Luật cầu lông của người đứng tuổi

Ngày đăng: 28/10/2017 10:44:51 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Phong trào chơi cầu lông như một cách rèn luyện cơ thể của người lớn tuổi ở Việt Nam hiện rất phổ biến. Sáng sáng, tại các công viên, trên các lề đường rộng, các khoảng đất trống sẽ dễ dàng thấy người dân chơi cầu lông. Nhưng cách chơi cầu lông của chúng tôi ở Tp. HCM quả là hiếm thấy. Theo luật quốc tế, cầu lông được chơi đơn (mỗi bên sân 1 người) hay chơi đôi (mỗi bên sân 1 đôi 2 người), nhưng vì chúng tôi không còn trẻ, (nhóm chơi cầu lông 2 sân chúng tôi có hai anh U80, vài người U 70, khá đông U 60 và một số thanh niên) nên lười chạy, nhất là các chị. Thế là chúng tôi chơi cầu lông theo nhóm 3 người. Có nơi còn… hiện đại hơn, chơi cầu lông theo nhóm 4 người! Cái sân kích thước 6,1m x 13,4m đặc rật những 8 người! Đây là cách chơi cầu lông cấm… chạy. Chỉ đứng tại chỗ mà quơ vợt.

Chơi cầu lông theo nhóm 3 người là cả một nghệ thuật, nhưng nó mang lại niềm vui và sức khỏe. Đội hình của nhóm 3 người gồm 2 chị đứng sát lưới, ít chạy và 1 anh (hay chị) có sức khỏe, đập cầu mạnh, chạy được nhiều đứng sau. Luật chơi, chúng tôi áp dụng đúng luật quốc tế, trừ việc mỗi bên có 3 người và vài quy định riêng theo hoàn cảnh sân bãi.

Một điều hiếm thấy khác là ở sân chúng tôi có nhóm đánh cầu lông dưới ánh đèn … đường! Tôi đoán thành viên nhóm nầy ra sân chơi lúc 4 giờ đến 4.30 giờ , và họ chơi cho đến khi đèn đường tắt thì ngưng chơi, đi uống cà phê, “tám chuyện”, chờ cho đến lúc trời sáng hẳn trở lại sân chơi tiếp. Ai bận công việc thì về. Sân được kẻ trên khoảng lề đường rộng trước công viên Dạ Nam, phía đường Phạm Thế Hiển. Vì sân được kẻ vạch trên lề đường nên bị ảnh hưởng bởi … cây trồng trên lề đường và cây trồng trong công viên. Vì lề đường hẹp, chúng tôi phải kẻ sân sát 1 cây trồng trên lề đường và quy ước: hể quả cầu chạm cây mà rớt xuống thì tính điểm, còn quả cầu dính trên cây thì huề, được đánh lại. Thế là có bạn đánh cầu hỏng, cầu bay lên cây cách xa sân nhưng vẫn hô “dính, dính” để mong quả cầu dính trên cây, không rơi xuống, được đánh lại. Cách đây mấy tháng, khi công viên chặt, mé nhánh cây chuẩn bị cho mùa mưa, cây trồng cạnh sân được mé phần nhánh chỉa vào sân. Thế là chúng tôi quy ước lại: Ai đánh quả cầu đụng vào cây là… thua. Gần đây cây đã mọc nhánh dài ra, có nhiều nhánh chỉa sâu vào sân, đến lúc phải tổ chức … hội nghị quy ước lại, có lẽ lần nầy quả cầu chạm thân, cành cây tính “out”, còn quả cầu ở trên lá cây  tính “dính”.  Còn cây phượng trồng trong công viên, cành mọc trên cao nên cầu có chạm vào phải đánh tiếp. Tương tự như vậy là trường hợp quả cầu chạm vào dây diện, dây cáp truyền hình, dây treo cờ (khi có lễ) vốn giăng đầy trên không như mạng nhện. Lý do hết sức đơn giản: Để khỏi mất thời giờ đánh lại vì chúng hiện diện quá nhiều. Tuy nhiên đây cũng là ưu thế của những người có khả năng giao cầu thật mạnh, vì khi quả cầu chạm vào dây điện, lá cờ… sẽ bị chận lại, hay đổi hướng bay, đối thủ dễ đánh hỏng. Khi đó, đồng đội của người giao cầu sẽ reo,”Dây điện, dây điện.”

Vì sân được kẻ trên khoảng đất rộng trước công viên nên bị ảnh hưởng bởi nhiều việc khiến không chơi được: lễ, công chánh làm đường, điện lực rãi cáp… và nhất là trời mưa. Những hôm buổi sáng không ra sân chơi cầu lông được, hôm ấy bản thân tôi thấy có gì đó thiếu thiếu, nhớ nhớ. Và nếu có thêm một ai đó cùng chơi trên sân để thật sự nhớ thì còn gì bằng?

Là một tổ chức xã hội nên thành phần hội viên rất phức tạp, đa số đã lớn tuổi, đã làm ông, làm bà, nhưng tánh, ý mỗi người, qua việc chơi cầu lông được thể hiện khá rõ nét. Biết sao đây khi “tật lớn bằng tuổi”? (Hay lớn hơn tuổi?) Có những người là nhân tố tích cực, góp phần xây dựng hội, làm cho việc chơi cầu lông thêm vui. Bên cạnh đó cũng có những nhân tố “phá hội”, sự hiện diện của họ trong sân làm cho tâm lý người chơi cầu không được thoải mái, chơi mà không thấy vui, chỉ muốn đánh cho xong ván, hay  cuốn lưới, dẹp, để hôm khác chơi tiếp.

Nguyễn Hoàng Long

                H1

H2

Có 3 bình luận về Luật cầu lông của người đứng tuổi

  1. Những người lớn tuổi, nếu tìm được một môn thể dục nhẹ nhàng để tập luyện hàng ngày hoặc một môn thể thao như bóng bàn, badminton để chơi một tuần vài lần rất có lợi cho sức khoẻ lẫn tinh thần của chính mình.

    Tuy vậy theo như tác giả thì ở đâu hoặc bất cứ trong một nhóm nào cũng không tránh được những tranh chấp, đụng chạm nho nhỏ bởi vì mỗi người mỗi tính. Xây dựng thì cần nhiều công sức và thời gian dài nhưng phá huỷ thì rất nhanh. Thật đáng tiếc!

  2. Phạm Thị Trí nói:

    Người nào khó tánh…sự hiện diện của họ trong sân làm cho tâm lý người chơi cầu không được thoải mái, chơi mà không thấy vui…như em nói..thì giải quyết làm sao hả Long ? Chẳng lẻ đánh cho xong ván, cuốn lưới… dẹp…Như vậy còn gì vui…Ở nhà sướng hơn !!! không chơi !!! không phiền nảo !!!
    Lâu ngày, nhịn không được, nói lên , lại gây mất cãm tình !!!
    Nói đi thì cũng nói lại, nếu ai cũng xem nhẹ mọi việc, tụ hợp lại cùng vui, thì chắc sẽ dể dàng . Phải không em ?

    • nguyễn hoàng long nói:

      Thưa hai Cô,

      Hiện nay em xử lý theo cách đánh cho xong ván rồi mình em nghỉ với lý do mệt, bản thân em không chơi nữa. Em vẫn nghĩ, chơi phải vui, không vui, không chơi.

      Vẫn còn nhiều niềm vui khác, phải không Cô?

Trả lời nguyễn hoàng long Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác