Ngàn năm vẫn chờ (phần cuối)

Ngày đăng: 13/09/2014 04:02:57 Chiều/ ý kiến phản hồi (14)

Chú Hai Phó qua đời chưa giáp năm. Với số tiền tử tuất của người lính địa phương chết vì tai nạn, kỷ niệm vật chất cuối cùng đó không giúp cho việc trang trải đời sống một mẹ hai con dài lâu. Thím Hai phải trả nhà trong chợ xã, dọn về tá túc nhà ba ruột. Bà con Xóm Đáy lại một phen dang tay đùm bọc gia đình mẹ góa con côi. Thằng Tâm học chưa hết lớp Nhất bỗng nghĩ ngang, con An một mình đi bộ hơn cây số đến trường. Hằng ngày thím Hai Phó và thằng Tâm xuống bến lựa cá tép cho những ghe cào ghe đáy, kiếm cá tép vụn và chút tiền công đắp đổi cho một nhà bốn miệng ăn.
Thân già cảm thương số phận thằng con rể, phần thì lo cho con gái và mấy đứa cháu mồ côi, sức khoẻ ông Tư Câu sút giảm thấy rõ. Ông không còn một thân một chiếc đêm đêm thả lưới giăng câu bắt cá chẽm, cá cháy ngoài sông cái như mới ngày nào. Thím Hai Phó nhọc nhằn tần tảo, con nước nào không có cá tôm, thím làm thêm việc vá lưới cước nylon, công việc mà thím quen tay thuở còn con gái.
Thím Hai Phó dọ hỏi ghe cào nào bắt cá tươi ngon, thím dành phần rồi sai thằng Tâm chạy xe đạp đem vô cho má Minh. Lần nào bà Phát cũng trả tiền hậu hĩ, đôi khi tặng thêm một ít đường đậu hoặc hoặc trà lá thuốc hút cho ông Tư. Hai đứa bạn phía xóm Đáy cũng thường gởi kèm theo một xâu tôm đất, món tôm nướng than mà Minh thích nhất. Không biết tại vì mùi vị thơm lừng của những con tôm đen trùi trụi lò rèn bằng ngón tay cái, vỏ hóa đỏ tươi trong bếp lửa than buổi chiều nhà Minh. Hoặc ngon vì là những con tôm nầy do chính tay con An lựa những con tươi sống, rồi dùng cọng sóng lá dừa được vuốt mịn màng cẩn thận xuyên qua thân tôm. Phía chót đuôi cọng dừa còn giữ lại chút thân lá, khéo léo thắt chiếc nơ hình đuôi cá, không phải để làm duyên mà có công dụng giữ những con tôm hay cá bóng trứng không vuột mất. Nhiều lúc thằng Tâm cằn nhằn con An, mầy sợ tụi tôm nó đau mình hay sao mà cứ ở đó chuốt láng cọng lá dừa mãi miết.
Năm đó, Minh và An cùng thi đậu Đệ Thất. Trong khi ông bà Phát sửa soạn chuyển trường cho Minh đến Cần Thơ trọ học thì thím Hai Phó không có cách nào gởi con An lên tỉnh Sóc Trăng để tiếp theo bước đường trung học.
Suốt mấy năm đi học trên tỉnh, mỗi tháng Minh về thăm ba má một lần. Chỉ trừ lúc bận việc tại nhà, Minh dành nhiều thời gian đến chơi nhà thằng Tâm ngoài Xóm Đáy. Có khi ăn uống cả ngày với gia đình thím Hai Phó, đến tối Minh mới chịu lên chiếc xe đạp sườn nhôm chạy mò mẩm về nhà.
Thím Hai Phó biết tình ý của con gái bà và Minh ngay từ khi tình yêu của hai đứa bắt đầu nảy nở. Thím cầu mong và van vái với người chồng quá cố hằng đêm, xin ông sống khôn chết thiêng hộ trì mọi việc suôn sẻ để thím có được thằng con rể dễ thương mà thím biết nó từ khi còn tấm bé.

phoi luoi
Nguồn ảnh: Internet

Âm thanh của 11 tiếng gõ ngân nga từ chiếc đồng hồ kéo Minh về thực tại. Chờ lâu quá không thấy ba trở về mà căn nhà càng về trưa càng nóng, Minh máng chiếc túi trên hàng móc áo để cho ba biết mình đã về,  dẫn chiếc xe đạp ra và khép hờ cửa. Minh chạy ra chợ chào má và nói ý định đến thăm thằng Tâm. Má Minh gói một bọc bánh mứt thật to, gởi biếu thiếm Hai Phó cúng rước ông bà.
Minh đến nhà ông Tư Câu vừa đúng giữa trưa, căn nhà lẽ loi nằm cạnh đám cây bần cao to dầy đặc chạy dọc theo bờ sông cái. Con Mực chạy ra vẫy đuôi mừng người bạn thân.
– Mực ở nhà với ai.
– Anh Minh về ăn tết sớm hé.
– Thím Hai có nhà không An, má anh gởi ít quà tặng gia đình em cúng tết.
Bước vào nhà, Minh cảm thấy vô cùng mát mẻ, chợt nhớ mấy chục miếng tôle nhôm lạnh mà Minh xin tiền Cậu mợ ở Cần Thơ mua tặng Thím Hai mấy tháng trước. Thấy Minh ngước nhìn mái nhà còn lấp lánh ánh nhôm, con An chế diễu :
– Học trò tú tài mà dỡ ẹc, tính toán làm sao mà thiếu mấy miếng.
Nhìn chỗ nóc trên vùng góc bếp còn lợp bằng những tấm lá chằm, Minh thấy hơi quê.
– Anh quên tính trừ hao những chỗ gác mối và phần xóc nóc. Để qua tết anh chở về phần còn thiếu rồi cùng anh Tâm dỡ bỏ chỗ lá chằm, rồi lợp kín trọn bộ.

– Ủa, biết gọi anh Tâm hồi nào vậy ta.

– Ảnh là anh của Thanh An, phải tập gọi bằng anh cho quen miệng.

Mùa hè năm đó nhà ông bà Hai Phát có tiệc bất thường, bà con và lối xóm được mời đến chung vui với gia đình hạnh phúc có thằng con vừa đậu tú tài I còn nóng hổi. Đa số khách mời hôm đó, người ta chú ý nhiều đến đứa con gái hiền thục xinh đẹp cúc côi. Ai cũng đinh ninh, không lâu nữa Thanh An sẽ là cô dâu nhà nầy.
Dù chưa ai nói điều gì, nhưng ông bà Hai Phát biết con trai ông và  An yêu nhau sâu đậm, nên ông bà hứa với Minh: “Con ráng có chút công danh, ba má sẽ tổ chức hỏi cưới con An long trọng”.
Dù Minh cố ráng nhưng sức người có hạn, Minh thi rớt hai khóa tú tài II. Không giống một số bạn bè cùng cảnh ngộ, họ nhảy vào những chỗ ngành nghề chuyên môn trung cấp như y tế và giáo dục để tìm cái chứng chỉ tạm hoản dịch. Minh bị đưa vào Trường Bộ Binh Thủ Đức mà Thanh An cũng vui lòng chia tay, họ hẹn nhau hai năm nữa sẽ làm lễ cưới.
ghe tren  song

Nguồn ảnh: Internet                                      Dòng đời vô định không trôi xuôi theo ý đôi bạn tâm đầu. Tình hình chiến sự sôi động ngăn cách họ càng lúc càng xa. Cho đến lúc Minh ở tù, cách một vài tháng thì má Minh và Thanh An hoặc cùng đi chung hoặc thay phiên nhau thăm nuôi đều đặn. Chừng ba năm sau, nhiều lần nhìn tấm phiếu thăm nuôi chỉ đơn độc tên mỗi má mình. Minh van nài má mình cho biết tình trạng của Thanh An.

Nhìn gương mặt hốc hác chỉ có đôi mắt còn chút tinh anh đang thiết tha cầu khẩn ở mẹ mình một ân huệ gì đó. Má Minh nghẹn ngào qua làn nước mắt:
– Cách nay mấy tháng, ông Tư Câu  bạo bịnh rồi mất. Sau ma chay ít lâu, có người cho má hay, gia đình thím Hai Phó dỡ nhà đi đâu. Má hoảng hồn chạy ra xem, thấy căn nhà chỉ còn một ít kèo cột bị ngã rạp một bên. Cả xóm trả lời giống nhau, gia đình thím Hai Phó dọn xuống Cà Mau tìm sinh kế.
Minh chịu đựng thêm hai năm tù tội và đeo mang nỗi bồn chồn lo lắng cho Thanh An. Ngày nọ, Minh cầm tờ giấy ra trại hối hả về nhà. Chiều đó quá trể, Minh ráng dỗ giấc qua đêm, sáng sớm hôm sau anh ta chạy ra Xóm Đáy.
Có người bùi ngùi cho Minh biết trước đây hai năm, trận lụt kinh hoàng 1978 cuốn trôi phần lớn hoa màu nhà cửa và cướp đi nhiều mạng sống dân cư nhiều tỉnh đồng bằng sông Cữu Long. Từ đó phát sinh dòng từ người các tỉnh phía nầy, trên đủ cở xuồng ghe lớn nhỏ chèo chống đổ xô về Cà Mau và Bạc Liêu trù phú bao la đang dư thừa gạo thóc, cá tôm, gia súc. Ngay cả những gia đình không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng vì cuộc sống khó khăn nên cũng cuốn hút theo dòng kinh tế đó.

Minh tìm đến Chợ Ngã Bảy, Phụng Hiệp, một trong những cửa ngỏ đầu tiên của đoàn người di dân trước khi men theo con kinh xáng đổ xuống Ngã Năm huyện Phước Long và lan tỏa vào vùng sông rạch mênh mông chằng chịt. Những năm đó, hàng ngàn người chèo qua lại mỗi ngày ngang bến sông nầy. Làm sao người ta nhớ được chiếc ghe tam bản nào và đi đến đâu là của thím Hai Phó, thằng Tâm, con An, và con chó lông đen tuyền tên Mực.

Gần năm trời không quản gian lao, Minh được ba má giúp cụ bị tiền bạc thuốc men để lùng sục các nơi có tin người miệt trên mới xuống cắm dùi lập nghiệp. Các địa danh xa xôi mà Minh dẫm qua dù chỉ được biết lần đầu như: Trang Bằng, Cán Gáo, Chắc Băng, Cạnh Đền, Đầm Dơi, Năm Căn, Cái Nước, Thới Bình, Trèm Trẹm, Đá Bạc, Hải Yến cho đến vùng đất liền cheo leo tận cùng mà con người còn sinh sống. Dân cư những địa phương đó chắc hẳn không quên chàng thanh niên mặt già trước tuổi, ân cần nhờ họ giữ những tờ giấy nhắn tin viết trên giấy tập. Lời trong thơ chân tình thống thiết khiến gỗ đá cũng lung lay.

Minh lặn lội theo bóng chim tăm cá trong đau buồn tuyệt vọng. Những ngày về Đại Ngãi nghĩ ngơi và chờ tiền bạc, thay vì quây quần bên cha mẹ như thời còn đi học, Minh thẩn thờ ra chốn cũ bên bờ sông Cái. Căn nhà của hai người bạn thân chỉ còn một đống lùm lùm bị giây leo che phủ. Sân trước nhà bị cỏ dại mọc đầy, chỉ có Minh mới biết chỗ có các lóng bần to, được ông Tư Câu dùng như ghế đôn cho mọi người ngồi hóng mát. Một thời vui vẻ thụ hưởng tình cảm gia đình, tình bạn bè dưới những cơn gió trong lành từ sông rộng. Cũng là nơi mà nhiều đêm Minh và Thanh An ngồi bên nhau cho đến sương khuya thấm lạnh.

nha co

Nguồn ảnh: Internet

Những buổi sáng giáp tết 1982, tiết trời hơi lành lạnh. Ba má Minh khoát thêm áo dầy, bận rộn chuẩn bị đám cưới cho thằng con. Tổ tiên trên cao như đang nghiêm khắc, như đang hài lòng nhìn xuống đứa cháu vừa tròn ba mươi tuổi. Vẫn công việc thường lệ là lau chùi quét dọn gian phòng thờ và bàn khách trước những ngày đám tiệc. Nhưng lần nầy tâm trí Minh không còn hân hoan nhớ đến tiền nhân. Hồn anh bay bổng theo hai câu ca dao trong lá thơ cuối cùng của Thanh An, kỷ vật chứa đầy ắp tình yêu phải mất hơn tháng trời mới đến được đại đội của Minh trú đóng tại một tiền đồn heo hút ngoài Trung bảy năm về trước.
“Sông dài cá lội bặt tăm
Phải duyên chồng vợ ngàn năm vẫn chờ”

Thanh An! Kiếp nầy mình không thể trọn. Nhưng tụi mình cũng còn chín trăm năm hẹn ước.
Em nhớ, mình sẽ cùng đầu thai vào Xóm Đáy, để khỏi lạc nhau lần nữa, An ơi…

Một Lúa

 

Có 14 bình luận về Ngàn năm vẫn chờ (phần cuối)

  1. Phan Lương nói:

    Một câu chuyện tình thật cảm động. Tuy không phải là thiên trường địa cửu nhưng cũng có thể gọi là khắc cốt ghi tâm .Thế mà hoàn cảnh thật trớ trêu , nở để hai người lạc mất nhau .hic hic thật là cảm động quá đi anh Một Lúa ơi

    .Năm 78 nước lũ tràn về , ngập lụt ,mù màng thất bát .Năm đó em vừa học lớp 10 .Cả nhà ăn bo bo thay cơm nửa đó.Nhớ lại cảnh khổ đó còn rùn mình luôn

    • Một Lúa nói:

      Chào Phan Lương,

      Lúa tui muốn họ sum vầy gia thất, nhưng Minh và An có duyên không phận. Cũng buồn thiệt.

      Lúa Ấp 5

       

  2. Nguyen Thi Hanh nói:

    Nếu như ở phần 1 , tác giả kể chậm rãi theo giọng văn cũ , thì ở phần 2 , tác giả lướt nhanh hơn một số chi tiết , đoạn mạch .

    Tôi đã đoán được : sẽ có gì đó giữa Minh và An và sẽ có trục trặc giữa họ , từ tựa truyện “Ngàn năm vẫn chờ”.

    Tôi vẫn thích những bài viết ngắn của tác giả Một Lúa hơn. Khỏi phải chờ đọc , với lại già cả , mắt mũi ai cũng kèm nhèm.

    • Một Lúa nói:

      Chị Hạnh ơi!

      Đáng lẽ bài viết không có tựa như vậy, nhưng hỗm rày lúa nghe  loáng thoáng có ai chờ đợi trăm năm. Lúa liếng khỉ nói thách ngàn năm, do đó bể bạc hết trơn.

      Lúa

  3. Hoành châu nói:

    ÔI, tình chỉ đẹp,,, mới là tình , còn hôn nhân  cũng là tình giết chết tình  ,, chắc là tình nghĩa . ,Đoạn cuối hết ham rồi , anh Một Lúa  ơi !

    • Một Lúa nói:

      Chào Hoành Châu,

      Có người trách gia đình thím Hai Phó không một lần trở lại Đại Ngãi. Vụ nầy tui phải hỏi người nhiều kinh nghiệm đời,  chẳng hạn như anh PT* mới được.

      Lúa

  4. Nguyễn Văn Lần nói:

    Bạn già Một Lúa ui ! Làm như muốn đầu thai ở kiếp sau, muốn về đâu thì về à ? Còn phải hỏi lại ông quan gì… đó giữ sổ sách ở miệt dưới, không chừng phải tốn một mớ tiền ( vàng bạc ở trên mình ) bộn bộn chứ chẳng phải chơi ! Biết đâu ông quan ở dưới cho 1 người đầu thai ở Angola, 1 người đầu thai ở Áp-ga- nix- tan hỏng chừng !

    • Một Lúa nói:

      Anh Cả ui,

      Anh có nghe “Tam sinh hữu hạnh”. Như dị Minh và An còn 900 năm => 3 x 3 tam sinh. Sướng chán.

      Cho dù một người đầu thai Angola, một người Afghanistan, tui bảo đảm đúng ngày tháng theo sách ông Tơ bà Nguyệt thì họ cũng sẽ gặp nhau tại Bangkok để kết vợ chồng. Tin tui đi, khỏi cần lì xì phong bao. hehe

  5. Phi Rom nói:

    Bác Một Lúa à! đoạn cuối của một chuyện tình buồn ơi là buồn, thật thương cho Minh lặn lội khắp nơi để tìm An…mà người mình yêu  như bóng chim tăm cá…không biết số phận An ra sao mà chỉ để lại mấy câu y như kỷ vật tình yêu, buồn quá…hichic

     

    • Một Lúa nói:

      Chào cô Sáu,

      Chiệng của Minh và Thanh An còn tái tê ở một địa phương khác khoảng năm 1995. Không buồn lắm đâu, cô Sáu ui.

  6. Phú Thạnh nói:

    Định viết cho em khi câu chuyện còn ở Phần Một, nhưng sao thấy hoàn cảnh chiến tranh khôc liệt ở thời điểm đó lại na ná như của anh nên ráng chờ…Quả thật khi đọc hết phần cuối này anh mới biết nhiều sự kiện đã xảy ra giống gần 90% trường hợp của anh…Em có thể tìm đọc bài thơ NHỚ QUI NHƠN của anh thì sẽ rỏ…Nhưng trường hợp của anh thì …chờ hỏng được…

  7. HOA ĐĂNG nói:

    Lúa đệ ơi! mãi đến hôm nay tỷ vẫn còn trong bệnh viện để chăm sóc em mình, mỗi ngay chỉ về nhà lo cơm nước vài tiếng, tranh thủ mở mạng lướt qua một chú, tỷ đang mang một tâm trang ủ ê, rồi khi đọc đến câu: Lời trong thơ chân tình thống thiết khiến gỗ đá cũng lung lay…..Thanh An kiếp này mình không trọn nhưng còn có chín trăm năm hẹn ước…Tỷ đã rơi nước mắt là thật, tỷ xin viết 4 câu thơ nầy mà bạn thơ đã tặng:

    Em ngự trong tôi cả vườn hồng

    Hoa khoe hương sắc, tỏa mênh mông

    Một hôm bỗng thấy vườn hoa trống

    Đá cũng đau lòng, em biết không?

    Người mang tâm trạng dễ sục sùi trước cảnh người, một bài viết tuy kết thúc chia tay nhưng tình vẫn nặng, cảm ơn Lúa đệ đã viết một bài đầy tình cảm thắm thiết.

    Hoa khoe hương sắc,tỏa mênh mông

     

    Một hôm bỗng thấy vườn hoa trống

    Đá cũng đau lòng , em biết không

  8. Một Lúa nói:

    Sư tỷ Hoa Đăng,

    Mới đầu em viết mấy chữ dưới bài tặng chị, nhưng sợ vô duyên nên gôm bỏ.

    Chiệng của chị có trăm năm. Bài của em ngàn năm. Hehe

    Lúa ấp 5

Trả lời Phú Thạnh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác