TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH: BỐI RỐI  (PHẦN XXIX)

Ngày đăng: 14/02/2019 11:27:53 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Thành phố Perth tuyệt đẹp chìm trong ánh mặt trời chói chang, tôi gần như không thể đặt chân xuống đất được. Từ vùng nhiệt đới giá lạnh của Đức quốc, tôi bước vào cái nóng bốn mươi độ C thân quen, cái nóng như hút hết chất ẩm của làn da cũng như năng lượng còn sót lại nơi tôi.   Jan chở tôi về nhà, cố kìm nỗi vui mừng trước sự trở về của tôi, thay tính tò mò bằng sự tế nhị của một người bạn thân tình. Cô ta có thể hỏi vặn vẹo nhưng cũng biết im lặng khi cần thiết. Cô ta không có thành kiến và luôn dành thời giờ cho tôi mỗi khi tôi cần đến. 


– “Khi nào thì bạn và anh ấy gặp nhau lại?”

– “Tôi cũng chưa biết, có thể trong vài tháng nữa. Chúng tôi phải thu xếp giấy phép cư trú rồi sau đó mới quyết định được là tôi sẽ sang bên anh hay là anh ấy dọn về đây”

Từ trong bóng râm nơi cửa vườn, Basil, con chó của tôi nhìn tôi một cách chăm chú, nửa như trách móc, nửa như lãnh đạm. Đó là cách nó tỏ lộ sự bất bình vì tôi đã vắng nhà quá lâu, nó làm ra vẻ bất cần, đi về phía cửa ra vào và đợi tôi lôi chùm chiều khoá ra để mở cửa. Vào trong nhà nó nằm phịch xuống nơi mát mẻ dưới bàn viết của tôi, giơ đuôi về phía tôi. Cũng phải kéo dài hai mươi bốn tiếng đồng hồ nữa thì tôi mới vui vì nhận được sự trìu mến của nó.

Trong thời gian vắng mặt, ngôi nhà của tôi được chăm nom kỹ lưỡng, sàn nhà bóng láng, cửa kính trong suốt, mùi thơm của chanh và của hoa oải hương tràn ngập khắp phòng. Một bình cao màu trắng đặt trên bàn với một bó hoa thật lớn toàn hoa hồng trắng và vàng, trên đó có gắn một tấm thiệp:

          Mừng sinh nhật em yêu

          Anh yêu em mãi mãi

         Karl

Mặc dù sau cuộc hành trình dài, mặc dù hàng ngàn cây số ngăn cách chúng tôi, mặc dù trong thực tế đang phải bù đầu vì công việc, anh vẫn tìm ra thì giờ để gởi đến tôi lời chào đón. Jan nhận ra là tôi không nói được nên lời.

– “Bạn đi nằm đi và ngủ một chút”, cô nói. “Sau đó mọi việc sẽ khác hẳn, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn. Ngày mai, sau giờ làm việc, tôi sẽ đón bạn đi ăn và sẽ nói chuyện với nhau trong yên tĩnh.”

Buổi sáng hôm sau, tôi thức dậy thật sớm nhưng vẫn nằm trong giường trong ánh sáng nhạt ban mai, bình tĩnh hơn nhưng sao trống rỗng. Qua khung cửa sổ ở mái nhà, tôi quan sát một con két đang mổ một bông hoa bìm bìm mầu tím mà giây leo vươn lên trên cây khuynh diệp. Tôi đã trở lại nơi an bình, trong căn nhà vỏ ốc của tôi. Sáu tuần trước, khi tôi khoá kín cửa nhà, tôi chỉ có niềm vui duy nhất là rồi tôi sẽ mở cửa căn nhà này lại. Căn nhà là hiện thân của tương lai và cuộc sống khi tôi trở lại, cuộc sống mà tôi đã mong ước và cố gắng làm việc để tạo ra được. Bây giờ, mọi việc khác hẳn, tôi sợ phải trở về cuộc sống cũ của tôi, tôi sợ nó nuốt chửng tôi, cầm tù tôi và rồi tôi không còn tìm được đường ra để đến với anh. Ngay cả giọng nói của anh trong điện thoại cũng không đánh tan được sự linh cảm khủng khiếp này.

Tôi cảm thấy xa lạ với chính mình, lạc lối ngay trong căn nhà của mình, ngay trong cuộc sống của mình vào những ngày đầu tiên này. Tôi cũng không thể cho anh biết là tôi đã cảm nhận như thế nào. Tôi không thể làm việc được và cũng không đủ sức để báo cho bạn bè biết về điều này. Tôi luôn đợi một cú điện thọai báo cho tôi biết là mọi chuyện đã trôi qua, đã chấm dứt.

Tôi kể cho tất cả mọi người, bất cứ ai, về cuộc tình của chúng tôi, tôi trả lời câu hỏi, tôi cười, tôi khóc và đem hình khoe khắp nơi, hứa với mọi người là sẽ giới thiệu anh với họ trong một tương lai gần nhưng với chính tôi, tôi không tin được vào điều đó.

Tôi không thể tập trung dù chỉ hơn vài phút. Mỗi lần rời nhà để đi mua sắm, đi bơi hay dẫn Basil đi dạo, tôi đều vội vã trở về để xem anh có gọi điện thọai hoặc gởi điện thư cho tôi không.

Thông thường tôi là người “nghiện” các phương tiện truyền thông, nhật báo, máy phát thanh, tin tức trong truyền hình, tin tức chính trị hàng ngày nhưng nay sau cả hai tuần, tôi mới có thể đụng vào một tờ báo và nghe chương trình tin tức.

Và rồi khi tôi lần đầu mở lại máy truyền hình thì thấy một cảnh luyến ái trên giường, nam diễn viên có dáng vẻ giống anh. Những mối liên hệ trước kia của anh lại theo đuổi tâm trí của tôi, tôi phải phấn đấu để xua đuổi hình ảnh của anh với những người đàn bà khác. Nếu chúng ta là hai người lạ gặp nhau thì những mối liên hệ cũ dĩ nhiên không có gì là quan trọng, bây giờ, sau cuộc chia tay mới mẻ này, những năm tháng mất mát lại trở về để ám ảnh cả hai qua hình thức của ghen tương, chiếm hữu mà không do thực tế tạo ra. Ngày xưa chúng tôi không chung sống nhưng tôi yêu anh và nay chúng tôi đang phải sống ở hai phía khác nhau của quả địa cầu. Chúng tôi phải đấu tranh với hình ảnh của quá khứ, phải chống cự với những hối thúc của nội tâm để đặt ra những câu hỏi nhưng tốt hơn hết là đừng nên quan tâm đến câu trả lời.


– “Tại sao con không kết hôn với cậu ta khi các con còn trẻ”, mẹ hỏi khi ngắm các tấm hình.

Tôi mở miệng, âm hưởng đã ở trên đầu lưỡi nhưng không được thốt ra mà lại tan biến trong không trung. Nếu nói ra, chẳng được gì mà còn có vẻ chua cay.

– “Chúng con muốn kết hôn nhưng Karl phải về Mỹ. Mẹ và cha bắt chúng con phải chờ một năm”, tôi kể.

– “Tại sao cha mẹ lại muốn các con chờ đợi?”

– “Cha mẹ thấy con quá trẻ, anh ấy lớn tuổi hơn con nhiều mà còn ly dị nữa. Khi giấy phép của anh hết hạn, anh phải trở về Mỹ để làm việc và để dành tiền cưới hỏi. Cha con đòi hỏi Karl phải lo cho con một cuộc sống giống như con đang có với cha mẹ ở nhà.” Tôi không thể kềm chế được nên giọng nói của tôi có vẻ diễu cợt.

– “Sao mẹ thấy trẻ con quá”, mẹ nói trong khi cô y tá đã biết rõ câu chuyện, nhướng mắt lên để chế nhạo tôi.

– “Cậu ta trông đẹp trai”, mẹ nói. ” Mẹ còn nhớ, cậu ta lúc nào cũng bảnh bao. Con nói bây giờ cậu ấy bao nhiêu tuổi?”

– “Sáu mươi tám.”

– “Già hơn cả mẹ à ?”

– “Có đâu mẹ, mẹ tám mươi bảy tuổi mà.”

– “Con nên lập gia đình với cậu ta. Cậu ta vẫn còn muốn kết hôn với con chứ?”

Tôi ngập ngừng vì không muốn nói dối mẹ nhưng thấy rõ là mẹ không biết tôi phải rời Úc nếu chuyện đó xảy ra.

– “Vâng, anh ấy lúc nào cũng muốn cưới con.”

-“Rồi con sẽ mặc áo gì? Mẹ nghĩ màu tím xanh của hoa oải hương hợp với con đó.”

– “Dĩ nhiên rồi mẹ”, tôi nói và tìm cách thay đổi đề tài.

– “Còn nhiều thời giờ mà mẹ.”

Vậy mà chỉ một vài ngày sau bà kể cho tất cả nhân viên lẫn các cụ sống ở đây là tôi sẽ lập gia đình lần nữa và mặc áo màu xanh oải hương. Bà cho đóng khung tấm ảnh của chúng tôi và khoe khắp nơi một cách kiêu hãnh con rể tương lai của bà. Tôi tìm cách làm dịu câu chuyện đang được tô hoa, vẽ phấn trong thế giới nhỏ bé của viện dưỡng lão nhưng rồi lại tự nghĩ là sau một tuần, mọi việc sẽ đi vào quên lãng. Nhưng mà bà không quên, bà quên ngày trong tuần, quên họ của mình, quên các cháu, quên tên của người đã sống chung với bà suốt năm mươi tám năm nhưng bà không quên Karl. Mỗi tuần ba lần tôi đến thăm bà, trong suốt năm tháng, lần nào bà cũng nêu đúng tên của anh và hỏi bao giờ chúng tôi kết hôn.

– “Bà muốn biết bạn có người chăm lo trước khi bà qua đời”, một cô bạn là bác sĩ tâm lý giải thích. “Bây giờ bà biết là bạn đã có người nên bà có thể buông bỏ để ra đi một cách yên bình.”

Từ xa, tôi ngắm mẹ đang ngủ lim dim dưới ánh mặt trời và nhớ lại mẹ của ngày xưa. Bà là cô giáo dạy khiêu vũ khi bà quen với cha tôi, sau đó bà bỏ nghề để cùng chung tay với cha tôi xây dựng nghiệp vụ. Trên tấm ảnh cưới vào tháng chín năm 1939 cha tôi, một người đàn ông thấp, mập mạp với nét cổ điển cùng hàm râu mép mầu đen, đứng thẳng một cách cứng nhắc. Ông mặc đồng phục của cảnh sát, mũ cặp nơi tay, mặt nạ chống hơi ngạt cùng mũ sắt cài ở một bên. Mẹ cao hơn cha, thon thẻ và lịch sự. Trên mái tóc uốn quăn, một chiếc mũ trông táo bạo, trên ve áo của bộ y phục được may cắt theo kích thước có một đoá hoa lan, trên vai khoác một khăn choàng lông chồn. Mẹ có sung sướng chăng? Mẹ có đang yêu chăng? Mẹ chờ đợi và hy vọng gì về cuộc hôn nhân? Thật là một mối liên hệ kỳ lạ và đầy mâu thuẫn, chỉ chú trọng đến bề ngoài, không yêu thương, không trìu mến, không đam mê, vậy mà cuộc hôn nhân vẫn bền vững cho đến ngày cha tôi qua đời.

Tôi đưa cho mẹ xem những ảnh chụp năm 1962, đôi khi mẹ nhớ lại Smugglers Cottage.

– “Người đàn bà này là ai?” Bà hỏi và chỉ vào hình của chính mình. “Bà này làm gì ở đây?”

– “Đó là mẹ chứ ai. Mẹ trình diễn điệu múa của người da đỏ cho Karl xem.”

– “Thật là điên khùng”, mẹ nói. “Tại sao mẹ lại làm như thế được?”

– “Chỉ để đùa thôi”, tôi giải thích. “Để cho anh ấy đỡ nhớ nhà bên Mỹ.”

– “Chắc cậu ta cho là mẹ ngu ngốc lắm.”

– “Không đâu mẹ, anh ấy thích lắm. Mẹ hay diễu giọng Mỹ của anh ấy.”

– “Hồi đó mẹ bao nhiêu tuổi?”

– “Năm mươi ba.”

– “Đủ già để hiểu biết mọi chuyện.”

Trên một tấm hình khác, mẹ ngồi cạnh tôi trong vườn, nét mặt của mẹ làm tôi nhớ ra mẹ đã hãnh diện ra sao vì là vợ của một thương gia thành công. Mẹ sung sướng vì là một một đầu bếp giỏi, một bà nội trợ, một bà mẹ, một chủ nhà hoàn hảo.

Tôi chợt nhận ra, tôi biết rất ít về bà, ít chú ý về những mơ ước, những thất vọng của bà. Tôi hốt hoảng vì bây giờ đã quá trễ để mà thay đổi.

Dù sao đi nữa, tôi là người duy nhất mà mẹ còn quan tâm và bất cứ quyết định nào mà tôi làm đều ảnh hưởng đến bà. Bao nhiêu năm bà đã săn sóc cha mình, một cụ già chín mươi tuổi, bị lú lẫn, thật là một gánh quá nặng cho bà.

– “Khi mẹ già, mẹ không muốn vì mẹ mà con phải từ bỏ bất cứ chuyện gì.” Mẹ tôi nhắc đi, nhắc lại điều này trong biết bao nhiêu năm. “Nếu con muốn chuyển chỗ ở về phía bên kia của quả địa cầu thì cứ làm, đừng bận tâm đến cha mẹ cũng như khi mẹ chỉ còn có một mình.”

Năm 1962 cha mẹ muốn giữ tôi bên cạnh vì muốn che chở tôi, ngày nay tuy tôi vẫn nghĩ như thế nhưng cũng nhận ra thêm được là mẹ cũng muốn che chở cho chính mẹ trước cuộc hôn nhân buồn tẻ. Tuổi càng cao, cha mẹ đã tìm ra được một cuộc sống chung nhẹ nhàng hơn.

Tôi hiểu tại sao ngày đó cha mẹ tôi không cho tôi đi theo anh. Sự giận dữ, nỗi cay đắng đã trôi qua biết bao nhiêu thập niên nhưng liệu còn ảnh hưởng bao nhiêu phần trăm đến quyết định của tôi ngày nay.

– “Ngày xưa, cha và mẹ đã xử sự không đúng”, mẹ nói và mở mắt ra khi tôi để tách trà bên cạnh mẹ. “Ngày đó cha và mẹ đã bỏ mặc con, Karl đúng là người thích hợp với con, sau này mẹ mới thấy rõ.” Tôi không biết điều đó thật hay không, trong căn bản nó không còn đóng vai trò quan trọng nữa nhưng mẹ nhất quyết phải nói ra điều này, còn tôi, tôi vẫn bị giam cầm để độc thọai với nỗi đau nội tâm. Chuyện xảy ra từ ba mươi bảy năm về trước không ảnh hưởng gì đến cảm nhận về trách nhiệm của tôi đối với mẹ ngày nay.

Tôi có thể để mẹ tôi một mình sáu tháng hoặc nhiều hơn hay không?

Tôi có nên đợi cho đến khi anh có thể sang Úc không?

Tôi biết mẹ tôi được chăm sóc rất chu đáo nhưng liệu tôi có quyền bỏ bà để ra đi hay không? Mười năm về trước, chắc chắn mẹ tôi sẽ nói là tôi phải đi và phải sống cuộc sống của tôi và nếu có thể, đem anh lại gặp bà. Bây giờ thì sao?

(Còn tiếp)

Nguyên tác: Remember Me của Liz Byrski
Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển ngữ sang tiếng Việt 

từ bản dịch tiếng Đức: Als wärst du immer dagewesen của Eva Dempewolf

Hình ảnh: nguồn net

Có 4 bình luận về TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH: BỐI RỐI  (PHẦN XXIX)

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Cuộc sống là vậy, luôn có những vấn đề phải giải quyết, không đơn giản chút nào! Thương bà Liz quá Cô ơi!

  2. Trong cuộc sống, người ta luôn phải đứng trước những lựa chọn khó khăn, phải không Cô.

  3. C’est la vie! bởi vậy Đức Phật mới nói “Đời là bể khổ” đó Hạnh và Đức Tính à. Có tình yêu cũng khổ mà không tình yêu thì cũng chẳng sung sướng gì. Biết làm sao đây hả hai em?

  4. Trầm Hương Ptt nói:

    Tôi rất phục cách diển tả tâm lý nhân vật trong tác phẫm nầy..Chỉ có thể nói quá tuyệt. Thảo nào cô bạn của tôi chọn , ra công dịch thật sát với nguyên bản cho chúng ta đọc …Hay lắm bạn ơi.

Trả lời Nguyễn Đức Tính Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác