MÓN ĂN NƯỚC ĐỨC (Phần I)

Ngày đăng: 22/09/2016 11:22:00 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

“Bên Đức có món ăn nào đặc biệt ngon không vậy cô? Nếu có, cô cho đăng vài recipes để các chị em CHS làm thử.” 
Công thức các món ăn của nước Đức! Ý kiến hay của Yên Dạ Thảo nhưng sao từ lâu nay tôi chưa hề nghĩ tới, có thể vì Bếp Ấm đặt trọng tâm vào các món ăn của quê nhà.
Hơn nữa, mặc dù xứ Đức nổi tiếng vì có tới 300 loại bánh mì và 1500 loại thịt nguội và xúc xích nhưng tôi phải nghĩ lại xem, nước Đức liệu có món gì ngon mà hợp với khẩu vị của người Việt mình để có thể giới thiệu với bạn đọc và các anh chị em hay không.

Trước hết xin được giải thích những danh từ được dùng để chỉ về việc ăn uống trong tiếng Đức. Đầu tiên là chữ “genießen”=”thưởng thức”; chữ “essen”=”ăn”; chữ “fressen”=”xực” (chữ này còn được dùng để chỉ việc ăn của muông thú), là từ ngữ không được đẹp để chỉ sự ăn uống nếu áp dụng cho con người.
Nước Đức tuy nổi tiếng là xứ sở của các “triết gia” và “thi hào” nhưng về “văn hoá ẩm thực” lại thua xa các nước khác, nhất là Pháp, Ý…Người Đức thường bị chế diễu là “Kartoffelfresser” có thể dịch là dân chuyên “xực” khoai tây, hoặc “Krautfresser”, dân chuyên “xực” bắp cải muối chua và các loại rau củ thuộc họ cải. Đã “nổi tiếng” như thế rồi thì chắc gì đã có món ăn ngon đặc biệt.
Sự thật thì dân Đức không chú trọng nhiều đến việc ăn uống, họ chi tiêu rất cẩn thận và “tiết kiệm” là một trong những đức tính được người Đức đề cao. Tiền để dành phần lớn được dùng để sắm sửa hiện vật trong nhà mà họ hay thay đổi để đúng thời, đúng sở thích. Cách đây ít lâu, mỗi khu phố đều có lịch trình, mỗi năm vài ba lần được đem những vật dụng như bàn ghế, tủ, máy móc điện tử cũ, những gì không cần nữa v..v…để trên lề đường trước nhà và sẽ có xe của thành phố đến dọn sạch. Ngày nay không còn việc vứt vật dụng tập thể nữa, mỗi cá nhân chỉ cần gọi điện thoại tới cơ quan có trách nhiệm, lấy một cái hẹn và vào ngày đó sẽ có xe đến dọn những thứ mà họ để trước cửa nhà.
Người Đức không có chuyện “garage sale” như bên Mỹ nên đồ vật họ vất đi nhiều khi còn đẹp và tốt, người nào đi qua thấy thích thì cứ việc lấy về để dùng. Họ quan niệm, những gì họ cất ở dưới hầm, trong vòng một năm nếu không cần đến thì họ sẽ bỏ đi để lấy chỗ cho những thứ khác. Đi suốt dãy phố và nhìn những gì họ vứt đi mà tiếc vô cùng, cũng tự hỏi, tại sao tiêu xài kỹ mà lại phí phạm như thế về vấn đề này.
Vấn đề thứ nhì làm người Đức tốn tiền là việc đi du lịch, người Đức nổi tiếng là thích đi đây đó, đến nơi nào, phần lớn việc đầu tiên là đi thăm bảo tàng viện hoặc các cơ sở, về nghệ thuật, văn hoá. Trước khi đi, họ đều tìm hiểu về nơi sẽ đến một cách cặn kẽ qua các sách vở, thông tin. Họ ít chú trọng đến văn hoá ẩm thực của nơi mà họ đến và tương đối e dè trước những món ăn mới lạ.
Nhìn chung, món ăn của họ cũng đơn giản và rõ ràng giống như tâm tính bộc trực, thẳng thắn của họ. Họ nói những gì họ nghĩ và không cần dấu diếm, vòng vo tam quốc như người Á Châu và cũng không sợ chạm tự ái người đối diện, có thể dùng những chữ “thẳng như ruột ngựa” để diễn tả tâm tính của người Đức.
Đây là điều có thể gây “sốc” đối với người Á Châu lúc mới tiếp xúc với người Đức nhưng nếu đã quen rồi thì lại trở thành một ưu điểm vì nhờ sự thẳng thắn đó mà rất dễ kết bạn và dễ thông cảm.
Nói chung mỗi vùng của Đức đều có những món ăn đặc biệt nhưng phần lớn món ăn đều nhiều chất béo, dùng nhiều thịt heo hơn các loại thịt khác.
Rau thì ngoài món xà lách trộn là món rau ăn sống với nhiều loại nước xốt khác nhau, còn phần lớn các loại rau khác như bắp cải, bông cải, xu hào, củ cải đỏ nếu ăn chung với thịt đều được nấu nhừ.
Kỳ này tôi xin được giới thiệu với đọc giả và các anh chị em cựu học sinh TPH một món ăn dễ làm, tuỳ theo khẩu vị có thể coi là tạm được và vật liệu có thể tìm thấy dễ dàng ở các nước, ngay cả ở Việt Nam. Đây là món ăn phổ thông trong bữa cơm gia đình hàng ngày của người Đức, được gọi là ” Hausmannskost”, cũng giống như những món ăn hàng ngày của chúng ta là cá kho, canh chua…..
Món ăn này có tên là “Kohlrouladen”, hoặc “Krautwickel” được dịch là “món lá bắp cải cuộn thịt bằm”. Ăn kèm với món này là khoai tây luộc trong nước có bỏ muối.

Hy vọng sẽ có một số bạn đọc cũng như các anh chị em cựu học sinh TPH đủ tò mò để dùng thử công thức này cho bữa cơm gia đình hầu biết qua một chút văn hoá ẩm thực của Đức như thế nào. Nếu có áp dụng, xin chụp một bức ảnh thành quả để dành cho cuộc triễn lãm bỏ túi của Bếp Ấm sau này.

CÔNG THỨC MÓN LÁ BẮP CẢI CUỘN THỊT BẰM (KOHLROULADEN)- 4 phần ăn

0-cham-1       hình 1

I/ VẬT LIỆU
– Một cái bắp cải
– 300g thịt heo xay
– 1 trái trứng gà
– Một khúc bánh mì cũ khoảng 10cm
– 250 ml nước dùng (nước lèo xương heo)
– 1 muỗng canh bột mì
– 4 muỗng canh cream hoặc sour cream
– 2 muỗng canh dầu ăn
– 100ml sữa tươi có thể dùng nước thay thế
– 1 củ hành tây
– Muối
– Tiêu
II/ CÁCH LÀM
Từ bắp cải lấy ra 8 lá lớn, nếu lá nhỏ thì lấy 16 lá, cẩn thận để lá nguyên vẹn, không bị rách.
Bỏ tất cả lá bắp cải vào một nồi nước có bỏ chút muối đang sôi, nấu khoảng từ 5-10 phút, sau đó vớt ra, để nguội và xén bớt cọng cứng của lá.
0-cham-2hình 2

Sữa tươi hâm lên cho ấm, cho khúc bánh mì vào ngâm cho mềm, dầm cho bánh mì nát nhuyễn.
Củ hành xắt nhỏ, bánh mì, trứng gà, tiêu, muối trộn chung với thịt bằm cho đều, có thể cho thêm vài lá bắp cải đã luộc thái nhỏ vào nhân và chia ra làm 8 phần.
0-cham-3hình 3

Trải lá bắp cải trên thớt, nếu lá nhỏ thì sắp 2 lá với nhau, cho hỗn hợp thịt bằm vào và cuốn lại như cuốn chả giò, cuối cùng dùng dây để buộc lại.

0-cham-4  hình 4
Lấy chảo đặt trên bếp, đổ dầu vào, dầu nóng thì cho các cuốn bắp cải vào chiên cho hơi vàng cả hai mặt, sau đó đổ nước dùng vào chảo và nấu trong vòng 20-30 phút.

Lấy các cuốn bắp cải ra và giữ nóng. Trong khi đó cho muỗng canh bột mì vào cream, quậy đều và đổ vào chảo trộn chung với nước dùng còn trong chảo, nấu lên thành nước xốt sanh sánh, nêm với tiêu và muối cho vừa ăn

0-cham-5hình 5

Khi dọn cuốn bắp cải ra dĩa sẽ đổ nước xốt cho mỗi phần ăn. Cuốn bắp cải thường được ăn cùng với khoai tây luộc trong nước có bỏ chút muối.

KHOAI TÂY LUỘC CÓ MUỐI (SALZKARTOFFELN)- Bốn phần ăn.

I/ VẬT LIỆU
– 700g khoai tây
– 1 muỗng cà phê muối
– 400ml nước
II/ CÁCH LÀM
Khoai tây gọt vỏ, cắt ra làm 4, cho vào nước và muối, nấu khoảng 15-30 phút là được.
Vớt ra để trong dĩa, dọn chung với cuốn bắp cải.

0-cham-6hình 6 : Thành quả
GUTEN APPETIT !
CHÚC NGON MIỆNG !

Bài viết: Lê-Thân Hồng-Khanh
Công thức và hình: Nguồn internet và các sách dạy nấu ăn của Đức.

 

Có 4 bình luận về MÓN ĂN NƯỚC ĐỨC (Phần I)

  1. Yên Dạ Thảo nói:

    Em cám ơn cô cho recipe “Bắp Cải Cuộn Thịt Bằm”, em sẽ làm thử sau khi trở về lại Canada. Trước đây cô bạn chung sở có cho em ăn thử “Bắp cải cuộn thịt bằm “, trong nhân thì có trộn với cơm và ăn chung với xốt cà. Em nhớ không lầm là mỏn nầy của người Hy Lạp thì phải!

  2. Trương phú nói:

    Bắp cải trụng nước sôi cho mềm dẻo, cắt miếng chử nhật, phết một ít thịt bằm, cuộn tròn, cột lại bằng lá hành trụng nước sô cho dai dễ cột, thả vào nồi nước dùng, có nồi canh bắp cải.

    Thưa cô Hồng Khanh cùng các bạn, ngày xưa nội tôi làm vậy ăn cũng khá ngon, nhờ cô HK bày ra gợi nhớ, nên tôi cũng có chút nhiều chuyện góp vui.

  3. My Nguyen nói:

    Cô ơi! Ở đây em cũng hay nấu canh bắp cải cuộn thịt bằm, theo kiểu anh Trương Phú. Hôm nay học được công thức lá bắp cải cuộn thịt bằm của người Đức do Cô hướng dẫn. Cách làm khá đơn giản, chắc em sẽ thực hiện được đó Cô.

  4. Thân gởi anh Trương Phú,

    Cùng các em Yên Dạ Thảo và My Nguyễn,

    Nữ văn sỹ Pearl Buck đã nói “Đông là đông, Tây là tây, Đông và Tây không bao giờ gặp nhau” nhưng trong văn hoá ẩm thực, món lá bắp cải cuốn thịt bằm đã chứng minh ngược lại lời khẳng định của bà. Đức, Hy Lạp, Việt Nam và còn bao nhiêu nước khác nữa mà chúng ta chưa biết đã nấu một món ăn gần gần giống nhau mặc dù các gia vị được dùng có thể khác nhau một chút, cũng như những thức để ăn kèm, có nơi là cơm như ở Việt Nam, là khoai tây như ở Đức và ở Hy Lạp thì phải hỏi lại Yên Dạ Thảo ( có thể là với bánh mì chăng) mới rõ được.

    Hy vọng món ăn tương đối quen thuộc với người Việt nên sẽ được các anh chị em và nhiều đọc giả áp dụng cho bữa ăn gia đình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác