HOA THẠCH THẢO CHÙA VẠN LINH

Ngày đăng: 2/12/2016 10:00:49 Chiều/ ý kiến phản hồi (8)

Ngày 30/11/2016, Lương Minh và nhóm Quán Văn làm một chuyến Tây du hoành tráng. Lịch trình nghe nói phong phú lắm. Ở An Giang, ngoài ghé thăm Hạc Thành Hoa, Trịnh Bửu Hoài.. đoàn sẽ đi chơi các nơi như núi Cấm, miếu bà núi Sam, rừng tràm Trà Sư.

Có lẽ do khởi hành ở Sài Gòn hơi muộn nên khi đoàn đến chân núi Cấm, đồng hồ đã chỉ 16 giờ. Cáp treo nghỉ vận hành. Khách du thưa vắng. Tuy nhiên, quý vị trong đoàn cũng quyết định thượng sơn. Thời buổi kinh tế thị trường, anh muốn em chiều. Thế là xuất hiện ngay hai chuyên cơ phục vụ lữ hành 16 chỗ. Các anh chị lục tục chia làm 2 nhóm “đằng vân” trong mây chiều xập xoạng.

Đường lên núi Cấm dốc đứng, quanh co uốn lượn. Không khí mát mẻ, trời se se lạnh. Nếu hai bên đường không là vườn xoài, lùm bụi mà là những rừng thông cao thì quả thật không khác gì đường lên đỉnh Lang Biang.

Núi Cấm trong vùng Thất Sơn không chỉ là ngọn cao nhất. Đó là nơi hội ngộ nhiều câu chuyện tôn giáo tín ngưỡng miền Tây. Không kể về huyền thoại chùa Phật Lớn, có tượng Phật bằng đá mỗi năm mỗi lớn ra, có đạo sĩ Ba Lưới mà báo Tuổi Trẻ xếp là đạo sĩ cuối cùng từng tay không đánh cọp (!), có tượng Phật Di Lặc trên núi lớn nhất châu Á, có chùa Vạn Linh, nơi xuất phát nhiều vị cao tăng của thời hiện đại, sẽ nói ở phần sau, còn là nơi ghi dấu ấn của nhiều tổ sư, giáo chủ, từng dừng chân nơi đây một thời gian để tu hành, giác ngộ.

Sắp xếp theo thời gian mà sách vở còn ghi chép, Hoà thượng Thích Trí Tịnh, Phó Pháp chủ GHPGVN, có lẽ là người lên núi sớm nhất. Năm 1937, lúc ông mới 20 tuổi, ông đã lên chùa Lá, nay là chùa Vạn Linh, thọ giới Hoà thượng Thích Thiện Quang. Năm 1939, Ngài xuống núi vân du tu học và hành đạo, góp một phần to lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Nam. Một điều lạ là Ngài quy y dòng Thiền Lâm Tế, đời thứ 41, nhưng sau nầy chuyển hẵn sang Tịnh độ.

Năm 1937 cũng là năm đức thầy Huỳnh Phú Sổ, 18 tuổi, lên trị bịnh ở vùng Bảy Núi rồi có cơ duyên tiếp xúc với giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương. Sau đó năm 1939, khai sáng đạo Phật Giáo Hoà Hảo. Hiện giờ vẫn là một tôn giáo lớn trong vùng.

Năm 1942, Tổ sư Minh Đăng Quang, cũng mới 19 tuổi. Sau thời gian thọ pháp Phật giáo cổ truyền với một nhà sư Kampuchia gốc Việt ở Phnom Penh, về Việt Nam ra ghềnh đá Mũi Nai, Hà Tiên, ngồi tham thiền 7 ngày đêm không nghỉ, phát hiện lý đạo “Thuyền Bát nhã”, Ngài cũng lên núi Cấm, mãi đến năm 1944, thời thế bất an, Ngài  trở về chùa Linh Bửu, Mỹ Tho, khai lập đạo Phật Giáo Khất Sĩ Việt Nam. Hiện vẫn là một nhánh đạo lớn trong GHPGVN. Điều kỳ diệu của đạo Khất Sĩ là kết hợp rất hài hoà giữa hai truyền thống Phật giáo: Nam tông và Bắc tông.

Một vị tôn sư nữa từng lên núi Cấm mà không thể không nhắc tới là Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam. Ông sinh năm 1910, 25 tuổi lấy bằng kỹ sư hoá học ở Pháp. Không biết cơ duyên nào, năm 1945, ông lên núi Cấm quy y với Hoà thượng Thích Hồng Tôi, trụ trì chùa An Sơn. Ngài tu theo hạnh đầu đà, một hạnh tu ít gặp ở Việt Nam. Suốt 3 năm, Ngài ngồi tại bệ đá trước cột phướng chùa. Đêm ngày tịnh khẩu, chịu đựng nắng mưa, thân hình khô đét. Năm 1945, cũng sau 3 năm như các tổ sư, tôn sư khác, Ngài hạ sơn về hành đạo ở Tiền Giang và Bến Tre. Năm 1963, Ngài ra cồn Phụng, lập chùa Nam Quốc Phật khai đạo Hoà Đồng Tôn Giáo. Xưng là Quyền Thiên Nhơn Lãnh Đạo Thích Hoà Bình. Chủ trương tu hành không cần tụng kinh gõ mõ, chỉ cần tham thiền, tưởng niệm và ăn chay. Đệ tử lên đến hàng ngàn, trong đó có nhiều người Âu Mỹ. Ngài mất năm 1990.

Bên trên là các vị tôn sư, giáo chủ đã qua đời. Vẫn còn một vị cao tăng, danh tiếng lẫy lừng đang trụ thế, không nhắc tới là một thiếu sót rất lớn. Đó là Hoà thượng Thích Huệ Đăng, thế danh Nguyễn Văn Sáu, sinh năm 1940 tại Sài Gòn. Năm 1978, Ngài lên núi Cấm thọ giới Sa di, năm 1980 xuống núi vân du tu học và hành đạo, rồi du học ở Ấn Độ. Ngài hiện giờ là giảng viên cao đẳng chuyên khoa Phật học, Uỷ viên Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN. Điều đặc biệt thứ nhất ở Ngài là chủ trương làm kinh tế để phục vụ tu hành. Ngài lập ra Công ty TNHH Hoa lan Thanh Quang, chuyên sản xuất kinh doanh hoa lan ở Đà Lạt. Ngài là nhà khoa học duy nhất ở Việt Nam nuôi cấy mô thành công sâm Ngọc Linh và đã chiết xuất được dưỡng chất thành thương phẩm. Điều đặc biệt thứ hai là trong thời gian ở Ấn Độ, Ngài đã phát hiện phương pháp yoga Phật Giáo. Ngài là người duy nhất hiện nay trên thế giới nắm vững kỹ thuật bhuda yoga nầy. Ngài đang mở lớp đào tạo huấn luyện viên môn nầy tại Hà Nội để kịp thời giúp Việt Nam tham dự Đại hội Yoga Thế giới.

Rõ ràng là núi Cấm có một cái gì đó linh thiêng huyền bí lắm, mới là nơi hun đúc đào tạo ra những con người lẫm liệt như thế.

Thoáng chốc, hai chiếc chuyên cơ đã dừng lại trước cổng chùa Vạn Linh. Chiều xuống sâu nên rất thưa người. Không gian yên bình thanh thản trong tiếng chuông ngân và nụ cười Di Lặc. Mọi người tranh thủ chụp hình, cố ghi lại những khoảnh khắc an nhàn thư thái.

Một nữ sĩ trong đoàn phát hiện sát chân tường rào bên đường lên chùa, những cụm hoa nho nhỏ. Nữ sĩ cố gắng đưa máy ảnh thật gần để lấy những nét macro. Tôi hỏi nữ sĩ đó là hoa gì? Nàng đáp là hoa thạch thảo. Tôi giật mình. Hơn 40 năm trước, tôi đã mê chết tên loài hoa được Phạm Duy phổ nhạc trong bài thơ của Apollinaire, bài L.adieu. Có người nói rằng, không biết vì sao Phạm Duy và Bùi Giáng lại gọi hoa bruyere là hoa thạch thảo? Họ còn nói rằng hoa bruyere tên Việt phải là hoa thạch nam. Bù trất! Hoa thạch nam là hoa gì trời? Tôi truy tìm ở wiki biết thêm hoa thạch thảo nhỏ, có cánh hoa màu tím, nhuỵ hoa màu vàng. Còn ở đây, nhuỵ hoa vàng nhưng cánh màu trắng. Tuy nhiên, hoa thạch thảo còn một tên khác là hoa cánh mối, những đoá hoa nầy lại giống cánh mối hơn. Tôi tin, đây mới chính là hoa thạch thảo.

Thấy nữ sĩ lom khom, cố gắng ghi cận cảnh những nét kiêu sa của loài hoa dại, tôi chợt nhớ đến thiền sư Matsuo Basho với một bài haiku mẫu mực của Ngài, nên nói với cô, ghi hình hoa xong rồi làm luôn vài bài haiku nha! Nữ sĩ cười ngất rồi trả lời, em cũng thích làm haiku lắm nhưng ngặt nỗi mới có một cu thì đã té rồi. Câu trả lời hay hơn Nguyễn Đức Sơn. Sơn núi thường nói, haiku bacu gì không biết.

Tiếng cười của nữ sĩ làm cho đất trời chuyển động. Mây mưa kéo tới đùng đùng. Cả đoàn hạ sơn.

Tháng 12/2016

QUÁCH ĐÀO

 

Chú thích ảnh:

h3– Hình 1: hoa thạch thảo trên wiki

img_2981 Hình 2: hoa thạch thảo ở chùa Vạn Linh

img_2977                                Tác giả và LM trước cổng chùa Vạn Linh,

untitledđoàn Quán Văn, người đang chụp selfie là GS.TS Nguyễn Đăng Hưng.

 

Có 8 bình luận về HOA THẠCH THẢO CHÙA VẠN LINH

  1. NHA nói:

    Mộtcu đã té rồi

    Haiku than nhức đầu thôi

    Bacu còn gì tôi

  2. NHA nói:

    Đúng là Quách tiên sinh!
    Bài viết giúp anh hiểu biết thêm tường tận về những bậc tu hành từ Thất sơn huyền bí mà bấy lâu chỉ biết hời hợt.
    Dòng văn trơn tru kết hợp thêm những chuyện thú vị khiến anh đọc một mạch hết bài hồi nào không hay!

    • Quách Đào nói:

      Cám ơn anh Anh Tú. Bài 3 câu của anh rất vui. Thật sự là một bài haiku tự tình phá cách. Ông LM làm em đang lo đây. Sợ hiểu lầm.

      • NHA nói:

        Theo chân QĐ với ba câu chọc ghẹo này anh cũng đang lo …bị mắng. Thôi thì… lở rồi; nhưng tại tiếng nước mình hay quá mà kềm không được.

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Bài viết hấp dẫn, vừa cung cấp kiến thức, vừa chọc cười thư giãn.

    Nhà thơ Hạc Thành Hoa – Nguyễn Đường Thai là Tổ trưởng Văn của tôi những năm 1990

    Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài trước là bạn thân của nhà tôi.

    Cùng là những vị thân quen chí cốt một thời…

  4. Cám ơn nhà văn Quách Đào, nhờ đọc bài viết này mà được biết thêm nhiều về núi Cấm, lịch sử cũng như những nhân vật nổi danh liên quan đến miền vùng của quê hương mến yêu. Cuộc thăm viếng thật thú vị với các anh chị em bè bạn làm tăng thêm sự thú vị với cảnh vật chung quanh.

Trả lời NHA Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác