Dân Xóm Nhỏ (1)

Ngày đăng: 24/05/2016 10:27:51 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Một buổi xế chiều, nắng hừng hực trên một ấp nhỏ làng quê. Không gian yên vắng buồn buồn, những tàu cau ủ rủ như say ngủ sật sừ. Lâu lâu có vài làn gió mỏng, hình như không đủ sức lay động hết những tàn lá dừa, lá chuối trong khu vườn liền theo mé ruộng. Trong gian chái bếp của nhà Sáu Bờ-rô thơm lừng  mùi cá nướng. Mỡ cá tai tượng còn ngún khói từ tro bếp nóng, bốc hăng hăng hoà quyện mùi hèm chua chua, thơm thơm rượu đế của những chiếc khạp ủ men có ngày vô kháp khác nhau được ghi bằng phấn trên nắp. Giàn giá đồ nghề của vợ Sáu Bờ-rô nằm một góc riêng biệt gần với lò chuyên dùng nấu rượu, chiếm ngự vững vàng và bề thế trên nền đất.

Chiếc bàn cơm thường ngày, chiều nay có  những khuôn mặt dân ấp ngồi vây tròn, cùng hướng vào trung tâm. Nơi có chai rượu nếp trong vắt và con cá tai tượng khoảng 3 kí rưỡi vừa được nướng vĩ xù lông vãnh đuôi, nó đang chu mỏ rất tiếu lâm trên cái mâm nhôm. Còn có tô nước mắm  bự chảng rất hấp dẫn, tuyệt đẹp với những lát ớt sừng trâu đỏ tươi, hạt nhỏ trắng như bông, nằm đặc khừ lẫn lộn với chất nước nâu đỏ. Kế tô mắm ớt là dĩa muối trộn sơ sài với những ớt trái đâm dập, có lẽ chờ ai đang gọt xoài sống và tước bớt phần vỏ xanh những trái chuối già, là mâm bàn gần như đủ vị.

Vừa từ ngoài sáng bước vào, còn chập chờn hoa mắt, Năm Cua-đinh bắn bổng một loạt thị oai:

– Tao biết tại sao trứng con chim sáo có màu xanh rồi.

Bốn tay của thế giới còn lại cùng trố mắt nhìn Năm soi mói như lần đầu gặp người hành tinh. Sáu Bờ-rô cười ha hả:

– Khám phá “pha học” gì đây, bạn Năm mình.

– Chẳng phải ‘pha học hình sự’ gì ráo. Chỉ là chuyện nhỏ ở ấp Năm, tuy không bằng chuyện hàng ngày ở huyện, nhưng cũng tạm nâng lên ngang cơ với chuyện ở xã.

– Tụi tao không cần biết chuyện lớn nhỏ ngang cơ với ai, chỉ muốn biết tại sao trứng sáo có màu xanh. Năm mình an toạ rồi nói cho dân chúng tụi tao nghe thử.

– Từ từ, chuyện gì thì cũng phải có lúc bắt đầu. Tụi bây làm cái khúc dạo đầu của tao sượng ngắc như củ mì kè bị ngập nước.

– Mầy ở đó từ từ lựa chỗ bắt đầu. Tụi tao đi bắt đuôi con cá nướng. Ê, Tám Lớ rót đầy ly, mình ‘chuyền nhông’ một tua chào sân cho nóng máy.

– Nóng quá vậy Tí. Chờ một chút coi Năm mình tuyên bố chuyện gì.

– Người thương Năm Cua-đinh nhứt, là vợ tao. Người hiểu tao nhứt, chỉ có thằng Tám Lớ.

– Ê, cũng y khuôn câu nầy hôm trước, tao nhớ mầy nói là Hai Chích mà.

– Thì tụi bây nói rồi, văn chương miệt vườn của mình là xào đi nấu lại, thêm thắt hoặc hâm nóng bằng lò vi ba vi bốn hay vi sóng gì đó.

– Ha ha! Bữa nay Năm mình phát sinh nhiều ‘chiện’ quá ta.
– Ví dụ trước mủi tao thôi. Sáng sớm hôm qua, bà xã của Năm tao phát thinh cử thịt cá cho lành. Bả nấu nồi canh chua chay ăn từ sáng, qua cử Ngọ tới xế chiều mà cũng không hết nồi. Bụng cồn cào xót xa. Tao suy nghĩ, nhà không còn mì gói thì khó mà qua đêm. Lơ mơ tơ tưởng, chợt nhớ đúng ngày anh Tư Móm tát vuông cá đồng. Tao chạy đến thì nghe đám ghe lái và bà con xóm mình gây gổ thiếu điều oánh nhau dành mua lóc trê sạch láng. Ảnh còn cái lu rộng chừng chục kí cá rô chừa lại cho gia đình. Tao năn nỉ muốn gãy lưỡi, chị Tư nói thêm vô, ảnh mới chịu cân cho tao một kí.

Sáu Bờ-rô chờ hoài mà Năm Cua-đinh chưa kết thúc, lên tiếng chọc quê:

– Rồi Năm mình bỏ kí “cá gô dô gỗ cho tụi nó bò gột gẹt” hay làm gì mà không nghe nói tiếp. Mới hôm trước tết, anh Tư cũng tát vuông cá nuôi khác, cân cho thương lái dư ra, ảnh chở cá tới nhà tao mời mua chịu, qua tết trả cũng không sao.

Năm Cua-đinh có thì giờ phản pháo:

– Tao đang hớp 50%, cưa đôi với thằng Tám Lớ, lúc mất hơi thì Sáu mầy nhảy vô bản họng, nói gì được mà nói. Vụ cá đồng của mình đột nhiên hút chợ, thì ai cũng biết cái lý do rồi. Lóng rày ăn bậy không nên, phải dòm kỷ gốc gác. Còn nói bậy lại thì cũng coi chừng chết như con ếch.  Anh Tư cân cho tao một kí giác, 6 con rô mề nòng nọng. Đem dìa đánh vãy, chặt kỳ, móc ruột  sạch sẻ, tao thả hai con tăng cường vô nồi canh chua bạc hà đậu bắp toàn tập. Còn lại 4 con kho khô để dành hôm nay. Chiều hôm qua tao với vợ tao có bửa cơm canh chua như ăn giỗ.

Hai Chích cũng hơi ngứa miệng:

– Canh chua canh me cá rô thì có gì lạ mà nói. Túm lại là Năm muốn giới thiệu hai ông bà ăn nhậu tình tang chứ gì.

–  Già chác rồi, 2 đứa cộng lại cũng hơn một thiên rồi, tình gì mà tình. Bửa nay Tí mình gay cấn với Năm mình quá nghen. Tao muốn nói văn chương dân giả mà thêm đúng chất cần thiết thì ngon như tô canh chua biến thể hôm qua.

– Ê một thiên là hai vợ chồng Năm mình ngàn tuổi, hả.

– Thiên dùng đếm giạ lúa, có một trăm thôi. Đâu phải thiên đếm ngọn mía, hom khoai, mà kể một ngàn.

– Vụ thiên nầy mới ngộ à nghen. Tại sao gặp món thì kể 100, món khác thì 1000. Vậy là sao, hả bà con.

– Theo tao, chuyện nầy có từ thời lập ấp chưa lập thôn xã. Ông bà mình hồi còn ngoài quê, thống nhất đơn vị thiên là một ngàn. Nhưng thời kỳ phá hoang, đất đai ít ỏi thì làm sao có đủ lúa hạt để lường đếm giạ lúa tới số thiên, thế nên ông bà mình giao ước lại, thiên lúa rút lại chỉ còn 100 giạ lúa.

– À thì ra Năm mình cũng có chút công phu “ngâm kíu” cổ tích. Bây giờ bà con cân lúa tính tạ tính tấn, đâu ai  đong lường giạ táo kiểu xưa nữa. Nhưng nảy giờ Năm mình còn bị thiếu vụ án trứng sáo đó nghen.

– Tao lạc đề ba sải rồi, để quẹo lại. Chuyện là hôm trước, tao và Hai Chích nhà mình đi ăn đám thôi nôi bên Cai Quá. Hai thằng bơi xuồng đến gần cầu Danh Tấm thì bỗng nhiên Hai Chích bơi nước rút ào ào. Tao chưa hiểu việc gì, nghe Hai Chích thều thào: “Cô Năm cô đơn”. Mắt tao kém hơn nó, chỉ thấy một bóng người lái Honda vừa xuống dốc, rồi hụ máy chạy tuốt về phía Cái Ngang. Vậy mà xuồng qua cầu chưa ra vàm, Hai Chích nhà mình xuất khẩu bài thơ ngang mức tuyệt vời như vầy:

Áo em đẹp như màu xanh trứng sáo

Nửa hồn anh, em lấy ráo còn đâu

Nước sông cuồn cuộn đục ngầu

Chân cầu Danh Tấm buồn rầu đứng trơ 

– Ủa,”pha học” nào giải thích tại sao trứng sáo có màu xanh.
– Thì chỗ màu áo của cô Năm Cô-đơn.
– Có nghĩa là áo cô Năm màu xanh, thì trứng sáo màu xanh. Rủi bữa đó cô Năm mặc áo hồng thì trứng sáo đổi hồng kịp không.

– Cở nào, Hai Chích của mình cũng giải quyết hết ráo.

– Áo nàng đẹp như màu trứng Mỹ.

– Ê khoan khoan, đứng hình ngay chỗ nầy dùm tao. Trứng Mỹ là trứng gì.

– Là trứng gà vỏ nâu nhạt, con giống Niu Ham-sơ gì đó.

– Nếu hôm đó cô Năm Cô-đơn mặc áo hồng, thì bài thơ trên sẽ được chuyển thế tái sinh: 

Áo nàng đẹp như màu trứng Mỹ
Nửa hồn anh, em dấu kỷ nơi đâu
Sông sâu thiếu nước cũng rầu
Chân cầu Danh Tấm ốc hào chết khô 

(Còn tiếp)

Một Lúa

…………….

0 lua 01Hình 994

Hè năm nào trên Cây plum sau nhà Tám Lớ cũng có 1 hoặc 2 ổ sáo. Thường thì mỗi ổ có 4 trứng. Sáng nay tui canh me chị chủ ổ bay ra kiếm ăn, lén bắt thang để chộp hình. Và có lẽ chị chưa xọp bụng, nên ổ mới có hai trứng. Cô bác đừng nghĩ tui tham nhũng. hihi

0 lua 02Hình 2878

Hình chụp vào mùa hè năm rồi trong một farm trái cherries. Mùa hè năm nay những vườn nầy thất mùa bông, có thể họ không mở cửa. Lý do là lúc vừa chớm xuân, trời ấm đột ngột nhiều ngày, trăm hoa hăm hở đua nở, thì lạnh đổ xuống độ đông ngay trở lại vài ngày liên tục. Hoa chết vì lạnh và không có tác nhân ong bướm. Và mỗi năm, hoa chỉ nở một lần thôi. hihi

 

Có 3 bình luận về Dân Xóm Nhỏ (1)

  1. Phan Lương nói:

    Hi hi

    Nếu cô Năm cô đơn mà mặc áo màu trắng thì bài thơ khắc sẽ được tái sinh vầy phải hong anh Lúa ?

    Áo nàng đẹp như màu trứng sáo

    Anh cần em như máu về tim

    Em ở đâu ? Anh sẽ tìm!

    Con cá ao tiên , nổi , chìm ,vò vỏ !

     

  2. My Nguyen nói:

    Câu chuyện “Dân Xóm Nhỏ” mở đầu thật vui, thích nhất là mấy bài thơ của anh Hai Chích. Vậy là trứng sáo màu xanh là do màu áo của cô Năm à! Nếu hôm nào cô Năm mặc áo màu vàng, tui nói thế này được không anh Hai Chích?

    Áo em đẹp màu vàng hoa cúc

    Anh ra về quên ngủ, biếng ăn

    Chuyện này là bởi em Năm

    Trên cầu Danh Tấm âm thầm đợi em!

    Hi hi…

  3. Một Lúa nói:

    Hai bạn Phan Lương và My Nguyễn

    Trong khả năng rất hạn chế, Lúa tui cũng ráng phản hồi quý bạn:

    Áo em trắng như hạt gà luộc

    Anh dìa nhà uống thuốc đau gan

    Cả đêm viết được 3 hàng

    Sáng ra gởi gió nhờ mang chân tình

    hihi

Trả lời My Nguyen Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác