CHỊ HOA ĐĂNG, NGƯỜI KẾT NỐI YÊU THƯƠNG
Ở Vĩnh Long, chúng tôi có một nhóm bạn rất thân từ thời là học sinh Tống Phước Hiệp, tạm gọi là nhóm TPH 73. Chúng tôi thường họp mặt cà phê, tổ chức sinh nhật cho các thành viên trong nhóm và giao lưu với các bạn cựu học sinh Tống Phước Hiệp ở Vĩnh Long.
Hoa Đăng và My Nguyễn
Cơ duyên đã cho chúng tôi quen biết với chị Đoàn Ngọc Hoa, (có bút danh là Hoa Đăng, Khê Đăng), Chị cũng là CHS.TPH trước chúng tôi 4 lớp, là giáo viên về hưu sống ở miền quê Hậu Lộc, huyện Tam Bình. Chị làm thơ và đăng trong trang Tống Phước Hiệp- Vĩnh Long với những bài thơ trữ tình, sâu lắng đi vào lòng người. Chị Hoa rất bộc trực, thẳng tính nhưng cũng rất chan hòa, hiếu khách. Chị thường mời chúng tôi về nhà chơi khi có dịp, thế là sợi dây thân ái ngày thêm thân dù tuổi đời có chênh nhau chút ít.
Được biết, chị Hoa Đăng, sau khi đỗ Tú Tài I, chị lên Sài Gòn vừa làm vừa học để lấy bằng Tú Tài toàn phần và vào Đại học Văn Khoa. Đến năm 1973, nghề “gõ đầu trẻ” đã kéo chân chị trở về Vĩnh Long do thi vào trường Sư phạm Vĩnh Long, khóa 12 (1973 – 1975) và ra trường đúng năm 1975. Với những khó khăn nhất định, cô giáo làng vẫn tràn đầy nhiệt huyết, luôn hoàn thành nhiệm vụ, được phụ huynh và học sinh một lòng quý trọng.
” Đã ba mươi năm gắn với nghề /Giã từ thị xã để về quê/Ngày đầu đi dạy nghèo xơ xác/Đồng rộng mênh mông lác đác nhà (Quãng Đời Nhà Giáo)
Sau mối tình đầu dang dở, cuộc hôn nhân muộn màng đã gắn chị Hoa với quê hương Tam Bình và một chuỗi ngày gian truân, phiền muộn.
“Trời mưa ướt sợi tơ hồng /Se chi lộn mối cho lòng em đau”…(Mưa Chiều)
Lúc bấy giờ với đồng lương còn hạn chế, chị đã phải vừa đi dạy vừa bươn chải mưu sinh. Những ngày nghỉ, chị tranh thủ chèo ghe ra tận chợ Vĩnh Long, mua đồ tạp hóa về bán lẻ tại nhà. Nỗi lo toan, buồn tủi của chị đã chảy dài theo những nhịp chèo và từng con nước lớn…
Trong hoàn cảnh này, hơn một trăm bài thơ dạt dào cảm xúc được ra đời. Nó đã gói trọn niềm riêng của chị về cuộc sống trớ trêu, về những mảnh đời bất hạnh và đặc biệt tiếc thương cho một cuộc tình ngang trái. Tôi đã có dịp đọc qua nhiều bài thơ của chị và cảm nhận được những điều đó qua từng con chữ, từng câu thơ ngọt ngào, lắng đọng.
” Anh đã cho em một mối sầu/ Em thành Chức Nữ đợi mưa Ngâu/Gặp nhau giây phút tình sâu lắng
Nức nở tim em khóc lệ sầu”…(Ba Đoạn Đường Tình)
Để rồi có lúc chị đã bâng khuâng khi trở về với kỷ niệm ngày xưa.
“Quay gót trở về thăm chốn cũ
Bước chân này tìm lại dấu chân xưa/ Nỗi nhớ nhung biết nói sao vừa /Tôi đứng lặng nhớ về người xưa ấy”…(Kỷ Niệm Buồn)
Từ lúc nghỉ hưu, chị Hoa Đăng đã dành phần lớn thời gian cho gia đình nhưng cũng không quên bạn bè, đồng nghiệp. Ngoài việc tìm lại bạn học ngày xưa, chị còn tạo điều kiện quen thân với những đàn em như chúng tôi. Căn nhà nhỏ của chị ở ấp 4, xã Hậu Lộc thường xuyên mở cửa đón khách. Những tiếng cười giòn tan, những món ăn dân dã thắm đượm nghĩa tình…Ai đến đó một lần sẽ mãi không quên.
Mặt khác, có đến nhà chị Hoa mới thấy được sự quạnh hiu, nhọc nhằn của chị và cảm thương biết mấy! Từ trong nhà đến ngoài vườn, mọi việc đều do một tay chị quán xuyến. Bởi ông xã chị đã bị tai biến, mất sức lao động từ nhiều năm nay. Vậy mà việc trong nhà, ngoài đồng chị đều tươm tất và nụ cười vẫn nở trên môi. Ở chị luôn toát lên sự lạc quan, yêu đời, đầy sức sống. Với “con ngựa sắt” và chặng đường mấy mươi cây số, chị luôn có mặt trong mọi cuộc họp mặt của trường cũng như khi bạn bè gặp khó khăn, hữu sự…
Với chúng tôi, chị là ánh Hoa Đăng luôn tỏa sáng. Chiếc đèn hoa ấy đã kết nối yêu thương, đã mang niềm vui đến cho mọi người và sẽ mãi lung linh trên sông đời vạn nẽo.
29/11/2021
My Nguyễn