LY CÀ PHÊ CHO NGÀY GIỖ TỔ BÁO CHÍ
Hôm 20 tháng chạp, tôi được anh Sơn thợ mộc ở quận 3 mời ăn giỗ tổ. Đám giỗ tổ linh đình nào heo quay, xôi gà . vv. Trong tiệc nhậu nhiều anh trong bàn hỏi tôi, giỗ tổ nhà báo ngày nào anh Minh. Tôi đớ lưỡi vì từ trước đến nay có để ý đến đâu mà biết, nhưng rồi nói thầm trong bụng Hãy đợi đấy. Về nhà tra tự điển, tra lão Google thì thấy lão nào cũng nói đó là Trương Vĩnh Ký. Ông là người lập ra tờ báo Gia Định báo đầu tiên của Việt Nam. Cụ Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa cho rằng, người Việt làm báo trước nhất trong buổi đầu báo chí sơ khai, không ai khác hơn là Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898). Trước khi Gia Định báo được ông tiếp quản năm 1869, thì cây bút họ Trương đã cộng tác viết bài cho báo Pháp ngữ rồi. Bởi vậy, cụ Sển cho rằng Sĩ Tải “là tổ nghề báo quốc văn ta vậy”.
Biết được ông tổ tức biết được ngày mất, khổ nổi ngày mất là 1 tháng 9 năm 1898 (ngày dương lịch ) đối chiếu lịch vạn niên thì ngày này là 16 tháng 8 năm Mậu Tuất. Như vậy, theo phong tục miền Nam ngày giỗ của Trương Vĩnh Ký là 16 tháng 8 , sau tết trung thu một ngày. Từ đây, tôi có thể làm giỗ tổ nghề báo được rồi, không có heo quay thì cúng gà cúng vịt, cũng mời được lối xóm lại để trả lễ. Điều quan trọng nhất là xóa tan được tiếng “hơi xấu” đường đường một nhà báo sống nhờ ngòi bút mà chẳng tôn kính tiền nhân bằng anh thợ mộc, chị thợ may sao?
Năm nay, ngày giỗ tổ báo chí lại là ngày thứ sáu 16/9 (16 tháng 8 âm lịch) tôi không có ở nhà. Tôi mời vài anh chị em ở gần, đến mộ cụ Trương Vĩnh Ký thắp nén nhang, uống với tôi một tách cà phê, ăn một tô hủ tíu gọi là dự ngày giỗ tổ. Sáng hôm đó, anh Đặng Châu Long (nhà văn) và Trần Xuân Thái (báo kinh tế Việt Nam) đã đến. Chúng tôi hỏi thăm những người cháu trông coi mộ thì được biết bên trong nhà thờ đang tu sửa, vài hôm nữa mới xong. Ghi lại vài hình ảnh ngày hôm đó.
Lương Minh
ngày 20/9/2016
h3 LM với nhà văn Đặng Châu Long
h5
Học sinh trường mang tên nhà bác học, nhà ở gần nhưng chưa bao giờ bước vào nhà mồ thắp nén hương tưởng nhớ tiền nhân, quả là vô tình. Cách hành xử nầy phải thay đổi.
Cám ơn anh Lương Minh. Năm sau, nhằm ngày giỗ của nhà bác học họ Trương, học sinh nầy mong được cùng anh Lương Minh đến đấy thắp nén hương tưởng nhớ cụ.
Nơi mặt tiền của nhà thờ Cái Mơn, Chợ Lách, Bến Tre, từ mé sông nơi cửa vào, phía bên phải có tượng cụ Trương Vĩnh Ký rất đẹp, tượng toàn thân. Ông Sãi làm giổ tôi vổ tay ủng hộ hết mình.