NHỮNG CÂY CẦU “ĐỘC ĐÁO” Ở SÀI GÒN
Được một bạn ở Vĩnh Long báo tin, tỉnh nhà đang giải tỏa khu bờ sông nối liền cầu Lộ và cầu Cái Cá (phía bờ có rạp Vũ Đông) để làm công viên, biến Vĩnh Long thành Thành phố của những dòng sông.
Khi nói đến chữ “cầu” chúng ta thường hay nghĩ đến đồng bằng sông Cửu Long, đến các tỉnh “Miền Tây Sông Nước” với nào là: cầu tre lắc lẽo, gập ghềnh khó đi… hay cây cầu dừa sớm nắng, chiều mưa… cầu khỉ… Thật ra phải nói Q8 và một số nơi khác ở Sài Gòn mới sở hữu những cây cầu “độc, lạ, ít đụng hàng!”
Trước đây, để từ nội thành (Q5) sang Quận 8 phải qua một trong hai cây cầu: cầu chữ Y hay cầu Chà Và. Người Việt ta vốn thông minh. Thí dụ như có ai hỏi tôi đường Phạm Thế Hiển, trục đường chính của quận 8 ở đâu, tôi chỉ cần nói, “Đi qua cầu chữ i rồi…” mà người hỏi đường vẫn đi đúng! Hiếm có ai nói “cầu chữ i dài”, hay “cầu chữ i Grec” cho chính xác. Xét cho cùng cây cầu nào lại không có dạng chữ i, hoặc chữ i với đường cong mềm mại? Toán là khoa học chính xác. Tôi nhớ thầy dạy toán cho tôi khi viết phương trình: Y= ƒ (x) vẫn đọc: “i Grec bằng ép-phờ ík-sờ”. Các bạn tôi khi học cố tình gọi đùa là “i cà lết”. Không biết mấy thầy dạy toán hiện nay có còn giữ được truyền thống chính xác này? Cầu chữ Y được gọi như vậy vì dạng của nó: Từ phía Q5 sang cầu đâm hai nhánh, nhánh phải sang khu Chánh Hưng, nhánh trái sang khu Phạm Thế Hiển (PTH) cùng của Quận 8. Cầu chữ Y do hãng Eiffel của Pháp xây vào cuối những năm 1930. Hiện nay với khối lượng lưu thông dày đặc cầu chữ Y nhiều năm nay đã bộc lộ khuyết điểm dễ bị tắc nghẽn giao thông ngay trên ngã ba cầu như trong trường hợp người từ Quận 5 muốn sang khu Phạm Thế Hiển, Q8 sẽ bị người đi từ khu Hưng Phú, Q8 muốn sang Q5 cản đường.
Cực đông của Q8, ngay đầu đường PTH, cách cầu chữ Y khoảng 500m có cầu Nguyễn Văn Cừ mới xây nối đường Dương Bá Trạc, Q8 với đường Nguyễn văn Cừ ( đường Cộng Hòa cũ), ranh giữa Q5 và Q1 và bến Vân Đồn (Q.4). Cầu Nguyễn Văn Cừ là cầu chữ Y thế hệ mới với những nhánh rẽ giúp xe chạy trên cầu không cắt đường nhau làm ùn tắc giao thông trên cầu. Hiện nay cầu đang được xây thêm hai nhánh rẽ giúp xe chạy trên cầu có thể chạy trực tiếp xuống bến Hàm Tử và bến Chương Dương (2 bến này nay hợp nhất thành đại lộ Võ Văn Kiệt), và theo chiều ngược lại. Phải quan sát kiến trúc cầu này và so với phiên bản cũ là cầu chữ Y để biết con người ngày nay tiến bộ dường nào.
Cây cầu thứ nhì dẫn từ nội thành sang Q8 là cầu Chà Và. Cầu nối liền đường Tổng Đốc Phương, Chợ Lớn (đường Tổng Đốc Phương nay gọi là Châu văn Liêm thuộc Q5) với đường Tùng Thiện Vương, Q8. Theo một thông tin trên Net sở dĩ cầu được gọi như vậy là do gần đấy hồi xưa có khu buôn bán vải của người Chà Bombay (Ấn Độ) và còn có rạp Phi Long chuyên chiếu phim Ấn. Tại phường 1, Q8 có một cộng đồng những người Hồi giáo, dân địa phương gọi là xóm Chà. Một số người miền Nam gọi những người sống trong cộng đồng này là người Chà Châu Giang, nhưng chính quyền hiện nay lại sử dụng từ chính thức cho sắc tộc nầy là “Người Chăm”. Nếu sử dụng như thế sẽ khiến ngộ nhận với người Chăm Ninh Thuận, Phan Rang vốn đã sinh sống ở nước ta, đã được gọi như vậy từ lâu và hai sắc tộc nầy rất khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, nhất là tôn giáo. Cầu Chà Và cũng do hãng Eiffel xây theo thiết kế cầu quay với những trụ đỡ nhịp giữa thật to, thật vững chắc, có hệ thống bánh răng và dây xên có thể nâng toàn bộ nhịp giữa lên cao thêm khoảng 3 mét, tạo độ thông thuyền cao giúp xà lan, ghe lớn có thể lưu thông trên kinh Tàu Hũ vốn hẹp nhưng giữ vai trò quan trọng trong giao thông thủy. Cầu Chà Và nay đã được xây mới dạng vĩnh cửu to và rộng.
Hoàng Long
H1
H2
H3
Nhà của cô ở Bến Hàm Tử nên đi ra cầu chữ Y rất gần, khi còn đi học, cô có bạn ở vùng Chánh Hưng nên thường phóng xe velo solex qua cầu chữ Y để tới chơi nhà bạn. Ngày đó sao thấy Chánh Hưng xa xôi quá, giống như ở miền quê. Ngày nay chắc vùng Chánh Hưng sầm uất lắm, cũng cả nửa thế kỷ rồi nên mọi nơi đều đã đổi thay.
Trước 1975, theo em nghĩ đường Hưng Phú của khu Chánh Hưng là đẹp nhất quận 8 vì đường tráng nhựa phẳng phiu, tuy có hơi hẹp, nhưng 2 bên đường có cây cao, bóng mát, và cũng ít xe. Xe Velo lên dốc cầu chữ Y chắc phải đạp phụ nhưng khi đổ dốc Hưng Phú thì tha hồ vi vút (giống như Louis de Funes trong phim Le Gendarme en Ballade).
Cô có nhìn ra khu nhà cũ của Cô trong H2? Tòa nhà nhỏ, màu trắng sát góc trên bên trái H2, gần building ở dưới sơn màu đỏ, là trường tiểu học Hàm Tử.
Nếu em không nói, cô không thể nhìn ra được khu cô ở ngày xưa. Cô nghe nói là khu này trong tương lai sẽ bị giải toả đi rất nhiều để làm đường xa lộ. Nếu đúng như vậy thì thật là buồn vì nếu có dịp trở về thăm nhà xưa, chốn cũ sẽ không còn thấy gì nữa. Biết là với thời gian, vật đổi sao rời nhưng khi nghĩ đến không khỏi ngậm ngùi.
Đọc bài của Nguyễn hoàng Long, cô cố hình dung lại “Con đường xưa em đi”
Anh Hoàng Long giỏi thật hiểu biết nhiều , trí nhớ tốt em có biết cầu chữ Y , cầu Chả Và , những năm sau nầy em hay lên Sài Gòn thăm ông chú ở đường An Bình ,hay đi ngang nhà Hàng Đồng Khánh . Quận 5 đa số là người Hoa ,nhìn phố xá nhà cửa rất là sầm uất.
Cô Lài muốn biết nhiều về đường An Bình xin hỏi cô Trí.
Hoành Châu đã được qua cây cầu chữ “Yêu ‘ này ( một lần duy nhất ) khoảng năm 1990, lúc tham dự khóa WORKSHOP toàn quốc cùng với các chuyên gia nước ngoài ( 2 tháng ) tại Trường Trung Ương Nguyễn Chí Thanh (TPHCM ).
Hoành Châu (Gia đình C )
Ước gì cầu Chữ Y được là cầu Chữ Yêu. Nếu được là như thế thì tôi sung sướng lắm lắm, nhất là lúc nầy già rồi, hơi bị khô khan.
Cám ơn bài viết của anh, nhờ vậy em biết rõ hơn những cây cầu độc đáo ở SG.
Anh Long này, nếu nó là cầu chữ YEU thì sẽ giúp gì cho người già, khô khan được sung sướng nhỉ?