NHỚ NỤ HÔN ĐẦU

Ngày đăng: 26/09/2017 08:48:54 Sáng/ ý kiến phản hồi (4)

Chuông reo báo giờ ra chơi vừa dứt, Lân đã đi nhanh từ dải bàn đầu của lớp xuống chỗ tôi ngồi kề tai nói khẽ:

– Tối nay mầy lại nhà tao, mình ra sông ngắm nguyệt thực !

Tôi chưa kịp nói gì thì Lân đứng dậy theo đám bạn đi nhanh ra cửa lớp.

Tối nay, theo báo chí sẽ có nguyệt thực toàn phần vào lúc đầu hôm, việc chèo thuyền theo dòng sông Long Hồ để ngắm trăng, tôi và Lân cũng đã từng đi chơi nhiều lần, nhưng việc neo thuyền trên sông ngắm trăng nguyệt thực thì đây là điều mới mẽ.

Lân là bạn của tôi từ thời học lớp sáu, nhà ở sau  Chẩn Y Viện Vĩnh Long. Lân rất thật tình khi chơi với bạn, nhất là đối với tôi.

Chơi chung đã lâu, chưa bao giờ anh chàng làm tôi thất vọng. Chính vì vậy, khi chiều tan học, tôi cũng không buồn nhắc lại chuyện Lân nói ban trưa, tôi chỉ biết chuẩn bị cho chường trình buổi tối.

Thêm một điều may mắn nữa cho tôi, đi học về đến nhà tôi lại hay tin có hai cô cháu của bà chủ nhà từ Nhà Đài ( Hiếu Thành ) lên chơi. Có khách nhà sẽ không đóng cửa sớm như mọi ngày, tôi có đi chơi về muộn cũng không sao.

Khi tôi cơm nước tắm giặt xong thì trời cũng tối. Tôi được phép ra khỏi nhà sau những lời dặn dò “ trìu mến muôn thuở” của ông chủ nhà: – Đi chơi về sớm, tránh tới chỗ đông người, nhứt là nơi quán xá có lính tráng đông đảo !

Non bảy giờ, tôi thả bộ đến nhà Lân, khoảng sân rộng trước Chẩn Y Viện im lìm sáng rõ dưới trăng. Tôi bước qua đoạn đường đầy hoa cỏ thì thấy Lân đã đứng chờ: – Xin mời ông Tổng xuống thuyền ! ( Tổng thư ký Ban đại diện học  sinh ). Nắm tay tôi bước dưới dàn phong lan rợp bóng, Lân có vẽ tâm đắc cho cuộc đón rước của anh.. Thoáng trong mắt tôi, dưới mé sông tàn cây hoàng lan vừa lớn rủ lá dang che không đủ cho hình bóng cô gái dáng dấp dễ thương đang đứng ở mũi thuyền.

– Bé Trâm em mầy nó cùng theo chơi nữa à ?

– Trâm nào !? Bạn vàng của mầy đó !

1342752093-dam-1Tôi bước xuống bờ sông, Quỳnh ( cô lớp phó của tôi ) đang đứng mân mê những bông hoàng lan xà xuống trước mặt cười:

– Anh ngạc nhiên lắm à ?

– Không, hơi bất ngờ thôi. Đêm hôm Quỳnh xuống tận đây được à ?

Quỳnh liếng thoắn: “Có gì đâu  anh, Quỳnh xin phép ba đi ra chợ xem nguyệt thực, Ba đồng ý. Cho chú Thành tài xế chỡ đi và bảo vệ. Em nói chú Thành chạy xe luôn xuống đây.”

– Dữ ha, rồi chú Thành đâu, không mời vào ?

– Vô để xuống thuyền luôn à ? Hỏi gì kỳ cục .!.

Tôi bước xuống thuyền, vẫn chiếc thuyền cụt đầu mà tôi đã quen. Cạnh tấm ván chận đầu thuyền là chiếc mõ neo có ngạnh không biết do Lân đã mượn của ai mang về với rất nhiều dây. Giữa thuyền có trãi manh chiếu mới, trên đó bày hoa quả bánh trái, bình trà, ly tách, bình thủy đầy đủ. Tôi nhủ thầm, thằng Lân nầy chu đáo thật ! Phía sau đuôi thuyền hôm nay lại có kéo theo cái bè to làm bằng cả cái ruột bánh xe được bơm đầy hơi, bề mặt “ruột xe” có kiền qua tấm ván rộng, một người ngồi ở đây bè vẫn nổi phêu phêu.

Kiểm tra mọi thứ xong xuôi, Lân cho thuyền ra giữa giòng và buông neo. Trăng đã trãi vàng cả khúc sông, gió thổi  lành lạnh, nước của dòng sông Long Hồ thơ mộng róc rách vỗ nhẹ vào mạn thuyền. Cầu Thiềng Đức cách trên kia xa xa xe cộ đang dập dìu qua lại nhấp nháy đèn đỏ, đèn vàng. Ba chúng tôi không nói gì nhiều, Lân bắt tay pha trà như người sành điệu. Quỳnh thẹn thùa gọt trái cây. Lân chia các tách nước trà ra vui  vẽ !

– Sao, lớp trưởng nói với lớp phó gì đi chớ. Tôi thổ địa ở đây xin chứng giám.

Lúc nầy mặt  Quỳnh mới thật sự thẹn thùa, ngoẽo đầu sang tôi, tóc Quỳnh theo gió chảy đầy lên vai lên mặt tôi, mùi tóc vừa thân quen vừa dễ chịu làm sao, tôi nghe như ngất ngây quên là đang ngồi giữa dòng sông trăng sáng.

Đang nói chuyện, Lân vỗ đùi hốt hoảng: – Chết rồi, cái xe hồi chiều đậu bên trong cổng lớn chưa kịp đem vô nhà, phải đem vô thôi, ông già mà phát hiện bỏ quên sẽ cho mấy câu nên thân ! Tôi chẳng biết Lân nói thật hay cố ý làm bộ để bỏ chúng tôi mà lên  bờ ; để bớt lúng túng tôi cười nói theo:

– Xuống gấp nghe cha,  bỏ đầy bánh trái không ai ăn nghe..! Lân bước qua bè phao nhẹ tênh mở dây, bơi lắc lư vào bờ…

Lân vào bờ rồi, chỉ còn lại hai chúng tôi, cái thuyền trở nên lớn rộng và lặng lẽ vô cùng. Để phá tan không khí nặng nề Quỳnh bóc kẹo bánh bảo tôi há miệng để Quỳnh mớm cho tôi, tôi ngoan ngoản như những chú chim non không thấy chút ngượng ngùng, bởi hàng ngày ở lớp chúng tôi vẫn hay đùa như vậy…Năm phút rồi mười phút trôi qua, dõi mắt nhìn lên bờ bóng Lân vẫn biệt dạng, tôi biết thế là Lân không quay xuống nữa rồi !

Nước hai bên mạn thuyền như chảy mạnh hơn, thỉnh thoảng có đám rau mát to theo dòng nước chảy tấp vào mạn thuyền tạo nên âm thanh là lạ. Quỳnh đưa tay xuống nước để cái lạnh thấm vào da thích thú cười. Tôi bảo đùa chút thôi, cảnh giác những dề rau mát có thể có rắn rít trên đó và cũng có khi “ vật thể lạ” người ở đầu vàm vô tình gởi đi theo.

Nghe nói, Quỳnh rút tay rụt cổ lè lưởi thật dài rồi cười. Chợt em reo lên hướng về mặt trăng:

– Bắt đầu rồi ! Anh nhìn xem, trăng đã có phần tối cong  cong lấn vào !

Quỳnh bỏ chỗ ngồi đối diện, dịch sang sát bên tôi, một tay chống xuống thuyền một tay nắm tay tôi, ngước mắt say mê nhìn lên bầu trời bắt đầu giảm đi ánh sáng. Phần màu đen ở trăng ngày càng lấn to ra, mặt đĩa vàng bắt đầu  gợn đục.

– Nó có choáng hết mặt trăng không ?

– Chắc có, nghe nói nguyệt thực toàn phần mà !

Gió trên sông hình như lạnh hơn lúc đầu hôm. Bóng tối bao trùm chung quanh, Quỳnh như sợ sệt bóng tối và vắng lặng, nép người sát vào tôi. Mặt trăng đã bị che hoàn toàn, như chiếc đĩa màu cam ai đó đem gắn lên vách trời, nhìn thật kỹ hình tròn màu cam của mặt trăng không phải phẳng phiu như  ta thấy ở những ngày thường.

Nó có hình cầu rõ ràng như chiếc bóng bay màu cam lơ  lửng bay lên đó do em bé nào đó sơ sẩy vuột tay.

Trước hiện tượng kỳ thú nhưng không hề lạ lẫm của đất trời, tôi chỉ biết im lặng nhìn ngắm khi cằm của Quỳnh tựa hẳn vào bờ vai tôi nóng rực, hơi thở ấm áp tinh khôi..

– Có khi nào hiện tượng dừng lại ở đây không ?

– Bậy, Quỳnh cứ làm bộ hỏi, nó dừng thì mình khỏi vô bờ, Quỳnh khỏi về nhà, không có ngày mai !

Quỳnh ngước nhìn tôi hồi lâu, miệng cười tươi, những chiếc răng ngà ngọc đẹp lấp  lánh dưới trăng nguyệt thực. Tôi nâng cằm Quỳnh lên cao hơn, mắt khép lại, hơi thở em gấp gáp…

Một tiếng động nhẹ từ mạn thuyền kéo dài, chúng tôi vội và buông nhau ra, bên kia chiếc thuyền câu nhỏ đang xuôi dòng nước đi thật gần nên cọ xát mạn thuyền nhau. Giọng ông câu xuồng bên kia dịu dàng:

– Cô cậu neo thuyền xem nguyệt thực  à  ?. Tôi lúng túng “ dạ” khẽ khi thuyền của ông câu đã trôi xa. Quỳnh nhìn xuồng ông câu, nhìn tôi đầy tiếc nuối rồi bất chợt ôm chầm lấy tôi hôn lên trán, lên má tôi những nụ hôn ấm áp đầu đời…

Khoãnh khắc nguyệt thực trôi qua, bầu trời dần sáng trong trở lại, trăng như còn đẹp hơn lúc đầu hôm. Mặt sông vát đầy ánh vàng, có lẽ nước sắp đứng ròng và nhà nhà hai bên bờ sông đã có nhiều người tắt đèn đi ngủ sớm…

Lân ngồi trên bè nhẹ nhàng bơi ra,  tôi thấy sao mà hơi sượng sượng với nó dù biết đêm nay nó có nhã ý tổ chức cho tôi:

– Rồi đâu mất tiêu vậy cha nội ?! Ông mà không trở xuống thì đêm nay Quỳnh ngủ trên thuyền.

– Có ông lớp trưởng bảo vệ, lớp phó sợ gì !… Mình lên nhà gặp đám bạn của anh hai, các anh tổ chức uống rượu Mỹ ngắm trăng, không cho mình xuống mà…mà ở dưới nầy ít người cũng có chuyện vui của ít người chứ !?

Lân ý nhị nhìn sang tôi, không né được cái nhéo rõ đau của Quỳnh vào vai mình…Chúng tôi lặng lẽ kéo neo lên bờ, đi một khúc tôi quay người nhìn lại bến sông, con thuyền như tiếc nuối cái gì, như đây là lần đầu cũng là lần cuối vậy… Thấy Quỳnh ra, bác thượng sĩ già lái xe cho xe khởi động máy, mái tóc bạc trắng trên đầu không làm khuôn mặt và nụ cười của bác già đi. Sau cái vẩy tay cảm ơn rất hữu ý của Quỳnh dành cho Lân, Lân lùi vào khép cổng, tôi đi bộ về nhà, hai bên đường vẫn nghe mọi người râm ran bàn tán về chuyện trăng, mới xảy ra..

( còn tiếp )

   NGUYỄN GƯƠNG

( Hình minh họa, từ Net)

Trích ở phần 3 chương III . Tháng ngày thơ mộng

Hồi ức: THÁNG NGÀY QUA

 

Có 4 bình luận về NHỚ NỤ HÔN ĐẦU

  1. Một chuyện tình nhẹ nhàng diễn ra trong khung cảnh lãng mạn! Lối  viết truyện cuốn hút, háo hức chờ xem tiếp nhé tác giả Nguyễn Gương!

  2. VÕ THI LÀI nói:

    Câu chuyện rất hay, tình cảm trong sáng, nhẹ nhàng , thơ mộng của tuổi học trò . Một chiếc thuyền bồng bềnh trên sông với cảnh vật thiên nhiên rất lãng mạn . Cám ơn anh Nguyễn Gương đã cho thưởng thức một câu chuyện rất thú vị , và đang đợi xem tiếp phần sau .

  3. Nguyễn Hoàng Long nói:

    Một chuyện tình lãng mạn xảy ra trong bối cảnh sông nước Vĩnh Long cực kỳ lãng mạn và gắn liền thiên tượng nguyệt thực. Một kỷ niệm một lần trong một đời (có lần thứ nhì không tác giả?).

    Không biết mọi người nghĩ sao chứ tôi thích NGUYỆT THỰC hơn NHẬT THỰC. Một yếu tố không kém phần quan trọng là nhà tổ chức sự kiện Lân. Biết tìm đâu ra một người bạn tốt và tài như thế?

  4. Nguyễn Gương nói:

    Cảmơn các bạn đã xem và có ý kiến.Vơis anh Long chắc khơi gợi nhiều hình ảnh trong anh.Nguyệt thực nhiều nhưng có lẽ chỉ lần nầy.Kết thúc chuyện khá buồn.Anh L là người thật, việc thật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác