TOÀ LÂU ĐÀI CỦA MẸ TÔI (PHẦN X)

Ngày đăng: 16/07/2018 09:20:49 Sáng/ ý kiến phản hồi (3)

Con đường trở lại mang đầy bất hạnh. Vì cột lại một cách vội vã nên các gói, các túi bị tuột dây và đồ đạc rơi lả chả. Tôi là người đi cuối nên khi thì tôi nhặt lên một cái lược, khi thì một lọ mù tạc, một cái vá, một bàn chải đánh răng… rơi trên cỏ. Thỉnh thoảng mẹ tôi lại nói: “Em biết mà!”

“Không”, cha tôi không đồng ý. “Em chẳng biết gì hết nhưng em chỉ hoảng sợ quá mà thôi. Em sợ như vậy là hợp lý vì chuyện đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng đó không phải là linh cảm hay kỳ bí gì cả, mà chỉ là sự ngu độn và độc ác của tên quái vật thôi.”

Ông nhắc lại: “Khi làm một việc không phải, người ta trở nên yếu thế.”

Sau này đã trải qua cuộc sống, tôi thấy cha tôi đã nhầm lẫn vì người ta chỉ trở nên yếu khi người ta không làm lỗi.

Chúng tôi đi qua nơi của Dominique, muốn kể cho ông ta nghe thảm kịch nhưng cửa nhà còn đóng kín. Có lẽ ông ta đi ra xóm để chơi đánh boule. Chúng tôi gặp được Wladimir tại phần đất của Đại tá. Ông ta nghe cha tôi kể lại một cách ngắn gọn rồi nói:

– “Tôi có thể đi kiếm tên đó nhưng tôi đã gặp hắn ba lần trong đời, mỗi lần tôi đều phải đánh cho hắn một trận. Bây giờ mà tôi đến đó thì tôi lại phải đánh hắn lần nữa. Tốt hơn hết là tôi nói chuyện với Đại tá. Tiếc là hiện thời ông đang ở nhà thương. Ông cấm tôi không được tiết lộ nhưng tôi cũng nói cho quý vị biết là ông bị mổ. Sáng mai, tôi vào thăm và sẽ kể chuyện cho ông nghe. Tôi cũng không biết ông có giúp được gì không.”

– “Dù sao ông chủ kia cũng là quý tộc”, cha tôi nói, “ông ta là Nam tước…”

– “À, không phải đâu”, Wladimir nói. “Đại tá nói là không đúng vậy, ông ta tên là Canasson và dường như là chủ tiệm thịt bán sỉ. Ở St. Valentine, sau buổi lễ nhà thờ, ông ta giới thiệu : ‘Tôi là Nam tước của Acates’, ông Bá tước của chúng ta nói: ‘Tôi tưởng, ông là Nam tước của mấy con cừu!’ Ông ta không trả lời được và đi một nước”

– “Nếu như vậy thì tôi chẳng còn chút hy vọng nào cả!”

– “Nhưng mà, nhưng mà!” Wladimir nói, “đừng tuyệt vọng! Ông vào đây và uống chút gì đi. Đúng rồi, uống đi rồi ông sẽ thấy đỡ hơn!”

Ông bắt cha mẹ tôi uống một ly nhỏ rượu mạnh như uống thuốc rồi đem cho tôi và Paul cacao, em gái thì thích thú với ly sữa tươi.

Khi từ giã Wladimir, sức khoẻ của chúng tôi gia tăng nhưng tinh thần thì xuống thấp. Cha tôi, nhờ vài ngậm rượu mạnh làm nóng người nên dù mang nặng vẫn bước một cách vững chãi và mạnh mẽ như bước đi của lính, tuy thế vẻ mặt của ông như đanh lại và u tối.

Mẹ tôi có vẻ nhẹ nhàng như một chú chim. Paul và tôi dắt em gái, tay em giang ra và nắm chặt tay chúng tôi nên chúng tôi phải ngoan ngoãn đi dọc con đường. Chúng tôi đã phải làm một đường vòng thật là kinh khủng và trong suốt cuộc hành trình, chẳng ai nói một lời nào.

Lili không đủ kiên nhẫn để đợi chúng tôi tại ngã ba ở La Treille mà đi đến tận La Croix để đón. Hắn bắt tay tôi, hôn Paul rồi cầm hộ mẹ tôi mấy gói đồ. Hắn ta đang hớn hở nhưng đột nhiên cảm thấy không yên nên hỏi khẽ:

“Có chuyện gì vậy?”

Tôi ra dấu cho hắn im đi và chậm bước lại để lùi về phía sau của cha tôi, ông đang bước như đi trong cơn ác mộng.

Tôi thì thầm kể cho hắn nghe hết cả thảm kịch. Thoạt tiên hắn cho là không quan trọng nhưng khi tôi kể đến bản tường trình thì hắn tái mặt và bàng hoàng dừng lại.

– “Hắn ta ghi hết trong sổ hả?”

– “Hắn nói, hắn sẽ làm và chắc chắn bây giờ hắn đã làm rồi.”

Lili huýt gió giữa hai hàm răng. Một đơn thưa tại cơ quan công quyền đối với dân làng được coi như là một sự tàn mạt và mất danh dự. Một nông dân hiền lành ở Aubagne đã bắn chết một cảnh sát vì người cảnh sát này muốn thưa ông ta.

– “Thế là sao!” bối rối, Lili nói, “Thế là sao!”

Đầu gục xuống, hắn tiếp tục đi, thỉnh thoảng hắn lại nhìn tôi buồn bã.

Khi chúng tôi đi xuyên qua làng và ngang qua một hộp thơ, hắn ta đột nhiên nói: “Thử nói chuyện với ông phát thơ xem sao? Ông ta phải quen biết người canh gác đó, ngòai ra, ông ta cũng đội một cái mũ kê pi.”

Trong mắt của Lili, đó là dấu hiệu của uy quyền. Hắn nghĩ những người cùng đội kê pi cũng dễ nói chuyện và giải quyết ổn thoả với nhau.

“Sáng mai tôi sẽ kể chuyện cho ông ta nghe!”

Cuối cùng chúng tôi đến La Bastide. Ngôi nhà dưới cây vả lớn nơi chim sẻ đậu đầy, đón chúng tôi vào buổi hoàng hôn.

Chúng tôi giúp cha mở các gói đồ. Ông trông u buồn và thỉnh thoảng lại tằng hắng. Mẹ tôi im lặng làm cháo sữa bột cho em gái trong khi Lili nhóm lửa dưới cái nồi được treo trên móc.

Tôi đi ra ngoài xem vườn. Paul ngồi sẵn trên cây olive, trong túi đầy cả ve đang kêu. Thấy cảnh chiều tà êm đẹp, tim tôi tự nhiên thắt lại. Niềm vui mong đợi dường như biến mất.

Lily theo sau tôi và nói: “Tôi phải nói chuyện này với cha tôi.”

Tôi nhìn thấy hắn vội vã đi xuyên qua đồi nho Orgnon, hai tay đút túi.

Tôi đi vào nhà, thắp cây đèn dầu mà không ai buồn để ý đến. Mặc dù trời nóng, cha tôi ngồi trước lò sưởi, nhìn ngọn lửa đang nhảy múa. Nồi súp đang sôi, trứng tráng đang chiên trong chảo. Paul giúp tôi dọn bàn, công việc thường ngày nhưng hôm nay được chúng tôi làm một cách thật cẩn thận để chứng tỏ cho cha mẹ thấy là, không phải tất cả đều mất hết. Chúng tôi nói với nhau thật nhỏ giống như trong nhà đang có người chết.

Trong bữa ăn, tự nhiên cha tôi nói chuyện thật vui vẻ. Ông diễn tả cuộc phiêu lưu của chúng tôi với giọng đau đớn nhưng lại đưa ra hình ảnh buồn cười của tên canh gác, của tất cả đồ đạc được trưng bày trên bãi cỏ, của con chó muốn nuốt hết xúc xích của chúng tôi. Paul cười to mà không nhận ra được, vì chúng tôi mà cha đã cố làm vui trong khi ông chỉ muốn khóc.

Bữa cơm tối xong nhanh, chúng tôi đi ngủ. Cha mẹ vẫn ở dưới nhà để dọn dẹp lương thực dự trữ. Tôi không nghe họ làm việc mà chỉ nghe tiếng thì thầm vọng lên.

Sau mười lăm phút, Paul đã ngủ; tôi lén xuống cầu thang bằng chân không để không gây tiếng động và lắng nghe câu chuyện giữa cha mẹ tôi.

– “Joseph, anh làm quá! Anh tự làm cho mình lố bịch! Đâu có ai chặt đầu anh ngay đâu!”

– “Dĩ nhiên là không”, cha tôi nói. “Nhưng em đâu biết ông Ty Trưởng, ông ta sẽ đưa đơn thưa cho ông hiệu trưởng và kết cuộc là anh bị sa thải.”

– “Anh chỉ thổi phồng câu chuyện!”

– “Có thể! Nhưng đây cũng là một lý do để bị khiển trách, đối với anh, điều này cũng đồng nghĩa với sa thải vì anh sẽ làm đơn xin nghỉ việc. Anh không thể ở lại trường với vết nhơ là bị khiển trách.”

– “Sao?” mẹ tôi nói một cách hoang mang, “như vậy là anh sẽ từ chối luôn tiền hưu trí sao?”

Hưu trí được nói như là một biến cố huyền diệu mà chỉ trong giây lát một nhà giáo đã biến thành một người lãnh lương hưu. Đêm nay danh từ đó không tạo nên được ấn tượng, cha tôi chỉ nhún vai một cách cam phận.

– “Anh tính sẽ làm gì?”

– “Anh cũng chưa biết, nhưng anh sẽ suy nghĩ.”

– “Anh có thể dạy tư, thày Vernet kiếm cũng khá tiền với những giờ dạy tư.”

– “Đúng, nhưng thày Vernet không bị khiển trách. Ông ta hưởng hưu trí sau những năm hành nghề gương mẫu. Nếu phụ huynh học sinh biết anh bị khiển trách, chắc chắn họ sẽ đuổi anh ra khỏi nhà.”

Những việc diễn tiến đến kết luận khó mà chối cãi được đã làm tôi hoảng sợ. Cha tôi phải làm sao? Phút chốc, ông tự nói:

– “Anh sẽ gặp Raspagnetto, hắn ta có một cửa hàng bán sỉ khoai tây. Anh và hắn học chung trường. Mới đây hắn nói: ‘Bạn lúc nào cũng giỏi tính toán. Cửa hàng của tôi bây giờ được mở quá rộng nên cần một người như bạn’. Anh sẽ giải thích cho hắn biết tình cảnh của anh và chắc hắn sẽ không coi thường anh.”

Tôi cầu phước cho ông Raspagnetto này. Tôi không biết ông nhưng tôi có thể tưởng tượng ra ông: một người cao lớn tử tế với râu mép đen mà cũng khốn khổ vì bài tính nhân giống như tôi. Tôi nhìn thấy ông trước mắt tôi, cảnh tượng ông đưa cho cha tôi chiếc chìa khoá ra sao để nó tạo nên một ngăn kéo đầy vàng..

– “Với bạn bè cũng khó mà tin tưởng được!” mẹ tôi nói.

– “Anh biết! Nhưng Raspagnetto mang ơn anh. Vào một kỳ thi trong trường, anh đã giúp trước cho hắn để hắn có câu trả lời. Ngoài ra anh cũng phải nói để em yên lòng. Từ trước đến giờ anh chưa tiết lộ là anh có cỗ phiếu của hoả xa, giá trị bảy trăm tám chục phật lăng. Cỗ phiếu này nằm trong cuốn Atlas của Vidal-Lablache.”

– “Thật hết biết!” mẹ tôi nói. “Sao anh lại dấu em như vậy?”

– “Bây giờ thì nó dành cho những việc trầm trọng như bịnh hoạn, mổ xẻ…anh dấu vì có chủ ý tốt là không muốn em nghĩ…”

– “Anh không cần phải xin lỗi”, mẹ nói. “Em cũng làm giống anh nhưng em chỉ có hai trăm mười phật lăng. Đó là tất cả những gì mà em có thể tiết kiệm được từ năm đồng anh đưa cho em hàng ngày.”

Tôi tính ngay lập tức: 780 và 210 – thành 990 phật lăng. Rồi tôi nghĩ ra, trong ống tiết kiệm của tôi có ít nhất là bảy đồng và của Paul, mặc dầu hắn làm ra vẻ bí mật, tôi biết hắn có ít nhất bốn đồng, tất cả tổng cộng 1001 phật lăng.

Tôi cảm thấy yên lòng ngay và muốn đi vào phòng để nói, một khi ai có gia tài trên một ngàn phật lăng thì họ chẳng cần phải kiếm việc.

Nhưng rồi tôi buồn ngủ quá nên trở lên lầu, leo vào giường và ngủ thiếp đi.

Sáng hôm sau, cha tôi không có nhà, ông đi ra thành phố. Tôi đoán là ông tìm gặp người bạn bán khoai tây mà tôi quên mất tên. Mẹ tôi hát trong khi bà dọn dẹp nhà cửa.

Lili đến muộn lúc chín giờ. Hắn thuật lại, hắn kể chuyện cho cha hắn và cha hắn nói: 

– “Tên canh gác này thì cha biết! Chính hắn là người thưa ông Mond Parpaillouns vì ông ta dấu bốn con Drossel dưới mũ, ông ta phải trả bốn đồng tiền phạt. Nếu thấy hắn ở đâu trên đồi này, chắc chắn là hắn sẽ lãnh đạn bởi vì người ta đã chờ hắn lâu nay.”

Tin này là tin tốt nhưng viên đạn lại đến quá trễ.

– “Bạn đã nói chuyện với người phát thơ chưa?”

Lili có vẻ ngượng ngùng.

– “Rồi, ông ta đã biết chuyện vì sáng sớm nay, ông ta đã gặp tên canh gác đó.”

– “Gặp ở đâu?”

– “Ở lâu đài. Ông ta phát một lá thơ.”

– “Hắn kể cho ông ta?”

– “Kể hết! Hắn nói thêm, hắn đang sửa soạn viết đơn thưa.”

Thật là một tin tàn nhẫn.

– “Khi ông phát thơ nói là hắn không nên làm thế, hắn nói: ‘Không ai cản được tôi!’ Ông phát thơ hỏi tại sao, hắn nói: ‘ông giáo viên này, ông ta được nghỉ hè hoài!’ Ông phát thơ nói, ba bạn là người thợ săn nổi tiếng bắn được chim trĩ chúa nhưng hắn nói: ‘tôi không cần để ý đến chuyện đó.’ rồi tiếp tục thảo đơn thưa. Ông phát thơ nói, người ta thấy rõ là hắn ta thích làm việc đó lắm.”

Lời tường thuật này làm tôi hoảng sợ.

Lili lấy ra hai cái xúc xích trông thật ngon nhưng màu hồng của xúc xích làm tôi ngạc nhiên, hắn giải thích:

– “Đây là xúc xích có chất độc, cha tôi tự làm. Ông để trước chuồng gà cho mấy con chồn. Nếu bạn muốn, tối nay chúng ta sẽ vứt nó qua tường của lâu đài.”

– “Bạn muốn đầu độc con chó của hắn hả?”

– “Cả hắn nữa!” Lili nói với giọng vui vẻ.

– “Tôi chọn những cái đẹp nhất để khi nhìn thấy, hắn phải chảy nước miếng. Hắn chỉ cần cắn một miếng là hắn sẽ té nhào như một tên say rượu.”

Thật là một ý tưởng tuyệt vời làm tôi phải cười rũ ra. Cái chết của tên canh gác sẽ xảy ra vào sáng mai (nếu chúng tôi may mắn còn hắn thì không) và không gì ngăn cản được nếu đơn thưa đã được gởi đi rồi. Dù sao chúng tôi cũng ném mấy cái xúc xích này qua tường vào tối nay.

Chúng tôi vẫn đặt được bẫy chim ở thung lũng Rapon. Cho đến chiều tối, chúng tôi hái quả Wacholder và hạnh nhân ở những cây cong queo trong một ngôi vườn bỏ hoang.

Chuyến thăm bẫy đầu tiên đem lại cho chúng tôi sáu con Ammer và một con Amsel. 

                                                            Hình 1 : Chim mắc bẫy 

Tôi đổ túi ra và bày chim trên bàn nhà bếp, rồi nhân thể nói:

“Thú vật, măng tây dại, nấm, hạnh nhân và hột Wacholder có thể nuôi sống cả một gia đình nghèo quanh năm.”

Mẹ tôi cười dịu dàng và hôn lên trán tôi trong khi mẹ phải giang hai tay vì đầy cả bọt xà phòng.

“Đừng lo con ơi! Chúng ta chưa đến nỗi như vậy!” 

Lili ăn với chúng tôi và được ngồi vào chỗ danh dự của cha tôi, ông sẽ về vào đêm nay. Tôi ca ngợi cuộc sống nơi thôn dã và nếu tôi là cha tôi thì tôi sẽ thành nông dân.

Lili, như tôi nghĩ, hiểu biết nhiều về vấn đề này, ca ngợi Kichererbsen, một loại đậu đem lại nhiều lợi mà không phải chăm bón nhiều vì không cần cả nước lẫn phân bón. Rồi hắn lại khen thêm những trái đậu xanh chóng lớn một cách bất ngờ.

“Bạn chỉ cần làm một cái lỗ, bỏ hột đậu vào rồi lấp đất lại. Sau đó bạn phải chạy thật nhanh kẻo nó sẽ vượt qua bạn.” Hắn nhìn mẹ tôi rồi nói thêm: “Dĩ nhiên đó là nói quá một chút. Cháu chỉ muốn giải thích là nó mọc nhanh như thế nào thôi.”

                                          Hình 2 : Đậu Kichererbsen

Vào lúc hai giờ chúng tôi đi thăm dò vùng xa hơn, tháp tùng bởi Paul, chuyên viên tìm kiếm ốc sên đồi nho, chúng ẩn trong các lỗ hổng trên các bức tường cũ kỹ hoặc dưới các cây olive. Suốt ba tiếng đồng hồ liên tiếp, chúng tôi thu nhặt lương thực phòng bị cho sự suy xụp sắp đến. Khoảng sáu giờ, chúng tôi về nhà, đầy cả ốc, mận dại, mận ngọt mà chúng tôi hái trộm của ông Etienne, một túi đầy những trái mơ gần chín từ một cây cổ thụ trong một nông trại bỏ hoang mà không năm nào không trổ hoa và cho trái.

 

                                             Hình 3 : Ốc sên đồi nho

Tôi sung sướng đem về cho mẹ tôi những món này thì nhận ra là mẹ tôi không chỉ một mình. Mẹ ngồi ở hàng hiên, đối diện với cha tôi, ông đang cầm trong tay một ly nước chanh mà ông ngửa mặt lên trời để uống một cách sung sướng. Tôi chạy tới ông.

Ông trông mệt đừ, giầy dính đầy bụi. Ông ôm chúng tôi âu yếm, vuốt má Lili và ẵm em gái lên đùi. Đoạn ông nói với mẹ tôi như thể chúng tôi không có mặt ở đó.

– “Thoạt tiên anh tới Bouzigue nhưng hắn ta không có đó. Anh viết vài hàng để lại cho hắn, nhờ đó hắn có thể sửa soạn mọi việc trước thảm hoạ. Đoạn anh vào nhà thương, nơi đó anh gặp Wladimir. Đại tá vừa mới mổ xong nên không được phép vào thăm. Trong vòng bốn hoặc năm ngày nữa mới được nói chuyện với ông. Như vậy thì trễ quá rồi.”

– “Anh có nói chuyện với ông Ty trưởng chưa?”

– “Chưa nhưng anh gặp bà thư ký của ông”.

– “Anh có nói gì với bà không?”

– “Không, bà tưởng là anh đến để nhận tin mới. Bà cho anh biết là anh sẽ dạy lớp ba.”

Ông cười cay đắng.

– “Bao nhiêu tiền lương thêm thì cũng chẳng để làm gì? Hai mươi hai phật lăng mỗi tháng.”

Khi nghe món tiền lớn này, mặt mẹ nhăn lại như muốn khóc.

– “Thêm nữa bà ấy báo cho anh biết”, ông nói thêm, “anh được đề nghị lá cọ hàn lâm.”

– “Nhưng mà Joseph!” mẹ tôi kêu lên, “người công chức được trao tặng huy chương thì không thể bị sa thải được!”

– “Một công chức bị khiển trách thì bất cứ lúc nào cũng có thể bị gạch tên ra khỏi danh sách”, cha tôi nói.

Ông thở thật dài, ngồi sang ghế khác, để tay trên đầu gối và cúi đầu xuống. Em Paul khóc rống lên. Trong lúc này Lili nói nhỏ:

– “Ai tới kìa?”

Tận cuối đường mòn, trên đồi cao, một bóng người xuất hiện, đang bước những bước thật dài tới chúng tôi. Tôi la lên:

– “Đó là ông Bouzigue!”

Tôi chạy bổ ra, Lili theo sau tôi.

Tới nửa đường, chúng tôi gặp ông giám sát kênh đào. Cha tôi và mẹ tôi cũng theo sát gót tôi. Bouzigue cười và thọc tay vào túi: – “Đây! của thầy!”

Ông đưa ra cuốn sổ đen mà tên canh gác đã tịch thu của cha tôi. Mẹ tôi thở hắt ra gần giống như là một tiếng kêu.

– “Hắn ta đưa cho em hả?” bà hỏi.

– “Không trực tiếp”, Bouzigue nói. ” Hắn ta đổi lấy cái đơn mà em làm để thưa hắn.”

– “Còn bản phúc trình thì sao?” cha tôi với giọng khào khào.

– “Giấy vụn!” Bouzigue nói. “Hắn ta viết năm trang, em xé thành cả nắm đầy giấy vụn và chúng đang bơi theo dòng nước…Trong giây phút này, ông ta thêm vào, chúng tới khoảng St. Louis, có thể tới Pomme…vì vậy hãy uống mừng!”

Ông ta nháy mắt vài lần, chống nạnh và cười khanh khách. Đẹp làm sao….

Tôi nghe thấy cả ngàn con ve kêu vang trong đám cỏ kỳ diệu và thấy những con châu chấu đầu tiên của kỳ hè.

Chúng tôi không có rượu vang trong nhà và những chai rượu thiêng liêng của chú Jules thì mẹ không dám đụng tới, nhưng trong tủ ở phòng mẹ luôn có một chai Pernod dành cho khách thích rượu.

Dưới cây vả, Bouzigue tự rót nhiều rượu cho mình và kể cho chúng tôi nghe chuyện ông ta gặp gỡ kẻ thù. 

 Sáng nay, khi em đọc lời nhắn của thày, em kiếm thêm người trợ lực. Binucci cũng là người giám sát các kênh đào và Fénéstrelle, trông coi các giếng nước. Ba chúng em đi đến lâu đài. Khi em muốn mở chính cái cửa đó -Đức mẹ nhân từ, con xin cám ơn- thì em thấy là cả xích lẫn khoá vẫn chưa được lấy đi. Chúng em đi dọc theo bờ tường đến cổng chính, giật chuông như điên. Chừng năm phút sau, hắn giận dữ đi ra.

– “Mấy người bộ điên hay sao mà giựt chuông như vậy! Lại có cả ông“, hắn la em và để chúng em đi vào.

– “Tại sao lại tôi?”

– “Vì ông đang có một chuyện nghiêm trọng đây này, tôi muốn nói vài câu với ông.”

– “Được rồi. Chuyện đó để chút nữa nói bởi vì điều mà tôi muốn nói với ông chỉ có ít  chữ, đó là: ‘Đơn thưa!’

Nghe đến đó mắt hắn trợn trừng, Vâng, cả hai con mắt, cả con mắt bị liệt nữa.

– “Trước hết chúng ta hãy đi tới nơi xảy ra sự việc”, Frénéstrelle nói. “Chúng ta phải xác định tình hình, ghi biên bản lời thú nhận, tịch thu khoá và xích.”

– “Cái gì?” người canh gác hét lên.

– “Đừng hét lên như vậy”, em nói. “Ông làm chúng tôi sợ” 

Chúng em đi vào. Hắn nói với em:

-“Về vụ cái khoá, tôi sẽ kể cho ông nghe vài chuyện!”

– “Có phải chính ông là người đã khoá cái khoá đó không?”

– “Vâng, chính tôi. Ông có biết tại sao không?”

– “Không! Đơn thưa của tôi không cần phải có điều này!”

– “Điều hai mươi hai của hiến pháp, Frénéstrelle nói.

Hắn nhìn ba cái mũ công vụ của chúng em và thấy sợ hãi. Binucci nói hoà hoãn:

– “Ông đừng nổi nóng! Không phải ngồi tù. Chỉ phải trả chút tiền phạt! Khoảng chừng hai trăm phật lăng.”

 

Em nói một cách khô khan:

– “Như thường lệ: cái mà tôi cần là bằng chứng”‘

Và em đến cánh cửa hướng ra kênh đào. Những người khác theo em và tên canh gác đi cà nhắc phía sau.

Khi em kéo giật cái khoá, mặt hắn ta đỏ như quả hoa hồng. Em rút cuốn sổ ra và hỏi:

– “Họ? Tên? Nơi sanh?”

Hắn nói: “Ông không thể làm với tôi như vậy!”

– “Tại sao ông lại muốn ngăn cản chúng tôi đi xuyên qua đây?” Frénéstrellle.nói

– “Không phải vì các ông đâu!”, tên canh gác nói.

Em nói:

“Dĩ nhiên là không phải vì các ông, ông ta làm là vì chống lại tôi! Tôi biết, ông ta không ưa tôi, à mà tôi cũng chẳng ưa gì ông vì vậy tôi phải làm chuyện này cho ra lẽ.”

– “Vì lẽ nào”, hắn ta hỏi.

– “Ông muốn tôi mất việc. Được rồi, tốt lắm, tiếc cho ông là bây giờ ông bị mất việc của ông. Khi chủ nhân của ông nhận được đơn thưa và phải ra trước toà thì ông ta phải nhìn ra là ông ta nên thuê một người canh gác khác thì tốt hơn. Tôi hy vọng là người mới sẽ có văn hoá hơn.’

Trúng tủ, quý vị thân mến ơi, em tiếp tục:

– “Họ! Tên! Nơi sinh ?”

– “Tôi thề với ông là không phải vì ông, tôi chỉ muốn bắt những người dùng chià khoá giả để xâm nhập và đi xuyên qua đây mà thôi.”

Em phẫn nộ nói:

– “À, ra thế! Một chìa khoá giả? Bạn có nghe không Binucci? Một chiều khoá giả!”

– “Vâng! Nó đây!”‘

Hắn rút ra từ trong túi. Tôi lấy nó ngay lập tức và đưa cho Frénéstrelle.

– “Giữ lấy! Chúng ta sẽ làm cuộc điều tra bởi vì đây là sự việc liên quan đến kênh đào. Ông có bắt gặp mấy người đó hay không?”

– “Tôi cũng có ý như vậy”, hắn nói. “Đây là cuốn sổ ghi chú mà tôi tịch thu của người đó. Đây ông coi bản tường trình và đơn thưa của tôi.’

Hắn đưa cho em cuốn sổ và hai bản tường trình với nhiều trang giấy mà hắn ta ghi hết tất cả sự việc. Em đọc những dòng nguệch ngoạc của hắn và thình lình tấn công hắn:

“Ông, người thiếu may mắn! Trong một bản tường trình, ông công nhận là ông đem cái khoá để khoá cửa lại. Ông biết không, nếu ở thời vua Ludwig XIV thì ông đã bị gởi đi thuyền chiến rồi.”

Binucci nói:

– “Chưa phải là tự tử nhưng cũng đã gần như vậy.”

Tên canh gác bây giờ như cái giẻ rách. Hắn không còn đỏ như quả hoa hồng mà trắng như tấm khăn liệm. Hắn hỏi em:

– “Bây giờ các ông làm gì?”

Em lắc đầu nhiều bận, cắn môi. Trước tiên em hỏi ý kiến của Fénéstrelle, tiếp đó là Binucci và cuối cùng là lương tâm của mình. Hắn ta chờ đợi một cách sợ hãi với nét mặt dữ dằn. Cuối cùng em nói:

– “Ông nghe đây, đây là lần đầu mà cũng là lần cuối. Chúng ta sẽ không nói đến nữa. Ông không được kể cho ai nghe chuyện này nếu ông còn muốn giữ bộ đồng phục của ông!” 

Cũng vậy mà em xé đơn thưa của hắn và cất cuốn sổ vào trong túi cùng với xích lẫn ổ khoá. Em nghĩ là ở thôn quê thầy cô cũng cần dùng những thứ này.”

Ông ta để tất cả chiến lợi phẩm trên bàn.

Tất cả chúng tôi đều vui mừng vô hạn và Bouzigue nhận lời ở lại dùng cơm tối với chúng tôi.

Khi ông ta giở khăn ăn ra, ông ta nói:

– “Câu chuyện coi như được chôn vùi nhưng tốt hơn hết là đừng đi qua nơi đó nữa.”

– “Không có chuyện đó nữa”, cha tôi nói.

Mẹ tôi đang nướng mấy xâu chim nhỏ, nói khẽ:

– “Ngay cả nếu được phép, cô cũng không thể có đủ can đảm để đến nơi đó lần nữa. Cô nghĩ là cô sẽ lại ngất xỉu.

Lili từ giã. Mẹ tôi hôn hắn. Tai hắn đỏ như mào gà và hắn chạy nhanh ra ngoài. Tôi phải chạy theo hắn để hẹn gặp hắn vào lúc rạng đông ngày mai. Hắn gật đầu vội vã và trốn chạy trong ánh tà dương.

Bữa ăn trôi qua vui vẻ. Khi mẹ tôi xin lỗi là không có rượu vang để mời, Bouzigue nói:

– “Không sao hết! Em uống Pernod.”

Cha tôi ngăn cản một cách ngượng ngùng:

– “Thầy không thích em nghĩ là thầy không muốn cho em uống Pernod nhưng thầy không biết là nó sẽ làm sức khoẻ của em….”

– “Ồ, sức khoẻ!” Bouzigue hăng hái. “Thày Joseph thân mến, Pernod không hại sức khoẻ đâu, nhưng mọi người ở đây uống nước trong thùng chứa, thầy có biết có gì trong đó không?”

– “Nước từ trên trời rớt xuống!” cha tôi nói, “được mặt trời tinh lọc.”

– “Em đánh cá”, Bouzigue nói, “em tìm thấy trong thùng chứa của thầy hàng chục con nhện đen, hai hoặc ba con thằn lằn và ít nhất là hai con cóc. Nước ở trong thùng chứa của thầy chứa nước tiểu nguyên chất của cóc nhưng Pernod sẽ trung hoà tất cả.”

Cha tôi để đề tài này trôi qua. Trong bữa ăn, ông lại kể cuộc phiêu lưu của chúng tôi kỹ càng một lần nữa và Bouzigue được thể đưa ra một bản tường trình mới mẻ về hành động anh hùng của ông ta. Cha tôi kể thêm chi tiết để làm sáng tỏ sự tàn ác của tên canh gác thì Bouzigue diễn tả ba người mặc đồng phục đã khủng bố tên tội phạm để làm cho hắn phải kinh hãi và nhục nhã như thế nào. Kể đến lần thứ tư, cha tôi đưa ra một lời tường thuật khác là tên canh gác muốn đánh chúng tôi ngay tại chỗ còn Bouzigue lại vẽ ra hình ảnh tên canh gác cuối cùng quỳ xuống, mặt đầy nước mắt, xin tha với giọng trẻ con muốn khóc.

Sau khi ăn món kem caramel và món bánh trứng đánh nổi, Bouzigue bắt đầu ca tụng chị của mình.

Thoạt tiên ông ta so sánh cuộc đời giống như một dòng suối chảy thật mạnh mà muốn đi qua người ta chỉ có thể nhảy từ tảng đá này sang tảng đá kia. Dĩ nhiên là người ta phải tính toán là người ta phải nhảy một quãng bao xa.

Chị của ông ta, Felicienne, như ông ta kể thì đầu tiên kết hôn với một người chơi boule nhà nghề, ông ta thường để vợ ở nhà một mình để đi dự các trận đấu dành chiến thắng. Qua chuyện này tôi học thêm được chữ ‘bị cắm sừng’. Từ người chơi boule, cô ta nhảy sang một tảng đá khác, đó là một ông giám đốc đề pô xe điện. Sau đó cô ta lại nhảy đến chủ nhân của một tiệm bán giấy bút ở Rue de Rome, rồi tới một người bán hoa ở Canebière mà cũng là nghị viên hội đồng vùng. Tuy vậy cô ta vẫn nghĩ đến cái nhảy cuối cùng để đưa cô ta đến bờ và cái nhảy này đã đúng vào tay của ông quận trưởng.

Mẹ tôi nghe câu chuyện những cái nhảy khác nhau với vẻ thich thú và ngạc nhiên. Thình lình bà hỏi:

– “Nhưng không lẽ mấy người đàn ông đó ngu như vậy sao?”

– “Ô!” Bouzigue cười. “Mấy người đó đâu có ngu! Họ biết thật rõ người ta làm cho họ ngu như thế nào!”

Đoạn ông ta thêm vào, thông minh cũng không phải là tất cả khi chị có bề ngoài xinh đẹp, và nhất là vòng số một, mà người ngắm sẽ không tưởng là có thể có như vậy được.

Ông ta rút cái ví để khoe một tấm hình mà ông ta cho là rất quyến rũ. Paul và tôi tròn mắt nhưng khi ông ta đang rút hình ra thì mẹ tôi dắt tay chúng tôi lên phòng ngủ.

Bữa ăn thịnh soạn, niềm vui vì kẻ thù bị gục ngã và sự bí mật của bức ảnh đã phá giấc ngủ của tôi. Tôi mơ một cách lộn xộn, một cô gái trẻ, khoả thân như một bức tượng, đột nhiên nhảy xuống kênh đào để rơi vào tay của một vị tướng, trông giống y như cha tôi và vỡ tan từng mảnh.

Tôi tỉnh dậy nhưng đang còn lơ mơ thì nghe thấy tiếng của cha tôi xuyên qua tường:

“Thật đáng tiếc mà phải nói là những thói hư tật xấu trên thế giới này lại hay được trọng thưởng.”

Giọng của Bouzigue tự nhiên khàn một cách kỳ lạ, trả lời bằng giọng mũi:

“Thầy Joseph! Thầy Joseph! Ồ, em chết vì cười…”

                                              xưa (1), đang sửa chữa (2) và ngày nay (3)

                                                            (Le Chateau de Buzine)

 

******

                                                              ĐOẠN KẾT

Thời gian trôi qua quay bánh xe đời người chẳng khác gì sức nước đẩy bánh xe xay bột.

Năm năm sau, tôi theo chiếc xe màu đen mà bánh xe cao đến nỗi tôi có thể thấy móng của mấy con ngựa. Tôi mặc một bộ màu đen, tay của em Paul nắm thật chặt lấy tay tôi. Người ta đem mẹ tôi đi xa chúng tôi vĩnh viễn.

Tôi chẳng còn nhớ thêm gì được về cái ngày kinh sợ này, như thể tuổi mười lăm của tôi đã không chấp nhận nỗi đau đớn khủng khiếp có thể làm cho tôi chết được. Nhiều năm về sau, chúng tôi đã trưởng thành nhưng không khi nào chúng tôi có đủ can đảm để nhắc đến mẹ tôi.

Rồi em Paul bé nhỏ cũng lớn lên. Em cao hơn tôi cả cái đầu, để râu quai nón, một bộ râu như lụa vàng. Em chăn dê trên sườn đồi của vùng Etoile, nơi mà em không khi nào rời khỏi. Ban đêm em làm phó mát trong một cái xàng đan bằng lát và em ngủ trên cát, cuộn người trong chiếc áo khoác rộng của mình. Em là người chăn thú cuối cùng theo kiểu cổ xưa. Em mất lúc ba mươi tuổi trong bệnh viện. Trên bàn, cạnh giường là cái kèn harmonica của em.

                                               Hình 5 : Paul chăn dê ở vùng đồi Etoile  (nguồn hình : phim Le Château de ma Mère)

Bạn Lili thương mến của tôi, không theo tôi để đưa Paul đến nghĩa trang nhỏ ở La Treille, bởi vì dưới vòng hoa vĩnh cửu, bạn đã nằm bao nhiêu năm tại đây rồi.

Năm 1917, một viên đạn từ trong khu rừng u ám phía bắc đã trúng ngay vào giữa trán của bạn và cướp đi cuộc đời thanh xuân. Trong cơn mưa, bạn ngã xuống một bụi rậm ướt át, lạnh lẽo mà bạn chẳng biết tên.

Đó là cuộc đời con người. Một chút vui sướng sẽ bị phá vỡ nhanh chóng vì những đau buồn không thể nào quên được nhưng không nên cho giới trẻ biết về điều này.

Mười năm tiếp theo, tôi thành lập một hãng phim ở Marseille và thành công lớn. Tôi có tham vọng, thành lập một phim trường dưới bầu trời của miền Provence. Một nhân viên địa ốc được giao phó nhiệm vụ đi tìm một miếng đất thích hợp, đủ rộng cho dự án này.

Trong khi tôi đang có mặt tại Paris thì ông ta gọi điện thoại để báo cho tôi biết về khám phá của ông, đồng thời nói thêm là việc mua miếng đất phải được xác nhận trong vài tiếng đồng hồ bởi vì cũng có người đang muốn mua miếng đất đó. Vì sự hứng khởi lớn lao của ông, thêm nữa tôi biết rõ sự thành thật và đáng tín nhiệm của ông nên tôi đồng ý mua mà không cần tới xem.

Tám ngày sau, một đoàn xe rời phim trường Prado với chuyên viên về âm thanh, chuyên viên quay phim và chuyên viên kỹ thuật, để tới vùng đất hứa mà chúng tôi sở hữu, ai cũng mong đợi và trong suốt chuyến đi, chúng tôi nói chuyện lung tung cả lên.

Chúng tôi vượt qua một hàng rào mà cổng đã mở rộng. Tận cùng của một con đường với các cây Platane trăm tuổi, đòan xe ngừng lại trước một lâu đài. Đây không phải là một công trình lịch sử mà chỉ là chốn ở của một đại tư sản trong thời Hoàng đế thứ hai. Họ chắc phải hãnh diện lắm vì bốn cái tháp tám cạnh với ba chục ban công được trang trí bởi những tượng đá ở mặt tiền.

Chúng tôi đi lập tức xuống đồng cỏ phía dưới, nơi mà tôi muốn xây xưởng phim.

Người thì bận rộn đo đạc, người lo đóng những cọc trắng, còn tôi giám sát một cách kiêu hãnh sự ra đời của một công ty tuyệt vời.

Thình lình tôi nhìn thấy một hàng rào cây cao…Tôi ngưng thở mà không hiểu tại sao, chạy như điên qua đồng cỏ và qua cả thời gian.

                                               Hình 6 : Kênh đào thời thơ dại 

Đúng, đây rồi mà! Đây là kênh đào của thời thơ dại với những bụi Hagedorn, Clematis những cây hồng trắng, những nhánh Brombeer mà gai nhọn thường dấu mình dưới trái chín. Nước vẫn chảy êm đềm, mãi mãi dọc theo con đường mòn của đồng cỏ, giống như xưa, mấy con châu chấu nhảy lên như những vệt bẩn quanh chân tôi.

Tôi lại đi chầm chậm trên con đường, con đường của kỳ nghỉ hè cùng với những bóng mờ yêu quý bên tôi. Bây giờ, khi nhìn qua hàng rào, tôi mới nhận ra được rặng Platane xa xa trong khu nhà của toà lâu đài ghê rợn. Toà lâu đài làm mẹ kinh khiếp! Trong vài giây, tôi hy vọng gặp lại tên canh gác cùng con chó của hắn. Hai mươi năm rồi nên mối thù của tôi cũng chẳng còn bởi vì những kẻ gian ác rồi cũng phải chết.

Tôi đi trên đường mòn dọc theo bờ dốc, vẫn như cái xàng, nhưng cậu bé Paul không còn nữa để cười giơ những chiếc răng sữa trắng ngần…

Từ xa văng vẳng tiếng gọi tôi, tôi trốn sau hàng rào, đi thật chậm và nhẹ nhàng, giống như ngày xưa…

Cuối cùng tôi nhìn thấy bức tường bao quanh, qua các mảnh thuỷ tinh cắm trên cao, tháng sáu đầy ánh mặt trời đang nhảy múa trên những ngọn đồi xanh. Ở chân tường, gần dòng nước là cánh cửa màu đen khủng khiếp, cánh cửa không muốn mở cho kỳ nghỉ hè, cánh cửa nhục nhã của cha tôi…

Điên người lên vì giận, bằng cả hai tay, tôi nhấc cao một tảng đá lên trời để ném thật mạnh vào những mảnh ván mục. Chúng tan nát theo quá khứ.

Tôi cảm thấy dễ thở hơn như thể lời nguyền đã được hoá giải. Nhưng giữa những cành hồng ở hàng rào, dưới những chùm hoa trắng muốt, dù thời gian đã qua, một phụ nữ trẻ tuổi từ bao năm tháng vẫn đứng đó với mái tóc đen, với bó hồng đỏ của Đại tá ép chặt vào nơi tim mỏng manh. Nghe tiếng hét của tên canh gác, tiếng thở hồng hộc của con chó, người phụ nữ tái mặt, run rẩy, thảm thương mà không biết được là bà đang ở tại nhà, nhà của con trai bà…

                    Hình 7: Mẹ bên cạnh cánh cửa của lâu đài kinh dị và bó hoa hồng đỏ

                                           (nguồn hình : phim Le Château de ma Mère)

Lê-Thân Hồng-Khanh:

 dịch từ bản tiếng Đức: Eine Kindheit in der Provence của Pamela Wendekind

Nguyên tác: Le Château de ma Mère của Marcel Pagnol

Nguồn hình : Net &  phim Le Château de ma Mère

 

Có 3 bình luận về TOÀ LÂU ĐÀI CỦA MẸ TÔI (PHẦN X)

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Vậy là những rắc rối, những hoạn nạn rồi cũng qua đi như gió thoảng. Đoạn cuối đến bất ngờ, nhanh gọn quá làm người đọc thảng thốt về lẽ vô thường , chỉ 5 năm sau, bà mẹ của tác giả qua đời, Lili ra đi, em Paul cũng mất ở tuổi 30…

    Càng bất ngờ hơn, tác giả đã làm chủ đuoc toà lâu đài và hình ảnh người mẹ hiện ra xinh đẹp trong nỗi nhớ của tác giả làm đậm nét tên của tác phẩm: Toà lâu đài của mẹ tôi.

     

  2. Hoành Châu nói:

    Đoạn kết tác phẩm có phần đột ngột ngoài ý muốn,,, đoạn kết buồn nhưng đó thành quả  dai dẳng biết đấu tranh  trí tuệ  và hy sinh
    Cảm ơn cô Lê Thân Hồng Khanh , người đã trao cho chúng em chìa khóa tri thức về nội tâm bao la của vạn vạn tấm lòng . Chúc Bà khỏe,  vui sống cùng các con ,. cháu, chít  sau khi xem xong truyện dài nhiều  kỳ   nầy  . Chúc cô thầy luôn  hạnh phúc mãi nhé
    Em Hoành Châu  ~ Châu Lãng Uyển (Gia đình C   )

  3. Cám ơn quý vị đọc giả cũng như hai em Hạnh và Hoành Châu đã theo dõi câu truyện dịch “Toà lâu đài của mẹ tôi” cho đến đoạn cuối cùng.

    Đoạn kết thật bất ngờ và theo tôi đây là sự thành công của tác giả. Nếu đọc một tác phẩm mà người đọc có thể đoán trước được kết cuộc thì sự hấp dẫn của cuốn truyện sẽ giảm đi rất nhiều.

    Đọc xong đoạn kết, một cảm giác khó tả còn đọng mãi trong tôi, không biết nên vui hay nên buồn cùng tác giả khi vì một sự tình cờ mà tác giả đã làm chủ toà lâu đài “kinh khiếp của mẹ”, “nhục nhã của cha”, để rồi kỷ niệm ngày xưa cũng như bóng mờ của người thân lại hiện ra trong khung cảnh hiện thực, không hề thay đổi…..

     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác