SONG HẢO-NGƯỜI ĐA TÌNH TRONG THƠ

Ngày đăng: 23/07/2022 08:28:04 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Nhớ có lần anh bạn tôi nói về nhạc sĩ Xuân Hồng , nguời chuyên sáng tác các bản nhạc xuân. Từ Xuân chiến khu rồi Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh và sau đó thì Mùa Xuân bên cửa sổ. Có nghĩa là xuân từ một địa bàn bao la đến xuân trên một thành phố rồi gom lại còn Xuân bên cửa sổ. Với bài Mùa xuân bên cửa sổ thì tôi biết đó là phổ từ bài thơ của  Song Hảo, người bạn đồng môn Tống Phước Hiệp – Vĩnh Long với tôi.

Nhận là bạn đồng môn thì tôi mới xác định sau này khi những lần họp bạn trong trường, lần cô giáo Lê Thân Hồng Khanh từ Mỹ về chơi, những chị cựu học sinh trường TPH trò chuyện rất thân mật với Song Hảo, thì ra họ học chung lớp với nhau từ hồi trung học.

Song Hảo tên thật là Lê Thị Tố Lan, 16 tuổi chị đã nghỉ học vô chiến khu hoạt động, nghe nói làm ở ban Tuyên huấn tỉnh ủy, thế nên khi thành lập tỉnh Cửu Long, chị đã có chân trong Hội VHNT tỉnh rồi. Với thành tích hoạt động lâu năm nên chị có lúc làm Chủ tịch hội VHNT tỉnh kiêm luôn Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Vĩnh Long. Từng là UV ban chấp hành Hội Nhà văn khu vực ĐBSCL (2000-2005)

Khác với những quan chức lãnh đạo khác , chị có khả năng sáng tác nhiều, với nhiều bút danh khác nhau như Quỳnh Tương (tên con gái), Tường Vi, Nguyệt Quế… đến nay đã có 4 tập thơ in riêng như: – Khoảng trời nhiều gió (1983) – Dòng sông của em ( 1985) Mùa chưa qua (2019), Mê hoặc (2021) và nhiều tập in chung với anh chị em khác và chị là người đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long được kết nạp vào hội Nhà văn Việt Nam (1990)

Với Song Hảo, người yêu thơ biết nhiều không phải vì số lượng sáng tác mà là với lời thơ mượt mà dễ viết thành nhạc. Có người đã xếp chị vào nhóm Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh do có nhiều bản tình ca. Chính vì thế mà nhiều nhạc sĩ đã lấy thơ Song Hảo phổ nhạc và đó trở thành những bài ca hay, thính giả  thuộc những bài như: Lá Hát, Áo em xanh màu mây, Mai xa rừng, em có nhớ gì không?; Bài thơ gửi lại. . . Phải công nhận rằng nhờ bài “ Mùa Xuân bên cửa sổ “ của Xuân Hồng lấy từ bài “Bên Cửa sổ” mà tiếng tăm của Song Hảo bay xa.  Tôi thì thích bài thơ Bao Giờ của chị được nhạc sĩ Huy Tiến lấy làm bài “Tâm hồn” nghe sao có vẻ bao dung: Bao giờ anh đau khổ/ hãy tìm đến với em. Hai câu này đã lặp lại nhiều lần nên mỗi khi ngồi một mình tôi bật Youtube nghe ca sĩ Thái Bảo ca: Mặt đất còn gai chông/ Bầu trời còn bão tố/Bao giờ anh đau khổ/ Hãy tìm đến với em/Bao giờ anh đau khổ/ Hãy tìm đến với em. Ca từ lập đi lập lại nghe tha thiết và rất là cao thượng.

Chị tự nhận mình không có khiếu ăn nói, nên thường tránh những báo đài phỏng vấn. Nhớ lần ra Hà Nội hop Hội nhà văn, không hiểu sao đài TV hay tin đem đồ nghề lại bất thần xin làm việc, chị không thể từ chối được nên cứ trả lời đại, cũng xong. Với sinh viên trẻ ở phía Bắc cũng thế, các bạn ấy vây quanh để hỏi về quan niệm của chị tình yêu, về sáng tác thơ.

Tôi không nói về thơ Song Hảo bởi có quá nhiều người nói rồi, nào là thơ lãng mạn, đọc thơ biết người đa tình nhưng vẫn giữ nét đôn hậu của người chân quê. Song Hảo cũng là đề tài cho sinh viên các trường đại học miền Tây làm luận văn tốt nghiệp.

Song Hảo hiện sống ở xã cù lao An Bình, thuộc huyện Long Hồ. Nói là huyện nhưng chỉ cách thành phố Vĩnh Long bởi một con sông Tiền. Lần đầu qua nhà chị , hỏi bà con lối xóm, không ai biết nhà thơ Song Hảo ở đâu . Chừng hỏi nhà cô Bảy Tố Lan thì người ta mới biết, để chỉ.  Khi về với vườn tượt rồi, nhà thơ hòa mình vào với nông dân, ăn mặc giản dị nên nếu không biết mặt  trước, khó mà nhận ra.

Ngôi nhà  kiểu nông thôn mái tôn, trước có hàng chậu kiểng trông  có vẻ giống như các lão nông biết hưởng nhàn, bên cạnh là chái nhà không dừng vách nên thoáng mát, để một bàn trà tiếp khách ở đó.  Chủ nhà có chút đất vườn với cây trái vừa đủ đãi khách , nào chuối, nào dừa , rồi cam…

Tôi hỏi Song Hảo tới đây có đi ra thêm tập thơ nào nữa không? Chị cho biết tập Mê Hoặc in xong năm rồi do hội Nhà văn tài trợ chưa phát hành được vì dịch bệnh, chuyện ra mắt thơ ở Vĩnh Long hình như công chúng chưa có thói quen như ở Sài Gòn, Năm nay, có lẽ rồi phải làm thêm tập thơ tình nữa vì bản thảo còn nhiều, bạn bè và con gái khuyến khích in. Anh Thành Khởi, chồng chị trước đây thường giúp chị trong việc in ấn nhưng năm rồi đã mất. Chị nói còn hai ngày nữa là giáp năm , chờ con gái về làm mâm cơm cúng cho anh, ở Vĩnh Long bạn bè nhiều , nhưng toàn là người lớn tuổi , chị ngại làm phiền vì đò giang cách trở. Ở quê , cảnh vật mát mẻ bạn bè thỉnh thoảng cũng có đến , vui chốc lát khi bạn về thì lại buồn !

Trò chuyện với chị khá lâu, tôi còn phải qua sông để còn trở về thành phố, chị lấy nãi chuối xiêm treo trên xe máy tôi nói là để ăn dọc đường, Sài Gòn khó kiếm. Tôi mắc cười nhưng cũng nhận, tấm lòng của người dân quê xưa nay vẫn vậy.

Lương Minh

Hóc Môn 25/6/2022

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác