TOÀ LÂU ĐÀI CỦA MẸ TÔI( PHẦN VIII)

Ngày đăng: 2/07/2018 10:17:06 Sáng/ ý kiến phản hồi (4)

Le Château de ma Mère là tiểu thuyết của nhà văn Marcel Pagnol (Pháp) được cô Hồng Khanh chuyển ra Việt Ngữ từ Đức ngữ.  Một câu chuyện mà cô đã đọc một cách say mê những kỷ niệm cực kỳ thú vị của một cậu bé trải qua kỳ nghỉ hè đầu tiên của mình trong vùng đồi núi miền Provence, Nam nước Pháp. Lời văn nhẹ nhàng, bình dị nhưng không kém phần thơ mộng, tác giả đã diễn tả được hết những những nét đẹp của vùng Estade, nơi mà ông đã cùng cha và chú ông đi săn, cùng Lili, cậu bé thua ông một tuổi là cư dân tại đây, rong chơi và đặt bẫy chim khắp vùng đồi núi….Toàn bộ câu chuyện được cô chia ra làm 10 phần cho phù hợp với hình thức của trang nhà . Đây là phần thứ VIII, mời các bạn tiếp tục đọc các phần cuối (SOS)

Cha tôi lôi cái đồng hồ bằng bạc ra khỏi túi áo khoác.

“Chỉ trong hai mươi bốn phút chúng ta đã đi được hết quãng đường mà lệ thường là phải mất ba tiếng đồng hồ.”

“Em đã nói với thầy rồi mà!” Bouzigue nói. “Cái chìa khoá này nhanh hơn cả xe hơi!”

Tôi thấy là nói hơi quá vì mới đây tôi đọc được trên báo, dưới tấm hình chiếc xe hơi Panhard lộng lẫy có đăng tin là: chiếc xe hơi, chiếc xe đi mỗi phút một ki lô mét!

“Em đã nói với thầy rồi mà”, Bouzigue nhắc lại. “Không gì dễ hơn cái này đây! Bây giờ chúng ta hãy cùng uống một ly.” Ông ta bước vào hàng hiên của quán cà phê, nơi mà các cây Platane bắt đầu trổ những lá xanh đầu tiên.

Chủ quán, một người đàn ông cao và khoẻ mạnh với bộ râu mép mầu đỏ và rậm

đưa chúng tôi tới ngồi tại một chiếc bàn sắt và đem lại một chai rượu vang trắng. Cha tôi phải làm sao? Từ chối lời mời rộng rãi của Bouzigue hay uống rượu vang trắng trước những cặp mắt ngạc nhiên của chúng tôi?

“Ông chủ, ông có nước suối Vichy không?”

Chủ tiệm nhìn ông một cách ngạc nhiên giây lát rồi nói:

– “Nếu ông muốn, tôi sẽ đem cho ông một chai ở dưới hầm.”

– “Vậy sao?” Bouzigue nói một cách hoảng sợ. “Thầy có bị bệnh gan hay không?”

– “Không”, cha tôi nói, “nhưng mà tôi thích uống rượu vang trộn với nước suối, ngon như uống sâm banh.”

Tôi ngưỡng mộ ý tưởng tuyệt hảo này, nó giúp cha tôi làm giảm chất độc của rượu bằng một thứ nước lành mạnh có thể mua được trong các tiệm thuốc tây. Bouzigue thì ngược lại, ông ta uống liên tiếp hai ly rượu vang nguyên chất mà chẳng phải lo lắng gì cả. Trong khi đó mẹ tôi vẫn còn ca ngợi quãng đường đi ngắn vừa qua.

“Cô ơi”, Bouzigue nói với nụ cười nở rộng.

“Bây giờ cô cho phép em được biếu cô một món quà!”

Với cái nháy mắt tinh ngịch, ông ta lấy chiếc chiều khoá bóng loáng từ trong túi ra.

– “Cô nhận dùm em, cô Joseph, nó là của cô.”

– “Cô ấy làm gì với cái chìa khoá đó?” Cha tôi hỏi.

– “Mỗi ngày thứ bảy được lợi hai tiếng đồng hồ rồi thêm hai tiếng nữa vào sáng thứ hai.

– Cô nhận đi, em có thêm chiếc chìa khoá thứ hai đây này.”

Ông ta đưa cho chúng tôi xem chiếc chìa khoá thứ hai.

                                            Hình 1/ Mẹ với chiếc chìa khoá

Cha tôi lắc đầu chầm chậm ba lần liên tiếp từ trái sang phải.

– “Không”, ông nói. “Không, không thể được.”

– Mẹ tôi để lại chiếc chìa khoá trên bàn.

– “Nhưng tại sao không?” Bouzigue nói.

– “Vì thầy cũng là công chức như em. Thầy thấy ngay nét mặt của ông ty trưởng ra sao, khi ông ta được báo cho biết là một trong số nhà giáo của ông đã lén dùng một cái chìa khoá giả để đi trên phần đất của người khác.”

– “Đây đâu phải là chìa khoá giả, nó là của cơ quan hành chánh.”

– “Lại thêm một lý do nữa”, cha tôi nói. “Thầy không có quyền dùng nó.”

Bây giờ Bouzigue có vẻ nổi nóng.

– “Không ai bắt thầy phải khai báo! Thầy đã thấy là mọi việc đều êm thắm mà.”

– “Không ai bắt chúng ta phải khai vì chúng ta đâu có gặp ai. Khi chúng ta tới khu rừng công chúa ngủ trong rừng, em nói là tại đó không sợ nguy hiểm, có nghĩa là những nơi khác đều nguy hiểm.”

– “Nhưng mà, trời ơi!” Bouzigue kêu lên. “Khi em nói nguy hiểm, không có nghĩa là nguy hiểm đến tính mạng! Em chỉ có ý nói là nếu vì một sự tình cờ không may xảy ra mà có một tên làm bộ làm tịch đi thưa gởi mà thôi. Nhưng nếu có đơn thưa thì cũng chẳng đi đến đâu. Chị của em lo việc này, thầy đừng quên là có chị em!”

Tôi đồng ý với ông ta nhưng cha tôi nói một cách nghiêm chỉnh:

– “Thầy không nghi ngờ khả năng cũng như thế lực của chị em, mặc dù thầy cũng không vui khi biết chị em làm như vậy, thầy có nguyên tắc của thầy.”

– “Trời ơi, trời ơi!” Bouzigue thở dài. “Nguyên tắc! Trời ơi là trời!”

Và rồi với giọng như của người lớn nói với một đứa trẻ con:

– “Những nguyên tắc đó là gì, thưa ông Joseph?”

– “Thầy thấy xấu hổ khi xâm nhập vào phần đất của người khác, nhất là vì mối lợi riêng của mình. Không còn xứng đáng là nhà giáo để giảng luân lý cho học trò. Mấy đứa nhỏ này sẽ nghĩ gì khi chúng thấy cha chúng bò qua các bụi rậm như một tên ăn trộm?”

– “Con chỉ nghĩ, đó là con đường ngắn hơn mà thôi”, tôi nói.

– “Em nói đúng đó”, Bouzigue nói.

– “Mình nghe đây”, mẹ tôi nói. “Em biết là có rất nhiều người không ngần ngại gì trước lời đề nghị như vậy. Hai tiếng ít hơn vào thứ bảy và hai tiếng vào thứ hai, tính ra chúng ta lợi được bốn tiếng đồng hồ!”

– “Thà là anh đi thêm bốn tiếng để còn giữ được lòng tự trọng của mình!”

– “Dù vậy cũng thật dã man” Bouzigue nói một cách buồn bã, “bắt lũ trẻ, cẳng chân như mì ống, phải lội bộ y như chúng đã nhập đội binh Lê dương, thêm vào đó còn mang xách đồ đạc nặng nề! Cô Joseph cũng chẳng mạnh mẽ gì!”

– “Đi bộ là một trong những môn thể thao lành mạnh nhất”, cha tôi nói.

– “Có thể nhưng cũng mệt mỏi nhất“, mẹ tôi thở dài.

– “Thầy nghe em đây”, Bouzigue nói, “em có một đề nghị khác, hợp lý cho tất cả mọi người. Em sẽ kiếm cho thầy một cái mũ giống như của em, thầy đi trước và nếu có ai thấy thì thầy chỉ cần vẫy tay và chẳng ai hỏi thầy gì đâu.”

– “Thật tình là em có cách suy nghĩ của một tội phạm!” cha tôi nói một cách miễn cưỡng. “Chiếc mũ công vụ của một giám sát viên kênh đào trên đầu của một nhà giáo! Em không biết là cuối cùng chuyện này sẽ đưa đến việc ra toà hay sao?”

– “Còn chị của em, thầy quên là có chị của em!”

– “Tốt nhất là đừng đề cập nhiều đến chị ấy”, cha tôi nói. “Thầy cám ơn đề nghị của em!  Điều này chứng tỏ sự biết ơn cũng như tình bằng hữu của em. Thầy bắt buộc phải từ chối. Đừng nài nỉ thêm nữa.”

– “Càng tệ hơn nữa!” Bouzigue nói, “thật là uổng.”

Ông ta uống một ngậm rượu vang trắng rồi tiếp tục với giọng buồn bã:

– “Thật uổng cho mấy đứa trẻ, uổng cho cô Joseph, uổng cho em vì em chỉ muốn giúp thầy và trên hết …vâng, trên hết là uổng cho cái kênh đào…

– “Cho cái kênh đào? Em muốn nói gì?”

– “Vâng, có thể như vậy được không?” Bouzigue kêu lên. “Thầy không thấy rõ là điều thầy nói với em về xi măng chịu nước là quan trọng hay sao?”

– “Đúng rồi“, mẹ tôi nói và đột nhiên ra vẻ thành thạo. “Như vậy là anh chưa rõ về việc này đâu, Joseph!”

– “Thầy cũng chưa biết, nhà thầu đã trộn nhiều cát vào xi măng sẽ phải đền ít nhất là hai ngàn phật lăng!” Bouzigue nói một cách hăng hái. “Nhiều khi còn phải đền tới hai ngàn rưỡi nữa. Em sẽ làm báo cáo và tên lừa đảo đó sẽ bị vào gọng kìm! Chúng em phải cám ơn ai, nếu không phải là thầy!”

– “Chuyện đó thầy chỉ nói bên lề”, cha tôi nói. “Với thầy, chuyện đó cũng có chắc đâu.”

– “Chắc! chắc mà! Việc đó rõ ràng mà, thêm nữa, xi măng đó sẽ được đem thử nghiệm. Đó là thầy chỉ mới đi dọc theo dòng nước có một lần, chưa quan sát kỹ lưỡng tất cả vì thầy còn bối rối. Nếu mỗi tuần hai lần thầy thường xuyên đi qua thì ô là là…..!”

Ông ta nhắc đi nhắc lại nhiều lần mấy chữ ‘ô là là’ với đầy hứng khởi.

– “Cuối cùng rồi em cũng nghĩ”, cha tôi hỏi một cách suy tư, “là việc thầy giúp một cách bí mật và không công để bảo trì kênh đào trong khi đi ngang qua đó là đúng luật hay sao?”

– “Đúng cả mười lần, trăm lần, vạn lần!” Bouzigue nói.

– “Theo đúng luật, mỗi thứ hai thầy gởi cho em một bản tường trình, một vài ghi chú. Em sẽ chép lại, dĩ nhiên với vài lỗi chính tả và trình cho thượng cấp. Thầy có tưởng tượng được việc này có ý nghĩa to lớn ra sao cho em không? Với sự trợ giúp của thầy, một chút trợ giúp của chị em thì trong vòng một năm em sẽ được thăng chức trưởng phòng!”

– “Joseph!” mẹ tôi nói. “Anh phải suy nghĩ thật kỹ trước khi từ chối.”

– “Anh đang suy nghĩ đây!”

Ông uống một ngậm rượu vang pha với nước suối Vichy.

– “Đó là cái xàng!” Paul nói một cách vui vẻ.

– “Nếu chúng ta tới nhà trước bảy giờ thì thật tuyệt diệu!” mẹ tôi nói. “Ngoài ra”, bà quay về phía Bouzigue, “mấy đứa nhỏ còn tiết kiệm được biết bao nhiêu là đế giầy!”

– “Ôi, đế giầy!” Bouzigue nói “Em cũng có hai con trai và em cũng biết giầy tốn kém như thế nào!”

Đoạn ông ta lặng thinh một hồi.

“Nói rõ ra”, cha tôi cuối cùng nói, “nếu thầy có thể giúp cho thôn xã, dù chẳng đúng luật, hơn thế nữa nếu việc đó lại giúp cho em thăng tiến nghề nghiệp…..”

“Đâu giúp sức không thôi?” Bouzigue kêu lên. “Còn làm cho cả sự nghiệp của em thay đổi hoàn toàn!”

“Thầy chưa có quyết định chắc chắn nhưng thầy sẽ suy nghĩ lại điều này.”

Ông cầm chìa khoá lên, nhìn chăm chú một giây, rồi nói:

“Thầy cũng không biết là có dùng đến nó không…Tuần sau sẽ quyết định…”

Nhưng rồi ông cất chiều khoá vào túi.

Vào sáng sớm thứ hai, khi chúng tôi trở về thành phố, cha tôi nhất quyết không dùng chiếc chìa khoá mầu nhiệm này. Ông nhìn chiếc chìa khoá lấp lánh trong tay rồi bỏ nó vào túi và nói:

– “Điều thứ nhất là xuống dốc dễ hơn lên dốc, thứ hai nữa, chúng ta không phải xách lương thực nên không đáng để mà phải mạo hiểm.”

Chúng tôi lại đi đường cũ để trở về. Cũng cùng chiều hôm đó, sau khi tan học, cha tôi biến đâu mất khoảng một tiếng đồng hồ. Khi trở về trên tay ông có ba bốn cuốn sách, tôi không thể nói rõ là bao nhiêu bởi vì đó là một mớ giấy in mà cạnh đã ngã màu vàng và bở bùng bục, trông giống như lai quần thêu của bà nội.

– “Bây giờ”, ông nói, “chúng ta hãy tìm hiểu.”

Bộ sách này gồm nhiều tập nói về hệ thống kênh đào, cầu cống, nói về thuỷ lợi cho những vùng đất hoang sơ, về việc dùng chất liệu ngăn cản sự thấm nước tại các bờ tường cũng như tại các bờ đê vào thời xưa của ông De Vauban.

– “Trong những cuốn sách xưa này”, ông cắt nghĩa cho tôi, “người ta tìm thấy những sự hiểu biết rất hợp lý và những công thức đáng được dùng để áp dụng nhất.”

Ông chia các tập của bộ sách đáng giá này trên bàn và bắt đầu làm việc.

Thứ bảy tuần tới, đúng năm giờ chiều, chúng tôi đứng trước cánh cửa đầu tiên. Cha tôi mở mạnh cửa vì lương tâm của ông đã hoà hợp được với chính mình. Ông bước qua ngưỡng cửa bị ngăn cấm này, không phải để được đi con đường ngắn hơn mà là để coi sóc các kênh đào khỏi bị hư hại, nhờ đó Marseille không bị hạn hán và thoát khỏi hiểm nguy của bệnh dịch hạch và dịch tả.

Dù thế ông cũng sợ những người canh giữ đất đai ở đây nên ông xách đỡ cho tôi gói đồ để tôi đi thám thính trước. Nhờ hàng dậu che, tôi rón rén đi trước và cố ẩn mình sau đám lá dày . 

                                     Hình 2/ Đi đường tắt

Cứ thế, tôi tiến được chừng hai chục thước, mắt ngó cẩn thận, tai vểnh ra. Dừng lại để nghe ngóng rồi ra dấu cho mẹ tôi và Paul đang trốn trong bụi rậm. Cả hai chạy nhanh tới sát sau tôi, cuối cùng cha tôi xuất hiện với cuốn sổ trong tay. Chúng tôi luôn phải chờ ông vì ông phải ghi chú một cách cẩn thận khi ông quan sát dòng nước.

Chúng tôi không gặp ai cả. Chỉ có một chuyện nhỏ xảy ra trong cuộc hành trình đáng sợ này là do Paul tạo ra. Mẹ tôi để ý thấy Paul theo dáng điệu nổi tiếng của Napoleon dấu bàn tay phải dưới áo măng tô của hắn.

– “Con có bị đau gì ở tay không?” Mẹ hỏi thật dịu dàng.

Không nhìn mẹ mà cũng không mở miệng để nói, hắn chỉ lắc đầu.

– “Đưa tay cho mẹ xem!” bà nói.

Hắn vâng lời và chúng tôi nhìn thấy những ngón tay nhỏ bé của hắn đang nắm chặt cán của con dao nhọn của chúng tôi mà hắn đã lấy trộm trong ngăn kéo bàn của nhà bếp.

– “Dành cho người canh gác!” hắn nói một cách lạnh lùng. “Khi hắn ta tới để bóp cổ cha thì con sẽ lén để lùi lại và đâm một dao vào mông của hắn ta.”

Mẹ tôi ngợi khen sự can đảm của hắn nhưng nói là:

– “Con còn nhỏ quá, tốt hơn là đưa cái dao cho mẹ.”

Không lưỡng lự, hắn đưa liền con dao cho mẹ với lời khuyên: “Mẹ cao. Đâm vào mắt hắn đi!”

Người canh gác ở toà lâu đài cuối là mối kinh hãi của chúng tôi, chúng tôi run lên khi đi vào thửa đất mà ông ta canh giữ. May mắn thay, ông ta không xuất hiện và hai tiếng đồng hồ sau khi chúng tôi ngồi tụ họp ở bàn ăn, cái tên Bouzigue được ca tụng cả trăm lần.

Tại bàn ăn không ai nói gì đến người canh gác cũng như đến con chó nhưng khi chúng tôi nằm trên giường trong phòng ngủ, tôi nói chuyện rất lâu với Paul. Chúng tôi nghĩ ra nhiều cách để giết kẻ thù: bằng giây Lasso; cho rơi xuống hố có cắm sáu con dao thật sắc mà lưỡi dao chổng lên trời để chờ đợi; với thòng lọng làm bằng sợi thép; bằng điếu xì gà chứa đầy thuốc súng. Paul là người vừa mới bắt đầu đọc truyện phiêu lưu nên có những ý tưởng thật ghê rợn như tên bằng sậy làm cho độc bằng cách cắm sâu đầu nhọn vào các nấm mộ trong nghĩa địa nhà thờ. Khi tôi ngờ vực sự hiệu nghiệm của cách thức này thì hắn kể đến những người da đỏ Ba Tây, họ giữ xác của ông cha của họ cả tháng trường để nhúng đầu nhọn vũ khí của họ vào máu đã thối rửa của tổ tiên họ.

Trong khi hắn nói, tôi ngủ thiếp đi và thấy trong một giấc mơ huy hoàng người canh gác bị đổi dạng vì điếu xì gà nổ tung, trông như một con nhím vì bị những mũi tên đâm vào, vì ngộ độc nên oằn mình, co giật và sau cùng rơi xuống hố, nơi đó ông ta bị sáu con dao sẻ thịt ra từng miếng trong khi Paul nhảy múa và la hét chung quanh như một người bị quỷ ám: “Hắn ta là cái xàng!”

Bây giờ mỗi ngày thứ bẩy chúng tôi leo đồi mà không phải mệt nhọc gì nhiều nên cuộc sống của chúng tôi nhờ đó cũng biến đổi.

Mẹ tôi trông tươi tỉnh và hồng hào lại; Paul lớn như thổi, tôi cũng cao hơn và mạnh mẽ, hãnh diện vì bộ ngực nở. Đôi khi tôi lấy cái thước dây của mẹ để đo bắp thịt của mình khiến cho Paul thêm ngưỡng mộ.

Cha tôi cạo râu mỗi sáng với một dụng cụ trông giống như một cái kiếm và một mảnh gương bể mà ông treo ở khoá cửa sổ. Cùng lúc đó ông hát với giọng thật cao nhưng êm dịu:

“Si j’ étais un petit serpent.

O félicité sans pareille….”

rồi thình lình với giọng thật sâu và trầm:

Souviens-toi du passé, quand sous l’ aile des anges,

Arbitrant ton bonheur,

Tu venais dans son temple en chantant ses louanges,

Adorer le Seigneur…”

Ông còn hát nho nhỏ khi lên cầu thang hoăc đôi khi đang đi ngoài đường.

Sự vui vẻ này tuy kéo dài cả tuần nhưng đến ngày thứ bảy thì biến mất, ngay buổi sáng tinh sương, ông đã phải thu hết can đảm để dành cho việc làm trái luật mà ông sẽ thực hiện.

Trong khoảng thời gian này có hai sự việc đáng kể xảy ra.

Vào một thứ bảy đẹp trời khi ngày dường như dài hơn và các cây hạnh nhân phủ đầy hoa trắng, chúng tôi đi thật êm xuyên qua phần đất của ‘nhà quý tộc’. Sau khi đã đi được nửa quãng đường, chúng tôi bớt sợ vì nơi đây hàng rào che khuất trở nên rậm rạp. Tôi đi trước với những bước nhẹ nhàng mà không để ý đến một chai nước tẩy Eau de Javel lớn, vài ba cái áo quần và một bó gồm các phần của chiếc ghế bành được tháo ra và buộc lại bằng dây.

Những chấm ánh sáng của mặt trời như múa nhảy trên dòng kênh lững lờ trôi. Paul theo sát chân tôi và hát nho nhỏ một mình.

Thình lình tôi dừng lại và đứng như trời trồng, tim đập mạnh. Chỉ vài thước trước mặt tôi, một  dáng người cao lớn xuất hiện từ phía hàng rào và tiến thêm một bước đến giữa đường.

Ông ta nhìn chúng tôi tới gần. Ông rất cao, có râu quai nón, đội mũ nỉ rộng vành, mặc áo ngoài dài bằng nhung xám và dựa vào một cây gậy.

Tôi nghe thấy cha tôi nói thật khẽ: “Đừng sợ! Cứ đi tiếp tục!”

                                                   Hình 3/ Gặp Bá Tước (Đại tá)

Tôi can đảm tiến bước và đối diện với sự nguy hiểm, tôi nhìn vào mặt người lạ.

Một cái sẹo màu đỏ chạy dài từ dưới nón nỉ, biến mất trong đám râu quai nón sau khi đụng qua khoé mắt phải, con mắt phẳng lì và mí mắt khép kín.

Khuôn mặt giống như mặt nạ đã gây cho tôi một ấn tượng thật mạnh khiến tôi đứng lại như bị đầy. Cha tôi vượt qua tôi, một tay giữ mũ, tay kia cầm cuốn sổ ghi chú.

– “Chào ngài”, cha tôi nói.

– “Chào ông”, người lạ nói với giọng trang nghiêm lanh lảnh. “Tôi đã chờ ông ở đây.”

 

Ngay lúc đó mẹ tôi kêu lên một tiếng tắc nghẹn, tôi ngó theo ánh mắt của mẹ, hoang mang khi nhìn thấy một người canh gác với nút áo bằng đồng đang tránh trong hàng dậu. Ông ta còn cao hơn cả chủ nữa, trên khuôn mặt to bè của ông ta có hai hàng lông mầu đỏ. Một hàng ở phía trên cặp mắt xanh với lông mi màu đỏ và một hàng ở dưới mũi.

Ông ta dừng lại ba bước trước người đàn ông có sẹo, nhìn chúng tôi với nụ cười chế nhạo hung dữ.

– “Tôi nghĩ là”, cha tôi nói, “có phải tôi đang được hân hạnh tiếp chuyện với chủ nhân của toà lâu đài không ạ?”

– “Vâng, chính tôi đây”, người lạ nói. “Cả mấy tuần nay, từ xa tôi quan sát việc làm của quý vị mặc dù quý vị đã dùng đủ mọi biện pháp để trốn tránh.”

– “Phải nói thêm là”, cha tôi bắt đầu, “người bạn của tôi, kiểm soát viên kênh đào này….”

“Tôi biết”, nhà quý tộc nói. “Tôi không xuất hiện vì tôi bị một trận thống phong nên phải nằm trên ghế sô pha cả ba tháng. Tuy thế, tôi cũng ra lệnh xích chó lại vào chiều thứ bảy và sáng thứ hai.”

Tôi không hiểu được ngay còn cha tôi thì nuốt nước bọt vài lần.

Mẹ tôi tiến thêm vài bước về phía ông chủ lâu đài.

– “Vừa mới sáng nay, tôi cho gọi ông giám sát dòng nước. Tên ông ta, tôi nghĩ là Boutique…”

– “Bouzigue“, cha tôi nói. “Ông ta là học trò cũ của tôi, tôi là giáo viên tiểu học và…”

– “Tôi biết”, cụ già nói. “Boutique đã kể cho tôi hết mọi chuyện, chuyện căn nhà trên đồi,  chuyện xe điện chỉ đi một quãng ngắn, chuyện con đường bộ thật dài mà trẻ em phải đi với bao nhiêu là gói đồ”, vừa nói ông tiến gần mẹ tôi, “cả chuyện người phụ nữ nhỏ bé này mang xách biết bao nhiêu đồ đạc nặng nề.”

Ông cúi chào mẹ tôi thật sâu chẳng khác gì một người lịch sự đang mời một phụ nữ cùng nhảy một vũ điệu, ông hỏi: “Bà cho phép?”

Ông làm ra vẻ một người bề trên có uy quyền để lấy đi hai gói lớn được bọc bằng một cái khăn thắt nút ở phía trên rồi quay sang người canh gác:“Wladimir! Cầm dùm đồ đạc cho trẻ con!”

Trong nháy mắt, ông khổng lồ đã cầm gọn trong nắm tay to lớn của ông ta tất cả những túi, những xách của chúng tôi cùng với bó ghế dựa. Ông ta quay lưng và bỗng nhiên quỳ xuống.

“Leo lên!” ông ta nói với Paul. Không sợ hãi, Paul lấy trớn và nhảy phóc lên và ngồi trên vai của con ma dễ sợ nhưng dễ thương này, ông ta hí vang và phóng đi như ngựa. Mẹ tôi mắt ngấn lệ còn cha tôi không nói được lời nào.

– “Bây giờ chúng ta đi tiếp!” nhà quý tộc nói. “Quý vị bị mất nhiều thời giờ rồi!”

– “Thưa ngài”, cuối cùng cha tôi nói, “tôi chẳng biết nói sao để cám ơn ngài, tôi xúc động , thật sự xúc động…”

– “Tôi biết”, ông cụ ngắt lời, “tôi cũng hoan hỉ vì tình cảm bất ngờ của ông. Những gì tôi làm được cho ông thì cũng chỉ bình thường thôi. Ông đi xuyên qua phần đất của tôi, khiêm tốn và không gây hư hại nên tôi không có gì phản đối. Có gì mà tuyệt vời đâu? Bé gái xinh xắn này tên là gì?”

Ông tiến lại gần em gái mà mẹ tôi đang bế trên tay nhưng bé la lên và dấu mặt trong hai tay.

– “Nào!”, mẹ nói. “Con cho ông thấy là con biết cười chứ!”

– “Không, không!” em gái hét lên. “Ông ấy trông ghê quá, ồ không!”

– “Bé nói đúng”, ông cụ nói và cười làm ông còn xấu hơn. “Tôi quên mất cái sẹo của tôi. Nó là do một cái lao của một kỵ binh mà tôi gặp phải trong trận chiến Hopfenfeld ở vùng Alsace. Cháu bé còn quá nhỏ để biết ngưỡng mộ sự can đảm của quân đội. Bà đi trước đi và kể cho cháu là tôi bị một con mèo cào mặt. Nhờ đó mà cháu ít nhất cũng học được một điều trong cuộc gặp gỡ này để mà thận trọng trong cuộc sống mai sau.”

Ông tháp tùng chúng tôi suốt cả quãng đường và thỉnh thoảng nói chuyện với cha tôi. Tôi đi trước và nhìn thấy chỏm tóc của Paul phía trên hàng rào. Những lọn tóc vàng của hắn phất phới trong ánh mặt trời.

Khi chúng tôi đến được cửa ngõ, hắn ta đang ngồi trên một gói đồ và ăn quả táo ông khổng lồ đã gọt cho hắn.

Chúng tôi phải từ giã nhà hảo tâm. Ông bá tước bắt tay cha tôi, đưa cha tôi một tấm các và nói:

“Đây là tấm giấy thông hành cho người giữ cửa. Từ giờ, ông không cần phải đi xuyên qua vườn trái cây, cứ rung chuông ở đường vào công viên và đi bằng đường chính. Đường này ngắn hơn là dọc theo dòng nước nhiều.”

Đoạn, trước sự ngạc nhiên thật lớn của tôi, ông đứng trước mặt mẹ tôi chừng hai bước và từ biệt bà như từ biệt một bà hoàng. Ông tiến gần bà, cúi rạp người và hôn tay bà.

Bà cám ơn bằng cách nhún chân như một cô bé và trốn bên cạnh cha tôi vừa lúc chỏm tóc vàng của Paul chen vào giữa hai người. Hắn chạy tới nhà quý tộc, nắm lấy bàn tay lớn màu nâu của ông và hôn thật mạnh.

Ban đêm, trong khi múc súp cho mọi người dưới ánh đèn tại bàn ăn, mẹ tôi nói:

“Joseph, đưa cho cả nhà xem tấm các mà anh mới nhận được.”

Cha tôi đưa cho mẹ và bà đọc thật to:

“Bá tước Jean de X…Đại tá lữ đoàn kỵ binh thứ nhất.”

Bà ngưng một giây rồi bối rối nói:

– “Nhưng mà…”

– “Phải!” cha tôi nói. “Ông ta đánh trận Reichhoffen mà.”

Từ cái ngày đáng nhớ này thì mỗi thứ bảy xuyên qua lâu đài đầu tiên đã trở thành như đi dự hội.

Người gác cửa cũng là một ông già có râu mép mở rộng cửa ngõ, Wladimir chạy ngay tới, thu hết túi xách của chúng tôi rồi cùng vào lâu đài để chào ông Đại tá. Ông tặng cho chúng tôi kẹo viên cam thảo và nhiều lần giữ chúng tôi lại để uống cà phê. Một hôm cha tôi đem lại cho ông một cuốn sách thật cũ mà cha tôi tìm được nơi chợ trời. Trong sách có đầy đủ các bài tường thuật lẫn hình ảnh cùng bản phác hoạ về trận đánh Reichshoffen. Tên của Đại tá in ở ngay khoảng đầu. Cha tôi, một người cho đến nay chống đối vấn đề quân sự, đã chuốt nhọn cẩn thận ba bút chì màu để đóng khung bằng màu cờ của Pháp, những trang mà tác giả ca tụng sự can đảm của đội kỵ binh thứ nhất.

Người cựu chiến binh lại càng thích thú hơn với sự diễn tả của nhà sử học, mặc dù ông không đồng ý lắm (tác giả là dân sự và chưa bao giờ trong đời ngồi trên yên ngựa), nên bắt đầu ngay việc soạn thảo một văn bản với những ghi nhớ chính xác.

 

                                              Hình 4/ Mẹ và bó hồng đỏ, quà tặng của Bá Tước

Mỗi thứ bẩy khi ông dẫn chúng tôi thăm khu vườn, ông đều hái một bó hồng màu đỏ mà ông đã tự tạo giống và đặt tên là ‘Hoa hồng Hoàng đế’. Với cái kéo bạc nhỏ, ông trẩy hết tất cả gai nhọn. Khi từ giã, ông trao cho mẹ tôi bó hoa làm mẹ tôi đỏ cả mặt. Bà cầm bó hoa và không đưa cho ai giữ cả, vào thứ hai bà đem bó hoa về thành phố. Suốt tuần, bó hoa nở đẹp trong bình đất nung đặt trên bàn trong góc phòng ăn và căn nhà cộng hoà của chúng tôi đã được những đoá hoa ‘Hồng Hoàng đế’ làm cho quý phái.

Lâu đài ‘Công chúa ngủ trong rừng’ không khi nào làm cho chúng tôi sợ. Cha tôi cười rồi nói, ông thích được nghỉ hè tại đấy, mẹ tôi thì lại sợ là có ma.

Paul và tôi đã thử nhiều cách khác nhau để mở một cánh cửa sổ thấp nhất của tầng trệt, cốt nhìn cho thấy các hiệp sỹ bất động đang canh chừng cho nàng công chúa. Nhưng con dao mà lưỡi bằng thiếc của tôi không làm gì được với những thanh gỗ sồi cứng chắc.

Qua kẻ hở, một hôm Paul nhìn thấy một đầu bếp to lớn cùng với tám tay phụ bếp trẻ, đứng như bị mọc rễ chung quanh một con heo quay. Đến lượt nhìn vào kẻ hở, tôi chẳng thấy gì y như Paul nói. Hình ảnh mà hắn kể lại giống đúc tấm tranh của Valvérane, một hoạ sỹ nổi tiếng làm tôi hoang mang, cũng giống như mùi thơm quen thuộc của thịt quay với mùi lạ lùng của khói lạnh đến từ một nơi bí ẩn nào đó.

 

Toà lâu đài thứ ba của ông chưởng khế cũng tạo một sự ngạc nhiên lẫn hoảng hốt cho chúng tôi.

Một hôm, không cần vội vã, chúng tôi chui qua chỗ hổng ở hàng rào để đi thì âm thanh của một giọng tức giận cất lên làm chúng tôi hoảng sợ:

“Ê! Mấy người ở dưới kia! Đi đâu đó?”

Chúng tôi trông thấy một nông dân cỡ bốn chục tuổi, tay giơ cao cái cào và chạy về phía chúng tôi. Tóc ông ta dầy và lồm xồm, râu mép đen xoắn lại như râu mèo. Mặc dù hoảng hốt nhưng cha tôi làm như không trông thấy ông ta, đang bận ghi vào trong cuốn sổ. Nhưng người đàn ông giận dữ đó vẫn tiến thật nhanh về phía chúng tôi như phi ngựa. Tay mẹ tôi run lên trong tay tôi còn Paul thì trốn trong bụi rậm.

Tới sát chúng tôi, ông ta đột nhiên ngừng lại. Ông ta quơ cái cào lên thật cao, cán cào đụng mặt đất, ông ta quơ tay lên trời một cách phẫn nộ rồi đi nhanh đến cha tôi. Từ trong cái miệng đang giật mạnh, những câu nói êm dịu thốt ra thật bất ngờ.

“Đừng sợ gì cả. Chủ nhà đang quan sát chúng ta! Họ đang đứng ở lầu một! Tôi hy vọng là ông già chết đi cho rồi nhưng cả sáu tháng nay, ông ta vẫn còn đó.”

Rồi ông ta chống nạnh, cúi xuống một cách đe doạ và nói thẳng vào mặt cha tôi

trong khi cha tôi bước lùi lại từng bước để tránh:

“Mỗi khi mọi người thấy các cửa sổ mở thì đừng đi xuyên qua vườn trái cây mà đi về phía bên kia, nơi trồng cà chua. Đưa cho tôi cuốn sổ vì họ muốn tôi kiểm soát giấy tờ của ông cũng như phải ghi tên và địa chỉ.”

Ông ta giật cuốn sổ ra khỏi tay cha tôi, trong khi cha tôi còn bối rối vì những lời chỉ dẫn.

“Ông tên là Esménard Victor, cư ngụ tại đường République số tám mươi hai. Bây giờ đi nhanh đi để tạo được cảm tưởng tốt nơi họ!”

Với cánh tay giơ thẳng và ngón trỏ nhọn đầy vẻ đe doạ, ông chỉ lối để chúng tôi đi thoát. Trong khi chúng tôi chạy thì ông ta la hét, chửi thề theo sau:

“Đừng để xảy ra lần nữa, nếu không thì ăn đạn súng săn!”

Vừa đến nơi an toàn phía bên kia của bức tường, chúng tôi ngừng để nghỉ một lúc và vừa cười, vừa chúc mừng lẫn nhau. Cha tôi giở kính để chùi những giọt mồ hôi trên trán, giảng luân lý:

“Đó, đó là người dân. Họ chỉ có một khiếm khuyết duy nhất là thiếu hiểu biết nhưng trái tim của họ lại tốt như bánh mì và rộng lượng như một đứa trẻ.”

Paul và tôi nhảy múa trong ánh mặt trời và hát hò một cách vui thích như quỷ Sa tăng:

“Cho ông ta chết! Cho ông ta chết!”

Từ ngày đó trở đi, người đàn ông với cái cào tên là Dominique đón tiếp chúng tôi vui như hội.

Như đã hẹn, chúng tôi đi dưới vườn trái cây, dọc theo cánh đồng, nơi mà Dominique làm việc.

Ông ta cuốc đồi nho, trồng khoai tây hoặc buộc dây cho các cây cà chua. Cha tôi nói với cái nháy mắt tin cẩn: “Gia đình Esménard chào ông và xin được phép đi ngang qua đây.”

Dominique nháy mắt lại, cười vì lời nói diễu và kêu lên: “Chào Esménard Victor!”

Cha tôi cười và cả nhà vui thích.

Mẹ tôi đem tặng Dominique thuốc lá để ông ta hút tẩu, món quà chào mừng mà ông ta nhận một cách không ngại ngùng. Paul hỏi:

“Ông già chết chưa?”

“Chưa”, Dominique nói. “Nhưng cũng không còn lâu đâu. Ông ta hiện ở Vichy và chỉ còn uống nước suối mà thôi.”

Đoạn ông ta nói thêm:

“Dưới cây vả phía giếng nước có một giỏ mận cho mọi người. Nhớ đừng quên trả lại cái giỏ cho tôi nhé!”

Những lần khác là cà chua hoặc hành. Người này đi sau người kia tiếp tục trong đám cỏ cao, đạp lên trên bóng của nhau mà dưới ánh hoàng hôn chừng như kéo dài ra.

 

Tuy thế vẫn còn toà lâu đài cuối cùng mà tên say sưa cùng với con chó canh gác. Chúng tôi đứng trước cánh cửa khoá một khoảnh khắc trong im lặng.

Cha tôi nhìn vào thật lâu vào lỗ khoá, đoạn ông rút trong túi ra một can dầu nho nhỏ của máy may và nhỏ vài giọt dầu vào lỗ. Cuối cùng ông cắm chiếc chìa khoá  thật nhẹ vào rồi xoay chìa khoá chầm chậm.

Bây giờ ông đẩy cánh cửa một cách cẩn thận như thể ông sợ cánh cửa sẽ nổ toang, ông thò đầu vào, nghe ngóng, đưa mắt nhìn khoảng đất cấm. Cuối cùng ông bước hẳn vào. Chúng tôi theo ông và không làm một tiếng động nào cả rồi ông khoá cửa lại thật nhẹ. Nhưng mà điều khó khăn nhất đang chờ đợi.

Mặc dù chúng tôi chưa từng gặp ai cả nhưng hình ảnh con chó bệnh hoạn vẫn theo đuổi tâm trí chúng tôi.

Tôi nghĩ: chắc nó mắc bệnh điên vì chó đâu mắc bệnh gì khác hơn. Paul nói: “Em chẳng sợ, xem đây!”

Hắn đưa tôi xem một nắm đường miếng để ném con quái vật này. Hắn làm như vậy trong khi cha tôi bóp cổ tên canh gác. Hắn nói như đó là việc hiển nhiên, rồi lại đi

len lén trên đầu ngón chân. Mẹ tôi cứ mỗi phút đều dừng lại, mặt tái nhợt và tay để lên tim. Cha tôi giả vờ hứng khởi để cho chúng tôi thêm can đảm, nói nhỏ với mẹ:

– “Đừng trẻ con, Augustine! Em chết vì sợ mặc dù em đâu đã biết người này.”

– “Em biết cái danh tiếng ghê rợn!”

– “Nhiều khi hắn ta không đến nỗi nào!”

– “Ông Đại tá mới kể cho chúng ta, hắn là một tên tàn bạo mà.”

– “Tàn bạo là vì hắn ta để cho say sưa, nhưng một người say thì ít khi dữ dằn. Nếu em muốn biết ý kiến của anh thì theo anh, hắn ta đã trông thấy chúng ta thường xuyên nhưng hắn không nói gì cả vì không quan trọng đối với hắn. Chủ nhân của hắn không có mặt ở đây và chúng ta cũng chẳng làm điều gì ghê gớm. Hắn thích thú gì mà đuổi theo chúng ta với cái chân cứng ngắc và con chó bệnh hoạn của hắn?”

– “Em sợ quá!” mẹ tôi nói. “Có thể hắn ta đần nhưng em sợ quá.”

– “Được rồi”, cha tôi nói. “Nếu em không bỏ cái tính trẻ con đó đi thì anh sẽ vào lâu đài để xin phép hắn.”

“Không! Không, Joseph! Em xin anh…rồi sẽ qua…em chỉ bối rối mà thôi. Chắc chắn rồi sẽ hết…”

Tôi thấy mẹ tôi tái nhợt ngồi trốn dưới bụi hồng mà không để ý gì đến gai hồng nhọn. Đoạn mẹ hít thở thật sâu, cười và nói: “Rồi, bây giờ qua rồi! Chúng ta đi tiếp!”

Chúng tôi đi và mọi việc trôi chảy.

( Còn tiếp)

Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển sang tiếng Việt từ:

Bản dịch bằng tiếng Đức: Eine Kindheit in der Provence của Pamela Wendekind

Nguồn hình : phim Le Château de ma Mère

Có 4 bình luận về TOÀ LÂU ĐÀI CỦA MẸ TÔI( PHẦN VIII)

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Đúng như Cô đã nói, truyện càng lúc càng hấp dẫn, thú vị. Không biết là thời niên thiếu, em đã có tiếp cận truyện này hay một truyện phiêu lưu tương tự hay chưa, mà đôi lúc đoc, em thoáng nhớ thoáng thấy lạ, tò mò và nôn nóng như trẻ thơ, đợi từng kỳ nối tiếp. Năm 1968, khi dạy chúng em, Cô đã tặng truyện tranh tiếng Anh cho chúng em đọc, làm các cô bé 16, 17 tuổi say mê ( quyển của em là cô công chúa bị lạc trong rừng), năm nay 2018, vẫn là Cô dịch truyện từng kỳ cho học trò cô 66, 67 tuoi, vẫn cuốn hút mê hoặc, dù đã 50 năm. Thần kỳ Cô ạ !

    • Thần kỳ của em ở đây chắc không giống trái thần kỳ làm thay đổi vị giác, phải không Hạnh ?

      Theo như cô được biết cuốn truyện này đã được hai dịch giả khác nhau chuyển ngữ và xuất bản thành sách hai lần tại VN. Một lần trước 75 và một lần khoảng thập niên 80.

  2. Hoành Châu nói:

    Đoạn này bắt đầu hấp dẫn để kết thúc đây ! vài dấu hiệu  tốt đối với gia đình của tác giả  ,,, mới có kết thúc có hậu chứ!  Hay lắm cô ơi  ,,, Em đang chờ để đọc đoạn kết   đây  cô  Hihi ,,,Chúc cô và Bà dồi dào sức khỏe nhé
    Em Hoành Châu  ~ Châu Lãng Uyển  (Gia đình C  )

Trả lời Nguyễn Thị Hạnh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác