Đình chùa miễu trên đất Vĩnh

Ngày đăng: 3/06/2017 11:08:39 Chiều/ ý kiến phản hồi (6)

A 1Văn_Thánh_MiếuNăm 1864, cụ Phan Thanh Giản sai quan Đốc Học Nguyễn Thông xây dựng Văn Thánh Miếu, đến năm 1865 thì xây xong. Hiện nay khu di tích Văn Thánh Miếu vẫn còn ở phường 4 thị xã Vĩnh Long, phía bắc ngó ra sông Long Hồ. Đây là một trong số rất ít văn miếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Từ ngoài đi thẳng vào trong nội điện (ba gian hai chái trông rất cổ kính) là nơi thờ Đức Khổng Phu Tử, chứng tỏ ảnh hưởng Nho giáo rất sâu đậm vào thời nhà Nguyễn. Ngay khi bước vào cổng phía bên phải là Văn Xương Các, nơi thờ các cụ Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản là những người có công đối với nền giáo dục Khổng Mạnh của nước nhà thời bấy giờ. Trên giữa đường đi vào Văn Miếu có bia ký ghi lại tiến trình xây dựng Văn Miếu. Thường thì giữa tháng 2 và tháng 8 âm lịch thì Văn Miếu có tổ chức hai ngày lễ hội truyền thống. Văn Thánh Miếu chẳng những là một di tích văn hóa, mà còn là một điểm son, nơi một thời là điểm hội tụ của các nhà cách mạng yêu nước, nói là hội họp tao đàn, chứ thật ra là họp bàn phương án chống trả giặc Tây. Đối diện với Văn Thánh Miếu, bên kia sông Long Hồ là đình Long Thanh, nay thuộc phường 5 thị xã Vĩnh Long, cách trung tâm thị xã chừng 3 cây số. Ngôi đình được xây dựng trước thời các chúa Nguyễn chính thức làm chủ vùng đất này. vào khoảng năm 1720 tại vùng này có nhiều người Việt sinh sống lẫn lộn với người Khmer, nên các quan Nam triều thời bấy giờ đã cho xây dựng ngôi đình để dân chúng có nơi tụ họp sinh hoạt lễ hội. Đình Long Thanh là một trong những ngôi đình cổ nhất tại miền Nam còn tồn tại đến ngày nay.

A 2 Phuoc hau Ngoài ra, ở ấp  Đông Phú, xã Ngãi Tứ, quận Trà Ôn, hiện còn ngôi chùa Phước Hậu, được xây dựng từ hậu bán thế kỷ thứ 18. Vào các năm 1895 và 1910, thiền sư Hoàn Chỉnh từ Quảng Ngãi vào trùng tu và trụ trì tại đây. Sau đó năm 1939 Hòa thượng Khánh Anh trùng tu lại. Từ năm 1961 đến năm 1972, Hòa Thượng Thiện Hoa trụ trì tại đây. Thiền sư Thích Thanh Từ, một thiền sư nổi tiếng thời cận đại là một trong những đại để tử của thầy Thiện Hoa. Hiện nay tại quận Tam Bình còn một ngôi chùa cổ rất lớn, đó là chùa Kỳ Sơn, được xây vào khoảng năm 1812. Đây là ngôi chùa chính làm nơi sinh hoạt và lễ hội của người Việt gốc Miên tại quận Tam Bình. Ngoài ra, ở Vũng Liêm còn có chùa chùa Vũng Liêm hay chùa Sanghamangala, nhiều tài liệu cho thấy đây là ngôi chùa Miên cổ nhất còn tồn tại. Chùa được xây vào năm 1339. Tuy nhiên, do chiến tranh tàn phá nên năm 1964 và 1974 chùa được hai lần trùng tu. Ngay tại thành phố Vĩnh Long còn có những chùa được xây vào đầu hay giữa thế kỷ 20 như chùa Long Viễn, chùa Viên Giác, chùa Giác Thiên, chùa Pháp Hải, và tịnh xá Ngọc Viên.

Nhà_thờ_chánh_tòa_Vĩnh_Long Bên cạnh những ngôi chùa cổ, Vĩnh Long còn có một nhà thờ chánh tòa rất lớn, được Đức Cha Ngô Đình Thục xây dựng vào năm 1957, và Thánh Thất Cao Đài nằm đối diện với trường Trung Học Nguyễn Thông (nay là trường Lê Quý Đôn). Vì dinh Long Hồ ngày xưa là một dinh lớn, là kinh đô của cả miền Tây nên thành Vĩnh Long lúc bấy giờ được dân địa phương gọi là hoàng cung mà mặt tiền nằm khoảng giữa hai con đường Đồng Khánh và Trương Vĩnh Ký (tên đường trước năm 1975), còn cửa hậu thuộc địa phận Bình Minh xưa (bây giờ là quanh vùng rạch Cái Cá) với những thôn xóm trù phú như xóm Chài, xóm Lưới, xóm Bún, xóm Đập, vân vân. Bây giờ đã qua bao cuộc bể dâu nhưng chúng ta vẫn có thể hồi tưởng lại bóng dáng huy hoàng ngày nào của một ngôi thành uy nghi, nay đã theo bóng thời gian mà chìm vào dĩ vãng. Ngày ấy, thành Vĩnh Long  chiếm trọn bốn thôn Long Châu, Long Hồ, Bình Minh và Bình Lữ, thuộc tổng Bình Long, phủ Định Viễn. Năm 1836, vua Minh Mạng cho lập ụ ghe tàu dọc theo bờ sông Long Hồ từ Vàm đến khoảng gần Văn Thánh Miếu. Đến khi Pháp chiếm Vĩnh Long, họ đã san bằng tất cả thành quách, để xây cất những dinh thự mới cho chính phủ thuộc địa. Đi về phía bắc Cổ Chiên, hiện còn nền một ngôi đình nằm sát bên bờ sông Cổ Chiên, gọi là Đình Khao. Theo lời các bô lão trong vùng kể lại thì đình được khởi xây từ năm Gia Long 16 (1817). Đây là chỗ khao quân của các quan đàng cựu. Nơi đây cũng chính là nơi mà các quan triều đình đã hành quyết linh mục Phan Văn Minh, người mà về sau này được Tòa Thánh La Mã phong Thánh Tử Đạo. Sau khi chiếm trọn Nam Kỳ, Pháp đã san bằng Đình Khao, cột kèo thì đem về cất tòa bố Vĩnh Long (nằm ngay trong khuôn trường Trung Học Tống Phước Hiệp bây giờ). Từ khi ngôi đình bị triệt hạ, nền đất trơ trụi bao quanh bởi mấy gốc dương cổ thụ trơ gan cùng tuế nguyệt, vừa chứng kiến những thăng trầm của lịch sử, mà cũng vừa thách thức thiên nhiên. Nhưng rồi một thời gian sau thì nước dòng Cổ Chiên cũng cuống phăng mất bờ dương và những mô súng thần công. Dân chúng trong vùng thấy vậy dựng lên nơi nền đình cũ một ngôi chùa gọi là Bảo Tâm Tự. Hiện tại trong chùa người ta còn thờ “Cây Dầm Thiêng Liêng” của ông Đạo Ngà, vị tổ khai sơn ngôi Bảo Tâm Tự. Ngôi chùa Bảo Tâm cũng nhiều phen thăng trầm với dòng sinh mệnh của nhân dân Vĩnh Long. Có một thời khi Pháp vừa tái chiếm lại miền Nam, trong khi đi tuần trên lộ Cổ Chiên, một viên thiếu úy Pháp đã vướng phải lựu đạn của thanh niên Tiền Phong mà chết, chúng đã điên cuồng đốt hết cả xóm nhà, khoảng 30 căn, kể cả chùa Bảo Tâm. Năm 1961, cư sĩ Mai văn Nghiệp đã quyên tiền xây dựng lại ngôi chùa trên nền cũ. Ngày nay dù Đình Khao đã không còn, dân chúng trong vùng vẫn lưu luyến với hai chữ “Đình Khao” nên đã đặt bến đò trên sông Cổ Chiên là  đò Đình Khao. Từ chợ Vĩnh Long đi về hướng Cổ Chiên, khoảng 3 cây số, trước khi tới đò Đình Khao bây giờ, bên tả ngạn sông Cổ Chiên, cách bờ khoảng 100 thước, có một cái miếu, mặt tiền hướng về phía rạch Cái Sơn, đây là Miếu Công Thần, trước miếu có đặt một khẩu thần công, xung quanh là những gốc dương cổ thụ. Bên trong miếu có thờ 85 là sắc phong của vua nhà Nguyễn truy phong cho 85 vị khai quốc công thần đã giúp vua Gia Long chiếm được giang sơn từ tay nhà Tây Sơn. Ngày trước sắc phong của chư vị được thờ trong Đình Khao. Sau khi lấn chiếm xong Nam Kỳ, Pháp quân cho triệt hạ Miếu Công Thần, dân chúng trong vùng cho dời 85 sắc phong thần về Thành hoàng Thiềng Đức. Đến năm 1915, Đốc phủ Phạm Văn Tươi, quận trưởng Châu Thành ,Vĩnh Long, đứng ra quyên tiền dựng một ngôi miếu riêng để thờ 85 vị khai quốc công thần của triều Nguyễn. Nhờ bà Phủ Y hợp sức với bà Phủ Tươi vận động nên Soái Phủ Nam Kỳ đã chấp thuận cho xây lại miếu Công Thần trên cuộc đất của điền chủ Nguyễn Văn Kỹ vào năm 1918. Ngày nay ngôi miếu này vẫn còn khói hương nghi ngút. Dưới thời Gia Long, tại vàm sông Cái Cá, bên bờ sông Cổ Chiên, có ngôi đình làng Tân Giai, là ngôi đình lớn nhất Vĩnh Long thời bấy giờ. Mặt tiền đình hướng ra bờ sông lớn. Trong suốt thời gian Pháp chiếm Nam Kỳ, ngôi đình vẫn sừng sững trơ gan thách đố. Tuy nhiên, ngôi đình lại bị nước sông Cổ Chiên xoáy lở nên ban Hội Tề trong làng, trong đó có ông Ngô Văn Công, quyết định dời ngôi đình vào sâu trong đất liền, gần mé rạch Cái Cá và cầu Kinh Cụt. Năm 1962, chánh điện của đình bị phát cháy làm hư hao một phần lớn ngôi đình. Dân tộc Việt Nam có truyền thống sống rất gần gủi với mái chùa hay ngôi đình làng, nên sau vụ hỏa hoạn ngôi đình đã được tái thiết và hiện nay lúc nào ngôi đình cũng khói hương nghi ngút. Dân cư ở Vĩnh Long thì đại đa số là người Việt (Kinh) chiếm trên 95%, họ sinh sống bằng đủ thứ ngành nghề từ những nghề  chuyên môn, đến nghề văn phòng, thầy giáo và ngay cả buôn bán, nhưng đa số vẫn làm nghề nông, và sống một cuộc sống thật đơn sơ mộc mạc.

Tôn giáo chính là Phật giáo chiếm đa số, kế đó là Hòa Hảo, Thiên Chúa, Tin Lành và Cao Đài. Một thiểu số nhỏ là người Việt gốc Miên, chiếm khoảng gần 3% dân số toàn tỉnh, hiện đang sống nhiều ở vùng Tam Bình, Vũng Liêm và Trà Ôn, đa phần làm ruộng rẫy, và tôn giáo chính của họ là Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada). Họ sống thành từng “sóc,” mỗi sóc đều có một ngôi chùa và vị lục cả rất có uy tín với dân trong sóc. Tuy nói là theo đạo Phật, nhưng đa số người Việt gốc Miên còn chịu ảnh hưởng của những tập tục cổ truyền mê tín dị đoan như bùa, ngải, thư tôm, trù ếm, vân vân. Vì theo Phật giáo Nguyên Thủy nên tất cả những người xuất gia đều ăn mặn; tuy nhiên, họ cử ăn những con thú như chó, rắn, rùa, voi, ngựa, cọp, beo, vân vân. Ngày nay họ cũng ăn tết dương lịch nhưng vẫn giữ ngày tết chính của họ vào khoảng 15 tháng tư dương lịch là ngày Chaul Chnam Thmay. Ngoài ra người Miên còn có nhiều lễ hội khác như lễ cúng Ông Bà (lễ Đôlta) từ 29 tháng 8 đến 1 tháng 9 âm lịch, lễ cúng Trăng (Ók-Om-Bok và đua ghe ngo) vào ngày 15 tháng 10 âm lịch. Tuy chiếm tỷ lệ nhỏ dân số, nhưng người Việt gốc Miên là dân tộc có nhiều lễ hội nhất trong số những dân tộc sống trong tỉnh Vĩnh Long. Vào những ngày lễ hội, người Việt gốc Miên thường tổ chức hoặc đua ghe, hoặc nhảy múa theo điệu “lam thôn.” Thường thì lời ca theo nhịp của họ gần giống như điệu hò ca dao và thơ của người Việt. Người Miên có ngôn ngữ và chữ viết riêng, theo lối chữ Sanscrit (chữ Phạn), nhưng ngày nay đa số cũng theo học chữ quốc ngữ và hòa đồng vào lối sống của người Việt. Chúng ta ít thấy ở Vĩnh Long những ngôi chùa Miên cổ kính, nhưng càng đi về hướng Trà Vinh thì càng có nhiều ngôi chùa Miên với lối kiến trúc và nghệ thuật trang trí thật độc đáo. Người Miên ở Vĩnh Long có một sắc thái đặc biệt hơn người Miên ở những nơi khác, vì Vĩnh Long là vùng  sông nước mênh mông, là xứ của những dòng sông, là một thế giới nước, vì chính hai con sông lớn đã ôm trọn tỉnh này vào lòng, nên lễ hội của người Khmer tại đây hãy còn phưởng phất nhiều dấu ấn của những câu chuyện thần kỳ về thần Nagar (thần rắn) của Vương Quốc Phù Nam vào những năm đầu công nguyên hơn là sinh hoạt của anh em họ tại vùng Lục Chân Lạp (Cao Miên ngày nay). Sau cùng là người Việt gốc Hoa, chiếm khoảng trên 2% dân số toàn tỉnh, đa số họ làm nghề buôn bán ở các phố chợ, và tôn giáo chính của họ là Phật giáo Bắc tông. Người Việt gốc Hoa có một đặc điểm là dù họ ở đâu, họ cũng mở trường dạy tiếng Hoa cho con cháu của họ và dù làm gì đi nữa bên ngoài xã hội, đến khi về nhà họ chỉ nói tiếng Hoa chứ không nói tiếng Việt. Người Việt gốc Hoa ở Vĩnh Long cũng như hầu hết người Việt gốc Hoa ở các nơi khác, họ sống co cụm thành nhóm và lập thành những bang hội, mỗi bang có một bang trưởng lãnh đạo. Họ sống rất đoàn kết, nếu cần thì bang của họ có thể đứng ra giúp đở về tài chánh để họ cùng làm ăn vươn lên với nhau. Chính vì vậy mà đa phần họ làm kinh tế rất mạnh. Dinh Long Hồ khi xưa là một dinh lớn của miền Nam, sau này cũng là một tỉnh lớn trong Nam Kỳ Lục Tỉnh. Dĩ nhiên, Vĩnh Long tổ chức rất quy mô về mọi mặt từ hành chánh, đến văn hóa và quân sự. Thành lũy thì kiên cố. Ngày nay chúng ta cũng còn thấy rãi rác khắp nơi trong tỉnh những khẩu thần công của cựu trào. Ngay tại Văn Thánh Miếu bây giờ vẫn còn hai ba khẩu thần công, trên đường đi bắc Đình Khao cũng có vài khẩu. Vĩnh Long là đất văn vật từ xưa trong đất Nam Kỳ. Chẳng những Vĩnh Long có nhiều di tích lịch sử quý báu, mà cho tới bây giờ Vĩnh Long vẫn còn là đất của trai thanh gái lịch. Ngay trong thời Pháp thuộc, dù phải ôm hận vong quốc, dù không trực diện với quân thù bằng súng đạn, người Vĩnh Long luôn có sức đối kháng bằng lòng kiên nhẫn, qua cuộc sống cần cù và khắc phục mọi hoàn cảnh, dù hoàn cảnh có khó khăn cơ cực đến đâu.

Người Long Hồ

Trần Ngọc Em, đệ nhất B(NK69)

 

 

 

 

Có 6 bình luận về Đình chùa miễu trên đất Vĩnh

  1. Đoàn Xuân Kiên nói:

    Chưa thấy  Người Long Hồ kể tới ngôi chùa/trụ sở hội Phật học VL toạ lạc tại khoảng đất rộng  nằm trên đường từ Bắc Mỹ Thuận về  Vĩnh Long. Trước 1975 tôi có đến vãn cảnh chùa cùng bác Tâm.  Tủ sách Phật học ở đó thật là lớn. Không biết nay chùa còn không?

     

    • Luong Minh nói:

      Bây giờ không có Hội Phật học mà có VP của tỉnh Hội Phật giáo tỉnh VL đóng tại chùa Giác Thiên, đường trần Phú (Văn thánh cũ). Chùa mà thầy đề cập đến là Bảo tháp Xá Lợi miền Tây (Công trình này do ông Duơng Hiếu Nghĩa khởi xướng) đến nay vẫn chưa xong. Nơi này bây giờ là một chùa, sách kinh có nhưng không nhiều như thầy đã biết. Có lẽ vì mang tên bảo tháp nên Người Long hồ không đưa vào danh mục chùa của tỉnh.

  2. Mình góp vào đây một ý nhỏ về Nhà Thờ Lớn (Nhà thờ Chính Tòa).

    Do nhà mình ở hẻm Huyện Cự, nay là đường Lê thị Hồng Gấm, kế bên nhà thờ nên mình biết việc xây dựng khởi công năm 1965, cuối năm 1969 khi mình lên SG học công trình vẫn chưa xong. Nhà thờ nầy đặc biệt ở chỗ ngay dưới tháp chuông có đào và xây một cái hầm miệng hình tròn đường kính khoảng 5 – 6m, sâu khoảng 5 – 6m. Mình nghĩ cái hầm nầy có tác động giống như thùng của cây đàn guitar, nó giúp trổi các âm mà người thiết kế muốn trổi, như vậy làm cho tiếng chuông thanh và vang xa(?). Theo một bạn ở VL quản tòa đã cho bịt hầm lại. Không biết vì sao?

  3. Đoàn Xuân Kiên nói:

    Nhờ LM nhắc tôi mới nhớ ra tên đúng của công trình xây dựng dang dở ấy. Cảm ơn nhiều.

    Cũng nhân nói chuyện Văn Thánh Miếu, những ngày sau 30/4, tôi có vô trong VTM vài lần, đau nhói lòng khi nhìn thấy tượng đồng cụ Phan Thanh Giản bị hạ bệ, đút trong xó. Mấy chục năm sau mới thấy hội thảo về triều Nguyễn, và có “xét lại” các nhân vật thời này, trong đó có cụ Phan. Thế thì tượng đồng của cụ đã lên lại trên bệ chưa nhỉ?

     

    • Luong Minh nói:

      Thưa thầy, tượng Phan Thanh Giản mà thầy đề cập không biết là tượng nào, chứ hiện nay Văn Thánh Miếu vẫn còn tượng cụ Phan do thủ tướng Võ Văn kiệt tặng. Còn có 1 tượng Phan Thanh Giản tại ngã tư gần Nhà thương (đường PTG cũ) thì hiện nay nằm trong Bảo Tàng Vĩnh Long. Tượng này bị lính Nam triều nhậu say bắn lủng lổ trước năm 1975 chưa có kế hoạch phúc chế lại. Tác giả bức tượng là một điêu khắc gia (đã chết) ở Phường 2,TP.Vĩnh Long.
      Một thông tin mới là tháng 7, tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức Hội Thảo về Phan Thanh Giản nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của cụ.(1867-2017)
      Lương Minh

      • Đoàn Xuân Kiên nói:

        Tượng bán thân cụ Phan trong VTM là tượng đồng đen đội mũ cánh chuồn.  Trong cơn bão lốc, có lẽ nhiều tượng đồng, bộ đồ thờ… bị vô lò luyện kim…  Đến nay có phải đã “tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời” chưa nhỉ!?…

Trả lời Đoàn Xuân Kiên Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác