Cầu thủ thứ 12

Ngày đăng: 10/06/2014 08:37:37 Chiều/ ý kiến phản hồi (12)

Ngày 12-6, thế giới sẽ tưng bừng khai mạc World Cup 2014 tại Brazil. Quốc gia mà hầu như già trẻ nam nữ, họ cùng ưa chuộng và đam mê môn bóng đá. Cũng là nơi sản sinh các ngôi sao sáng mãi trong lòng người ái mộ như: Pele, Ronaldo, Ronaldinho, Kaka, Zico…
Lôi cuốn theo sự kiện thể thao sôi nổi số một của hành tinh nầy, người viết giới thiệu quý bạn một vài chuyện cũ trước khi tri tân.

0 c 1

Trước và sau 1960 ít lâu, những năm mà đất nước yên bình, dân tình làm ăn dễ dàng, no ấm. Phong trào đá banh và các môn thể thao “Khỏe vì nước” nở rộ từ thôn quê đến thành thị. Mặc dù môn bóng đá bị gián đoạn một khoảng thời gian chuyển tiếp từ chế độ thuộc địa Pháp. Nhưng người lớn quê tôi đều quen dùng từ ngữ bóng đá phổ thông như “me, nu, cọt-ne, ọt-dzơ, sọt-ti, sút, vô-lê, pát-xê, a-văn, đờ-mi, a-de, rờ-sẹt, mách, đờ-mi tăng…” Và người ta cũng biết trên cơ bản luật bóng đá là một đội có 11 cầu thủ ra sân mỗi trận đấu. Hoặc cũng có thể ít hơn con số luật định 11, nếu trong lúc tranh tài có cầu thủ bị trọng tài đưa cao thẻ đỏ đuổi ra sân.

Lúc 9-10 tuổi, tôi đã biết mê xem những trận tranh tài trên sân cỏ quận nhà. Ba tôi lúc ấy là người dìu dắt từ ngày đầu tiên của đội bóng đá dân sự địa phương được khuyến khích bởi ban ngành thanh niên thể thao quận lỵ. Tôi không biết ba tôi có được thụ huấn chuyên môn để làm huấn luyện viên hay không. Nhưng tôi biết ông có hai quyển sách đá banh bằng chữ Pháp. Tôi thường lén xem những hình vẻ bằng tay và ảnh chụp in xen kẻ rất nhiều trong đó, và nghe lỏm những lời hướng dẫn bằng tiếng Việt của ba tôi với các anh cầu thủ trong giờ lý thuyết. Tôi hiểu phần nào công dụng sách là dạy cách tập luyện thân thể cường tráng, các động tác giúp cầu thủ dẽo gân bền bỉ, tránh trẹo bắp thịt hay vọp bẻ. Hình minh họa của quyển kia giải thích luật bóng đá quốc tế, ý nghĩa âm điệu cường độ của tiếng còi và thủ ngữ của trọng tài, hiệu cờ của giám biên. Nội dung sách hướng dẫn các kỷ thuật cá nhân cơ bản như bắt bóng bằng chân, bằng ngực, kỷ thuật giao banh, dẫn banh, động tác giả, chận banh đột ngột làm đối phương chạy huốt. Cách đánh đầu, đánh gối, ném biên, cách đá bóng bằng cạnh trong bàn chân, cạnh ngoài chân, mu chân, mủi chân. Kỷ thuật đá thẳng trực xạ, đá cong quỷ đạo đường banh xoáy ép phê, đá tạt vô-lê đổi góc đường banh thấp, hoặc lộn người trồng chuối ngược móc ra sau những đường banh bay là là ngang ngực. Nhiệm vụ  Các đội hình như 4-2-4, 4-4-2, 5-3-2..  Các trang sách còn chia sẻ những phương án tấn công, phòng thủ đồng đội, đơn cử các tình huống tấn công tiêu biểu của từng cụm nhỏ mủi dùi, trong mục đích cuối cùng là tung lưới đối phương.

Có một lần đội bóng Chợ Lách đến đá giao hữu đội quận nhà. Trong lúc thi đấu, 2 đội đụng chạm làm sao mà suýt nổ ra ẩu đả. Chuyến về, xe họ bị đám đông xem đá banh chận đường. Ba tôi phải năn nỉ để giải tán những cổ động viên quá khích của đội nhà.

Cũng có một lần đội banh quận tôi đi đá chỗ xa, trời tối hù xe chở đội banh về đến nhà mà bèo nhèo tơi tả. Tôi có tật  hay hỏi chuyện ăn thua. Ba tôi trả lời trong bực tức:

– Bữa nay đội mình đá với 12 thằng, làm sao thắng nổi.

Đầu óc non nớt của tôi cứ tưởng ba tôi sơ ý, để đội người ta ra sân dư một cầu thủ.
Thế rồi tình hình đất nước ngày càng xấu đi, an ninh thôn xóm bất ổn. Cầu thủ đến tuổi quân dịch nên đội banh tóp teo rồi giải thể. Ba tôi tròm trèm 50, sức khỏe cũng không đủ để theo nghiệp không lương không lợi. Từ đó ba tôi ngồi nhà theo dõi những trận đá banh trên báo chí và đón nghe các cuộc tường thuật trực tiếp các trận cấp quốc gia hay quốc tế qua làn sóng radio như bao người hâm mộ môn đá banh trên cả nước.

Tôi lớn dần lên theo đám con nít lối xóm, cũng bắt đầu mê những trận banh đá trên sân ruộng còn đầy gốc rạ và mặt đất nứt nẻ. Cũng  từ đó mà tôi say mê tài nghệ tường thuật bóng đá được trực tiếp phát thanh rất hấp dẫn của ông Huyền Vũ. Quen thuộc giọng nói cuốn hút và những từ ngữ như: Sóng gió trước khung thành, xâm nhập vùng cấm địa, xuyên thủng tường hậu vệ,  sút mạnh vào, mở tỷ số, bàn thắng mong manh, những phút phù du… Người ta nín thở mà theo lời nói nhanh hơn, dồn dập sôi nổi ở mỗi tình huống sắp quyết định tỷ số, để cùng reo vui hay tiu nguỷu với những mệnh đề kết luận quen thuộc như: san bằng cách biệt, tỷ số nghiêng về, tiếng vỗ tay làm nổ tung cầu trường, hoặc là banh vượt xà ngang, cứu một bàn thua trông thấy…

Thập niên 80, là thanh niên già ở trạc 30 và đã có gia đình mà tôi vẫn còn mê xem đá bóng như những bạn vùng quê. Thời kỳ đó muốn xem trực tiếp truyền hình giải Euro hay World Cup rất vất vả. Buổi chiều đó phải cò-măng trước chủ nhà nào có máy TV, để 2-3 giờ khuya họ mở cửa cho vô xem ké. Lúc đó tiếng Tây u hay tiếng lốp-bốp không biết một chữ, thì có ngại gì những người tường thuật trận đấu nói tiếng Nga hay tiếng Ý. Chỉ cần xem hình và kết quả ăn thua là chính.

Rồi dòng đời xô đẩy chúng tôi định cư ở Mỹ, xứ sở mà các chương trình phát hình các giải đá banh quốc tế thường là thuận tiện cho mỗi người xem, hoặc nhờ kỷ thuật tân tiến giúp cho mình xem lại những trận yêu thích bị bỏ lỡ.

Một chuyện nên nói trong giải World Cup 2010 Nam Phi. Hai đội mạnh châu Âu là Ăng-lê và Đức đụng nhau tại vòng nhì theo thể thức đội đứng nhì bảng C đụng với đội nhất bảng D. Khác với đợt đá 3 trận ờ vòng đầu để chọn 2 trên 4 đội của 8 bảng. Cũng nên nhắc lại một chút, bắt đầu từ vòng nhì hay còn gọi là vòng 16 đội, mỗi cặp tranh tài phải có một đội cuốn nốp ra về. Vì thi đấu có tính quyết định loại trừ, nên ngoài 90 phút thường lệ mà tỷ số hòa nhau thì có thêm 30 phút đá thêm giờ để cố loại nhau. Nếu vẫn huề trong 2 hiệp phụ thì giải quyết ăn thua bằng cách mỗi bên đá 5 trái luân lưu như thể thức 1 đối 1 “penalty kick”, cự ly 11 mét trước khung thành. Hai đội lần lượt đem 2 anh giữ gôn ra “xử bắn” trong 10 trái “Shoot out”. Vẫn cố lỳ hòa nhau thì phải dùng tuyệt chiêu “Sudden Death” (tạm dịch là: biết ai thắng, chết liền!). Những trái penalty của đợt định mệnh chỉ áp dụng cho trái thứ 11 trở đi. Đợt sát cước đó không qui định số lần, đội nào đá thắng thì trọng tài cho thằng thua “chết liền” tại đó. Vì thế đội nào tới phiên được đá trái penalty thứ 11, xem như lợi thế thắng cuộc trên phân nửa.

Trở lại trận quyết đấu giữa 2 con sư tử châu Âu trên lục địa đen, một ngày có lắm người vui và không ít kẻ buồn. Buồn vì thua trận mà tâm và khẩu đều không phục.
3 giờ chiều địa phương, ngày thứ ba 27/6/2010, trên sân vận động Free State của tỉnh Bloemfontein, South Africa.  Trước khoảng 40 ngàn khán giả ái mộ mà đa số là dân Nam Phi gốc Ăng-lê, con cháu nhiều thế hệ của những người Anh viễn chinh, định cư trên cựu thuộc địa nầy từ thế kỷ 17. Cùng lúc có hằng trăm triệu người khắp năm châu ngồi nhà theo dõi. Đặc biệt trên quê hương của hai đối thủ, cũng có hàng trăm ngàn  người Đức người Anh rời khỏi ghế xa-lông trong phòng máy lạnh, cha con kéo ra tụ họp ở những quãng trường dưới những màn hình công cộng thật lớn. Mọi người được kích thích bằng không khí nắng gió, chen vai ồn ào sống động như đang ở cầu trường. Họ cùng nhau vui buồn theo vận mệnh những đường banh của những chiến binh đang chiến đấu quyết liệt dưới màu cờ sắc áo quốc gia.

(Hết Phần 1)

 Một Lúa

 

Có 12 bình luận về Cầu thủ thứ 12

  1. NGUYEN TUYET nói:

    Đọc chuyện anh Một Lúa mê bóng đá , mê tường thuật , mê xem đá bóng, hi hì. Hồi đó mà có em Phương Nga ngồi cạnh bên nưã , chắc là 2 anh em sẽ la hét , khi thì hoan hô khi thì.. đập….chắc là vui bể cái sân vận động hoặc lấn áp banh cái loa luôn ! Em thì không biết mê lắm , nhưng khoái nghe lời tường thuật nhanh như chóp cuả anh Phong Vũ hay Huyền Vũ tường thuật trong đài radio gì đó. Cám 7n anh cho NT đọc bài này , thấy hấp dẫn quá.

  2. nguyenthikieutrinh nói:

    Anh Nhứt Lúa ơi,
    Cái khoản…đánh ba, í lộn đá banh này 7 bù trớt!
    Chỉ nhớ hồi dạy ở Bình Minh, 7 có một lần dẫn học trò đi thi đấu với đội nhân viên của huyện. Độị học trò của 7 thắng tới 3-0!? Ít ngày sau, 7 gặp Anh Bí thư huyện đoàn, ảnh bảo:
    – chị chơi khôn quá!
    -Uà, anh nói chi?
    – Đội banh mà chị dẫn đi thi đấu đó. Chị lựa cầu thủ gì nhỏ híu, ra sân nó chạy lòn… dưới chân không hà, tụi tui đâu dám đá sợ trúng nó mắc công mang hoạ!
    7 cười ruồi hè hè hè…

  3. Phú Thạnh nói:

    Phải nói là anh bái phục Một Lúa quá chừng !!! Nghề gì cũng có mà cũng hay cả! Bà xã 1L chắc “hài lòng” lắm phải không ??. Anh nhớ khoảng 1973,anh có dẫn Đội banh ĐĐ xuống đấu giao hữu với Đội huyện Chợ Lách của Phó Y. Kết quả: Huề. Trời tối,chạy về, được tặng 5 thùng Bia Con Cọp BGI…

  4. NHA nói:

    Không lương thực thì đói; dân Mít ta lương thực số một là cơm, từ gạo hay từ lúa cũng vậy. Thế thì nói tóm lương thực dân ta số Một là Lúa.
    Tác giả Một Lúa lấy bút hiệu này là đúng cho ông qúa rồi
    Bấy lâu tôi âm thầm khen, nay qua bài về Đá Banh này tui …phải viết ra ý nghĩ của mình.
    Đá banh thì tui mê từ nhỏ nên ông Một Luá hôm nay làm tui nhớ nhiều kỷ niệm vui buồn về cái môn thể thao quần chúng này lắm lắm.
    Cám ơn em, và chờ đọc bài kế.
    Nhớ là tui khen thiệt chớ không (tôi cũng muốn viết tắt chữ này là ko nhưng chợt nhớ KO nghỉa của tiếng Mẽo là knockout nên thôi đó Một Lúa) khen lấy lòng do bởi anh em mình cùng là dân ven giòng “Măng Thích” 🙂 đâu …nhá.!

    • Phú Thạnh nói:

      Ông già này nói thật lòng lắm đó Một Lúa ơi!. Anh với “Ổng” tuy hai mà một,đừng có lo. Không biết chừng nào chúng mình gặp nhau ở quê nhà mà có cả Hoàng Hưng nữa à há!!!

    • Một Lúa nói:

      Chào anh Phú Thạnh và anh NHA,
      Hôm thứ sáu tuần rồi, em có đọc nhựt trình nói về trận mở màn ngày thứ năm 12 tháng 6 giữa Brazil và Croatia. Trọng tài người Nhật thổi cách gì mà HLV đội Croatia than phiền với báo chí:
      -Hôm nay đội chúng tôi phải đối phó với 12 cầu thủ.
      Em thắc mắc hoài, làm cách nào mà một đội có thể ra sân dư một cầu thủ. huhu

  5. nguyen thi anh tuyet nói:

    Oái 8AT khong biết gì về đá banh mà nghe anh một Lúa viết cũng phải theo đọc hết bài.Thú thật nhờ anh Môt Lúa mà 8AT biết được chút chút về đá banh ,gay cấn và hấp dẫn lắm .Anh Một Lúa sao tài quá ”chời” vậy .Lảnh vực nào cũng hay quá vậy nào là rau,là hoa là lúa…Rồi chuyện gì ở trên máy bay…Nay lại thêm chuyện đá banh nửa…Chuyện nào cũng lắm chuyên môn mà tụi em thì mù tịt mà anh Môt Luá thì…Còn gì nửa đem ra hết đi cho ACE thưởng thức nhá .Chuc anh nhiều sức khoẻ, viết mạnh vào để Trang nhà phong phú hơn. 8AT.

    • Một Lúa nói:

      Chào Ánh Tuyết,
      Viết mãi cũng ra chữ thui 8AT ui.
      AT có cảm nhận niềm vui khi hoàn thành một bài thơ văn.
      Chúc Ánh Tuyết vui khỏe.
      Lúa

  6. HOA ĐĂNG nói:

    Chào ông hai Một Lúa, ngưỡng mộ bài của ông quá ,đang đánh phản hồi vèo vèo như sút bóng dài , bỗng mất hết, thôi viết gọn mấy câu TÔI CŨNG RẤT MÊ XEM BÓNG ĐÁ cảm ơn ông, bai tường thuật của ông số dzách.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác