Ngàn năm vẫn chờ (Phần 1)

Ngày đăng: 10/09/2014 12:48:47 Sáng/ ý kiến phản hồi (12)

Minh xách chiếc túi du lịch giả da made in Cholon màu xanh lục. Hông túi in hàng chữ Air France trắng nhàn nhạt và hình một chiếc Boeing đang lã lướt, kéo theo vệt khói phản lực sau đuôi. Sợi dây quay đính hai đầu túi có thể điều chỉnh dài ra, lắm lúc được máng trên vai giúp cho hai tay Minh rảnh rổi. Trong túi đựng một số vật dụng linh tinh và vài quyển sách mỏng như cẩm nang ôn thi Toán lý hóa Tú tài Phần I. Chiếc túi bạc màu và một ít trầy xước đã chia sẻ vui buồn, được Minh giữ kỹ gần 6 năm nay. Từ lúc má Minh mua tặng thằng học trò mới vừa thi đậu vào đệ Thất, chuẩn bị rời làng quê đến trọ học tại tỉnh lỵ Cần Thơ.
Từ bến xe đò lội bộ chừng 300 mét là đến nhà ông bà Hai Phát-ba má Minh, đi thêm một khoảng ngắn là đến khu vực chợ Đại Ngãi. Tuy nhà cửa phố xá vẫn còn lụp xụp nhưng việc mua bán chợ xã nầy rất nhộn nhịp và sầm uất. Thuận lợi do vị trí chợ đầu mối trung tâm, điểm đầu tiên đặt chân lên đất liền của các dân cư làng xóm sinh sống trên các cồn và cù lao mênh mông phì nhiêu màu mỡ, trải dài một phần trên sông Hậu.
Đến trước của nhà, Minh nhận ra cổng rào và cửa nhà không khóa. Bước lên bậc tam cấp, băng qua khoảng hàng hiên lót bằng gạch tàu, Minh đẩy cánh giữa của bộ cửa lá sách bốn cửa cũng đang khép hờ.
– Ba ơi con về rồi.
Tiếng của Minh vang vang trong khoảng không gian mờ xám của gian phòng khách có bốn chiếc cửa sổ chỉ được mở hai cánh ngó ra mái hiên. Minh gọi lớn một lần nữa, ba mình chắc đang uống trà ở một nhà lối xóm nào đó. Có lẽ má Minh cũng rất bận tay ở cái sạp đường đậu tạp hóa của bà trong mấy ngày nầy, chỉ còn hơn tuần là đến tết Kỷ Dậu 1969.
Chiếc đồng hồ quả lắc Odo treo tường tíc tắc đều đặn. Mới hơn 10 giờ sáng mà Minh cảm nhận được cái nóng phơn phớt đang lan tỏa từ hai mái ngói. Ngồi nhẹ nhàng trên chiếc ghế tràng kỷ, Minh muốn tìm một ít mát lạnh của miếng đá cẩm thạch trắng hình hột xoài chiếm gần hết phần dựa lưng của chiếc ghế dài. Trước mặt Minh là chiếc bàn dài ván gỏ lên màu đen bóng, nổi lên hình hoa văn nhỏ mịn cẩn xa cừ chạy liên tục bốn phía bìa ngoài mặt bàn. Phía cạnh dài bên kia của chiếc bàn là hai chiếc ghế dựa chân quỳ, được nghệ nhân cưa lọng chạm trổ và cẩn xa cừ tỉ mỉ. Minh rất quen thuộc từng chi tiết điêu khắc trên bộ bàn ghế do ông bà truyền lại.
Đứng dựa lưng theo bức tường lững chia gian nhà trước ra hai phần là ba dàn tủ cẩn tranh xa cừ dùng thờ phượng tổ tiên. Những di ảnh như đang nghiêm khắc, như đang hài lòng nhìn xuống thằng cháu đích tôn cũng là đứa cháu duy nhất của họ. Dù được cưng chìu, nhưng chưa bao giờ Minh vòi vĩnh hay phiền nhiễu cha mẹ điều gì.
Suốt bao nhiêu năm nay, mỗi năm giỗ tết mấy lần, cho dù lúc nầy Minh đang đi học ở Cần Thơ, ba Minh dặn trước cả tháng trời, con nhớ về nhà một hai tuần trước ngày đám tiệc. Minh dùng cả ngày cuối tuần quét dọn bồ hóng những bộ liễng chữ thếp vàng, treo dọc theo bộ cột tròn nguyên thân gỗ lim thẳng đứng giữa nhà. Minh dùng dụng cụ đặc biệt để lau chùi từng góc khóe tủ thờ bàn ghế, hàng trăm cái lá sách thông gió bộ cửa cái và các cửa sổ con. Có lần Minh phải đi chuyến xe đò sớm cho kịp giờ học sáng thứ hai.
Minh lơ đãng nhìn chiếc xe đạp Peugoet sườn nhôm đòn dông dựng bên dưới khung chiếc cửa sổ mở ra hiên trước. Chiếc cửa mà ngày nào chỉ dành riêng cho nó, hai bàn tay nhỏ nhắn đã bao lần vói lên nắm chặt mấy cái song sắt, phóng đu người đeo tòn ten để nhìn ra xem ai gọi cửa. Hay là ngồi trên chiếc ghế cao, nhóng chờ thằng Tâm, bạn lối xóm học cùng một lớp đến rủ đi chơi.

0000                               H: Bạn học xưa ( ảnh: Internet)

Niên khóa 1961, thằng Tâm được 11, lớn hơn thằng Minh một tuổi, hai đứa cùng học lớp Nhì trường Tiểu học Cộng đồng Đại Ngãi. Có lẽ nhờ già dặn ngày tháng nên thằng Tâm học giỏi hơn thằng Minh thập bội. Năm nào thằng Tâm cũng lãnh phần thưởng, về phần Minh may mắn được lên tới hạng mười mấy là cả nhà tưng bừng náo nhiệt. Mỗi lần như vậy, bạn bè của ông bà Hai Phát ai gặp nó cũng khen học giỏi. Thằng Tâm có em gái bằng tuổi với Minh, cũng học một cở nhưng bên lớp nữ. Lạ một điều là con nhỏ An nầy học dở giống thằng Minh, chớ không bao giờ giống anh của nó.
Tựu trường tết được vài ngày nhưng sáng hôm đó trời vẫn còn se lạnh, má Minh khoát thêm chiếc áo dài tay sọc ca rô bên ngoài chiếc áo trắng đồng phục ngắn tay. Trên đường đến trường, thằng Minh phải đi ngang nhà thằng Tâm và con An. Ngày nào anh em nó cũng chờ Minh, ba đôi chân sáo liếng thoắng đến trường.
– Ê ! Tụi bây coi thằng công tử đi học kìa.
Con An vừa nói vừa cười khoe hai cái đồng tiền nhỏ xíu.
– Má tao dặn đến trường mới được cởi áo khoát ra.
Thằng Minh nói vậy, chớ đi một hồi, chiếc áo ca rô chui vào cặp hồi nào không ai biết.
Buổi học chiều vừa vô một lát thì có bác tuỳ phái đứng chờ ngoài cửa lớp. Sau khi nói chuyện, cô giáo trở vô đến thẳng chỗ của thằng Tâm.
– Em lấy tập vở rồi lên văn phòng Hiệu trưởng, có người nhà của em đang chờ ở đó.
Suốt buổi học, thằng Minh cảm thấy bồn chồn khác lạ, chỉ mong tiếng trống tan trường là chạy u về nhà, xem thằng Tâm có chuyện gì mà được cô cho về sớm. Vừa ra khỏi cổng trường, Minh chưa dám chạy ngay vì đang đi trong hàng và còn nhiều thầy cô chia đều khoảng kềm chặt. Lớp nó vừa đi ngang cái quán xéo  cửa trường, thằng Minh nghe chị Ba xi-rô nói oang oang với cô giáo:
– Anh Hai Phó bị thằng đệ tử lỡ tay cướp cò, bắn chết ở đồn Cầu Đúc.
Phải mấy giây, thằng Minh mới hiểu người ta nói cái gì, không lẽ là ba của thằng Tâm con An, không lẽ đó là lý do mà thằng Tâm về sớm trưa nay. Làm sao chú Hai Phó chết được. Như ông nội của Minh, đau rề rề mấy năm mới chết. Còn ông Tư Câu là ông ngoại thằng Tâm râu dài tới ngực, người đi chưa tới đã nghe tiếng ông sang sảng, cứ ít bữa là lội bộ ra thăm cháu ngoại. Chú Hai Phó chưa có râu thì làm sao mà chết. Càng nghĩ thì bước chân Minh càng chậm lại, cứ bị mấy thằng phía sau đẩy tới hoài. Minh bỏ ý định lén bỏ hàng chạy trước, nó cũng không muốn đi ngang nhà thằng Tâm như thường lệ, mà lại đi vòng ngã khác để về nhà chiều hôm đó.

Ông bà Hai Phát buồn bã buông đũa trong bữa cơm chiều. Ông bà cứ chắc lưỡi hít hà, mỗi người một câu kể chuyện cho Minh. Cuộc đời chú Hai Phó tội nghiệp lắm:

– Khoảng năm 1945 lúc giặc giả mới nổi lên, có hai vợ chồng ở quê dẫn thằng con trai đen thui ốm tong chừng 15-16 tuổi. Hai cái ống quyển suông đuột, da còn óng ánh phèn vãy cá. Ba người đi dài theo mấy tiệm chợ nầy, họ xin người ta cho thằng con làm lặt vặt chỉ để ăn cơm. Ai nhìn thằng nhỏ cũng lắc đầu ngao ngán, thời may có bà chủ vựa hột vịt chịu nhận nó đem về nuôi. Hai vợ chồng kia không đòi điều kiện, cũng không cho biết gốc tích họ tên. Họ chỉ nói một câu ngắn gọn “Con ráng ở với người ta, mai mốt ba má trở ra rước con về nghe Phó”.
Bản tánh hiền lương, làm việc siêng năng chăm chỉ, 5 năm sau bà chủ vựa đứng ra giúp chú Phó cưới cô Hai là con một của ông Tư Câu. Từ đó người ta gọi chú Hai Phó là theo thứ của vợ. Năm sau 1951, thím Hai Phó sanh thằng Tâm, năm sau nữa sanh con An rồi nghĩ sanh luôn.
Thuở thiếu thời của thím Hai Phó cũng đoạn trường không kém. Bà Tư Câu sanh cô Hai mới mấy ngày thì bị trở chứng hậu sản qua đời. Ông Tư một mình ôm con đỏ. Cả xóm thay nhau giúp đỡ nuôi cô Hai cho tới biết đi biết chạy, bà con gọi đứa con gái mồ côi là đứa con Xóm Đáy cũng không phải là ngoa.
Sau ngày đình chiến 1954, chú Hai Phó trở về quê tìm cha mẹ ruột. Mới biết cái chòm nhà trong đồng xa cháy rụi tan hoang, khó khăn lắm mới nhìn ra nền nhà cũ. Chú Hai trở lại chỗ đó mấy lần nhưng không gặp một bóng người lối xóm hay tin tức của người thân thuộc.
Khoảng thời gian thằng Tâm và con An biết chạy lóc thóc thì làng xã có đợt tuyển mộ lính Bảo an địa phương. Bạn bè chú Hai Phó rủ rê bàn tán với nhau, đi lính thời thanh bình mà đồng lương cũng khá. Đám trai làng được chở lên Sóc Trăng tập bò tập bắn, sau đó trả về xã đổi lòng vòng các ấp. Mấy năm gần đây, đợt lính tuyển đầu tiên đã giải ngủ hoặc thuyên chuyển đến các chỗ cao hơn. Chỉ còn chú ở lại Đại Ngãi làm Trung đội trưởng, chỉ huy mấy tay lính mới.

Một lúa

 

Có 12 bình luận về Ngàn năm vẫn chờ (Phần 1)

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Mấy ngày nay, đi thăm cháu nội. Vừa về đến Tam Bình được 2 ngày thì anh Nguyễn Long Tao ( bạn bè đi dạy chung ở Tam Bình ) lớn hơn tụi mình 7-8 tuổi, đột ngột qua đời. Hôm qua, mở máy, thấy bài viết của bạn già, đọc lướt qua, chưa phản hồi nổi. Không phải vì uống rượu, mà vì thức khuya, tiếp khách.

    • Một Lúa nói:

      Anh Lần,

      Mình chỉ biết thầy Nguyễn Long Tao trạng tuổi cở anh mình. Nhờ anh Lần chuyển lời chia buồn của mình đến gia đình thầy Nguyễn Long Tao.

      Một Lúa

  2. Phi Rom nói:

    Bác Một Lúa à! mới đọc phần một thôi mà  cốt truyện đã thấy  ly kỳ hấp dẫn rồi,  thời cắp sách của  Minh, Tâm,  An  thật ngây ngô, thật dễ thương, đùn một cái ba bạn Tâm chết, làm Minh bàng hoàng, rồi cuộc sống của bạn mình sẽ ra sao đây, rất nóng lòng đọc tiếp, mà mình không thể đoán mò theo cái tựa bài ” Ngàn năm vẫn đợi” một mối tình uẩn khúc gì đây, ai chờ ai, sự đợi chờ buồn lắm, làm cho thân xác con người  mỏi mòn, mà một kiếp người cao lắm là trăm năm thôi…

    • Một Lúa nói:

      Chào cô Sáu,

      Cô Sáu gọi tui bằng bác là có chuyện rùi. Cô Sáu bắt giò giỏi thiệt nghen, tui chưa biết làm sao để giải quyết cái vụ “ngàn năm vẫn đợi”. Tạm thời thì cô Sáu hãy đợi đấy nghen. Hihi

      Lúa

  3. Phan Lương nói:

    Ái chà chà ” Ngàn năm vẫn đợi” cũng khá ly kỳ và hấp dẫn đây.Viết nhanh nhanh nhe.

     

  4. HOA ĐĂNG nói:

    Ngàn năm thương hoài một bóng người thôi…..Rồi thì …Người ra đi như con tàu viễn xứ. Bỏ lại nơi nầy bến đợi đến ngàn năm..Dù đá kia có mòn khi nước chảy . Vẫn thương hoài thương mãi đến ngàn năm.

    Đọc tựa bài đã thấy buồn rồi Lúa Đệ ơi.Đó là tâm sự mà lúc nào tỷ cũng canh cánh bên lòng, đang hồi hộp chờ đợi để đọc tiếp xem thế nào đây.

    • Một Lúa nói:

      Chào sư tỷ,

      Sư tỷ có quá nhiều việc để em cọp-dê.

      Chiều thứ Năm hôm qua, Lụa hỏi Lúa:

      – Lóng rày vườn nhà mình bầu mướp rau cải nhiều quá. Sáng mai anh muốn ăn canh gì, để em nấu.

      – Canh cánh.

      – Canh cánh là canh gì, mẹ đẻ tui tới giờ chưa biết thứ đó.

      – Em chưa biết, chớ ai cũng biết. Nghe người ta hay nói “canh cánh bên lòng”, đó là món ngon, là canh cánh vịt xiêm và lòng gà hầm với bầu già gọt vỏ bỏ ruột. Hehe

      Lúa Ấp 5 A

       

       

      • Phú Thạnh nói:

        Anh cũng khoái canh này lắm! Già rồi răng cỏ sệu sạo , gặp canh này dễ chơi hơn…nhưng mà dường như có nghe hơi hám “bắt giò vịt “ai ở gần đây vậy ta…

  5. Hoành châu nói:

    Anh Một Lúa , phần 1 tác giả dàn trận  coi bộ hấp dẫn à nghen ! Ngàn năm vẫn đợi ”  hứa hẹn một màn rất  ” lâm ly”, tiếp tới tập 2 đi, bạn đọc đang chờ đây ! Hoành Châu

  6. HOA ĐĂNG nói:

    Lúa đệ ơi ,CANH CÁNH là thật, tỷ dùng từ nầy để chỉ nói lên tam trạng của mình thôi, chị đâu có đụng chạm vô nồi canh cánh vịt nấu với bầu già của Lúa đệ đâu nghe, đừng suy diễn quá rồi lại mắng tỷ thì khổ lắm đấy nghe Lúa đệ. Tỷ nói gì cũng là nói thật, diễn tả tâm trạng của mình cũng là thật. Sư huynh Phú Thạnh ơi, cứu muội với nhé , Đùng để Lúa đệ hiểu lầm thì khổ.

Trả lời HOA ĐĂNG Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác