MÓN CHÈ “THẤT KINH”
Qua tựa đề chắc các bạn đọc không khỏi thầm nghĩ “chè gì mà lại tên là chè thất kinh”, chắc lại khôi hài hoặc bầy đặt ra để lôi cuốn sự chú ý của người đọc, giống như cách thức mà chúng ta thường thấy được áp dụng trên TV hay trên các bảng quảng cáo dành cho các sản phẩm mới được đưa ra thị trường.
Xin thưa, các bạn đã lầm rồi, những gì liên quan tới nguồn gốc và cách làm món chè đặc biệt này đều dựa trên 100% sự thật. Số là mẹ tôi, tuy lúc ấy đã đến tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng sức khoẻ còn rất tốt, rất năng động nên thích giao tiếp và đi du lịch đây đó, chẳng bù với ba tôi chỉ thích ở nhà, gần con, gần cháu là thấy hạnh phúc rồi.
Bắt đầu từ cuối thập niên 80 cho tới năm 2013 mẹ tôi đã đi du lịch nhiều nơi, cho đến nay chỉ có Phi Châu là mẹ tôi chưa tới và tiếc là mẹ tôi sẽ không bao giờ tới được nữa vì sau năm 90 tuổi bảo hiểm sức khoẻ về du lịch ở Úc không chịu nhận những khách đi du lịch quá lớn tuổi, những người sẽ đem lại sự thiệt hại lớn lao cho họ.
Tính của mẹ tôi rất “độc lập” và “tự lập”, không bao giờ muốn làm phiền con cháu nên ở tuổi trên 70 mẹ tôi phần lớn thường đi du lịch một mình, mẹ biết các con, các cháu đều phải bận việc, bận gia đình nên không bao giờ đòi hỏi có người tháp tùng, con cháu có đề nghị đi cùng mẹ đều quyết liệt từ chối, không muốn con cháu vướng bận vì mình. Dưới mắt mẹ, các con dù tóc đã hai màu thì vẫn là những đứa con bé bỏng ngày xưa mà mẹ có bổn phận phải bảo vệ, chăm sóc.
Tôi là đứa con ở xa nhất và ít khi có cơ hội để về sống gần mẹ nhưng những lần sống trong vòng tay của mẹ tôi có cảm giác tôi vẫn là cô bé ngày xưa ở bến Hàm Tử, vẫn được mẹ che chở, bảo bọc, chăm lo từng li từng tí. Cũng nhờ vậy mà những ưu phiền, những khó khăn trong cuộc sống từ từ giảm đi, để rồi khi rời mẹ, tôi đã thu nhận được đầy đủ năng lực để tiếp tục đương đầu với cuộc sống.
Không phải chỉ riêng đối với tôi, đứa con luôn xa nhà mà đối với tất cả con cháu mẹ đều thương yêu, tha thiết. Mẹ chỉ chăm sóc con cháu mà mẹ nhất định không để cho ai chăm sóc mẹ cả, đến nay trời vẫn cho mẹ đủ sức khoẻ để tự làm mọi việc, chăm sóc bản thân mình cũng như tự vào bếp để nấu những món mà mẹ thích. Mẹ nói “các con nấu không hợp với khẩu vị của mẹ nên mẹ ăn không ngon miệng. Khi nào mẹ còn tự làm được, hãy để mẹ làm, đừng bắt mẹ phải ngồi một chỗ, mẹ phải hoạt động cả về cơ thể lẫn trí óc, có như vậy mẹ mới vui mà sống lâu với các con và các cháu. Hãy mừng khi thấy mẹ còn làm việc được, khi nào mẹ chỉ còn ngồi hoặc nằm một chỗ để các con hầu là lúc đó ba sẽ đón mẹ đi.”
Chúng tôi biết làm sao đây trước lập luận quá vững chắc của mẹ, vẫn áy náy và âu lo, vẫn thường nói với nhau, ai đến mà không hiểu ngọn ngành, thấy mẹ làm việc trong nhà chắc chắn sẽ cho là các con của mẹ quả thật “đại bất hiếu”. Vài năm sau này, mỗi lần về thăm mẹ, tôi thấy sức khoẻ của mẹ đã giảm đi, luật tạo hoá không ai thay đổi được nhưng không khỏi không phân vân, lo lắng…..
Trở lại năm 1989, các con đề nghị mẹ làm một chuyến du lịch Bắc Kinh do người Việt tại Sydney tổ chức. Mẹ đi cùng với bà sui gia và vài người bạn, lúc đó mẹ cũng đã “thất thập cổ lai hy”, những người khác trong nhóm phần lớn đều nhỏ tuổi hơn mẹ. Dạo ấy, Bắc Kinh còn nghèo nàn lắm, nhà cửa cũ kỹ, ngoài đường toàn là xe đạp và người đi bộ, thỉnh thoảng mới có một vài cái xe hơi. Hàng quán, cửa tiệm cũng không có nhiều, vấn đề vệ sinh còn thô sơ nên đi đâu ai cũng sợ và phải chờ về khách sạn mới dám thăm toilet. Kỷ niệm mà mẹ nhớ nhất trong chuyến đi này là cuộc viếng thăm Vạn Lý Trường Thành, mặc dù lớn tuổi nhưng mẹ là một trong một số rất ít người cùng nhóm đã leo lên được đến tận đỉnh cao và nhận được mảnh bằng chứng nhận kỳ công của mình.
– Mẹ đi du lịch Trung Quốc ( 1989 ) +- Vạn lý trường thành + Lãnh bằng vì đã leo lên tận đỉnh của Vạn lý trường thành
Cũng may là phái đoàn được ở trong khách sạn nhiều sao nên vấn đề ăn uống còn tương đối chấp nhận được so với các tiệm ăn ở bên ngoài. Không có món gì ngon để thu hút sự chú ý của mẹ ngoài món chè khoai môn mà mẹ đã được nếm thử trong khách sạn, không biết món chè này tên là gì nên các con đặt tạm là “chè Bắc Kinh”. Mẹ có nhiều kinh nghiệm nấu nướng nên chỉ cần ăn thử đã nghiệm ra được cách nấu, mẹ lại còn biến chế bằng cách cho thêm nước cốt dừa để chè được thơm và béo , hợp với khẩu vị của người Việt Nam hơn.
Tuy là bà nội trợ giỏi nhưng mẹ tôi lại có một yếu điểm rất rất đặc biệt mà ba tôi là người hiểu rõ nhất. Khi ba tôi còn sinh tiền, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy ba tôi tuy rất thương mẹ và rất lịch sự nhưng không bao giờ ba khen mẹ sau khi ăn món ngon mẹ nấu. Sau này ba tôi mới tiết lộ bí mật, không phải ba là người tiết kiệm lời khen mà vì ba đã biết, nếu khen một món gì của mẹ nấu là liên tiếp trong nhiều ngày ba sẽ được ăn món đó hoài, ba và các con đều biết là mẹ thương nên mới làm để chồng con được ăn cho thoả nguyện chứ mẹ đâu có nghĩ là món ăn dù ngon đến đâu mà phải ăn quá nhiều lần liên tiếp thì sẽ mất ngon đi vì chán.
Đã biết như thế nhưng khi thưởng thức món chè Bắc Kinh tuyệt vời của mẹ, tất cả đều kêu lên là “ngon quá”. Thôi thế là trong khoảng thời gian kế tiếp, món chè Bắc Kinh hiện diện không biết bao nhiêu lần, cho đến khi ai nhìn thấy mấy bát chè này đều “thất kinh” và năn nỉ mẹ thôi đừng nấu nữa. Kể từ đó, món chè của mẹ được đổi tên là “chè Thất Kinh”.
Tôi xin mẹ công thức và mẹ cũng đồng ý cho đăng trên trang nhà để các độc giả cũng như các em cựu học sinh TPH cùng thử áp dụng. Hy vọng là mọi người sẽ ngon miệng và không “thất kinh” khi ăn món chè “Bắc Kinh” này.
CÔNG THỨC MÓN CHÈ “THẤT KINH” ( BẮC KINH) của bà KHÁNH
I/ VẬT LIỆU
-700g khoai môn
– 200ml nước cốt dừa
– 1/2 chén ăn cơm đường (150g)
– 1/2 muỗng cà phê (muỗng nhỏ) hoặc một nhúm muối nhỏ
– 3 chén ăn cơm nước lạnh (650 ml)
II/ CÁCH LÀM
1- Khoai môn gọt vỏ, thái nhỏ, chừa lại hai miếng lớn để nguyên
2- Bỏ tất cả vào nồi với 3 chén ăn cơm nước lạnh và đem nấu cho mềm
3- Lấy hai miếng khoai lớn để riêng. Tất cả khoai còn lại đem tán hoặc bỏ vào máy xay thật nhuyễn
4- Hai miếng khoai lớn xắt thành những miếng nhỏ
5- Bỏ khoai xay nhuyễn, khoai thái miếng, đường, nước dừa vào nồi và nấu cho sôi lên, quậy nhẹ cho đều là được
6- Múc ra chén, chè khoai môn này ăn nguội sẽ ngon hơn ăn nóng.
CHÚC THÀNH CÔNG VÀ NGON MIỆNG !
Bài này của Cô đượm nét dí dỏm của chị Vân Hà.
Đầu năm, chúng em được đọc bài vui vẻ để cười,
được chỉ dẫn món chè ngọt béo thơm để thưởng thức.
Chè này ngon và béo bổ thất kinh ,, người lớn dưới 40 kí hoặc trẻ còi cọc không lớn nỗi ,,, nên ăn mỗi ngày để tăng cân ,, Hoành Châu (Gia đình C )
Món chè “thất kinh” của Bà được Cô kể bằng một câu chuyện vô cùng hấp dẫn. Thật ngưỡng mộ tài nấu nướng của Bà, chỉ cần nếm qua món ăn đã biết công thức và cách chế biến. Nhìn hình mấy bát chè đã mắc thèm rồi. Em nhất định sẽ nấu thử đó Cô.
Cô ơi, món chè này nghe cô kể thật hấp dẫn mà có vẻ dễ nấu. Hôm nào em sẽ thục hành ngay cô ạ. Em chỉ mong là người được thương thức không ..thất kinh vì tay nghề của em thôi.
Đức Tính ạ , phải nấu liên tiếp 7 ngày trở lên mới được gọi là Thất Kinh ,,, nấu thử một lần như bạn thì được gọi là ” độc ” ,,,Hihi 14 (Gia đình C )
Các em thương mến,
Ngày xưa món tráng miệng phổ thông nhất sau bữa ăn là bát chè, biết bao nhiêu loại chè thật ngon của ba miền, đếm không hết. Ngày nay ít ai thích món chè , nhất là các cô, các bà vì nhiều lý do, sợ lên ký và sợ mang bệnh có đường trong máu, quý ông thì sợ bị mang tiếng là ” hảo ngọt “. Hy vọng là món chè độc đáo của chúng ta không vì vậy mà mai một đi, hãy cố giữ lại một nét văn hoá ẩm thực ngọt ngào , thơm ngát, khó quên bằng cách đưa vào Bếp Ấm những món chè truyền thống của gia đình mình.
NT mới thoáng đọc cái tựa ” Món chè Thất kinh ” … NT hết hồn luôn… kéo xuống nhìn thấy củ khoai môn.. mới vở lẻ ra… NT cười toe nè…..rồi nhìn cách làm …hấp dẫn quá đi thôi . Đây là món chè mà ông xã NT rất ghiền và thích ăn lắm…Món này vừa bổ , khỏe mà ngon độc đáo nửa nè… Cám ơn vì đọc được bài viết vui , dí dỏm và thú vị quá đi . Chúc sức khỏe bà Khánh và gia đình vui khỏe . NTSNOW.