ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG (phần 1)

Ngày đăng: 31/03/2017 09:00:25 Chiều/ ý kiến phản hồi (11)

Tôi đến trường lần đầu vào năm 4 tuổi để “dự thính” mẫu giáo! Tuổi được nhận vào mẫu giáo là 5 tuổi nhưng vì nhà tôi cách xa những nhà khác, không có bạn chơi mà buổi sáng trong nhà chỉ có mẹ vì ba đi làm, chị kế lớn hơn 2 tuổi đã đi học lớp 5. May là cạnh nhà tôi có nhà hai cô giáo Liên và Định rất thân với gia đình, hai cô thương, hiểu hoàn cảnh nên dẫn tôi xin học dự thính. Thế là sáng sáng hai cô dẫn chị em tôi leo dốc phi trường đến trường Phước Bình học. Sau đó một số bạn nhà gần buổi sáng lại đến đứng chờ trước cổng nhà tôi để cùng hai cô và chị em tôi đi học. Đường chúng tôi đi đến trường là đường mòn dân sinh nhưng rất rộng, xe hơi có thể chạy được, ít người đi nhất là vào buổi sáng chỉ có hai cô và bốn, năm học trò chúng tôi đi nên trên đường chúng tôi tha hồ đùa giởn. Khu vực này trước đây là rừng, khi thành lập tỉnh chính quyền đã cho xe ủi dọn sạch cây rừng, sau một thời gian cây tái sinh gồm cỏ và cây lùm bụi nhưng không tốt lắm. Hai bên đường mọc nhiều cỏ may, cỏ tranh với nhiều cây bụi mọc cao khỏi đầu và nhiều loài cho trái ăn được: Dây mơ (dại) cho trái màu vàng óng, to bằng trứng cút, vị chua hơn chanh. Cây sim mọc thành bụi có hoa màu tím, trái sim màu đen, ăn vị ngọt ngọt, chát chát, ai ăn trái sim sẽ có răng màu tím xịm. Cây cò ke cao hơn mét cho trái thành chùm. Trái cò ke to bằng đầu ngón tay út trong có hạt cứng lớn hơn hạt tiêu với phần thịt bọc ngoài dầy khoảng 2 li. Trái cò

ke non màu xanh được chúng tôi bẻ để bắn ống thụt rất tiện: chỉ cần ngắt vài chùm cò ke non bỏ túi là có thể tham gia “chiến trận” với tiếng ống thụt nổ nghe rất thanh, trái già có màu nâu đen, cạp phần thịt có vị ngọt. Mùa hè chúng tôi hay canh bắt con kim quít (rừng) ở cây cò ke vì lá của chúng là thức ăn khoái khẩu của loài côn trùng cánh cứng toàn thân và cánh có màu lục sáng (như giấy màu thiếc), to bằng ngón tay cái, rất đẹp nầy. Thỉnh thoảng trên và ven đường lại xuất hiện thú rừng, nhiều nhất là chim cút. Chúng có bộ lông màu nâu, tiệp màu cỏ khô nên khó thấy và lũi rèn rẹt trong cỏ làm cô trò chúng tôi giật mình. Có lần mới rời khỏi nhà một đoạn đã nghe tiếng công “tố hộ”, nhìn lên đầu dốc thấy con công trống xòe đuôi ve chim mái, thế là chúng tôi lập tức phóng chạy lên để kịp thấy bộ lông đuôi dài sặc sở bay lướt trên cao. Vui nhất là gặp gà rừng, chúng tôi hùa nhau vây bắt gà làm hai cô phải lớn tiếng dục chúng tôi đi vì sợ trễ học. Có một lần chị tôi nhặt được trứng gà rừng. Chị mừng quá, không dám cất trứng vào cặp vì sợ bể mà để trong túi áo bà ba. Vào lớp bạn không biết chạy đến ôm chị làm trứng bể chảy chèm nhẹp trong túi. Chị vừa phải chịu mùi hôi và áo dơ suốt phần còn lại của buổi học mà về nhà còn bị mẹ la. Đi hết con dốc thì vào khu vực phi trường Phước Bình với phi đạo lót bằng vỉ sắt. Một góc phi trường mọc rất nhiều những cây thấp, nhỏ, lá có mùi thơm hắc, nhất là lá khô, có hoa màu tím sau nầy mới biết đó là cây nhân trần, một vị thuốc nam. Theo lệnh của cô khi ra đến lề đường chúng tôi phải dừng lại chờ cô dẫn qua đường vì trường Phước Bình ở bên kia đường, dù đường hiếm khi có xe chạy. Những lần phi cơ đáp xuống phi trường là cả một sự kiện đối với học sinh chúng tôi. Chỉ cần nghe tiếng phi cơ bay trên trời là chúng tôi đứng ngồi không yên, thầy cô phải gỏ thước, đập bàn để vãn hồi trật tự, còn chúng tôi không còn tâm trí để học, chỉ mong tiếng trống ra chơi để chạy ra đứng sát

hàng rào hò reo, vẫy tay với con chim sắt. Việc nầy không thường lắm. Tôi học 2 năm mẫu giáo với cô Ánh Dương. Cô là giáo viên mẫu giáo duy nhất của tỉnh, rất có tài, tận tâm và thương học sinh. Trong buổi học cô hát và đệm đàn guitar cho chúng tôi hát theo, vỗ tambourin dạy chúng tôi múa, dạy vẽ, dạyxé giấy dán tranh, một loại hình nghệ thuật mà lúc đầu tôi chỉ nghĩ là trò chơi cho đến gần đây mới biết. Tiếc là lúc ấy tôi chỉ thích chơi nên chỉ học được nghề hát, nhưng là hát có giáo án! Sau 2 năm mẫu giáo tôi vào học lớp 5 trường Phước Bình B. Đây là trường nhánh mới mở giữa khu dân cư nên đường đến trường gần hơn, cách nhà tôi khoảng một cây số, và tôi phải đi học một mình vì chị tôi năm này học lớp 3, đã quen trường, quen bạn nên sáng sáng tiếp tục theo hai cô giáo nhà kế bên đến trường Phước Bình dù đường đi có xa hơn. Từ nhà tôi đi bộ một đoạn khoảng 200 mét là ra đến đường cái rồi từ đó cùng các bạn đi men theo lề đường đến trường. Phước Long là vùng cao nên mùa đông lạnh, sương mù nhiều và dầy. Có những buổi sáng sương mù thấp và dầy đến nỗi trên đường đi học chúng tôi chơi trò nhảy vào đám sương mù để có thể cảm nhận giọt sương ướt và lạnh trên mặt, hay chơi trò Tề Thiên cân đẩu vân. Trước trường tôi là một hàng những cây điệp tai bèo, chen vào đó có vài cây phượng. Những cây này rất to, gốc vài người ôm mới giáp, rễ cây nổi cuồn cuộn trên đất, cao và to không thua rễ mấy cây dầu mọc ven ao Bà Om ở Trà Vinh. Giờ ra chơi học sinh thường trèo lên rễ cây ngồi, còn đám học sinh nhỏ như tôi hay leo lên, leo xuống đám rễ để tưởng tượng đang leo núi. Vào học lớp 5 tôi gặp ngay một tai nạn suýt bị ăn đòn. Lúc còn ở VL để chuẩn bị cho chị vào học lớp 5, mẹ mua quyển Học Vần của tủ sách Bình Dân Giáo Dục về dạy cho chị. Tôi còn nhớ quyển sách dầy khoảng 40 trang, đóng bằng kim sắt ở giữa giống như quyển tập, với các câu hò, vè đọc lên nghe rất vui: Tí đi xe bò, Tí ca, Tí hò hay Tí bỏ sò vô rổ tre. Sóng to, Tí ghé vô mé… thấy hay tôi cũng đọc theo. Để khuyến khích chị học mẹ mua bánh chữ, một loại bánh quy đúc thành mẫu tự A, B, C, D,… chứa trong keo rồi mang ra đố. Chị sẽ được thưởng ăn cái bánh nếu đọc đúng mẫu tự đó. Thấy có ăn tôi đòi tham gia và để được ăn tôi phải cố nhớ mặt mẫu tự. Keo bánh hết rất nhanh. Mẹ lại nâng chuẩn bằng cách ghép từ: B + A thành BA, hay X + E thành XE… khó hơn nhưng phần thưởng cũng nhiều hơn (tối thiểu là 2 cái bánh) và tôi phải cố theo. Ăn hết 4 – 5 keo bánh (chắc cũng có ăn vụn!) tôi đọc lỏm bỏm được quyển Học Vần. Hai năm mẫu giáo ở trường Phước Bình chủ yếu là chơi vì nhận mặt mẫu tự và những con số từ 0 đến 9 với tôi quá dễ, nhưng trong khoảng thời gian nầy khả năng đọc chữ của tôi tăng tiến nhanh do nhu cầu giải trí.

Ngoài những lúc đến trường chị em tôi bị cô lập trong nhà nên để có việc gì đó cho chúng tôi giải trí ba mua về thật nhiều sách thế là tôi lại phải cố gắng để “nuốt” được những quyển sách đó. Vào học lớp 5 trường Phước Bình B tôi đã có thể đọc báo, xem truyện. Cô dạy lớp 5 sau khi kiểm tra sơ khả năng thấy tôi “đọc như con két” (nhưng đâu biết tôi không biết viết) nên xếp vào loại giỏi, cho ngồi riêng một góc để còn tập trung dạy các bạn chưa biết gì. Sau 2 – 3 tháng học khi cô xem kỹ vở tập viết của tôi, cô phát hiện khiếm khuyết ấy. Cô giận lắm, vơ thước định khẻ tay nhưng khi thấy tôi rươm rướm nước mắt cô thương hai không đánh mà chỉ hỏi: “Trong giờ cô dạy viết tại sao em không nghe lời cô dạy và làm theo?” Thật sự tôi có nghe lời cô dạy và viết theo: những mẫu tự nét thẳng như i, u, n, m tôi viết tạm đọc được nhưng những mẫu tự có nét cong như c hay o thì có vấn đề. Như với mẫu tự o, quả trứng tôi “vẽ” khi đứng khi nằm, có khi như thể con gà sắp chui ra! Cô lập tức đưa tôi vào diện “cần chăm sóc đặc biệt” đưa lên ngồi bàn đầu. Trừ tai nạn đầu năm đó hai năm học lớp 5 và lớp 4 của tôi tại trường Phước Bình B trôi qua trong vui vẻ, cuối năm tôi còn được lảnh thưởng.

Lớp 3 tôi học trường tiểu học thị xã Phước Long. Lúc ấy thị xã mới thành lập nên chính quyền cho xây khu phố cấp cho công chức và gia đình trú ngụ. Khu phố công chức có 2 khu A và B, cách nhau một khoảnh đất rộng dự định làm công viên. Phố được xây theo kiểu 6 căn liền kề. Nhà tôi số 9B. Kể từ lúc này tôi rất có uy với bạn cùng lớp vì tôi cùng đi đến trường với thầy cô vì họ là hàng xóm của tôi, và tôi còn là “tiểu đồng” mang hộp phấn, ôm tập vở, dụng cụ cho thầy cô. Một lần khi đến nhà thăm cô dạy lớp bị bệnh, lúc cô đi vào nhà sau rót nước đãi, tôi thấy trên bàn có quyển sổ điểm lớp và tờ giấy nháp xếp hạng cô đang làm dở, tôi tò mò tìm hiểu và khi đã hiểu nguyên tắc tôi lấy bút chì xếp hạng tiếp. Tôi mãi mê làm không biết cô đang cầm ly nước đứng sau lưng nhìn tôi làm. Sau khi đặt ly nước xuống bàn cô gỡ bút chì khỏi tay tôi, lấy tờ giấy xếp hạng đặt vào trong sổ điểm, gấp lại, sau đó hai cô trò ngồi nói

chuyện. Từ đó những khi quá bận cô lại gọi tôi đến nhà nhờ cộng điểm. Lớp nhì tôi học cô Bạch Tuyết.

Có thể nói tôi là đệ tử “ruột” của cô Bạch Tuyết vì sau bài học “sáng kiến trong học tập” đã nhận được năm lớp ba giờ tôi đã chửng chạc, trong học tập ganh đua nhưng không ganh tỵ. (Năm 1969 tôi lên SG học cấp 3. Một lần xem Đố Vui Để Học trên truyền hình, tôi thấy Cô làm MC cho chương trình, thế là tôi tìm đến Trung tâm Học Liệu thuộc bộ Giáo Dục tọa lạc trên đường Trần Bình Trọng, q5 để gặp Cô, và cũng thật tình cờ vì đó là lần duy nhất Cô làm MC cho chương trình, vốn không phải là chuyên môn. Sau đó tôi còn gặp Cô mấy lần tại Trung tâm Học Liệu khi lớp tôi đến lập thủ tục dự chương trình Đố Vui Để Học cho lớp và lần lớp Sư Phạm tôi tham quan Trung tâm Học Liệu. Sau 1975 có lần Cô sang nhà tôi chơi [vì Cô khá thân gia đình] và cho biết sau khi nghỉ việc Cô phải “chạy chợ” để kiếm sống. Sau lần ấy [khoảng năm 1981-82] tôi không gặp lại Cô. Nghe nói Cô đã sang Úc. Không biết tôi có duyên gặp lại Cô lần nữa?)

Lớp đệ thất và đệ lục tôi học trường Nhất Linh. Trường mới xây rất đẹp nhưng cách thị xã khoảng 5 km đường đồi, dốc. Lúc đầu chính quyền tổ chức xe đưa đón giáo sư và học sinh miễn phí. Chị tôi được hưởng tiện nghi này. Sau mấy năm hoạt động do 2 chiếc xe quá cũ (xe Mỹ viện trợ), uống xăng như uống nước, lại hay bị hư, nhiều lần thầy và trò bụng đói meo phải lếch thếch đi bộ về, dịch vụ vận chuyển học sinh miễn phí phải dừng hoạt động. Chính quyền sau đó cho một xe Dodge quân sự loại chở được 15 người sáng sáng vào khu phố công chức chở thầy cô đi dạy, trưa đến trường chở về (trường chỉ làm việc buổi sáng). Vì thầy cô là hàng xóm của gia đình và xe lại đậu trước nhà nên thỉnh thoảng tôi xin đi ké vì còn thừa chỗ, nhất là những hôm trời mưa. Thầy Robin, đoàn viên Peace Corps, dạy chúng tôi nói tiếng Anh là người duy nhất đi dạy bằng xe riêng vì thầy được cấp chiếc Vespa Super mầu lam. Vì phải đi học xa nên ba mua riêng cho tôi một chiếc xe đạp, loại xe nam mà tôi quen gọi là xe (có) đòn dông. Tôi tuổi con ngựa nên khi có xe đạp riêng tôi như ngựa mọc thêm cánh, tha hồ đi chơi, đi thăm bạn. Đất laterit ở Phước Long mầu đỏ đậm, vào mùa mưa đất dính chặt không thua đất sét nên chiếc xe của tôi được tháo trụi lũi: không đèn, còi, không carte, port baggage, không chắn bùn, chỉ có thắng sau nhưng tôi cũng ít dùng vì quen thắng… chân. Tôi chạy xe hư nhanh đến nỗi ba phải lấy xên ở bộ phận khởi động của xe Mobylette lắp thay xên xe đạp, còn yên xe bị xẹp thì nhét vào dưới yên một quả banh tennis cũ rồi lấy dây kẻm cột xiết lại. Nếu không kể vỏ và ruột bánh xe thì xe tôi không còn bộ phận nào để hư. Cạnh trường Nhất Linh là ấp Tư Hiền 2. Dân trong ấp sau khi thu hoạch khoai mì thường hay ném bỏ thân khoai mì ven đường. Tôi thích chạy xe cán lên thân khoai mì để nghe tiếng “rắc rắc” vui tai. Một lần thấy có cây khoai mì nằm ven đường thế là tôi chạy đến dùng bánh xe trước cán lên. Tôi cán nhầm phần gốc sát củ khoai, phần này không mềm như thân cây mà rất dai. Bánh xe trước kẹt cứng dừng lại đột ngột trong khi xe đang chạy nhanh nên theo trớn bánh sau bật về phía trước, còn tôi bay xuống đường mương ven lộ. Bánh trước bị gảy 2 cây căm, niềng cong thành hình số 8. Thế là tôi ngồi vắt vẻo lên đòn dông xe của một bạn để được chở, còn xe tôi được một bạn khác kéo hộ đến tiệm sửa. Học Nhất Linh tôi có bạn cùng lớp là chị Hoàng Thị Nhung, cùng sống trong khu phố công chức. Chị lớn hơn tôi 1 tuổi nhưng học rất dở, cuối năm đệ thất phải thi lại. Sang đệ lục bất ngờ chị học rất giỏi, đệ nhất lục cá nguyệt đứng hạng nhất. Việc nầy làm tự ái của tôi bị va chạm, thế là tôi cuống cuồng lao vào học tập.

Tranh đua của chúng tôi làm thầy cô dạy lớp rất vui. Đệ nhị lục cá nguyệt tôi và chị đồng điểm, chia nhau hạng nhất, điểm cả năm của tôi thấp hơn nên phải nhận hạng nhì. Đây là kinh nghiệm quý cho tôi sau nầy, khi làm giáo viên.

Nguyễn Hoàng Long

0 long 1  H1: NGÀY ĐẦU ĐẾN TRƯỜNG

0 lonH2: Trường Trung Học NHẤT LINH (PHƯỚC LONG-1965)

 

Có 11 bình luận về ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG (phần 1)

  1. Chú thích:

    Hình 1  NGÀY ĐẦU ĐẾN TRƯỜNG

    Hình 2: Trường Trung Học NHẤT LINH (PHƯỚC LONG-1965)

     

  2. Neang Phi Rom nói:

    Hoàng Long sướng thiệt nhe, 4 tuổi được cô giáo dắt tay dẫn đi học, học trò nhỏ ăn chắc rất vững vàng và tự tin rồi, đâu sợ ai ăn hiếp…hihi.

    Hình ảnh ngày xưa thật đẹp, nhất là cậu bé 4 tuổi vừa đi, vừa cười thật rạng rỡ.

  3. Hoành Châu nói:

    Bài  viết hay , hấp dẫn vô  cùng ,, tức cười chết đi được  vì có những câu thật dí dỏm  ,,học trò nầy  dữ  thiệt   vì  có  bản lĩ nh ,,,, chờ đọc tiếp đó .
    Hoành Châu (Gia đình C  )

  4. Nguyễn Hoàng Long đã biểu lộ bản chất thông minh của mình ngay từ khi còn nhỏ. Tò mò, thích quan sát, thích học hỏi và hay bắt chước là những yếu tố giúp trí óc của trẻ em phát triển tốt.

    Khung cảnh sống tuy đơn sơ nhưng đầy thiên nhiên, không khí trong lành đã giúp cho cậu bé nhiều sức khoẻ.  Chắc chắn đời sống trẻ thơ ở Phước Long cũng đã đóng góp một phần nào để tạo nên một Nguyễn Hoàng Long ngày nay.

  5. Phạm thị Trí nói:

    Phải công nhận Nguyễn Hoàng Long và một số cây viết trang nhà TPH  có trí nhớ rất tuyệt vời… khi viết lại những kỷ niệm một thời…Ai cũng có những hồi ức, nhưng viết lên để chia sẻ cùng mọi người …đó là điều đáng quí…lại còn giữ được những bức ảnh cũ nữa.Hay quá !

    • Trường Nhất Linh đẹp lắm Cô ơi. Mặt trước trường hướng về thác Đức Mẹ và con đường dẫn đến thác Mơ (đẹp như mơ). Chếch phía phải sau trường là núi Bà Rá Cô có thể thấy trong hình.

  6. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Những tấm ảnh quý giá của một thời đã xa.

    Bài viết rất ” Hoàng Long” !

    Bạn bây giờ là một trong những nhà văn ” lớn” của trang nhà rùi .

  7. Phan Lương nói:

    Đọc Đường Đến Trường . Ôi nhớ quá đi thôi cái thời đi học . Ngày hai lượt lội bộ ,đi ,về hơn 4 cây số mà vui không sao kể xiết

    Cảm ơn anh Hoàng Long đã nhắc nhở mọi người nhớ lại kỉ niệm này, kỉ niệm mà ai cũng có một thời để mà nhớ : ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG

Trả lời Neang Phi Rom Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác