BÁNH KHỌT THỜI THƠ ẤU

Ngày đăng: 5/03/2019 06:21:42 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Năm một chín sáu mươi sáu, cha tôi hy sinh tại Buôn Mê Thuộc. Mẹ đưa linh cữu cha về Sài Gòn, gia đình của nội. Sau đó gia đình tôi rời  Sài Gòn về Ô Môn, một huyện nhỏ cách Thị xã Cần Thơ khoảng hai mươi bảy ký lô mét đường xe. Gửi anh em chúng tôi cho người cô thứ Năm. Mẹ xin một chân giáo viên tiểu học, dạy tận trong huyện Cờ Đỏ. Thường cuối tuần, thứ bảy, chủ nhật, mẹ về thăm, đây cũng là dịp mẹ có thời gian chăm sóc, dạy dỗ mấy đứa tôi hoặc nấu những món ăn mà những ngày mẹ vắng nhà, tôi là anh hai thay mẹ đi chợ, nấu nướng. Mỗi sáng hay trưa đi học, mấy anh em tôi ngang qua sạp bán bánh khọt mà chân bước chầm chậm, mũi ngửi mùi khói thơm và nghe những âm thanh xèo xèo của mỡ bị cháy theo bàn tay cầm cọng sóng lá chuối của dì Sáu, xoay đều trong đáy khuôn, tiếng khọt khọt từ những chiếc bánh đã chín, cố vùng vẫy hất tung chiếc nắp để thoát ra ngoài. Chúng chưa thoát  mà tôi đã nghe những dề nước bọt tươm ra trong miệng. Gia đình sáu anh em, mồ côi cha, mẹ dạy học để nuôi chúng tôi ăn, mặc và đến trường, vì vậy không có cho tiền bỏ túi để ăn vặt ở các hàng quán.

Ở đồng bằng Nam bộ quê tôi hầu như ai cũng biết đến món bánh khọt. Bởi nó là thứ bánh dân dã, dễ làm và rẻ tiền nhưng ngon, cũng là món bánh mang đậm hương vị của tuổi thơ. Khuôn bánh được làm bằng đất nung, giá rẻ dễ mua dành dùng trong gia đình mà không phân biệt giàu hay nghèo. Đôi khi chòm xóm mượn nhau dùng. Bánh được làm bằng bột gạo, bột nghệ, nước cốt dừa, đậu xanh và thịt, tép, ăn cặp với rau sống. Chỉ đơn giản nhưng nó mang rất nhiều ý nghĩa về y học. Chứng tỏ rằng ông bà ta xưa kia rất am hiểu trong lĩnh vực ăn uống và bảo vệ sức khỏe. Gạo có chất bột đường và đạm, dinh dưỡng cao, cũng là món cơm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam. Đậu xanh nhiều đạm, vị mát, giải độc, dưỡng tì vị, kèm theo nghệ có vị cay, tính ấm, tiêu thực.

Và chất đạm từ thịt, tép kèm can xi bỗi dưỡng cơ thể rất tốt.

Nghe anh em tôi nói thèm muốn ăn món bánh khọt, nên mẹ vừa về tới nhà, tắm rửa, thay bỏ chiếc áo dài ra thì liền tất bật xúc gạo cho vào thau ngâm. Từ Sài Gòn về quê, nhà thiếu đủ thứ, tuy vậy cũng không đáng lo vì nhà bà cô tôi có đủ các vật liệu, đồ dùng cho gia đình trong việc nấu ăn hai bữa mà còn chế biến những món bánh ăn giải trí như: khuôn bánh bò, da lợn, kẹp, khọt… Đặc biệt là chiếc cối đá dùng để xây bột. Mẹ kêu tôi chạy qua nhà bà cô, hỏi mượn chiếc cối đá và cái khuôn bánh khọt bằng đất nung đã sậm màu.Tôi thay phiên tiếp mẹ ngồi, múc từng vá gạo cho vào cối, tay xay đều phần thớt trên của cối theo chiều kim đồng hồ. Khi đã xay xong phần gạo, mẹ tôi cho bột vào thau, nước cốt dừa, trứng gà, hành lá, bột nghệ, muối, đường trộn đều. Sau đó, đặt chiếc khuôn lên lò lửa than vừa đủ không nóng quá. Dùng khúc sóng lá chuối nhúng vào chén mỡ, tay mẹ khuấy đều trong đáy khuôn, mỡ bị hơi nóng nung lên tạo ra những âm thanh xèo…xèo, đáy khuôn ửng lên một màu nâu bóng. Lúc này cũng là thời điểm tay mẹ thoăn thoắt múc từng vá bột cho vào khuôn nghe một cái xèo. Mẹ rất thành thục trong việc này chúng tôi rất ngưỡng mộ. Chỉ múc bột cho vào khoản hai phần ba khuôn,không đầy tràn. Sau đó gắp miếng thịt heo nạc dăm, tép, đậu xanh đã bóc vỏ hấp vừa độ chín cho lên mặt bánh rồi đậy nắp. Khi thấy chiếc nắp động đậy kèm theo những âm thanh khọt…khọt. Lúc này bánh đã trở màu vàng, nhân có màu nâu đỏ, hành lá trong mỡ hay dầu bám vào tạo ra màu xanh thì bánh đã chín. Mẹ dùng cây cạy làm bằng tre, có chiều bảng rộng lấy những chiếc bánh ra khỏi khuôn, cho vào từng dĩa của mấy anh em tôi. Rổ rau sống đủ loại như: sà lách, cải xanh, rau húng…mẹ đã lặt, rữa sạch. Bên cạnh là tô nước mắm chua ngọt đâm tỏi, ớt với những cọng củ cải trắng, đỏ. Anh em  chúng tôi quây quần bên chiếc bàn gỗ tròn, nhanh tay múc nước mắm ra từng chén nhỏ riêng cho mỗi đứa. Kế đó là những  bàn tay lựa rau, bàn tay gắp bánh, gói, chấm nước mắm cho vào miệng nhai chất bột hỗn hợp mềm mại, cùng vị ngọt thơm của tép, thịt, beo béo của nước cốt dừa, bùi bùi của đậu xanh, thơm cay của nghệ hòa huyện với vị cay cay, thơm thơm của rau, tỏi ớt thật sảng khoái. Ăn hết dĩa này tới dĩa khác mà cảm thấy chưa đã thèm. Đến nỗi quên đi hình ảnh mẹ đang ngồi bên lò lửa nóng, da mặt mẹ đỏ bừng, mồ hôi rịn ra từ trên trán lăn dần xuống gương mặt.Tôi vội vã ăn xong đến đứng bên mẹ nói:

– Mẹ nghỉ tay, ăn vài cái nhe, để con đổ bánh thay,nhưng mẹ lắc đầu:

– Bánh khọt ăn lúc còn nóng mới ngon, thôi các con ăn đi, mẹ đổ là cho các con ăn bù những ngày mẹ vắng nhà, các con ăn thiếu thốn,thèm đủ thứ. Mẹ chưa thấy đói và cũng không thèm món bánh này, các con ăn nhiều nhiều nhe.

Năm một ngàn chín trăm bảy mươi, mẹ tôi xin chuyển sang làm việc tại Ty Lâm Nghiệp Phong Dinh. Gia đình tôi di chuyển về Cần Thơ sinh sống. Ở đầu hẻm nhà tôi cũng có một hàng bánh khọt của bà Tư, chiều chiều tôi hay ra đó. Khách hàng, người lớn,con nít nôn nao ngồi trên những chiếc ghế cóc bằng gỗ, thấp lè tè. Trên chiếc bàn con được bày biện một rổ rau sống gồm nhiều thứ như: Cải xà lách, cải bẹ xanh, rau húng cây, húng lủi, rau thơm…một ống đũa, hai keo thủy tinh( một dùng đựng nước mắm chua tỏi, ớt; một đựng những cọng củ cải trắng và đỏ ngâm trong giấm chua ngọt).Bà tư loay hoay bên chiếc lò than, lửa lúc nào cũng cháy đỏ liu riu. Trên miệng lò là chiếc khuôn bánh bằng đất nung đã ngả  màu. Khách hàng kẻ đã ăn vài ba cái, người thì chưa, không hẹn cùng đưa mắt dõi theo đôi bàn tay bà Tư thoăn thoắt. Bà Tư cầm cọng sóng lá chuối, nhúng vào chén mỡ hành, thoa đều trong lòng các chén của khuôn, mỡ gặp độ nóng cháy kêu xèo…xèo..sau đó múc từng vá bột đổ vào các chén,tay bà rất khéo luôn dừng lại đúng thời điểm bột trong chén dâng lên khoảng hai phần ba, không tràn ra ngoài, kế đó gắp miếng thịt nạc dăm, tép, đậu xanh đã bóc vỏ hấp vừa chín, đặt lên mặt bánh rồi đậy nắp. Liền sau đó bà giở từng chiếc nắp, rót lên mặt bánh chất nước cốt dừa pha với bột khô, đậy nắp lại. Khi chiếc nắp nhấp nhô kèm theo những âm thanh khọt khọt như tiếng kèn lá thúc giục đoàn quân trong bao tử của khách, kêu đói cồn cào. Bà Tư giở những chiếc nắp, cũng vào lúc này mặt bánh chuyển màu vàng rất đẹp, nhân màu nâu đỏ, chất nước dừa ấy đông lại trên mặt bánh một lớp kem màu trắng đục như sữa. Hương nước cốt dừa, đậu xanh, nghệ bay ập vào mũi. Bà Tư nhanh nhẩu, tay cầm thanh tre có bề ngang rộng, cạy lấy những chiếc bánh nóng hổi, nghi ngút khói cho vào dĩa của từng người theo thứ tự. Chúng tôi cúi gầm mặt xuống bàn, tay lặt rau, cặp với bánh chấm nước mắm cho vào miệng. Chỉ cần chép chút thôi, phần kem trên mặt bánh mềm tan trộn lẫn trong rau thành một thứ hương vị hòa hợp khó diễn tả. Chất béo ngọt của thịt, tép và bùi bùi của đậu xanh cùng vị cay ấm của nghệ, rau thơm pha vị mằn mặn,chua chua,ngòn ngọt lẫn vị cay và thơm của tỏi,ớt từ chén nước chấm được chế biến bằng thứ nước mắm hòn Phú Quốc. Khách hàng cúi đầu ăn thỏa thích, miệng hít hà, còn bà Tư thì tay không ngừng nghỉ, thoăn thoắt cho bột vào khuôn. Âm thanh xèo…xèo…khọt…khọt, hít hà cùng với khói mỡ cháy quyện vào nhau rất vui tai và hấp dẫn, kích thích vị giác.

Thời gian trôi qua nhanh chóng, tôi đã trưởng thành. Con hẻm có nhiều thay đổi, người cũ dọn đi,người mới đến, nhà ngói cất lại nhà lầu, trai tráng tòng quân nhập ngũ, con gái theo về nhà chồng…Tôi thì rời gia đình đi xa tìm kiếm công việc mưu sinh. Cũng khá lâu, tôi trở về, con hẻm được nới rộng ra,thành con đường nhỏ, tráng nhựa phẳng lì. Hai dãy nhà biến thành những hàng quán bán đủ thứ thức ăn, uống.Nhưng hàng bánh khọt vẫn còn đó.Tôi ghé vào và ngồi xuống chiếc ghế nhựa. Chiếc bàn gỗ và những chiếc ghế cóc ngày xưa không còn, ngay cả  chiếc rổ rau cũng được thay thế rổ nhựa. Mặc dù ở thị trường có những công cụ dùng để đun lửa nấu nướng hiện đại như: bếp ga, điện, và khuôn bánh cũng được đút bằng gan,nhôm.Nhưng với hàng bánh khọt này, người chủ là một cô gái trẻ,không phải bà Tư ngày xưa. Điều rất quý là chiếc lò than bằng đất nung màu đỏ của gạch ống vẫn tồn tại và chiếc khuôn bánh bằng đất nung kia giờ đã lên nước đen bóng như một thứ đồ cổ bằng đồng. Cô gái đưa cho tôi một dĩa nhỏ, tôi vội vã gắp như sợ không kịp khi những dề nước bọt tiết ra trên lưỡi. Từng chiếc bánh, kẹp với rau,chấm vào chén nước mắm chua ngọt. Hả hê ngậm nhấm vị béo ngọt lẫn cay bùi. Thật  sảng khoái, hương thơm của thời thơ ấu như hương mộc mạc của quê nhà mãi theo tôi trong những bước xa quê.

 Huỳnh Duy Lộc

Hình 2

Có 3 bình luận về BÁNH KHỌT THỜI THƠ ẤU

  1. Hòanh Châu nói:

    Bài viết hay , cảm động tình con thương nhớ người mẹ hiền  một đời vất vả vì con ;;những chiếc bánh quê hương khó thể quên ,,Cảm ơn tác giả Huỳnh Duy Lộc  nhé
    Hoành Châu ~ Lãng Uyển Châu ( Gia đình C  )

  2. vothilai nói:

    Mình cũng được sinh ra ở miền quê Nam Bộ , đọc bài Duy Lộc viết gợi nhớ rất nhiều kỹ niệm của tuổi thơ . Bài viết rất cảm động ,rất tình cảm cám ơn Duy Lộc đã cho mình sống lại một thuở của ngày thơ ấu .

  3. NHA nói:

    -Viết về bánh khọt rất chi tiết, hấp dẫn khi lồng trong ký ức thân thương của gia đình.

    -Bài viết gợi cho tôi một vài hoài niệm.

    Bánh khọt là món khoái khẩu của tôi. Sau 1975, một số bạn nghề giáo thất nghiệp, trong đó có tôi, hay ghé quán bánh khọt ở ngã ba Cây Khế, Vĩnh Long, để “lai rai” giải … buồn.

    Xưa tôi đọc sách báo hoặc nghe nói về “thành phố Buồn Muôn Thuở” tên là BAN MÊ THUỘT thay vì là BUÔN MA THUỘT như bây giờ.

    -Cám ơn bài viết của Huỳnh Duy Lộc.

     

     

     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác