Tống Phước Hiệp – một trời thương nhớ

Ngày đăng: 31/08/2017 08:50:13 Chiều/ ý kiến phản hồi (5)

Còn 1 ngày rưởi, Phương Nga tôi sẽ trở lại trường. Một niên học mới lại bắt đầu. Gẫm tới gẫm lui, vẫn ấm ức nhạc sĩ Thanh Sơn viết: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…”. Ông ấy có lẽ thích trường lớp lắm lắm, còn tôi? Hên Xui!
Tuy thế, mái trường Tống Phước Hiệp xưa, vẫn in đậm nét trong tâm khảm, bởi muôn vàn kỷ niệm.

Khác với nhiều anh chị học trước, có 7 năm kỷ niệm gắn bó với trường, tôi vinh hạnh có đến 8 năm…Đừng suy diễn: à chắc nhỏ nầy học nhồi lớp chứ gì? Hà hà, tôi tuy học không mấy giỏi, nhưng cũng tự hiểu…nếu bị ở lại, có lẽ ba má tôi đăng báo từ con, không chừng? Tại sao là 8 năm? Vì lúc đó Cao đẳng Sư phạm Cửu Long mới thành lập, đặt cơ sở tạm thời ở một góc của trường. Văn phòng là nhà của cô Hiệu trưởng Võ Thị Ngọc Dung trước 75. Một số bạn cùng khoá 1 CĐSP/CL cũng học 8 năm như tôi.

Tống Phước Hiệp – một trời thương nhớ. Nơi có những đặc trưng, ai đã từng chung dưới mái trường, nhắc qua đều phải nhớ, bằng không sẽ bị thẻ đỏ đó nhé. Nhớ hàng huỳnh đàn dẫn từ cổng vào đến văn phòng. Thương hoa Forget-Me-Not tim tím thời học trò. Vấn vương hàng kiểng được tỉa xén cẩn thận dẫn tới cột cờ giữa sân trường. Chúng nở hoa tím lúc cận Tết. Năm học lớp12, học sinh vật với cô Oanh, khi cô giảng học thuyết Darwin và tính đột biến, một đứa trong bọn tôi, nhạy bén, chạy thẳng ra cột cờ, bứt một bông nửa tím, nửa trắng.

Riêng tôi, có rất nhiều kỷ niệm với thư viện của trường. Năm lớp 6, lúc nhập học, mỗi đứa được cấp một thẻ thư viện để mượn sách. Tôi vô ý đánh mất thẻ ngay ngày đầu tiên. Khi ấy khờ khạo quá, chỉ biết khóc, không dám lên văn phòng xin lại thẻ mới. Nguyên cả năm, tôi thèm khát được một lần mượn sách đem về nhà, đành chỉ chờ giờ trống lên thư viện đọc sách cho đở ghiền. Cũng nhận thấy, đa số bạn tôi, cuốn sách mượn đầu tiên là “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh, nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

Rồi ngày mong đợi đã đến, lớp 7 với thẻ thư viện mới! Mừng quá, đến lượt tôi mượn quyển Đoạn Tuyệt! Sau đó, tất cả tác giả của Tự Lực Văn Đoàn, tôi lần lượt “ngốn” hết. Hình như không phải riêng mình tôi thích đọc sách, nhiều người khác cũng vậy. Lại nhớ, không phải ngày nào cũng được mượn sách, dường như chia ra ngày cho đệ nhất hay đệ nhị cấp. Bởi thế, muốn mượn được cuốn sách hay, phải canh chừng thường xuyên. Khổ hay sinh kế, ngày dành cho đệ nhị cấp, có lẽ các anh chị bận học thi, hay không màng tới tiểu thuyết, tôi tranh thủ lên thư viện, nhét mấy cuốn mà tôi muốn mượn…dưới đít…tủ. Muôn vàn xin lỗi các cô thầy trông nom thư viện lúc đó! Nhờ vậy, tôi “gom” trọn gói nhiều truyện hay, ví dụ “Sống Vì Đất” “Gió Đông Gió Tây” của Pearl Buck…Tiếc là những quyển dày cộm như Tam Quốc Chí hay Tuấn Chàng Trai Nước Việt, chỉ cho đọc ở thư viện, chứ không mượn được về nhà. Tôi phải đến đó nhiều ngày mới đọc xong.

Một chỗ của trường, ngay đến tận giờ, vẫn là nơi “thâm cung bí hiểm” với tôi là khu W.C- Nhà vệ sinh. Không hiểu sao trong suốt 8 năm học ở đây, tôi chưa từng léo hánh tới? Có lẽ do quá sợ hải, cái cầu tiêu ở trường nữ tiểu học Vĩnh Long, ngang toà hành chánh, một lần tôi ghé qua…muôn đời không quên và thề với lòng mình sẽ không bao giờ xài nhà vệ sinh công cộng. Bởi thế thắc mắc, nếu ai có biết chút gì về chốn thâm cung nầy ở Tống Phước Hiệp, cho mình biết nhé!

Bao năm trôi qua, vẫn thương nhớ mái trường xưa Tống Phước Hiệp. Nó đã bị thay thế bằng ngôi trường hiện đại hơn. Không biết thư viện mới như thế nào? Mong rằng nó cũng là nơi lui tới của học sinh mê đọc sách như tôi, hơn 40 năm về trước. Vật đổi sao dời, con người cũng vậy, tôi cũng không khác…Thư viện trường tôi đang dạy cũng khá qui mô, nhưng hình như tôi chỉ tới đó để xài máy photocopy, năm khi mười hoạ mới dòm tới…tựa của một vài cuốn sách bày trên kệ. Không cần phải giấu sách nữa, nhưng tính mê đọc sách của tôi biến đâu rồi?

                         Bài và ảnh Phương Nga

h1h1                                 thư viện trường Vernonia, nơi tôi dạy học

h2h2

image01h3

Có 5 bình luận về Tống Phước Hiệp – một trời thương nhớ

  1. THU CUC nói:

    Tống Phước Hiệp , một trời thương nhó .

    Huỳnh Đàn thẳng tắp lối đi vào

    Thư viên hàng ngày ta đọc sách

    Làm sao quên được mái trường xưa .

    Cám ơn chị Nga nhắc lại nhiều kỷ niệm về trường Tống Phước Hiệp , ngôi trường yêu dấu của một thời .

  2. Nguyễn Thị Bé (Xuân Hiệp) nói:

    Đọc bài của bạn Phương Nga mình lại nhớ đến mình hơi giống bạn nhưng khác bạn là thích đọc sách như bạn,  năm đầu tiên vào trường trung học Tống Phước Hiệp lớp đệ thất trường phát cho tấm thẻ thư viện lại không dám vào mượn sách đến khi lên lớp đệ lục bây giờ là lớp 7 mới dám vào thư viện và cũng tranh thủ nghiên cứu sách văn học ca dao tục ngữ thơ văn và xem tiểu thuyết của nhóm tự lực văn đoàn  nhưng mình rất thích tiểu thuyết của nhà văn Vũ Trọng Phụng sau này khi đi làm việc mình vẫn thường hay đến nhà sách nghiên cứu những tác phẩm mình yêu thích là mua về đọc ngấu nghiến mặc dù giấy thời ấy đen chữ in không đẹp như ngày nay.

  3. Trầm Hương Ptt. nói:

    Phương Nga trở lại sau một thời gian vắng bóng, vì mùa hè bận đi du lịch thư giản và chuẩn bị cho năm học tới…? Cô chỉ dạy nơi đây 2 năm , khi xa còn nhớ, huống hồ gì các em đã dành hết thời gian 7 năm, tuổi hoa niên của các em ghi rất nhiều dấu ấn nơi đây . Mái trường xưa có dịp nhắc lại, lòng bồi hồi.

  4. Ngày cô dạy TPH thì trường chưa có thư viện, không hiểu thư viện được thành lập từ năm nào. Đây là một điểm son của trường chúng ta vì đã tạo cơ hội cho các học sinh được mượn sách, truyện về đọc. Ở bên này người ta có câu thành ngữ “Lesen ist Bilden”, có thể tạm dịch là “đọc tức là trau dồi kiến thức cũng như sự hiểu biết” chẳng khác gì việc học vậy.

  5. Phương Nga nói:

    Phương Nga cám ơn cô Hồng Khanh, cô Trí, bạn Xuân Hiệp, Thu Cúc đã chia sẻ bài viết của Phương Nga. Kính chúc sức khỏe, bình an

Trả lời THU CUC Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác