TOÀ LÂU ĐÀI CỦA MẸ TÔI – Phần VI

Ngày đăng: 18/06/2018 09:44:59 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Khi tôi tỉnh dậy, ánh sáng ban ngày đã chiếu qua khe hở của cánh cửa sổ, Paul không còn trong giường nữa. Tôi mở cửa sổ ra, trời mưa. Không phải là trận mưa ngoạn mục, cơn giông vang động với những đám mây màu tím mà là một cơn mưa khó biết được khi nào dứt với những giọt nước rơi xuống một cách kiên nhẫn trong khoảng không im lặng.

Thình lình tôi nghe thấy tiếng bánh xe nghiến trên đường và thấy Francois đang tới từ góc đường, tiếp đến là con lừa và sau cùng là xe kéo được che bằng một chiếc dù thật lớn. Dì Rose, cuộn mình trong một cái mền đã ngồi sẵn dưới dù. Chung quanh dì, đầy cả hành lý của chúng tôi, trong tay dì là em họ tôi, bên phải dì là em gái nhỏ. Tôi đoán, mẹ tôi và Paul không muốn lên chiếc xe đã chất đầy đồ đạc.Dưới một cái dù khác chú Jules theo sau, đẩy chiếc xe đạp của chú. Tôi nhìn họ bắt đầu cuộc khởi hành buồn thảm về nhà.

 

                           Hình 1/ Chở hành lý bằng xe lừa của Francois

                                 (nguồn: phim Le Château de ma mère)

Tôi thấy gia đình tôi và Lili ngồi chung ở bàn. Họ đang ăn sáng một cách ngon lành.

Sự xuất hiện của tôi được mọi người chào đón. Cha tôi nhìn tôi với một vẻ mặt thật kỳ lạ.

– “Nỗi buồn tối qua”, cha tôi vừa cười vừa nói, “đâu có cản trở được giấc ngủ của con.”

– “Anh ấy ngáy như sấm”, Paul kêu lên. “Con phải giật tóc anh mà anh ấy chẳng biết gì cả.”

– Anh ấy mệt quá sức đấy”, cha tôi nói. “Bây giờ ăn đi, chín giờ rồi, trước một giờ trưa, chúng ta chưa tới nhà đâu nếu không có sự giúp sức của chuyến xe buýt ngày chủ nhật.”

Tôi nuốt nhanh miếng bánh mì bơ. Tôi xấu hổ trước Lili vì sự thất bại của tôi nên chỉ đưa mắt nhìn khi hắn không để ý.

Không biết phải nói gì, tôi hỏi:

– “Tại sao mấy người kia đã đi rồi?”

– “Vì Francois còn phải đem rau củ đến cho tiệm ăn Quatre Saisons”, mẹ tôi trả lời.

– “Dì Rose phải đợi xe Omnibus ở Durbec”

Trong áo choàng có mũ, chúng tôi bước ra ngoài mưa.

Lili, đầu đội một cái bao nhất quyết tháp tùng chúng tôi. Từng giòng suối nhỏ chảy róc rách theo các vết bánh xe, tất cả các tiếng động đều như ngưng lại, chúng tôi không gặp một ai cả.

Ở tận cuối xóm, trước cái cổng xanh lá cây, chiếc xe Omnibus đang chờ chúng tôi.

Dì Rose và mấy đứa bé đã ở trên xe, ngồi giữa đám người làng trong ngày chủ nhật.

Đây là một cái xe dài, xanh lá cây với những màn kéo bằng vải có riềm treo bằng dây từ trên trần phủ xuống.

Hai con ngựa đang dậm chân một cách nôn nóng, người lái xe mặc một áo choàng màu xám, đầu đội một cái mũ tráng sáp, thổi kèn để báo hiệu cho những người đang tới trễ.

Trước mắt các hành khách, chúng tôi từ giã Lili. Mẹ tôi hôn hắn làm hắn đỏ cả mặt, rồi đến lượt Paul. Khi tôi bắt tay hắn như người lớn, tôi thấy mắt hắn ngấn lệ, trong khi miệng nhếch lên làm bộ nhăn nhó. Cha tôi trờ tới.

– “Sao vậy?” ông hỏi. “Cháu không khóc như một đứa con nít trước mặt bao nhiêu người ở đây đang nhìn cháu chứ?”

Lili cúi đầu trong chiếc bao, đầu ngón chân dí sâu vào đất. Tôi cũng muốn khóc lắm.

– “Hai con phải biết”, cha tôi nói, “cuộc sống không phải chỉ để vui chơi.Ta cũng muốn ở lại đây và sống trên đồi núi! Nhất là trong một cái hang, một mình như người ở ẩn nhưng người ta đâu thể làm được tất cả những gì mà người ta muốn!”

Tôi thấy lạ khi ông nói bóng gió  đến chuyện sống ẩn dật nhưng rồi tôi hiểu ra: đó là một ý tưởng  thật gần với ý tưởng mà tôi đã có. Ông nói tiếp:

“Vào tháng sáu, Marcel phải đậu một kỳ thi rất quan trọng nên trong năm nay hắn phải học nhiều nhất là viết đúng chính tả. Hắn phải đương đầu với những phụ âm kép, ta đánh cá là hắn viết sai chữ  ‘người ở ẩn’.” 

Tôi cảm thấy mình đỏ cả mặt nhưng sự ngượng ngập của tôi không kéo dài. Ông không thể nào đã đọc được lá thơ giã biệt của tôi vì tôi tìm thấy nó ngay ở chỗ cũ. Nếu như ông đọc được thì ngay khi tôi trở về nhà, chuyện này đã được nói ra rồi! Ngoài ra ông tiếp tục một cách thoải mái:

“Hắn phải học chăm. Nếu hắn biết điều thì cả nhà sẽ trở lại đây vào dịp Giáng sinh, dịp lễ chay tịnh và Phục sinh. Thôi, đừng khóc trước mặt mọi người. Hãy bắt tay nhau như hai người thợ săn, hai đứa là thợ săn mà! 

….Tạm biệt Lili, đừng quên là cháu cũng phải học để có một chứng chỉ và một nông dân có học, giá trị cũng tăng lên gấp đôi, gấp ba.”

Cha tôi sẽ còn nhắn nhủ tiếp nếu người đánh xe không quất thật mạnh hai roi và thổi kèn như ra lệnh.

Hàng ghế dài sau cùng còn trống nhưng lại đưa lưng về phía mấy con ngựa. Mẹ tôi và Paul sẽ bị khó chịu nếu ngồi ngược với hướng xe chạy nên gia đình tôi ngồi cùng với các nông dân ở phía giữa xe, riêng tôi ngồi một mình ở phía sau.

Thắng được mở ra, xe từ từ chuyển động, trời vẫn mưa.

Đầu rụt vào vai, miệng nhắp một nhánh húng cây, tôi đắm mình vào thế giới riêng của mình. Cho tay vào túi, tôi nắm chặt lấy cái bẫy đã hư không còn giá trị gì nữa nhưng lại trở thành một vật dụng thiêng liêng, một bảo vật, một lời hứa…Dù đã khá xa nhưng ngọn núi hùng vỹ của Taoumé yêu dấu vẫn nhô lên như chế ngự cả vùng đồi núi trong cảnh cô đơn bát ngát sau bức màn mưa. Tôi nghĩ đến bụi Vogelbeer cong cong dưới vách đá vùng Baume-Sourne, đến cảnh nước nhỏ giọt của nguồn Font Bréguettte, đến ba con nhặng bay vù vù ở Précatorytal…tới tấm thảm Thymian ở La Pondrane, tới đàn chim đậu đầy trên cây Pistazien, đến tảng đá biết hát, đến mùi thơm ngọt ngào của hoa Oải hương trên các sườn đồi.

 

 

                               Hình 2/ Hoa Oải hương mọc bên sườn đồi

 

Xe đi trên con đường mà hai bên là tường đá trơ trụi, những bụi cây ướt nước từ trên tường rũ xuống trong cơn mưa bất tận đang kéo qua.

Xe ngựa kêu lách cách khi qua các rãnh, đá cuội bị nghiến dưới vòng sắt của bánh xe, vó ngựa kêu lộp cộp trên đá và tiếng roi ngựa như tiếng pháo xì bị ướt nước.

Người ta đã bắt cóc để đưa tôi ra khỏi quê hương của tôi, những giọt mưa thật nhẹ phả vào mặt tôi không khác gì những giọt nước mắt. Tôi không tiến tới mục đích bằng cả sức lực của mình mà cô đơn cũng như tuyệt vọng đã đưa tôi thụt lui vào tương lai trong tiếng vó ngựa lách cách đều đặn chẳng khác gì cảnh hoàng hậu Brunehaut bị kéo lê trên con đường đá thật dài, mái tóc vàng của bà được thắt chung vào với đuôi ngựa….

Tôi chẳng hứng thú gì khi nhìn lại ngôi trường lớn. Lá vàng của các cây Platane trong sân đã rụng hết; mỗi ngày bác cai trường đều đốt một đống lá nơi bức tường xám trống trải. Qua cửa sổ của lớp học, thay vì những cây thông, tôi nhìn thấy một dãy nhà vệ sinh trơ trụi của trường.

Tôi học lớp bốn tiểu học với thầy Besson. Ông còn trẻ, cao, gầy và sói tóc, ông không duỗi  thẳng được ngón trỏ nên lúc nào nó cũng cong cong như một cái móc.

Ông chào đón tôi với nỗi vui mừng rộn ràng đồng thời làm tôi hoảng sợ khi ông nói là cả cuộc đời tôi tuỳ thuộc vào sự thành công của niên học này. Ông bắt buộc phải dùng biện pháp mạnh với tôi vì tôi là ứng viên của ông xin học bổng trung học.

Trong kỳ thi tuyển kinh khủng này, trường tiểu học phải đưa ra một học trình để đương đầu với trường trung học cấp hai. Thoạt tiên, tôi có đầy tin tưởng vì danh từ “trung học cấp hai” được tôi diễn dịch theo nghĩa của chữ “trung bình” và cũng vì thế mà cũng không khó để vượt qua.

Chẳng bao lâu, tôi thấy rõ là cha tôi cũng như các đồng nghiệp của ông không còn tin tưởng là tôi sẽ đem lại danh dự cho trường qua sự đại diện của tôi trong cuộc thi lấy học bổng trung học. Hội đồng giáo viên trong trường quyết định nắm sự việc trong tay giống như cảnh sát hình sự thẩm vấn để điều tra một kẻ đang bị nghi ngờ.

Thày Besson, người dạy tôi sáu tiếng mỗi ngày đã thực hiện việc khảo sát và thu thập các kết quả.

Vào thứ năm, ngày nghỉ của trường, tôi phải trình diện vào lúc chín giờ sáng.

Thầy Suzanne, nhà giáo rất được kính nể của lớp cao nhất, đợi tôi trong lớp học trống để cho tôi những bài toán khó giải: xe lửa vượt nhau; bánh xe chuyển động; người cha gấp bẩy lần tuổi người con đang thấy gia tài của ông càng ngày càng thất thoát với thời gian….

Khoảng mười một giờ, thầy N. Bonafé xuất hiện để khảo sát tôi về việc phân tích hợp lý mà cho đến bây giờ, chắc chắn là tôi cũng không giải được. Những ngày khác trong tuần, thầy Arnaud, người có ý định đổi sang làm việc tại Bưu điện, bắt tôi đi theo thầy trong các giờ trống. Ông giảng cho tôi nghe không ngừng về việc quản trị hành chánh nhưng may thay, sau đó tôi đã quên liền.

Tiếp đến là thầy Mortier, người có bộ râu đẹp màu vàng, ngón út đeo chiếc nhẫn vàng, đôi khi nhờ cha tôi trông coi dùm lớp đêm của ông. Ông gọi tôi tới lớp trống để hỏi tôi bao nhiêu điều về lịch sử nước Pháp. Môn này chỉ làm tôi thích thú khi câu truyện mang màu sắc lãng mạn, chẳng hạn: ‘Hãy cúi đầu, hiệp sỹ !’ hoặc là Tên hề của Rollo, Chuồng sắt của hồng y La Balue, Món canh quá mặn trong trận chiến với Nga và cuối cùng là những cái khuy của cái ghệt bị mất trong trận chiến 1870.

Cha tôi giữ nhiệm vụ trông chừng lỗi chính tả của tôi. Mỗi buổi sáng, trước khi ăn điểm tâm ông đều đọc cho tôi bốn câu chính tả, trong đó mỗi câu đều gài đầy cả mìn, giống như mìn để phòng thủ bãi biển, chống địch quân đổ bộ:

 

Buổi tối mà các bạn cùng chia sẻ với tôi.

Chúng ta cùng chia sẻ một buổi tối thật thú vị.

Các ông cảnh sát mà chúng ta trông thấy.

Những người lính mà chúng ta nhìn thấy khi đi ngang qua.

 

Tôi học một cách hăng hái nhưng thường thì dù lính hay cảnh sát đều cũng lướt qua nhanh, để rồi tôi chỉ nghe thấy tiếng dế kêu; thay vì những cây Platane trơ trụi trong sân trường, tôi thấy một buổi hoàng hôn rực rỡ trên Tête-Rouge: Lili yêu quý của tôi đang vừa đi xuống vừa huýt sáo trên con đường dốc dẫn đến La Badauque, tay thọc trong túi, trên cổ đeo một dây chim Feldammer và vô số chim Alpendrossel nơi thắt lưng.

Khi thầy Besson ở trong lớp, dùng cây thước dài để chỉ một con sông vô bổ chạy dài trên bản đồ thì trên tường, cây vả nơi lều của Baptistin từ từ mọc lên, giữa đám lá óng ánh là cành cây khẳng khiu, một con chim Elster đang đu đưa trên tận ngọn cao.

Rồi nỗi đau trong trái tim thơ dại lớn dần; trong khi tiếng đếm các phụ lưu của sông từ xa vọng lại, tôi tìm cách tính xem khoảng thời gian dài như vô tận từ nay đến lễ Giáng Sinh còn bao lâu nữa.

Thoạt tiên tôi đếm từng ngày, sau đó là từng giờ, không kể những giờ ngủ. Qua cửa sổ, trong lớp sương mù mùa đông, tôi theo dõi quả lắc của chiếc đồng hồ của trường. Cây kim lớn chuyển động như giật nhanh về phía trước, những phút nho nhỏ rơi xuống như những con kiến bé tí xíu bị cụt đầu.

 

 

                                    Hình 3/ Đồng hồ trên tháp chuông

 

Ban đêm, dưới ánh đèn, tôi im lặng làm bài tập. Tôi chẳng còn nhiều thời giờ để chăm cho Paul. Hắn ta tiến triển trông thấy vì hắn ta có một tên bạn cùng lớp, dường như được sinh ra để mà hiểu biết: hầu như ngày nào hắn đem về nhà một câu truyện khó nuốt hoặc một trò chơi bằng cách dùng chữ giống như những trò chơi được trúng thưởng: ‘Bạn ra sao rồi, cái ống của lò nướng?’ Và rồi hắn cười rũ rượi. Chúng tôi hầu như chẳng có thì giờ để nói chuyện với nhau, ngoài việc hai lần mỗi ngày phải cùng làm việc nhà là đặt bàn ăn.

Mẹ tôi yên tâm khi thấy tôi cắm cúi thật lâu với bài vở của trường và những buổi học vào sáng thứ năm của tôi, đối với bà là một cực hình cho tôi. Bà chăm sóc tôi như người bịnh đang trong thời gian bình phục và nấu cho tôi những bữa cơm thật ngon, tiếc thay trước đó tôi đều phải uống một muỗng dầu cá thật lớn.

Tôi phải chịu đựng tất cả để việc học được thông suốt. Sự tiến bộ của tôi đã làm cho cha tôi vui mừng khôn xiết khiến cho tôi cảm thấy mọi việc tôi phải làm không còn quá khó nhọc.

Một buổi sáng tôi trở về nhà sau khi phải học thêm một tiếng đồng hồ về văn phạm, Paul la lên thật to khi hắn thấy tôi ở bậc thềm trước nhà:

“Có người gởi cho anh một lá thơ! Tem cũng dán trên đó nữa!”

Tôi chạy lên thật nhanh, bước hai tam cấp một lần đến nỗi tay vịn rung lên như cây đàn Harfe bằng kim loại.

Trên bàn, bên cạnh dĩa ăn của tôi là một phong bì mà tên tôi được viết với nét chữ nghiêng, không đều đặn.

Cha đánh cá “, cha tôi nói, “lá thơ này là của Lili, bạn con.”

Vì quá hồi hộp, tôi không mở được phong bì. Sau khi tôi đã xé cả bốn góc, cha tôi dùng dao để cắt thật khéo chẳng khác gì một nhà phẫu thuật.

Thoạt tiên một lá Salbei và một đoá hoa Violet khô rớt ra. Trên ba trang giấy của một tập vở với nét chữ vụng về, những đường cong queo đầy vết mực, Lili nói với tôi:

 

“Ôi bạng ơi!

Tôi cầm cây búc để kể cho bạn là mấy con chiêm Drossel năm nay đã không bay về đây và mấy con Kreuzschnabel cũng đi mấc tiêu luông, y như bạng. Hai con tôi cũng không bắc được, cả chim chĩ cũng khôn, tôi không đi nữa vì không có ít lợi nữa. Đến trường để học viếc đúng chín tả còn tốt hơn, làm chi nữa? Khôn thể làm chi ngay cả con kiếng cũng khôn còn, nó nhỏ quá nênh chim cũng không thèm, thiệt là thảng hoạ, bạn thiệc mai mắng là không ở lại đây. đó là không mai, tôi mong bạng trở lạy, cả chim chóc, chim chĩ, và Drossel cho lễ Gián Sinh. Tôi biếc ai là thun lủng đẹp nhất sau Allo. Đừn quên nó và tôi cũng không quên, ngoài ra gió místral lạnh quá, ngài nào đi săng, chưng tôi cũng lạnh như nướt đá. may là tôi có cái sưởi mủi. nhưng mà tôi trông bạng lắm. Batistin hày lòng vì mổi ngài bắc đượt ba chụt con drossel bằng nhựa bắc chim. hôm kia bắc đượt mười con ammer mập ú và thứ bải đượt mười hai con Alpendrossel băng nhựa bãi chim. Hôm kia tôi ở Tete-Rouge tôi muống nghe chim Sáo hót làmcho tai tôi chúc nữa đông cứn lạy, nó khôn hót mà nó khóc, đây là tấc că tinh mới. Thăm tấc cả mọi người. tôi gửi bạng lá Salbei còn hoa Violet cho mẹ bạng, người bạng suốt đời của bạng Lili.

địa chỉ của tôi Lé Bellons thuột Lavalentine Pháp. ba ngày nai tôi viếc lá thư này vì tôi chỉ viết buổi tối. mẹ tôi thít lắm, bà ngĩ là tôi làm bài tập. Trong tập của tôi. Chúc nữa tôi xé nó ra, cây thông lớn ở Lagarete bị xét đánh. Chẳng còn gì cả như con sáo hót như cái còi. Từ dã bạng tôi mong nhớ bạn. địa chỉ của tôi: lé Bellons thuột lavalantine.Pháp. ông phác thơ tên là Fernand, ai cũng biếc ông, ông khôn lầm đâu. ông biếc tôi rỏ lắm. tôi cũng vậy.

bạng suốt đời của bạng Lili.”

 

Lá thơ thật khó đọc vì quá nhiều lỗi chính tả. Cha tôi, chuyên viên về chữ viết, sau vài lần bể cả đầu đã thành công trong việc đọc lá thơ này. Sau đó ông nói:

“Không sao, hắn ta còn ba năm nữa để học mà thi lấy bằng.”

Ông nhìn mẹ tôi rồi nói thêm:

“Thằng bé này thật là có tâm và tình cảm êm ái quá!”

Cuối cùng ông quay lại phía tôi:

“Giữ bức thư này lại! Sau này con sẽ hiểu rõ hơn.”

Tôi cầm lá thơ, gấp lại, nhét vào túi mà chẳng nói gì cả; tôi đã hiểu trước ông lâu rồi.

 

 

                       Hình 4/ Lá thư gởi bạn

 

Ngày hôm sau, khi tan học, tôi tới tiệm bán giấy bút để mua một tờ giấy viết thơ thật đẹp, có cạnh như đăng ten, bên trái  phía trên có hình một con chim nhạn miệng ngậm một bức điện tín. Bao thơ có hình hoa “đừng quên tôi”, phía trong là một lớp giấy lụa.

Vào chiều thứ năm tôi viết nháp một lá thư trả lời thật đầy đủ, tôi không còn nhớ rõ từng chữ nhưng nội dung thì vẫn còn trong trí nhớ của tôi:

Thoạt tiên tôi lấy làm tiếc là chim Drossel đã biến mất và nhờ hắn chuyển lời chúc mừng đến Baptistin đã bắt được chim bằng nhựa bẫy chim trong lúc anh ta không có mặt ở đó. Tôi kể cho hắn nghe về việc học của tôi ở trường cũng như sự chú ý của các thầy đối với tôi cùng sự hài lòng của họ vì những tiến bộ tôi làm.

Sau những tin thiếu khiêm nhường này, tôi báo cho hắn biết là còn ba mươi hai ngày nữa là đến Giáng Sinh nhưng sau khoảng thời gian này tôi và hắn vẫn còn trẻ để mà lang thang trên núi đồi, tôi hứa bắt với hắn bao nhiêu là chim Ammer và Drossel. Sau khi kể cho hắn biết là mọi người trong gia đình tôi đều khoẻ mạnh, tôi nhờ hắn gởi lời chia buồn với cây thông bị sét đánh ở La Garette và  sự đồng cảm với tảng đá biết hát. Tôi chấm dứt thư bằng lời tôn vinh tình bạn của chúng tôi mà nếu trước mặt hắn tôi không thể nào nói được.

Tôi đọc đi, đọc lại bản văn của tôi hai lần, sửa chữa vài chỗ rồi chép lại bản nháp bằng cây bút mới, tờ giấy thấm trong tay và lưỡi lè ra giữa hai hàm răng.

Chữ viết của tôi cẩn thận, không lỗi chính tả vì nếu có chữ nào không chắc, tôi giở cuốn tự điển Petit-Larousse để tham khảo. Tôi đưa thơ cho cha tôi xem, ông bảo tôi phải thêm vài chữ ‘s’ hoặc bỏ bớt một chữ ‘t’ ở những nơi cần thiết, khen tôi và nói, đó là một lá thơ hay lắm, Lili yêu quý của tôi sẽ hãnh diện.

Nằm trong giường, tôi đọc lá thư của Lili lần nữa và phải phì cười vì những lỗi chính tả của hắn ta. Đột nhiên tôi hiểu ra được là dù chữ viết xấu và nhiều lỗi chính tả nhưng đó là kết quả của biết bao nhiêu tiếng đồng hồ khó nhọc dành cho tình bạn thân thiết. Tôi đi chân không để không gây tiếng động, đem theo đèn dầu cùng mọi thứ: lá thư, cuốn tập, mực vào bếp. Cả nhà đều ngủ say, tôi chỉ còn nghe thấy tiếng nước trong bồn rửa chén nhỏ xuống cống.

Tôi xé thật mạnh ba tờ giấy ra khỏi cuốn tập vì vậy mà các tờ giấy đều có rìa lởm chởm như ý muốn, đoạn tôi dùng cây bút cũ rè của tôi để chép lại lá thơ quá đẹp của tôi. Tôi không thêm những chữ ‘s’ của cha tôi mà còn làm thêm một số lỗi chính tả mà tôi tự chọn. Cuối cùng tôi viết một số chữ viết hoa không cần thiết. Công việc kỹ lưỡng này kéo dài mất hai tiếng đồng hồ và rồi cơn buồn ngủ đã đến, tuy vậy tôi vẫn đọc lại lần nữa, thấy hay nhưng hình như vẫn thiếu điều gì. Tôi nhúng ngòi viết trong lọ mực và để giọt mực rớt trên chữ viết cong queo của tôi như một giọt lệ đen thẫm: giọt lệ đen sáng rỡ như mặt trời.

Ba mươi hai ngày cuối của tam cá nguyệt đầy cả mưa và gió thu dường như bất tận nhưng đồng hồ trên tháp vẫn kiên nhẫn tiến tới đích.

Một đêm trong tháng chạp trở về nhà sau khi bị thầy Mortier giữ lại ngồi chung với các tay tổ sư làm biếng, tôi bước vào phòng ăn và tim tôi đột nhiên đập mạnh.

Mẹ tội đang xếp quần áo vào một cái va li làm bằng giấy bồi.

Trên bàn, dưới ánh sáng của chiếc đèn treo, chung quanh cái dĩa tách đầy dầu là các bộ phận của cây súng săn của cha tôi được bày ra.

Tôi biết trong sáu ngày nữa là chúng tôi sẽ khởi hành, tuy nhiên để giữ bình tĩnh, tôi luôn cố giữ để đừng nghĩ đến điều này. Nhìn thấy mọi người sửa soạn cho kỳ nghỉ này tôi bị xúc động mạnh đến nỗi nước mắt trào ra. Tôi để cặp táp xuống ghế và chạy vào nhà cầu để vừa khóc, vừa cười thoả thích.

Sau năm phút tôi bước ra và cảm thấy bình tâm nhưng tim tôi vẫn còn đập

mạnh. Cha tôi lắp cái chốt của khẩu súng, mẹ tôi bắt Paul thử áo len.

– “Nếu trời mưa chúng ta vẫn khởi hành chứ?” Tôi hỏi với chút e ngại.

– “Chúng ta có chín ngày nghỉ”, cha tôi nói, “dĩ nhiên là chúng ta vẫn đi dù trời mưa.”

– ” Nếu có sấm?” Paul hỏi.

– “Mùa đông làm gì có sấm.”

– “Tại sao?”

– “Tại vậy”, cha tôi trả lời rõ ràng như vậy. ” Nhưng nếu mưa to quá thì phải chờ một ngày.”

– “Nếu chỉ mưa bình thường?”

– “Thì”, cha tôi nói, “chúng ta co người, đi thật nhanh, nhắm mắt lại và chạy dưới

mưa.”

Chiều thứ năm, mẹ đem chúng tôi đến nhà dì Rose để xem dì định như thế nào. Thật là thất vọng lớn. Dì giải thích là không thể cùng chúng tôi về quê vì phải lo nhiều cho em Pierre. Thằng bé còn bú bình này bắt đầu bí ba, bí bô tập nói và dì trả lời hắn thật rõ làm như thể hắn đã nói những câu có ý nghĩa. Thật là một màn kịch lạ lùng!

Ngoài ra, trước cái nhìn thán phục của mẹ, dì còn vạch môi hắn ra để chỉ cho chúng tôi thấy một cái chấm trắng nhỏ như hột gạo trên lợi của hắn mà dì nói, đó là một cái răng!

Vì cái răng này mà dì lo cho hắn: lạnh, gió, mưa, ướt át và dĩ nhiên là thiếu cái bếp ga của dì nữa.

Chúng tôi tìm cách ve vuốt nhưng đều thất bại và phải chấp nhận là sẽ thiếu dì Rose.

Dù sao nơi chú Jules chúng tôi vẫn còn thấy chú thích việc săn bắn. Chú hứa là mỗi sáng chú sẽ đạp xe đến để đi săn chim Drossel và đến tối lại đạp xe về nhà. Điều này làm cho mọi người vui hơn một chút. Tôi nhận thấy là chú vẫn muốn ở lại luôn với chúng tôi. Tôi mới hiểu là người lớn cũng không được làm tất cả những gì họ thích và họ cũng kỳ khôi không kém.

Khi chúng tôi đang bước xuống tam cấp trong lúc trời nhá nhem tối, Paul nói với giọng thản nhiên:

“Khi nào có em bé là con sẽ lập tức đem cho ngay.” 

 

Vào sáng thứ sáu cha tôi bước vào sân trường chừng như trở nên rộng rãi để giám sát lần cuối ngôi trường, nơi mà chỉ có một số ít học sinh còn lại. Từ mấy ngày nay trời trở lạnh. Trong tủ nhà bếp, những chai dầu olive trông như chứa đầy bông gòn. Tôi được dịp giải thích cho Paul biết là ở Bắc cực sáng nào cũng như thế..

Mẹ tôi sẵn sàng đương đầu với với mùa đông chợt đến, bà mặc cho chúng tôi bao nhiêu là lớp quần áo, nào là áo lót, quần lót, áo sơ mi, áo khoác và với cái mũ của người leo núi trùm kín cả tai, chúng tôi trông chẳng khác gì những người đi săn hải cẩu. Tôi thấy lý thú nhưng sau đó mới nhận ra được sự bất tiện. Bao nhiêu là thứ, giây buộc, móc, khuy, kim băng trở thành khó khăn nếu muốn đi tiểu một cách gọn gàng mà bé Paul không sao làm được.

Nhìn em gái chỉ còn thấy một cái mũi đỏ nhỏ xíu và em trông giống như một cái giường bằng lông. Mẹ tôi đội mũ lông, cổ áo lông, có túi lông che tay (dĩ nhiên là lông thỏ) trông giống như cô nàng trượt băng người Canada đang lướt đi một cách yểu điệu trên tấm lịch của Bưu điện. Cái lạnh làm cho má mẹ đỏ hồng nên trông mẹ lại càng xinh hơn.

Đến mười một giờ Joseph xuất hiện trong sự ngưỡng mộ của mọi người, ông đã mặc sẵn chiếc áo săn ở ngoài, trông giản dị hơn áo của chú Jules vì ít túi hơn nhưng lại đẹp hơn vì màu xanh xám quý phái với những khuy hình con chó bằng đồng làm cho áo nổi bật lên.

Sau bữa ăn thường lệ, mỗi người tự làm một gói cho mình. Mẹ tôi biết trước là các cửa tiệm bánh mì, thuốc lá, tạp hoá của làng vào mùa đông chỉ có bánh mì, bột, mù tạc, muối và đậu cùng một ít rau củ còn lại mà phải ngâm nước ba ngày cho mềm trước khi nấu với nước tro cho chín.Vì lẽ đó mà chúng tôi phải đem theo nhiều lương thực. Những của quý này (phải kể cả một cái xúc xích đắt tiền buộc bằng một cái nơ vàng) được gói vào trong những khăn lớn và thắt nút các đầu khăn lại. Chúng tôi có ba gói khá nặng như vậy; vì Paul, tôi làm gói thứ tư chất đầy len, hộp không và giấy vo tròn cho hắn.

 

 

                     Hình 5/ Bastide Neuve, nhà nghỉ hè của gia đình Marcel

                                    (nguồn: phim Le Château de ma mère)

 

Nhưng đó không phải là hết, vì tình trạng kinh tế gia đình cho phép nên chúng tôi luôn có mỗi vật dụng hai cái mà không để lại Bastide Neuve cái nào. Cha tôi phải xếp những đồ dùng nhà bếp cần thiết trong túi đeo lưng lớn của ông: nồi, đồ lược, chảo, chảo rang hột dẻ, phễu, đồ bào phô mai, máy xay cà phê, bình đựng cà phê, khuôn bánh, ly uống nước, muỗng, nĩa. Hột dẻ được nhét thêm vào cho đầy túi để ngăn các vật dụng va chạm vào nhau. Sau khi túi được buộc chặt vào lưng cha tôi, chúng tôi lên đường đến ga ‘Gare de l’Est’, ga này chỉ là một trạm ngừng của xe điện ở dưới hầm nên cái tên có vẻ cường điệu, buồn cười. Phía đông cũng chẳng dẫn tới các nước cận đông hoặc đến ngay cả Toulon mà chỉ đến Aubagne, nơi mà đường rầy chấm dứt một cách khiêm nhường dưới rặng cây Platane.

Tuy thế nhà ga này cũng gây cho tôi một ấn tượng sâu đậm vì ga bắt đầu một đường hầm.

Về đêm vẫn còn đen ngòm vì những đám khói của máy chạy hơi nước nơi xe điện với ống khói hình phễu, một trong những phát minh tuyệt đỉnh của thời đó. Nói đến sự tiến bộ của kỹ thuật, cũng phải kể đến những xe điện chạy bằng điện sau này. Chúng tôi đợi xe sau cây cản, xếp một hàng dài mà mọi người phải nép sát với nhau khi có thêm người mới vì không có chỗ để kéo dài thêm nữa.

Cho tới nay tôi vẫn hình dung ra Joseph, cằm nhọn đưa ra trước, vai bị kéo ra sau vì quai của túi xách, tay chống vào một cái chổi chổng ngược lên trời, trông không khác gì một vị giám mục.

Từ xa đã nghe thấy tiếng bánh xe rít trên chỗ rẽ, rồi xe điện xuất hiện từ trong bóng tối và ngừng lại trước chúng tôi.

Một người soát vé mở các cửa và tất cả mọi người vội vã ào lên xe. Mẹ tôi tìm được một chỗ ngồi rất dễ dàng giữa hai phụ nữ đẫy đà. Ba người đàn ông chúng tôi đứng trên sàn ở phía sau, nơi đó chúng tôi có thể để các gói đồ của chúng tôi. Cha tôi dựa cái túi sắc của ông vào cửa xe, khi xe chạy, dù đã chèn thêm thật nhiều hột dẻ nhưng các nồi chảo đụng chạm nhau và kêu lên như tiếng chuông một cách thiếu kín đáo.

Trong đường hầm mà chỉ toàn là những khúc quanh, có rất ít đèn leo loét; sau khoảng mười lăm phút rít lên trên đường gập ghềnh, chúng tôi rời khỏi khoảng vòm của khúc đường dưới mặt đất để đến đoạn đầu của đại lộ Chave, chỉ cách nơi khởi hành chừng ba trăm thước. Cha tôi cắt nghĩa về việc xây cất thật kỳ lạ, họ bắt đầu xây cả hai khúc đầu và cuối đường hầm cùng một lúc, các công nhân làm đất đã phải đào tới, đào lui cho đến khi do một sự tình cờ mà cả hai khúc được nối liền với nhau.

Chuyến xe chạy trong khoảng không khí trong lành thật là vui, nhanh đến nỗi tôi phải ngạc nhiên khi thấy cha tôi sửa soạn để xuống xe. Tôi không nhận ra lại La Brasse được.

Trong các thành phố lớn, những dấu hiệu để nhận ra được mùa đông là những lò sưởi kêu lào xào, những chiếc khăn len quàng cổ, những áo măng tô có mũ và mới đầu buổi chiều đã có người đi thắp các ngọn đèn đường. Khu ngoại ô giống như hình ảnh của cái lông chim đã cho tôi thấy rõ bộ mặt trong mùa này của năm.

Dưới vầng thái dương lạnh giá của mùa đông, lạnh lẽo và trơ trụi như một thầy tu, chúng tôi không thể nhận ra lại con đường nghỉ hè nữa. Tháng mười hai nghiệt ngã chỉ qua một đêm, quét đi hết cả những chiếc lá vàng phất phơ cũng như làm các bức tường xanh nay thành trơ vơ. Bụi mùa hè như bột nếu cố ý dùng chân đá lên sẽ tung ra như những đám mây tuyệt vời nay đông cứng như đá, những cạnh cứng chắc của dấu xe, nát vụn dưới bước chân của chúng tôi. Vượt qua thành của các bức tường, các cây vả gầy guộc giơ lên trên không, những cành khô như bộ xương; các dây Clematis treo lủng lẳng chẳng khác gì các sợi màu đen. Không có dế, không có cào cào, không có thằn lằn, không có một âm thanh, không có một chuyển động. Chỉ có những cây olive còn giữ nguyên lá nhưng tôi thấy chúng cũng đang rùng mình vì lạnh và chẳng hứng thú gì để trò chuyện với nhau.

Nhờ được trang bị đầy đủ và phải mang hành lý nặng, chúng tôi không bị lạnh giá mà vẫn vui vẻ bước dọc theo con đường đã thành xa lạ. Vừa đi, chúng tôi vừa ăn bánh mì nên quãng đường vì thế mà trở nên ngắn hơn. Ngay lúc tôi tưởng nhận ra được chỏm đầu hình tròn của Tête-Rouge thì mặt trời biến mất. Không phải là lặn một cách huy hoàng với ánh hồng và tím mà là lướt đi như trốn chạy, tưởng chừng miễn cưỡng sau những đám mây xám xịt, không hình thể.

Trời trở nên tối dần, bầu trời như hạ xuống thấp, phủ chung quanh đồi núi như một tấm mền mà vũng rộng đang bao quanh chúng tôi.

Trong khi tiếp tục đi, tôi nghĩ đến Lili, hắn ta bây giờ đang ở đâu? Đến đêm chúng tôi mới tới được nhà. Có lẽ chúng tôi sẽ gặp hắn ở Bastide Neuve, ngồi trên một phiến đá nơi cửa ra vào với một túi đầy cả chim Drossel ở bên cạnh, hoặc là hắn ta đang trên đường đi và sẽ đối diện với tôi.

Tôi không dám hy vọng vì đã trễ và trong cái lạnh: bởi vì trong buổi hoàng hôn tím, những hạt mưa bụi lạnh giá bắt đầu rơi trên đầu chúng tôi. Tôi nhìn qua màn mưa bụi và thấy một chiếc đèn dầu nhỏ thắp sáng tại chân của sườn đồi, dấu hiệu là đã tới làng.

Trong vòng ánh sáng vàng vọt, tôi nhận ra một bóng người run rẩy trong chiếc áo choàng có mũ…

Tôi chạy đến hắn và hắn chạy đến tôi. Còn hai bước nữa, tôi dừng lại …hắn cũng dừng lại và như người lớn, hắn giơ tay cho tôi. Tôi bắt tay hắn và không nói một lời.

Hắn đỏ mặt vì vui mừng và xúc động, chắc chắn tôi còn hơn thế nữa.

“Bộ bạn chờ chúng tôi hả?”

“Không”, hắn nói, “Tôi muốn tới Durbec”

Hắn chỉ tôi cửa ngõ có song sắt màu xanh,

“Bạn cần gì ông ta?”

“Ông ta hứa cho tôi kiến có cánh. Nhiều lắm, ngay cạnh đồng cỏ của ông ta.”

“Ông ta đã cho bạn chút nào chưa?”

“Chưa, ông ta không có nhà…vì vậy mà tôi đợi ông ta một lúc để xem ông ta có trở về không…tôi nghĩ là ông ta đi đến Camoins.”

Ngay lúc đó cánh cửa song sắt mở và một con lừa nhỏ đi ra, nó kéo một cái xe có thắp ngọn đèn, Durbec cầm cương. Khi ngang qua, ông ta kêu chúng tôi: ” Mọi người đây rồi, chào tất cả!”

Lili đỏ mặt và chạy lại phía mẹ tôi để đỡ dùm bà các gói nặng.

Tôi không đặt câu hỏi nữa. Tôi sung sướng quá vì tôi biết là hắn nói dối. Đúng rồi, hắn đã đợi tôi trong đêm Giáng sinh tăm tối, trong cái lạnh giá của mưa phùn mà những giọt mưa li ti đọng đầy trên hai hàng lông mi dài của hắn. Hắn từ Bellons lội xuống đây, đứa em yêu mến của tôi, đứa em vùng đồi núi. Hắn chờ tôi nhiều tiếng đồng hồ, ngồi chờ cho đến khi trời tối mịt với hy vọng được nhìn thấy chỏm mũ nhọn của bạn mình hiện ra ở ngã rẽ.

(Còn tiếp)

Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển sang tiếng Việt từ:

Bản dịch bằng tiếng Đức: Eine Kindheit in der Provence của Pamela Wendekind

Nguyên tác: Le Château de ma Mère của Marcel Pagnol

Có 3 bình luận về TOÀ LÂU ĐÀI CỦA MẸ TÔI – Phần VI

  1. Hoành Châu nói:

    Tưởng đây là giai đoạn buồn thảm ,,,nhưng không , thời kỳ này cũng vô cùng lý thú , sự tiến bộ thấy rõ trong việc học của Marcel  nhờ sự tận lực của thầy cô  , cha mẹ  ,   niềm vui ngập tràn khi nhận được thơ của Lili   sự gặp  gỡ những người tốt bụng   khi trở về làng ,,,thời gian chín ngày không thể coi  là ngắn, chắc sẽ vô cùng đẹp đẽ trong trí nhớ của đôi trẻ  Hihi
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển (Gia đình C  )

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Cái thơ của Lili ấn tượng quá. Chắc  khi chuyển ngữ 1 lá thơ nhiều lỗi chính tả tiếng Pháp ( Đức ) sang lỗi chính tả tiếng Việt cũng không dễ đâu cô hở? Tấm chân tình của Lili đối với Marcel dễ thương quá!

  3. Cùng hai vị đọc giả trung thành,

    Marcel Pagnol đã viết câu truyện Toà lâu đài của mẹ tôi với những tình tiết càng ngày càng hấp dẫn nên dễ lôi cuốn người đọc cho đến dòng cuối cùng vì vậy Hoành Châu đừng lo có sự buồn thảm hoặc nhàm chán.

    Riêng với Hạnh thì xin thú thật rằng, người dịch chỉ có thể chuyển ngữ đúng ý của lá thơ chứ không thể chuyển được lỗi chính tả trong bản dịch tiếng Đức sang lỗi chính tả bằng tiếng Việt được. Cũng vì thế, người dịch xin mạn phép được tự đặt ra một số lỗi chính tả trong lá thư và hy vọng là quý vị đọc giả thông cảm dùm cho sự khó khăn của việc chuyển ngữ về vấn đề này giữa hai ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt nhau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác