Những kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên

Ngày đăng: 31/08/2016 04:33:42 Chiều/ ý kiến phản hồi (11)

Phần tiếp theo  của  ” Những tháng ngày tươi đẹp”tôi xin nợ những mẫu chuyện vui ở trường còn dang dở để chuyển qua phần những kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên với thầy cô đã dạy tôi ( cũng theo trình tự từ lớp Sáu) Ng guong

1- Lớp 6 :

* Môn Quốc Văn :Tôi vào  học lớp 6/4 ( Thất 4) do cô Kim Phụng làm giáo sư hướng dẫn , cô dạy môn Quốc Văn. Người cô ốm cao ,khuôn mặt đẹp, nhà ở ngã ba Ông Cảnh ( góc đường Lê Thái Tổ quẹo về Cầu Cái Cá .Cô có người em ( hay chị ?) là cô Hiền, thi thoảng có vào dạy thay cô Phụng khi cô có việc ). Cô Phụng hiền, hay cười , dáng dấp khoan thai , đằm thắm.Thấy tôi học giỏi môn Văn cô rất mến. Lâu lâu vào chiều thứ bảy , tôi xin phép nghỉ giờ học cuối của cô để kịp ra xe về thăm nhà. Cô dặn dò tôi kỹ lưỡng rồi cho phép tôi về . Tôi ôm cặp chạy ra ” cua ông Quang”( chỗ ngã tư đèn xanh, đỏ góc siêu thị ngày nay ) cách trường 200m để đón xe về Cầu Mới.

Tôi còn nhớ, cô Phụng dạy chúng tôi ” Nhị thập tứ hiếu ” rất kỷ và rất hay. Giờ cô dạy lớp thường im phăng phắc dù trong lớp chỉ toàn bọn con trai ,   sĩ số trên 80 bạn… Có bạn khóc sướt mướt khi nghe giảng , hỏi ra bạn ấy mồ côi cha mẹ đang ở với bà…

Xin phép cô để được về sớm riết thành lệ, gặp buổi học có bài ngắn, dễ tiếp thu, thấy tôi thấp thỏm cô mở lời trước : – Sao, chiều nay Gương có về thăm nhà không ? Chỉ cần tôi “dạ có” và cô gật đầu là tôi ôm cặp dọt lẹ…..Cuối năm học , điểm Quốc Văn của tôi xếp hạng nhất với 19,60 điểm, cô rất vui, nhìn tôi với cái nhìn trìu mến và kỳ vọng

Chuyện xin phép cô để được về sớm ngày ấy tôi không bao giờ quên, thật là “đơn giản ” Bây giờ, có lẽ chẳng thầy cô nào dám giải quyết cái kiểu nhẹ tênh như vậy.

2- Lớp 7

* Môn Quốc Văn :

Năm học nầy chúng tôi học Quốc văn với thầy Nguyễn Văn Tiểng, nhà thầy ở bên kia cầu Thiềng Đức, năm nầy thầy tuổi cao nhưng còn quắc thước lắm. Người thầy to lớn tóc bạc, hớt cao, giọng nói trầm và to, Mỗi sáng thầy đạp xe đòn từ nhà qua trường ung dung như đi dạo. Thầy là giáo sư dạy giờ,bằng cấp không cao nhưng tự học rất sâu rộng. Nhà thầy rất nhiều sách, sách chữ Hán, chữ Pháp, chữ Anh và nhiều loại ngôn ngữ khác chất đầy tủ, kệ. Sách đọc dang dở để đầy bàn như ta thấy sách ở nhà giáo sư Sử học  Lê Văn Lan vậy. Riêng tiểu thuyết xưa ,các cây viết đồng quê Nam bộ như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Phi Vân ..thầy hình như có đủ

Trên lớp học thầy làm say mê chúng tôi qua những giờ thầy giảng dạy ” Bích Câu Kỳ Ngộ” Thầy kể , thầy bình như ông kể chuyện đời xưa cho các cháu nghe .Học sinh trong lớp ai ai cũng thuộc làu làm từ đầu chí cuối tác phẩm .

Sau nầy, đầu những năm 2000, có dịp ghé các tiệm sách cũ ở Vĩnh Long , tôi bắt gặp nhiều sách của thầy nằm im trên giá. Có lẽ tuổi thầy quá cao  hoặc đã mất,  người nhà đã ký gởi hoặc bán lại kho sách của thầy cho tiệm sách cũ. Có những quyển xuất bản giữa, cuối thế kỷ 19 nếu là người biết chơi sách  chắc không thể bỏ qua.

Đứng vào một góc khuất trong tiệm sách , tay mở dần từng trang sách cũ của thầy xưa, nhìn lại chữ ký  ở đầu mỗi quyển , tay tôi  run run ngậm ngùi nhớ lại thầy mình . Vài tuần sau trở lại , những quyển sách cũ của thầy đã không còn quyển nào trong tiệm nữa .

3- Lớp Tám ( Đã viết ở phần trước )

4- Lớp Chín

Sau ba năm học chỉ tòan con trai, sang năm lớp Chín trường đã có kế họach ghép lớp có nam lẫn nữ, không khí học tập, sinh họat của lớp đã thay đổi nhiều , các anh con trai đi đứng đàng hòang hơn , học tập có chiều siêng năng hơn

* Môn Quốc Văn :

Cô hướng dẫn lớp và dạy Quốc Văn cho lớp chúng tôi năm học nầy là cô Trần Thị Tuyết Vân ,đã đứng tuổi, cô đến từ Trường Kỹ thuật( Sau ngày Giải phóng cô về làm việc  ở phòng Khảo thí Sở Giáo dục  Vĩnh Long ).Cô ăn mặc nói năng chỉnh chu ,tóc cô luôn bới cao và duy nhất môt kiểu . Người có phong cách rất riêng , làm cho đồng nghiệp và học sinh tòan trường kính trọng và nể phục Là giáo sư hướng dẫn và dạy môn Quốc Văn nên mỗi tuần cô làm việc với lớp chúng tôi 6 giờ .Mặc dù ngày ấy Thời khóa biểu không có xếp giờ sinh họat lớp , nhưng mỗi tháng cô đều sắp xếp dành riêng 2 giờ cuối ở tuần lễ thứ tư để làm giờ kiểm thảo của lớp .Đây là việc làm khá đặc biệt vào lúc bấy giờ ( Tiếc rằng hồi ấy mạnh ai nấy dạy , không có hội họp chuyên môn,báo cáo kinh nghiệm  giảng dạy như ngày nay)

Nói chung hình thức và nội dung cũng giống như tiết sinh họat lớp như hiện nay  nhưng ở đây nêu cao vai trò và trách nhiệm rất lớn của cá nhân lớp trưởng  và các trưởng ban đảm trách các nhiệm vụ chuyên môn  trong sinh họat hàng ngày .Lớp trưởng phải viết một bản báo cáo nhận xét và đánh giá tình hình lớp sau khi được các ban bệ trong lớp góp ý  và cô Hướng dẫn xem qua.

Tháng nào cũng vậy , sau giờ kiểm thảo , mọi ức chế của mọi người được giải tỏa, các khó khăn được giải quyết ,sự đòan kết nhất trí được nâng cao .

Về dạy cô sọan bài rất kỹ. Có những đọan nhận định hay về tác phẩm cô đọc luôn cho lớp chép để học thuộc lòng .Cô bảo có như vậy các em mới nắm được cái hồn cái gốc, mới có cơ sở làm văn ,học văn sau nầy.

Giờ học nào cũng vậy , cô qui ước, mỗi bạn phát biểu đúng cô cho 1 điểm .Đến cuối tháng tính điểm , tổ nào có số phát biểu cao nhất cô cho cả tổ mỗi em 20 điểm , tổ xếp kế 18 điểm, 16 điểm….Do vậy giờ học của cô rất sôi nổi .Mỗi lần cô đặt câu hỏi các bạn đưa tay xin phát biểu gần như cả lớp ,có cả màn giành giật nhau . Đặc biệt để nâng kém cô thường chú trọng gọi các học sinh ít phát biểu . Để tổ có điểm và thi đua với tổ bạn , các tổ trưởng  thường truy bài các bạn học yếu   ở đầu giờ, tìm cách ” mớm” bài cho bạn để ” có vốn ” khi cô chiếu cố gọi tên . Qua việc nầy đã giúp các bạn học lười, học yếu tiến bộ rõ rệt môn Văn học

Để củng cố cho bài giảng , cô thường kể cho chúng tôi nghe những chuyện đời thường, về thần giao cách cảm, về đời sống , cuộc sống bình dị của các danh nhân, và rất nhiều chuyện khác đã xãy ra mà cô đã tận mắt chứng kiến bằng lời kể  khúc chiếc, hấp dẫn …

Mãi đến bây giờ, nhóm cựu học sinh lớp Chín 3 ngày ấy mỗi khi gặp nhau , thường nhắc về những tháng năm đẹp đẽ của lớp, không quên nhắc về cô với cụm từ ” cô chủ nhiệm của chúng mình “..

Môn Tóan :

Chúng tôi học Tóan với thầy Phạm An Tập, thầy có dáng người cao gầy, nói giọng Bắc. So với những người Bắc khác, giọng thầy nói rất dễ nghe , rất êm và truyền cảm. Sau nầy chúng tôi cũng thường hay nhắc nhau về giọng nói của thầy khi có dịp hợp mặt với nhau . Nhất là năm sau 1975 , khi tiếp xúc với người Bắc mới  vào , chúng tôi hay so sánh :- Chú ấy , anh ấy, nói êm tai như giọng nói Thầy Tập

Vào những hôm dạy còn dư giờ ,hoặc gần lễ tết , thầy hay kể cho chúng tôi nghe chuyện thầy còn trẻ ở quê An Tập – Thái Bình của thầy. Bao giờ câu chuyện cũng mở đầu bằng “ Ngày ấy ở quê tôi “ Trong giọng kể của thầy nghe chất chứa đầy nỗi nhớ quê hương, nhớ lại những kỹ niệm cũ tưởng chừng không tìm lại được.

Những năm sau , được đọc “ Thương nhớ mười hai “của Vũ Bằng , tôi nghe phản phất giọng nói buồn buồn của thầy trong đó .Có lúc thầy vui, thầy nói như bỡn cợt, như châm biếm một cái gì của chế độ VNCH mà thầy không vừa lòng: – Từ lúc  tôi được vào cái “ miền Nam tự do nầy “

5 – Lớp Mười :

Đến năm học nầy chúng tôi đã “ bắt đầu lớn .Nhiều bạn đã biết “mộng ngòai cửa lớp “. Sinh họat trao đổi nhau tự nhiên rụt rè không còn hồn nhiên nữa .Hình như ai cũng tự nhiên đẹp hơn, các cô gái có duyên hơn…

* Thầy dạy môn Quốc Văn :

Thầy Hồ Văn Chính dạy chúng tôi môn Quốc Văn . Thầy dạy nhiều trường trong tỉnh như Thủ Khoa Huân, Sư phạm , Kiều Anh, Pháp Hải, Nguyễn Trường Tộ rồi làm Hiệu trưởng Trường Long Đức sau đến BC Nguyễn Thông . Tính thầy dễ gần , hay cười , đôi lúc nói chuyện nhỏ nhẻ như con gái. Giờ thầy dạy rất vui , khi bàn đến chuyện tình cảm nam nữ có liên quan , thầy phân tích tâm lý rất sâu sắc, có khi pha cả khôi hài tạo thành những tràn cười thỏai mái

Tính tình vui vẽ nhưng đến lúc nghiêm khắc thì thầy cũng nghiêm khắc đến sợ. Gặp nữ sinh không làm bài , không thuộc bài,, thầy cho học sinh đứng kế bên , thầy ngồi nhìn với ánh mắt thất vọng, buồn bã và chỉ hỏi một ý duy nhất được lặp đi, lặp lại nhiều lần : – Sao kỳ vậy em ?  Sao em không học bài ? Sao em không làm bài? Sao em không nghe thầy vậy em ?! – Bạn nữ sinh  chĩ biết đứng lặng thinh ,rưng rưng rồi khóc !

Khi vui thầy cũng tâm sự với lớp- Trong tình nghĩa vợ chồng thầy thấy hay quá hai tiếng gọi nhau “mình ơi “.Thầy tưởng như hai người cùng hòa quyện nhau là một, chẳng còn biết ai là vợ ai là chồng – Thầy bảo thầy yêu quý vô cùng tiếng mẹ đẻ bắt đầu bằng những từ , những tiếng thân thương như vậy

Với vốn Hán- Nôm uyên bác thầy  đã rất “đẹp” trong mắt chúng tôi khi giảng bài bằng cả trái tim.Đặc biệt với “ Chinh phụ ngâm” và “ Cung óan ngâm” .Ở Chinh phụ ngâm, bằng lời giảng êm êm, có lúc hùng hồn, với vốn từ được  chắt chiu chọn lọc , thầy đã vẽ ra hình ảnh buổi chia tay của kẻ Chinh phu và người cô phụ ở bến Tiêu Tương một bức tranh đẹp đến sững sờ.Phải nói chúng tôi được thầy dẫn dắt vào khung cảnh vừa đẹp vừa bi tráng

Thầy đọc thơ , giọng như ngâm, cảm xúc cao  độ với hai câu “ Ngàn dâu xanh ngắt một màu- Tình chàng ý thiếp ai sầu hơn ai “ thầy ngân nga như thu âm phát lại, nhiều bạn gái trong lớp mắt đỏ hoe, bọn con trai chúng tôi im lặng không rời mắt khỏi thầy. Những tuần lễ học Chinh phụ ngâm và Cung óan ngâm lớp bổng nhiên đông hơn 4-5 bạn . Các bạn nữ học lớp buổi chiều , lơp kế bên ( cúp giờ đang học  ) lén thầy vào ngồi nghe giảng. Có thể thầy không biết vì dạy quá nhiều lớp , mà cũng có khi thầy đã biết nhưng làm bộ như không , bởi ai nở đuổi xua người “ chạy lại “ bao giờ .

Khi giới thiệu lại Truyện Kiều (đã học kỹ ở lớp Chín ) sau khi tóm tắt truyện ,rồi như vừa tức tối , vừa xót thương cho cuộc đời gian truân của phận hồng nhan , thầy trầm ngâm đôi phút rồi thốt lên : – Sao Kiều khổ vậy ? ! Sao nàng dại dột như vậy ? Vừa đẹp vừa có tài năng ,sao lại phải đi làm đĩ ! Sao không đi làm mụ ?!- Cả lớp cười rần nhưng rồi từ từ lắng đọng im re, lúc nầy chúng tôi mới hiểu đuợc cái tâm của thầy sẻ chia cùng nhân vật .

Thầy rất thích thơ Nguyên Sa , thời gian còn lại cuả các buổi học thầy hay đọc thơ ông cho cả lơp nghe kèm theo phân tích dí dõm. Thầy có lẽ thích bài “ Tám phố Sài Gòn “ với bốn câu thơ thầy hay lặp đi lặp lại

Sài gòn phóng Solex rất nhanh

Đôi tay hòang yến ngủ trong gants

Có nghe hơi thở cài vương miện

Lên tóc đen huyền nhung rất nhung….

 

 

( CÒN TIẾP MỘT KỲ )

 

 

 

 

 

Có 11 bình luận về Những kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên

  1. Phan Lương nói:

    Trong đời người ai cũng có những kỉ niệm sâu sắc không bao giờ quên.Nhưng có mấy ai nhớ và ghi lại được những hồi ức tươi đẹp khó mà quên ấy theo một trình tự mạch lạc đến như vậy.Thế mà anh Nguyễn Gương đã làm được điều đó !

    Đọc ”  Những kỉ niệm sâu sắc không bao giờ quên ” mà anh chia sẻ ,như chợt thoáng hiện về những kỉ niệm mà từ lâu vùi lấp trong kí ức của riêng mình và một nổi nhớ không nguôi

  2. My Nguyen nói:

    Bài viết của anh Nguyễn Gương đã thể hiện một tình cảm thật sâu đậm đối với Thầy Cô, mấy mươi năm chưa phai nhạt. Bằng trí nhớ tuyệt vời, anh đã hệ thống lại những kỷ niệm sâu sắc với Thầy Cô từ năm học lớp Sáu đến lớp Mười. Đúng là những kỷ niệm khó quên.

    Mong được đọc tiếp phần còn lại của bài viết này anh Gương nhé!

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Tuổi này là tuổi của hoài niệm xa xưa

    Nhờ vậy mà ta … trẻ … lâu năm …

    Mà bạn Gương trong hình này trẻ thật đấy.

  4. Thiệu Ngọc Tuyết nói:

    Thieu ngoc Tuyet, đay, DT 0989101423.

  5. NGUYỄN GƯƠNG nói:

    Đã 60 tuổi , chờ người ta khen trẻ hòai  nhưng không thấy. Mặt cái áo đỏ vô ( màu của Thần Tài ).  Hên, được chị Hạnh khen trẻ . Thành thật cảm ơn chị, chúc chị vui khỏe

    Cám ơn sư đồng cảm của Phan Lương về bài viết.

    Với MN thì chờ hết phần 2 nhé !

  6. VOTHILAI nói:

    Đọc bài viết của anh Gương,nhận thấy anh có trí nhớ rất phong phú sắp xếp những kỹ niệm theo tuần tự .Ai cũng có  một vài kỹ niệm khó quên của học trò,quí cô thầy đọc được bài nầy chắc vui lắm ,Có học trò mấy mươi năm mà vẩn còn nhớ tỉ mỉ từ tánh tình đến hình dáng của thầy cô đã từng dạy mình .

  7. Chào anh Gương.

    Đọc bài của anh đã lâu nhưng lại quên phản hồi, thứ lỗi cho mình, già sinh lẩm cẩm. Anh cũng như mình thích học, mến bạn, nhớ thầy. Đọc bài của anh mình nhớ hồi học đệ ngũ TPH có học cô Kim Phụng. Qua miêu tả người và địa chỉ cô, mình thấy là khớp nhưng không lẽ cô còn trẻ mà chịu “cày”: dạy chính thức TPH + dạy thêm NT?  Vẫn còn 1 yếu tố nữa để xác định: Lớp mình có đặt cho cô biệt danh “cô nín thở”, có đúng không?

    Sẵn dịp cho mình “mượn đất”, vì tình cờ mình lại còn có một cô giáo tên Kim Phụng.

    Lớp 10 phụ trách tiếng Anh lớp mình là cô Nguyễn Thị Liên. Tên cô đặc rật Việt nhưng da trắng, mũi cao. Nếu cô không lên tiếng thì không ai nghĩ là người Việt. Bọn mình gọi cô là “Mêm” (Ma’am = Madam: Quý Bà).

    Lớp 11 phụ trách tiếng Anh là cô Đào Kim Phụng. Cô còn trẻ, vào lớp toàn nói tiếng Anh. Bọn mình  chịu không thấu, có đứa xui dại làm đơn xin đổi GV. Mình ham vui ký tên theo. Kết quả? Nhận được bài học nhớ đời. Chúng mình không dè cô Phụng lại là vợ thầy Nguyễn Thanh Liêm, hiệu trưởng trường. Lúc đó thầy Liêm làm Giám đốc Nha Trung học nhưng lại không chịu thôi chức hiệu trưởng, do đó chúng mình chỉ gặp thầy Hiệu Trưởng tạm quyền mà đâu có biết! Khổ nỗi nhà thầy và cô nằm trên đường Nguyễn Hoàng, kế bên trường, nào xa xôi gì! Thế mới biết “Nóc nhà xa hơn chợ!” Sau đó khi cô – trò đã “biết” nhau mọi việc trở nên vui vẻ.

    Lớp 12 phụ trách tiếng Anh là thầy Trần Hữu Tắc, mới tu nghiệp bên Úc về. Thầy Tắc dạy tiếng Anh thì không còn chuyện gì để nói.

  8. luongngochai nói:

    Anh Gương Ơi!Tha^y Hồ Văn Chính gởi lời thăm anh.

  9. NGUYỄN GƯƠNG nói:

    Kính gởi Anh Hòang Long!

    Có lẽ cô Kim Phụng anh nói đúng là cô Phụng tôi đã học . Vì cô chỉ dạy ở BC Nguyễn Thông duy nhất 1 lớp Đệ thất. Sau năm học nầy cô không còn dạy nữa ở trường .

    Cảm ơn anh đã theo dõi bài viết . Chúc anh khỏe.

     

    Thân gởi Ngọc Hải- Vậy là bấy lâu nay bạn đã theo dõi các bài viết và thơ của mình .Thấy thế nào? Cho mình theo làm nhà báo được khhông ?

    Gặp Thầy Chính , bạn nói mình lúc nào cũng kính nhớ thầy. Bạn có số ĐT của thầy không ? Nếu không hôm nào xin cho mình . Chúc ông bà khỏe

  10. NHA nói:

    Tôi đọc bài này đã lâu, do mê đi chơi , không thể viết phản hồi cho… có “chất lượng” nên phải im lặng. Nay phải viết vài dòng với NGUYỄN GƯƠNG mới được.

    Chỉ nói về các vị giáo sư thôi nhé. Những thầy cô được nêu danh trong bài viết, tôi có nghe tên thầy Tập và chỉ biết rõ về thầy Hồ Văn Chính mà thôi …vì lẽ thầy là bạn cùng lớp, sau 75 cùng lận đận với nhau một thời ở Trà Vinh. Sau khi trở về từ Trà Vinh, chúng tôi thường cà phê vỉa hè và đôi khi “lai rai” tại nhà của anh Chính.

    Năm 2002, chúng tôi có gặp lại nhau, anh dự đám cưới con trai tôi và tôi dự đám cưới của con trai của anh.

    Sau đó chúng tôi thỉnh thoảng thăm nhau qua email hay qua lời nhắn của bạn khác.

    Những gì NGUYỄn GƯƠNG … viết về thầy Chính rất đúng với những gì tôi biết về anh.

    Câu hỏi :Học sinh của thế hệ hiện tại sau này có ai sẽ … “làm” như NG không đây?

  11. luongngochai nói:

    Anh Gương ơi!

    Lúc 8 giờ sáng Ngày 5/10/ 2016 tới thầy Chính và anh Như Xưa có hop mặt tai Hội thơ Văn Xương Các mời anh đến dự sẽ gặp Thầy Chính

Trả lời NGUYỄN GƯƠNG Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác