Tình yêu, đam mê và khổ đau

Ngày đăng: 6/04/2017 07:27:17 Chiều/ ý kiến phản hồi (6)

Ngắm tranh cũng là một cái thú của tôi, ngày xưa khi còn học tiểu học, tôi rất thích vẽ và cũng chỉ dùng bút chì và giấy trắng mà thôi, làm gì có bút màu hoặc màu nước. Loay hoay vẽ lại còn bị người lớn rầy vì việc học là quan trọng, đàn hát hoặc vẽ vời là chuyện vô bổ không được phép say mê mà quên bài vở.

Khả năng và niềm yêu thích hội hoạ không được khai triển nên cũng theo thời gian mà mai một đi, tuy vậy tôi vẫn giữ được cái thú ngắm tranh, nhất là khi ở ngoại quốc. Thành phố tôi ở là thành phố kỹ nghệ và tương đối không lớn nên những hoạt động về văn hoá, những cuộc triển lãm tranh của các hoạ sỹ nổi tiếng trên thế giới hầu như không có, để bù lại, tôi vào thư viện thành phố tìm sách nói về các hoạ sỹ để đọc và để ngắm nhìn các bức tranh được in trong sách. Từ những bức tranh của các hoạ sỹ nổi tiếng thời cổ như Leonard da Vinci, Raphael đến các trường phái hội hoạ sau này của các hoạ sỹ Monet, Manet, Toulouse Lautrec, Degas, Edvard Munch, Paul Klee, Picasso, Braque, Chagall, Dali, Max Ernst, Joan Miro’….đều có cả, chỉ sợ không có thì giờ để đọc và ngắm nhìn mà thôi.

Có một điều nam hoạ sỹ nổi tiếng thì quá nhiều trong khi các nữ hoạ sỹ nổi tiếng trên thế giới có thể đếm trên đầu ngón tay. Không lẽ phụ nữ lại thiếu khả năng hội hoạ hơn nam giới ?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta nhìn lại vai trò của người phụ nữ trong xã hội cũng như trong gia đình ở các quốc gia Đông Phương cũng như Tây Phương của thuở xa xưa.
Thế giới của người phụ nữ Đông hay Tây đều giống nhau, hạn hẹp trong phạm vi gia đình, thuở nhỏ sống với cha mẹ, giúp mẹ quán xuyến việc nhà, lớn lên lập gia đình và quán xuyến tiểu gia đình của mình, thiên chức của người phụ nữ là thiên chức làm vợ, làm mẹ, lo việc nội trợ cùng chăm sóc chồng con. Tất cả những gì liên quan đến học vấn cũng như việc phát triển tài năng về nghệ thuật cho phái nữ, không những không có mà còn bị ngăn cấm, cản trở.

Mãi đến cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ thứ XX, phụ nữ ở các nước Tây Phương mới bắt đầu được học và có cơ hội để phát triển tài năng nghệ thuật của mình qua thơ văn, hội hoạ. Tuy nhiên vẫn bị kỳ thị và chỉ diễn ra hạn hẹp trong vòng gia đình, bạn bè, không mấy khi được phổ biến rộng rãi ra ngoài quần chúng.
Ngẫm lại thấy mình tuy là phụ nữ nhưng được sinh ra và được sống trong thời gian hiện đại là một sự may mắn đáng kể so với phụ nữ của những thế hệ trước….
Dù sống trong một không gian và thời gian không thuận lợi để phát huy nghệ thuật, chúng ta vẫn tìm thấy những nữ hoạ sỹ nổi tiếng trên thế giới như Frida Kahlo, Berthe Morisot, Georgia O’ Keeffe, Joan Mitchell, Mary Cassatt…..

Ở đây tôi xin được giới thiệu nữ hoạ sỹ tài danh trên thế giới Frida Kahlo. Tranh của bà thật đặc biệt, diễn tả chân dung và cuộc đời của bà trong đủ mọi trạng thái về cuộc sống mà bà đã trải qua bằng những màu sắc rực rỡ, mặc dầu cuộc đời của bà là tất cả khổ đau về thể xác lẫn tinh thần. Điều mà tôi ngưỡng mộ nhất nơi bà là dù có đau đớn đến tận cùng, bà vẫn sống trọn vẹn với tất cả đam mê cho tình yêu cũng như cho hội hoạ.
FRIDA KAHLO (1907- 1954)

0 khanh 1                            Frida Kahlo lúc tuổi thanh xuân.

Frida Kahlo sinh năm 1907, xuất thân từ một gia đình mà ông nội là người Hung Gia Lợi (Hungary) gốc Do Thái. Thân phụ của Frida được sinh ra tại Đức quốc, bản tính thích phiêu lưu mạo hiểm nên lúc còn trẻ ông đã rời nước Đức để du lịch sang Mễ Tây Cơ. Tại đây ông đã đổi tên và lập nghiệp sau khi cưới vợ người bản xứ. Không may, người vợ đầu của ông qua đời khi sanh cô con gái thứ hai.  Mẹ của Frida Kahlo là vợ kế của ông, gia đình trung lưu, ông là nhiếp ảnh gia của cơ quan Tài sản Văn hoá Quốc gia nên có cuộc sống sung túc.Mới sáu tuổi, Frida bị bệnh sốt Polio nên chân phải bị teo lại. Cha mẹ Frida đã tìm mọi cách để chữa trị cho con mình nhưng không đạt được nhiều kết quả, Frida phải chịu tật nguyền. Để che dấu khuyết điểm của mình, Frida thường mặc quần hoặc mặc những chiếc váy truyền thống của Mễ Tây Cơ dài sát đất. Lúc nhỏ Frida thường bị trẻ con cùng lứa tuổi trêu chọc là ” Frida cà thọt” và bị thương tổn nhưng khi trưởng thành, Frida lại hãnh diện về sự tàn tật của mình vì nhờ đó mà thu hút được sự chú ý của mọi người. Theo học trường trung học nổi tiếng ” Escula Nacional Prepatoria”, Frida yêu thích các môn Vạn Vật học (biology), Động vật học  (zoology) và Giải phẫu học (anatomy) và mơ ước sau này sẽ trở thành thày thuốc giỏi. Trong thời gian học trung học, Frida bắt đầu hoạt động chính trị, gia nhập nhóm “Cachuchas”, có khuynh hướng xã hội và thiên tả. Frida có năng khiếu về hội hoạ nhưng mãi đến năm 1925 tài năng mới được khai triển qua sự hướng dẫn của Fernando Fernandez, tuy thế trong thời gian này, Frida chưa bao giờ có ý định trở thành hoạ sỹ.  Một biến cố xảy ra đã làm thay đổi ước mơ cũng như cuộc đời của Frida. Tháng 9 năm 1925 trong lúc đi xe buýt từ trường về nhà thì xe của Frida đụng nhau với một xe điện, tai nạn thê thảm làm nhiều hành khách thiệt mạng và Frida bị thương nặng đến nỗi các bác sỹ tưởng chừng đã phải bó tay.

0 khanh 2                 Tai nạn xảy ra.

Frida phải nằm để điều trị trong nhà thương cả tháng trời, phải tiếp tục nằm trên giường thêm hai tháng nữa, sau đó coi như đã bình phục. Tuy thế  vẫn cảm thấy mệt mỏi và thường xuyên đau ở cột sống và chân phải. Một năm sau Frida  phải vào nhà thương một lần nữa để được điều trị. Lần này các bác sỹ phát hiện ra là Frida bị gãy xương sống ở vùng hông nên phải đeo Korsett (áo nịt)trong suốt chín tháng trường. Những Korsett mà Frida phải mang trong suốt cuộc đời được làm bằng những vật liệu khác nhau.

0 khanh 3Một trong những Korsett mà Frida phải mặc làm bằng thạch cao.

0 khanh 4

                                   Biểu tượng nỗi đau thể xác.

Trong khoảng thời gian chín tháng phải nằm trên giường, Frida đã vẽ để quên thời gian cũng như quên đi cái đau đớn dai dẳng theo đuổi  mình. Thời gian sau đó Frida thường liên lạc nhiều với bạn bè thuộc giới văn nghệ sỹ, hoạ sỹ cùng liên kết với nhóm bạn khuynh tả và nhóm Cộng Sản Mễ Tây Cơ. Năm 19 tuổi, Frida tìm cách làm quen và quyến rũ Diego Rivera, một hoạ sỹ nổi tiếng không những ở trong nước mà còn cả trên thế giới.  Diego lúc đó ở độ tuổi 40, có ngoại hình xấu xí, mập mạp và ăn mặc rất cẩu thả nhưng lại có mãnh lực thu hút phụ nữ một cách kỳ lạ.

0 khanh 5                      Chân dung Diego Rivera dưới nét vẽ của Frida.

Diego nhận ra được tài năng của Frida và rồi người hoạ sỹ đa tình đã bị sắc đẹp, sự tươi trẻ cũng như cá tính của Frida chinh phục. Hai danh tài yêu nhau thắm thiết và kết hôn năm 1929, Diego hơn Frida 21 tuổi.

0 khanh 6

 Vợ chồng Frida-Diego 

Một năm sau (1930) Frida mang thai nhưng vì vấn đề sức khoẻ nên đành phải phá bỏ. Khi có thai lần thứ hai cũng không giữ được, vì ảnh hưởng việc đau cột sống và hậu quả của tai nạn xe đã đưa đến việc xẩy thai. Frida đau đớn đến tận cùng vì thiên chức làm mẹ là điều mà Frida luôn khao khát.

0 khanh 7                           Nỗi đau mất con. 

Tình yêu của Frida dành cho Diego thật nồng nàn, tha thiết nhưng tiếc thay Frida không được hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng. Diego quá đa tình và thường có liên hệ tình ái với nhiều phụ nữ khác. Đau đớn nhất cho Frida là cuộc tình giữa Diego và Cristina, em ruột của mình. Quá thất vọng, Frida bỏ nhà ra đi một thời gian và mãi đến năm 1935, khi cuộc tình giữa Diego và em gái mình chấm dứt Frida mới trở về nhà. Oái oăm thay, sau đó chính Frida lại bắt đầu có những liên hệ tình cảm với những người đàn ông khác, trong số đó có những người nổi tiếng như Trotzki, thủ lãnh Cộng Sản đệ tứ quốc tế, Murray, nhiếp ảnh gia nổi tiếng…..vào cuối đời Frida còn có liên hệ tình cảm với cả người đồng phái. Từ khi lập gia đình với Diego, Frida sống dựa vào Diego, mặc dù vẫn tiếp tục vẽ tranh nhưng chỉ là cái bóng mờ bên cạnh người chồng quá nổi tiếng. Nhờ liên lạc được với Andre’ Breton, thủ lãnh nhóm (surrealism) của Pháp, năm 1938 Frida bắt đầu có những cuộc triển lãm tranh của mình ở trong nước lẫn Paris rồi New York.

0 khanh 8

                               Hình chân dung Frida. 

Các cuộc triển lãm tranh của Frida rất thành công và gây được tiếng vang lớn. Frida trở nên nổi tiếng, tranh chân dung rất được ưa chuộng và được nhiều người mua.

0 khanh 9

                                    Hình chân dung của Frida. 

Sự nghiệp vẻ vang nhưng cuộc sống vợ chồng càng ngày càng bế tắc nên sau một thời gian ly thân, Frida và Diego quyết định ly dị vào ngày mùng 6 tháng 11 năm 1939 sau 13 năm chung sống.

0 khanh 10

Hai Frida, trước (bên phải) và sau khi ly thân với Diego (bên trái) 

Diego viện cớ vì yêu Frida nên không muốn cho Frida đau khổ thêm về chuyện tình cảm của mình, Diego cho rằng mình là nạn nhân của dục vọng và đam mê mà không thể thay đổi gì được nên ly dị để không làm phiền Frida và được tự do sống theo ý mình muốn. Frida thì ngược lại, thà chịu đau khổ còn hơn mất Diego. Không chấp nhận sự chia tay nên Frida đau khổ cả tinh thầm lẫn thể xác, tìm quên trong rượu và bị trầm cảm nặng. 1941 Diego trở lại sống với Frida và từ 1941 trong tranh vẽ của Frida luôn luôn có hình bóng của Diego.

0 khanh 11            Hình ảnh của Diego lúc nào cũng ở trong tâm trí Frida 

Sức khoẻ của Frida càng ngày càng giảm vì những lần mổ xẻ cũng như bị ảnh hưởng bởi những đau khổ về tinh thần phải chịu đựng, Frida đã sụt kí rất nhiều.

Kể từ 1940 trở đi Frida trở nên độc lập, không cần dựa vào Diego nhiều như trước nên khi trở lại sống chung với nhau, Frida có thể chấp nhận cũng như tạm thời đối phó được với tính tình bất thường và ích kỷ của Diego. 1950 tình trạng sức khoẻ của Frida càng ngày càng suy sụp hơn nữa, cột sống phải mổ đi, mổ lại nhiều lần và phải nằm trường kỳ trên giường, tuy thế Frida vẫn tiếp tục vẽ tranh. May thay trong thời gian này, Diego đã tận tuỵ chăm sóc Frida và sức khoẻ của Frida lên, xuống, tuỳ thuộc vào tình cảm mà Diego dành cho mình. 1951 Frida trở về nhà nhưng rất yếu nên phải có người túc trực săn sóc, Frida thay đổi chủ đề tranh vẽ của mình, thay vì vẽ chân dung thì nay vẽ nhiều về tĩnh vật, hoa quả với màu sắc rực rỡ, lớp sơn vẽ cũng dầy hơn, nét cọ cũng đậm hơn, cũng không lạ bởi vì Frida đã vẽ dưới ảnh hưởng của thuốc giảm đau và của rượu mạnh. Trái với thời gian ở bệnh viện, Diego chỉ chăm nom Frida một cách thờ ơ, Frida buồn chán, tuyệt vọng nên đã tìm cách tự tử nhiều lần nhưng không thành công.

0 khanh 12                     Tĩnh vật

0 khanh 13                       Tĩnh vật.

Vào tháng 9-1953 một cuộc triễn lãm tranh của Frida được tổ chức tại Mễ Tây Cơ, Frida đã cho dàn dựng cảnh khi đến khai mạc bằng xe cứu thương và nằm trên chiếc giường đặt trong phòng triển lãm như là một nữ hoàng Ai Cập về đêm. Cuộc triển lãm gây được tiếng vang lớn, được mọi người ngưỡng mộ và coi đây như là thông điệp để Frida giã biệt cuộc đời. Ít lâu sau chân phải của Frida bị cưa, Frida phải dùng ma tuý để làm giảm các cơn đau và trở nên nghiện. Diego dùng rượu để cho Frida thay thế ma tuý vì thế Frida phải uống 2 lít rượu Cognac mỗi ngày. Năm 1954 Frida ngồi xe lăn, tham dự cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ thiên tả, về nhà bị sưng phổi, bệnh tình quá nặng, không thể chữa được. Biết mình không qua khỏi nên Frida đã tặng trước cho Diego chiếc nhẫn mà bà đã mua để tặng cho Diego trong dịp lễ ăn mừng 25 năm ngày cưới của mình và Diego trong 17 ngày sắp tới.

0 khanh 14                                     Frida đi biểu tình bằng xe lăn. 

Đêm ngày 13-7-1954 Frida từ giã cuộc đời vì bị nghẽn mạch máu trong phổi, được an táng tại Mễ Tây Cơ. Trên bia mộ của Frida có ghi dòng chữ ” VIVA LA VIDA” , vạn tuế cuộc sống; đây cũng là dòng chữ đã được Frida vẽ trong bức tranh tĩnh vật cuối cùng của mình.

0 khanh 15

Thông điệp cuối cùng của nữ hoạ sỹ tài danh Frida Kahlo: VIVA LA VIDA !!!!

Bài viết: LÊ-THÂN HỒNG-KHANH

Hình ảnh được trích ra từ các sách tham khảoTài liệu tham khảo:- Frida KahloDie Malerin und ihr Werk/ Helga Prignitz-Poda- Frida KahloDie Gemälde/ Chirmer/ Mosel- KahloFrida Kahlo und Diego Rivera / Isabel Alcantara/ Sandra Egnolff

Có 6 bình luận về Tình yêu, đam mê và khổ đau

  1. Trầm Hương Ptt nói:

    Cám ơn bạn, một bài viết, một bài sưu tầm rất công phu ! So với nổi đau của người nữ hoạ sĩ Frida Kahlo phải gánh chịu, thì nổi đau của một người bình phàm, có thấm vào đâu . Phải không ? Thượng đế rất công bằng ( ? ) khi cho con người thiên khiếu nầy lại lấy đi một thứ khác ?

    • Bạn ơi, cụ Nguyễn Du đã từng nói ” chữ tài liền với chữ tai một vần” như Hoành Châu đề cập ở phía dưới. Bạn nói đúng, ông trời công bằng lắm, không cho ai tất cả mà cũng không lấy của ai mọi thứ vì vậy dù có đi trong cõi tối tăm vẫn còn thấy tận cuối đường một chút ánh sáng còn hy vọng mà tiến tới.

      Đọc tiểu sử của Frida Kahlo xong mới thấy những gì mình phải trải qua chỉ là một hạt cát nhỏ để so sánh với một khối đá khổng lồ mà Frida phải mang theo đến suốt cuộc đời.

  2. Hoành Châu nói:

     

    Cô Hồng Khanh  kính quý ,
    Tư liệu trong bài viết rất  hay  của Cô  về nhân vật nữ tài năng , đa cảm , đa sầu  này  được cô trình bày thật tỉ mỉ,,,Tình yêu , đam mê và khổ đau luôn hiện hữu và xúc tác lẫn nhau  trong trong tâm tư , tình cảm một phụ nữ  có  số  phận kém may mắn  như vậy   tuy nhiên  nàng  luôn  khát khao vươn lên  ,,,Cô ơi   em thương người phụ nữ này vô hạn , sao giống em nhiều điểm , đa sầu , đa cảm  nhưng khác em một điểm là không cứng rắn, lạc quan   như em   Hihi
    Cô ơi hồi bé em cũng bị Sốt Polio   , rồi bị teo cơ chân phải  , bị đám con nít chọc  ghẹo ” chân giả “( vì mang nẹp sắt   lúc em phẩu thuật kéo gân ) nên  buồn , khóc , rồi  cương nghị đứng lên ,  nghĩ đến công lao khổ   cực  cha mẹ chạy chữa cho mình ,   thương cha  nghĩ xa ,,,  tập em chạy xe  đạp  trên sân thượng ( ba  bánh  rồi sang 2 bánh ),ngày tựu học ba vào trường gặp Hiệu trưởng xin cho con ba  được ngồi đầu bàn nhất )  vậy mà  thi đâu đậu đó  , tình yêu cũng chẳng thua ai ,,, , bao nhiêu vật vã em phải chịu đựng  ,,đứng lên rồi ngã quị không biết bao nhiêu lần , Cô ạ  . Năm  rồi  em bị té một trận , em nghĩ hỏng lẽ mình sướng hoài sau Cô ,  phải bị nạn chút đỉnh  chứ  ,,, nụ cười và nước mắt   chan hòa  cuộc sống , em  rất chịu đựng  . Cuối cùng ,, mới có được  cuộc sống vật chất và tinh thần   toại nguyện   như   hôm nay !  Chúc Cô vui . Em Hoành Châu  (Gia đình C  )

    • Hoành Châu nói:

      Trở lại nữ  họa sĩ tài danh  này ,,,ít có người phụ nữ nào  lại  đối xử  bao dung với người chồng như thế ,    ta phải nghiêng mình cảm phục đức độ , sự bao dung , tính đam mê, cần mẫn   và đặc biệt nhất là  sự chịu đựng biết  bao nạn tai trong đời ,,,,,  đúng như Nguyễn Du đã nói ,,”chữ TÀI  đi với  chữ TAI một vần ”   .  Nữ danh họa Frida    đã  để lại  thông điệp cuối cùng VIVA LA VIDA  mà người đời luôn nhớ mãi  mỗi khi ai  nhắc đến  . Thật ngưỡng phục vô cùng .! Một lần nữa , cảm ơn tư liệu kỳ thú này của Cô Hồng Khanh   rất nhiều ! Mong còn đọc thêm những bài viết  độc đáo khác của Cô !
      Hoành Châu ( Gia đình C )

    • Đọc phản hồi của cô trả lời cô Trí chắc em cũng biết là cô thông cảm với những gì em phải trải qua. Tuy không tránh khỏi buồn phiền, đau khổ vì khiếm khuyết của mình nhưng với sự thương yêu, hướng dẫn của cha mẹ, em đã phấn đấu và tìm ra được hướng đi cho mình  ngay từ lứa tuổi còn thơ.

      Một khi đã biết chấp nhận và vui với những gì mình đang có trong tầm tay là mình đã có sự bình yên cho tâm hồn.

      Chúc em giữ vững được sức mạnh tinh thần, luôn tìm được niềm vui trong thơ văn cũng như trong cuộc sống bên cạnh người thân, bạn bè và học sinh của mình.

  3. My Nguyen nói:

    Cô ơi! Đọc bài viết của Cô về nữ họa sĩ tài hoa bạc mệnh Frida Kahlo, thật ngưỡng mộ nhưng nghe chua xót làm sao! Dù ông trời rất công bằng, không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai mọi thứ. Nhưng đối với nữ danh họa này, ngoài tài hoa thiên phú thì mọi thứ hầu như bà phải đánh đổi bằng khổ đau và nước mắt. Hạnh phúc gia đình không trọn vẹn, cuộc sống quá ngắn ngủi cho một thiên tài…

    Xin cảm ơn Cô về một sưu tầm thật ý nghĩa, có giá trị để mở mang tầm nhìn, hiểu biết thêm về cuộc sống, từ đó có sự phấn đấu, vươn lên. Em kính chúc Cô luôn vui khỏe.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác