TÌM VỀ KỶ NIỆM ẤU THƠ ( bài 1 )

Ngày đăng: 9/07/2015 11:20:49 Chiều/ ý kiến phản hồi (15)

Tôi có một cô bạn gái, Paula, người Hoà Lan nhưng sinh sống và làm việc mấy chục năm nay ở nước Đức. Paula là bác sỹ chuyên môn về thần kinh và cũng là bác sỹ tâm lý, trong một bữa tiệc họp mặt, một người hỏi Paula là làm sao mà định được bệnh của những người mắc phải vấn đề tâm lý. Paula đã trả lời rằng, phần lớn phải dựa vào những gì mà người bệnh đã trải qua trong thời thơ ấu và niên thiếu để có thể có một số dữ kiện về căn bệnh của họ. Câu nói của Paula đã làm cho tôi suy nghĩ thật nhiều, nếu những điều kể trên không gây ra những vấn đề rối loạn về tâm thần thì cũng là một trong những nét chính để tạo nên cuộc sống nội tâm của mỗi người, vì vậy mặc dầu tâm thần của mình không có dấu hiệu gì bất ổn trầm trọng, tôi cũng bắt đầu đi ngược lại thời gian để tìm lại thuở xa xưa của mình. Phải chăng đó cũng là một phương cách để ” tôi tự tìm tôi “…..!

Có thể nói, thời thơ ấu của tôi là sự trộn lẫn giữa hai thái cực, khoảng thời gian thật thần tiên, hiền hoà lẫn với những biến cố thời cuộc hãi hùng mà tôi phải chứng kiến và phải trải qua trong lứa tuổi còn quá non nớt.

Những năm đầu đời sống trong vòng tay bao bọc, che chở  của cha mẹ, của ông bà nội cứ êm đềm trôi qua trong khung cảnh của miền quê yên bình không hề vẫn đục trong tâm trí của một cô bé vừa tròn năm tuổi đời….

HỒI KÝ TUỔI THƠ – Ở THANH-HOÁ

Cuộc sống cứ tưởng như thế mãi, cho đến một ngày tôi phải bỏ lại sau lưng ” thiên đường tuổi thơ ” của tôi để bước vào một giai đoạn đầy sóng gió. Thuở đó tôi không hiểu tại sao gia đình tôi gồm có cha, mẹ, chị tôi, tôi và em tôi cùng với cô Lại và chị Cháu, hai người giúp việc, lại phải rời xa ngôi nhà thân thương của ông bà để di chuyển đến một ngôi làng nhỏ, hoàn toàn xa lạ. Tôi hốt hoảng, khóc oà lên, nhất định không chịu bước vào căn nhà tranh mà mái nhà được lợp bằng hai loại rơm mới, cũ. Có lẽ mái bị dột nên ông Mật, chủ nhà, trước khi cho ba mẹ tôi thuê đã lợp lại những nơi hư hỏng, nên dưới mắt của cô bé, mái nhà hai mầu trông chẳng khác gì manh áo vá mà các nông dân thường mặc khi ra đồng làm ruộng. ” Không, không, con không ở nhà vá  đâu..”, câu nói này, cho đến nay mẹ tôi vẫn thường nhắc lại, nhưng rồi dù muốn, dù không, căn nhà nhỏ ấy cũng là nơi tạm trú của gia đình tôi một thời gian và cũng trở thành một phần kỷ niệm trong tôi.

Nhà tranh, vách đất nhưng rộng rãi và thoáng, trước nhà có sân rộng và hàng cau thẳng tắp. Những đêm trăng sáng, bóng cau chiếu dài, ba mẹ tôi trải chiếu ngoài sân và cả gia đình ngồi ngắm trăng cho đến khuya, tôi thường ngủ thiếp đi trong vòng tay êm ấm của ba mẹ, trong mùi hương cau thoảng nhẹ, trong tiếng dế, tiếng kêu của cóc, nhái, ểnh ương như bản nhạc hoà tấu dân dã đưa tôi vào giấc ngủ say.

Thanh Huy, ngôi làng nhỏ, nơi tạm trú của gia đình tôi từ từ trở nên thân thuộc, đã mài dũa thị giác và nhất là thính giác của tôi, hương cau thoang thoảng, hương hoa bưởi, hương hoa dẻ ngào ngạt và biết bao nhiêu hương của các loài hoa khác mà cho đến nay vẫn còn đọng đầy trong tôi, làm sao tôi có thể quên được những mùi thơm nồng đậm của quê hương.

… ……………………………………………..

Hoa bưởi, hoa ngâu, hoa thiên lý,

Ngõ mơ, ngõ mận, ngõ trúc đào,

Cành trúc, cành đa, nhành mai trắng,

Ôi hiền hoà, ôi mộc mạc làm sao,

Tìm đâu được những hương hoa ngày cũ,

Hoạ chăng là trong một thoáng chiêm bao.

(Hương xưa, LTHK)

 

Tôi thường thơ thẩn ngoài vườn, nhìn cây mít trĩu trái tới tận gốc nhưng ít khi được thưởng thức vì mít chín thuộc về chủ nhà, nhìn cây đu đủ đầy trái và hay được ăn, hoặc là canh đu đủ xanh hầm sườn hoặc là đu đủ chín để tráng miệng nhưng tôi thích nhất là đu đủ ương ương, vừa ngọt vừa dòn, nhìn những đám sương sông, lá lốt sau hè mà chị Cháu hay hái để nấu canh với tôm khô. Con đường ra ngõ, bên cạnh bờ mương, bụi bân mọc đầy và lúc nào hoa đỏ cũng nở rộ thật đẹp mắt. Các chú bướm đủ màu bay lượn trên đám hoa,  tôi chỉ đứng ngắm từ xa và không dám lại gần vì chị Cháu và cô Lại đã dặn dò, đừng hái hoa bân, hoa có nhiều mủ, dính vào tay, dụi vào mắt là mù, thêm vào đó những con sâu róm khổng lồ, đủ mầu, có lông lá dài nhìn phát sợ, chị Cháu và cô Lại cũng dặn, hãy mà đụng vào mấy con sâu này thì sẽ bị ngứa và gãi chảy máu, thối thịt, thôi thì,  “kính nhi viễn chi” cho yên bụng. Sau này lớn một hơn một chút tôi mới biết là bươm bướm rất thích đẻ trứng ở các bụi hoa bân và các con sâu róm đủ màu kia mai mốt sẽ hoá xác để trở thành các nàng bướm xinh đẹp.

Gia đình tôi sống ẩn dật ở Thanh Huy một thời gian, tôi cũng không hiểu kéo dài bao lâu, chỉ biết là khi tôi bắt đầu quen với cuộc sống ở đây thì biến cố thời cuộc đã làm thay đổi lần nữa cuộc sống bình dị mà tôi đang có, đã bắt cô bé năm tuổi thơ dại nhập môn, để biết thế nào là mùi vị của chiến tranh. Khoảng thời gian đó máy bay của Pháp bắn phá và bỏ bom khắp nơi ở liên khu tư và cũng không từ ngôi làng bé nhỏ, hẻo lánh mà tôi đang ở.

Ba mẹ tôi lo cho tính mạng của các con nên cứ mỗi buổi sáng, chúng tôi được anh Thanh, tôi cũng không nhớ là anh Thanh có liên hệ bà con gì với mình hay không, và cô Lại đem theo cơm nắm cùng thức ăn và dẫn chúng tôi đi trốn máy bay ở vùng sông đào, đến chiều anh lại dẫn chúng tôi về. Đường từ nhà đến sông đào đối với tôi dạo đó thật xa nhưng cũng là một cuộc phiêu lưu đáng nhớ, với bước chân sáo tôi ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên, quan sát từng bụi cây, bờ cỏ, lắng nghe tiếng hót của các loài chim, chim chào mào, nhất là chim chìa vôi, có một vệt trắng ở giữa đám lông đuôi dài. Tôi hít thở không khí trong lành lẫn mùi hương hoa dẻ, mọc đầy hai bên đường thành từng bụi không cao lắm nên chị em tôi lúc trở về có thể với hái những bông hoa đã chín vàng đem về tặng mẹ. Mẹ tôi dùng dây mỏng để kết thành một chuỗi dài và treo trong nhà, căn phòng luôn đầy mùi hương hoa của một thời thơ ấu.

Hoa dẻ, tên hoa mộc mạc nhưng mùi hương thì thật là kỳ diệu, sau này tôi mới biết hoa dẻ còn có một cái tên thật đẹp, đó là hoa Hoàng Lan ( Ylang Ylang ) mà các học sinh cũ của tôi ở Vĩnh Long còn gọi là hoa nước bông, quả ra tên này cũng đúng vì tinh dầu của hoa Hoàng Lan đã là một trong những tinh chất được dùng để chế biến nước hoa, trong đó có một lọai nước hoa nổi tiếng của Yves Saint Laurent.

Ba mẹ tôi cất một cái chòi nhỏ ở gần bờ sông đào, sông có tên như vậy vì không phải là giòng sông thiên nhiên mà do con người tạo ra, để chúng tôi có chỗ tạm trú.
Muốn tắm mát thì lên ngọn sông đào,
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh.
( Thơ ca dân gian )

Anh Thanh dạy chúng tôi học và chúng tôi không thích anh một chút nào cả vì anh hay la mắng và khẻ tay chúng tôi khi chúng tôi không chịu chú ý vào bài vở. Làm sao mà chú ý cho được khi bên ngoài có bao nhiêu thứ cám dỗ, nào là chạy nhảy, nô đùa, hái sim chín ăn đến thâm cả môi, bắt dế, đuổi cào cào, châu chấu. Những con châu chấu to tròn, béo mọng được cô Lại nướng thơm lừng trên lửa nhưng phải giấu anh Thanh vì anh sợ khói bay lên cao, máy bay bỏ bom của Pháp sẽ để ý. Những con cào cào thì không ăn được nên chúng tôi bắt để chơi, bị túm hai càng to, cào cào vùng vẫy giống như người đang giã gạo, nhún tới, nhún lui, chúng tôi cười vang và cùng hát :

Cào cào giã gạo bà xem,

Bà may, áo đỏ, quần đen cho mày.

( Thơ ca dân gian )

Nhiều khi đang chơi vui vẻ, nghe thấy tiếng máy bay từ xa, anh Thanh và cô Lại bắt chúng tôi phải trở về lều và phải ngồi lặng thinh cho đến khi không còn nghe tiếng máy bay nữa. Chuyện gì rồi cũng sẽ quen dần, nhất là đối với lứa tuổi non nớt như chúng tôi thì lại càng dễ thích ứng, nỗi nhớ ông bà nội, nhớ căn nhà rộng rãi, khang trang cũng từ từ phai nhạt, chị em chúng tôi quen dần với cuộc sống khiêm nhường, gần gũi với thiên nhiên, với sự mộc mạc của dân làng, đôi khi bị sáo động vì thời cuộc, chiến tranh. Có thể nói, thời gian ở Thanh Huy đã làm cho tình yêu thiên nhiên và quê hương, đồng ruộng của tôi nở hoa, đã để lại trong tâm trí của một cô bé năm tuổi, nhậy cảm, biết bao nhiêu là lưu luyến. Tôi được may mắn là ngày nay vẫn còn mẹ, mẹ tôi rất minh mẫn nên đã giải đáp cho tôi mọi thắc mắc về những kỷ niệm xa xưa. Mới đây theo lời của mẹ tôi, lý do gia đình phải rời bỏ quê nội ở Bái Đa để về tạm trú tại Thanh Huy là vì thuở ấy ba tôi bị tình nghi hoạt động chính trị nên bị giam giữ một thời gian, sau khi được ông bà nội lo cho thoát khỏi tù tội, ba mẹ tôi vì thế phải đi xa lánh nạn, sống khiêm nhường để không bị chú ý tới. Chọn Thanh Huy vì nơi này ngay cạnh làng Trường Xuân, nơi ông ngoại tôi có một số ruộng đất mà ông đã tậu được trong thời gian ông làm quan ở Thanh Hoá, ba mẹ nhờ đó có thêm huê lợi để sinh sống và nuôi con.

Cây muốn lặng mà gió chẳng đặng đừng, thời cuộc đã tạo ra những biến cố để tiểu gia đình của chúng tôi tiếp tục trở thành những người dân du mục ngoài ý muốn……

( còn tiếp)

Lê-Thân Hồng-Khanh (2015)

unnamedHình : ba chị em cô Hồng Khanh, một người anh con cô ( anh Trúc ) anh và chị của Vân Hà, chụp tại sân nhà  ở làng Trường Xuân,

Có 15 bình luận về TÌM VỀ KỶ NIỆM ẤU THƠ ( bài 1 )

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Chúc  cho sức khoẻ của cô ngày một tốt hơn. Cô còn nhớ rõ những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu, lại diễm phúc hơn một số tụi em, là cô còn mẹ, để hỏi và được giải thích những gì mà tuổi thơ không hiểu nổi. Đọc bài  của cô, trong lòng em có nhiều kỷ niệm đan xen trong ký ức, vui bồn lẫn lộn, không sao diễn tả hết được. Hôm nay, em đang ở chơi nhà con gái ở Vĩnh Long. Ngồi buồn, lên trang nhà, tình cờ đọc bài viết của cô, mong sẽ sớm đọc phần tiếp theo của bài viết nầy. Em Lần.

  2. vothilai nói:

    Cô kính yêu ! cô được thừa hưởng từ Bà nên có trí nhớ rất tốt,mới 5 tuổi mà tới bây giờ cô còn nhớ từng chi tiết nhỏ .Bài cô viết cô thật hây,nó gợi lại trong trí nhớ tuổi thơ của mỗi người chúng ta ít nhiều kỷ niệm vui buồn. Những tấm hình trông rất dễ thương, thật hiếm hoi, cô còn giữ được đến bây giờ. Em chúc cô luôn vui khỏe và tiếp tục viết  phần 2 ,em chào cô.

  3. nguyễn thị đức tính nói:

    Cô thân yêu ơi, cô kể chuyện thật hay và đầy cảm xúc. Em đọc mê mải như trôi theo dòng hồi ức của cô. Lúc ấy cô mới 5,6 tuổi. mà đã nhớ được rõ ràng tường tận nhiều điều. Em rất mong được nghe cô kể thêm mãi về thời thơ ấu đầy biến động mà cũng vô cùng thú vị trong màu săc thiên nhiên thơ mộng của những miền quê cô đi qua.

  4. PhươngNga nói:

    Cô Hồng Khanh kính yêu

    Em đọc bài viết của cô ba lần. Sau đó nhắm mắt lại để mường tượng miền quê của cô.  Tuy chưa hề biết nơi nầy, nhưng qua cách diễn đạt dạt dào tình cảm về quê hương của cô, em như “thấy được” nơi cô sinh ra và lớn lên. Rất mong phần kế tiếp của cô!

    • DIEP NGUYEN nói:

      Hồng Khanh thân mến,

      Đọc xong phần 1 cuả bài “Tìm về kỷ niệm ấu thơ” cuả Em, cảm nhận đầu tiên cuả Cô là Em viết

      rất hay. Phục tài Em lắm. Hồi tưởng thời thơ ấu, Em vẫn nhớ như in những đổi dời trong cuộc sống

      cuả cô bé tròn 5 tuổi. Em viết rất thật. Hồi ức ghi lại là những hình ảnh thật đẹp, thật dễ thương

      với hàng cây, bụi cỏ, cánh bướm và hương hoa đồng nội. Cả những đêm trăng sáng cùng gia đình

      trải chiếu ngắm bóng hàng cau trải dài.. Cảnh rất đẹp đã đưa cô bé 5 tuổi chìm vào giấc điệp…

      Cuộc sống yên bình hay có lúc phải chạy trốn máy bay ở làng Thanh Huy vẫn còn đậm nét cho đến

      bây giờ. Những hình ảnh , những cuộc vui mà Em ghi nhớ rất đẹp, rất nên thơ  cho nên khi đọc,

      Cô cảm nhận chất thơ bàng bạc…. Chuyện ngày xưa còn bé thật dễ mến. Cô chờ đọc phần tiếp theo.

      Cô NĐ

  5. Thưa cô,

    Em cám ơn cô đã có lời khen và khuyến khích, em có cảm giác giống như ngày xưa em nhận lại

    được bài kiểm về luận văn và bình giảng của cô với lời phê tốt và điểm cao. Em mong là cô sẽ không thất vọng vì những bài viết kế tiếp của em.

  6. Phan Lương nói:

    Trong mỗi con người ,mỗi một cuộc đời ,ai cũng trãi qua một thời thơ ấu .Thời thơ ấu đó ,có người được sống trong đủ đầy hạnhphúc của cha và mẹ.Nhưng cũng có người từ lúc mới sinh ra đã bị tước mất niềm hạnh phúc vô giá đó

    Thời thơ ấu của côHồng Khanh thật đẹp và thật hạnh phúc và cũng không phải ai cũng có thể biết được về thời thơ ấu của mình hay đến vậy ,

    Mong cô viết ttiếp phần 2 nhanh lên nhe

  7. Viết văn, làm thơ mà có người đọc là một điều vui, người đọc lại cảm thông được ý từ của người viết thì niềm vui lại càng lớn hơn nữa. Các em đã đồng cảm và tặng cho cô niềm vui quý báu đó nên cô gởi lời cám ơn các em Cả Lần, Võ thị Lài, Đức Tính, Phương Nga, Phan Lương……hy vọng các em đọc tiếp các đoạn hồi ký tuổi thơ của cô sẽ được đăng vào thứ sáu mỗi tuần. Gởi lời thăm tất cả các em và gia đình, chúc các em vui và tiếp tục sáng tác để đóng góp cho trang nhà.

    Cô Hồng -Khanh

  8. Lyhuong nói:

    Cô kính yêu, Em đã đọc bài của Cô nhiều lần ,dù trong lúc gian nan ,khó khăn nhất nhưng lời Cô kể vẫn nhẹ nhàng ,trong sáng, làm  cho những nơi Cô đã đến thật sự là  chốn bình yên.Cô hãy viết tiếp Cô nhé,em kính chúc Thầy ,Cô được nhiều sức khoẻ.Thương kính.

  9. Như Thuỳ nói:

    Cô ơi ! Cám ơn cô đã đưa tụi em về “tuổi thần tiên” của ấu thơ cô bằng giọng văn trong sáng nhẹ nhàng rất chi là Tự Lực văn đoàn mà tụi em hằng ngưỡng mộ . Tụi em rất mong chờ để được tưởng tượng tiếp về những thời kỳ “xanh”, ” hồng”, “xám” …. ( hi!hi! ) sau đó của cô , cô kính yêu !

  10. Neang Phi Rom nói:

    Cô Hồng Khanh kính mến! Đến hôm nay em mới nghiền ngẫm được bài viết của cô, càng đọc càng thấy hay, hơn cả một nhà văn chuyên nghiệp cô ơi! em cũng chờ đọc bài tiếp theo của cô. Kính chúc cô dồi dào sức khỏe.

  11. truong mẫn nói:

    Đa dạng sắc màu, từ hoàn cảnh bên ngoài đến đa dạng uyển chuyển tâm tình bên trong, đan xem nhau làm lay động lòng người xem. Cám ơn cô chia sẻ mong được xem tiếp lắm.

  12. Kiều Oanh nói:

    Cô  ơi.  Có  lẽ  em may mắn  hơn Cô nên  đã  có  một  tuổi  thơ thật  yên bình bên  gia đình . Nhưng có  lẽ   điều  đó  khiến  em không  có  được  những  cảm xúc với  thiên  nhiên cũng  như  những  kỷ  niệm  đáng  nhớ  cho một  cô  bé  ở  tuổi  lên  5. Đọc  bài  viết  của  cô  em rất  thích và  ước  gì  mình  cũng  có  một  tuổi  thơ  đáng  nhớ  với  nhiều  sự  kiện  xảy  ra như  thế. Em cảm  phục  cô  đã  nhớ  và  viết  lại  cho chúng  em biết  về  thời  thơ  ấu  và  những  sự  kiện  cô  đã  trải qua. Em chờ  được  đọc  thêm  về hồi  ức  và  những  kỷ niệm  của  Cô. Kính  Cô  luôn  mạnh  khỏe.

  13. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Sắp thứ sáu rồi, nhà văn Hồng Khanh nhanh nhanh đăng bài đi ạ, độc giả chờ dài cả cổ đây thôi!

  14. Thưa anh Trương Mẫn,

    Cùng các em Lý Hương, Như Thuỳ, Phi Rom, Kiều Oanh và Hạnh,

    Rất mong anh Trương Mẫn cùng các em sẽ tiếp tục đọc đoạn văn kế tiếp vào ngày thứ sáu này.Gởi lời thăm anh Trương Mẫn , các em cùng toàn thể gia đình.

Trả lời Nguyễn Thị Hạnh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác