CHUYỆN VUI BUỒN Ở XÓM TRỌ (phần 3 )      

Ngày đăng: 6/12/2016 10:45:47 Sáng/ ý kiến phản hồi (3)

Nhà cạnh ngôi biệt thự cổ ( chỗ ở của ba nàng tiên ) là “ quán thằng Tây”. Mọi người quen gọi vậy  chứ ông là ngừời Pháp tên Hibert đã có tuổi rồi, .Quán ông Tây nhỏ xây cất bằng vật liệu gọn nhẹ ở phần sân căn nhà cấp 4, bán cà phê, nước đá và các thức ăn bình dân cho xóm như bánh mì, chè đậu và các thứ bánh trái khác.

Nghe đâu lúc trước ông theo lính viễn chinh sang Việt Nam , chàng lính  trẻ người Pháp đã phải lòng cô gái miệt vườn Cửu Long sông nước nên  không trở về tổ quốc sau khi đã ký Hiệp định Genève

img_7835 Đi ngang đây, mỗi ngày đều thấy ông Tây cao to hì hục làm việc cần mẫn: Chẻ cũi, nấu nướng, bào đá, đập nước đá, bưng bê thức uống cho khách trong sự hòa nhã vui tươi. Dù ở nhà, trong lúc làm việc tất bật nhưng lúc nào cũng thấy ông ăn  mặc lịch sự , tóc hoa râm hơi xoăn, chải gọn, mang kính gọng to đen , áo thun rộng ngắn tay ,quần lững sọc ca rô, chân mang  giày bố có buộc dây . Ở lại Việt Nam khá lâu nên ông nói tiếng Việt rất sỏi. Bà vợ ông dáng thấp, người có bề ngang ,vui vẽ, hay nói , gặp việc gì khó thường quay sang gọi chồng âu yếm: Hibe ơi, Hibe à !.. Ông tây vui vẽ lên tiếng :- Có đây , có đây ! Rồi nhanh chân chạy ra phụ vợ .

Thi thỏang có chuyện  ông đi chợ Vĩnh Long , ông  hay  đi  bộ nhanh trên đường. Áo dài tay , sọc ca rô , tay cài măng sét , bỏ áo vào quần tây màu sáng, chân đi gìày đen bóng lộn  đúng  cung cách ăn mặc Pháp .Trang phục của ông có lẽ do người thân ở Pháp gởi qua. Lúc nầy , ông đã hóa thân thành ông công chức gìa người Pháp đang ở chốn phồn hoa, không còn là thằng Tây bán bánh mì thịt ở xóm kho dầu nữa.

Hai vợ chồng ông có  cô  con gái, mặt đẹp đậm nét Tây Âu, chỉ hơi nhỏ người. Cô có nhiều bạn bè, ham chơi..Đôi khi ngồi ở quán ăn chè, tôi nghe ông phiền trách nhẹ nhàng cô con gái .Vì “có nét”  như vậy nên  cô gái nầy được tiệm chụp hình Photo Vinh ( bên kia Cầu Lầu ) lấy chân dung phóng thành ảnh khổ to làm ảnh quảng cáo trưng bày trong tủ kính trước tiệm một thời gian .

Sau 30/4/75 tôi ít đi lại trên con đường Văn Thánh, chẳng biết ông Tây rồi có đăng ký trở về cố quốc với gia đình không . .Ông còn hay đã mất, tính ra năm nay tuổi ông đã cao lắm rồi …

Kế bên  nhà ông Tây có một vuông đất trống , nơi đây dùng làm địa điểm “ trung chuyển “ rác Mỹ.hàng ngày các chiếc xe rác màu xanh bên hông có dòng chữ trắng TRASH TRUCK đi lấy rác ở các cơ quan, và nhà riêng của Mỹ về đổ ở đây  để có xe rác to hơn đến chuyển đi. Tuy việc lấy rác đã có thầu, rác trước khi mang về đây đã qua phân lọai vài ba lần rồi , nhưng đôi lúc công nhân đi theo xe đã nhặt nhạnh thêm trong quá trình cho rác vào xe và đổ rác vào bãi những đồ dùng, những thức ăn còn giá trị, chưa hết ngày tháng sử dụng như radio, cátsét, máy sấy ,quạt điện, thịt hộp, bánh tây v.v…Người công nhân trực  tiếp thu gom lọai  rác nầy cũng khá lên nhờ trúng nhiều quả đậm, bất ngờ. Tôi có thằng bạn trong lớp  đưa về nhà chơi hồi học lớp Bảy. Bước vào nhà, tôi không tin khi nghe nó giới thiệu ba nó là “công nhân  vệ sinh” khi nó chưa nói hết mấy tiếng sau cùng “của Mỹ”

Buồn cười nhất là bọn trẻ bị người lớn xua đuổi, hăm he, gìanh giật, chúng chỉ còn biết lén hôi của khi họ mất cảnh giác. Có đứa bới ra được vài ba hộp xúc xích, vài lon bia,vài bịt cà phê, túi đồ chơi của trẻ con, còn mới. Có đứa số đen đủi ,không tìm được gì, chỉ được vài ba quyển Playboy còn mới, mừng quýnh chạy về bán lại cho quý ông sồn sồn trong xóm như đã dặn trước. Đám trẻ nhỏ hơn, lấy những quyển Playboy rách, xé ra, tìm bức ảnh to và rỏ cầm chạy chơi. có xe nào chạy ngang thì đưa lên huơ huơ khá buồn cười.

Cách bãi rác không xa là trạm kiểm sóat của lực lượng phối hợp gồm Quân Cảnh , Kiểm sóat và Cảnh sát áo trắng .Trạm kiểm sóat nầy là trạm thứ hai tính từ ngọai thành vào

Xe chạy từ Trà Vinh –Vũng Liêm lên khi xe xuống dốc cầu ông Me sẽ gặp ngay trạm Kiểm sóat số 1 đóng dưới 2 cây còng rất to tỏa bóng mát một vùng .

Hai trạm kiểm sóat nầy tùy theo tình hình có thể tăng hoặc giảm số lựơng nhân viên nhưng thường chỉ có 3 người như vừa kể. Trạm chủ yếu kiểm tra người,kiểm tra “tình trạng hợp lệ quân dịch” của thanh niên từ 17 tuổi trở lên .Có hôm căng thẳng xe phải đậu lại hằng 10 đến 20 chiếc ( Ngày ấy rất ít xe, đậu lại như vậy là đã rất đông ) Hai trạm kiểm sóat nầy chủ yếu kiểm xe vào nội thành , xe chạy từ bến ra thường ít khi bị gọi dừng lại .

Tính từ trạm kiểm sóat thứ 2 ( Cạnh quán ông Tây ) vào chợ Vĩnh Long không còn mấy bước chân. Hành khách nóng ruột, nhưng  không một ai dám cằn nhằn thở than .Thủa đó tôi còn nhỏ nên mỗi ngày đi học, qua trạm kiểm sóat nầy tôi thường dừng xe lại “dòm ngó” mà không sợ ai “để ý ” Người lớn thì chẳng ai dám léo lánh tới gần trạm kiểm sóat .

Bởi trạm chỉ kiểm tra an ninh và quân dịch nên ngừng lại thì hồn ai nấy giữ, xong việc xe được cho đi , chẳng có ai xin xỏ gì ai, phụ xế cũng đứng im mà nhìn, không như bây giờ kiểm tra giao thông nên phụ xế hay chạy vào trạm khi xe ngừng để xin xỏ hay làm cái gì đó  không ai biết !

Không giấy tờ hợp lệ có lẽ chẳng ai dám đi đường hiên ngang trên xe đò đâu .Trừ các trường hợp quên giấy tờ, thiếu giấy tờ mà không biết .Những thanh niên nầy bị mời xuống xe ở lại giải quyết .Qua nhiều xét hỏi nhiêu khê ở cơ quan thẩm vấn , không “bị đòn” là may mắn. Sau đó bị tống lên trung tâm tuyển mộ nhập ngũ ( tôi nhớ hình như trung tâm nầy của Vĩnh Long ở trên phi trường một đổi ) chờ đưa đi học ở các quân trường theo nguyện vọng hoặc bị bắt bụôc. Ngày ấy nào đâu đã có cái điện thọai di động để mà gọi cho gia đình hay tin, ở trung tâm thì chẳng có ai làm “việc từ thiện” đó cho bạn . Cho nên có khi liên hệ  được gia đình thì phải tập trung mười bữa, nữa tháng. Thậm chí có trường hợp đã vào quân trường !

Tôi có mấy anh bạn đã từng bị “hốt” đưa qua Cần Thơ, lý do buổi tối đi học luyện thi tú tài , bỏ quên cái áo gío có để giấy tờ tùy thân ở nhà, gặp lực lượng cảnh lực bố ráp trong “Chiến dịch vì dân ”, không có giấy tờ trong người. Khỏi giải thích gì cả, khỏi nhắn tin về nhà gì cả. Lên xe…

Nghe các anh kể lại quá trình bị “dẫn độ ” về đến Cần Thơ thấy xui rủi lãng nhách .Mấy ngày bị kẹt ăn ngủ làm sao, sinh họat khác ở trong đó thế nào, rồi phương án nhắn tin về gia đình v  v…nghe xong ai cũng cười ngất

 

Nếu chỉ nói về ông phát thư đi bộ nhọc nhằn trên đường Văn Thánh mà không nói đến một nhân vật không kém phần đặc biệt nữa thì sẽ là một điều thiếu sót lớn. Đó là ông “Xì Cù Là ” .

Ông tên thật là gì, nhà cửa ở đâu có lẽ không mấy người được  biết. Năm 1968 khi mới lên xóm trọ  nghe mọi người bảo lại đã từ lâu ông “họat động” trên khúc đường nầy rồi .Ông người nhỏ nhắn , mặt xương xương, má hóp tựa như nhạc sĩ Văn Cao, đặc biệt ông có đôi mắt rực sáng tóat ra tia nhìn của người trí thức có trình độ .Năm ấy tóc ông đã hoa râm, cằm có râu bạc lưa thưa ít chăm sóc. Ông thường đi  ngòai đường đang trời nắng gắt, lũi thủi với cái dáng lom khom, đầu đội nón vải rộng vành xụp xuống che lấp mặt. Vừa đi, ông vừa nói gì đó trong miệng vừa đủ để ông nghe (nói hay lầm bầm điều gì cũng chẳng ai biết !) Hai tay ông lúc nào cũng cầm hai viên đá xanh to. Thấy ông từ xa bọn trẻ con đi ben bét vô nhà. Có hôm  ông vung tay ném đá vào bọn trẻ chọc ghẹo ông. Chúng chạy theo ông hô to ! :- Ông Xì Cù Là, Ông Xì Cù Là, Xì cù là tha ( thoa) con cu !

Người lớn phát hiện la rầy lũ trẻ – Ổng có phá khuấy gì ai đâu ?! Đáng tuổi ông nội, ông ngoại bây, chọc mang tội ! Tại sao dầu cù là không thoa lưng, thoa tay chân mà thoa chỗ đó ? Chọc vậy ổng không giận sao được ! ?.Trẻ tan hàng, ông nhặt đá khác cầm tay, tiếp tục cuộc hành trình .

Có người như biết chút ít về ông, nói lúc trẻ ông đi du học Pháp,vì học quá xuất sắc. Khi tốt nghiệp không chịu làm việc cho  Pháp đòi về Việt Nam nên Pháp chích thuốc cho mất trí ( Đây là luận kiến giống nhau khi nói về người VN du học bên Tây không hợp tác với Pháp . Chuyện không ai kiểm chứng, nhưng qua đây đã nói lên được niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn nhân dân ta )

Nhiều hôm, tôi ra tiệm hớt tóc của chú Mười ở đầu hẻm. Đang đi ông Xì Cù Là dừng lại, vào quán ngồi tử tế, mở báo của tiệm ra đọc và gợi chuyện ( Thời gian nầy vào cuối 1972 sắp bước sang 1973, gần ngày ký Hiệp định Paris) Thấy ông mọi người ái ngại xa lánh, nhưng rồi nghe ông nói một lúc mọi người bị cuốn hút. Ông có giọng nói dễ gây thiện cảm, ý tứ trình bày chặt chẽ. Ông bình luận về công việc của Ban Liên hiệp Quân sự bốn bên . Ông có vẽ khóai Đại tá Võ Đông Giang của Mặt trận Giải phóng và tướng Hòang Anh Tuấn của Hà Nội (Sau 4/1975 Võ Đông Giang lên tướng rồi Thứ trưởng ,Bộ trưởng Chủ nhiệm UB Kinh tế đối ngọai ). Qua nhiều ngày ghé nói chuyện (không bao giờ quên nhắc Võ Đông Giang) mọi người ở xóm đánh giá ông chỉ khùng có lúc, nếu được điều trị  đến nơi ( có chuyên gia tâm lý chia sẻ) có thể ông sẽ khỏi bệnh

Cũng như ông phát thư, sau giải phóng tôi không còn tin tức gì  về ông. Đôi lúc đi qua đường Văn Thánh cũng không còn thấy hình bóng quen thuộc của ông lầm lũi đi giữa trưa hè cháy bỏng ….

 

( CÒN NỮA )

 

NGUYỄN GƯƠNG

 

Có 3 bình luận về  CHUYỆN VUI BUỒN Ở XÓM TRỌ (phần 3 )      

  1. Nguyễn Gương đã kể lại những kỷ niệm, những chuyện xưa của Vĩnh Long thật sống động và từng chi tiết một. Những người xa quê chắc chắn không khỏi bồi hồi, cảm động khi nhớ lại nơi mình được sinh ra và gắn bó trong một thời gian dài mà nay chỉ còn là hoài niệm.

  2. NGUYEN GƯƠNG nói:

    Kính gở i Cô Hồng Khanh!  Có lẽ những tháng năm đẹp nhất đời người là những  tháng ngày đ i học . Do vậy tất cả những buồn vui của giai đọan này đã in đậm trong em .Chỉ tiếng kẻng đổi canh gác hàng đêm thôi cũng đã theo em cho đến hơn 40 năm sau nầy. Chuyện viết lại để vui  cũng vừa đánh giá lại mình để sống sao cho tốt khỏanh đời còn lại . Xin cảm ơn cô đã đọc .

  3. My Nguyen nói:

    Một lần nữa, phải nể phục về trí nhớ của anh Nguyễn Gương. Anh kể lại những chuyện xưa thật mạch lạc, rành rọt từng chi tiết một. Nói về những xe rác Mỹ, MN nhớ lúc ở ngã ba Chiều Tím, Mỹ làm con đường đi Trà Vinh mấy tháng liền trước cửa nhà, thế là có cảnh tượng bọn trẻ dành nhau thùng rác Mỹ để kiếm thức ăn, đồ hộp…thấy mà buồn làm sao ấy. Còn chuyện học giỏi bị Pháp chích thuốc cho loạn thần kinh, không sử dụng được tài năng của mình, dạo ấy cũng thấy nhiều trường hợp nhưng chẳng biết có chính xác thế không (?)

    Cảm ơn anh Nguyễn Gương đã làm sống lại ký ức hơn 40 năm, đọc bài viết mà tưởng chừng sự việc đang diễn ra trước mắt, thật rõ ràng, sinh động…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác