Nọc kiến vàng

Ngày đăng: 24/05/2014 09:54:26 Chiều/ ý kiến phản hồi (28)

Từ năm 1981 trở về trước khoảng hai thập niên, mỗi lần tôi cầm cây viết vì bất cứ mục đích gì thì cũng đều khổ sở như vớt được cây củi mục từ thượng nguồn trôi xuống. Nhân một việc tình cờ mà tôi bỗng nhiên ngứa tay múa máy bộ vị nhịp nhàng như lên đồng lên cốt. Tự mình ngắm nghía lấy mình, tình nghi sự chuyển biến đó có dính líu đến khoa học. Nhưng vì không biết hỏi ai, cũng không có cách để phân giải hợp lý. Vì vậy câu chuyện mới đầu thấy nghiêm chỉnh, dần dà trở thành giả tưởng và đang chìm dần vào quên lãng.

Cũng gần đây thôi, từ ngày làm quen internet. Càng ngày tôi nhận rất nhiều email của bạn bè và thân thuộc. Ngoài những chuyển tiếp đa dạng đa chiều, số còn lại cũng lung tung không kém. Phần đông các bạn thăm hỏi tình hình sinh hoạt gia đình, vườn tược cây trái thế nào, tình hình vật giá leo thang, đồng hưu chết ngáp…
Email cứ tới tấp, nhiều đến nổi không thể nào trả lời hay cám ơn cho hết.
Chuyện mới thì ít, chuyện tích trữ mấy chục năm dồn lại hơi nhiều, buồn vui chất đống. Đã là cũ xì và không có gì ly kỳ bí mật, nên không cần dấu diếm chỗ tư riêng. Kinh nghiệm cho thấy, chuyện gì cũng dấu kỷ, khi cần thì kiếm không ra. Biết đâu mình từng vô tình làm thất truyền oan uổng một vài vụ gì đó.

Mấy đêm âm thầm suy nghĩ, tôi mạn phép moi ra một trường hợp  trong Inbox của mình ngày Jan 11, 2014:
Ê mậy!
Hồi nhỏ tao thấy mầy cù mì cục mịch, nên bạn bè cũng ngại nói chơi. Tao hỏi thiệt, bỗng nhiên lúc già khú mầy mới nhảy ra viết lách, chữ ở đâu mà xổ ra có nùi như thời gian mình gia công bện xơ dừa kết thảm chùi giày, thời mà các công ty “Vina Mây tre lá” mọc lên như nấm. Tao còn nhớ trước khi tụi mình gặp lại trong tập 2, hồi tập 1 thuở tụi mình còn ở xóm Chùa. Chắc là lúc đang học lớp nhì lớp nhất những năm sáu mấy. Chiều chiều tụi mình theo mấy anh lớn tụ tập trước hành lang xi măng nhà ngói ba căn, chỗ trọ của mấy ông thầy Trung học. Mấy ảnh chỉ tụi mình, muốn biết lội phải cho chuồn chuồn cắn rún, tao thấy công hiệu vô cùng. Cũng mấy anh đó dạy thêm chuyện khác, các ảnh quả quyết thằng nào dám trân mình cho chừng vài chục con kiến vàng cắn, bảo đảm tụi bây làm luận văn lấy điểm 8 trên 10 dễ như móc đạn cu-li trong túi. Trong ba đứa tụi mình, có mầy là hay thắc mắc lý sự, may là mấy ảnh không giận mà giải thích rõ ràng. Tao còn nhớ thoang thoáng lời mấy ảnh, khi con kiến vàng cắn mình bằng cặp răng vòng lưỡi hái, nó cong đuôi xịt một miếng axit chua ngay chỗ dấu răng để gây đau nhức cho con mồi. Chất axit chua không có hại, mà trong đó  lại có một chất bí mật bồi bổ cho phần vỏ não các em, các anh vỏ não chai rồi, ít còn tác dụng. Một giọt axit kiến vàng chỉ có một phần ngàn hay phần muôn mi-li-gram chất đó, vì vậy mỗi đứa phải xin nó cắn vài chục giọt. Kiến vàng tiêm đủ đô thì khu vực kiểm soát ngôn ngữ và nghệ thuật trên vỏ não của các em phát triển thần tốc không ngờ. 
    

0 b 0
Chắc là mầy không bao giờ biết được chuyện nầy. Trưa hôm sau, tao với thằng Tí hẹn ra cây lê-ki-ma trước cửa chùa Quan Đế. Thằng Tí lén lấy cây sào phơi quần áo của ông Từ, nó chọt ào ào mấy ổ kiến vàng, kiến mẹ kiến con rớt bò đỏ khoảng sân có cái lỗ tán u
Ai cũng nói thằng Tí khôn trước tuổi không sai. Hôm đó nó mặc bộ “ba-la-ma” mà còn lấy dây chuối cột túm ống chân ống tay. Còn tao thì áo ngắn tay quần xà lỏn. Tao tránh được đám kiến vàng đang nhảy dù đổ chụp trên đầu thằng Tí như mưa. Nhưng đám kiến vàng rớt đỏ đất đang nhe răng bò ngược lên theo hai ống quyển của taoTao dậm giò bình bịch nhưng chẳng xi-nhê. Thằng Tí la oải oải, kêu tao ráng chịu thêm lát nữa mới linh. Đám kiến vàng chạy ngược lên như kiến, tụi nó bắt đầu cắn vô mấy chỗ da non. Tao chịu hết nổi, khóc thét chạy về nhà cho má tao cứu cấp. Hôm sau cái mặt thằng Tí sưng như mặt heocòn tao thì đi hai hàng như nổi hạch. Chỗ nào bị kiến vàng đốt còn thấy dấu 2 dấu răng hình ngoặc đơnda bầm một đốm tròn đen thui như bị phỏng nắng. 

Qua lần thử thuốc đó quả nhiên có khác, hai thằng tao làm luận văn thao thao như “lưu thủy hành vân”. Cô giáo cũng không ngờ nổi, cô giáo nghi tụi tao lận bùa nên đổi chỗ ngồi và canh me ra mặt, không cần khiêm tốn. Tới bây giờ tao còn thắc mắc, thằng Tí vô tình hay làm hiểm không chỉ hết nghề cho tao. Lần đó nó để cho kiến vàng cắn đầu cắn cổ, nên chất thuốc văn thơ nghệ thuật chạy vô óc nó mạnh hơn thấy rõ.         

Bây giờ mầy đã chịu tin tụi tao chưa, năm đó hai đứa tao thi đậu Đệ thất ngon lành, sang tới năm Đệ lục cũng nghe mầy rớt nữa. Tụi tao có bạn mới nên ít chơi với mầy, vả lại nghe đồn mầy theo chú Sáu về lại ấp Năm mần ruộng. Đến năm 1982 mới gặp mầy ở Xí Nghiệp Thảm xơ dừa Tam Bình. Lần gặp lại sau 20 năm lưu lạc, nếu tao không coi tên họ lý lịch xã viên trong sổ của ban giám đốc, cũng khó mà nhận ra thằng bạn thời Tiểu học. 

Trần Văn Hợp

Reply cho mail Jan 11, 2014        

Ê Hợp!

Cám ơn mầy nhắc chuyện xưa. Tao thú thiệt là trước khi hồi hương, do làm lụng cực nhọc gian lao hay bởi ông trời sơ sót trong vụ ban rải phúc lợi khôn khéo cho mỗi chúng sinh, công nhận tao kém hơn tụi bây cả chục công bề đứng.
Mấy năm đầu trở về ấp Năm, không biết tao ăn trúng cái gì, hay có ơn trên khai nhãn. Dạ tao trước đây tối hù, hay nói nôm na là tối dạ, bỗng dưng sáng lên le lói hồi nào không rõ. Hình như tao đã trở nên một con người mới, ngay cả chú Sáu cũng không ngờ. Nghe mầy nói vụ thuốc bổ óc từ đít kiến vàng, tao cũng thấy nghi nghi. 


Lúc hồi hương muộn về ấp Năm, tao xấp xỉ 30, người yếu nhách vì thiếu ăn thiếu mặc, còn vướng sốt rét mấy trong năm làm rừng. Chú Sáu của tao bốn mấy mà mạnh dàn trời, chú hay qua nhà tao uống cà phê hoặc rảnh rổi thì 2 chú cháu lai rai ba sợi. Chú thường nhắc chuyện của gia đình khi chú còn nương náu với ba má tao ở xóm Chùa. Nhất là chú nhớ không sót  những việc cũ lặt vặt của riêng tao:

Năm 1965, tụi bây lên Đệ lục thì tao 13 tuổi. Ông thầy lớp Tiếp liên đến nhà nói thẳng với ba  tao, một là làm khai sanh cho tao sụt 2-3 tuổi để năm tới tiếp tục nạp đơn thi Đệ thất, hai cho tao lên tỉnh học trường Trung học Bán công, đóng tiền học phí. Ba má tao quyết tâm, bất cứ giá nào cũng cho tao đi học. Nhưng ổng bả bật ngữa khi tao tự thú, ba má cho con đi học làm chi uổng công, con thấy chữ là đã ngán ngược rồi. Thôi ba má để con vô đất của mình mần ruộng với chú Sáu, rồi ít năm nữa cưới con Lụa cho con như lời hứa của bác Năm Tòng. Không biết chú Sáu của tao có thêm mắm dậm muối ở khoảng nầy, mà cứ kể chuyện tới đây thì chú cười lên ha hả.

Sau hai năm giữ trâu đứng trục, tao không kham cơ cực. Ba má tao cũng thấy nỗi nhọc nhằn của thằng con, nên ba tao dẫn lên Cần Thơ xin học thí công cho tiệm hàn tiện gần chợ cầu Tham Tướng. Nghề nghiệp chưa tới đâu thì tết Mậu Thân cháy rụi chỗ tao mần. Tao tiếp tục theo người người quen lên Long Khánh làm phụ xế xe be kéo súc.
Năm 75 xe đứt cáp  lọt xuống hố, tài xế tử nạn. Tao đứng ở xa nên vô sự, nhưng bị ở tù vì tội bất cẩn, oan tình lãng nhách.

1981 tao trở về quê trong thể xác tàn tạ, không một khoén lận lưng. Ba má cho vợ chồng tao miếng vườn non hai ngàn mét vuông ở ấp Năm. Đất cũ đãi người mới. Tao trồng cái gì cũng tốt. Tụi tao không có ruộng mà miếng vườn cây chưa có huê lợi đủ sinh nhai. Vợ tao mỗi sáng bưng một thau xôi vò, mang ra ngồi bán tại lề đường gần chợ xã Mỹ Thạnh Trung. Còn phận tao chở bà xã đúng vị trí thì đạp xe ra làm thợ phụ cho một tiệm sửa máy tàu ngang chợ Tam Bình. Ngày nào đi làm thì được chủ cho bữa cơm trưa, lương bỗng vừa đủ cho khoản cà phê thuốc lá và ít tờ vé số, hay lâu lâu ghé chợ mua kí đường, cân đậu. 

Miếng vườn tao nằm cạnh lộ làng, bà con đi bộ ngang đó đều khen. Những líp quýt đường trồng từ cây  chiết nhánh được chọn lọc từ vườn nhà bên vợ, cây mới trồng xuống đất hơn hai năm mà cao lớn khỏi đầu xum xuê tàn lá. Ai cũng nói mùa tới sẽ có trái chiếng, sau vài mùa thì trái sai oằn cho mà thấy. 

Nhưng chuyện đời không dễ như há miệng chờ sung. Một buổi sáng, tao thấy một anh lớn hơn trạng tụi mình 5-7 tuổi. Ảnh đứng ngoài đường nhìn châm bẩm vào đám quýt tơ của tao như tìm kiếm chuyện gì. Rồi như chưa bao giờ ngó thấy tao, ảnh xăm xăm bước vô đám quýt. Xem xét một hồi, ảnh quay sang nói với tao đang đứng im xớ rớ như một tá điền chờ nghe chủ đất:

– Tui đi ngang vườn của chú mỗi ngày từ lúc nó còn hoang tàn. Chú khai khẩn và trồng mấy liếp quýt chiết khá lắm. Bữa nay mà tui không để ý, trể chừng một tháng là đám quýt nầy hư hết. Chú khoan hỏì tại sao. Chú coi nè, những đọt quýt non bị rầy mềm bu dầy cứng. Lý do là vườn chú không có kiến vàng mà lại nuôi kiến hôi hằng hà sa số. Chú có biết không, kiến hôi là con vật sống cộng hưởng với xã hội rầy mềm. Đám kiến hôi dưỡng tụi rầy mềm như chăn bò sữa. Chú em để ý tụi kiến đen dùng cặp râu dê ve vuốt mơn trớn, tác dụng thúc đẩy rầy mềm cắm đầu hút nhựa cây ráo riết, để bài tiết những giọt mật nhỏ xíu cho đám kiến hôi chờ hưởng sáy. Chu kỳ: hút, ép, xả, hưởng của rầy và kiến hôi hoạt động liên tục. Thử hỏi cây nào bị chúng kết hợp làm ăn mà không khô nhựa. Để qua chỉ cho chú em cách diệt kiến hôi đen và bắt đầu nuôi kiến vàng, một loại kiến chuyên ăn sâu rầy và côn trùng, bảo vệ hoa màu cây trái, bạn tốt của nhà vườn.

Tao làm theo lời dạy, cắt lá chuối khô cứ 3-4 tàu bó thành một cục vuông như cái gối rồi đem nhét chặt vào cháng nhánh những cây có nhiều kiến hôi. Rồi đợi vài trận mưa dầm, kiến hôi sẽ rút vào ủ lá chuối khô như nơi trú thân ấm cúng, bởi chúng là dân ở bạ không biết đóng ổ qui mô như người ta. Trời tạnh mưa thì thu gom hết những ủ lá chuối đó chất trên những bó lá dừa khô mà dùng hỏa công đốt trụi. Một hai lần như vậy thì thấy rõ quân số kiến hôi còn rất ít. Sau đó tới màn đi bắt kiến vàng để chúng thanh toán nốt đám tàn quân. 

Những vườn liên ranh với tao không có một con kiến vàng làm giống. Tao lựa cái bao bố tời còn lành lặn, mon men qua đám trâm bầu trong khu mồ mã ông bà phía sau chợ Mỹ Thạnh, để bẻ chừng chục ổ kiến vàng bỏ vô bao cột miệng vác về. Mầy từng chọc ổ kiến vàng thì biết rồi, còn tao mới nếm mùi bị tụi nó cắn không chừa chỗ nào trên thân thể. Muốn cứu đám quýt thì phải ráng hy sinh. Cột bao tải vào một đầu nhánh cây, tao vác tòn ten về vườn nhà. Đi dọc đường, nghe tiếng của muôn ngàn cái chân kiến chạy rào rào trên những chiếc lá khô các ổ kiến nhốt trong bao, lòng tao vui vẻ nghĩ đến một vương quốc kiến sắp thành hình mà tạm quên những vết cắn ở hai tay mặt mày đầu cổ . Tao mở bao tải, dùng một cây que dài lôi mấy ổ kiến vàng bỏ lên được vài cây quýt kế nhau, áp dụng chiến thuật vết dầu loang, từng bước giúp đội quân kiến vàng dành dân lấn đất.

Sáng hôm sau, tao ra thăm đoàn quân viễn chinh đêm rồi mạnh giỏi ra sao. Thì ôi thôi, quân ta chết không còn một mống, xác phơi đỏ đất ngay những chỗ vừa đổ quân đêm. Tao không ngờ những con kiến vàng to xác gấp 5-7 lần con kiến hôi, có cặp răng nanh cắn mình đau điếng, có quân số đông áp đảo mà lại bị kiến hôi tiêu diệt toàn bộ. 

Tao không chờ anh thầy kiến đi ngang để hỏi. Tao ngửi mùi bọ xít của kiến hôi, mùi chua nồng nực nọc kiến vàng còn vương đọng trên cành lá chiến trường. Mà liên tưởng được tình huống của trận đánh đêm ác liệt. Tao nhận ra mình phạm 2 điều sơ suất chết người của qui luật chiến trường:
1- Để những tàn lá mỗi cây quýt dính với nhau, bắt cầu không vận cho đám kiến hôi kéo quân từ các nơi khác đến tăng viện. Tụi kiến hôi sử dụng rất giỏi chiến thuật biển người, cứ 5-10 con a-lát-sô một thằng kiến vàng, mỗi thằng cắn một chân con kiến vàng kéo căng 4 phía như kiểu “ngủ mã phân thây”. Cách duy nhất vô hiệu quả hàm răng sắc như kìm và tránh giọt a-xít chua sát thủ của các chú kiến vàng dũng mãnh. Con kiến vàng như bị căng nọc đóng trăn, lúc đó chỉ cần một con kiến hôi leo từ phía lưng trèo lên đầu xịt chất nước hôi vào 2 mắt, dứt điểm một quân kiến vàng, loại một tên to con ra khỏi vòng chiến.

2- Lúc cắt ổ kiến vàng bỏ vô bao, thì đa số kiến trưởng thành trong đó là lính vú em và kiến thái giám. Kiến thợ và kiến chiến đấu ra ngoài công tác kiếm mồi nên không bắt được vô bao. Đem về vườn mình toàn đám lính hoàng gia làm sao chống nổi làn sóng biển người thí quân lì lợm của đám kiến đen tí hon. Với lại những thằng kiến vàng hình như lạ mùi hay khác ổ, chúng chạy rối loạn hốt hoảng lao xao. Vì chưa phân bố đội hình tác chiến và tiếp cứu lẫn nhau, kết quả là từng em kiến vàng và cả bầy đều bị diệt.

Sau lần thầy trò tao thảm bại, tao cũng lập lại chiến thuật như cũ nhưng thực hành có khác hơn. Trước khi đổ quân kiến vàng lên vùng trách nhiệm, tao dùng đuốc lá dừa khô thiêu sống kiến hôi. Tụi nó nhát nóng, nên chỉ cần quơ ngọn lửa cháy phớt ngang là chúng nổ lách tách rơi lã tả mà cây lá không kịp cháy da. Sau trận hỏa công diệt hơn 90% kiến hôi cho từng cây, tao dọn sạch các nhánh giao tàn nối kết chung quanh, gốc cây cũng được quấn dẻ thấm dầu hôi pha nhớt cũ. Xem như mỗi cây lúc đó là một ốc đảo hoàn toàn cô lập. 

Anh thầy vườn tược chỉ mánh, chọn những ngày mưa phùn lất phất mà đi bắt kiến vàng. Lúc đó mình sẽ bắt được nhiều kiến lính và kiến thợ còn nằm trong ổ, vừa giảm được kiến cắn lúc bẻ ổ của chúng. Đem về đổ lên địa bàn lúc ẩm ướt, đám kiến vàng cao giò nên di chuyển nhanh trên mặt lá ướt, kiến hôi chân ngắn nên bị nước làm cho thân người nó lệt bệt dính sát da cây bất động, dễ dàng là mục tiêu cho đám kiến vàng cơ động có hàm răng gọng kìm bén ngót. 

Tụi tao toàn thắng y theo như kinh. Đoàn quân kiến vàng thanh toán đám kiến hôi trên mỗi vùng ốc đảo và tìm diệt sạch sẽ tụi bò sữa rầy mềm đeo sát mặt lá non hỗm nay. Bầy kiến vàng bắt đầu kết lá xanh làm tổ trên quê hương mới, cũng là lúc tao có nhiệm vụ tìm thức ăn để phát triển dân số và củng cố sức khỏe kiến lính và kiến thợ. Nếu thiếu lương thực nghiêm trọng, kiến chúa sẽ giảm dân số bằng cách gia tăng hormone giới tính trong thức ăn cho đám kiến chiến đấu. Hóa chất đó biến chúng đổi màu đổi tánh, mọc cánh thành kiến đực bay xa khỏi tổ với hy vọng có người bầu bạn vui vẻ với những con kiến cái mà bà vừa sinh sản, mục đích nhân rộng những tổ gia đình mới. Sơ ý làm hao hụt quân số vì các lý do khách quan và chủ quan, đế chế vừa thành lập sẽ chóng suy tàn, tụi kiến hôi vườn bên sẽ thừa cơ mà lật ngược chủ quyền như bỡn.

Ê Hợp! Mầy cũng biết rồi, những năm đó tụi tao thường xuyên ăn rau luộc chấm tương chao. Bữa cơm nào có vài con khô cá lẹp xào tương hột và nước cốt dừa cho có tanh tanh chất cá là xôm tụ lắm rồi. Làm gì có vụ hàng ngày té ra đầu tôm, kỳ vi họng hầu hay mang ruột cá lóc cá trê cho tụi kiến vàng hưởng sáy. Được một việc là chỗ tao làm mướn, họ có đồng vô nhiều lắm. Bà chủ tiệm cơ khí đó hay mua vịt tàu cho thầy thợ ăn hàng ngày, mỗi tháng bả còn luộc gà cúng cô hồn trong các ngày mùng 2 và 16 âm lịch. Tao dặn bà chủ đừng liệng  bỏ chùm ruột gà vịt như trước kia, chừa cho tao tha về làm mồi cho kiến. Chiều tao đạp xe về nhà, máng tòn ten đầu dây cột chùm ruột vịt dưới ghi đông. Dọc đường có người quen thấy việc lạ, họ vừa cười vừa hỏi, “phèo heo chiều nay sao đen thui nhỏ xíu vậy em”.

Ê Hợp! Mầy ở chợ cả đời chắc không biết tình trạng cái chùm ruột vịt lớn gấp hàng ngàn lần thể trọng của một con kiến vàng, thì trong một hai ngày làm sao bầy kiến dọn dẹp cho xong trước khi sình thúi. Bây giờ tao mới hiểu chất nước chua trong bụng kiến vàng dùng để ướp tẩm ruột vịt hay nguyên con gà chết toi treo hàng tuần không thối rửa trên cành cam cành quýt.

Chuyện con kiến vàng chắc là chưa hết, khi nào tao biết gì thêm sẽ nói nhiều hơn nghen Hợp.

Láng giềng cũ của mầy. Lúa

                                                                 xox

Dù không tự tin mình, tui cũng nên tin chuyện của thằng bạn có tiếng là thiệt thà từ hồi nhỏ, không lẽ tới già nó mới sanh tật tếu cho vui. Không biết các anh hồi xưa học ở đâu  truyền lại, mà ngay cả thằng Hợp cũng công nhận bằng thực nghiệm, kết quả thấy rành rành.
Còn chuyện đời tui xảy ra ở cái lóng ít sâu gần nhất cũng trôi qua hơn 30 năm, làm sao xác quyết cái chất thuốc mầu nhiệm chứa trong đít kiến vàng. Nhưng sự thật là tôi đã bị chúng nó cắn rồi, nọc độc cũng đã hành nóng lạnh như sốt rét, bỏ việc mấy ngày. Những lần hiến thân cho kiến vàng ấp Năm bu cắn tự do trong những năm mới hồi hương quê cũ, lúc đó mình cũng trên dưới 30. Chú Sáu còn nói, không chừng vỏ não của tui  vẫn còn mềm như thằng Hợp và thằng Tí thuở tụi nó 10-11 tuổi trên sân chùa mấy mươi năm trước.
Nhiều người biết câu chuyện ẩn chứa quảng cáo nầy đều ngoe ngoải giống nhau: “Không có cơ sở”. Nhưng để công bình và tránh bỏ sót một bài thuốc nam oan uổng, chỉ còn cách thử nọc kiến vàng.
Dĩ nhiên là dân ruộng như tôi, ai mà sợ kiến vàng cắn bao giờ!

 Một Lúa

Có 28 bình luận về Nọc kiến vàng

  1. PhươngNga nói:

    Đọc đi đọc lại nhiều lần, nhứt là đoạn là đoạn kiến vàng chiến thắng kiến hôi. Thấy hồi hộp cho anh Lúa quá chừng. Ủa sao không nghe anh kể vườn quýt của anh sau đó thì sao? Chuyện nầy chưa thể nào kết thúc ngang xương như vậy nghe anh Lúa.

    • Một Lúa nói:

      Chào Phương Nga,
      Chiệng cam quýt mỗi năm mỗi có, nên không có gì lạ.
      Còn nọc kiến vàng phải chờ đúng thời đúng tiết mới linh.
      Hihi

  2. lathihien nói:

    Hồi đi học , Thầy Trần Thanh Liêm có kể chuyện về nấu canh chua kiến vàng , Thầy nói nước canh chua này ngon đặc sắc so với nấu bằng me , cơm mẽ , trái vác …tôi chưa từng thử nên không biết hương vị như thế nào .
    Nhưng có một công dụng của chất acide tiết ra từ kiến vàng đặc biệt tiêu trừ hết bệnh động kinh : Bắt ổ kiến ( thường làm tổ bằng cách kết lá lại ) , giủ nhanh vào chảo nóng cho kiến chết nhưng không nóng quá đến khô quắt , vắt lấy nước tiết ra từ xác kiến uống . Chỉ 1-2 lần là hết bệnh động kinh ( dù đã bị lâu năm ) .

    • Một Lúa nói:

      Chào La Thị Hiền,
      Cám ơn lathihien đưa ra bài thuốc nước cốt kiến vàng trị được động kinh dù bệnh trạng lâu năm. Không biết kinh nghiệm nọc kiến vàng của dân gian ấp Năm kết bài thuốc nầy làm đồng minh được không.
      Lúa

  3. Nguyễn Văn Lần nói:

    “Thằng Tí lén lấy cây sào phơi quần áo của ông Từ, nó chọt ào ào mấy ổ kiến vàng, kiến mẹ kiến con rớt bò đỏ khoảng sân có cái lỗ tán u. Ai cũng nói thằng Tí khôn trước tuổi không sai. Hôm đó nó mặc bộ “ba-la-ma” mà còn lấy dây chuối cột túm ống chân ống tay. Còn tao thì áo ngắn tay quần xà lỏn. Tao tránh được đám kiến vàng đang nhảy dù đổ chụp trên đầu thằng Tí như mưa. Nhưng đám kiến vàng rớt đỏ đất đang nhe răng bò ngược lên theo hai ống quyển của tao. Tao dậm giò bình bịch nhưng chẳng xi-nhê. Thằng Tí la oải oải, kêu tao ráng chịu thêm lát nữa mới linh.”
    Đọc đoạn văn nầy tui khoái thiệt. Hồi học lớp nhì, tui bị nguyên ổ kiến vàng cắn cả người, không chừa chổ nào, linh nghiệm đâu không thấy. Chỉ nhớ hồi thi đệ thất, gặp đề ” Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Trời hỡi trời ! Hồi đó có đọc Tam Quốc Chí đâu mà biết cái tàu ngựa. Nếu không có ông “thầy già” đi ngang phòng thi, nói: ” Tàu là cái chuồng ngựa đó nghe tụi con!” thì năm đó đi bụi rồi. Nhờ vậy, năm đó tui đậu hạng 112/114.

    • Một Lúa nói:

      Chào anh thầy Cả,
      Trong ổ kiến có nhiều loại kiến chức năng khác nhau, cũng có thể đít của chúng cũng chứa nọc khác nhau. Hehehe

  4. NGUYEN TUYET nói:

    Đọc bài viết thấy đội quân kiến hôi và kiến vàng cuả anh hay và vui quá. NT nhớ hồi nhỏ thấy nhà cuả bà nội , nuôi kiến vàng trên cây còn có cách dể cái muổng duà trên chán ba cuả cành cây , rồi bỏ cơm nguội vô đó để gầy dựng kiến vàng sinh sôi nẩy nở . Cây nào có kiến vàng thì cây trái tốt tươi , trái to bóng có nước bên trong . Cây nào bị kiến hôi thì bị trắng lá ở trên ( là sâu rầy như anh nói vậy) , và cây đó trái bị rụng sớm và hình như trái bị chai nưã , cây và lá , cả trái đều bị hư , nếu không trị kịp thời coi như tiêu điều xơ xác đó và hình như từ từ cây bị chết vì kiến hôi và rầy và có lần NT nhớ là ngồi theo chiếc xuồng đi theo ba NT tìm hải tìm kiếm ổ kiến vàng trên cây bần về trị kiến hôi cho nó chạy đi mất. Lâu lâu ở nhà mần gà hay mần vịt ăn cũng bỏ ruột gà hay ruột vịt vô cái muổng dùa treo trên cây cho nó giữ kiến vàng .

    • Một Lúa nói:

      Nguyễn Tuyết ơi!
      NT có bao giờ bị kiến vàng cắn chưa, hay là lũ kiến lính thấy NT đẹp quá nên không nỡ cắn. Hoặc có cắn cũng cắn nhẹ. Hehe
      Lúa

  5. 8 anh tuyet nói:

    Anh Lua doc bai cua anh A.T. muon hoi ngay xua 1963 anh Lua co hoc lop tiep lien o TamBinh o .Lop cua thayTham day do .A.T.hoc nua nam thi chuyen truong ve vinhlong .Sau vao TongPhuocHiep den71 hóc 12C.Neu phai thi con ban nao nua nhtin cho A.T. cam on.8AnhTuyet GDC.

    • Một Lúa nói:

      Chào 8 Ánh Tuyết,
      Trường Tiểu học Tam Bình, năm 1963 Lúa học lớp Nhất C (lớp 5) của cô Hương (cháu ông Hội đồng Tịnh). Lúc đó mình rất ái mộ cô Dương Lệ Hồng dạy lớp nhất B, vì cô nầy có giọng nói rất đặc biệt hấp dẫn. Cô DLH rất nhanh nhẹn hoạt bát và chơi ping pong rất giỏi. Lúa cũng có nghe thầy Thẩm dạy lớp Tiếp liên năm đó, nhưng Lúa không ấn tượng.
      Kỳ thi Đệ thất năm 63 mình bỏ cuộc vì gần đến ngày thi bị bệnh tưởng xí lắc léo. Năm sau ở nhà được ba mình kềm cặp và luyện thêm Tam Quốc chí, nên cái tàu ngựa đề thi luận văn năm 64 làm khó Lúa ít thôi. Có thể vì học gia sư mà mình rất ít bạn ở một khoảng. Cám ơn Ánh Tuyết đọc bài và cho những câu hỏi.
      Lúa

  6. nguyenthikieutrinh nói:

    Chào Anh Một Lúa,
    7 cám ơn cái…đít của đám kiến vàng ở ấp Năm, xã Mỹ Thạnh Trung, Tam Bình. Nếu tiện khi nào Anh ML mail về ấp Năm nhớ gửi lời cám ơn tới kiến vàng dùm 7 nhé!
    ACE ạ, bị kiến vàng cắn nhiều quá thì cũng có thể bị nóng lạnh. Nếu để nó đái vào mắt thì vô cùng khó chịu, đau rát, xốn như bị bệnh đau mắt! Thường phải dùng nước ấm đắp hoặc dùng hột gà luộc rồi quấn khăn lăn quanh mắt!
    Vườn trồng cam quýt bưởi luôn luôn phải nuôi kiến vàng nên nhà vườn quý kiến vàng bao nhiêu thì thù ghét kiến hôi bấy nhiêu. Trận chiến giữa 2 loài kiến này rất ác liệt như Anh ML tường thuật (y như phóng viên chiến trường dày dạn!)!
    Bạn Phương Nga ơi, kết quả là vườn quýt của Anh ML ở ấp Năm là thắng đậm rồi! Anh ML không kể vì sợ phải biếu quýt cho ACE mình ấy mà! hihihi…
    Anh ML ơi, chắc 7phải về quê để nhờ kiến vàng bồi bổ cho võ não nó ráng linh lợi thêm! Lóng rày, 7 hay quên đầu quên đuôi, lẫn lộn tùng phèo, viết sai chính tả thảm thương…nói chung phải dùng “kiến vàng trị liệu pháp”mới được! Bài thuốc dân gian bao giờ cũng đi trước nghiên cứu khoa học mà. hihihi…
    Đọc bài viết của Anh Một Lúa vừa vui vừa bổ ích. Thân ái. kiềutrinh.

    • Một Lúa nói:

      Chào Nguyễn Thị Kiều Trinh,
      Cám ơn 7 đọc và viết bình luận.
      Các trường hợp sử dụng liệu pháp kiến vàng đều ở Tam Bình. Không biết các dòng kiến vàng những nơi khác chất thuốc ra sao. Vụ nầy nhờ 7 rảnh rổi ngâm kíu thêm dùm, rồi cho bà con biết kết quả.
      Lúa

  7. nguyễn thị đức tính nói:

    Anh Lúa viết truyện này quá hay, vừa vui vừa bổ não, giúp t thêm kiếnt thức về kiến. Bài khá dài, t vẫn đọc say sưa một mạch.Nhà Tcó .nhiều cây nên rất nhiều kiến vàng, t sợ lắm, mỗi lần sơ ý đụng vô tổ là cả người làm mồi cho kiến. Đâu biết kiến vàng có ích cho cây, nhất là nọc kiến giúp thông minh sáng dạ như thế. Thôi, lần sau về fải cho kiến cắn cho thêm fần lai láng văn chương thơ phú hihihi

    • Một Lúa nói:

      Chào Đức Tính,
      Ban đêm hay chỗ tăm tối, người ta mới cần đèn.
      Còn giữa ban ngày sáng trưng mà cầm cây đèn cóc, Lúa nghĩ nó không “quớt” rùi.
      Hihihi
      Lúa

  8. YMHTNh nói:

    Đời sống của loài kiến có tổ chức kỷ luật đoàn kết, yêu thương, chia sẻ qua bài học mà cô giáo dạy năm một ngàn chín trăm lâu lắm :
    Hể kiếm được mồi/ kiến tha về tổ/ Xếp thành một chỗ/ Làm của cải chung/ Đến khi đói lòng/ Cùng ăn vui sướng/Từ quân chí tướng/ một dạ như nhau/ Chẳng thấy ở đâu/ Kiến sống riêng lẻ.

    • Một Lúa nói:

      Chào Thủ lĩnh,
      Mỗi cô chú kiến sinh ra là đã mang nhiệm vụ nhất định. Do đó mà các vị tù trưởng bộ tộc kiến không cần kêu gọi tinh thần tự nguyện cho các vị trí thầy chạy, khỏi tốn hao giấy mực và tiền thưởng. Hehe
      Lúa

  9. NGUYEN TUYET nói:

    Wow ! bài thuốc dân gian hay quá chị hiền ! cái này nên phổ biến cho bà con dưới quê biết thì đở biết mấy. Đọc bài anh một Luá lần nưã cũng thấy thú vị , vui , và bổ ích , nhưng sợ quá hỏng dám bắt chước đâu.

    • Một Lúa nói:

      Chào người đẹp Phú Phụng,
      NT không cho kiến vàng cắn là đúng. Lúa mà tốt quá thì bị “lốp” (lá nhiều, ít bông hạt).
      Người mà sôi kinh nấu sử nhiều, dễ bị khét. Haha
      Lúa

  10. Hoành Châu nói:

    Tui phải tôn con KIẾNG VÀNG làm sư phụ ! ,Hể đụng vào chỗ nào là cắn ngay chỗ đó ,không .cần nói lôi thôi! . Tui ghét và. sợ nó vô cùng. Hôm nay đọc bài này lòng vẫn chưa hết sợ nhưng cái ghét có giảm một chút .

  11. Một Lúa nói:

    Chào Hoành Châu,
    Hoành Châu không cần xem kiến vàng là sư phò. Chỉ cần mỗi khi có chú kiến vàng nào bò trên tay hoặc lỡ cắn Hoành Châu (vì bản năng bảo vệ xóm làng). Xin HC nhẹ nhàng bắt kiến thả trở lại bầy, thì nông dân tụi tui cám ơn nhiều.
    Lúa

  12. Trịnh Thị Như Thuỳ nói:

    Cám ơn kiến vàng, cám ơn kiến VÀNG ! Nhờ có kiến vàng mà nhiều người được đọc một “tác phẩm” hay và bổ ích !!!

    • Một Lúa nói:

      Chào Như Thùy,
      Lúa tui lâu lâu buồn tình chọc ghẹo bà con chút chơi.
      Chuyện hay dở cũng như đẹp xấu cũng tùy theo người đối diện. Cho dù có bị trời bắt xấu mà vui vẻ hoạt bát cũng khỏa lấp được khiếm khuyết.
      Miễn vui là đạt. Chuyện bổ ít bổ nhiều không quan trọng. Hihi
      Cám ơn những lời tốt cho đám bạn tui.
      Lúa

  13. Phi Rom nói:

    Đọc bài của ML làm mình toát ra cái suy nghỉ, kiến rất nhiều loài nên nọc của chúng cũng không giống nhau, Một Lúa thì đươc truyền nọc của kiến vàng làm cho bộ não sáng lên, còn Cả Lần chắc bị kiến lửa truyền nọc nên lúc đó thi tuyển vào đệ thất cũng đậu được hạng nhì, mà từ dưới đếm lên…hi hi…
    ML ơi! PR thường thấy, ai tên Đường cũng thông minh học giỏi cả ( bằng chứng ông Trần Phước Đường, Htr Trường ĐHCT), vì những người này kiến rất thích, vì là món ngon nhất của nó, nên cũng cảnh báo những người tên Đường, 4 chưng của giường ngủ phải kê 4 chung nước…hi hi

  14. nguyenthikieutrinh nói:

    Phi Rom ơi,
    Xin lỗi hỏi nhỏ Phi Rom nha. Trong ACE mình chắc chắn ai cũng ít nhiều bị kiến nẻ cắn nên nhiều phản hồi “nẻ” quá dữ làm 7 cười…no, đỡ tốn cơm hết biết!!! hahaha…

  15. Phi Rom nói:

    Chị Kiều Trinh! PR hay bị con kiến nghiện nó cắn lắm, kiến này thua xa con kiến vàng của anh Một Lúa hì hì…

  16. Một Lúa nói:

    Kiều Trinh và Phirom,
    3 động tác cắn, bu và nẻ của kiến. Có ý nghĩa khác xa nhau dưới ánh sáng của ngôn ngữ bình dân đại chúng nghen hai người đẹp. Hehehihihuhu

  17. nguyenthikieutrinh nói:

    Anh Một Lúa ơi, thôi Anh giải thích rõ cho ACE biết phân biệt với. Cám ơn Anh Một Lúa nhiều. kt.

Trả lời Một Lúa Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác