ÁNH TUYẾT và TÔI – Những Bức Hình Cũ Nối Nhịp Cầu.

Ngày đăng: 23/09/2015 12:08:14 Chiều/ ý kiến phản hồi (7)

Thời học Gia Long ở lứa tuổi thích ô mai, Ánh Tuyết và tôi thật thân nhau. Kể cũng lạ, hai đứa tôi, kẻ Nam, người Bắc; Tuyết ngồi dãy giữa, bàn đầu vì nhỏ con, còn tôi tuy cùng tuổi nhưng “cao kều” nên ngồi bàn thứ ba, dãy bên trái. Chúng tôi cũng không ở gần nhà nhau, Tuyết ở đường Hai Bà Trưng, Tân Định, còn tôi lúc đó ở đường Phạm Ngũ Lão, gần nhà ga Saigon cũ, nên khi đi học về cũng không chung lối. Những cách biệt trên, không có ảnh hưởng gì mà còn làm cho tình bạn của chúng tôi càng khắn khít hơn. Chúng tôi thường tới nhà nhau nhưng tôi tới thăm Tuyết nhiều hơn là Tuyết đến thăm tôi, có lẽ máu “giang hồ” của một thời Phan Thiết vẫn còn đọng trong tôi, thêm nữa tôi thích không khí vui vẻ, cởi mở của gia đình Tuyết. `
Bác gái, thân mẫu của Tuyết, coi tôi như con cháu trong nhà ngay từ buổi đầu gặp gỡ và cho đến bây giờ vẫn còn để trong tôi một sự quý mến sâu đậm, các em của Tuyết, em Chín, Mười, Mười Một và bé Út, rất dễ thương, xinh đẹp, cũng dành cho tôi những tình cảm khó quên.
Trong nhà Tuyết được gọi là Tám theo thứ bậc, tất cả mọi người trong gia đình của Tuyết đều có nét lai Tây phương nên người nào cũng đẹp, da trắng, mũi cao, tóc hoe, mắt nâu hoặc xanh.

Tới nhà Tuyết, tôi chỉ thường gặp các em còn các anh, các chị của Tuyết tôi rất ít khi được diện kiến vì các anh chị, người đã lập gia đình, người thì đi làm, người đi học nên ít khi có nhà khi tôi đến. Tôi thường gặp chị Bảy vì chị cũng là nữ sinh Gia Long và hơn tôi vài lớp, anh Năm thì chỉ biết qua lời kể của Tuyết, học Đại Học Sư Phạm ban Anh Văn, chị Sáu, hoa khôi của gia đình, lấy chồng sớm nên lúc bấy giờ Tuyết đã có cháu gọi bằng dì.

Nhờ có Tuyết mà tôi mới được nhập môn để biết rõ về cách sống của người miền Nam và được thưởng thức bánh mứt cũng như những món ăn thật ngon mà Bác đã làm hoặc nấu để đãi bạn của con mình. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ đến hương vị của món thịt kho dưa giá cuốn bánh tráng mà Bác cho chúng tôi thưởng thức vào dịp Tết, chúng tôi say sưa với những miếng thịt to như bàn tay màu nâu tươi, mỡ trong suốt, thật đẹp, khi ăn thì cả thịt lẫn mỡ đều tan dần trong miệng hoà quyện với những cọng dưa giá trắng phau, dòn tan, chua chua, thanh thanh cùng mùi thơm của hẹ và củ cải đỏ được thái sợi muối cùng. Ngoài ra tôi còn được thử bao nhiêu món ngon miền Nam của bác, tôi thích lắm vì tôi sẵn có “tâm hồn ăn uống”, lại nữa, xưa nay trong gia đình chỉ toàn ăn món ăn Trung và Bắc nên đây là dịp để tôi được phiêu lưu trong thế giới ẩm thực của người khác miền. Bác đúng là một bà nội trợ tiêu biểu, hết lòng vì chồng con và tạo nên một mái ấm hoàn hảo cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Cũng vì được tiếp xúc với Tuyết và gia đình bạn mà cảm tình của tôi với người miền Nam càng ngày càng tăng, tôi yêu nét bình dị, đôn hậu, thật thà, những đặc tính này quả là gần gủi với tôi hơn là sự khéo léo, văn hoa xã giao của người miền Bắc và Trung, cũng vì thế mà tôi đã có một ước mong là sau này sẽ được làm dâu trong gia đình người Nam, có thể là chủ quan nhưng trong trí tôi, các bà mẹ chồng miền Nam cũng sẽ dễ dãi và hiền hoà như Bác, thân mẫu của Tuyết, chứ không có gay gắt, khắc nghiệt như các bà mẹ chồng miền Bắc hoặc miền Trung mà tôi có dịp chứng kiến hoặc được đọc trong các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn.
Lên Đệ Nhị cấp, tôi chọn ban C còn Tuyết chọn ban A, chúng tôi không còn ngồi chung một lớp nhưng tôi vẫn thường lái xe Velo Solex đến chơi với Tuyết. Từ khi dọn về Bến Hàm Tử, khoảng cách từ nhà tôi đến nhà Tuyết lại càng xa hơn trước, tuy nhiên chiếc xe Velo mà ba mẹ tôi đã thưởng cho khi tôi đậu bằng Trung Học, đã là phương tiện giúp tôi rút ngắn đường dài. Vẫn những lời ưu ái và những món ăn ngon của bác, vẫn những buổi tâm tình của hai đứa, vẫn những nét mặt rạng rỡ của các em, thêm vào đó con gà mái mà bác nuôi cũng luẩn quẩn quanh chân chúng tôi như muốn đón chào. Con gà bác nuôi khôn đặc biệt, lông trắng toát, sạch sẽ và rất dạn dĩ, suốt ngày tự do đi hết nhà trong đến nhà ngoài một cách thoải mái và dường như hiểu cả tiếng người, tôi nghe bác và Tuyết nói với gà giống như nói với đứa con nít. Ngày nào gà cũng đẻ một trái trứng, có khi hai trứng, chừng như để trả ơn những người đã thương yêu và săn sóc mình. Mới đây Tuyết cho tôi biết con gà đã đẻ tổng cộng được 450 trái trứng trước khi lìa đời vì quá già yếu. Tuyết và các em đã gói xác con gà cẩn thận, bỏ trong một cái hộp kín trước khi đem vứt. Mỗi lần thăm Tuyết tôi đều cảm thấy vui vẻ, thoải mái và mong có dịp để đến thăm Tuyết lần nữa.
Thời gian trôi qua, những kỳ thi Tú tài I, Tú tài II lại đến, chúng tôi bù đầu vào sách vở để sửa soạn cho kỳ thi, ngoài việc học ở trường còn phải đi học thêm nên chẳng ai còn có thời giờ rảnh để thăm nhau mặc dù vẫn nghĩ đến nhau.
Tôi may mắn qua được cả hai kỳ thi còn Tuyết phải kẹt lại một năm nữa, lên Đại Học tôi lại càng bận rộn hơn và hầu như không còn gặp Tuyết, thỉnh thoảng mới có tin của nhau nhưng tình cảm bạn bè giữa tôi và Tuyết vẫn tràn đầy.
Tôi học xong, ra trường và phải đi xa, Tuyết ở lại Saigon và làm việc ở Bộ Giáo Dục. Đầu năm 1975 trước khi lên đường sang Tân Tây Lan tôi ghé thăm Tuyết tại Bộ Giáo Dục, đây là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau và mãi đến tháng chín năm nay, 2015, chúng tôi mới tìm lại được nhau, tính ra cũng đã 40 năm. Nói làm sao được hết nỗi vui mừng khi biết Tuyết hiện ở tại San Jose, California, cầm số điện thoại cả mobile lẫn điện thoại bàn của Tuyết tôi cứ ngỡ trong mơ, làm sao mà tin được trong khi mấy năm nay tôi đã cố công tìm Tuyết mà tưởng chừng vô vọng. Thật đúng là “Tìm nhau như thể tìm chim, chim ăn bể Bắc, mình tìm bể Đông”.

Tất cả đều do sự vô ý của tôi, tôi đã đến nhà Tuyết cả trăm lần mà tôi không để ý đến số nhà nên sau này không sao nhờ người tới kiếm Tuyết được, tôi luôn nghĩ là Tuyết đã rời khỏi Việt Nam từ lâu vì anh rể của Tuyết giữ chức vụ quan trọng trong quân đội, có thể đưa đại gia đình Tuyết ra đi dễ dàng hơn những người khác, hơn nữa mọi nơi đều thay đổi nên chắc gì tôi đã kiếm ra nhà cũ của Tuyết. Hai lần về năm 1997 và 2013 tôi đã để lỡ dịp. Năm 2014 nhân dịp về thăm các học sinh cũ của tôi, tôi và Huyền Khanh đã đến Tân Định và tìm ra được nhà Tuyết mặc dù ngõ cũng như nhà đã hoàn toàn thay đổi, nhà của Tuyết bây giờ là trụ sở của một hãng sản xuất dược liệu, cao bốn tầng. Hỏi thăm hàng xóm, không ai biết, sau cùng cũng có một người ở lâu tại đó cho hay là gia đình của Tuyết đã đi khỏi nước từ lâu rồi.
Tuy buồn nhưng tôi cũng yên lòng, mấy năm trước tôi cũng có đăng tin tìm Tuyết trong trang web của Gia Long ở California nhưng chẳng có ai hồi âm. Các bạn cũ ngày xưa cùng học chung lớp hiện ở ngoại quốc cũng như ở Việt Nam cũng chẳng có ai có tin của Tuyết, có thể nói, cô bạn thân của tôi đã “bặt âm vô tín” và việc tìm lại được bạn coi như là “vô vọng”.  Đầu năm 2015 trong quyển Đặc San của Gia Long có đăng hai bài thơ của tôi, tôi hy vọng nếu Tuyết đọc cuốn đặc san này thì thế nào cũng sẽ liên lạc với tôi, chờ hoài, chờ hoài mà chẳng thấy động tĩnh……

Thật không ngờ, cách đây vài hôm vào xem face book của mình thấy cô Loan Lương, cựu giáo sư Việt Văn của trường Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên, vốn là bạn đồng khoá của cô Phạm Thị Trí tại Đại Học Sư Phạm Saigon, đã post mấy tấm hình xưa. Tính tôi tò mò và cũng thích xem những tấm hình đen trắng của một thuở nào nên những tấm hình này làm sao qua mắt tôi được. À thì ra, đây là những tấm hình của thầy Lê Tấn Kiệt chụp cùng với các em học sinh trường Thoại Ngọc Hầu, đội banh của trường được thầy uỷ lạo. Người lạ, cảnh lạ, hình thì nhỏ nên có làm lớn ra cũng không thể xem cho rõ được nên tôi thong dong đọc mấy cái comment phía dưới, đồng nghiệp, học sinh đều lên tiếng khen thầy Kiệt ngày xưa đẹp trai, ăn mặc đẹp. Tôi thầm nghĩ, ông thầy này như vậy chắc thời đó có nhiều nữ sinh tương tư. Đọc thêm một phản hồi nữa, “thầy Kiệt có cặp mắt xanh”, tôi bỗng như khựng lại và tự nhiên tên của bạn tôi lại hiện ra nhanh trước mắt, tôi có linh cảm giữa thầy Kiệt và bạn tôi Lê thị Ánh Tuyết có liên quan đến nhau. Trong óc tôi loé lên, thôi đúng rồi, thầy Kiệt là anh năm của Tuyết đây mà….

Để cho chắc chắn tôi nhắn cô Trí nhờ cô Loan hỏi dùm xem có phải thầy Kiệt có một người em tên là Lê Thị Ánh Tuyết hay không, nếu đúng, xin thầy Kiệt cho biết tin của Tuyết, sau đó tôi hồi hộp chờ đợi…..

Thời đại Internet nên chỉ trong vài tiếng đồng hồ tôi đã có tin của Tuyết cùng số điện thoại trong tay. Hơn sáu giờ sáng tại Đức tức là khoảng gần 10 giờ tối tại San Jose tôi gọi điện thoại cho Tuyết, thật là vui vì 40 năm mới được nói chuyện lại với bạn cũ. Vẫn giọng nói đó, vẫn cách nói đó dù rằng chưa nhìn thấy lại mặt nhau, biết bao nhiêu chuyện để kể cho nhau nghe sau một khoảng thời gian cách biệt thật dài, chúng tôi hàn huyên gần hai tiếng đồng hồ qua điện thoại và rồi phải tạm biệt. Từ đây qua internet, qua điện thoại chúng tôi sẽ liên lạc thường xuyên với nhau, trong tương lai sẽ gặp mặt nhau, hoặc ở Đức hoặc ở Mỹ.
Kể ra trong ít năm trở lại đây, những tấm hình của ngày xưa đã đem đến cho tôi nhiều may mắn và niềm vui, đã tạo ra cơ duyên để tôi tìm được những người tôi thương mến như cô giáo hướng dẫn của tôi ở Gia Long, học sinh cũ của tôi tại Tống Phước Hiệp, bạn cũ thân thiết của tôi thời trung học như Hải, Ánh Tuyết…..
Nhân đây tôi cũng cám ơn Châm Khanh, Nguyễn thị Hạnh, Phạm thị Trí, Loan Lương cũng như anh chị năm Lê Tấn Kiệt đã là những nhịp cầu giúp tôi nối lại những tình cảm xa xưa, trân quý.
Xin cám ơn tất cả……

Lê-Thân Hồng-Khanh (9/2015)

Xin mời đọc thêm:

LỐI CŨ, TRƯỜNG XƯA

 

h2H1 Những bức hình cũ nối nhịp cầu .Thầy Lê Tấn Kiệt, Hiệu Trưởng trường Trung Học Thoại Ngọc Hầu uỷ lạo các em cầu thủ túc cầu của trường.

h3h2 Lớp đệ ngũ 2, Gia Long- niên khoá 1959-1960 ( Lê thị Ánh Tuyết, vòng xanh; Lê-Thân Hồng-Khanh, vòng đỏ. )

H5h3 Ngày xưa, tuổi thanh xuân ( Gia Long 1961-1962 )

H6h4                        Ngày nay, tuổi xế chiều  ( 2014 )

 

 

Có 7 bình luận về ÁNH TUYẾT và TÔI – Những Bức Hình Cũ Nối Nhịp Cầu.

  1. Hoành Châu nói:

    Cô kính  yêu  ơi ,
    Bài    viết    của  cô   hay    và  cảm  động  thế nào!    Cuối cùng  ( qua   4o năm  miệt  mài   )    cô  đã    tìm lại  người     bạn  gái   thân  thiết  nhất  của    mình     thời    trung   học   ,. Hình  3   cô Hồng  Khanh  của  chúng em  ngày  xưa đẹp  xinh   lại  dễ thương  nữa  chứ    . Hihi   !!  Cũng     là  nhờ  Những    Bức  Hình  Cũ  Nối   Nhịp   Cầu   , chúng  em   mới    có    thêm  được    người  cô   tốt    nữa  , Cô  Ánh Tuyết   .  Chúc  hai  cô  luôn    hạnh  phúc  ” tuổi  vào  thu  ”                   Em  Hoành  Châu  (Gia đình  C  )

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    THƯA CÔ,

    NHỮNG ẢNH ĐEN TRẮNG NGÀY XƯA

    LÀ NHỊP CẦU NỐI NHỮNG BỜ VUI, CÔ Ạ!

    EM MỪNG CÔ LẠI GẶP BẠN XƯA!

  3. Hoàng Hưng nói:

    Kính chúc hai cô luôn vui, khỏe

  4. My Nguyen nói:

    Cô kính mến! Em đọc bài viết của cô một cách say sưa vì cô kể chuyện về một người bạn thân thu hút, hấp dẫn quá, từ ngày xưa cho đến bây giờ. Và rồi nhờ những tấm ảnh trắng đen mà cô đã tìm được người bạn chí thân. Cô thật là tinh ý! Em xin chúc mừng cô và chúc cô sớm gặp mặt bạn thân của mình ở Đức hoặc ở Mỹ như cô mong muốn.

  5. nguyễn thị đức tính nói:

    Cô ơi, tấm lòng nhân hậu và tình yêu thương chân thành dành cho Cô giáo, bạn cũ, học trò xưa của Cô đã giúp Cô đạt được những niềm mong ước tha thiết của mình. Câu chuyện của Cô và cô Ánh Tuyết thật cảm động, đáng nhớ . Mong hai cô sẽ tiếp tục tình bạn thân thiết và bền vững của mình sau hơn 40 năm. Cô đã gìn giữ được các tấm ảnh ngày xưa thật tuyệt và vô cùng quý giá.

  6. vothilai nói:

    Cô kính yêu ơi ! Cô thật hay,luôn gặp may mắn trong cuộc sống,40 mươi năm tìm gặp bạn thân thật vui ,chúc hai cô luôn vui vẻ trong những ngày sắp tới .

  7. Các em thương mến,

    Cám ơn các em đã góp vui cùng cô, không có tình bạn nào đẹp và trong sáng như tình bạn thời còn cắp sách nên cô thật vui và cảm động khi tìm lại được bạn cũ mà đã tưởng chừng như không bao giờ còn được gặp nữa. Cô hy vọng các em cũng giữ được những tình bạn của ngày xưa, những tình bạn làm cho cuộc sống của chúng ta thêm ý nghĩa và đem lại nhiều niềm vui.

Trả lời My Nguyen Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác