Mùi hương thần bí

Ngày đăng: 8/06/2017 07:29:56 Chiều/ ý kiến phản hồi (18)

Thường xuyên hơn những đứa khác, thằng Út hay ghé thăm tụi tui vào những buổi chiều sau khi tan sở. Tiếng Việt là ngôn ngữ đàm thoại chánh trong nhà nầy, nhưng là “sinh ngữ” của thế hệ thứ hai. Câu kiếm cơm quen thuộc của tụi nhỏ như vầy: “Có gì ăn không mẹ”

Nếu các mặt hàng chín trong bếp đụng thứ tụi nó không ưa, thì tui nghe một câu bằng tiếng ta: “Con chờ mẹ chút xiu”. Với vai phụ tá, tui tự biết mình trong tình trạng ứng chiến 2. Vì vậy có thể giữ vị trí tác chiến cũ, mắt vẫn nhìn laptop, tay mổ chữ, nḥưng khối nhận lệnh không được lơ là với những yêu cầu nhỏ nhất. Hồi xưa dân quê tôi sống lâu lên lão làng, còn tui phải nói mỗi ngày luyện thêm kinh nghiệm, ngay từ đầu mùa trồng rau là tui chơi trước mấy chậu hành lá. Khi  có dịp đi mua cây đinh hay cọng kẽm, hay rảo chợ bách hoá như Wal-mart, phớt qua các quày nông sản ớt cà mà thấy có củ hành tiều hay củ tỏi là lượm một bọc hay vài xâu mang về thủ. Lo xa để tránh những phi vụ cất cánh thật bất ngờ trong lúc người lái thì chưa đủ tâm lý, hoặc là xe cộ thì còn thiếu cái gì đó để khởi động.

Dù bất ngờ hay trong khả năng ứng phó, cũng phải khen tâm lý bếp trưởng. Tuỳ đứa và tuỳ độ đói mà xuất chiêu cho món trứng ốp-la hay đập ra quậy với hành tiêu mắm muối. Hoặc là một lát “ham” chiên, túng thế thì tuỳ quân số mà cắt bọc lấy một vài cây lạp xưởng nướng lò điện. Còn màu mè cho rậm bàn là dĩa xà lách tươi trong với mấy lát cà tô-mát đỏ rực và keo nước tương pha chế với tỏi ớt bầm. Dung dịch hổn hợp đó mà múc ra chén in hoa bông cúc, bảo đảm sẽ óng ánh lên màu hổ phách đẹp như tranh vẻ.

Chiều hôm qua, thằng Út có vẻ gấp lắm. Nó bước vào nhà nói một câu lạ hoắc:

– Ba muốn ăn dưa nầy không?

– Dưa gì vậy con?

– Con không biết, bạn chung sở của con gởi cho ba má.

– Ủa! Bạn con là ai mà biết ba má.

– Con cũng mới biết nó. Hồi trưa nó đem vô một bịt dưa, lựa cho con hai trái. Nó nói sản phẩm nầy ngon và quí của nước nó.

– Nước nào?

– Con không hỏi, đoán là Ấn Độ hay Pakistan. Con không nhận và cũng không hỏi từ đâu nó có. Nó kêu con đem về cho ba má dùng thử. Ba má muốn thì ăn, chứ không có nhãn hiệu gì hết. Bây giờ con phải về nhà tắm rửa thay đồ, con có hẹn với mấy anh chị qua nhà thằng Jimmy ăn tiệc dọn vô nhà mới.

– Ba nói hoài, Jimmy nhỏ tuổi hơn con mà là con của bác Bảy, tụi con phải kêu bằng anh. Tụi bây đứa nào cũng vậy, làm chưa bao nhiêu là hùn nhau ra ngoài mướn nhà ở riêng cho hao tiền. Hồi đó ba má đã có bốn đứa anh chị con mà vẫn ở  chung với ông bà nội.

Không biết thằng Út có hiểu hay không, chỉ nghe nó chào ba má rồi đi te te ra cửa. Còn riêng tui thì trầm ngẫm chuyện xưa. Chợt nhớ lời người lớn nhắc hoài, tui có cái tật hay nghe ngóng tò mò thế giới từ hồi tuổi còn nhỏ xíu.

Tui cầm trái dưa vàng nhàn nhạt, vỏ cưng cứng nham nhám như trái cantaloupe. Thêm tí địu đàng có thêm những rãnh lạn vạch gân xanh giống một loại bí trang trí cho mùa Halloween. Trái dưa cở roi roi ước độ chừng 10 cm đường kính, phần cuống nhổm cao một chút. Tui xoay xoay trái dưa trong tay rồi tay kia vỗ thử vào hông nó như các bà đi chợ cho có vẻ phờ-rô, cũng nghe âm thanh bong bong bịch bịch chứ không đoán được gì cả.

– Coi bộ ông thèm quá thì đưa đây tui rửa dùm cho. Sau đó ông muốn bổ 3 hay chẻ ra làm 10 thì tùy… hảo tâm thí… chủ.

– Ha ha! Hồi mới qua đây nếu nghe lời bà con của bà, người cô họ mà bà nói  lúc trước ở ngang doi bót cái Tam Bình. Năm đó  mình chịu “mu” dìa Cali, thì bây giờ chắc là trình độ của bà lên diễn vai đào chánh rồi, giờ nầy tui tà tà dạo chơi khu Phước-lộc-thọ bình an hưởng phước.

– Bà con của tui khen ông chìu vợ. Nhưng ai cũng chê ông là vua yểm tài của vợ.

– Bây giờ thì Cali hãy còn đó, ca sĩ còn đây, tui nghĩ xuất quân vẫn còn kịp.

– Không dám nói phách. Tuy bây giờ già hết hơi, nhưng tui bước lên sân khấu cũng chưa bị ai ném trứng. Còn ông nhắm bề kéo kẹo nổi không. Nếu Ok, thì hai vợ chồng mình qua Cali làm y chang mô hình anh chàng “Đan Nguyên đường phố” ở Biên Hòa hay những ca sĩ kẹo kéo khác.

– Chuyện nhạc kẹo tính sau. Bà bước qua đây ngửi dùm trái nầy sao có mùi thơm lạ quá.

– Mũi ông bị hư hay nghẹt hồi nào vậy. Hàng của ông ngon thì ông cứ hưởng, dở thì ông liệng.  Lan can gì tới tui mà kêu làm phụ tá.

– Cái gì mà gọi là của tui hay của bà. Hồi nảy thằng Út nói bạn nó cho cha mẹ mà.

– Tui nghe rõ ràng là cho ba. Cho ba thì ba tự lo đi, mắc gì đến tui.

– Ha! Thì ra có người ghen hờn. Thôi được rồi em cưng, người ta cho tui thì bây giờ tui làm chủ, tui có quyền cho bà không.

– Vậy thì nghe được. Ờ, trái nầy có mùi lạ thiệt hả ông. Nó làm tui nhớ mùi trái sa-pô chín rục trên cây trước sân nhà nội hồi nẳm.

– Mời bếp trưởng ăn thử rồi cho biết cảm tưởng.

– Nhìn và nếm  thì cơm trái ngọt giống như  Honeydew. Thịt trái hơi bở và có cát như dưa gang. Mùi thơm sa-pô-chê nhẹ nhàng nhưng rõ ràng chính hiệu.

– Trái nầy tổng hợp được các tính chất của honeydew, cantaloupe, dưa gang thì tui ok. Bởi có một năm mình trồng dưa gang và honeydew, lần đó ra trái dưa gang thịt hơi xanh mà ngọt thơm như honeydew. Tui hí hởn tưởng vô mánh phát minh giống dưa mới. Năm sau lấy hạt trái “Dưa gang ngọt” ương lên thì nó cho trái dưa gang lạt, như vậy là nó trở về đời F-1 thuần tuý.

– Tại sao năm nào người ta cũng lai tạo được giống mới và tốt phục vụ cho xã hội vậy ông.

– Tại vì người ta là những khoa học gia đủ mọi ngành, người ta có phòng thí nghiệm, người ta lai giống bằng phương pháp thay đổi gene và cấy ghép tế bào cực kỳ tỉ mỉ. Còn mình chỉ nhờ cơn gió thổi những hạt phấn li ti bay đi 4 hướng. Hoặc nhờ ong bướm đa tình mang phấn hoa cây nọ xọ nhụy cây kia, thì sự cọ quẹt đó mong manh như cánh chuồn chuồn khi vui nó đậu.

– Còn mùi sa-pô-chê trong trái dưa từ đâu mà có?

– Bà hỏi tui, còn tui thì tối ngày chỉ biết ngâm nga mấy câu nằm lòng: Tui dìa hỏi bác Gu-gồ. Lâu nay nhờ bác cứu bồ nhiều phen. À mà tui nhớ ra một chuyện có liên quan, chắc là không cần mỗi chút mỗi làm phiền bác Gu-gồ.

– Lúc nào ông chả nhớ. “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ. Nhớ ai, ai nhớ, bây giớ ớ nhai”

– Ớ nhai là gì hả bà.

– Ông từng nuôi bò mà không biết ớ nhai là nói lái ai nhớ hả. Ông nhớ chuyện gì nói ra nghe chơi.

– Bà còn nhớ vợ chồng thằng Ba Láng ở doi cây gáo hong?

– Tuy bà con xa nhưng tui là chị họ của Ba Láng, với lại  mình với tụi nó làm ruộng liền ranh gần 10 năm ở cống bà Phủ mà không nhớ tụi nó là sao. Việc gì thì làm ơn nói huỵch tẹt ra liền, dông dài câu “lai” câu “quiu” còn hơn phây-búc-cờ.

– Câu tui hỏi chỉ cần trả lời “dết hay nô” là đủ, bà quất một câu dài sọc mà ở đó chê tôi. Bà nhớ có lần minh ghé nhà tụi nó, thằng Ba Láng đãi mình uống hai trái dừa thiệt đặc biệt.

– Dừa ngọt, nhai xơ non ngọt lịm phải không?

– Bà lộn địa chỉ rồi. Cây dừa ngọt là đặc sản vườn nhà chú Sáu Tê ở Tường Lễ. Còn nhà thằng Ba Láng có cây dừa va-ni, bà nhớ ra chưa.

– À phải rồi, tui nhớ ông là chính phạm của vụ án nầy. Cây dừa của người ta hai ba tháng mới ra một lứa, còn ông ỷ vai anh rồi cứ ghé kêu nó bẻ trái dừa va-ni uống nước hoài. Mà ăn cây nào lo rào cây đó thì cũng coi được. Còn ông xúi nó đốn là sao.

– Công nhận trái dừa đó có cơm vừa nạo váng cháo là nước ngọt như mật, mùi thơm va-ni ngào ngạt. Bà nghĩ tui khùng hay sao mà xúi nó đốn.

– Ông không xúi nhưng quá cha là xúi. Để tui đọc cáo trạng coi ông có nhận tội hay không. Vợ Ba Láng là đứa thật thà, nó học lại với tui là tại ông tào lao xử bỉ thuyết trình pha học. Con nhỏ mếu máo với tui, bữa đó anh Út Tám Lớ ngồi uống trà trước sân và nói chuyện với anh Ba Láng và thằng Sáu Thời, em ngối trong nhà nghe không sót như vầy nè chị Út: “Tám Lớ tao suy nghĩ tại sao miếng vườn dừa 4 công mà chỉ một cây dừa nầy có trái thơm mùi va-ni thôi. Ba Láng mầy nói toàn bộ 60 cây dừa nầy chính tay chú Bảy lựa giống từ vườn nhà. Hồi nào tới lúc đó ba mầy cũng chưa từng biết giống va-ni nầy, vậy nó ở đâu ra. Lai căng đơn độc như vầy thằng Ba mầy có nghĩ nguyên nhân bắt đầu từ bộ rể. Trước 75 tao đọ̣c báo biết nhiều  mẫu chuyện vào cái thời xưa khi người dân Mỹ khám phá những giếng dầu trên đất mới Mỹ châu. Họ nhận thấy những cây cỏ mọc trên vùng quặng mỏ cũng đổi tính đổi mùi. Sẵn đó họ cũng nói những cây cỏ thay đổi tính chất một cách bất thường thì coi chừng chúng đang ở trên những dĩa quặng khoáng sản gần mặt đất. Vùng châu thổ Cữu Long do phù sa tạo thành nên không có vụ khoáng sản lộ thiên. Nếu địa chất ảnh hưởng thì tác động mọi thứ trên bình diện lớn. Bây giờ gút lại một nghi vấn cuối cùng. Ba Láng mầy nói hồi tết Mậu Thân, ông bà nội em dời nhà từ bờ kênh Măng Thít vô miếng đất rạch Cây Gáo nầy để tránh đạn tàu xả lên bờ mỗi khi có tiếng súng của du kích. Thời cuộc chưa êm thì bà nội nửa đêm đột ngột qua đời. Ma chay tống táng xong thì ông nội không tìm ra cái ô bằng đồng thau hai đáy để trong hộc tủ có khóa bên hông trái tủ thờ. Ba Láng cũng nói nói ông nội mua cái ô đó tận bên Nam Vang. Phần trên cái ô thau thì đựng kim chỉ cúc áo lặt vặt và gọng kính hư. Phần đáy được người thợ làm ngăn bí mật có nắp vặn khéo léo để chứa vòng vàng nữ trang và vàng lá.

Mình thử sát nhập vụ mất tích  cái ô đựng vàng và cây dừa có trái  thơm va-ni, coi nó dính nhau không. Năm đó loạn lạc, bà nội của Ba Láng sợ trộm cướp mà chôn hộp của cải. Bà chưa kịp thố lộ với ông thì không may bất đắc kỳ tử. Chiếc ô bằng đồng thau nằm trong đất tạo ra chất ten sét gọi là óc-xýt đồng. 8 năm sau ngày bà nội mất, thằng Ba về đây sửa sang lập vườn và trồng cây dừa tốt số ngay trên chiếc ô đồng thau chôn dấu.

Ba Láng mầy cũng nói cây dừa va-ni mau tốt hơn những cây khác, 3 năm thì nó lú lưỡi mèo ra bắp sớm nhất. Mấy năm sau nó là cây đầu đàn trái sai oằn oại, tình cờ một hôm có ông lái dừa khám phá mùi va-ni trong nước những trái dừa tươi.

– Ha ha! Phải khen bà có trí nhớ thiệt dai, chuyện qua mấy chục năm mà bà nhớ từng dấu phẩy.

– Ông đừng đánh trống lãng. Lúc đó vợ Ba Láng còn giận ông về vụ bình luận cái ô đựng vàng. Nó nói hôm nó đi đám cưới ở Cù lao Mây, ông Ba Láng ở nhà kêu em ruột là Sáu Thời, nhắn luôn thằng em vợ của Sáu Thời. Trong hai ngày vợ Ba Láng vắng nhà, 3 ông thanh niên đào bức gốc cây dừa va-ni thành một cái ao như lỗ bom đìa.

– Tụi nó là dân đào đất khối chuyên nghiệp…

– Ông bỏ tiền ra mướn hả. Tụi nó đào gốc dừa đó là kiếm cái ô óc-xýt đựng vàng theo lời tiên tri của ông. Cũng may là hôm đó ông đi Cái Vồn đặt mua nhánh chiết loại  bưởi 5 roi.

– Quê hoài khó ‘quề’ nghen. Xui thì có, tui ở nhà mà đi ngang đó ngay giờ linh thì đâu có cái đầm đìa. Tui nói theo tinh thần khoa học đăng trong báo, chớ tui  đâu xúi nó làm bậy chuyện gì.

– Bây giờ ông còn muốn tìm hiểu mùi hương thần bí của trái dưa tạm gọi là Ấn Độ?

– Ngán rồi!

– Ngán là sợ hay ngán là ý nghĩa như 3 ngày bắt ông ăn một món.

– Cả hai trường hợp!

Một Lúa 

0 0bH

Có 18 bình luận về Mùi hương thần bí

  1. Neang Phi Rom nói:

    Lần đầu tiên thấy trái thần bí của bác Lúa chào hàng, thật là đặc biệt, bên ngoài đúng là giống trái bí, bên trong thì giống dưa gang, lại có mùi thơm…ngon quá…lâu lắm rồi mới đọc được bài của bác Lúa, đã thiệt à nghen, lối hành văn khôi hài rất là chuyên nghiệp, đọc rất vui, hay lắm bác Lúa ui! Cám ơn bác đã gởi bài cho trang nhà. Chúc sức khỏe để viết nhiều nhiều nữa.

    • Một Lúa nói:

      lóng rày lụt nhách. Lời tựa có 4 chữ mà tui đổi 7 lần rưỡi. hihi

      • Luong Minh nói:

        Anh chỉ tui đổi nửa lần xem vì tui biết cái nửa lần sau cùng thành công

        • Một Lúa nói:

          Tựa Lần thứ 7 như vầy nè: Mùi hương dưa Ấn. Suy nghĩ một hồi, độ là hơn chiều dài nửa chai bia thì cảm thấy không chắc ăn chỗ xuất xứ trái dưa, chuyện thứ nhì là bỏ trái dừa va-ni cho ai. Lần sau cùng sửa 2/4, không phải rưỡi sao huynh. hihi

  2. Phan Lương nói:

    Hi hi

    Nể tài tám chuyện như thần của anh Lúa làm cho Ba Láng ,Sáu Thời và thằng em vợ đào gốc dừa Vani tìm csis ô ốc xi đồng đựng vàng….cuối cùng không có ô mà có đìa ….

    Hi hi

    Bây giờ quả dưa có mùi hương thần bí chắc sẽ hấp dẫn lắm đây

    Đừng đẻ em ngóng cổ cò nhe anh Lúa

     

  3. Phạm thị Trí nói:

    Thích cuộc tranh cải giữa hai vợ chồng…Đúng cái văn phong miền Nam, đặc biệt của Một Lúa. Mừng em trở lại trang nhà.

    • Một Lúa nói:

      Kính chào cô Trí

      Em cũng cảm thấy rất vui gởi bài cho trang. Chỉ ngại nói làm xàm, chứ chuyện hằng ngày trong đời thường thì chắc gia đình nào cũng có nhiều lắm.

       

  4. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Lâu lắm mới gặp lại bác Lúa.

  5. Sao thời đó người ta không mời bác Một Lúa làm bộ trưởng bộ Ngoại Giao? Uổng phí một nhân tài! Còn nữa, bác Một Lúa có qua chia ít củ hũ dừa về làm gỏi nhậu?  Hi hi.

    Lâu quá mới thấy anh xuất chiêu trên trang nhà.

    • Một Lúa nói:

      Mến chào bạn Hoàng Long,

      Rủi bữa đó mà tụi thằng Ba Láng đào được cái ô đựng vàng thì Tám Lớ hiu hiu trên mây. Hắn muốn ăn củ hũ cây dừa nào thì nói với Ba Láng: Tao nghi dưới gốc dừa nầy có trái đạn 105 li bị lép. haha

       

  6. VÕ THỊ LÀI nói:

    Thấy hình và nghe anh Một Lúa  kể em cũng nghĩ như chị PhiRom có lẻ đấy là trái dưa gang Ấn Độ . Trái dưa nầy chắc là ngon vì có mùi thần bí , vậy anh Một Lúa lấy hột làm giống và trồng thử bao giờ có thu hoạch nhớ gửi về Việt Nam cho các bạn cùng thưởng thức với nhé !

  7. Hoành Châu nói:

    Chào mừng  tác giả  trở lại ,,,Cảm ơn bài viết hay  nhé , anh MỘT LÚA
    Hoành Châu ( Gia đình C  )

  8. Một Lúa nói:

    Cảm ơn bạn Hoành Châu

  9. Lyhuong nói:

    Chào Anh Một Lúa.

  10. Một Lúa nói:

    Chào chị Lý Hương.

Trả lời Một Lúa Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác