LƯƠNG MINH – CÁC NGỌC và CHỢ TỈNH CHỢ QUÊ

Ngày đăng: 4/10/2020 08:28:33 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Là cái ‘ duyên muộn ‘ khi tui đọc quyển sách ‘ Chợ tỉnh Chợ quê’ của đồng tác giả Lương Minh – Các Ngọc sau hơn 10 năm tình cũ trình làng .Tui tưởng tượng một cuộc đi phượt dài hơi của hai anh chị trên chiếc xe không mấy gì hiện đại , xâm nhập vào đời sống từng ngôi chợ mà viết được tận tường hết thảy đời sống của hàng trăm ngôi chợ từ Sài gòn ra Bắc xuống Nam. Nếu không có lòng yêu nghề cao độ , quyết tâm lớn và sức khỏe chuẩn , tác giả khó mà theo đuổi mục tiêu nghiên cứu , viết được một cuốn sách dầy hơn bốn trăm trang . Nhìn những tấm hình lăn lóc bụi đường của hai anh chị mới thấy tấm lòng của người cầm bút .

 

Nhớ lần đầu tiên tui xem ” Chợ Tĩnh Chợ Quê ” được giới thiệu trên sóng HTV , tui cảm tình với cha mẹ đẻ của nó vô cùng. Tui nể phục về một công trình vừa là nghiên cứu vừa là phóng sự lại rất văn chương chữ nghĩa ; công trình đó kéo dài cả thập niên ròng rã cho anh chị đầu tư công lao và trí tuệ.

Theo chân tác giả từ chợ Bến Thành vô Nam rồi ngược ra Bắc hơn trăm cái chợ trên bao vùng miền đất nước , tui học được nhiều bài học lịch sử , bài học địa lý , phong cách sinh hoạt dân dã địa phương . Tui biết thêm nhiều loại chợ như một hệ thống phân phối chằng chịt từ chợ đầu mối cho tới chợ …chồm hổm ở vĩa hè , cả loại chợ tự phát cạnh lề đường thường bị dân phòng …rượt chạy.
Hai chục năm từ khi tác phẩm được thai nghén và ra đời , xã hội đổi thay biết bao mà nói nhưng quyển sách vẫn giữ một chổ đứng trang trọng trong bề dầy lịch sử của nước nhà . Sự thay đổi đi lên hay đi xuống cũng là chuyện bình thường của những cái chợ đã từng thịnh vượng, hay đã bị tiêu vong . Ở đây tui muốn nói đền tấm lòng của tác giả trong một công trình ghi nhận qua những bài viết về một mảng sinh hoạt không nhỏ của cộng đồng dân cư khắp nước : chợ búa . Từ sinh hoạt của người tham gia chợ búa , bao trùm lên sinh hoạt toàn đất nước , sinh hoạt của từng gia đình về cái ăn cái mặc nói chung và bao nhiêu thứ khác tựu trung vẫn là mục đích phục vụ con người và phát triển xã hội . Đọc ‘ Chợ Tỉnh chợ Quê’ làm tui có nhiều bề liên tưởng vì cái ý tứ trong sách cũng được khẩu truyền qua tục ngữ ca dao. Như là , từ mỗi cái chợ đều có một loại sản phẩm đặc trưng , đồ nào thuộc chợ nào trong cái thị phần rất dễ nhận ra như ông bà từng nói , ca dao từng nói

” Tưởng rằng chợ Sái mỹ miều
Chỉ lắm hàng củi với nhiều hàng cơm
Chợ Nưa hàng giậm hàng rơm
Chợ Trôi hàng vải , hàng cơm dãi dầu
Chợ Nghè thì lắm bò trâu “
( ca dao )

‘Chợ Tỉnh chợ Quê ‘ cũng gọn gàng phân loại chợ nào hàng nấy không sai .

” Chợ nào nhiều rau bằng chợ Thẩy Phó
Chợ nào đánh võ bằng chợ Nhà Đài
Chợ Tân Quới mua bán nhiều khoai
Chợ Mỹ Tho đem ghe chài mua
không xuể “
( ca dao)
( . Chợ Thầy Phó : xã Hựu Thành , Trà Ôn , Vĩnh Long
. Chợ Nhà Đài : xã Hiếu Thuân, Vũng Liêm , Vĩnh Long
.Chợ Tân Quới : huyên Bình Tân , Vĩnh long )

Tác giả đã có những lần thức giữa khuya , lặn lội tới một cái chợ ngoại thành mà quan sát cuộc họp chợ bắt đầu từ chưa 2g sáng , vẽ lại bức tranh chợ búa rất lạ lùng ! Bởi vì ,

” Bán hàng thì bán sớm mai
Chợ trưa người vãn còn nài làm chi ? “
(ca dao)

Chợ Bến Thành trước có tên là chợ Sài gon đã là đề tài trang trọng được tác giả nói ở những trang đầu , chắc hẳn tác giả cũng biết người dân Sài gòn rất yêu mến chợ Bến Thành đến nổi đặc sản chợ cũng đi vào tục ngữ ca dao.

” Chợ Saigon bán chó , chợ thầy Phó bán heo
Thương em anh bơi xuống xuồng , lúc đứng anh chèo
Cả ngày đường xa vắng nhưng em chê phận anh nghèo phải khổ tấm thân ”

Người đọc sẵn sàng theo tác giả tới chợ Bến Tre, nơi đó sản vật quê nhà phong phú lại càng phong phú hơn như câu thơ nầy đã truyền tụng trong dân gian

“Chợ Ba Tri thiếu chi cá biển
Anh thương Nàng anh nguyện về đây.”
( ca dao)

Tác phẩm gây cho tui niềm cảm thương cho những bạn hàng suốt đời gắn bó với chợ , những người phải chạy chợ cho hết hàng họ trong ngày , và những số phận của bao người buồn hiu khi ngôi chợ thân quen bị xóa sổ vì lịch sử đã sang trang . Cái quí ở tác phẩm là tấm lòng của tác giả gắn kết với nhiều con người trong sinh hoạt chợ . Rõ nét những bóng dáng của bà già quang gánh thúng mẹt bán hàng bông , chú ba anh bảy có thớt thịt đông vui , ông già chạy xe ba gác , anh lao công quét chợ và cả bóng dáng các cô bạn hàng trẻ con buôn đường dài , đanh đá như câu thơ nầy miêu tả

“Gái nầy là gái chả vừa
Gái bán vải tấm , gái lừa vải con
Gái nầy là gái chả non
Gái lường chợ Quán, gái buôn chợ Cầu”
(ca dao)

Ai cũng biết đi chợ mỗi ngày chỉ cốt phục vụ cho cái mặc cái ăn. Chắc người ta cũng nghĩ văn chương mà đem quăng vào cái chợ vào chỉ có mà văng hết cả chương . Nhưng cái hay của quyển sách ở chổ cái tình chia sẻ , cái ý quan tâm của người viết rất đậm đà trong đó. Bao nhiêu chợ là bấy nhiêu tình , cái tình của kẻ bán người mua từ một chổ vừa giao lưu văn hóa , trao đổi tài chánh , phát triển kinh tế, trao đổi bình luận thời sự , bóng đá …tất cả nguồn giao lưu đều hội tụ trong cái chợ . Phong cách sống của con người cũng được phơi bày. Chợ là nơi thuận lợi nhất để các ‘bà tám’ biết về chuyện của nhau.

” Bảng treo ở chợ Mỹ Lồng ( Bến tre)
Chữ đề tên Bậu : không chồng , có con “
( ca dao)

Những ngôi chợ tác giả đã ghé qua phản ảnh đủ hết những khía cạnh đời sống và yếu tố con người được tác giả đề cập rất sâu. Những con người làm nên cái chợ và những con người đó tạo nếp sinh hoạt cho ngôi chợ đó rất riêng.
Tui gặp những bà nội trợ đi chợ hàng ngày , những bạn hàng bán lẽ , bán buông với phong cách kinh doanh không trường lớp mà vẫn giữ được khách hàng nhờ cái duyên buôn bán. Thử nghĩ , cuộc đời ta mà thiếu cái chợ sẽ ra sao? Đó là sự tiến bộ và cả tiến hóa của con người đi lên từ khi con người có nhu cầu trao đổi hàng hóa tới bây giờ. Tui vẫn thấy sự ấm áp thân thiện của việc mua bán trong việc đi chợ hơn là đi siêu thị. Ở chợ tui vẫn giữ được sự giao tiếp giữa người và người ; còn ở siêu thị , sự lựa chọn hàng lạnh lùng không phải chỉ vì hệ thống điều hòa mà từ sự tiếp xúc giữa khách hàng và sản phẩm vẫn vô cảm vô hồn. Đi chợ vẫn đầy cảm xúc nào giờ , tui có thể vui khi mua hàng với giá hời khi chợ sắp tan hay một nổi ấm ức bỏ vô giỏ xách về nhà vì …mua hố ! Đi chợ mới biết thế nào là quí nhân được đon đã mời ‘ mở hàng ‘ hay quái nhân vừa đứng dậy bỏ đi thì liền bị …đốt phong long !
Sống ở Saigon nửa thế kỷ vậy mà tui đâu có biết nhiều chợ như tác giả .Hàng trăm ngôi chợ anh chị viết về không phải là một cách cỡi ngựa xem hoa mà là một công trình nghiên cứu . Càng đọc sâu tui càng phát hiện tấm lòng của tác giả chăm bẳm cho bài viết của mình có giá trị là một tác phẩm văn học xã hội chớ không chỉ là một bài tường thuật , tả cảnh chung chung . Trong từng ngôi chợ nếu tác giả không đầu tư thời gian , không đổ mồ hôi dãi dầu mưa nắng , không ăn dầm nằm dề để ‘ thâm nhập thực tế’ thì tác phẩm không có cái hồn riêng của nó , không đằm thấm chất nhân văn .

Có điều khá đáng tiếc là yếu tố …tự tình không có mặt trong tác phẩm ‘ Chợ Tỉnh Chợ Quê ” ; có lẽ thủy chung vẫn là mục tiêu cung cấp thông tin ? là chỉ để người đọc mở mang sự hiểu biết về một mảng sinh hoạt của xã hội , nhìn sơ thấy thật bình thường nhưng thiệt ra lại vô cùng quan trọng.Dù gì chợ cũng là nơi phát sinh nhiều cái sự sinh , sinh sự ở đời , là đầu mối của tình cảm con người .Cái duyên của chợ ngoài hàng hóa đổi trao còn gói được tình trong đó . Mảng nầy quyển sách nghiên cứu của tác giả đã bỏ qua. Hay bởi vì viết sách thuần về nghiên cứu nên …quân pháp bất vị tình? Với tui , tui lấy làm tiếc vì nội dung quyển sách như bị khô khan , khó nuốt , đọc ‘ Chợ Tỉnh chợ Quê ‘ như thể ăn một bữa cơm thịt nướng ngon lành mà thiếu món canh ! Ngôn ngữ ‘ nòi tình ‘ như thế nầy không hề có trong tác phẩm ‘Chợ Tỉnh chơ Quê’.

” Anh ơi buông áo em ra
Để em đi chợ kẻo hoa em tàn “
( ca dao)

” Chiều chiều ra chợ Đông Ba
Ngó về hàng bột , trông ra hàng đường
Nhìn mai ngắm liễu xem hường
Cô nào đẹp nhất xin nhường cho tôi “
( ca dao)

“Chợ Nha Trang trăm vật trăm ngon
Em vừa vừa cái miệng , kẻo chồng con mang nghèo “
(ca dao)

Cũng là đa dạng đa chiều trong sinh hoạt chợ , bữa nào coi ngày tốt , bà già trầu tui cũng chuyển từ chợ gần qua đi chợ Cẩu Bông một chuyến cho biết thế sự nhân tình ; không chừng, biết đâu tui thực hiện được cái dí dõm trong bài thơ “Bà già đi chợ Cầu Bông ” hồi nẵm …

” Bà già đi chợ Cầu Bông
Bói xem một quẻ lấy chổng lợi chăng
Xem rồi ông mới bói rằng
Lợi thì có lợi mà răng không còn “
( ca dao )

Do cái tội làm giá kèo nài mà cuối đời tui còn đi chợ Cầu Bông, ai bảo xưa không nghe lời chị bạn hàng đã từng cảnh báo.

” Chợ đang đông em không lo liệu
Chợ tan rồi em bán chịu , hỏng ai mua .”
( ca dao)

Biết đâu cũng tại cái duyên tréo ngoe cẳng ngổng mà nhiều bà đi chợ gần về già cũng cảm thán, hát ca dao như vầy …

” Chợ Saigon còn đương buôn bán
Chợ Vĩnh long lập quán cầu hiền
Gặp ông Tơ, lột nón em xá liền
Biểu chỉ dùm chổ khác , chổ có vợ rồi sao ổng lại se ? “
( ca dao)

Khi về phương Nam cùng tác giả , tui đi một vòng tới những ngôi chợ anh chị từng qua , rồi bổng tui chạnh lòng vì tìm mãi không thấy CHỢ BƯNG ở Tiền Giang , cách Saigon không xa lắm. Cũng là một chợ ở miền quê khỉ ho cò gáy ; ‘bưng’ vừa là một danh từ và cũng là một động từ . Một cái chợ ở miệt bưng biền , là nơi sinh viên khoa Anh tụi tui đi …thực tập sư phạm !!! Tui không nhớ mình học được những gì từ chợ Bưng như nghiên cứu của tác giả , chỉ nhớ ở tại vùng đất mang tên ‘ Chợ Bưng ‘ đó tui đã viết một bức thơ tình đầu đời dầy tới 4 trang rồi nhờ học trò ra huyện gởi tới người ta ! Cái tên Chợ Bưng địa lý vẫn còn nhưng cái chợ lợp bằng lá dừa nước cũ xì suốt tháng quanh năm, mùa nắng mặt trời ngó xuống , mùa mưa thì dầm dột tùm lum ! . Ngôi chợ nhỏ xíu đó tui từng đến mua cọng rau vườn con cá đồng bắt ngoài sông từ người dân làng ‘ bưng ‘ bằng rổ bằng thúng đi chân đất hay đi xuồng ba lá ra chợ bán. Ngôi chợ đó cũng đã không còn , từ lâu lắm.

Nguyễn Ngọc Hạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác