CHÍ LỚN GẶP NHAU

Ngày đăng: 20/08/2016 01:36:12 Sáng/ ý kiến phản hồi (5)

 Anh Thân Trọng Thuỷ  là anh ruột của anh Thân Trọng Sơn một nhà giáo, cũng đã có bài  bàn đến việc đạo thơ, đạo văn. Do đó cô Hồng Khanh gửi trang nhà bài viết của  Thân Trọng Thuỷ vì thấy đây cũng là một ý kiến để cho anh chị em mở rộng thêm tầm nhìn.quan2

  1. Cách đây không lâu, tại một chương trình thi kiến thức về âm nhạc trên TV (tương tự như chương trình ‘Đố vui để học’, tổ chức để phục vụ sinh viên học sinh và giới trẻ) tôi đã rất bất bình trước đáp án nhầm lẫn của ban giám khảo cuộc thi. Số là ban tổ chức cho nhạc trổi một đoạn ngắn của bài ‘Pour Élise’ (hay Lettre à Élise) rồi người dẫn chương trình đọc câu hỏi như sau: “Bạn hãy cho biết tên bài hát”. Sau thời gian qui định là 30 giây, không đội nào trong 3 đội dự thi bấm chuông trả lời cả. Người dẫn chương trình bèn đề nghị ban giám khảo giải đáp. Ban giám khảo trả lời chắc nịch: “Đó là bài ‘Tout l’amour’”.

Hôm ấy tôi thấy tức anh ách. Mấy hôm sau gặp một anh bạn nhạc sĩ, tôi hỏi anh có xem chương trình đố vui âm nhạc chiều Chủ nhật vừa qua không. Anh cười hiền lành và nói: “Những vụ bé cái nhầm ấy tôi thấy khá nhiều. Suy cho cùng trí nhớ chúng ta rất dễ bị lẫn lộn, bởi vì âm điệu, tiết tấu của hai bài hát giống nhau đến nỗi ta có thể hát một câu của bài nầy rồi hát tiếp một câu của bài kia mà người nghe không thể phân biệt được, cứ tưởng chỉ có một bài mà thôi. Những cái giống nhau như thế kể ra nhiều lắm, nhất là trong nhạc Việt. Này nhé, anh hãy nghe hai câu nầy xem có giống nhau như hai giọt nước không:

“- Dashing through the snow” (bài Jingle bell!)

“- Sài Gòn nắng mưa cơ cầu”(bài ‘Chuyến tàu thống nhất’ của Lam Phương).

Anh bạn tôi nói tiếp: “Nhưng tôi xin nói ngay kẻo anh hiểu lầm, tôi không nghĩ là nhạc sĩ họ bắt chước nhau hay ăn cắp của nhau đâu. Theo tôi, đó chỉ là sự nhập tâm. Hằng ngày ta nghe những điệu hay, lời đẹp, ta ưa thích và giữ lại trong trí nhớ mà không biết. Bỗng một lúc nào đó tức cảnh sinh tình, từ trong tiềm thức ta những lời những điệu ấy tuôn ra một cách rất tự nhiên, rất tình cờ, nhưng mà rõ ràng ta thực sự tin đó là sở hữu trí tuệ của ta, ta không hề vay mượn, không hề bắt chước ai cả. Đó chỉ là cái hiện tượng mà người ta thường giải thích là “chí lớn gặp nhau”.

“Vũ Bôi Liêu, trong ‘Những sự gặp gỡ giữa Đông phương và Tây phương trong ngôn ngữ và văn chương’ đã chứng minh rất hùng hồn, rành mạch và thuyết phục về ‘duyên kỳ ngộ’ đó. Đông phương và Tây phương đều biết cách chơi chữ,biết dùng tá âm,biết dùng phép tỉ trong khi hành văn. Vũ Bôi Liêu dẫn chứng:

– “Lý Thái Bạch, kể tâm sự người vợ xa chồng, đã viết:

Đương quân hoài qui nhật

Thị thiếp đoạn trường thì

Xuân phong bất tương thức

Hà sự nhập la vi

(Đương khi chàng mong ngày về, thiếp ở nhà đau lòng. Gió xuân không quen biết, cớ chi vào màn the?)

“Mười mấy thế kỷ sau,trong thiên truyện ngắn ‘Le passé’ đã (được) dịch đăng báo ‘Gringoire’ bên Pháp, ông Gabrièle D’ Annunzio cũng viết mấy câu nầy: “Chiều nay buồn rầu, tôi nhớ đến người yêu ở nơi đất khách. Chàng đã hẹn ngày về, cớ sao mãi chẳng thấy? Kìa làn gió nhẹ thổi. Ta không quen biết mi, hỡi gió, cớ sao mi vào tận giường ta?(Ce soir, tristement je pense à lui. Il a annoncé son retour, pourtant je l’ai attendu en vain. Voilà qu’une légère brise souffle. Ô vent inconnu qui pénètre dans ma chambre, pourquoi viens-tu jusque dans mon lit?) Nhà thi sĩ Trung Hoa sống từ thế kỷ thứ VIII, chắc không ngờ rằng hơn một nghìn năm sau, ở tận trời Tây xa lắc, một nhà văn Ý Đại Lợi sẽ viết những câu, lạ thay, giống thơ mình cả từ lẫn ý. Phải chăng D’Annunzio đã đọc Lý Thái Bạch?” (Vũ Bội Liêu, sách đã dẫn, trang 16, 17).
***

Nghe bạn tôi nói, tôi lại có ý nghĩ ngộ nghĩnh rằng bất kể thời nào, bất kỳ ở đâu, tất cả các tài năng, bẫm sinh hay do rèn luyện, hình như đều được khí thiêng đất nước hoặc một đấng siêu phàm nào đó ban cho những khả năng đạc biệt mà người khác không có. Những khả năng ấy phát triển cùng một cách như nhau do tính chất siêu việt của chúng, và điều nầy giải thích tại sao các thiên tài thường có chung một ý tưởng và chung cả cách diễn đạt ý tưởng đó.

Nếu không phải thế thì tại sao lại có 2 bài thơ (mà tôi sắp chép lại dưới đây) rất giống nhau ở chỗ mỗi câu đều được bắt đầu bằng một chữ ‘thương’ lập đi lập lại, và tất cả cái hay, tất cả sự tài tình đều nằm trong chữ thương rất dễ thương đó!

Hai bài thơ đều có sự tích của chúng:

a)- Bài thứ nhất : Có một anh học trò nghèo một hôm ở trong một hàng quán cứ nhìn trộm cô hầu non của một ông quan võ. Ông quan tức mình liền bắt gã thư sinh phải làm một bài thơ, nếu không hay sẽ bị đánh đòn. Anh học trò liền viết luôn một mạch :

Há dám thương đâu gái có chồng

Thương vì một nỗi có mà không

Thương cành hoa muộn sương xao xác

Thương đóa đào non tuyết lạnh lùng

Thương tấm lụa điều thân mỏng mảnh

Thương con én trắng phận long đong

Thương thì thương vậy, thương sao đặng

Há dám thương đâu gái có chồng

b)- Bài thứ hai: tương truyền là của Vương Tuân. Nhà nghèo nhưng học giỏi, ông muốn lấy con gái một ông Đô úy. Quan ra câu đối, ông đối lại rất hay.Quan bằng lòng gả con gái cho ông. Nhưng cô con gái chê ông là đồ quần manh áo rách. Ông lẩm bẩm:” Khinh người vừa vừa chứ! Thương nhau là hết!” Cô ta thốc cho một hồi: “Thương cha, thương mẹ, thương vợ, thương con, thương cái nhà anh, ai khiến anh thương?” Ông quan liền vin lấy câu ấy làm đầu bài bắt ông làm một bài thơ. Ông liền viết ngay:

Há dám thương đâu phận má hồng

Thương vì một nỗi để phòng không

Thương cha mẹ nhện giăng tơ lưới

Thương vợ chồng Ngâu cách mặt sông

Thương con cuốc rũ kêu mùa hạ

Thương cái bèo xanh dạt bể đông

Quân tử có thương, thương thế đó

Há dám thương đâu phận má hồng

(Vũ Bội Liêu, sđd, trang 120, 121)

2.-Hệ luận của tiên đề ‘Chí lớn gặp nhau’ là sự nhầm lẫn (hoặc nghi vấn) tên tác giả.

a)- Đầu tiên là trường hợp bài thơ ‘Bán than’ (Một gánh kiền khôn quảy xuống ngàn/Hỏi chi bán đó gửi rằng than…) tương truyền là của Trần Khánh Dư, một vị tướng đời vua Trần Nhân tông, và được xem như bài thơ nôm cổ nhất còn truyền lại. Nhưng Phạm Đình Hổ và Nguyễn An trong “Tang thương ngẫu lục”

(Ngô Văn Triện dịch và chú thích, bản in lại của nxb Văn Học Hà Nội, 2001, trang 183, 184) khẳng định đây là tác phẩm của một bậc di thần của chúa Nguyễn (cuối thế kỷ XVIII). Có lẽ vì tướng Trần Khánh Dư thưở hàn vi cũng làm nghề bán than nên mới có sự nhầm lẫn đó chăng?

b)- Tiếp đến là trường hợp bài văn tế hậu phi của Bắc quốc mà triều đình nhà Nguyên yêu cầu ông Mạc Đỉnh Chi đọc, bài văn tế ấy chỉ có 4 chữ ‘nhất’. Chẳng hề ngạc nhiên , không hề nao núng, ông ứng khẩu đọc luôn:

Thanh thiên nhất đóa vân

Hồng lô nhất điểm tuyết

Thượng uyển nhất chi hoa

Dao trì nhất phiến nguyệt

Y! vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!
Về sau, người ta khám phá ra rằng bài nầy là của Lý Bạch, chứ không phải của Mạc Đỉnh Chi. Có lẽ người ta gán cho Mạc Đỉnh Chi để tán dương thêm trí thông minh và tài ứng đối của vị lưỡng quốc trạng nguyên nầy mà thôi. Thật ra, dù súc tích đến cỡ nào, dù cô đọng đến mấy, một bài văn tế mà chỉ gồm có mấy câu như thế, chưa chi đã hết, “chưa chi đã xong việc”,há chẳng làm cho người nghe cụt hứng lắm hay sao?

c)-Một vài trường hợp hồ nghi tác quyền nữa:

– Ai là tác giả thực sự của bản diễn nôm Chinh phụ ngâm đang lưu truyền, Đoàn Thị Điểm hay Phan huy Ích?

– Nguyễn Trãi có phải là tác giả bài Tự thán và Gia Huấn Ca?

– Hoặc bài ‘Khuyên tiết kiệm’ chép trong cuốn “Hồi ức về cha tôi, Ưng Bình Thúc Giạ Thị” tác giả Tôn Nữ Hỷ Khương khẳng định là của Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn. Bài thơ chỉ có 4 câu:
Dặn vợ có dưa đừng gắp mắm

Khuyên con bớt gạo bỏ thêm khoai

Thế gian có bảo rằng hà tiện

Hà tiện nhưng mà chẳng lụy ai (sđd, trang 75,76)
Nhưng tôi lại có dịp đọc một bài thơ Đường luật, nhan đề: “Hà tiện”, tác giả là Nguyễn Minh Triết :

Giàu thì ba bữa khó thì hai

Lần lữa cho qua tháng thiếu đầy

Nón đổi lá ngoài, quần đổi ống,

Dép thay da mặt, túi thay quai.

Dặn vợ có cà đừng gắp mắm,

Bảo con bớt gạo, bỏ thêm khoai.

Thế gian mặc kẻ cười hà tiện,

Ta chẳng phiền ai, chẳng lụy ai.

(Xem Quách Tấn/ Thi pháp thơ Đường, nxb Trẻ, TP.HCM 1998)
Đọc 2 bài thơ trên, ta không khỏi thắc mắc:

– Tựa đề là “Hà tiện” hay là “Khuyên tiết kiệm”?

– Bài thơ Khuyên tiết kiệm nguyên thủy có đủ 8 câu hay chỉ có 4 câu?

– Có phải lúc đầu bài thơ chỉ có 4 câu, sau đó có người thêm 4 câu nữa cho đủ một bài thất ngôn bát cú?

– Hay là bài thơ “Khuyên Tiết Kiệm” lúc đầu có đủ 8 câu nhưng về sau người ta chỉ còn nhớ được 4 câu?(và khác với bài “Tiết kiệm”?)

– Tác giả là Nguyễn Minh Triết hay Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn? Hay Nguyễn Minh Triết cũng là bút danh của Nguyễn Trọng Cẩn?
3.-Vấn đề đặt ra đã quá rõ:

Nếu quả là ‘chí lớn gặp nhau’ trong âm nhạc cũng như trong văn chương (mà có đấy, như đã dẫn chứng ở đoạn trên) thì đó là điều rất đáng trân quí. Nhưng nếu có nghi vấn về tác quyền thì xin hãy tìm cách ‘trả lại cho César những gì thuộc về César’ .Thật khó chấp nhận tình trạng một tác phẩm văn học được ghi chép lại trong 3 cuốn sách mà mỗi cuốn ghi một tên tác giả khác nhau! Xin dẫn chứng:

1)- Sách “Công dư tiệp ký” của Vũ Phương Đề (Đoàn Thăng dịch, nxb Văn học, Hà Nội, 2001) kể chuyện “Tụng kinh đề thơ thấy tiên nữ” chép như sau:

“Vua Thánh tông ra chơi Quốc Tử Giám , khi đi ngang chùa Bà Đanh, nghe thấy tiếng một ni sư tụng kinh, âm thanh trong leo lẻo suốt đến tầng mây. Lúc trở về, vua vào thăm chùa. Sư ni trông thấy, bèn đề lên vách hai câu lục bát bằng chữ nôm:

Tới đây thấy cảnh thấy thầy,

Tuy vui đạo bụt chữa khuây lòng người.”

Sư ni đề xong , bước vào hậu trường. Vua sai 28 học sĩ ứng chế (Thật ra phải viết là vua sai 27 học sĩ ứng chế mới đúng, vì nhị thập bát tú gồm cả vua nữa. Vua là nguyên soái của tao đàn- chú thích của TTT).Ông nào cũng từ chối, không làm được. Vua bèn sai phó nguyên soái Thân Nhân Trung, ông làm rằng (gọi bài nầy là bài số 1):

Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười

Sắc không tuy bụt hãy lòng người

Chày kinh một tiếng tan niềm tục,

Hồn bướm ba canh lẫn sự đời.

Bể ái nghìn tầm mong tát cạn,

Nguồn ân muôn trượng chửa khơi vơi.

Nào nào cực lạc là đâu nữa,

Cực lạc là đây chín gấp mười.

2)- Sách “Việt Nam thi văn giảng luận” của Hà Như Chi có trích dẫn bài “Cảnh đền Trấn Võ” của Bà Huyện Thanh Quan, nguyên văn như sau (gọi bài nầy là bài số 2):
Êm ái chiều hôm tới trấn đài

Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai.

Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng,

Một vũng tang thương nước lộn trời.

Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn,

Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi.

Nào nào cực lạc là đâu tá?

Cực lạc là đây chín rõ mười.

Theo giáo sư Hà Như Chi, bài nầy thể hiện lòng mong ước của Bà Huyện Thanh Quan, mong ước một cuộc sống phẳng lặng, khát khao một sự yên tĩnh cho tâm hồn, một bầu không khí rũ sạch ưu tư, hoàn toàn trong sáng.

Quả thật rất phù hợp với tâm trạng và tính cách của Bà Huyện Thanh Quan.

 

3)- Tuy nhiên lại có sách khác chép rằng bài thơ đó là của Hồ Xuân Hương, có tựa đề là: “Chơi đền Khán Xuân” (bài số 3):

 

Êm ái chiều xuân tới Khán đài

Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai.

Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng,

Một vũng tang thương nước lộn trời.

Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn,

Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi.

Nào nào cực lạc là đâu tá?

Cực lạc là đây, chín rõ mười.
Thật cứ y như là “3 trong 1”. Vậy ‘chí lớn gặp nhau’ hay các nhà nghiên cứu và biên soạn đã ‘lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia’? Hay ở đây có sự tam sao thất bản?

Kính mong các bậc thức giả cho biết ý kiến.

THÂN TRỌNG THỦY

11/2008

Có 5 bình luận về CHÍ LỚN GẶP NHAU

  1. Huỳnh Hữu Đức nói:

    Thật thú vị khi đọc qua bài viết ” Chí Lớn Gặp Nhau” của anh Thân Trọng Thuỷ.Qua bài viết này, tôi tự đi tìm cho mình lời giải thích:

    1- Những mẫu chuyện kể được lưu truyền, không thể xem là tài liệu chứng minh, mà chỉ để giải trí.

    2- Khi ta cảm thấy thích thú một bài thơ hay một câu thơ nào, trong những giây phút cảm xúc, ta đọc lên trong trạng thái tự nhiên. đây có thể nói là “Chí Lớn Gặp Nhau”.

    3- Các Thi Nhân xưa, nhiều lúc trong tửu hứng, thường ngâm nga thơ của tiền nhân, có người nghe hay quá nên chép lại và lấy thi nhân làm tác giả. Thêm chuyện các nhà khảo cứu (nói là khảo cứu nhưng không biết có khảo cứu không ) tuỳ tiện ghi tên tác giả theo lời truyền, kể lại.

    Những trường hợp này không còn là Chí Lớn Gặp Nhau nữa, mà là bị ép buộc mang tiếng đạo thơ.

     4- Khi làm một bài thơ, trong vô tình, sử dụng một đôi câu của tác giả nào đó mà ta thuộc, cho dù chỉ một câu. Nếu không ghi chú, cứ ghi thẳng tên tác giả là mình. Thì đây cũng không còn là Chí Lớn Gặp Nhau, mà chính là đạo thơ không thể chối cải được.

  2. Đọc để biết thêm một ý kiến về việc “đạo thơ, đạo văn, đạo nhạc”. Cám ơn hai anh Thuỷ, Sơn đã đồng ý cho đăng bài viết trên trang TPH-VL.

    Gởi lời thăm hai anh cùng gia đình.

     

     

  3. Hoành Châu nói:

    Sự  giải  thích   mang  tính  nhân  văn  rất  dễ  chấp  nhận    . Bài viết của tác giả có tính  thuyết  phục  rất  cao  !           Hoành Châu  (Gia đình C  )

  4. VOTHILAI nói:

    Cám ơn anh Trọng Thủy đã giúp em hiểu rộng thêm về văn  chương ở thế kỷ trước,cũng như suy nghĩ về việc “đạo văn,đạo thơ ” bài viết rất hay…

  5. Nguyễn Thị Hạnh nói:
    1. Đọc bài nghiên cứu của anh Thân Trọng Thuỷ viết từ năm 2008, đến nay 2016, bài được dùng như một tài liệu quý báu nhằm giải toả, bàn bạc, mở rộng kiến thức về vấn đề văn học mà anh Huỳnh Hữu Đức đã  nêu lên ở trang nhà.
    2. Tôi thấy đó cũng là tư tưởng lớn của họ gặp nhau, tất nhiên  mức độ lớn hơn, tất phải nghiêng về nhà nghiên cứu uyên thâm Trọng Thuỷ. Cảm ơn anh đã cho bạn đọc trang nhà một bài viết gợi nhiều suy nghĩ tiếp…

Trả lời Hoành Châu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác