Sao gọi là Vãng Long mà không gọi là…?

Ngày đăng: 21/09/2016 10:28:47 Chiều/ ý kiến phản hồi (19)

Trong thi văn của người Vĩnh Long, thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp từ “Vãng Long” thay thế cho tên Vĩnh Long. Sao có tên gọi như thế!?. Nửa như thân quen, nửa chừng lạ lẫm.

Cái tên “chợ Dãn” thật nôm na, mộc mạc như người dân quê Vĩnh Long; tôi được nghe lần đầu từ lúc lên 6 – 7 gì đó, cách gọi tên Vĩnh Long của Nội và Ngoại, đến nay đã dư 60 năm. Như thế từ “Vãng Long” theo cách nói của giới văn thi sĩ (là Dãn Long theo cách nói của người dân Vĩnh Long) đã xuất hiện ít nhất cũng trên 65 năm.

Sau này, khi vào trung học, tôi cũng bắt gặp tên “Vãng Long “, khi muốn truy tìm nguồn gốc của từ “Vãng” này thì không còn ai để hỏi. Nội, ngoại tôi đều qua đời (tính đến nay ông, bà đã gần 150 tuổi). Do đó tôi chỉ còn cách tìm hỏi ở những bậc cha chú, cả những nhà trí thức đứng tuổi; sinh sống lâu đời ở Vĩnh Long. Tất cả đều hoài công. Không ai có thể giải đáp thắc mắc này.

Phải tự dựa vào chính mình thôi.

Tôi cho rằng từ “Vãng” có hai xuất xứ. Xuất xứ thứ nhất là do những vị có học thức; vì từ Vãng là từ Hán Việt. Xuất xứ thứ hai do giới bình dân kém học.

1-  Xuất xứ do những vị có học thức đặt:

– Truy tìm từ các sách, bài viết nói về lịch sử hình thành Vĩnh Long. Trong tất cả các tài liệu, tôi chỉ tìm thấy các tên đặt của triều Nguyễn theo thứ tự: châu Định Viễn, Hoành Trấn, Vĩnh Trấn, Vĩnh Thanh, và Vĩnh Long là tên sau cùng. Không thấy tên nào liên quan đến chữ “Vãng”.

Không có lời giải, tôi quay sang truy nguyên từ gốc trong tự điển Hán Việt.

– Truy từ Tự Điển Hán Việt ở hai quyển tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh và Thiều Chửu:

晚 vãn : cuối, hết, chiều tối, tiếng xưng hô với người lớn tuổi hơn (vãn bối, vãn sinh..)

往 vãng : Đã qua, đi đến, cái đã qua rồi.

 

2- Xuất xứ do giới bình dân kém học.

Tôi nghĩ đến phát âm của người Miền Tây có thể Vãn hay Vãng đọc thành “dãn” chăng? Lại tiếp tục tìm hiểu chữ “dãn”. Cũng hoài công, từ ” dãn” này là một từ Nôm thuần tuý, cũng không hề liên quan gì đến lịch sử hình thành Vĩnh Long, hay tên của một người có tiếng tăm ở vùng đất này.

Ở nước ta không thiếu gì những địa danh rất ư là quê mùa dân dã, do giới bình dân lấy tên từ người hay thú để đặt, như chợ Bà Chiểu, ngã năm chuồng chó, rạch ông Hội, cầu Bà Tồn…Bỗng nhiên tôi chợt nhớ đến tên một vị quan lớn, tên tuổi của ông gắn liền với mảnh đất hiền hoà này. Đó là Phan Thanh Giản. Cụ từng giữ các chức vụ lớn ở triều Nguyễn như Thượng Thư Bộ Lại, Thượng Thư Bộ Binh…Năm 1850, được cử vào trấn nhậm Nam Kỳ cùng Nguyễn Tri Phương, sau đó giữ chức Kinh Lược Sứ Nam Kỳ. Dinh của Người đặt ở Vĩnh Long. Trong thời gian ở Vĩnh Long, Ông đã làm rất nhiều việc lợi ích cho nơi đây, nhất là về văn học, Ông cùng quan phụ tá là Nguyễn Thông xây dựng Văn Thánh Miếu. Văn Thánh Miếu được bảo tồn và gìn giữ đến ngày nay. Tên tuổi của ông thực sự đã gắn liền với vùng đất này.

Kết Luận

Tôi còn nhớ như in, mỗi khi nội tôi từ Phú Phụng hay ngoại từ Mai Phốp lên chơi, thường nói: Lên trên “Dãn” thăm cháu. Những bà con dưới quê khi đi chợ Vĩnh Long đều nói là “đi chợ Dãn”, theo cách nói của dân quê chứ không hề nói “đi chợ Vĩnh Long”.

Từ những tìm hiểu qua tài liệu cũng như trong thực tế, tôi nhận thấy: –  Từ “Vãn hay Vãng” nếu xét về nghĩa theo Hán Việt hay Lịch sử, đều không hề dính dấp gì đến cái tên Vĩnh Long; không phải do người Vĩnh Long đặt ra, vì dân ở đây chỉ phát âm “d” chứ không thể “v

– “Vãng” có thể đọc trại từ chữ “Vĩnh” chăng? Điều này tôi cố tìm trong thơ, văn, sách …, nhưng không hề thấy tài liệu nào ghi Vãng do chữ Vĩnh mà ra. Có lẽ do biển chữ mênh mông nên tôi chưa thể tìm ra.

– Từ “dãn” cũng thế, một từ Nôm thuần tuý, không hề liên quan gì đến lịch sử hình thành các tên gọi của tỉnh Vĩnh Long.

– Như nói ở trên người dân quê chúng ta hay lấy tên những người có tiếng tăm để đặt tên cho các địa phương. Nên bà con Vĩnh Long đã lấy tên Cụ Phan gọi thay cho Vĩnh Long, với lối phát âm của địa phương, nên Chợ Giản được mọi người nói là Chợ Dãn (cách phát âm “v” hay “gi” của người Miền Tây thành âm “d“).

Có lẽ Vãng Long hay Dãn Long xuất phát từ trường hợp này chăng?

Với quan điểm cá nhân từ những phân tích và suy luận, tôi cho rằng tên gọi Giản Long là hợp lý hơn cả (dân địa phương phát âm là Dãn Long) .

Nếu bà con, anh, chị, em nào có thể tìm được tư liệu giải thích được tên gọi Vãng Long, xin giới thiệu đến để mọi người cùng trao đổi và học hỏi.

Huỳnh Hữu Đức biên khảo

20884794                          Đường Gia Long 1966 (bưu ảnh)

 

(Tài Liệu tham khảo: Vĩnh Long Xưa Và Nay của Huỳnh Minh 1967, Google Wikipedia)

 

***

 

Có 19 bình luận về Sao gọi là Vãng Long mà không gọi là…?

  1. “Vãng tức Vĩnh , chợ Vãng tức là chợ Vĩnh long , vì ngày xưa ông bà hay kỵ húy, nên tránh dùng chữ đụng tới vua chúa…Vĩnh Thuỵ hay vua Bảo Đại” ( Trích Tập san Đồng Nai- Cữu Long số 6  XB. California..Bài… Vĩnh Long qua mấy vần ca dao của B.S Phan Giang San ).

    Thưa anh Huỳnh Hữu Đức , nhân đọc bài biên khảo của anh, và câu kết luận anh có kêu gọi  ” Nếu bà con…..cùng trao đổi và học hỏi ” nên tôi trích  nhận xét của B.S Phan Giang San về Vãng và Vĩnh….gửi vào mục phản hồi , như một ý kiến của tôi.

    Trân trọng.

  2. Biết được thêm nguồn gốc hoặc những giả thuyết về tên của các địa danh của nơi mình đã sống qua kể cũng là điều thú vị. Cám ơn tác giả HHĐức đã tìm kiếm và thu thập các dữ kiện về nguồn gốc của chữ ” Vãng” để đọc giả có cơ hội để suy gẫm.

  3. Kính thưa cô Trí, cô Khanh, anh Đức,

    Em là người liên hệ đến việc này nên em xin nêu ý kiến. Trước hết, em hoàn toàn nhất trí với ý kiến của cô Trí. Sở dĩ suýt có việc đổi tên tỉnh nhà thân yêu của chúng ta là do người dân thời ấy (như bà ngoại em) sợ phạm húy.  Trong bài viết Những Việc Hơi Xưa Về Vĩnh Long em có nhắc đến một loạt địa danh nghe hơi lạ đối với người Việt ở một số vùng, miền khác như: cầu Thiềng Đức, xã  Tân Ngãi, chợ Phú Quới. Em đã nêu ý kiến trong bài viết: “… nếu không có Cách Mạng Tháng 8/1945 thì không còn gọi Vĩnh Long… mà gọi là ‘Giảng’ Long vì sợ kỵ húy ông vua… có tên húy Vĩnh Thụy.” Cô Hồng Khanh phản hồi: Nói trại Vĩnh Long thành Vãng Long hợp lý hơn. Vâng, tất cả có thế.

    Còn có việc này em thấy lạ. Nếu anh Đức để ý kỹ, anh sẽ thấy dân Vĩnh Long mình nói trại rất nhiều từ, nhất là địa danh. Tại sao người dân những vùng khác ít có hiện tượng này, hay dân Vĩnh Long ta “bảo hoàng hơn vua”?

  4. Nguyễn Văn Lần nói:

    Kính thưa cô Trí, cô Khanh và bạn Long.

    Bản thân Lần nầy rất đồng tình với ý kiến của cô Trí, cô Khanh và bạn Long. Tui thì nghĩ đơn rất giản từ hôm đọc bài viết, khỏi tra cứu ở sách vở nhiều. Như cô Trí phân tích thôi. Ông bà mình hồi xưa sợ đụng đến tên mấy ông ” Trời chết” ( Thiên tử ). Còn suýt đổi tên Vĩnh Long thành tỉnh Vãng Long , tui có nghe, lại còn có việc suýt đổi tên Vĩnh Long thành tỉnh Long Hồ ( khoảng trước năm 1963 ), nên trong vở Cải lương Tuyệt tình ca, soạn giả ……đã dám viết câu vọng cổ : ” …..Nhớ tới người vợ nhỏ chèo xuồng qua sông Mỹ Thuận để đưa tôi rời khỏi tỉnh Long… Hồ”.

  5. Góp Thêm Chút Ý

    Xin lỗi mọi người vì lần nầy Long nói nhiều. Long nghĩ: Dân Vĩnh Long không ai dám gọi tỉnh Vĩnh Long theo cách anh Đức đề nghị. Lý do? Sợ phạm húy cụ Phan. Tội chết!

  6. Huỳnh Hữu Đức nói:

    Thưa Cô Trí cùng Anh Chị Em quan tâm đến Vĩnh Long,

    Trao đổi là mở rộng hiểu biết cho nhau, nếu sợ mích lòng, cố chấp, thì làm sao học được cái hay, cái mới của người khác, chính vì thế tôi rất mong được nhiều Comment phản biện…Hy vọng cô đừng ngần ngại.

    Riêng về các phản hồi cho bài viết trên, tôi chưa thể đồng ý với ý kiến của Các Bạn và Cô Trí.  Tại sao? Ông Bà ta chỉ Huý Danh chớ không hề kỵ họ hay chữ lót. Tôi xin nêu các lý do sao đây:

    1- Về bài viết của BS Phan Giang Sang. Trước khi viết bài ” Sao Gọi là Vãng Long Mà…”, tôi có đọc bài viết “Vĩnh Long Qua Mấy Vầng Ca Dao” , đăng trong Tập San Đồng Nai Cửu Long số 6 . Dưới đây là ghi chú :

    Vãng tức Vĩnh, chợ  Vãng là chợ  Vĩnh Long, vì ngày xưa ông bà hay kỵ  húy, nên tránh dùng chữ đụng tới vua chúa… Vĩnh Thụy hay vua Bảo Đại

    Phan Giang Sang nêu thuyết này với dẫn chứng không hợp lý, vì Vĩnh không phải là tên của Bảo Đại, tôi sẽ giải thích ở lý do thứ 2

    2- Các vua Triều Nguyễn không ai có tên là Vĩnh cả. Vĩnh là chữ lót, chỉ để phân biệt các thế hệ trước và sau của Hoàng tộc họ Nguyễn mà thôi. Ngoại trừ 3 vị vua đầu tiên và Đồng Khánh không có người cùng vai vế làm vua, các vua sau đều có người cùng vai nối ngôi, nên chúng ta nhận biết điều này rất rõ. Tôi xin dẫn chứng:

     

    – Tự Ðức (1829 -1883) Tên Húy: Nguyễn Phúc Thì, Nguyễn Phúc Hồng Nhậm

    – Dục Ðức (1853-1883) Tên Húy: Nguyễn Phúc Ưng Chân

     

    – Hiệp Hoà (1847-1883) Tên Húy: Nguyễn Phúc Thăng, Nguyễn Phúc Hồng Dật 

    – Kiến Phúc (1869-1884) Tên Húy: Nguyễn Phúc Hạo, Nguyễn Phúc Ưng Ðăng 

    – Hàm Nghi (1871-1943)  Tên Húy: Nguyễn Phúc Minh, Nguyễn Phúc Ưng Lịch 

    – Thành Thái (1879-1954) Tên Húy: Nguyễn Phúc Chiêu, Nguyễn Phúc Bửu Lân

     

    – Duy Tân (1900-1945) Tên Húy: Nguyễn Phúc Hoảng, Nguyễn Phúc Vĩnh San 

    – Khải Ðịnh (1885-1933) Tên Húy: Nguyễn Phúc Tuấn, Nguyễn Phúc Bửu Ðảo 

    – Bảo Ðại (1913-1997) Tên Húy: Nguyễn Phúc Thiển, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy

    Nhìn vào tên huý của các vua, ta thấy các chữ lót tên để biểu hiện những người cùng vai vế:

    – Tự Đức và Hiệp Hoà: có cũng chữ lót tên là Phúc Hồng

    – Dục Đức, Kiến Phúc và Hàm Nghi : Phúc Ưng

    – Thành Thái , Khải Định: Phúc Bửu

    – Duy Tân và Bảo Đại; Phúc Vĩnh.

    3- Chữ Vĩnh được dùng để đặt tên cho Vĩnh Long từ thời Gia Long cho đến đời Bảo Đại, 1780 Gia Long đặt tên là Vĩnh Trấn. Đến đời Minh Mạng, 1832 đổi thành tên Vĩnh Long đến nay. Trong khoảng thời gian từ 1780 đến 1832 tên được thay đổi nhiều lần, nhưng đều có chữ Vĩnh cả. Các Vua Nguyễn dùng chữ Vĩnh đặt không sợ tên bị kêu réo hằng ngày hay sao?

    Qua những chúng minh trên, tôi cho rằng thuyết Huý Danh hoàn toàn không hợp lý.

  7. Trương Hiền Hoà nói:

    Kính chào Thầy Cô Chú,

    Cháu còn đi học,chưa hiểu biết nhiều,thấy bài viết nầy rất thích,vì đây cũng là nghi vấn giúp cháu hiểu thêm về quê nhà.Cháu không dám có ý kiến.Nhưng Cháu có ý kiến với chú Long,theo cháu được biết,không phải chỉ dân Vĩnh Long mình nói trại nhiều đâu,mà cả miền Tây đều như thế,nói trại rất nhiều, phát âm nhiều phụ âm không chuẩn.

    Kính

    Trương Hiền Hoà

     

  8. Phong Tâm nói:

    Do xuất thân từ quê mùa, thuộc giới 2 như bài viết trên, nên chỉ xin tham gia vài lời mà xin được miễn tham gia tranh luận.

    Thưa, từ thuở nào, ông bà nào đó đã phát ngôn đầu tiên, để rồi “chết tên” một số từ dùng của nhiều địa phương có tên khó hiểu, khiến cho lớp người sau phải bứt tóc, lao tâm khổ tứ, giả định đủ điều…cuối cùng cũng chỉ là suy đoán mà sự thật đã chết theo người chết đã từ lâu.

    Ví dụ: đơn cử vài nơi như Chợ Lách, Chợ Ba Vá(thay vì Vác), Chợ Thom (giờ đổi là Thơm), Chợ Xép (giờ đổi là Chợ Xếp) rồi Hàm Long nói trại (Hàm Luông), Sông Cổ Chiên (không G), trong Sách Phần của Công giáo xưa có chữ Cái Mơng, sau nầy cắt bỏ (g) thành Cái Mơn. Má tôi, người quê Vũng Liêm cũng không biết Vũng Liêm là gì? Mỗi lần đi Vĩnh Long thường nói tắt (đi Vãng) như là vãng hát. Dân miền quê Nam bộ phát âm V-D-G như nhau, đố biết phụ âm nào? Thôi thì cứ vậy mà để yên coi như đã thành ngữ, hay là “biệt ngữ”, đôi khi cái vô nghĩa vậy mà hay.

    Ai đó đã nói “Chúng ta đi qua thiên đường như đôi mắt mù” (?). Biết đâu chừng, cái hiểu là sự im lặng.

    • Thưa anh Phong Tâm,

      Phản hồi nào của anh đều rất sâu sắc và thâm thuý, thật đúng là người trưởng thượng. Hy vọng lớp đàn em đủ thông minh để hiểu hết những lời chỉ dạy của anh.

      Xin gởi lời thăm hỏi đến anh, hy vọng sức khoẻ của anh nay đã phục hồi.

  9. Phong Tâm nói:

    Dạ, cô Hồng khanh,

    Rất mừng và cám ơn cô đã đặt tin tưởng vào tôi, thật ra vốn kiến thức tôi kém đủ mọi mặt nên rất ngại phân bua, không được gì mà mất thêm. Chỉ mong sao nhận được nụ cười thân thiện là đủ vui rồi. Sức khoẻ tôi hiện đã tạm ổn.

    Thân chúc cô luôn vui khoẻ để đồng hành cùng trang nhà.

    • Trương phú nói:

      Thưa kính cùng cô Trí, cô Hồng Khanh, anh Hoàng Long, sau cùng anh Phong Tâm ” Ảnh bự mình đặt cuối, vì ảnh hỏng giận “. Từ xưa lắm tôi đã biết, Vĩnh thành ” Giãng, dãn, ” bởi húy kỵ. Cách Vĩnh Long 7 cây số vùng Cái Đôi, cở tuổi các dì bện ngoại, tóc còn bới một cục tòn ten xơ xác sau ót, vẫn thường gọi đi chợ ” dãn “, hiện thời vẫn còn. Như anh Phong Tâm nói cứ để vậy mà hay, – Quả tình hay thật – Rất thương nhớ từ gọi xưa.

      Có lần tôi đến nhà chú tôi tìm chữ ” Nghì ” trong từ điển, lật mãi cả nửa giờ mà không tìm ra, chú tôi đang ngồi nhâm nhi rượu nóng ruột vì thấy tôi lật lọi muốn ” Rơ ” cuốn sách nên nói – Mầy tìm gì mà lật tới tìm lui hoài vậy. Tôi nói – Thưa chú con tìm chữ Nghì mà trong sách không có. – ” Nghì là Nghĩa đó, chữ kỵ Húy, không hỏi tao trước, cứ cắm đầu cắm cổ mà lật “, cũng như ngày xưa chữ ” Duyên khỉ ” nay đọc là duyên khởi, cũng là ” Kỵ húy “, các quan xưa tiêu hết rồi, trả lại nguyên âm xưa.

      Đời ông cố, ông nội, ba, tôi, con ngay là cháu tôi cùng sanh và ngụ trên con đường từ làng, đời trước đường Lê Minh Thiệp, nay là đường Nguyễn chí Thanh, hể nghe ai thốt đi chợ ” dãn ” là tôi nghe rung động từ trong sâu thâm thẩm, tôi thương lắm từ XƯA

      Thân kính

  10. Huỳnh Hữu Đức nói:

    Thưa anh Phong Tâm , Cô Hồng Khanh,

    Mỗi người có một cách nghĩ riêng.

    Tôi là người được sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Long, có những gì chưa biết về tỉnh nhà, cũng nên tìm hiểu, để mai ngày, khi con cháu có hỏi, ít nhất cũng phải có lời giải nào đó tương đối hợp lý để giải đáp cho chúng.

    Tôi còn nhớ lời của Vạn Thế Sư Biểu dạy:

    “Quá cẩn thận sẽ lỗi thời..Học bao nhiêu cũng chẳng đủ.Hiểu bao nhiêu cũng chẳng thừa…”

    Kính

  11. Phong Tâm nói:

    Dạ, cám ơn anh Huỳnh Hữu Đức đã chỉ dẫn cho tôi thêm sự hiểu biết.

    Thưa, từ lâu tôi đã nhận mình là người lỗi thời rồi, anh à. Lần nữa xin thành thật cám ơn anh.

    Tình thân.

  12. Anh Đức kính,

    Long phải phản hồi cho anh một lần nữa thôi. Anh và Long, chúng ta may mắn được sống trên nước Việt không còn quân chủ, phong kiến. Tuy nhiên, qua lịch sử, qua văn học Long được biết một số trường hợp, một số người “thân bại, danh liệt”, thậm chí lâm vào cảnh gông cùm, gia đình ly tán chỉ vì một cái tội: Phạm húy. Đây cũng là nỗi ám ảnh của thí sinh, văn nhân, thi sĩ, quan lại, nói chung là kẻ sĩ thời xưa.

    Trở lại quê hương Vĩnh Long chúng ta, tổ tiên chúng ta là những người tiên phong, mở cõi, ít người có điều kiện học hành, lại ở xa triều đình, dưới sự cai trị của các vị quan lại bảo hoàng hơn vua, “ăn cây nào, rào cây nấy” theo cách suy nghĩ thiển cận của các vị. Trong số nầy có mấy vị “phụ mẫu chi dân” được như cụ Phan? Dân thường vốn đã “úy (kinh sợ) danh” nên khi vua Bảo Đại lên ngôi, do biết tên của ông là Nguyễn Phúc Thiển, tức Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, người dân Vĩnh Long phải gọi trại tên tỉnh nhà là Vãng Long thôi. Để có thể hiểu phần nào (phần nào thôi!) nỗi “úy danh” của người dân thời phong kiến, anh có thể tìm đọc quyển Lều Chõng của cụ Ngô Tất Tố. Anh đã đọc quyển nầy chưa?

    • Tra trên Google thấy bài Cách Đặt Tên Kép Của Vua Minh Mạng… Theo đó, vua Bảo Đại có tên kép là (Nguyễn Phước/Phúc) Vĩnh Thụy. Thầy, Cô và các bạn có thể vào đó xem thêm. Long “xin” chấm  dứt tại đây.

  13. Huỳnh Hữu Đức nói:

    Chào Nguyễn Hoàng Long,
    Hãy khoáng đạt chút đi. Khi mình nói ra một điều gì đó, cũng phải chờ nghe có ý kiến đáp lại hay không. Sao vừa nói xong rồi chấm dứt không cho người ta nói vậy !?. Nếu muốn chấm dứt thì đừng có thêm ý kiến. Tôi cũng muốn chấm dứt như LOng nói, nhưng thấy dẫn chứng của Long từ một bài viết lệch lạc, thiếu những cái chính, thêm những cái sai nên tôi mới viết thêm.
    Long có đọc kỹ bài “Cách đặt tên kép…” không? Đây là bài viết Copy từ “Đế Hệ Thi”, Nhưng người Biên Soạn  “Cách Đặt tên Kép..”có 2 cái sai quan trọng: Thứ nhất không ghi xuất xứ bài viết mặc dù có thêm ý kiến cá nhân. Thứ hai đặt tựa bài không đúng, vì trong nội dung bản chính không hề có cách đặt vấn đề nào liên quan đến “tên kép” cả, ngoại trừ tên của phái nữ.

    Tôi xin phép copy một đoạn của ” Cách Đặt Tên Kép…” do Long giới thiệu:



    Ví dụ: Vua Thiệu Trị, có chữ lót Miên, tên Tông (thuộc bộ “miên”: (宀) và tất cả các anh em của Vua Thiệu Trị cũng đều phải có tên chữ Hán có bộ Miên như thế cả…


    Còn ở Trích đoạn “Đế Hệ Thi”  trên Google Wikipedia có ghi rõ hơn ở phần Tự Đức:

    Vua Tự Đức, tên thật Hồng Nhậm, là con vua [Thiệu Trị], nên có chữ lót là Hồng, và tên là Nhậm (thuộc bộ nhân)
    Vua Tự Đức không có con, nên lấy cháu lên làm vua, người cháu này tên là Nguyễn Phúc Ưng Ái, chữ lót thì đúng, nhưng tên không có bộ thị, không phải dòng họ chính của vua, nên để được làm thái tử, ông được đổi tên thành Ưng Chân, chữ Chân này có bộ thị
     
    Như thế Bảo Đại có tên là Thuỵ và chữ lót là Vĩnh.
    Vĩnh không phải là tên. Do đó không thể vì huý danh mà Vĩnh gọi thành Vãng.

  14. Như Thuỳ nói:

    Kính anh Huỳnh Hữu Đức !

    Vẫn biết một trong những nguyên tắc của người làm khoa học ( cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội ) là kiên định. Nhà nghiên cứu khi phát hiện chân lý cần kiên định để bảo vệ ý kiến tới cùng . Tuy nhiên, trong trường hợp này ( lý giải sự xuất hiện của tên gọi Vãng Long ), e rằng sự kiên định của tác giả đã chuyển thành sự bảo thủ trước những căn cứ xác đáng mà cô Phạm Thị Trí và các anh Trương Phú, Nguyễn Hoàng Long … đã dẫn ra. Tất nhiên, không phải lúc nào chân lý cũng thuộc về số đông nhưng lần này, chắc chắn là số đông đã đúng (He!he!..).

    Thân kính !

  15. Huỳnh Hữu Đức nói:

    Chào Như Thuỳ,

    Thật vui khi đón nhận sự góp ý của Như Thuỳ. Điều nhắc nhở của Như Thuỳ khiến tôi nhớ đến lời khuyên của Khổng Phu Tử:
    – Có kiến thức thì không nghi ngờ, có lòng nhân thì không ưu tư, có dũng cảm thì không sợ hãi.
    – Đừng mong người khác thuận theo ý mình, vì nếu được người khác thuận ý, sẽ tất sinh tự kiêu.
    Thân Chào

     

     

Trả lời Huỳnh Hữu Đức Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác