ĐI CHÙA
1.Sống gần hết đời người, tôi chưa hề biết đi chùa là gì. Đó là đi chùa một cách đúng nghĩa, tức là lạy Phật, thắp nhang, đọc hay nghe tụng một hồi kinh nào đó. Tôi vốn sinh ra trong gia đình Phật tử, bà cô – chị ông nội tôi làm trụ trì một ngôi chùa lớn nhất huyện, cô ba tôi cũng vậy và rồi những người bà con tôi có nhiều người xuất gia và làm trụ trì. Tôi thường đến chùa để cúng giỗ, ông nội tôi, ba tôi đều nương nhờ cửa Phật, an nghỉ trên đất chùa. Những ngày giổ tôi đến chùa thắp hương, lạy Phật xem đó là một nghi thức phải có, trước khi mình cúng lạy ông bà.
Không đi chùa ngày mùng 1 và ngày rằm, nhưng chuyện trong chùa tôi biết khá nhiều. Cô tôi một vị trụ trì sùng đạo nhưng không hiểu lý kinh kệ, chỉ sống hết mình cho Phật sự, bà làm việc chùa từ sáng đến tối như một tín đồ làm công quả. Nhớ lại, lúc còn là trụ trì chùa P.T bà năn nỉ con cháu gom tiền cho bà để bà đi Vũng Tàu thỉnh tượng Phật về thờ, thuê họa sĩ vẽ sự tích Phật Thích ca trên tường trong chánh điện để trang hoàng cho đẹp. Tôi hỏi cô, nếu không ai cúng dường, ủng hộ việc làm của cô thì thôi, hà tất cô phải xin tiền con cháu làm gì cho thêm phiền. Cô bảo, chùa người ta đâu đâu cũng đều sửa sang đẹp đẻ, nếu chùa mình sơ sài Phật tử không tới. Tôi nghĩ, chẳng lẽ người ta đến với Phật cũng vì hình tướng bên ngoài hay sao ? Cửa tiệm có sang, có đẹp, trưng bày nhiều hàng mới có khách ! Mấy đứa cháu tuy không đồng ý với cô mình, bà mình, chúng cũng gửi tiền cho cô để sư cô được toại nguyện, dù sao cô cũng gần đất xa trời, giúp cho cô vui sống vài năm cũng là việc làm hiếu để, chứ chúng ở nước ngoài tin gì sự phù hộ của chư vị Bồ Tát.
2.Cách nay vài năm, khi tôi đi ngang qua ngôi chùa nghèo ở xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, thấy có cây đa to, cảnh đẹp dừng lại chụp hình. Sư trụ trì bước ra trò chuyện, nói về lịch sử ngôi chùa. Chùa nhỏ, vắng vẻ nhưng lại có tổ chức cho Phật tử tu bát quan trai giới cho tín đồ ở xa. Thầy chiêu tập một tháng vài ngày chỉ hướng dẫn cách tu, còn giáo lý thì thầy biết chi dạy nấy. Phật tử quanh vùng thừa nhận thầy là người rất đạo hạnh, tu từ lúc ba tuổi , đến nay gần bảy mươi tuổi, phẩm trật cũng cao nhưng chưa từng qua lớp cao cấp Phật học nào ! Thầy cho biết, đôi lúc cũng muốn thỉnh quý sư giảng viên ở thành phố Hồ Chí Minh về thuyết pháp cho tín đồ nghe nhưng rồi bỏ phong bì 500 ngàn cho giảng sư tiền xe, chuyến sau giảng sư không dám xuống. Cứ tưởng chuyện tiền nong chỉ quan trọng ở chốn ta bà nào hay ở cửa Thiền cũng y chang như vậy !
3.Về Vĩnh Long nghe chúng bạn kháo nhau ở chùa Sơn An, huyện Long Hồ có mở phòng thuốc phước thiện, hôm đó có tổng kết rủ tôi đi dự. Đi chùa cúng bái thì ngại chứ viếng chùa ngắm cảnh thì rất hoan hỉ, thế là lên đường. Chùa không lớn, cũng không là “cổ tự” nhưng quanh chùa là một vườn lan to với đủ các loại lan. Nghe đâu sư trụ trì là thầy Thích Tịnh Hòa từ ngày về đây đã làm cho chùa ngày càng đông tín đồ với các hoạt động Phật sự rất là sôi nổi. Nào là bữa ăn từ thiện, rồi khám bệnh phát thuốc miễn phí.v.v Chương trình lễ tổng kết chấm dứt, chùa mời quan khách độ chay, thầy Tịnh Hòa vừa mời vừa giới thiệu với các món mà thầy cho là món chay Hongkong, còn đầu bếp ở Sài thành.
Món ăn nào cũng ngon, tôi từng ăn chay nhiều chùa nhưng chưa thấy ở đâu ngon bằng, phải chăng đây là những món đắt tiền dành cho khách quý, mà các nhà hàng chay ở thành phố đã từng nấu (?) Tôi nghĩ, bậc tu hành thì đâu cần gì thức ăn ngon, nhưng hàng chúng sinh như tôi thì càng ngon càng tốt, vấn đề là làm thế nào để có thể duy trì việc ăn ngon mà nhà chùa không phá sản là được. Nhìn qua đám bạn vô thần, chẳng biết Phật Chúa là gì, thế mà hôm nay nhiều ông nói sẽ đi chùa hàng tháng để được thưởng thức món chay, nghĩ cũng lạ. Thầy vui vẻ trả lời nếu các anh, các chú muốn là được. Ôi! Chẳng lẽ ăn ngon lại là một trong tám mươi bốn ngàn pháp môn của Phật ? Nó thu hút người ta đến cửa Thiền.
Thức ăn ngon nam nữ đều chuộng, nhưng hoa đẹp thì hấp dẫn tín nữ hơn. Đi chùa vào chánh điện muơi phút, người đẹp ở ngoài vườn hoa hơn một tiếng. Nào là ngắm hoa, chụp hình bên hoa để đưa lên phây, tôi nghĩ phải chăng đây là bước đầu dẫn con người về với cõi Phật. Hôm nay, các cô đi chùa không nghe pháp, lâu dần đi chùa biết kính tăng, tính tình sửa đổi khi nào chẳng biết. Không biết thầy Tịnh Hòa có nghĩ vậy không, chứ nhìn vườn lan và khu vưc nuôi chim quý ở chùa Sơn An thì suy đoán thầy bỏ ra nhiều công sức, hy sinh thời giờ để tu tập nếu không phải vì mục tiêu hoằng pháp ?
Lương Minh. ảnh Trương Phú
(bài đăng tạp chí Hương Thiền, số Phật Đản 2017 )
h3
h4
Sao lại nuôi chim trong chùa? Mình thật sự không hiểu!
Nuôi Chim = Chay
Ăn Chim = Mặn
Theo chân ông Minh Lương viếng chùa Sơn An, quả tình y lời ông tâm sự gởi đến các bạn. Sư, thầy, tiếp đón nồng hậu, đãi khách với cung cách quý trọng, thức ăn trình bày tựa nhà hàng chuyên đãi chay, xin lưu ý dạng nhà hàng không dám nói cao cấp, nhưng là đẳng cấp thực sự khi độ cơm. Trong khuôn viên chùa, hoa lan các loại, nhiều nhất là dentro, kế đến venda và cattleya, và hồ điệp, các cây trổ hoa có lẽ quanh năm, vì vài lần viếng theo các tháng khác nhau, đều thấy hoa nở. Ngoài thuốc nam, chùa cho thân nhân người quá vãng gởi cốt, thầy không lấy tiền gởi cốt, viêc này tôi nghe đồ chúng kể lại. Còn chuyện này mới hay, thầy nuôi 3 con chim, loại khổng tước, trước yên vị trong chuồng, sau đó thầy cho xuống sân dạo chơi, nay bị trộm mất tiêu, chỉ còn lại đám chim cưởng, sáo, không biết ở đâu, tụ lại bay nhảy thường xuyên trong sân chùa.
viếng chùa, vái Phật thì cảm thấy an tâm, sung sướng, được thầy cho dự buổi ” Dược thực” quả tình sướng nhất cái miệng, êm êm cái bụng, phải không ông Lương Minh và các bạn đã từng theo chân ông vô chùa.
Nhờ bạn nói mình xem hình lại mới nhớ cách đây vài tháng ở thành phố có con chim khổng tước đứng trên cột điện. Chim nầy rất “khờ” nên bị người dân bắt (có đăng trên facebook). Sau đó mình nghe nói có nhà sư của một chùa đến xin nhận chim lại vì là chim chùa nuôi, và người dân đã trả chim lại. Không biết có phải là chim chùa Sơn An?
Hoàng Long cập nhật thông tin rất chính xác
Đúng là chim của thầy, thuở trước 3 con trong lồng lưới, sau đó được cho xuống sân dạo trong khoảng đất rộng, có rào chung quanh, rào lưới chỉ cao khoảng 5 tấc. theo tin trên báo, thầy lên TCV xin lại, họ nói thầy nuôi động vật hoang dã không xin giấy phép. Xin hỏi ông LM hiện tại chim của thầy đã về lại chùa chưa vậy ông. Lâu quá tôi không đi chùa.
Chùa chiền thời internet ngoài Phật sự đều phải có kế hoạch marketing, đánh đúng vào tâm lý của tín đồ để có đông người đến dự.
Không phải chỉ có ở Việt Nam mà ở ngoại quốc cũng vậy, thời gian mấy năm trở lại đây rất nhiều chùa đã được xây dựng, thường là ở nơi đô hội, đông người và tiện việc qua lại bằng xe hơi. Dịch vụ của chùa cũng có giá biểu rõ ràng.
Nhớ tiếc lại thời xưa, một cảnh chùa ở một nơi thanh tịnh, dân dã, càng xa nơi đô hội càng tốt, giống như cảnh chùa Long Giáng mà tôi đã được biết đến qua bài văn phải học thuộc lòng ở bậc tiểu học.
Gia đình tôi đạo Phật nhiều đời Khi còn sống , cụ cố tôi hay nhắc, khi đã tu hành thoát tục thì người ta không được nuôi con gì nữa ở trong chùa ( Có dịp tôi sẽ kể lại chuyện sư trụ trì nuôi con nhồng núi , mà tôi đã nghe bà cụ cố tôi kể lại năm xưa )
Ngày nay , để đem Phật tử về chùa mình ( hay về với Phật ) mỗi nhà chùa đều có phương án riêng (làm mới, nuôi thú,trồng hoa cảnh ,nâng cao chất lượng ăn uống …) như làm du lịch vậy. Qua bài viết của anh Lương Minh tôi tự thấy có nhiều suy nghĩ
Ở quê tôi , chùa đặt viên đá đầu tiên xây dựng lại trị giá 17 tỷ đồng. Sau đó chia làm hai phe cũ,mới, Phe mới dẹp bỏ tượng Phật cũ mang tượng Phật mới về giành quyền trụ trì .Phe cũ ” đảo chính” giành lại quyền điều hành, mang tượng Phật về đặt lại vị trí cũ. Kế hoạch xây dựng dỡ dang . Người tu hành chân chính ngán ngẫm
Đạo Phật có cái hay, tín đồ không chấp hành vi của thầy, họ vẫn giữ gìn đạo hạnh được. Có nhiều thầy có vợ con, uống rượu nhưng khi vào chùa hành lễ tín đồ vẫn quỳ tụng theo thầy, xem đó là nghi thức phải có. Còn ra khỏi chùa thì mọi người bình đẳng. Có lẽ họ quan niệm, dù sao có người tụng kinh mình đọc theo vẫn hay hơn để cassette đọc (?)
Dạ thưa Cô, đúng vậy. Chùa chiền ngày xưa được xây dựng nơi u nhàn tĩnh mịch và tu hành rất khổ hạnh… Ngày nay người ta hướng tới thế giới tâm linh, tạo cảnh quang rất thanh lịch, thuận tiện nhiều mặt để thu hút, dẫn dắt người có tâm “thiện” đến cửa “thiền” thông qua nhiều cách như Du lịch tâm linh, mở các khóa tu tập… nhằm tạo chỗ dựa tinh thần,không gian thư giản giảm bớt áp lực trong cuộc sống bộn bề thường nhật.
Đúng như cô của anh LM nói, chùa không đẹp, sơ sài quá Phật tử không tới. Ngày nay ngoài đi chùa lễ Phật, còn có khuynh hướng vãng cảnh, chụp hình…đưa lên FB. Thế là chùa nào khang trang, cảnh trí đẹp thì mới thu hút được khách thập phương. Còn việc đãi ăn uống nữa chứ. Nhiều lần MN đi chùa, nghe người ta bàn tán, chùa này đãi ăn ngon, chùa kia không bằng. Suy cho cùng, có “cầu” nên mới có “cung”. Thế là các nhà chùa phải lo toan tất bật, có khi cạnh tranh như làm kinh tế vậy. Chỉ thương tội cho các chùa nghèo… Những vấn đề trên khiến chúng ta càng băn khoăn, suy gẫm.
Nhưng làm gì MN cũng tranh thủ đến chùa Sơn An một chuyến. Không phải để được ăn ngon đâu mà qua bài viết của anh LM và phản hồi của anh TP, MN có ý tò mò, nuốn được khám phá thực tế những điều hay của một ngôi chùa trên quê hương mình đó thôi!
Kính thưa Cô , cùng các anh chị , em cũng có đến chùa Sơn An châm cứu và lần . Như anh Lương Minh nói về chùa Sơn An , chùa cũng khang trang , có trồng nhiều hoa lan và nuôi nhiều chim cảnh . Thầy Hòa trẻ trung hòa đồng, , cởi mở ,không có vẻ một nhà tu khắc khổ .Em cũng đồng ý nhận xét của anh chị về Chùa hiện nay , nhưng biết làm sao ? Như đối diện chùa Sơn Thắng là chùa Bửu Long , hai chùa khác xa nhau về mọi khía cạnh .