Ngôi thánh đường của tuổi thơ tôi…

Ngày đăng: 20/12/2016 05:54:38 Sáng/ ý kiến phản hồi (16)

Trên đường Hùng Vương. Người dân thường gọi là “Nhà thờ Ngã Sáu”, vì gần nhà thờ có ba con đường Nguyễn Tri Phương, Ngô Gia Tự và Nguyễn Chí Thanh đan chéo nhau, nối dài, chia thành sáu hướng đi.

0-nha-tho-1                   Ngôi thánh đường của tuổi thơ tôi…

                                                    Thánh đường Jeanne d’Arc.

Ngôi thánh đường tọa lạc trong một khu công viên với nhiều cây cao bóng mát, thảm cỏ xanh, tiếp giáp với hai con đường ở hai bên hông, Ngô gia Tự và Hùng Vương…Phía trước là một quảng trường. Trước 1975, trường trung học Chu Văn An ở bên kia nhà thờ trên đường Ngô Gia Tự.  Thánh đường Jeanne d’Arc được kiến trúc theo Tây phương kiểu Gothique. Nhà thờ khởi công xây năm 1922, khánh thành tháng 5 năm 1928.

0-nha-tho-2hình 2

Mặt tiền nổi bật với phần tháp chuông phía trước, phía sau là dãy nhà làm lễ kéo dài.

Cách một con lộ nhỏ đối diện với phía sau nhà thờ là hang đá Đức Mẹ Hằng cứu giúp.

Rất nhiều cây xanh cũng được trồng trong khuôn viên nầy. Tượng Đức Mẹ vô nhiễm, ánh sáng từ bi, trái tim nhân ái của Người, như toả  ra từ đôi tay, ánh mắt, nét mặt,  như đang lắng nghe, như  muốn xoa dịu nỗi đau của con chiên, hằng ngày đến khấn nguyện dưới chân Người..

Thuở ấy,  nhà tôi ở Ngã sáu, trên đường Nguyễn Chí Thanh, từ nhà tôi đến ngôi thánh đường chỉ khoảng 15 phút, đi bộ dài theo đường Ngô Gia Tự, sau khi băng qua bùng binh có tượng An Dương Vương giương nỏ thần bắn lên trời cao…

Bốn chị em tôi, sau những giờ chạy chơi trong công viên quanh nhà thờ. Ghé mắt nhìn vào khung cửa thâm nghiêm của giáo đường, hai hàng ghế, im lặng không bóng người. Trên bục cao, ánh sáng rọi vào từ những cửa sổ dài dọc tường, lên tượng Chúa đóng đinh trên cây thánh giá. Vẻ thâm u, trầm mặc linh thiêng của nơi thờ tự tôn nghiêm khiến chúng tôi sờ sợ. Chúng tôi thích đến hang đá, chiêm ngưỡng tượng Đức Mẹ…Tuy không có đạo, nhưng cũng bắt chước người lớn làm dấu thánh giá, cung kính cúi đầu, chấp tay cầu nguyện, xin Mẹ những ước mơ ngây thơ của con nít và tôi còn nhớ  những ước mơ ngây thơ ngày ấy…đó là…Mỗi lần Giáng sinh, xin được mặc quần áo mới đi lễ nhà thờ như con Nhung, con Yến cạnh nhà; xin được quì bên hang đá nơi Chúa  ra đời; xin được hát những bài Thánh ca “…Đêm đông lạnh lẻo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá , nơi máng lừa…” như tụi nó; xin được Ba Má cho phép treo ngôi sao trước nhà như những người có đạo…

Tuổi thơ trôi dần theo năm tháng. Tôi đã qua rồi thời nhỏ dại…Nhưng ngôi Thánh đường vẫn uy nghi, trầm mặc với thời gian…Tuổi đôi mươi, má hồng thời con gái… mỗi lần qua đây, tôi đều ghé lại, dâng lời cầu nguyện lên Người (nhưng lời cầu nguyện nầy đã khác lúc tôi thuở mười một mười hai !!!) để thấy lòng mình bình yên hơn, nhẹ nhàng hơn, tin tưởng hơn.

Ngôi thánh đường tuổi thơ, những con đường với hai hàng cây sao che bóng nắng,  khu Ngã sáu với ngôi nhà thân yêu, nơi tôi lớn lên cùng các anh em. Bây giờ, cha mẹ đã về miền miên viễn. Anh em mỗi người một phận, kẻ ở lại quê hương, kẻ lưu lạc xứ người…Mỗi độ đông về, khi tiếng chuông nhà thờ ngân lên trong sương sớm, nhất là khi Giáng Sinh, mọi người trong niềm hân hoan  đón mừng ngày trọng đại. Trong tôi,  hình ảnh ngày xưa xa lăng lắc lại trở về, và trong muôn vàn mảnh vụn tuổi nhỏ đó…Tạ ơn đức Mẹ và Ngôi Thánh đường nơi giữ tuổi thơ  tôi… 

Phạm Thị Trí

 

Có 16 bình luận về Ngôi thánh đường của tuổi thơ tôi…

  1. Bạn ơi, bạn có nghĩ là cuộc đời mà chúng ta đã trải qua trong bao nhiêu năm, bây giờ nhìn lại thì giống như một bức tranh “puzzle”. Thỉnh thoảng nhớ lại một kỷ niệm xa xưa tức là chúng ta đã gắn được một mảnh puzzle nhỏ vào bức tranh lớn để mà hồi tưởng, để mà ngắm lại những đoạn đường chúng ta đã đi qua. Mong là bạn còn gắn thêm thật nhiều mảnh puzzle nữa để cùng chia sẻ với các anh chị em và bạn đọc trang nhà.

    Chúc bạn và anh Thượng cùng đại gia đình một một Giáng Sinh đầm ấm, tràn ngập niềm vui, một năm mới nhiều sức khoẻ, hạnh phúc và an bình.

    Hồng-Khanh

    • Phạm Thị Trí nói:

      Khanh nói đúng ! Vào tuổi nầy , không gì bắng góp nhặt những mảnh puzzle rời theo năm tháng, gắn đi, gắn lại nhiều lần cho tròn hình ảnh một đời ta đã đi qua… Có những khoảng đời , những mảnh puzzle đã mất , không tìm lại được bạn tôi ơi!

  2. Phạm Thị Trí nói:

    Qua bài viết nầy , tôi muốn gửi theo đây,  lời chúc Giáng sinh an lành,  đến với các bạn   trang nhà TPH.VL  , các em học trò thương yêu mà tôi có duyên gặp gở nơi đây.

  3. Vothilai nói:

    Cô kính mến ! Ngôi Thánh Đường Jeanne  d’arc trông cổ kính và rất đẹp không biết bây giờ có thay đổi gì không? Đọc bài Cô  gợi trong em rất nhiều kỷ niệm mỗi mùa Giang Sinh . Ờ VinhLong thì có nhà thờ  Chánh Tòa gần ngã ba Cần Thơ ,thuở học TPH  năm nào tới lễ là nôn nao ,mặt dù không có đạo như Cô ,nhưng em rất thích đi nhà thờ .Học buổi chiều tan trường là thấy dòng người tấp nập trên đường bắt đầu nôn trong dạ . Về đến nhà trọ ăn cơm nhanh, vẩn chiếc áo dài trắng đi học hằng ngày bắt đầu ra đường góp mặt với mọi người.Đi đến Nhà Thờ lảo đảo ngoài sân ,tới giờ người có đạo vào nhà thờ ngồi đọc kinh,chúng em đứng ngoài cửa cũng chấp tay có mấy anh đứng gần nói” con là người ngoại đạo nhưng tin có Chúa ngự trên cao ” và chúng em cũng nói theo. Em cũng giống Cô nhớ hoài kỹ niêm mỗi mùa Giang Sinh .Sau năm 75 tuy hằng ngày thỉnh thoảng đi ngang nhưng chưa có lần ghé lại.

    • Phạm Thị Trí nói:

      Lài thương yêu. Cám ơn em đã đọc , từ đó hồi tưởng lại ngày em áo trắng sân trường..Trong đời, ai mà không có những kỹ niệm đẹp về ngày Giáng sinh..Kỹ niệm của em thật quá dễ thương, em còn một cái may, là em vẫn còn được sống và gần với không gian tuổi thơ mình. Chúc em vui trong ngày Giáng sinh và năm mới bình an hạnh phúc.

  4. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Cô ạ,

    Những năm 1998 – 2006, em dạy học ở số 91 – Nguyễn Chí Thanh, góc Ngã sáu Nguyễn Tri Phương, chắc gần xóm nhà cũ ngày xưa của cô quá ?

    Em cũng thường qua lại ngôi giáo đường lưu giữ tuổi thơ cô, rất thích kiến trúc và dáng vẻ trang nhã sang trọng của nó, nhưng chưa vào trong thánh đường bao giờ.

    Bài viết ngắn của cô dạt dào cảm xúc, khiến người đọc thấy thương cảm bâng khuâng.

    • Phạm Thị Trí nói:

      Nhà cô số 117…Năm 2010 cô về, có đi qua khung trời cũ, tất cả đã đổi thay. Ngôi nhà ấy không còn thuộc về gia đình cô nữa, ngôi thánh đường Ngả Sáu vẫn uy nghiêm,  nhưng con người , sinh hoạt bán buôn nhếch nhác xung quanh, đã làm mất đi vẽ đẹp của ngôi thánh đường nầy nhiều lắm ..
      Em ạ, trong tim cô ngôi thánh đường tuổi thơ vẫn đẹp và rất đẹp. Chúc em vui.

  5. Phong Tâm nói:

    Trước 1975 tôi từng đi bộ vì không có được chiếc xe đạp, thường đi ngang nhà thờ Ngã Sáu, nhà thờ Huyện Sĩ, nhưng chưa lần nào có dịp ghé vô dầu chỉ ngồi nghỉ chân. Có nhiều đêm về muộn đi dưới mưa lất phất vẫn lang thang không vội vã, buồn buồn… Hôm nay đọc bài viết của Nhà giáo Phạm Thị Trí và hình ảnh ngôi Giáo đường, khiến tôi vô cùng nhớ về kỷ niệm xưa của một thời… Rất cám ơn bài viết gợi lại nỗi nhớ mà năm tháng tôi đã quên.

    • Phạm Thị Trí nói:

      Anh P.T ơi , có những nổi nhớ nằm yên, nhưng không quên..Không bao giờ quên..Hình ảnh anh đi dưới mưa qua khu nhà thờ cũng rất thơ… Có lần ghé qua ” Hai bờ giấy ” thấy bài của anh và H.B , YDT…Rất vui vì nơi trang TPH.VL tôi được quen biết các anh chị…Chúc anh sức khỏe an khang để những khi trang nhà họp mặt, những kẻ ở xa như tôi…thấy được hình ảnh tất cả các anh chị em.

  6. Hoành Châu nói:

    “,,,Cứu rỗi linh hồn con ,,, Chúa ơi ” ! ,Em thấy ngày Noe:l  hồi đó  vui  lắm Cô  ơi,, nhất là những người ngoại đạo   được dịp đi chơi ,, có lần vui theo các  bạn gái thân ,  đạo “gia truyền “(  gia đình bạn ấy có xin phép chị HHà và được chấp thuận ), em hồi hộp  vui sướng  khi nhập vào dòng người dự đêm lễ Thánh ,,, khó  hiểu Cha xứ nói gì  vì con Chiên này lơ mơ   lại  do  ngồi quá xa, Tuy vậy ,  con mắt  ” phật pháp” này vẫn không    rời cái bục trên cao   rực sáng đèn kia ,, thấy Cha thuyết thuyết rồi  đưa chiếc bánh Thánh nhỏ xíu , màu trắng vào miệng ,,, rồi thuyết , thuyết  ,,cuối cùng Cha chúc phúc ,,,sao Cha mặc chiếc    áo sặc sỡ thế ! ( áo choàng màu xanh non lá mạ ) không nhìn cũng vẫn thấy ! Thế cũng qua một đêm Thánh  lễ, được đi  xuồng  chèo qua sông về nhà  ,  nhà bạn ấy  GẦN CHÂN CẦU  vô  chợ  Cái Răng, khu vực Phong Điền ,  đứng  trước   nhà thờ  chờ ghe  mà  vẫn  thấy  nhà  bạn ấy  bên kia  sông  . Một đêm  sống  xa nhà  cũng khá  thú vị đấy chứ !!          Bài  viết chân tình của Cô làm em  nhớ chuyện xa lắc xa lơ  !!Cảm ơn Cô đã làm em vui vui , Chúc Cô  an lành .
    Em Hoành Châu (Gia đình C )

    • Phạm Thị Trí nói:

      Mỗi khi tiếng ”  chuông ngân vang” khắp nơi…Trong tim mỗi người , kỹ niệm buồn vui trở về…Từ ngày vào trang nhà, cô học được rất nhiều địa danh ở V.L qua những câu chuyện được viết lên..Rất yêu thêm mảnh đất nầy..Cám ơn em đã ghi vội những cãm nghĩ khi một lần viếng nhà thờ cùng các bạn. Chúc em vui mùa Giáng sinh và năm mới.

  7. Thưa Cô,

    Thật thú vị khi lần đấu được biết trong thành phố mình sống có nhà thờ mang tên một nữ anh hùng của Pháp. Theo em nghĩ cách đặt tên độc đáo này là có một, không hai, và trên toàn thế giới! Câu thành ngữ “Nóc nhà xa hơn chợ” thế mà đúng. Có những vật, việc ta thường thấy và cho là đã tỏ tường, nhưng sự thật lại không như thế.

    Cô ở xa, nhớ về quê hương, nhớ về thành phố, nhớ về con đường từng đi qua, nhà thờ từng viếng… và giờ Cô trải lòng. Chúng em hậu sinh được Cô chia sẻ mảnh ghép (theo cách nói của cô Hồng Khanh) sẽ được biết thêm, sẽ thấy cuộc đời thú vị, hoàn hảo hơn. Chúa là của mọi người. Nhân mùa Giáng Sinh em cầu mong Chúa ban hồng ân cho toàn thể mọi người. Chào Cô.

    • Phạm Thị Trí nói:

      Cậu Hoàng Long nầy, cô chưa phạt em vì tội dụ những cô bé học trò Trung Thu ngây thơ của cô đưa bàn tay cho em coi bói…Không biết cô có nên chuyển bài viết của em qua trang blog Trung Thu không đây ? Cô rất thích đọc những bài viết của em…Chúc em luôn an vui trong cuộc sống ..

      • Đắc tội, đắc tội. Thì ra Cô đã dạy trường Trung Thu rồi mới về dạy Tống Phước Hiệp. Nếu biết thế em đâu dám đăng bài nghề “dụ người thích nghe hót”? Trái đất tròn mà nhỏ lắm Cô ơi. Bài “Phước Long, quê hương thứ hai của tôi” nhắc đến tên thầy dạy Lý thì đụng bạn anh Nha (đáng lý em phải gọi thầy Nha, nhưng thôi gọi anh cho anh Nha cảm thấy trẻ). Trường Trung Thu nay không còn thế thì tại sao Cô không đưa mảnh ghép này vào blog Trung Thu? Em xin  cung cấp thêm mảnh ghép: Con ca sĩ Hùng Cường cũng học Trung Thu. Nhà ca sĩ HC ở đường Ng. Thiện Thuật nên buổi sáng có mấy anh lính Biệt Động Quân đưa con của ca sĩ đi học ngang trường em. Có một lần HS trường em xảy ra va chạm với con HC sao đó mà nhóm này kéo theo nhiều lính BĐQ đến, trong số đó có cả ca sĩ Thái Châu (lúc này chưa nổi tiếng và làm đàn em của HC) nhưng sau đó thì giảng hòa vì học chung với em có những bạn cha làm lớn. Đúng là có duyên gặp gở. Chào Cô.

        • Phạm Thị Trí nói:

          Cô ra trường về dạy TPH. 1969-1971. Sau khi lập gia đình cô đổi về SG dạy TT.1971-1975 và sau biến cố bể dâu TT bị giải thể, cô về dạy Lê Hồng Phong 1975-1979 và …qua Canada.
          Các em TT rất có tinh thần tôn sư trọng đaọ, các em lập website TT. và cứ 2 năm một lần tổ chức ngày Về Nguồn..ở Mỹ ,  Đó là những ngôi trường trong mù sương ký ức của cô…Em nói đúng, trái đất tròn, cô đâu ngờ, có một ngày …như ngày nay.

  8. Lyhuong nói:

    Cô kính mến ,bà viết của Cô rất hay ,dù chỉ là những cảm xúc nhẹ nhàng nhưng cũng đủ để gợi nhớ bao nhiêu kỷ niệm của một thời xa lắc đó Cô .Em Lý hương .

Trả lời Phạm Thị Trí Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác