Cái vỏ ốc

Ngày đăng: 24/01/2018 08:48:32 Chiều/ ý kiến phản hồi (8)

Lời tâm sự: Tôi đã suy nghĩ nhiều về tựa bài. Đầu tiên tôi chọn Ngôi Nhà Cổ Mộng Mị, theo lời của một người, rồi Nhà Của Bạn Tôi, lại thấy cả hai xoàng quá, thế là Một Cõi Đi Về, theo tựa một bản nhạc. Sau cùng tôi chọn Cái Vỏ Ốc vì: Áp tai vào một cái vỏ ốc (biển) bạn có thể nghe được tiếng của đại dương.

Ngôi nhà cổ ấy tôi đã đến chơi nhiều lần, từ cái thuở chơi đổ mồ hôi chạy chúi vào “long sàn” mặt đá cẩm thạch mát rượi nằm cho mau khô mồ hôi, lấy nắp độc bình to, giống như mủ lính Anh đệ nhất thế chiến, đội trên đầu đóng vai Don Quixote, lúc lớn biết bàn chuyện làm ăn đào thêm ao nuôi cá phi, trồng mới măng cụt thay những cây đã cỗi, phía ngoài trồng chanh để khỏi bị trộm… và lúc già, đứng nói chuyện ở khu nghĩa trang gia đình có hàng rào bao quanh thành hình bầu dục, trong có 6 chỗ, với 3 chỗ bên phải đã có chủ: của anh Tốt, của dượng và của dì.

Anh Tốt rất hiền nên khi thấy anh khoác lên người áo rằn ri tôi đã rất ngạc nhiên. Hôm nghe tin anh mất tôi đang ở Vĩnh Long, tôi nghĩ anh sẽ được an táng tại nghĩa trang Biên Hòa bên cạnh bè bạn, nhưng hôm sau mới hay tin anh đã được mang về an táng ngay tại quê nhà.

Tôi ít gặp dượng, nếu gặp chỉ chào hỏi vài câu nên chỉ nhớ dượng dáng người cao, ốm, lúc trẻ được ra Hà Nội học trung học, và có cách nói chuyện rất ân cần, vồn vã. Hôm dượng mất tình cờ tôi về Vĩnh Long và qua An Thành chơi. Gần đến nhà dì-dượng nghe tiếng kèn, trống và người ngồi trong quán nước bên đường bàn tán xôn xao, tôi sinh nghi nên dừng lại hỏi thì biết “ông Mười mất!”. Thế là tôi băng vườn, đi đường tắt vào nhà sau và người nhà đầu tiên tôi gặp là dì, đầu đội khăn tang đang lúi húi đẩy củi trong mấy cái cà ràng nấu nước đãi khách. Tôi đã thắp cho dượng 3 nén hương tiễn biệt.

 

 

 

Tôi thấy hình như phụ nữ lớn tuổi bên họ ngoại tôi rất thích nói chuyện với con, cháu. Gặp tôi hai dì cháu nói đủ thứ chuyện trên đời. Dì hay hỏi về mẹ, về gia đình tôi, về chuyện học hành, còn tôi lại là đứa cháu hay thắc mắc, tôi sẵn sàng hỏi mọi việc từ việc nhỏ đến việc lớn. Thấy dì đã lớn tuổi nhưng phải lo việc bếp núc, tôi nói sao không mướn người làm cho khỏe. Dì nói, “Những ngày cuối tuần, ngày lễ… tụi nó về chơi nên nhà cửa đông vui, những ngày khác trong nhà chỉ còn trơ trọi hai ông bà già, mướn người làm gì? Còn phải để tiền đi thăm thằng anh nó (anh lớn của H) đang ở nhà thương Biên Hòa.” Tôi nói, “Con thấy H cảm T nặng lắm, hay dì cưới T cho H để có người phụ việc nhà.” Dì đồng ý nhưng hoài nghi vì T ‘tiểu thư quá’, có chịu cảnh quê mùa nầy không? Trong một buổi “họp gia đình” chị Th chê, “T nó là dân ‘Bến Tre!’” Dì bảo, “Mầy nói quá! Tao thấy nó mignon, dễ thương.” Tôi ủng hộ ngay, “Hô thì về già đẹp lão, hén dì?” Sau ngày luật Người Cày Có Ruộng ban hành năm 1972 gia đình mất nhiều ruộng. Gặp tôi dì tỏ ý buồn vì “mất đi huê lợi mỗi năm mấy trăm giạ lúa.” Dượng không buồn lắm vì cho rằng mảnh đất ấy thu tô đã lâu và người mướn đất cũng là họ hàng, “có mất đi đâu?” Có thể là do giác quan thứ sáu, tôi lại về Vĩnh Long, đi đò ngang sang An Bình và lội bộ đến nhà H đúng hôm gia đình đang lo ma chay, hậu sự cho dì. Tôi được thắp cho dì ba nén hương lần cuối.

Dượng là con út nên khi lập gia đình, ra riêng được ông bà cho ngôi “nhà mát”, khá to, đẹp, được trang trí nhiều cổ vật nhưng lại thiếu các tiện nghi sinh hoạt hàng ngày nên phải xây thêm mấy dãy nhà phụ trợ vách gỗ cho đủ tiện nghi sinh hoạt. Bên kia cây cầu bắt qua con mương nhỏ là nhà bác của H, với ngôi nhà chính to gần bằng nhà lồng chợ Cá VL nhưng ít thấy mở cửa.

Đi trên con đường đất dọc theo con mương nhỏ một đoạn khoảng 50m là đến cầu tàu. Cầu tàu là của riêng gia đình nhưng được làm rất hoành tráng, đúc xi măng hình bát giác, đường kính khoảng 5m, vây quanh cầu tàu thay cho hàng rào bảo vệ lại xây băng đá ngồi. Nhìn cách làm cầu tàu cũng có thể đoán được thời cực thịnh dòng họ bên nội H sung túc như thế nào vì cầu tàu là nơi vào vụ mùa ghe, xuồng tá điền chở lúa đến đóng tô. Sau nầy bờ cầu tàu bị nước xói mòn, phải nối thêm cầu cây mới sang được, tôi đã chỉ đoạn cầu cây ấy và nói với H, “Phong kiến đến đây là đoạn tuyệt, phải không mậy?”

H rất hiền, rất mến bạn và rất được bạn bè thương mến, dĩ nhiên trong số nầy không loại trừ bạn nữ. Nhà H có vườn rộng, có trồng nhiều cây ăn quả nhưng đa số cây đã cỗi, cho trái rất ít, và hình như gia đình không cần khai thác vườn nên bạn bè sang nhà H chơi vào vườn “tìm trật cổ mới thấy một trái” nên việc hái trái, đùa giởn, nghịch phá xảy ra thoải mái. H thỉnh thoảng cũng giởn, cũng phá nhưng là kiểu nghịch ngầm. Đường đến nhà H vừa xa, vừa quanh co, rất khó nhớ nên những lần đầu sang chơi tôi phải bảo nó dẫn. Trong lần đầu dẫn tôi đi, H nửa đùa, nửa thật nói, “Để tao dẫn mầy đi ‘cho biết’ An Thành.” Thế là vừa lên bờ hắn chỉ tôi quẹo trái và dẫn đi thẳng gần cả tiếng đồng hồ. Cũng may cho tôi hôm ấy gặp bạn cùng lớp là DT Lộc. Lộc hỏi, “Hai đứa bây làm gì mà đến tận đầu cồn?” Tôi ghim ngay câu ấy vào bụng. Sau đó trong lúc nói chuyện H cho biết chỉ cần nhìn thấy cây dương cao vượt thì đi thẳng về hướng đó là đến nhà, vì cây dương đó là của nhà kế bên. Lần thứ nhì sang nhà H chơi, hắn nói, “Rời đò, lên bờ thì quẹo phải. Đi đường nầy cho gần.” Thế là H dẫn tôi đi một lúc cho đến khi gặp cây cầu sắt cao nghệu đã mất ván lót, thay vào đó người ta ghép tạm bợ mấy cây tre rồi cột dính lại bằng dây kẻm, đi trên thân mấy cây tre chông chênh, cầu cao nên gió thổi mạnh làm tôi hơi khớp.

Gần cầu có cây ô môi lúc ấy đang trổ hoa tím cực đẹp. Thấy tôi cứ đứng nhìn cây ô môi không chịu leo lên cầu,

H đoán tôi sợ đi cầu khỉ, muốn hành tôi nên dục đi nhanh. Tôi phải làm tỉnh leo lên cầu, ngay lúc ấy tôi đã thấy điều cần thấy. Thế là tôi vui vẻ đi qua cầu và đoạn đường sau đó đi nhẫn nha, thơ thới vì đã định hướng được nơi đến. Lúc đến một ngã tư H quẹo phải, tôi nói với theo, “Tao đến nhà dượng Mười Khuê, nhà dượng ở hướng nầy (tôi chỉ về phía trái), mầy có đi không?” H trố mắt nhìn tôi, cười, rồi quay trở lại đi chung.

Để tiện việc học hành, làm việc của chị em (nhà) H, dượng mua căn phố ở đầu đường NguyễnTrãi, phía sát chợ Vĩnh Long. Người trẻ Vĩnh Long ít ai biết đường nầy nhưng học sinh Tống Phước Hiệp có ra cầu tàu chơi mà nói “con đường trứng vịt” thì chắc chắn là biết. Đường Nguyễn Trãi xưa là bến xe ngựa, dài khoảng 100 mét, song song đường Gia Long, một đầu hướng ra chợ, một đầu ra bến tàu. Đường một bên là vách cơ quan nên chỉ có một dãy phố đâu lưng với dãy phố có nhà ngủ Huê Nam, nhà thêu Ngũ Châu… của đường Gia Long. Những năm1967 – 68 đầu đường ra chợ bị rào chắn, một nhà trong xóm làm nghề ấp trứng đã tận dụng việc nầy để phơi trứng suốt đường, ra tận bãi cỏ gần bến tàu (sau nầy làm công viên, chỗ làm mấy con rồng), vì thế đường còn được gọi là đường trứng vịt. Căn nhà đường Nguyễn Trãi có thể nói là câu lạc bộ văn học vì 4 chị và anh kế H đều thích đọc truyện, tạp chí văn học và còn chịu bỏ tiền mua. Tôi và nhiều bạn TPH thỉnh thoảng đến đấy đọc, hay mượn về đọc.

 

Tôi còn nhớ lúc ấy có một nhà văn nam “lỡ dại” nói câu đại khái là “các cô gái Huế rất lãng mạn”. Vô phúc cho nhà văn ấy vì 2 trong số 5 hay 6 nhà văn nữ lớn lúc ấy là người Huế (Nhã Ca và Trùng Dương). Chúng tôi tụ tập ở căn nhà “đường trứng vịt” để chờ mượn báo xem và sau đó “bình loạn” về vụ ném đá nhà văn lỡ lời. Căn nhà trở thành studio vào mùa viết học báo, đặc san TPH những năm 68 – 69. Thời đó kỹ thuật in ấn còn lạc hậu, vật liệu in ấn lại mắc tiền. Học sinh chủ yếu in đặc san bằng “quay ronéo” bằng giấy stencil, mà vẽ hình để quay được trên ronéo đòi hỏi sự kiên nhẫn bên cạnh yếu tố thẩm mỹ. H phải đặt tấm kính trên mặt 1 bàn nhỏ để cho bạn ngồi vẽ hình trang trí bằng cách đặt và căng tờ stencil trên mặt kính thật thẳng, rồi dùng một vật nhọn (thường là đầu compass, cây xăm mứt) đâm nhẹ tạo điểm, hay cào nhẹ tạo nét về sau nầy cho hình. Đâm mạnh tay sau nầy sẽ quay ronéo ra thành 1 bệt mực, cào mạnh tay rách là tờ stencil kể như bỏ, dù có keo vá (correction fluid)!

 

Tôi rất nể và trọng tính cách của H. Sau vài biến cố hắn trở về ngôi nhà cổ ở An Thành, nhận trách nhiệm trước gia đình, 3 anh chị em đùm bọc nhau trong tuổi già, sống trong thanh bần, không tơ hào tài sản, dù là kếch xù. Hắn sống khép kín, ẩn vào lớp “vỏ ốc”, ít giao tiếp với người ngoài, chỉ nhếch môi cười mỉm trước những gì giả tạo, không phê bình, phản bác. Chỉ nói, chỉ đùa với người thân, còn người không thân thì không nói lời nào. Hay vì H cho là người đó không đáng để phí lời?

Người ta vẫn nói con ốc biển chứa trong nó cả một đại dương.

 

Nguyễn Hoàng Long

Tái bút:

– Trong lần gặp mới đây khi một người bạn nhắc đến T, tôi thấy H như sôi nổi, hoạt bát hẵn lên, cứ như dạo nào.

– Ảnh 1 của N Q Hùng, ảnh 2 lấy từ NET.

Có 8 bình luận về Cái vỏ ốc

  1. Một Lúa nói:

    Bạn Hoàng Long,

    Mỗi bài viết thường có tên gọi  tiêu biểu  mục tiêu hoặc cho số phận của nó, và cũng có nhiều trường hợp phân vân đổi ý hoài hoài.  Ví dụ như ngay bây giờ tui đang loay hoay tìm tựa cho một chuyện tình …hình. Bài viết dìa chuyện vùng tui có những ấp như Tường Nhơn. Tường Lễ…) Đầu tiên tựa là “Thôn xóm quê tôi”, nó đứng vững cho đến gần xong thì cảm nghĩ  xưa như đất ruộng. Kế đó sửa lại  “Nhơn nghĩa lễ trí tín”, thì sợ bị hiểu lầm như cách  nói của ông đồ…bể. Rồi  có lúc định oánh là Ngủ thường, ngẫm nghĩ có thể bạn bè  ngỡ rằng chuyện hài hước. Sáng nay vẫn còn hi hi, không lẽ vì cái tựa mà hẹn ra giêng!

    • nguyễn hoàng long nói:

      Chào anh Một Lúa,

      Không dè anh đồng cảnh ngộ với em. Với em, chọn tựa cho bài viết, dù là viết chơi, cũng quan trọng như động tác điểm nhãn cho tàu của người dân sống nghề sông nước trước khi hạ thủy để sau đó nó thực hiện sứ mệnh vượt sông, cưởi sóng.

      Biết sao khi chúng ta lỡ xem bài viết là đứa con tinh thần, mà đã nhận là con thì đâu thể “đẻ non” hay bỏ rơi rớt đâu đó?

  2. Huong cau nói:

    Tôi thích nhất là câu kết.

    • nguyễn hoàng long nói:

      Chào chị Hương Cau,

      Cám ơn “Master Chef” đã đọc bài và đã chia sẻ ý nghĩ của người viết bài. Lúc còn học Văn khoa tôi rất thích truyện ngắn của Sherwood Anderson, tiêu biểu là truyện Unlighted Lamps, và vì thế tôi sợ tôi không được người khác hiểu. Chị đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ nầy.

      Cho tôi hỏi nhỏ, vì tôi tham gia trang TPH chưa lâu lắm (mới gần 2 năm) và vì chị hay viết bài cho mục BẾP ẤM: Tại sao chị chọn bút danh Hương Cau? Nhà bà ngoại tôi khi xưa có một bồn trầu, nhiều cây cau, và tôi nhớ hoa cau không có mùi gì cả.

      Chào chị.

      • Huong cau nói:

        Những con ốc sẽ có ngày gặp nhau và.. mở miệng, “nói với nhau, có nói gi đâu, nửa đuôi mắt, dăm nụ cười rất nhẹ” (NS). Lúc đó sẽ nghe tiếng sóng rì rầm.

        Tên Hương Cau là do một sư huynh của tôi viết lộn, hôm sau anh viết thư xin lỗi nhưng tôi lại cám ơn anh đã cho tôi một cái tên rất thích thú. Cau khi nở hoa có mùi hương rất nhẹ, ngày xưa, khi về quê nội, đêm đêm tôi vẫn nghe thoang thoảng mùi hương phảng phất. Nhưng tôi thích hơn là vì cây cau nhắc ta nhớ rằng ta đã có tục lệ cưới hỏi trước khi bị trị. Đây là niềm hãnh diện dân tộc.

        • Nguyễn Hoàng Long nói:

          Cám ơn chị đã phản hồi, đã kể một truyện thú vị và qua đó tôi biết thêm một trường hợp bút danh (thì cũng là tên thôi) do người khác đặt, nó càng tô đậm nét một bài viết cũ của tôi trên trang TPH Tên Bạn Do Ai Đặt? Chị nhắc đến cây cau và hương cau làm tôi nhớ đến sự tích trầu cau, giờ nghĩ lại tôi thấy phục ông bà ta quá. Một truyện tình tay ba được giải quyết (bằng đoạn kết) cực hay nhưng không kém phần lãng mạn. Chào chị.

  3. Kẻ ở ẩn hay người đang quay cuồng trong cuộc sống, ai hạnh phúc hơn ai? Chẳng thế mà cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói:

    Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,

    Người khôn, người đến chốn lao xao.

  4. Nguyễn Hoàng Long nói:

    Em không thể đồng ý với Cô hơn.Tìm đến nơi vắng vẻ để có sự yên tĩnh cho tâm hồn, chỉ mỉm môi cười nhẹ trước những lời “trái tai, gay mắt”. Theo nhiều người xem tranh, bức La Joconde của danh họa Léonardo da Vinci nổi tiếng một phần cũng vì nụ cười mỉm nhiều ý nghĩa của người trong tranh.Chào Cô.

Trả lời Huong cau Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác