Phạm Công Luận- người của Sài Gòn phố

Ngày đăng: 21/05/2017 08:08:43 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

Phạm Công Luận nhỏ hơn tôi 9 tuổi, xưng em với tôi nhưng tôi nể anh lắm. Năm 1993, Luận đã đạt giải thưởng Văn học thiếu nhi do Hội nhà văn thành phố và NXB Trẻ tổ chức. Từ đó đến nay đã ra 10 tác phẩm, trong đó có quyển “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” viết chung với vợ anh là Đặng Nguyễn Đông Vy đã tái bản 17 lần. Đặc biệt nhất là bốn năm gần đây mỗi năm anh xuất bản một quyển “Sài gòn – Chuyện đời của phố”, quyển nào cũng dày hơn 300 trang, khổ 19×21 với một chủ đề chung nhất là những chuyện cũ – hay – lạ ở vùng đất mới hình thành phía Nam vừa hơn 300 năm, được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn đông.

Buổi sáng nghe điện thoại của Phạm Công Luận, nói anh Minh có rảnh ra gặp nhau để em gửi quyển sách “Sài gòn –Chuyện đời của phố IV” mới vừa ra lò. Nghe sách mới là tôi ham, nhất là tôi biết quyển này cũng dày và đẹp như “3 anh” của nó, nên tôi đi liền. Tôi không ngờ Luận nhớ lời hứa với tôi hôm trước Tết ở đường sách Nguyễn Văn Bình: khi nào có sách mới ra, em gửi anh một quyển.

Trong quyển “Sài gòn –Chuyện đời của phố IV” với 27 bài, anh tiếp tục có những bài viết về những con người độc đáo đang sống hay từng sống ở Sài Gòn, chắc chắn là có rất nhiều người chưa biết như: họa sĩ Việt kiều Pháp, Marcelino Trương Lực chuyên sáng tác tranh màu nước, vẽ truyện tranh và ký họa về Việt Nam đăng trên các báo Pháp, hay cha  và con trong gia đình nghệ sĩ tài danh: nghệ sĩ sân khấu cải lương tiền phong Tư Chơi – Huỳnh Thủ Trung và con là nghệ sĩ Huỳnh Hiếu, tay trống số một Đông Dương. Người mê bóng đá ở Sài Gòn xưa cũng có dịp biết về BS Phạm Văn Tiếc một cầu thủ trong đội Ngôi sao Gia Định thập niên 1920-1930. Ông không phải là cầu thủ xuất sắc nhất của đội mà là một trí thức viết sách hướng dẫn đá banh (xuất bản năm 1925), môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam thời ấy ; có những bài viết về một địa danh như Xóm cổ Đit-Xơ-Mit, một xóm của cư dân nghèo, tiền thân của khu phố Tây Bùi Viện; hay bài viết về những người thợ làng Lai Xá phía Bắc xa xôi mà mở ra mấy chục tiệm ảnh ở Sài Gòn từ đầu thế kỷ XX đến nay.

Viết mấy cuốn sách về nhiều chuyện xưa hàng trăm năm từ một nhà báo chưa đầy 60 tuổi là việc làm không dễ. Những chuyện được tác giả chứng kiến thì khoảng năm mươi năm trở lại, nhưng cũng phải là nơi mình đã từng sống và học tập ở đó, còn những chuyện hấp dẫn khác, xưa hơn đều phải nhờ tư liệu và kỹ năng làm báo, tìm tòi và phát hiện nhân chứng.

Tôi nhớ có lần nhà báo Lê Phú Khải nói với tôi: “Các anh có tài năng thì viết sao cũng được, còn tôi không tài năng thì cần tài liệu”. Với những tài liệu cách nay 60-70 năm không dễ gì tìm. Ấy vậy mà với mối quan hệ rộng của một nhà báo, với tính sòng phẳng của người biết chuyện, Luận đã có được tài liệu từ nhiều nguồn, mua trên các trang web bán sách như Amazon, từ giới sưu tầm sách báo, văn bản xưa và cả tài liệu từ thư viện nước ngoài, thông qua bạn bè. Nhờ vậy, anh có thể lôi ra được những tư liệu hiếm như Siêu thị Nguyễn Du là siêu thị đầu tiên của Sài Gòn và của cả nước năm 1967, đồ án xây dựng lại hòan tòan chợ Bến Thành năm 1971 (cuốn 2) v.v…Tuy vậy, anh không chỉ dựa chỉ vào nguồn tài liệu “văn bản”, mà anh xem đó là tư liệu “chết”, thiếu sinh động và dù sao cũng đã được công bố cho dù đã từ trên dưới nửa thế kỷ trước. Tư liệu anh luôn cố công tìm kiếm chính là các nhân chứng, có thể là người trong cuộc hoặc thân nhân của họ. Anh tìm được nhà thơ Huyền Chi, tác giả bài Thuyền Viễn Xứ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ năm 1952. Anh lần ra người cháu đích tôn của soạn gỉa Tư Chơi, người từng là chồng của hai nghệ sĩ sân khấu tài danh là Phùng Há và Kim Thoa để phục dựng lại nỗi niềm của ông trước khi đắm chìm vì bệnh tật trong men rượu nửa thế kỷ trước. Anh phỏng vấn con trai nhạc sĩ Lê Mộng Bảo để viết bài về nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam chuyên in tờ nhạc (cuốn 2). Anh phỏng vấn bằng điện thoại và mail tới các nghệ sĩ ở nước ngoài như ca sĩ Mai Hương để tìm hiểu về ban văn nghệ thiếu nhi Tuổi Xanh, giáo sư Lê Văn Khoa để hỏi về chương trình “Thế giới của trẻ em” trên truyền hình Sài Gòn cũ (cuốn 2), những người con của họa sĩ Duy Liêm chuyên vẽ bìa tờ nhạc và tạo mẫu sơn mài hãng Thành Lễ (cuốn 1). Anh thuyết phục được họ gửi gắm nỗi niềm về một thời sôi nổi của họ hay người thân của họ, gửi cho anh những tấm ảnh được scan lại từ album gia đình cất kỹ nhiều năm. Tạo được sự tin cậy của những người ở xa, chưa từng biết nhau, chưa giáp mặt là điều không dễ nhưng anh làm được bằng kỹ năng thuyết phục và sự chân thành.

Trừ những hình ảnh viết về chính nhân vật, những hình ảnh của những tác giả ảnh chuyên nghiệp được anh trả nhuận bút sòng phẳng. Như trường hợp ảnh nghệ sĩ Sài Gòn xưa của ông Đinh Tiến Mậu.

Mong muốn của anh là phục dựng phần nào về đời sống trong quá khứ của Sài Gòn,  thành phố trải qua nhiều biến động thời cuộc nhưng vẫn có những thành tựu không nhỏ về văn học, nghệ thuật, báo chí, giáo dục, mỹ thuật…và những phong cách sống một thời trong ăn mặc, giải trí, hưởng thụ cuộc sống…nay đã khác nhiều. Khi tiếp cận nhân chứng, anh càng mong muốn đi càng sâu vào chủ đề này, ở mức độ khẩn trương hơn vì lớp người cũ đã từng thấy một Sài Gòn xưa nay ngày càng rơi rụng dần.  h 2

Nhìn quyển sách  giá 300 ngàn đồng, số lượng in 3.000 cuốn, tôi nhẩm tính chắc anh thu hoạch được khá khá. Thế nhưng, anh cho biết với những quyển sách in đẹp thế này, câu chuyện dễ đọc, nhất là có liên quan đến nhiều người trong sách nên ngoài việc tặng   những người cung cấp tài liệu, hình ảnh, anh tặng cả bạn bè, thân hữu, gia đình…tổng cộng phải trên trăm cuốn, tợ như của thiên trả địa, nhưng niềm vui chia sẻ không hề nhỏ. Dù sao, sách đã đi được vào độc giả. Anh vẫn thường xuyên được tin nhắn qua facebook từ những người lạ bên Pháp, Mỹ, Úc…hỏi cách mua. Đa số họ lớn tuổi, nhiều người nghĩ tác giả cũng phải trên bảy mươi ngang với họ, có người cho là hơn tám mươi (!).

Vào hiệu sách không biết cơ man nào là sách, nhưng sách bán chạy thì không nhiều, “Sài gòn –Chuyện đời của phố” thuộc loại nhiều người cần, nhất là những ai từng sống ở Sài Gòn, đang ở xa Sài gòn. Nhìn quyển sách giá khoảng sáu tô phở không phải là đắt, thu nhập cỡ công chức như bạn tôi, cầm lên bỏ xuống một hồi rồi cũng phải mua, anh nói với tôi như thế. Tôi không biết bút lực của Phạm Công Luận sắp cạn chưa, chứ những chuyện ở phố Sài Gòn còn rất nhiều và mong rằng năm nay và những năm tới quyển 5, quyển 6 cứ tiếp tục dài dài.

bài và ảnh Lương Minh

bài đăng trong Quán văn số 45 ra  ngày 21/5/2017

IMG_1108Phạm Công Luận (trái) trò chuyện với nhà văn Kiệt Tấn (ảnh Lương Minh)

 

 

 

Có 2 bình luận về Phạm Công Luận- người của Sài Gòn phố

  1. Một cuốn sách hay dành cho những người có nhiều gắn bó với Saigon. Cám ơn Lương Minh đã giới thiệu. Chúc tác giả Phạm Công Luận nhiều thành công và sẽ còn xuất bản nhiều cuốn sách giúp bạn đọc vừa giải trí vừa mở rộng thêm kiến thức.

  2. Đoàn Xuân Kiên nói:

    Thay lời muốn nói:  http://chimvie3.free.fr/56/PhamTrongChanh_PhamCongLuan_056.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác