BÁNH ƯỚT THỊT NƯỚNG

Ngày đăng: 22/06/2017 10:04:25 Chiều/ ý kiến phản hồi (9)

Nếu bánh khoái Huế cũng tương tự như bánh xèo của miền Nam thì bánh ướt thịt nướng cũng gần giống như bánh cuốn của miền Bắc. Nếu nhân của bánh cuốn là thịt bằm, mộc nhĩ, hành thì nhân của bánh ướt là thịt nướng. Vỏ bánh là bột gạo được tráng trên nồi hấp, ngày nay để nhanh và giản tiện hơn thì các bà nội trợ, nhất là các bà ở ngoại quốc thường dùng chảo chống dính (non-stick). Có điều cần chú ý là để không bị rách khi gói thịt nướng, bánh ướt thường được tráng dầy hơn bánh cuốn.
Bánh ướt thịt nướng không chấm nước mắm chanh ớt như các loại bánh khác mà lại được chấm với nước lèo làm bằng tương, theo như công thức của Hương Cau.

BÁNH ƯỚT THỊT NƯỚNG 
0 banh 1                  

A/ CÔNG THỨC BÁNH ƯỚT THỊT NƯỚNG (15 bánh)

I/ VẬT LIỆU

0 banh 2                    

1/ Bánh ướt
– 1 bát ăn cơm bột gạo
– 1/2 bát ăn cơm bột năng
– 2,5 chén ăn cơm nước ấm
– một chút muối

2/ Thịt nướng
– 300g thịt gáy hoặc thịt đùi
– 3 muỗng cà phê đầy đường
– 1 muỗng cà phê muối
– 2 muỗng canh dầu ăn
– 1 muỗng canh hành băm thật nhuyễn
– 2 muỗng cà phê xã bằm nhuyễn
– 2 muỗng canh nước màu, nếu mua được loại xì dầu ngọt KetJap Manis của Nam Dương thì tốt nhất
– tiêu
– mè sống nguyên hột

II/ CÁCH LÀM

1/ Phần thịt

0 banh 3                         
(Theo chiều kim đồng hồ)
– Thịt thái miếng mỏng và lớn bản
– Ướp tất cả các gia vị vào trừ mè, trộn thật đều để vài tiếng cho thịt ngấm, tốt nhất là để qua đêm trong tủ lạnh.
– Cho thịt vào vĩ, dàn ra cho đều. Rắc mè trên hai mặt của vĩ  và đem nướng bằng than hoặc trong lò nướng 200 độ.
– Để hứng mỡ chảy xuống cũng như để thịt không bị khô và xác nên đặt một khay nước ở phía dưới. Khi thấy thịt đã vàng cả hai mặt là được.
– Lấy thịt ra, để trên dĩa sẵn sàng.
2/ Phần bột

0 banh 14
(Theo chiều kim đồng hồ)
– Trộn bột với nước và ấm cùng một chút muối cho thật đều, để chừng nửa tiếng thì bắt đầu đổ bánh.
– Dùng một cái chảo non-stick, nếu có chảo không có cạnh cao thì càng tốt vì khi bánh chín sẽ dễ lấy bánh ra khỏi chảo hơn.
– Bắc chảo đã quét một lớp thật mỏng dầu ăn ( chỉ làm lần đầu duy nhất, những lần kế tiếp không cần quét dầu) lên bếp, chờ chảo thật nóng.
Nhấc chảo ra khỏi bếp, đổ một vá bột đầy vào chảo rồi thật nhanh đổ bột dư từ chảo vào lại tô bột, càng nhanh tay thì bánh sẽ càng mỏng.
– Đặt chảo lại trên bếp, đậy nắp chảo lại, xem chừng, thấy bánh chín, úp chảo bánh lên trên một cái thớt hoặc cái khay có thoa một chút dầu ăn, bánh sẽ tróc dễ dàng khỏi chảo.
– Xắp một cọng ngò, vài miếng thịt nướng vào giữ cái bánh và cuốn bánh lại như cuốn bánh cuốn là xong.

Thành quả

0 banh 5

B / CÁCH LÀM NƯỚC CHẤM (công thức của HƯƠNG CAU)
– Vo nếp nấu thành xôi nhão, đem xay thật nhuyễn
– Tôm lột vỏ, lấy dây đen ở lưng, đem xay nhuyễn
– Hành tỏi đem xay nhuyễn, để riêng
– Cho dầu vào chảo, phi hành cho đến khi gần vàng thì cho tỏi vào phi cho vàng
– Cho tôm đã xay vào xào chung với hành tỏi cho tôm chín, để nguội
– Xay hỗn hợp tôm với nếp đã xay một lần nữa
– Bỏ vào nồi để nấu cho sôi, cho tương (tương Việt Nam hoặc Hoi sin sauce) vào nấu tiếp. Nếu hỗn hợp đặc quá thì cho thêm nước vào để có nước chấm sanh sánh (không loãng mà cũng không đặc quá), nêm nếm với đường, muối, tiêu cho vừa miệng là được.

Công thức và Hình Ảnh : Lê Thân Hồng Khanh

Có 9 bình luận về BÁNH ƯỚT THỊT NƯỚNG

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Ở nhà em cũng có tráng bánh ướt như Cô hướng dẫn, nhưn thì chỉ thịt  hoặc tôm bằm đơn giản, nhưng má em và các cháu ngoại cháu nội thì chỉ thích bánh không nhân, cho vào ít giá trụng ít rau rồi chan nước mắm pha nhạt, làm nhưn bị ế hoài, hì hì…

    Cảm ơn bánh ướt bài bản đủ chất của Cô.

    • Bánh ướt ăn với giá, rau thơm, dưa leo sắt nhỏ chả lụa, chan nước mắm chua ngọt như em nói thì cũng ngon lắm, cô cũng thích ăn như vậy. Nếu có thêm một cái bánh cống ăn kèm thì tuyệt diệu. Con trai và con gái của cô lại thích ăn bánh cuốn có nhân thịt và mộc nhĩ. Mỗi người một khẩu vị nhưng tựu chung đều là bánh ướt hoặc bánh cuốn cả.

  2. Lyhuong nói:

    Thưa Cô,đi ăn ở quán thức ăn Huế thì họ bảo nước chấm pha giữa gan và tương bần ,nhưng em sẽ làm theo cách của Cô vì em nghĩ có tôm sẽ thơm và hậu ngọt nhẹ hơn .Kính chúc Cô súc khỏe.

  3. Lyhuong nói:

    Thưa cô,ở các quán bán món Huế họ nói nước chấm làm từ gan và tương bần ,nhưng em sẽ làm theo công thức của Cô vì em nghĩ có tôm sẽ thơm và hậu ngọt nhẹ hơn .Kính chúc Cô sức khỏe.Em Lý hương.

    • Ngày xưa khi còn ở VN, má cô thường làm nước tương mà người Huế gọi là nước lèo để chấm với nem nướng hoặc bánh khoái Huế thường có cả tôm lẫn gan. Em cứ thử làm, nếu thứ nào hợp với khẩu vị thì dùng. Cùng một loại nước chấm nhưng mỗi người khi làm đều thay đổi đi một chút.

  4. Hoành Châu nói:

    Em lại thích nhưn  thịt , tôm  tươi ,,  với điều kiện nước mắm pha cho thật ngon   hấp dẫn,,, là đật yêu cầu    .
    Hoành Châu ( Gia đình C  )

    • Bánh cuốn nhân tôm thịt cũng rất ngon, ở Thanh Hoá còn có món bánh cuốn nhân tôm tươi được gọi là bánh dẻo nhân tôm là đặc sản rất nổi tiếng. Thường người miền Bắc thích vị mặn nên thường chấm bánh cuốn với nước mắm nguyên chất pha chút chanh và ớt.

  5. Yên Dạ Thảo nói:

    Cuối tuần vừa rồi em đi chợ mua thử bịt bột làm bánh cuốn được sản xuất từ VN, em theo công thức là pha dầu ăn vào bột! Kết quả là bột bị chảy re khi chế lên chảo non-stick.

    Ngày xưa ở Hải ngoại không có nước mắm VN, nên dường như ai cũng thích ăn nước mắm hình con mực của Thái Lan! Bây giờ trong các siêu thị người Hoa và Việt bày bán nhiều loại nước mắm VN rất ngon . Gần đây em mua nước mắm Chin-Su và nước mắm nhỉ của Hải Yến,  thơm và dịu,  không quá nồng nùi và không quá mặn! Em dùng pha chếđể ăn với bánh cuốn rất ngon .

    Em nhớ lại lúc ở Đà Nẵng bị nạn cá chết, em nghe người ta đồn rằng các năm sau nầy VN mình sẽ không có cá làm nước mắm, và nếu có thì là cá nhiễm độc! Em sợ quá nên mua dự trữ mỗi thứ hơn 5 chai! Sống ở  hải ngoại đến nay mà em vẫn chưa quên được chuyện lo xa “Đầu cơ tích trử” của thời gạo châu củi quế trước khi em rời VN.

    Chưa bao giờ em ăn món bánh cuốn thịt nướng!Em cám ơn recipe của cô, em sẽ theo công thức nầy để làm thử .

     

     

     

    • Thường là phải đợi chảo nóng thì mới đổ bột vào, nếu chảo quá nóng thì mặt bánh sẽ bị lổ chỗ, không mịn, nếu chảo không đủ nóng thì bánh sẽ dầy vì phải đợi bột bám vào chảo hơi lâu trước khi trút bột dư ra khỏi chảo.

      Làm một vài cái sẽ có kinh nghiệm về độ nóng cần thiết của chảo để có thể đổ bánh cho ngon, cho đẹp. Chảo vừa đủ nóng, nhấc chảo khỏi bếp, nhớ đổ một vá bột thật đầy vào chảo và sau đó thật nhanh tay đổ số bột dư ra khỏi chảo rồi mới đặt chảo vào bếp và đậy nắp lại. Chờ bánh chín, mở nắp và đổ bánh lên khay hoặc thớt có thoa chút dầu.

      Cô tin là với kiến thức nấu ăn sẵn có, Yên Dạ Thảo sẽ thành công dễ dàng. Nhớ chụp và gởi cho cô hình thành quả nhé. Cám ơn em trước.

Trả lời Nguyễn Thị Hạnh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác