Con Nước Lớn Ròng (6)

Ngày đăng: 21/02/2017 07:06:35 Chiều/ ý kiến phản hồi (11)

Bữa tiệc rất bất ngờ. Bạn bè tại xứ đồng nầy chỉ cần nghe là lạ xôn xao, họ hú hí người giúp công kẻ mang của đến ăn mừng cuộc trùng phùng hi hữu “Gia đình đoàn tụ sau 17 năm bặt tin”. Ngay từ chiều, gian trại mộc của Hai Thu đã  ì xèo, mâm bàn rôm rả. Nhất là chị Tư Hoàng Lan son giá và hào phóng, vợ chồng Bảy Bổn lăng xăng như chuyện của nhà mình, mọi người đến chơi đều có góp phần. Gần nửa đêm mà ba chiếc bàn tròn vẫn còn chật người. Tuy là nơi bề bộn cây ván và máy móc dụng cụ làm mộc,  nhưng Bảy Bổn hô một tiếng là được dọn trống tức thì, bàn ghế lót ngay sau lúc chiếc tàu đò chạy thuê mướn từ trên Ba Tri ghé bến.  Khách khứa từ hai nơi xa lắc còn đang hăng say sung độ thì Bác Năm Thi đứng lên tuyên bố:

– Tiệc vui nào cũng tàn, quyến luyến rồi cũng phải đến phút chia tay. Hồi trưa lúc còn dưới tàu, chúng tôi đã tính chương trình rồi. Thím Sáu và con Út Em xin được ở lại đây chơi, khi nào muốn về Ba Tri thì hai thím cháu mua vé xe đò Bạc Liêu-Sài Gòn, xuống xe tại ngã ba Trung Lương vô Mỹ Tho cho thím Sáu thăm mấy đứa cháu ở đó ít bữa rồi hãy về Ba Tri lo việc riêng của thím. Còn tàu đò mình mướn phải rút liền trong con nước lớn khuya nay cho thuận chuyến, tránh chạy nghịch giờ trái chiều nước, giúp dùm chủ tàu đỡ hao dầu. Tụi cháu khỏi lo, tụi tui có đem theo mấy chiếc nốp, lát nữa xuống tàu trải ra sàn rộng mặc tình mà ngủ. Dọc đường về trển chợ búa thiếu gì, đói thì ghé hàng quán quen mười mấy năm trước, tự biết kiếm ăn khỏi phải lo gì ráo. Tui đang có chuyện làm chờ ở nhà, nếu không tui ở đây chơi ít ngày để phụ với thằng Hai Thu lên đôi be gió chiếc ghe tam bản.

Chú Hai Thu cũng đứng lên đáp lời:

– Con tính làm nhanh để đẩy ghe xuống nước cho kịp ngày đi về trển ăn  mừng lễ lục tuần của bác. Còn việc tối nay bác Năm tính rồi thì con không dám cản, chứ hồi chiều con nhờ người quen lội qua xã kế bên dặn người ta cá lóc tát đìa. Rất may là vùng nầy còn vài cái đìa mà chủ đất bận đám tiệc còn neo lại. Người lái cũng quen, ổng hẹn khoảng 10 giờ sáng mai chở cá vớt đợt đầu tới bến cho con ưu tiên cân trước khi họ ra quốc lộ lên xe.  Phải bác Năm về trể một chút, con gởi chút quà về bác gái và mấy anh chị. Cá đìa ruộng mùa khô nầy mập ú ruột mỡ trắng bông, thịt ngon hơn cá miệt trên của mình, bác Năm ơi.

– Nghe mầy nói tao thèm món cá lóc nhảy hầm tháng Giêng mà nướng trui rơm mới. Anh em xúm lại cạo da sơ sơ rồi banh sóng lưng cá rút cái xương giữa, mùi cá nướng nóng hổi trên tàu lá chuối giữa ruộng, chấm miếng mồi với muối ớt, ngon nữa là có chén nước mắm me, nhậu quắc cần câu hết biết đường về. Tối nay không được ăn cá lóc Giá Rai  thì tháng tới ráng kiếm vài con, mỗi con cở chừng 1 kí bỏ trong khạp chở theo xuồng máy lên cho bác. Dứt khoát là tụi bây phải sắp xếp về thăm quê hương xứ sở, gặp mặt cô bác thân thuộc một lần kẻo hối hận. Bà con lão trong dòng họ mình cũng ra đi vài mạng rồi, chưa kể làng xóm. Tụi bây xuống đây đã 12 năm, đứt đuôi mấy mùa con nòng nọc, chứ ít ỏi gì đó. Má tụi bây ở Mỹ lâu nay chắc là thèm món quê đặc sản đó. Thím Sáu còn ở lại đây chơi vài ngày, mặc tình cho bây đãi. Bây giờ phái đoàn Ba Tri cám ơn cô Tư, chú thím Bảy Bổn và tất cả bà con Giá Rai, tụi tui chuẩn bị rút quân, hẹn ngày tái ngộ.

Một thanh niên bạn xóm với Thất Bổn đứng lên vỗ tay bốp bốp:

– Bác Năm nói chuyện ngọt như ông bầu gánh cải lương đang bong rạp hát ngoài đình, cháu mua vé đêm nay mà phải bỏ đi xem vì phụ giúp anh chị Hai Thu. Cháu đến đây dọn dẹp từ chiều tới giờ, kết bác dữ lắm mà chưa dám ngỏ lời ái mộ. Bác Năm cho cháu hát vài câu vọng cổ tuồng kiếm hiệp tặng phái đoàn Ba Tri trước khi lui tàu: “Tiệc rượu đêm nay chưa tàn cuộc, sao Sơn ca vội bỏ ra đi. Hãy ở lại đây uống vài chun rượu nhạt…”

Thời tiết qua tết còn quá nóng hay nỗi mừng vui gặp lại con cháu, hoặc là sự thay đổi đột ngột giờ sinh học 12 tiếng đêm ngày giữa hai địa điểm cách nhau nửa vòng trái đất,  khiến bà Hạnh cứ lăn trở trong đêm đầu tiên nơi vùng đất gần cái đuôi cực nam đất nước. Hai Thu cũng thức rất sớm do theo thói quen. Từ lúc về cư ngụ địa phương nầy, Hai Thu bỏ cà phê mà đổi qua gu uống trà nóng giữ trong chiếc bình tích một lít được ủ ấm trong bọng quả dừa khô, châm uống lai rai từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ. Trời còn tối hù, khoảng hơn 4 giờ sáng, Hai Thu châm xong bình trà mới, chú ngồi trên chiếc ghế đẩu  đối diện với bà Hạnh bên chiếc bàn trà được bạn bè dọn dẹp hồi khuya, trả lại vị trí của nó thường ngày trong căn trại mộc. Bà Hạnh nhâm nhi ly cà phê đen nhánh, bà âu yếm nhìn thằng rể mà đám cháu của bà đều khen nó hiền lương và làm ăn rất chăm chỉ, giọng bà nhỏ nhẹ rất tình cảm:

– Con không uống cà phê à. Má quen ly cà phê phin đen nóng mỗi buổi sáng từ khi lấy ba sau của các con.

– Hôm qua tới giờ, không nghe má nhắc tới ba, tụi con cũng không dám hỏi.

– Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, dân di tản từ miền Trung và từ Sài Gòn chạy ra hạm đội có nửa phần là lính và công chức hoặc gia đình của họ. Người rất đông nhưng ổn định và giải quyết nhanh chóng vì nhà binh họ biết cách tổ chức và thừa phương tiện. Hình như chính phủ Mỹ cũng đã chuẩn bị “ba-rê” các thứ, tới chỗ của họ mới thấy láng trại được dựng hàng hàng lớp lớp, công cuộc độ chừng trước khi mình đến chừng vài tháng. Từ Subic đổi hạm khác qua đảo Guam, ở đó hoàn tất giấy tờ và các kiểm tra y tế. Lần lượt được máy bay vận tải quân sự chở vô California đến ở tạm một trại chuyển tiếp.  Nơi đó lại tiếp tục đi máy bay về ở riêng trong một khu là trại lính ở tiểu bang Pennsylvania. Lúc còn thời lính tráng rầm rầm rộ rộ, ba con cũng có thớ là tiểu đoàn phó. Khi mang thân phận tỵ nạn thì dân sự hay lính tráng ai cũng giống như ai. Tiền không có xài chứ vụ ăn ở không phải lo, một vài tuần thì được xe bus đến chở dân trại đi ra ngoài thăm viếng các chỗ vui chơi từ sáng đến chiều.  Khi nào các cơ quan thiện nguyện tìm được người bảo trợ cho gia đình hay cá nhân, họ mới cho xuất trại. Đa số người bảo trợ thời ban đầu đều sống ở thôn quê, do đó mà những người Việt không ở với họ lâu. Lần lượt người mình cũng chia tay các gia đình bảo trợ mà về thành phố dễ mưu sinh kiếm việc. Năm 1976, ba má cũng chia tay hai ông bà già người Mỹ rất tốt ở chỗ quá thưa người vắng để ra thành phố Philadelphia mướn một căn chung cư thuận đi làm bằng xe bus và gần trường để ba đi học, năm đó ba má cùng 41 tuổi.

Năm 1981 ba thi đậu bằng kỹ sư cơ khí, ra trường hạng giỏi. Ba không tìm đúng việc nơi vùng đang ở, có một công ty ở California chịu mướn gấp trong 10 ngày là phải đi làm. Lương bổng và các quyền lợi  khá cao so với ba má đang làm cu-li thời đó. Ba bàn với má giữ việc ở Philadelphia, để ba qua California ở tạm chỗ quen đi làm trước một vài tháng cho lương bổng êm xuôi. Ba có việc làm ổn định mới mướn được nhà cửa chỗ đàng hoàng, lúc đó má xin nghĩ việc dời luôn qua. Không ngờ đó là mở đầu của một thiên định mệnh đau lòng.

Trở lại mấy năm đầu đến Mỹ, lúc đó hai nước cựu thù không thiết lập ngoại giao hay trao đổi  bất cứ thứ gì, vì thế bưu điện cũng không giao thương. Tới chừng họ rụt rịt giao thiệp trở lại thì nghe nói phía chính phủ Viêt Nam đổi tên làng xã đường phố, đặt lại số nhà khác hẳn, ba má có địa chỉ cũ cũng vô dụng. Chỉ những người đi những năm sau 30-4-75  mới biết được địa chỉ thân nhân chính xác. Có người nhờ vả nhau, biên thư cho thân nhân tìm đến tận chốn cũ hỏi thăm để biết địa chỉ mới, nhưng nghe nói cũng ít thành công vì người thân bỏ đi tứ tán. Còn trường hợp của bây và con Dung trước 75 chỉ ở trại gia binh và xài KBC đơn vị thì ai cũng nói coi như khỏi tìm cho phí công. Thời gian dài, má thiệt buồn lo nhưng không cách nào thơ từ  liên lạc với các con.
Lúc gần đây,  má nghe người quen ở Mỹ đồn với nhau gọi là “đi chui” về Việt Nam qua ngã một nước khác ở vùng Đông Nam Á hoặc Hong Kong. Má biết gần nhà có người đi và về kiểu đó, má quyết định lấy ngày phép đầu năm nay và mua vé về thăm các con, rồi có ra sao thì sao. Kể như chuyến về quê hương lần nầy khá hơn đi trốn một chút. Chỗ bán vé họ nói phần vé chính thức chỉ tới Thái Lan. Tới Bangkok ngủ một đêm để sáng hôm sau lấy vé và nhận visa về Sài Gòn, chứ người ta không thể cấp visa về Việt Nam lúc còn ở Mỹ. Họ nói công dân Mỹ đi về Việt Nam lúc chưa có toà Đại sứ như bây giờ mà rủi xảy ra chuyện thì tự lo liệu. Bạn bè của má phê bình chính phủ Mỹ không dở cấm vận cho Việt Nam thì Canada ăn hết các dịch vụ gởi quà qua bưu điện, điện thoại viễn thông, chuyển tiền chính thức cho số người Việt ở Mỹ.

Bà Hạnh hớp ngụm cà phê chắc là đã ngụi, đôi mắt còn rất sắc nét của người đàn bà 57 tuổi ngó mông mênh ra vườn sau cũng đã hừng hừng sáng. Một đoạn đời đau buồn không tàn phá nhan sắc người má vợ mà Hai Thu và bạn bè thầm khen khi xem hình đám cưới “nhà binh” của ông bà tổ chức ở Chợ Gạo vào năm 1967. Có lẽ cuộc sống sung sướng từ nhỏ giúp bà trông trẻ như một mệnh phụ khoảng trên dưới 50 ở thành thị. Bà tằng hắng nho nhỏ cho chất đường trong cà phê trôi qua cổ họng rồi tiếp tục:

– Gần cuối năm 1974, má nhận được mấy tấm hình của con Hạnh lúc tụi con tổ chức cúng thôi nôi. Hình thấy cưng quá chừng, má còn giữ tới hôm nay.  Lúc đó đơn vị của ba cứ di chuyển hoài, vì vậy mà thơ từ chậm trể có khi tới cả tháng hoặc hơn. Rồi thời cuộc siết tới cho tới 1975, cuốn như gông bão không ai kịp toan tính trở tay. Nhiều người giống hoàn cảnh như má đều không ngờ đứt ngọt mọi liên lạc. Mười mấy năm nay má biết mình thiếu sót trách nhiệm với tụi con và hai cháu. Vì vậy sau chuyến đi nầy, má về bển làm tất cả những gì để giúp tụi con.

– Ba khoẻ không má?

Bà Hạnh mím môi một vài tíc tắc rồi trả lời:
– Chuyện của ba cũng buồn lắm!

– Má không muốn nói thì thôi.

– Con có nghe con Dung kể là năm 1967 má ưng ông Trung uý có bà vợ bị chết vì pháo kích? Thật ra không phải như vậy. Năm 1982 có người bạn rất thân với ba ở  Mỹ, họ tức quá cho má biết vợ trước của ba là bà M, hồi ở Việt Nam bà nầy lấy người làm của ba ở Long Khánh lúc bà ấy đã có 2 đứa con với ba. Lúc đó bà ta còn nhẫn tâm về Long An gạt cha mẹ chồng là cần thêm vốn làm ăn, bà M gom hết bằng khoán đất nhà chồng đem cầm cho Chà Và Sét-ti ở Sài Gòn. Năm đó, gia đình của ông bà nội mất hai đứa cháu và bổng nhiên vướng nợ mà khánh tận luôn.

– Trước khi ba cưới má, ba sau làm ăn chuyện gì vậy má.

– Ba sau của tụi con tên là N.  Ba N thi đậu tú tài ngay lúc ông nội bệnh nằm nhà thương. Ba phải tạm dừng việc học để quán xuyến việc khai thác những lô rừng quá tốt của ông nội đã trúng thầu.  Ba N mê theo nghề gỗ của ông nội,  và vài năm sau ba cưới bà M là cháu gái ông chủ trại cưa ở Long An, họ quen biết thời trung học và bà ấy học sau ba một lớp.  Ba N giao cho bà M trông coi việc làm ăn khi có giấy gọi nhập ngủ.
Ba ra trường sĩ quan Thủ Đức năm 1962 và hy vọng thi hành quân dịch đúng hạn mà đất nước thanh bình thì sẽ được giải ngủ về tiếp tục làm ăn. Bà M chỉ có việc tới lui lâm trường và các xưỡng cưa để chi thu tiền bạc. Cho tới một ngày, bà ấy bán hết giấy phép, xe cộ, mượn tiền hụi và cầm cố toàn bộ đất ruộng của ông bà nội. Vụ người đàn bà ôm con và âm mưu hốt hết tài sản nhà chồng trốn theo trai bể ra, ông nội sẵn bệnh nhồi thêm uất ức, ông buồn rầu rồi qua đời. Gia đình ông bà nội dấu nhẹm việc nhơ nhuốc của con dâu, vì thế mà tại địa phương rất ít người biết câu chuyện đó.
Trong thời gian trước ngày cưới má, ba N nói rằng người vợ trước chết vì pháo kích. Có lẽ vì ba muốn che dấu điều xấu hổ, chứ má nghĩ,  thực tâm ba không cố ý gạt gẫm ai hết.

(Còn tiếp)

Một Lúa

0 nhauH

Có 11 bình luận về Con Nước Lớn Ròng (6)

  1. Phạm Thị Trí nói:

    Cái hay của Một Lúa là khi viết truyện , cách hành văn diển tả đúng với hoàn cảnh, con người xã hội …Cô chờ đọc tiếp !

    • Một Lúa nói:

      Chào cô Trí,

      Thiệt tình là em thích viết mà lười xem từng bài hoặc tổng thể. Do đó tự làm khó mình tháo gở rất vất vả. Cảm ơn cô nhiều nhé.

  2. Hoài Thương nói:

    Khi nào tập 7 phát hành vay huynh Một Lúa ?  Đệ khi thì đọc trên trang nhà, khi thì gặp rồi đọc luôn trên Facebook , hi, hi.

  3. Hoành Châu nói:

    Đề nghị  nhà  văn  Một  Lúa  cho  phát  hành  sách  in  từng  tập  truyện    ngắn ,  truyện  dài,,, các  trang   viết  được  tập  trung,,,, sẽ  không  bị  thất thoát  .Hơn  nữa , người  đọc  sẽ   không   bị” trẹo cổ  ” vì  chờ   đợi   quá   lâu   do   tuổi   già    sức    yếu      !!  Chúc sức khỏe người viết được  bến bỉ cùng năm  tháng .Hihi   Hoành Châu (Gia đình C  )

  4. Một Lúa nói:

    Sông dài khó đoán nông sâu
    Ngỡ rằng cạn xợt, dè đâu…hụt giò!

    Cốt truyện dựa trên những tin tức thu lượm trên báo từ nhiều địa phương. Địa danh và tên các nhân vật đã được thay thế.
    Nếu có sự trùng hợp là do vô tình. Kính mong bạn đọc tha lỗi.
    Xin cảm ơn tất cả.

  5. Phan Lương nói:

    Anh Lúa ! Cuộc đời của bà Hạnh ba chìm , bảy nổi quá hả anh

    Anh có nhắc chuyện cá lóc nhảy hầm tháng giêng là sao dị ? kể nghe với.

     

  6. My Nguyen nói:

    Tập 5 và tập 6, thiếm hai Thu đã gặp lại mẹ mình, niềm mơ ước đã thành hiện thực. Gia đình chú thiếm đã qua hồi bỉ cực. Đúng là một câu chuyện có hậu.

Trả lời Hoành Châu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác