Bị sốc vì bà chúa đạo văn

Ngày đăng: 18/08/2016 07:00:06 Sáng/ ý kiến phản hồi (9)

Thưa anh Huỳnh Hữu Đức và cô Lê Thân Hồng Khanh, Tôi xin phép không chen vào đề tài nêu trên để tranh luận; hầu đi đến kết luận cho một vấn đề, mà chỉ có ý kiến riêng theo sự hiểu biết nông cạn của mình. Tôi rất đồng ý qua cách nhận xét và đưa ra ý kiến chính đáng của cô Lê Thân Hồng Khanh, cho dù anh Huỳnh Hữu Đức có đưa ra chứng cứ hiển nhiên cho thấy, nhưng tôi cũng xin chờ ý kiến được thẩm định chính xác của các nhà nghiên cứu về Văn học.

Ở đây, tôi chỉ nghĩ đến từ “đạo thơ”, từ nầy xem ra “quá nặng” để đặt lên cho hai Nữ sĩ tài hoa đã được người đời ca tụng, tự dưng tôi có chút… “bị sốc”! Chẳng lẽ nền văn học xưa nay từng xưng tụng “hai bà chúa thơ nôm” và đưa thơ hai bà vào sách giáo khoa cho bao thế hệ người học, mà không biết hai bài thơ nầy do hai bà “đạo thơ” sao? Và, vì sao tuyệt nhiên, những người có trách nhiệm giáo dục về văn học không có một lời giải thích để làm sáng tỏ?

Rất mong đề tài nầy sẽ được giải thích một cách rõ ràng, cho từng lớp người học và những người cần tìm hiểu sớm được yên tâm.

 

Phong Tâm

Hoxuanhuong01

Có 9 bình luận về Bị sốc vì bà chúa đạo văn

  1. Huỳnh Hữu Đức nói:

    Anh Phong Tâm thân mến,

    Anh dùng từ “Sốc” rất thích hợp. Mấy ai không sốc khi Người mình ngưỡng mộ vướng phải lỗi đạo thơ!? NHưng sự thật vẫn là sự thật. Những người tôi nêu trong bài viết đều là nhà nghiên cứu, học giả cả.Còn vì sao Bộ Giáo Dục đưa các bài thơ này vào chương trình dạy? có lẽ muốn cho Học sinh thấy cái hay, nét đẹp của bài thơ là chính. Còn tại sao các các nhà Giáo dục không giải thích?điều này cũng là thắc mắc của to6ico1 nêu lên trong bài viết.

    Thân Kính

  2. My Nguyen nói:

    Anh Phong Tâm kính mến! Mấy hôm nay em đã xem đi, xem lại bài viết của anh Huỳnh Hữu Đức về “Hai bà chúa thơ Nôm…” và hai bài viết của anh. Em cũng đã đọc tất cả phản hồi của cô Hồng Khanh và các anh chị, mong tìm một lời giải đáp. Em rất đồng tình với anh và cô Hồng Khanh ở tất cả các điểm. Riêng bản thân em vì không am tường lĩnh vực này nên không dám có ý kiến nhưng sự bất an trong lòng thì không tránh khỏi…Lẽ nào “thần tượng” của nhiều người lại sụp đổ hay sao? Nhất là bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan, đây là một bài thơ Đường được xem là chuẩn mực, đã được đưa vào trường Phổ thông từ bao nhiêu năm nay…

    Cũng như anh, bên cạnh những luận cứ của tác giả Huỳnh Hữu Đức, em rất mong có một lời giải thích mang tính thuyết phục, thấu tình đạt lý…để sự hoang mang không còn nữa. Kính anh.

    • Phong Tâm nói:

      My Nguyên ơi! Đơn giản, những điều không mong muốn bao giờ cũng có thể xảy ra. Tuỳ theo cách nhìn và phán đoán thế nào cho hợp lý; thận trọng, khiêm tốn là điều rất cần thiết vì văn chương mà! Cho nên cần hiểu cặn kẽ lý do cũng như động cơ nào có 2 bài trùng lặp với nhau (?) Phải chăng, ý của hai bà là muốn tô điểm bài thơ cho nó đẹp hơn (khởi sắc hơn)? Tài hoa như hai bà lẽ nào chỉ tới được 2 bài thơ như vậy lại là bài vang danh… để đời. Đâu chỉ có Qua Đèo Ngang và Đánh Đu, vẫn còn nhiều bài thơ hay, rất hay của hai Nữ sĩ tiền bối mà mọi người ngưỡng mộ.

      My Nguyên cũng như tôi và có thể còn nhiều người khác nữa chưa đồng tình với cách dùng từ “đạo thơ”, bởi duyên cớ nào có sự trùng hợp nầy chưa được phân tích rõ ràng thì chúng ta vẫn còn thắc mắc và chờ được nghe lời giải thích thoả đáng.

      Cám ơn My Nguyên có ý kiến phản hồi.

  3. Sơn Thân nói:

    Tôi hỏi ý kiến mấy bạn đồng nghiệp, sau đây là phản hồi của anh Trần Duy Phiên, nhà văn, cựu giáo sư Việt văn:

     

     

    • Luong Minh nói:

      Chưa có ý kiến của anh trần Duy Phiên, anh Sơn ơi

    • Đây là nội dung phản hồi của nhà văn, cựu giáo sư Việt văn Trần Duy Phiên mà anh Thân Trọng Sơn muốn gởi vào phản hồi.

      Từ “đạo văn” đã có từ xa xưa do đạo đức và thanh liêm của người cầm bút,không phải đợi tới khi có luật bản quyền đâu!
      Vì sao kẻ đó đạo văn vì hắn bất tài, lén cóp nhặt của người ta làm của mình (như quạ mượn lông công ấy mà!)
      Trong văn học sử Việt Nam, ai cũng biết tài làm thơ của hai nữ sĩ Hồ Xuân Hương và Huyện Thanh Quan(nhũ danh Nguyễn Thị Hinh). Người dư tiền khó mà đem thân làm kẻ cắp tiền, người dư tài khó mà vác mặt đi ăn cắp tài.
      Nhưng khi đọc những bài thơ trên, ta thấy có phần na ná giống nhau mà bài của hai nữ sĩ thì xuất sắc hơn bản trước rất rõ.
      Theo tôi, phát xuất do “họa thơ” mà ra. Trong họa thơ, đòi hỏi, về hình thức thì phải cùng vần điệu, thanh điệu, còn ý thì có thể đồng (nếu tán thành tác giả bài có trước) và dị (nếu phản đối, hoặc muốn mở rộng).
      Ngày nay, trong sinh hoạt thơ ca, gần như không còn giao lưu bằng họa thơ nữa, nên chi gây cho hậu sinh hiểu nhầm tiền bối.
      Do đó, tôi không nghĩ Hồ Xuan Hương và bà Huyện Thanh Quan đạo thơ mà là họa thơ. Vì tác phẩm của hai bà quá hay nên đã che mờ những bài thơ có trước (bài thơ tạo hứng thú xướng họa).
      (Trần Duy Phiên)

  4. Huỳnh Hữu Đức nói:

    Anh Phong Tâm, My Nguyen thân mến,
    Chúng ta có cùng ấm ức khi tượng đài bị động đến. Tuy nhiên, cái gì của Cesar hãy trả lại cho Cesar.
    Trước hết, Tôi chắc chắn một điều hai bài thơ “Cây Đánh Đu” và ” Chợ Trời” thì đúng là của vua Lê Thánh Tôn. Tài liệu chứng minh là xác thực.
    Riêng bài “Qua Đèo Ngang”, Tôi biết bài viết của học giả Lê Văn Phát trong Contes et Légendes du Pays d’Annam là có thật. Tuy nhiên tôi vẫn nghi ngờ bài “Đèo Ngang” của Khuyết Danh vì ta cũng biết Bà Huyện Thanh Quan mất vào gần giữa thế kỷ 19 trong khi bài viết của Lê văn Phát thì vào những năm đầu của thập niên 30 thế kỷ 20. coi như cách biệt gần thế kỷ. Chính vì thế trong bài viết “Hai Bà Chúa Thơ Nôn Đạo Thơ” của tôi, ngay câu mở đầu về Bà Huyên Thanh Quan tôi có nêu lên hai chữ “nghi vấn”. 
    Hy vọng  anh Phong Tâm và My Nguyen cũng sẽ đồng tình quan điểm tôi nêu.
     
    Thưa cô Hồng Khanh, anh Sơn Thân cùng nhà giáo Trần Duy Phiên,
    Thật vui khi có những quan tâm và góp ý về bài viết “Hai Bà Chúa Thơ Nôm Đạo Thơ”. Nhưng có một điều tôi không đồng ý vể ý kiến của nhà giáo Trần Duy Phiên trong câu dưới đây:
    ” … Nhưng khi đọc những bài thơ trên, ta thấy có phần na ná giống nhau mà bài của hai nữ sĩ thì xuất sắc hơn bản trước rất rõ.
    Theo tôi, phát xuất do “họa thơ” mà ra...”  
     
    Tôi xin mạn phép bổ sung thêm:” Hoạ thơ không phải là bê hầu hết ngôn từ của bài xướng cho bài hoạ“. Suy ra từ nguyên tắc này, chúng ta không thể chống chế là Nữ sĩ của ta không Đạo Thơ. Có một cách giải thích, là Nữ Sĩ của chúng ta quá cảm xúc với các bài thơ ấy, nên đã trau chuốt lại mà thôi.
    Thân Kính
    Huỳnh Hữu Đức
                          

  5. Văn Hừng nói:

    Với nhà thơ Phong Tâm:

    Tôi nghĩ nhà thơ  “sốc “vì lẽ : dù gì đi nữa- khi mà vấn đề chỉ là nghi vấn-chúng ta là hậu bối không nên bất kính nặng lời với tiền nhân khi dùng chữ đạo thơ -thay vì như có Nguyễn Vĩnh Tráng nói nhẹ là “trau chuốt lại” .

  6. Phong Tâm nói:

    Thưa các bạn văn chương, tôi xin phép có vài lời sau:

    – Với Văn Hừng, cám ơn bạn đã hiểu ý của tôi muốn nói, trong đó có sự cảm thông.

    – Với anh Huỳnh Hữu Đức, cùng các vị giáo sư, học giả và những người bạn thân mến, nhờ có nhiều ý kiến đưa ra về đề bài…”đạo thơ“, dầu thuận hay nghịch ý cũng xem như bài học có tính văn hoá để tôi và chúng ta sàng lọc, góp vào vốn kiến thức của mình.

    Riêng cá nhân tôi, càng già càng học càng dốt nên đúng ra cần ngồi nghe hơn là thưa thốt, lỡ có ý kiến cũng chỉ là để học hỏi, nhưng nghĩ lại, có lẽ học theo lời thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, chắc là ổn hơn: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn người đến chốn lao xao”. Và bắt chước “nín” theo kiểu Trung niên thi sĩ Bùi Giáng: “Thưa rằng nói nữa là sai”. Haha! Vậy là tĩnh tâm được rồi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác