hổng lẽ mình cũng là Tía nó hay sao?

“Anh em mình cùng tuổi Mùi, con dê, thì anh em tuốt luốt đi hơi sức nào để ý tới thằng rễ đu đủ nầy càm ràm nầy nọ mất vui!”
Sau ổng tự giới thiệu: “Út là thứ. Tên là Đọt, cái chồi non. Vợ thằng nầy, con gái tui tên là Choại. Hơi khó kêu hả? Nhưng tên Tía con tui có cái tích hết.

Tui là dân Miệt Thứ giáp với rừng U Minh thượng đây anh. Hồi xưa cách đây hơn 150 năm, ông sơ của tui là nghĩa quân theo ông Nguyễn Trung Trực đánh Tây.

Sau ông Nguyễn bị Tây bắt xử trảm tại chợ Rạch Giá thì nghĩa quân tan vỡ. Để trốn sự truy nã của thực dân, ông sơ tui dông tuốt vào U Minh lập nghiệp giờ đã tới 4 đời.

Nghe bà con bên nầy gọi Úc là Miệt Dưới nghe hay quá. Tui e rằng chữ nầy do người tỵ nạn quê mình từ Miệt Thứ đem qua đó thôi.
Miệt là xứ, miền, một dãy đất. Như Miệt Trên (Bà Rịa, Vũng Tàu). Miệt Dưới: Rạch Giá, Cà Mau) nếu lấy cái đất Sài Gòn làm điểm đứng.
Rồi Miệt Vườn là vùng cao ráo, có vườn cam, quýt trên đất phù sa mầu mỡ ở ven sông Tiền, sông Hậu như Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ.

Quê tui Miệt Thứ dài trên 30km kể từ sông Cái Lớn tới An Minh, rộng chừng 15km tính từ bờ biển vào đất liền, giáp với rừng U Minh Thượng (Kiên Giang), cặp sông Cái Lớn, đổ ra vịnh Rạch Giá.
Từ Cần Thơ muốn về Miệt Thứ qua Vị Thanh, Chương Thiện, theo quốc lộ 61 tới ngã ba Minh Lương, rẽ trái vô quốc lộ 63 để qua phà Tắc Cậu.
Hai là theo quốc lộ 91 qua Thốt Nốt đi Rạch Sỏi (Kiên Giang) tới ngã ba Minh Lương rẽ phải vô quốc lộ 63 qua phà Tắc Cậu. (Con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu, con sáo qua sông con sáo đậu hiên nhà).

Nghe anh Út Đọt cắt nghĩa rành rọt như vậy tui đoán mò nhưng trật lất: “Chắc hồi xưa anh Út là giáo sư Sử Địa hả?”

Nghe tui nịnh khéo như vậy, ảnh hểnh mũi, lắc đầu: “Tui dốt mà anh! Đâu có học hành chữ nghĩa gì. Hồi nhỏ muốn đi học phải lặn lội qua tận Rạch Giá rồi về Cần Thơ ở trọ, cả năm mới về quê một lần, mà phải chèo ghe cả ngày mới tới. Nghe phát ớn. Mười người dốt hết chín, ban đêm phải đốt đèn dầu mù u mà học. Người biết chữ dạy người chưa biết chớ đâu có thầy cô dạy dỗ như bây giờ!”
Tui không học nhưng Má tui thì có. Vì quê Ngoại của tui Miệt Vườn bên Cần Thơ mà.

Ông Ngoại tui mê đá gà, thua sạch bách, phải cầm cố rồi bán cả đất điền trả nợ cờ bạc. Xấu hổ với bà con lối xóm ông Ngoại tui bỏ xứ, dắt cả gia đình vô U Minh nầy làm lại cuộc đời.

Tui đẹp trai như anh vậy là nhờ Má tui hồi xưa đẹp gái lắm. Mới 16 tuổi mà đã có người đeo đuổi. Lúc Má tui theo ông bà Ngoại về U Minh nầy thì làm tan vỡ biết bao trái tim của mấy chàng trai xứ Miệt Vườn. “Sương khuya ướt đẫm giàn bầu. Bậu về Miệt Thứ bỏ sầu cho qua!”
Miệt Thứ thời ấy xa xôi cách trở quá, cho nên con gái Miệt Vườn theo chồng về Miệt Thứ: “Đêm đêm ra đứng hàng ba. Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn”.

Thiên tình sử đẫm lệ ướt vạt áo bâu như vậy; mà nghe má tui kể Tía tui chỉ cười khè khè nói: “Ối chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn mà! Tui bắt được má nó rồi đâu có hưởn đâu mà ghen với mấy thằng không bắt được chớ!

Má nó kể là muốn thử lòng tui coi có ghen hay không, vì ghen mới thiệt là yêu. Cái đó tui hổng có rảnh rồi hè. Con đàn cháu đống lủ khủ như vậy thì yêu quá xá quà xa rồi cần gì phải chứng minh chi nữa chớ! He he!”
Tui đồng ý với Tía tui đó anh. Lời yêu chỉ chót lưỡi đầu môi thôi. Không quan trọng; hành động mới đáng kể. Với lại Miệt Thứ mà trời sụp tối là muỗi vo ve như trấu; hai vợ chồng phải chui vào mùng mà đàm đạo. Kết quả là: Đứa thôi nôi đứa lôi đầy tháng là chứng minh hùng hồn nhứt cho tình yêu của đôi ta.

Tui cũng tin là con người có cái số. Tình nghĩa phu thê cũng vậy thôi như con gái tui nè dân Miệt Thứ mà lấy chồng Miệt Dưới là do cái mục tìm bạn bốn phương của thằng rể tui đăng trên báo: “Muốn tìm vợ chân quê, là rau sạch không có phun thuốc trừ sâu!”. Con gái tui, con “Choại’ đáp ứng được cái tiêu chí nầy trăm phần trăm.
Mới đầu nó chê thằng chồng nó hơi già háp, chỉ nhỏ hơn Tía nó một tuổi. Tui giảng cho nó nghe: “Già thời già tóc già râu. Già hết ráo riêng cái cần câu không già… là được!”

Phần con hổng nghe Ngọc Trinh, người đẹp Vĩnh Bình, chỉ yêu ông nào đáng tuổi ông Ngoại mình không đó sao? Ông Ngoại nhưng đừng xài tiền nội, mà xài tiền ngoại như đô la Mỹ hay đô la Úc là được hè.

***
Nhưng anh có biết tại sao con gái tui tên Choại, đọc hơi tréo bảng họng hay không? Tréo bảng họng thiệt như có ý nghĩa lắm đó. Choại mang cả một trời quê hương đó nhe anh!

Sau mùa khô hạn, những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rớt hột, mặt đất xâm xấp nước, cây cỏ mát mình là loại dây Choại rừng này bò vượt lên cao, bám vào thân cây tạo thành rừng bụi trong vùng ngập mặn U Minh.

Dây choại dùng để làm lạt, buộc lại cái kèo, đòn tay trong căn nhà tre, bện lộp, đăng, đó để bắt cá tôm. Còn đọt choại non, quắn tít nên còn gọi là rau tóc quăn, hơi chát, nhưng hậu ngọt. Ngắt đọt choại như hái rau. ăn sống chấm nước mắm giấm tỏi ớt, hoặc luộc chấm nước tương, chao, nước cá kho, nước thịt kho hay mắm nêm. Đọt choại xào xào thịt bò, thịt heo hay tôm tép, hoặc ăn kèm với cá thác lác, cá rô chiên, hoặc cá lóc nướng trui.
Tóm lại cây choại không bỏ gì hết ráo, xài hết từ đầu tới đít, cũng như con gái vùng Miệt Thứ quê tui nói chung và con Choại, con gái của tui nói riêng.

Dứt câu, anh Út Đọt quay qua hỏi thằng rể, rằng: “Con đã thử đọt choại bấy lâu rồi có phải Tía nói đúng hay không?”
Xong, anh quay qua mời tui: “Nghe nói anh khoái rau sạch lắm mà. Về quê tui ăn rau choại mệt nghỉ!”

Tui hứa: “Ờ chừng nào yên ổn, tui về Miệt Thứ quê anh để ăn đọt choại; mà “đọt choại” có hai cái nháy nháy lại càng khoái. He he!”

đoàn xuân thu.

melbourne

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác