TÌM VỀ KỶ NIỆM ẤU THƠ ( bài 3 )

Ngày đăng: 23/07/2015 11:34:49 Chiều/ ý kiến phản hồi (8)

Tôi, chị tôi và hai em đến Hà Nội vào cuối năm 1953 để đoàn tụ với ba mẹ tôi và em trai mới sinh được mấy tháng sau cuộc hành trình đầy gian nan, nguy hiểm từ Thanh Hoá đến Nam Định, lúc đó tôi còn non nớt nhưng những gì tôi phải trải qua trong cuộc hành trình chín mươi lăm cây số đã để lại một vết hằn và tạo nên một sắc thái thuận lợi lẫn bất lợi cho cuộc sống nội tâm của tôi sau này. Thời gian ở Hà Nội chỉ khoảng hơn một năm nhưng may mắn thay, tôi đã được sống tại Hà Nội cũng như cảm  nhận được Hà Nội qua đủ bốn mùa, Hà Nội dưới lăng kính của cô bé lên bảy…

             HÀ NỘI và BÁC TÔI

Ra đến Hà Nội, kỷ niệm đầu tiên là những kỷ niệm với bác tôi và gia đình bác, cả gia đình tôi được bác tôi cưu mang và giúp đỡ trong thời gian đầu. Bác tôi, anh họ của mẹ, tuy là người Huế nhưng có vợ người miền Bắc nên sinh sống và làm việc tại Hà Nội từ bấy lâu nay, bác gái rất hiền, tôi còn nhớ dáng bác hơi đẫy đà, vấn tóc trần và nét mặt như phụ nữ Nhật. Hai bác có 9 người con, hai trai, bảy gái, các anh chị đều lớn hơn chúng tôi rất nhiều. Anh cả, tôi không được biết mặt vì anh được hai bác cho du học tại Pháp từ lâu, anh áp út thì vẫn còn ở nhà, có thể nói, trong gia đình, anh là “gươm lạc giữa rừng hoa”. Chị út hơn tôi cũng phải sáu bảy tuổi. Các chị có tên khác nhau nhưng có chung một chữ lót là “Hoài”, cũng vì vậy mà khi nói đến các chị, chúng tôi thường nhắc là các chị “Hoài”. Các chị đúng là hình ảnh tiêu biểu của các cô gái Hà Nội ngày xưa, tóc xoã ngang vai, đi đứng khoan thai và nhất là giọng nói Hà Nội nhẹ nhàng, sang cả. Trong số các chị, có người đã lập gia đình, có người đi làm, có người học đại học, còn đa số đều là nữ sinh trường Trưng Vương, anh áp út theo học chương trình Pháp. Nhờ hai bác và các anh chị mà cuộc sống của gia đình chúng tôi dễ thở hơn và cũng dễ hoà nhập với hoàn cảnh mới hơn.

Khi đưa ba mẹ tôi từ Phát Diệm về Hà Nội, hai bác cho ba mẹ tôi tá túc tại nhà bác ở số 23 đường Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, ba mẹ tôi được một phòng riêng trong căn nhà villa xinh đẹp của bác, một tháng sau mẹ tôi sinh em Châu và vẫn tiếp tục ở đó. Em Châu thật may mắn, được sinh ra trong vòng tay êm ấm, thương yêu của ba mẹ tôi và cả gia đình bác, hai bác cưng chiều còn các chị sau khi đi học về thường thay nhau ẵm bồng, nựng nịu.

Ba tôi đón chúng tôi từ Nam Định về, ngoài căn phòng sẵn có, hai bác cho sửa lại cái nhà để xe thật rộng, kê thêm giường, bàn ghế và những vật dụng cần thiết cho gia đình chúng tôi, thật ra đó chỉ là nơi để ngủ đêm chứ ban ngày chúng tôi chạy chơi trên nhà, hết nhà trong đến nhà ngoài, hết phòng khách tới phòng ăn, hoặc nghịch ngợm ở ngoài vườn. Khi các chị Hoài đi học về thì lên phòng riêng của các chị ở trên lầu để chơi đùa và chuyện trò cùng các chị…Bác trai đi làm về, xe hơi phải đậu ở ngoài sân vì nhà xe của bác đã bị chúng tôi tạm chiếm. Sau khi cơm nước xong xuôi, cả gia đình bác cũng như chúng tôi thường tụ tập tại phòng giải trí mà cũng là phòng ăn của gia đình, một hoặc hai chị đánh đàn dương cầm, các chị khác đồng ca các bản nhạc mà hai bác thích. Tôi vẫn còn nhớ là những bài hát tiền chiến thật hay như Tà áo xanh, Em đến thăm em một chiều mưa, Tiếng xưa v..v..và một bài hát có tên là ” Kinh cầu nguyện “, bài hát thật buồn đến não ruột nhưng không hiểu sao, lần họp mặt nào bác trai cũng bắt các chị hát “Trời mây u ám, lá úa, cỏ khô, hoa héo, người đâu chăng tá, tiếng khóc nỉ non trong gió….”, ôi thôi, bài hát buồn quá mỗi lần nghe tôi đều muốn khóc theo.

Cũng tại căn phòng này lần đầu tiên tôi được làm quen với các hình tượng đầu người của các thiên tài âm nhạc được đặt trên nóc đàn dương cầm và trên đầu tủ để trang trí, nào là Beethoven, nào là Mozart, nào là Franz Liszt…., những cái tên hoàn toàn xa lạ mà tôi không thể nào nhớ nỗi và cũng chẳng biết họ là ai, để giản tiện tôi gọi chung là các ông Tây.

Ba mẹ tôi cũng thật là may mắn, ở Hà Nội ba tôi tình cờ gặp lại được người bạn ngày xưa cùng học ở trường trung học Providence tại Huế và được giới thiệu vào làm thông ngôn chung với ông ta. Mẹ tôi sau khi sanh em Châu cũng xin được làm thơ ký ở Bộ Tài Chính. Nhờ có công ăn việc làm nên ba mẹ tôi mới có điều kiện thuê người đón chúng tôi và sau này đón được cả bà nội cũng như gia đình cô tôi ra Hà Nội để xum họp….Ba mẹ tôi đã bỏ tất cả đàng sau lưng để làm lại cuộc đời với hai bàn tay trắng và năm đứa con nhỏ, đứa lớn nhất mới lên chín, đứa nhỏ nhất mới được vài tháng tuổi.

Ít lâu sau chúng tôi dọn nhà, gọi là dọn nhà nhưng kỳ thực chỉ là di chuyển sang ngôi nhà sát cạnh của nhà bác tôi, gian phòng mới tương đối rộng rãi hơn và có bếp riêng biệt. Ông bà Tường chủ nhà mới của chúng tôi vừa là hàng xóm vừa là bạn của hai bác tôi nên gia đình chúng tôi đã nhận được mọi sự dễ dãi. Ông bà Tường cũng có con còn nhỏ, chị Bình bằng tuổi chị tôi, Dân, con trai, bằng tuổi tôi, mấy em sau thì cỡ tuổi các em tôi nên tất cả chúng tôi đều vui vì có bạn để chuyện trò, đùa nghịch. Tôi thường cùng Dân ra bờ rào bắt các con ốc sên xinh xắn, bằng chừng ngón tay cái, sắp thành hàng dài hoặc cho ốc sên chạy đua xem ốc sên của ai thắng, có ngồi cả buổi cũng không rõ kết quả ra sao, bởi vì ai cũng biết, ngoài tôi và Dân, là loài ốc này đã nổi tiếng vì sự chậm chạp, “chậm như sên”!

Vào cuối tuần bác tôi hay sang để dạy chị tôi, chị Bình, Dân và tôi học thêm tiếng Pháp và toán, bác muốn sửa soạn cho chị tôi và tôi trước khi vào trường. Lần đầu tiên trong đời học tiếng Pháp tôi có cảm tưởng đang đi vào “mê hồn trận”. Bác bắt học chia động từ avoir, j’ai, tu as, il a và động từ être, je suis, tu es, il est…..Chia ở thời hiện tại, tôi còn cố gắng để nhớ, nhưng rồi sang những thời khác thì ôi thôi sao mà cứ lẫn lộn lung tung, không sao nhớ cho được, đã thế, càng ngày càng khó vì còn bao nhiêu động từ ở nhóm thứ nhất, thứ nhì, thứ ba với cách chia khác nhau. Chị Bình và chị tôi hơn tuổi tôi và có lẽ cũng thông minh hơn tôi nên học một cách dễ dàng, Dân, sinh ra ở Hà Nội và cũng đã đến trường nên tuy lười và không bằng các chị nhưng cũng còn tạm được, chỉ có tôi, ôi thôi thật là hết thuốc chữa, chữ nghĩa không làm sao mà lọt vào đầu được vì vậy tôi luôn bị bác phạt, bị quỳ, bị nhéo tai, bị khẻ tay, mang tội lười biếng không chịu học bài. Bác đâu biết nỗi khổ của tôi, một cô bé vừa mới vượt qua bao nhiêu gian nan, đầu óc chưa yên làm sao mà nhét chữ vào cho được. Thảm hoạ chiến tranh vẫn còn đè nặng trong tâm trí của tôi, mỗi lần nghe tiếng máy bay tôi hốt hoảng tìm nơi ẩn trú, những tưởng là mình còn đang sống ở liên khu tư….Tất cả tiếng Pháp mà tôi thu thập dạo đó không ngoài hai chữ Paul và Paulo, tên của hai cậu bé, hai nhân vật chính trong cuốn sách bác dùng để dậy chúng tôi. Dạy toán, bác bắt chúng tôi phải học làu bảng cửu chương và bất cứ lúc nào gặp mặt, bác cũng hỏi bài, bất chợt và bất cứ con số nào trong bảng cửu chương, phải trả lời cho nhanh và cho đúng, bác còn bắt làm tính nhẩm, chỉ dùng toàn trí óc để tính toán.

Tôi là nạn nhân của sự giảng dạy thiếu phương pháp sư phạm của bác, thật ra đến sau này tôi mới biết, cố gắng hết sức mà chẳng làm gì được, lúc nào cũng bị mắng là lười và bị phạt nên tôi đâm ra lì lợm và từ đó chẳng còn chịu học hành gì cả. Thấy vậy bác đổi phương pháp, bác tuy không phải là nhà giáo nhưng lại là quan toà, thuở ấy bác làm chánh án toà thượng thẩm Hà Nội nên bác thưởng phạt rất công minh, học trò giỏi bác dẫn đi chơi phố, cho ăn kem, mua đồ chơi đủ loại, học trò lười như Dân thì phải ở nhà, học trò vừa dốt, vừa lười, vừa lì như tôi bác bắt vừa ở nhà, vừa bị quỳ. Tôi buồn lắm và thèm thuồng khi nhìn thấy những món đồ chơi, những con búp bê xinh đẹp mà chị Bình và chị tôi được bác thưởng nhưng làm sao mà tôi có được, thôi thì đợi bác đi khỏi tôi không quỳ nữa vì đau và mỏi gối lắm rồi, ngồi bệt xuống đất để chơi với đàn kiến, xem chúng thi nhau tha mồi về tổ hoặc nhìn mấy con thạch sùng đuổi nhau trên trần nhà, chắc lưỡi kêu tành tạch.

Ngày tháng trôi qua, tôi vẫn lì lợm và dốt vẫn hoàn dốt, cuối cùng thì bác phải chịu thua và chỉ than trời là con bé này lì quá. Sau này khi vào Nam mỗi lần gặp bác, bác đều hỏi: cháu đã bớt lì chưa.

Tôi cũng không hiểu sao tôi chỉ sợ mà không hề ghét bác, mặc dù còn bé, tự trong thâm tâm, tôi cũng cảm nhận được những ơn mà bác đã dành cho gia đình chúng tôi. Cũng từ kinh nghiệm học hành với bác mà sau này tôi không hề có thành kiến với các em học sinh học dở môn Anh Văn tôi dạy, tôi không xếp các em vào loại làm biếng, lười học, mà luôn luôn cố công tìm ra nguyên nhân trước khi buộc tội hoặc cho điểm xấu.

Vào Sài Gòn được ít năm, bác gái qua đời lúc 49 tuổi, bác bị bệnh tim và ra đi nhẹ nhàng trong giấc ngủ. Sau khi các chị Hoài đã trưởng thành, bác tôi về hưu nên trở về sống ở Huế, thỉnh thoảng bác vào Nam thăm các chị, mẹ tôi thường đưa tôi đến thăm bác và lần nào bác cũng không quên hỏi là đã hết lì chưa.

Chúng tôi luôn mang ơn và quý trọng bác, bác có lòng nhân ái bao la, lúc nào cũng tìm cách chia sẻ và giúp đỡ bà con nghèo, những người lỡ vận, kém may mắn. Tôi còn nhớ, đám hỏi của một chị Hoài, bác không đòi hỏi nhà trai gì cả, chỉ xin một số vải để chia cho bà con nghèo. Bác cấp không biết bao nhiêu học bổng, giúp đỡ cho biết bao nhiêu người có cơ hội học hành thành tài. Chị họ tôi được bác cho học bổng, bác không đòi hỏi gì hết mà chỉ yêu cầu là khi ra trường, kiếm được việc làm, nên tiếp tục để giúp đàn em mồ côi có cơ hội học hành vài năm, trước khi nghĩ đến chuyện lập gia đình. Tiếc thay người chị họ này của tôi đã không làm được việc tốt đẹp mà bác mong muốn, thật đáng buồn.

Năm 2013, mẹ tôi và chúng tôi về thăm Việt Nam, trên đường đi chúng tôi ghé đến một trung tâm sản xuất và bán các mặt hàng mỹ nghệ và trang sức. Mẹ tôi bắt chuyện với một hướng dẫn viên khi thấy anh ta nói giọng Huế, hỏi ra mới biết là người cùng làng Nguyệt Biều và anh ta cho biết anh cũng là một trong những người đã từng nhận được học bổng của bác tôi.

Bác tôi mất tại Huế, ba mẹ tôi và chúng tôi không ra Huế được để đưa tiễn bác lần cuối cùng. Tôi cũng chưa bao giờ nói với bác lời cám ơn, hôm nay ngồi viết lại những kỷ niệm thời thơ ấu khi sống cùng với hai bác và các anh chị, tôi xin đốt nén hương lòng để nhớ đến một người bác có tấm lòng nhân ái bao la, để xin lỗi bác về tính lì lợm thuở bé làm bác phải phiền lòng. Tôi tiếc là không nhớ hết bài hát “Kinh cầu nguyện ” mà ngày xưa bác ưa thích để hát tặng bác, thay cho lời cám ơn….

( còn tiếp)

       Bài và ảnh Lê-Thân Hồng-Khanh

ba chi em                                   Bốn chị em ở Hà Nội (1954)

h2Mẹ tôi đứng trước ngôi nhà của Bác tôi ngày xưa (1996 )

mẻ toiMẹ tôi và hai cháu ngoại chụp trước cửa chính của ngôi nhà số 23  Nguyễn Gia Thiều ( 1996)

 

Có 8 bình luận về TÌM VỀ KỶ NIỆM ẤU THƠ ( bài 3 )

  1. Luong Minh nói:

    Phải thành thật mà nói, tôi rất khâm phục trí nhớ của tác giả, từng chi tiếc một trong một gia đình thời tao loạn nhưng diễn đạt cho thấy gia thế trung lưu, phong cách chuẩn mực của giới trí thức ngày xưa. Đoạn mà tôi tâm đắc nhất là  đoạn cuối: ghi nhận tấm lòng nhân ái bao la của người bác, dùng bài Kinh cầu nguyện để thay cho lời cám ơn. Thiết nghĩ dù có muộn màng nhưng linh hồn của bác vẫn cười khi biết được đứa cháu lì ngày xưa giờ đã “hơn  cái  mức” nên người.

  2. Phan Lương nói:

    Tuổi thơ của cô thật là mai mắn.Cô sinh ra trong một gia đình trí thức và có người bác họ rất tuyệt vời và trên cả tuyệt vời .Thời loạn lạc mà gia đình cô đã được cả gia đình bác cưu mang thật là quí hóa vô cùng

    Những cảm xúc của cô về người bác đã có ơn với gia đình ,trong chuyến về thăm lại quê hương VN 2013 đã làm em rơi nước mắt theo cùng

    Hiếm có ai mà có được người bác họ giống như vậy

  3. truong mẫn nói:

    Rất tuyệt khi được xem có thể nói là chi tiết trong trí nhớ của cô, và nhất là trãi rộng nhân đức trong xã hội của người bác, tôi ngưỡng mộ vô cùng.

  4. Hồng Yến nói:

    Cô ơi !Cô có một trí nhớ thật tuyệt vời .Em trông chờ đến ngày thứ sáu để được nghe cô kể tiếp.

  5. vothilai nói:

    Cô ơi! tuổi thơ cô cũng vất vả,nhưng cô rất may mắn đươc lam cháu con của gia đình thượng lưu trí thức,nhất là cô được người bác thật tuyệt vời,bác có một tấm lòng tốt bao la thương yêu người thân và con cháu,cùng những người chung nòi giống. B ài cô viết thật cảm động,nhất là tình cảm cô dành cho người Bác,em mong chờ cô bài viết tiếp.

  6. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Em thích ảnh 4 chị em quá. ” Bé ” nào cũng dễ thương. “Bé” thứ 2 từ phải qua là Cô phải không Cô? Thương quá!

    Chúng em chờ đọc tiếp, thứ sáu đợi mong.

  7. Thưa anh Trương Mẫn,

    Cùng các em thương mến,

    Cám ơn anh Trương Mẫn, các em cũng như tất cả các bạn đọc đã theo dõi những đoạn hồi kỷ nhỏ về tuổi thơ, mong là đoạn hồi ký sắp tới về Hà Nội dưới cặp mắt của cô bé bảy tuổi ( Hạnh đoán đúng người trong hình ) sẽ cho mọi người thấy chút nào hình ảnh của Hà Nội của một thời xa xưa ( 1953-1954 )

  8. nguyễn thị đức tính nói:

    Cô kính yêu, thời gian trước em hay bị nhức đầu nên không đọc những bài dài được, dù thấy phần chuyện kể tiếp theo của cô, em rất nôn nao. Hôm nay đầu óc tạm ổn, em đọc mê mải . Câu truyện cô kể thật lôi cuốn, ngoài một trí nhớ quá ” siêu” của một cô bé 6,7 tuổi thì giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế lẫn duyên dáng theo kiểu Tự lực văn đoàn ngày xưa…em rất yêu thích. Qua truyện kể , em còn biết thêm phần nào về nếp sống của giai cấp trí thức trung lưu Hà nội thời ấy, thật thú vị. Người Bác quả là một bậc quân tử khí khái, giàu lòng nhân ái đáng tôn kính và ngưỡng mộ vô cùng. Mà em cũng ” bất ngờ” vì cô HồngKhanh rất dịu dàng, khả ái của em thuở nhỏ lại là cô bé lì đáng yêu như thế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác