TOÀ LÂU ĐÀI CỦA MẸ TÔI (PHẦN IV) 

Ngày đăng: 4/06/2018 09:05:16 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Tại bàn ăn, tôi ăn thật ngon miệng. Khi chú Jules nói, thoạt tiên tôi chẳng để ý. “Tôi nghĩ”, chú nói, “với cái xe kéo của Francois thì hành lý của chúng ta cũng chẳng là bao. Chắc chắn là có thể chở thêm Rose, Augustine, em bé, em gái cũng như cả Paul nữa. Paul nghĩ sao?”

Paul không trả lời được. Tôi thấy môi dưới của hắn dầy ra rồi trề xuống tận cằm mà tôi thường so sánh với cạnh của cái bô đi tiểu của em gái. Như thường lệ sau dấu hiệu này là tiếng nấc và hai giọt nước mắt tràn đầy ra khỏi cặp mắt xanh biếc của hắn.

– “Chuyện gì vậy?” Mẹ tôi vội ôm hắn vào lòng trong khi nước mắt hắn tràn trề.

– “Nhìn xem, em bé bự”, mẹ nói, “con phải biết là chúng ta đâu có thể ở đây hoài được. Thêm vào đó mình còn trở lại đây mà…Lễ Giáng sinh cũng đâu có còn xa!”

Tôi cảm thấy một sự bất hạnh đang tiến gần.

– “Mẹ nói gì?”

– “Mẹ cháu nói là, nghỉ hè đã hết”, chú Jules trả lời và thản nhiên tự rót cho mình một ly rượu vang.

Tôi hỏi với giọng tắc nghẹn:

– “Khi nào thì kỳ nghỉ hè chấm dứt?”

– “Ngày mốt chúng ta phải lên đường”, cha tôi nói. “Hôm nay là thứ sáu.”

– “Hôm nay đã là thứ sáu”, chú Jules nói, “sáng sớm chủ nhật, chúng ta lên đường”

“Cháu đã biết, thứ hai là ngày khai trường mà”, dì nói.

Thoạt tiên tôi không hiểu gì cả nên nhìn dì tôi một cách khó hiểu.

– “Con phải biết điều một chút chứ!” Mẹ nói, “đâu có gì đáng ngạc nhiên! Cả tám ngày nay chúng ta đã nói chuyện này rồi mà.”

Quả đúng, mọi người đều nói chuyện này nhưng tôi cố ý không nghe, tôi cũng biết, điều bất hạnh này sẽ đến, giống như một ngày nào đó người ta sẽ chết.

Ai cũng biết nhưng không ai nói ra: chưa đến lúc phải bận tâm, tới lúc thì mới suy nghĩ.

Bây giờ đã tới lúc. Mối lo sợ làm tôi câm lặng và muốn nghẹt thở. Cha tôi nhìn thấy và nói thật dịu dàng với tôi.

– “Phải biết điều một chút, cậu bé! Con đã có hai tháng hè rồi…”

– “Tôi thấy như vậy là quá đáng”, chú Jules ngắt lời “Nếu cháu là Tổng Thống, làm sao mà cháu lại được nghỉ hè nhiều như vậy.”

Lời lý luận này chẳng lay chuyển gì được tôi bởi vì tôi đã quyết định là tôi chỉ làm công chức cao cấp sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

– “Con có một năm quyết định trước mắt”, cha tôi tiếp tục. “Đừng quên là con phải lo sửa soạn thi để xin học bổng trung học cho đến tháng sáu. Sau đó đến tháng mười là có thể lên trung học.”

– “Con biết, điều này quan trọng lắm”, mẹ nói. “Lúc nào con cũng nói là con muốn thành triệu phú, nếu con không lên học ở trung học thì con làm sao mà thành triệu phú cho được!”

Mẹ tôi tin chắc, sự giàu có là kết quả của việc làm và kiến thức.

– “Và rồi”, chú Jules nói, “cháu sẽ học tiếng La tinh ở trung học, chú tin là cháu sẽ hứng khởi. Chú thích thú lắm khi học môn này đến nỗi trong kỳ nghỉ hè mà chú vẫn học.”

Những đề nghị lạ lùng đã thành sự thật sau gần một thế kỷ cũng không che dấu được nỗi u buồn hiện tại: những ngày nghỉ hè đã chấm dứt, tôi cảm thấy cằm run lên.

“Hy vọng là con không khóc!”, cha tôi nói.

Tôi cũng hy vọng như vậy và cố gắng hết sức mình để kềm chế với sự can đảm của một người da đỏ sẽ tử đạo, đang bị trói vào cột. Sự tuyệt vọng đã trở thành phản kháng, tôi bắt đầu chống lại.

– “Dĩ nhiên đó là chuyện của mọi người”, tôi nói, “điều làm cho con lo lắng là mẹ không thể nào đi bộ cho đến tận La Barasse…”

– “Nếu đó là mối lo chính của con thì cha có thể làm con yên tâm”, cha tôi nói. “Như chú Jules đã đề nghị, đàn bà và trẻ con sẽ đi bằng xe đẩy của Francois tới La Treille, nơi trạm xe Omnibus.”

– “Loại xe Omnibus gì vậy?”

– “Xe này chỉ chạy vào ngày chủ nhật và chở chúng ta tới trạm xe điện.”

Điều đã kể về xe Omnibus ngày chủ nhật mà chẳng ai trong chúng tôi từng nhìn thấy đã chứng tỏ, đây là một chương trình kỹ lưỡng: mọi người đã sắp xếp mọi thứ.

Hình1/ Cành và quả vả

– “Mấy quả vả thì sao?” tôi hỏi thình lình.

– “Quả vả nào?”

– “Vả ở sân thượng. Còn lại hơn một nửa và trong tám ngày nữa mới chín hẳn. Ai sẽ ăn?”

– “Chúng ta chứ ai, khi chúng ta lên đây vào dịp lễ Chư thánh trong sáu tuần nữa.”

– “Cho đến lúc đó thì mấy con chim sẻ, chim Drossel, chim Holzfäller đã chia nhau ăn hết không còn một trái. Ngoài ra còn bao nhiêu là chai rượu vang dưới hầm! Bộ để cho hư luôn sao?”

– “Ngược lại”, chú Jules nói. “Rượu vang để càng lâu, càng ngon.”

Những điều đảm bảo chiến thắng đó đã giải giáp tôi. Tôi thay đổi chiến thuật.

– “Đúng rồi”, tôi nói. “Nhưng mọi người có nghĩ đến khu vườn hay không? Cha trồng cà chua mà đã hái được trái nào đâu và đám tỏi tây? Nó chưa lớn hơn ngón tay của con!”

– “Có thể cha đã lầm lẫn trong việc tính toán để trồng trọt”, cha tôi nói, “nhưng mà lỗi là vì hạn hán, cho đến bây giờ chẳng có một cơn mưa nào cả.”

– “Được rồi”, tôi nói, “nhưng mà bây giờ trời sẽ mưa và mọi thứ sẽ mọc lên rất tốt. Thật là phí phạm!”

– “Con đừng lo”, cha tôi nói. “Chúng ta sẽ vui lắm vì được ăn rau củ tại nhà. Francois hứa là sẽ chăm lo khu vườn và khi ông ta xuống chợ, ông ta sẽ mang theo cho chúng ta cả giỏ đầy.”

Tôi lại càng nêu ra những lý do vô lý hơn nữa để chứng minh là việc trở về là một việc không thể thực hiện được và làm như là ngày nhập học có thể trì hoãn thêm. Khi nhận thức ra là lý luận của tôi quá kém cõi và sự hoang mang trở nên quá lớn, tôi nghĩ ra được một diệu kế.

– “Con biết là con phải đi học lại và con sẽ vui mà đến trường.”

– “May quá!” Chú Jules nói và đứng lên.

– “Tốt, như vậy là con biết điều”, cha tôi nói.

– ” Chỉ có một điều là không khí của thành phố không tốt cho mẹ con. Chính cha cũng đã nói. Phải rồi, cha có nói! Nhưng mà ở đây- cha nhìn mẹ mà xem, mẹ tươi đẹp như thế nào! Còn em gái cũng vậy, bây giờ em đã biết trèo cây và ném đá xuống rồi. Chúng ta chỉ cần làm y như chú Jules.”

– “Vậy chú Jules làm như thế nào?”

– “Hàng ngày chú đi xe đạp ra thành phố rồi ban đêm trở về. Chú chỉ cần cho cha mượn cái xe đạp, cha để con ngồi chỗ tay lái hay ở phía sau. Mẹ ở lại đây với em gái và Paul. Paul đâu đã đi học và cha cũng thấy là hắn khóc như thế nào. Nếu đem hắn về thành phố thì hắn sẽ khóc suốt. Con biết hắn mà.”

Cha tôi đứng lên và nói:

– “Ý tưởng hay đấy nhưng bây giờ trễ quá rồi, ngày mai chúng ta sẽ bàn tiếp.”

– “Qua một đêm mình sẽ tìm được giải pháp”, chú Jules nói – “Bây giờ chúng ta phải đi ngủ, sáng sớm mai chúng ta phải đi cho kịp giờ, ngày đi săn cuối cùng này, chúng ta được phép đi săn ở vùng rừng Pichauris, đây là khu săn bắn tuyệt nhất của cả nước.”

Cha tôi bế em Paul đang ngủ trong tay và chúng tôi leo lên cầu thang. Tôi nói nhỏ với mẹ tôi:

– “Mẹ có thấy ý kiến của con hay không?”

– “Một ý kiến tuyệt vời!” bà nói ” Nhưng cha con sẽ cực nhọc lắm.”

– “Nếu vậy thì cha và con không về đây mỗi ngày mà chỉ về vào thứ tư và ngày thứ bảy thôi.”

– “Những ngày phải ở một mình, mẹ sợ lắm!”

– “Không đâu, mẹ sẽ không phải sợ đâu. Ngoài ra con còn nhờ Lili đến ngủ ở đây….”

– “Ừ, như vậy thì được!” Chú Jules nói. “Nếu Lili đồng ý thì chúng ta được thoát nạn.”

– “Hắn ta biết bắn súng”, tôi nói. “Hắn bắn thật tài tình với cây súng của anh hắn.”

– “Tốt”, mẹ tôi nói. “Bây giờ phải ngủ đi, con cần ngủ lắm. Mẹ sẽ nói với cha và sáng sớm mai, mọi việc sẽ ổn thoả.”

Một luồng gió nhẹ lành lạnh đánh thức tôi dậy. Paul đã mở cửa sổ mặc dù trời chưa sáng hẳn. Tôi nghĩ vẫn còn rạng đông vì màu xám đục của bầu trời. Tôi nghe tiếng mưa rơi rả rích trên máng xối và từ bồn chứa, vang lên tiếng sục sục của nước mưa.

Ít nhất là cũng đã tám giờ rồi, thế mà cha tôi không gọi tôi đi săn cùng. Cơn mưa sẽ làm chuyến đi này ướt đẫm nước.

Paul nói, “khi nào tạnh mưa, em đi kiếm ốc sên”

Tôi nhảy ra khỏi giường, “em có biết ngày mai mình phải lên đường không?”

Tôi hy vọng có thể dùng sự hoang mang của hắn cho mục đích riêng của mình.

Hắn không trả lời vì đang lo cột dây giày.

– “Hết cả đi săn! Không còn bắt được kiến, bọ ngựa và dế cũng chẳng có nữa.”

– “Dầu gì thì chúng cũng chết hết cả rồi!” Paul nói. “Mấy ngày nay em đâu có kiếm được con nào.”

– “Ở thành phố làm gì có cây lẫn vườn. Vì thế mà phải đi học”

– “Đúng vậy”, hắn nói một cách vui thích. “Trong lớp em có Fusier, hắn ta dễ thương nên em thích hắn. Em sẽ kể chuyện cho hắn nghe và tặng cho hắn nhựa cây hạnh nhân…”

– “À ra thế!” tôi nói một cách nghiêm khắc. “Em thích lắm khi kỳ hè chấm dứt hay sao?”

– “Dĩ nhiên”, hắn nói. “Thêm nữa, ở nhà em còn có đám lính bằng chì!”

– “Nhưng tại sao tối qua em lại khóc?”

Hắn mở lớn cặp mắt xanh nhìn tôi rồi nói:

– “Em cũng không biết nữa.”

Tôi bất bình vì sự thối lui này của hắn nhưng tôi vẫn không mất can đảm, tôi đi xuống phòng ăn, nơi đó mọi người đang tụ họp chung quanh một đống đồ đạc. Cha tôi đang bỏ giầy, đồ nghề và sách vở vào hai thùng gỗ. Mẹ tôi gấp quần áo trên bàn; dì Rose xếp va li, chú Jules buộc các gói, em gái ngồi trên ghế cao và mút ngón cái. Chị giúp việc đang bò ra để nhặt các trái mận mà chị làm đổ để bỏ lại vào giỏ.

– “A, con đây rồi hả”, cha tôi nói. “Chuyến đi săn cuối cùng của chúng ta không thành nên phải chấp nhận vậy.”

– “Thất vọng một chút”, chú Jules nói. “Chú chúc cho cuộc đời của cháu được thông suốt.”

Mẹ đặt cà phê trên cái bàn đầy ngập và trét thật nhiều bơ vào bánh mì. Tôi lại ngồi gần mẹ.

– “Cha ơi, cha có nghĩ lại về dự tính của con không?”

– “Dự tính gì vậy.” Cha hỏi.

– “Mẹ ở đây với Paul, cha và con…”

Chú Jules ngắt lời:

– “Cháu cưng ơi, không thực hiện được đâu.”

– “Nhưng chú cũng làm như vậy mà. Bộ chú không muốn cho cha cháu mượn xe đạp của chú sao?”

– “Nếu mà dự tính của cháu thực hiện được thì chú sẵn sàng chứ. Cháu có biết chú rời văn phòng lúc năm giờ chiều và bẩy giờ là chú đã về đến đây. Đó là mùa hè nên trời còn sáng sủa. Cha cháu rời trường vào lúc sáu giờ, lúc đó trời đã tối đen, hai cha con cháu không thể làm cuộc hành trình trong bóng đêm như thế mỗi ngày được.”

– “Nhưng có thể dùng đèn được, cháu sẽ cầm đèn trong tay.”

– “Thôi con im đi”, cha tôi nói. “Con thấy rõ thời tiết ra sao rồi. Từ giờ trở đi trời mưa thường xuyên. Ích lợi gì khi phải đạp xe bao nhiêu là cây số để rồi ngồi trước lò sưởi.”

Đột nhiên ông trở nên nghiêm nghị.

“Làm sao mà cứ phải giải thích hoài? Kỳ hè đã chấm dứt, các con phải đến trường, ngày mai chúng ta lên đường.”

Nhìn các thùng gỗ được đóng đinh, tôi coi đó là chiếc quan tài cùa kỳ hè mà chẳng còn thay đổi gì được nữa. Giả vờ bình thản, tôi đi về phía cửa sổ và dán mặt vào tấm kính. Những giọt mưa rớt chầm chậm trên mặt kính. Trên mặt tôi, những giọt nước mắt cũng từ từ rơi xuống.

Sau một hồi yên lặng khá lâu, mẹ tôi nói:“cà phê của con nguội cả rồi…”

Tôi trả lời nhưng không quay lại: “con không đói!”

Mẹ nài thêm: “tối qua con chẳng ăn gì, thôi lại ngồi xuống đây đi.”

Tôi không trả lời. Khi mẹ đi tới tôi, cha tôi nói với giọng thật nghiêm khắc, chẳng khác gì giọng của mấy ông cảnh sát:

“Kệ hắn! Khi hắn không đói, thức ăn sẽ làm hắn bệnh. Chúng ta không muốn nhận trách nhiệm này. Một con rắn lớn chỉ ăn mỗi tháng một lần.”

Sau đó cha tôi đóng luôn bốn cái đinh. Cuộc chiến đã được công bố. Tôi vẫn đứng nguyên nơi cửa sổ và không nhìn một ai nhưng vẫn lắng nghe câu chuyện của mọi người:

“Nghỉ hè vui thật nhưng về được nhà thì cũng sung sướng…”

Chính cha tôi cũng nói:

Có thể là một lầm lẫn nhưng tôi cũng háo hức để được gặp lại các học sinh cũng như tấm bảng của tôi.”

Còn những con chim trĩ đỏ, chắc chúng chẳng còn hiện hữu đối với mấy người điên này sao?

Dì Rose giải thích thêm: “tôi thấy thiếu cái bếp ga! Tôi phải thú thật là tôi không đủ kiên nhẫn chờ để được về lại nhà!”

Làm sao một phụ nữ đẹp đẽ, thông minh như vậy mà lại nói một cách quá trẻ con, ai mà lại thích mùi ga hơn là mùi nhựa thơm tho của đồi núi.

Chú Jules còn trội hơn mọi người về sự lố bịch: “cái mà tôi thấy thiếu nhất là nhà cầu với bồn giật nước, không kiến, không nhện và không cả bọ cạp.”

Chú nghĩ như vậy đó, cái ông uống vô số rượu vang với cặp mông khổng lồ! Ngồi giữa bao nhiêu bụi thymian, rosmarin, lavendel, tai nghe tiếng dế kêu mà ông chỉ nghĩ được như vậy thôi!

                                               Hình 2/ Rau thơm của miền Provence:

                       (1) Oải hương – (2) Wacholder – (3) Fenchel – (4) Rosmarin – (5) Thymian

Sự khinh bỉ nơi tôi đã lên đến cực điểm, tuy nhiên tôi cũng hãnh diện vì mẹ không hề nói xấu vùng đồi núi yêu dấu của tôi, trái lại bà toát ra một vẻ buồn bã dịu dàng khiến tôi phải thầm trộm hôn tay bà.

Tôi rút vào một xó tối để suy nghĩ.

Nếu tôi giả vờ bệnh, liệu tôi có thể kéo dài thêm được tám ngày hoặc hai tuần nữa không. Nếu mắc bệnh thương hàn thì cha mẹ sẽ gởi tôi về miền quê, giống như trường hợp của của Vignier, bạn tôi, hắn ta ở ba tháng tại nhà người dì thuộc miền núi.

Làm sao để mắc bệnh thương hàn được, hay là giả vờ bị bệnh này…

Những cơn nhức đầu vô hình, tình trạng nôn mửa liên tục, vẻ bịnh hoạn, mí mắt nặng nề đều là dấu hiệu đích thực, nhưng nếu tình hình nghiêm trọng hơn thì phải dùng đến hàn thử biểu. Tôi đã bao lần là nạn nhân của cái hàn thử biểu, một vật dụng khám phá ra sự thật một cách vô nhân đạo.

May mắn thay nó đã bị bỏ quên trong ngăn kéo của bàn ngủ tại Marseille, nhưng chỉ trong nháy mắt, tôi nhận ra được là nếu bệnh tình tôi có vẻ trầm trọng thì chiếc hàn thử biểu cũng sẽ có mặt ngay trong cùng ngày.

Nếu tôi tự làm cho gẫy chân? Kể ra thì cũng không đến nỗi tệ lắm! Tôi đã thấy một người đốn củi dùng cái rìu để chặt đứt hai ngón tay vì hắn ta muốn trốn lính và âm mưu của hắn thành công tốt đẹp. Nhưng tôi không muốn chặt bỏ cái gì hết vì máu trông ghê quá và những thứ đã chặt đi sẽ không mọc lại được trong khi người ta không nhìn thấy xương bị gãy và chỗ gẫy sẽ mọc liền lại. Bạn học của tôi là Cancinelli bị ngựa đá làm nát xương chân- chẳng ai nhìn thấy và bây giờ hắn vẫn chạy nhanh như xưa. Tuy vậy diệu kế này nếu xét kỹ cũng không đứng vững được: khi tôi không đi được thì xe kéo của Francois sẽ chở tôi về thành phố và rồi tôi phải nằm cả tháng trên ghế sô pha, Cancinelli đã kể cho tôi nghe-chân bị bó bột và một một quả cân nặng cả trăm kí.

Không, đừng gẫy chân lại tốt hơn. Nhưng mà rồi phải làm sao? Phải chấp nhận và phải xa Lili cả một thời gian dài dăng dẳng hay sao?

Vừa lúc này hắn xuất hiện trên đồi cao. Để che mưa, hắn đội một cái túi dùng làm mũ ở trên đầu. Lập tức tôi lấy lại được ngay can đảm, vừa thấy Lili ở trên kia là tôi đã mở rộng cửa cho hắn.

Hắn ta đập đôi bốt vào tảng đá ở ngay ngưỡng cửa để cho bụi bẩn rớt ra và chào hỏi lễ phép tất cả mọi người, ai cũng trả lời hắn một cách vui vẻ trong khi vẫn tiếp tục sửa soạn cho cuộc hành trình. Hắn nói với tôi:

– “Chúng ta phải đi thu lại các bẫy, nếu đợi đến sáng mai, mấy người ở Allauch sẽ lấy hết bẫy của chúng ta”

– “Thời tiết như vầy mà con muốn đi hay sao?” mẹ tôi hỏi. “Bộ con thích bị sưng phổi lắm hả?”

Thời đó, ai cũng sợ căn bệnh này lắm nhưng tôi lại cảm thấy mừng vì có dịp rời khỏi căn nhà để nói chuyện với Lili mà không bị làm phiền.

Vì thế tôi nài nỉ:

– “Mẹ nghe con, mẹ ơi, con mặc cái áo khoác có mũ và Lili thì mặc áo của Paul!”

– “Bác thấy không, đã bớt mưa rồi và cũng không có nhiều gió nữa”, Lili nói.

Cha tôi xen vào:

– “Hôm nay là ngày cuối của hắn. Hắn chỉ cần mặc cho ấm và nhét giấy báo vào ngực, dĩ nhiên là phải đi bốt thay vì săn đan. Trẻ con đâu có làm bằng đường đâu mà sợ. Coi bộ thời tiết cũng sẽ tốt hơn.”

– “Nếu trời lại thình lình như hôm qua?” mẹ tôi không yên tâm.

– ” Hôm qua chúng con về nhà bình yên dù đầy sương mù. Hôm nay trời trong sáng.”

Bà mặc áo cho chúng tôi. Giữa cái áo sơ mi và áo vest nỉ, bà nhét mấy tập báo khác nhau của tờ ‘Petit Provencal’, cả ở phía sau lưng. Tôi phải tròng thêm hai cái áo len, một cái áo khoác gài khuy kỹ càng và cuối cùng là một áo mưa choàng cổ. Bà đội cho tôi một cái mũ phủ cả hai tai, trên mũ đó lại thêm một cái mũ có đầu nhọn trông như mấy cái mũ của các chú lùn trong truyện Bạch Tuyết hoặc mũ của cảnh sát ở thành phố.

Lili cũng được dì Rose mặc cho như vậy. Cái áo choàng có mũ nhọn của Paul tuy có ngắn nhưng ít nhất cũng che được đầu lẫn vai của Lili.

Khi chúng tôi rời nhà, mưa đã tạnh, một tia sáng mặt trời đã lướt qua các cây olive.

“Tụi mình đi nhanh lên”, tôi nói. “Họ cũng muốn đi săn nên tôi lại phải đóng trò chó săn mà hôm nay tôi không có hứng. Nếu ngày mai họ muốn khởi hành thì hôm nay họ phải chịu khó đi săn một mình.”

Chẳng bao lâu chúng tôi đã an toàn dưới rặng thông. Hai phút sau, chú Jules gọi chúng tôi nhưng chỉ có tiếng vọng trả lời. Mặc dù thời tiết xấu, chúng tôi lại thành công lớn với các bẫy. Khi chúng tôi đến Font-Bréguette, túi của chúng tôi đầy cả chim Weißschwänzen và Haubenlerchen.

                                                      Hình 3/    Weißschwänzen (1)                               Haubenlerchen (2)  

Kết quả thu nhập quá tốt này lại càng chứng tỏ việc khởi hành là một điều quá vô lý và càng làm cho mối đau buồn của tôi càng sâu đậm hơn.

Khi chúng tôi tới tam cấp cao nhất của Taoumé, nơi mà những chiếc bẫy cuối cùng đã được đặt, Lili nói với chính mình một cách tư lự:

“Dù gì đi nữa cũng thật là tiếc…Tụi mình có đủ cành liễu cho suốt mùa đông…”

Tôi cũng biết rõ số lượng cành liễu được dự trữ. Tôi nín thinh một cách cay đắng.

Thình lình hắn nhảy sổ đến bìa của vách đá và nhặt lên một chú chim dưới bụiWacholder, thoạt nhìn tôi tưởng là chim cu. Hắn ta kêu lên:

“Con chim Sayre đầu tiên!”

Tôi chạy lại. Đó là chim Alpendrossel. Cha tôi có lần xếp nó vào loại chim của vùng biển. Đầu nó ánh màu xanh xám, từ cái cổ đỏ rẽ ra thành hình một cái quạt với những chấm đen cho đến bụng màu trắng. Tôi cầm thấy nặng tay, trong khi tôi đang buồn bã quan sát con chim, Lili nói: “Lắng nghe xem!”

Khắp nơi xung quanh, từ các cây thông, tôi nghe thấy tiếng chim kêu, giống như tiếng quạ nhưng lại không có âm hưởng thô kệch của loại chim trơ trẽn và trộm cắp này. Đó là âm thanh gù gù dịu dàng, một giọng buồn bã cất lên để hát bản nhạc mùa thu…những con chim của vùng biển đến đây để chứng kiến cảnh tôi ra đi.

– “Ngày mai”, Lili nói, “tôi sửa sang lại mấy cái bẫy chim Alpendrossel của Baptistin và đến tối thì tôi giăng bẫy. Đánh cá xem là sáng sớm thứ hai, tôi phải cần tới hai túi xách để đựng chim mà đem về nhà.”

Tôi nói một cách khô khan:

– “Sáng mai bạn phải đi học.”

– “Chắc chắn là không! Khi tôi nói với mẹ tôi là chim Alpendrossel đã bay về mà tôi có thể bán được từ mười lăm đến hai mươi phật lăng mỗi ngày, dĩ nhiên là bà sẽ không dại gì mà bắt tôi đi học. Cho tới thứ sáu, có lẽ đến tận thứ hai sẽ không có gì khác hơn xảy ra cho tôi.”

 

Tôi có thể tưởng tượng ra được là một mình hắn ta đi lục lọi trong các bụi cây trên những sườn đồi có nắng trong khi tôi phải ngồi trong một lớp học thấp lè tè, đối diện với tấm bảng đầy những hình tam giác, hình vuông và các quy tắc hình học.

Cổ họng tôi đột nhiên như bị tắc nghẹn và một nỗi đau lẫn tức giận chợt vỡ oà làm rung cả người lên.

                                                      Hình 4/ Lớp học tiểu học

Tôi la hét, khóc, dậm chân và lăn tròn trên mặt đất. Mấy tờ báo ‘Petit Provencal’ kêu sột soạt trước ngực và trên lưng, tôi gầm và rít lên:

“Không, tôi không muốn rời khỏi nơi đây! Không, tôi không muốn, tôi không muốn trở về thành phố! Không, tôi không đi đâu!”

Đàn chim Alpendrossel bay xuống dưới thung lũng. Xúc động vì sự vô vọng của tôi, Lili ôm tôi trong tay và giữa hai trái tim tuyệt vọng của chúng tôi, mười sáu lớp báo ‘Petit-Provencal kêu sột soạt.

“Bạn sẽ bị bệnh cho mà xem”, hắn nói. “Đừng có nổi nóng như vậy, nghe đây! Hãy nghe tôi đây!”

Tôi lắng nghe hắn nhưng hắn chỉ có thể nói đi, nói lại để đoan chắc tình bạn của hắn với tôi mà thôi.

Xấu hổ vì sự yếu đuối của mình, tôi thối lui và giải thích:

– “Nếu mọi người bắt tôi phải trở về thành phố, tôi sẽ nhịn đói cho đến chết. Ngoài ra, tôi đã bắt đầu rồi, sáng nay tôi chẳng ăn gì cả!”

Lời thổ lộ này làm Lili bối rối.

– “Không ăn gì hết?”

– “Không gì cả.”

– “Tôi có táo”, hắn nói và lục trong túi xách.

– “Không, tôi không muốn, tôi không muốn gì hết.”

Lời từ chối quá mạnh mẽ khiến hắn không nài nỉ thêm nữa. Sau một hồi dài im lặng, tôi giải thích:

– “Tôi đã quyết định rồi. Mọi người cứ việc khởi hành nếu mọi người thích. Tôi ở lại đây.”

Để làm cho quyết định của tôi thêm mạnh mẽ, tôi ngồi xuống một tảng đá lớn và vòng hai tay lại. Lili mất bình tĩnh và nhìn tôi

– “Rồi bạn sẽ làm gì?”

– “À”, tôi nói, “rất giản dị, sáng sớm mai hoặc tối nay, tôi đem theo một gói đồ và trốn trong hang ở Taoumé”

– “Bạn sẽ làm như vậy sao?”

– “Bạn chưa biết tôi đâu!”

– “Họ sẽ đi kiếm bạn ngay tức thì!”

– “Họ sẽ không tìm thấy tôi đâu!”

– “Họ sẽ báo cho cảnh sát làng và dân vệ của vùng Allauch.”

– “Chính bạn nói là chỗ ẩn trốn đó không ai biết được vì thế làm sao họ kiếm ra tôi. Ngoài ra tôi sẽ viết cho cha tôi một lá thơ và để trên giường.Tôi viết: họ đừng tìm kiếm tôi vì không ai kiếm ra tôi được và nếu họ báo cho cảnh sát, tôi sẽ nhảy từ mỏm đá xuống vực. Tôi biết cha tôi, ông sẽ hiểu và không ai nói gì được.”

– “Dù thế, ba bạn cũng sẽ bị chấn động ghê lắm!”

– “Nếu ông thấy tôi chết đói ở nhà, ông lại càng bị chấn động nhiều hơn nữa.”

Lập luận này thuyết phục được cả chính tôi và càng làm cho quyết định của tôi không sao có thể thay đổi được. Sau một hồi suy nghĩ ngắn, Lili hỏi tôi:

– “Tôi mừng lắm nếu bạn có thể ở lại đây được, nhưng trên đồi núi này bạn sống bằng gì?”

– “Trước tiên tôi đem theo thức ăn, ở nhà có sô cô la và một túi bánh mì nướng. Bạn chắc có nghe nói đến người ở ẩn, ông ta ở hơn hai chục năm trong hang của Passe-Temps! Tôi sẽ làm giống như ông ta: kiếm măng tây, ốc, nấm và tôi sẽ trồng đậu.”

– “Bạn không biết nấu.”

-“Tôi sẽ học. Rồi tôi sẽ đến Pondrane và hái mận của Roumieu, ông ta đâu có hái chúng bao giờ đâu. Tôi sẽ phơi khô trái vả và hột hạnh nhân, thu lượm trái dâu tằm và mận hoang…” 

Khó có thể thuyết phục Lili được nên tôi sốt ruột:

– “Người ta nhận ra là bạn chẳng đọc sách gì cả, còn tôi thì đã đọc ít nhất cả hai chục cuốn. Tôi cho bạn hay là có thiếu gì những người còn sống được ở trong rừng già nữa.   Ở đó còn có các con nhện độc mà không nấu để ăn được, chúng còn bò lên cả mặt nữa. Những con rắn khổng lồ treo mình thòng lòng trên cành cây, những con dơi mà cứ đến đêm sẽ hút máu bạn, dân da đỏ hoang dại luôn rình mò theo bạn để lột da đầu bạn. Ở đây làm gì có da đỏ lẫn thú dữ….”

Ngập ngừng một lát, tôi nói thêm:

– “Có heo rừng không?”

– “Không”, Lili nói, “không có trong mùa đông.”

– “Tại sao?”

– “Chúng chỉ đến khi chúng khát nước mà thôi. Vào mùa đông, chúng có đủ nước nên chỉ sống ở vùng núi Sainte-Victoire ….”

Đó là một tin tốt làm tôi yên tâm vì tôi thường bị ám ảnh cả trong các giấc mơ, hình ảnh của một người khốn khổ cụt một tay, ruột lòi ra lòng thòng.

– “Có được chỗ ngủ cũng không phải dễ đâu”, Lili nói.

– “Tôi sẽ làm một cái ổ với cỏ Baouco trên nền của góc nào đó trong hang. Cũng dễ chịu như nằm trên nệm vậy….và rồi, bạn biết không, rồi cũng sẽ quen dần. Chắc chắn là bạn không biết Robinson Crusoe, nhưng tôi biết rõ ông ta. Ông ta bơi giỏi như cá nhưng ông không chạy được bởi vì trên tàu làm gì có chỗ để mà chạy…tuy thế sau khi ông bị đắm tàu, trôi dạt và phải sống trên một hòn đảo chơ vơ, sau ba tháng ông ta chạy nhanh đến nỗi có thể bắt được cả dê núi.”

– “Ừ, ừ”, Lili nói. “Tôi không biết ông ta nhưng tôi rõ mấy con dê! Nếu thực sự ông ta kể cho bạn nghe như vậy thì bạn phải biết là ông ta đã nói láo thật tài tình!”

– “Nếu tôi cho bạn biết là tất cả đều được in ra, nhất là trong một cuốn sách làm phần thưởng ở trường.”

Đúng quá, hắn phải nhượng bộ nhưng hắn phải làm sao để khỏi mất mặt.

– “Khi mấy con dê có bầu thì đúng  nhưng nếu bạn muốn bắt mấy con dê của cha tôi…”

– “Tôi đâu có nghĩ đến chuyện đó, tôi chỉ muốn đưa ra một thí dụ để chứng minh cho bạn thấy là người ta sẽ quen dần với mọi việc. Nếu một ngày nào đó mà tôi bắt được một con dê của cha bạn, tôi chỉ vắt lấy một ly sữa rồi thả cho nó chạy đi!”

– “Có thể lắm”, Lili nói. “và chẳng ai để ý mà biết.”

 

Cứ thế mà cuộc nói chuyện kéo dài đến trưa.

Dần dần tôi càng cho hắn thấy trước mắt cuộc sống mới của tôi thì hắn càng bị tôi thuyết phục.

Đầu tiên hết là hắn hứa sẽ giúp tôi có thêm lương thực. Hắn sẽ lấy trộm ở hầm của mẹ hắn một bao khoai tây và ít nhất là hai cái xúc xích. Ngoài ra hắn sẽ để dành cho tôi phân nửa bánh mì cùng sô cô la hàng ngày của hắn. Vì thực tế nên hắn cũng nghĩ đến tiền.

– “Chúng ta sẽ bắt hàng tá chim Drossel, một nửa đem về nhà, nửa kia đem bán cho tiệm ăn của Pichauris, chim bị trầy trụa giá một phật lăng, chim nguyên vẹn giá hai đồng; với tiền đó bạn có thể mua bánh mì ở Aubagne.”

-“Rồi tôi sẽ bán ốc sên ở chợ….”

– “Bán cả rau Fenchel nữa!” hắn kêu lên. Có một tiệm chuyên bán rau thơm ở La Valentine mua một kí với giá ba chục xu “

– “Tôi sẽ làm thành những bó nhỏ để bạn mang đi bán.”

– “Tiền kiếm được mình sẽ mua bẫy thỏ rừng.”

– “Mua các dây thép thật mỏng để làm thòng lọng. Khi bắt được thỏ, chắc chắn sẽ bán với giá năm phật lăng.”

– “Cũng phải mua keo bẫy chim để bẫy Drossel, một con chim còn sống giá đến sáu đồng.”

                                                    Hình 5/ Chim Amsel (Chim sáo)

Khi tôi đứng dậy để đi về nhà thì một bầy chim sáo sau khi bay lượn vòng vòng đã đậu xuống đám cây thông. Hàng trăm con đậu đầy trên ngọn cây. Tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú.

– “Mỗi năm chúng ở đây khoảng mười bốn ngày”, Lili giải thích. “Khi chúng đã kiếm được một cây rồi thì tối nào chúng cũng về đậu tại đó. Bạn có thể tưởng được là tối nay chúng ta sẽ bắt được bao nhiêu với năm chục cái bẫy!”

– “Chú Jules nói là có thể dạy chim này được.”

– ” Dĩ nhiên”, Lili nói. “Anh tôi có một con sáo biết nói, dĩ nhiên là nói thổ ngữ Patois!”

– “Tôi sẽ dạy nó nói tiếng Pháp.”

– “Bạn không thành công đâu vì chim này nó thuộc về miền quê mà.”

Chúng tôi leo xuống thật nhanh và có cả ngàn dự định.

Tôi đã nhìn thấy tôi đang lang thang trong vùng đất Taoumé, tóc bay trong gió, hai tay thọc vào túi, chuyện trò với con sáo đã thuần, đậu trên vai trong lúc nó mổ nhẹ vào vành tai tôi.

Lê Thân Hồng Khanh

 

(Còn tiếp)

 

Có 3 bình luận về TOÀ LÂU ĐÀI CỦA MẸ TÔI (PHẦN IV) 

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Khong biết rồi chú bé 9 tuổi Marcel có thực hiện được âm mưu quỷ quái khủng khiếp gì để được ơ lại, chống đối quyết định của cha đưa cả nhà trở về học lại không? Không biết chú bé Lili có giúp gì cho Marcel dở trò tai quái không? Kỳ 4 này kịch tính lộ rõ, làm người đọc hồi hộp quá Cô ạ!

  2. Hoành Châu nói:

    Đoạn này bắt đầu gay cấn rồi , đã đọc bài IV hai ngày nay ,, ba lần vào phản hồi ,nhưng không tìm thấy bài để phản hồi vì chỉ thấy còn   bài III , nhưng chẳng thấy bài IV ,,,,,,,
    Công nhận  bé Marcel này nuôi chí tự lập , phải bản lĩnh lắm mới quyết tâm như vậy  ( giả bệnh , giả gẩy giò thấy không êm ) TRỐN  là tuyệt hảo ,  dưới sự hổ trợ của Lili,,ghê thật ,,Cặp này ăn rơ , ăn điệu quá ,,Không  biết sự tình sẽ ra sao  ? Hihi
    Hoành Châu ~ Lãng Uyển Châu (Gia đình C  )

  3. Cám ơn hai đọc giả trung thành vẫn thích thú theo dõi câu truyện. Đọc để thấy tư chất thông minh và tính đam mê, thích phiêu lưu mạo hiểm của cậu bé Marcel, do đó cũng không có gì lạ khi chúng ta thấy sau này Marcel Pagnol trở thành triệu phú trong hoạt động phim ảnh và nổi tiếng trên thế giới về tài viết văn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác