CÚNG VIỆC LỀ

Ngày đăng: 23/03/2018 09:59:28 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Sáng hôm tui có nói thứ hai đi cúng Việc Lề. Nhiều anh em có hỏi cúng Việc Lề là gì? Tiện đây tui xin giải thích sơ.

Ở Việt Nam, dòng họ đóng vai trò quan trọng, đôi lúc khuynh loát ngay cả ý vua. Lịch sử đã ghi Trần Thủ Độ là chú vua, nhưng vì ổng là trưởng tộc nên ý kiến của ông là vô cùng lớn. Câu nói nổi tiếng của ông: “Tao chỉ là con chó già giữ nhà họ Trần thôi”.

im VănĐối với dòng họ tui, trong gia phả và truyền miệng từ đời này sang đời khác, con cháu phải nằm lòng:  “Họ Đinh là bà con”, bất kể ở đâu. Năm 2010, lên Sapa, gặp một toán khách Ninh Bình ngồi ăn ở nhà thờ đá, họ hỏi họ tui. Nói và mốc CMND ra, được một bữa ăn kha khá vì mấy vị khách này nhắc lại đúng câu đó.

Cúng Việc Lề không phải mời con cháu mà tự phải biết mà đến. Hồi trước 1975, đám cúng này của tôi chỉ có hai chi, đều ở xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, Long An nhưng để phân biệt, dòng họ tui gọi chúng tui là nhánh Kỳ Son vì ở gần nơi này. Nhánh tui là chi có vai vế lớn hơn, bởi vào giữa thế kỷ 17 từ Bắc vào, đi bằng thuyền, ghé Gò Công ở  thời gian rồi định cư ở Cái Bè. Ông sơ tui dẫn ông em út về xứ Tân An khai khẩn đất hoang (ông cố tui sinh tại xứ này). Lâu dần qua mấy đời mặc dù phe tui lớn tuổi hơn nhưng phải gọi chi kia là chú, là ông. Bởi vậy, đi dự Việc Lề, đám tui gặp ai cũng gọi bằng chú, nếu là vai lớn thì là chú lớn, còn nếu con cháu thì là chú em, gọn hết sức. Đám được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, mỗi chi đăng ký chủ trì cúng (chủ lễ), và phải trình trước hội đồng gia tộc, được chấp thuận mới hợp lệ.

Sau này có mấy chi khác trong tỉnh đến xin gia nhập nên hiện có 5 chi. Trước thì mỗi năm đi “lưu cúng” ở nhà người đăng ký, chục năm nay đã cất nhà thờ họ nên khỏi di chuyển nữa. Nơi này ghi rõ chứ “Nhà Họ Đinh”.

Trước thì cúng đúng 12 giờ trưa, giờ bắt đầu lúc 11 giờ (vì đông quá, lạy xong, ăn xong là gần 4 giờ chiều!). Người chủ trì khi được chấp thuận cúng là phải về mua một con heo con, nuôi đến lúc vào đám. Có thể thay con heo khác nếu bị trục trặc hay lớn lẹ quá, nhưng phải tròm trèm trăm ký mới đủ. Hôm cúng, heo được làm sạch, nhưng chưa nấu bày trước bàn thờ bên cạnh các lễ vật khác của con cháu dâng cúng (heo quay, thịt bò, gà vịt…) nhưng chủ yếu là ngài heo ngự chính giửa.

Chủ lễ tế xong thì con cháu vào lạy. Trước 1975 thì vì chiến tranh nên chủ lễ tế 4 lần, còn con cháu từng người thay phiên 3 lần, nam lạy trước, nữ sau. Quan trọng là mấy bà dâu vì “không có mấy bà dâu thì lấy đâu người quỳ lạy?”. Sau này thì nữ trước nam sau và vào tập thể nếu không chắc tới tối quá.

Nghe đồn rằng (chắc để cho con cháu xung phong) chủ lễ cúng sẽ giàu lên. Giàu thì cũng có, nhưng trước đây có mấy nông dân cúng xong trả nợ mấy năm mới xong nhưng rất hả dạ. Hồi trước còn uống rượu đế, giờ thì cũng vậy nhưng ít rồi bởi uống bia lon là chủ yếu, cho an toàn.

Đinh Kim Văn

 

Có 1 bình luận về CÚNG VIỆC LỀ

  1. Phong Tâm nói:

    Đọc CÚNG VIỆC LỀ của Đinh Kim Văn, được biết thêm ý nghĩa của một “tập quán cổ lệ”, khác với sự hiểu biết rất xưa khi được nghe Ba tôi giải thích, vì thời gian quá lâu, lúc tôi chỉ ngoài 10 tuổi, thấy Ba tôi cúng vài lần rồi bỏ tục lệ nầy. Ngày tháng cúng, tôi không nhớ. Tuy nhiên, tôi nhớ rất rõ: Một mâm cúng đơn sơ với một con cá lóc luộc chín, không nhớ con cá lóc của Ba tôi “cúng việc lề” được chặt kì, vi, hay đuôi với ba chung rượu, mâm cúng đặt trước hàng hiên nhà, người qua, kẻ lại dễ thấy.

    Ba tôi kể rằng: Mỗi họ tộc như: Nguyễn, Lê, Trần, Lý…v.v… có cách chặt, hoặc chừa kì, vi cá theo cách của mình. Thí dụ là họ Nguyễn thì chặt gì, chừa gì, để đúng ngày đó có người đi tìm xem, hoặc tình cờ thấy được con cá lóc cúng nầy có giống với con cá Họ nhà mình cúng không để nhận ra bà con, chí ít là cùng Họ. Bởi có những thời kỳ tản lạc do duyên cớ nào đó, người cùng dòng họ từ mọi miền, có thể miền Bắc, miền Trung… vào Nam lập nghiệp, cần tìm gặp lại người thân, thông qua mâm cúng nầy, cũng không loại trừ những người ẩn dấu thay tên, đổi họ vì một lý do đặc biệt nào đó mà tìm lại được người thân.

    Ở đây, tôi đưa ra một “tục lệ” mà theo hiểu biết còn lưu lại trong ký ức tôi, coi như đã đi vào quá khứ không còn tồn tại. Cám ơn bài viết của bạn Đinh Kim Văn, cho tôi được hiểu thêm một tập tục riêng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác